Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

08/04/2018

Bi kịch dân chủ học đường

Phùng Hoài Ngọc

Cô giáo im lặng 4 tháng, nữ sinh tố cáo đành chạy thoát thân !

Sau khi nữ sinh lớp 11A1 Phạm Song Toàn mạnh dạn báo cáo việc cô giáo Châu im lặng không giảng bài chỉ viết bảng suốt 4 tháng tại một hội nghị Sở giáo dục. Học sinh phải tự học, tự làm bài chật vật và rất sợ cô. Mặc dù các em đã từng cầu cứu đến giáo viên chủ nhiệm nhưng mọi cố gắng đều không có kết quả. 

giaoduc1

Nữ sinh lớp 11A1 Phạm Song Toàn mạnh dạn báo cáo việc cô giáo Châu im lặng không giảng bài

Báo chí và lãnh đạo các cấp Thành phố Hồ Chí Minh vào cuộc xác minh xử lý. Công luận cả nước ồn ào sửng sốt bàn ra tán vào. 

Câu chuyện đến hôm nay tưởng như kết thúc có hậu nhưng lại là một cái kết cay đắng không ngờ. 

Tưởng cũng nên nhắc lại vài sự kiện chủ yếu của câu chuyện bi đát này. 

Cô giáo Trần Thị Minh Châu, giáo viên toán trường Trung học phổ thông Long Thới (huyện Nhà Bè) không giảng bài trên lớp suốt 4 tháng, sau khi bị truy vấn đã nhận lỗi "Tôi đã sai, tôi rất tiếc nuối". 

Trong bản tường trình với nhà trường, cô Châu giải thích, sở dĩ không giảng bài cho lớp 11A1 là "có một học sinh cũ tại đây nói bạn bè ghi âm bài giảng của cô, có gì thì tung ra đánh cô giáo". 

giaoduc2

Cô giáo "quyền lực". Ảnh : Lao Động

Giáo viên chủ nhiệm của lớp đã từng biết và tự mình cố gắng giải quyết, nhưng không thành công. GV chủ nhiệm không dám báo cáo hiệu trưởng khi sự việc đã kéo dài. 

Tại sao vậy ? Vì anh ta không tin tưởng vào quyền hạn và khả năng hiệu trưởng ? Hay vì bệnh háo thành tích muốn giấu chuyện xấu của lớp mình ? 

Ông Bùi Minh Bình hiệu trưởng nói không nắm được tình hình. 

Trong ngành giáo dục Việt Nam có thuật ngữ "học sinh khác thường" (bên Âu Mỹ cũng có loại này, gọi là "abnormal pupil"). Nói cá biệt là nhận xét thận trọng, không vội kết luận xấu hẳn, chỉ coi đó là con người dị thường. Còn người cá biệt có khi rất vô tư, không có ý xấu, hoặc do một hoàn cảnh đặc biệt nảy sinh con người cá biệt như thế. Xác định được rồi thì áp dụng biện pháp giáo dục hay điều chỉnh cũng phải mang tính đặc biệt. 

Bây giờ ngành giáo dục nước ta có lẽ phải thêm thuật ngữ mới "giáo viên khác thường" (abnormal teacher). Cô giáo dạy toán tên Châu là một "Giáo viên cá biệt", (cũng như cô giáo tiểu học bắt học sinh uống nước giẻ lau bảng). Cá biệt vì nó là rất hiếm hoi, không phổ biến tràn lan. Nó chưa mang tính bản chất của nghề nghiệp. 

Tuy nhiên, những hiện tượng cá biệt ấy khi đối diện với cộng đồng và làm bật ra những cách ứng xử thì lại mang tính bản chất. Cô giáo dạy Toán câm 4 tháng là hiện tượng cá biệt, nhưng cách ứng xử của cộng đồng quanh cô lại là hiện tượng mang bản chất xã hội đáng e sợ và cảnh giác. 

Hiệu trưởng tổ chức buổi hoà giải giữa cô giáo và học trò tại lớp. Nhìn chung buổi chuyện trò đối thoại giữa cô và trò theo chiều hướng xuê xoa dĩ hoà vi quý. Trước học sinh ghét cô, sợ cô, bây giờ nghe cô nói chuyện các em nhẹ lòng và lại thương cô. 

Nhưng cô giáo thâm niên 19 năm giảng dạy vẫn cố trách em Toàn một câu : "Tôi ước sao em Song Toàn nói với tôi thôi, chứ không phải nói trên diễn đàn Sở như vậy. Bởi điều này ảnh hưởng đến ngành giáo dục, người ta đang nhìn vào ngành". Cô giáo cố quật lại học sinh một cú đòn cuối. Cô không ngờ rằng lời trách oán này lại gây thêm hệ lụy mới. 

"Chúng em không muốn chuyện này đi quá xa, chúng em muốn tiếp tục học cô như bình thường, học tới năm sau nữa", em Lê Tuấn Thông, học sinh lớp 11A1 trường Trung học phổ thông Long Thới (Thành phố Hồ Chí Minh) bày tỏ. 

Lúng túng trước vụ việc khó ăn nói nhưng chiều 3/4, Sở Giáo dục và đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh đã phải có báo cáo gửi lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh về sự việc cô giáo Trường Trung học phổ thông Long Thới, huyện Nhà Bè. 

