Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

01/12/2018

Cảnh giác : tiểu thuyết và điện ảnh Kim Dung hay quyền lực mềm rải khắp châu Á

Phùng Hoài Ngọc

Tối ngày 30/10/2018, cả Trung Hoa Đại Lục và những người mến mộ rung động nghe tin cha đẻ của hàng loạt tác phẩm tiểu thuyết và điện ảnh chuyển thể thành phim quen thuộc nhất Châu Á qua đời.

kimdung1

Một quan điểm về Kim Dung

Truyền thông các vùng lãnh thổ tiếng Hoa bàng hoàng trước tin Kim Dung qua đời ở tuổi 94. Ông được giới hâm mộ đánh giá là "minh chủ võ lâm", "đại hiệp của các đại hiệp" trong tiểu thuyết và điện ảnh, là người có sức ảnh hưởng trong lĩnh vực văn học Trung Quốc nói riêng và cả châu Á nói chung suốt nửa sau thế kỉ 20 khó quên với một gia tài tác phẩm nghệ thuật khủng. Không ít tờ báo Việt Nam cũng đưa tin và viết bài ca tụng.

Kim Dung quả là tiểu thuyết gia có tài xuất chúng, người có sức ảnh hưởng trong lĩnh vực văn học Trung Quốc nói riêng và cả châu Á nói chung suốt nửa sau thế kỉ 20 sang đầu thế kỷ 21. Đặc biệt với một gia tài tác phẩm chuyển thể thành phim đã từng gây sốt hết lần này đến lần khác, có phim được chuyển thể đến 9 lần như Thần điêu đại hiệp. Đến tận đầu thế kỷ 21 phim chuyển thể Kim Dung vẫn tiếp tục hút khách.

Kim Dung được coi là người viết tiểu thuyết võ hiệp thành công nhất các vùng đất Hoa ngữ. Con số 300 triệu bản in (chưa tính một lượng lớn những bản in lậu) đã đến tay độc giả của Trung Hoa đại lục, Hồng Kông, Đài Loan, châu Á và đã được dịch ra các thứ tiếng Việt, Hàn, Nhật, Thái, Anh, Pháp, Indonesia. Tác phẩm của ông này đã được chuyển thể thành phim truyền hình, trò chơi điện tử.

Bỏ Trung Quốc ra đi và Kim Dung thành công

Kim Dung tên thật là Tra Lương Dung sinh ngày 6 tháng 2 năm 1924 tại tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc trong một gia tộc khoa bảng danh giá. Ông nội là Tra Văn Thanh làm tri huyện Đan Dương ở tỉnh Giang Tô.

Năm 1941, Kim Dung học Luật quốc tế tại Học viện chính trị Trung ương ở Trùng Khánh, bị đuổi học, sau chuyển sang học viện Pháp lý thuộc Đại học Đông Ngô gần đó, học tiếp về luật quốc tế.

Năm 1948, tờ Đại công báo ra phụ bản tại Hồng Kông, ông được cử sang làm việc ở đó.

Cột mốc 1949, nhà nước cộng sản Trung Hoa chiếm lãnh toàn lãnh thổ đaị lục. Và Kim Dung không quay về đại lục nữa, lập nghiệp luôn ở Hongkong, trở thành chủ báo và nhà văn nổi tiếng và ăn khách nhất châu Á (cho đến ngày Bắc Kinh trải thảm đỏ mời ông như thượng khách).

Năm 1950, trong cuộc Cải cách thổ địa do Trung Quốc tiến hành ở đại lục, gia đình ông còn ở cố hương bị quy thành phần địa chủ, cha ông bị đấu tố, từ đó ông mất liên lạc với gia đình. 

Ở Hongkong, Kim Dung làm việc tại Thư viện trung ương. Ngoài đọc sách sử học, khoa học, ông còn mê đọc những cuốn võ hiệp phương Tây như Ivanhoe, tiểu thuyết của Walter Scott, Ba người lính ngự lâm, Bá tước Monte Cristo của Alexandre Dumas (cha). Những truyện này đã ảnh hưởng mạnh mẽ và quyết định đến văn chương của ông trên nền tảng võ hiệp Nguyên, Minh, Thanh xứ sở. Tại đây ông bắt đầu sáng tác truyện võ hiệp.

Thái độ tiền hậu bất nhất của