Trong báo cáo này, lãnh đạo Sở Giáo dục và đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh đánh giá hành vi im lặng, không giảng bài khi lên lớp của cô Trần Thị Minh Châu ảnh hưởng trực đến quyền lợi học sinh, gây bức xúc cho phụ huynh và xã hội, ảnh hưởng uy tín đội ngũ nhà giáo nên cần xử lý nghiêm. 

Ngoài ra, Sở Giáo dục và đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh cũng đánh giá nhà trường đã thiếu sót trong công tác quản lý, để sự việc xảy ra trong thời gian dài mà không phát hiện. Phía Sở Giáo dục và đào tạo sẽ xem xét trách nhiệm và xử lý hiệu trưởng sau khi có báo cáo đầy đủ từ trường và các cá nhân liên quan (Tintuc.vn 5/4/2018). 

Ông Bình, hiệu trưởng bí thư chi bộ, nói trường "đã họp chi bộ, lấy phiếu kín đề xuất hình thức kỷ luật cô Châu" (vậy ra cô Châu cũng lại là đảng viên cộng sản). 

Tuy nhiên câu chuyện chưa phải đã mang lại cái kết có hậu. Em Phạm Song Toàn rất buồn bã, suy sụp, nói với cha mẹ xin chuyển đi trường khác. 

giaoduc3

Bà Nguyễn Thị Thu, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh : 3 tháng "câm lặng là bạo hành tinh thần học sinh"

Phó chủ tịch Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Thu chủ trì họp khẩn yêu cầu Sở gấp rút chuyển em Toàn đi trường khác, dù sắp hết năm học. Có lẽ họ phòng xa một kết quả xấu bất ngờ có thể xảy ra thì lãnh đạo đổ nợ. Ý thức thường trực của giới lãnh đạo ngày nay là chạy chọt vá víu mỗi khi nghe "có chuyện". 

Vì sao hậu sự cố trở nên nghiêm trọng ? 

Gia đình cho biết, sau khi sự việc xảy ra, em Toàn đã gặp nhiều áp lực khi Nhà trường và Giáo viên cho rằng em đã "nói không đúng chỗ" trong buổi đối thoại tại Sở Giáo dục và đào tạo vừa qua, làm ảnh hưởng đến bộ mặt nhà trường. 

Bạn học xa lánh, cô lập, hắt hủi ghẻ lạnh với nữ sinh Toàn dũng cảm. 

Đám trẻ 11 A1 này đã "biết buồn" vì danh dự cô giáo dạy Toán và nhà trường bị "mất mát" hay sao ? 

Sự đời khó lường, lòng người khó ngờ. 

Tập thể lớp 11 A1 được hưởng lợi từ sự can đảm của bạn Phạm Song Toàn. Sau bốn tháng bức xúc, cực nhọc tự học và loay hoay làm bài tập không được cô gợi ý dẫn giải… Cô giáo lại giảng bài bình thường. Đám học sinh khoan khoái cất bỏ gánh nặng. Bây giờ bỗng dưng học sinh quay ra thương xót cô giáo bị rày rà và kỷ luật. Cảm xúc của họ là ảnh hưởng theo truyền thống nhân ái người Việt. Tuy nhiên, được thể, cô giáo câm 4 tháng dù đã biết sai, cô vẫn nói lời oán trách em Toàn trước lớp khiến các bạn học bỗng dưng động lòng trắc ẩn, quay ra hắt hủi thù ghét bạn Toàn. Bỗng nhiên đi đâu Toàn cũng bắt gặp những đôi mắt gườm gườm ghẻ lạnh của bạn bè. 

Hóa ra thủ phạm gây phiền toái và tổn thất cho cô giáo và nhà trường bây giờ lại là bạn nữ sinh Phạm Song Toàn can đảm ! 

Bây giờ em Phạm Song Toàn 17 tuổi cô độc trở thành con thú bị săn đuổi đến bước đường cùng bởi chính bầy đàn của mình : Bạn học và thầy cô của mình. Bầy đàn muốn "ăn thịt" thành viên đặc biệt vì nó dám nói lên sự thật, làm sứt mẻ danh dự hão của bầy đàn ! Ai đã từng nghe câu chuyện và xem bộ phim hoạt hình nổi tiếng "Con vịt xấu xí" hẳn còn nhớ. Nữ sinh Toàn đã bị biến thành con vịt xấu xí (mang màu lông khác lạ) bị đàn vịt khác màu lông tẩy chay xua đuổi. Mặc dù em đích thực là một con thiên nga lạc bầy. 

Vô số học sinh trung học vẫn còn lẫn lộn giữa tình cảm và lý trí. Ghét và yêu sớm nắng chiều mưa. 

Không ai dạy họ ý thức và truyền cảm hứng đấu tranh và tôn trọng sự thật. Không ai dạy họ kỹ năng sống. 

Thực sự học sinh 11A1 là sản phẩm trọn vẹn của nền giáo dục xã hội chủ nghĩa. 

Họ chính là thế hệ tương lai đất nước. 

Chúng sẽ xây dựng đất nước "sánh vai các cường quốc năm châu" như thế nào đây ?

Phùng Hoài Ngọc

Nguồn : VNTB, 08/04/2018

Quay lại trang chủ
Read 789 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)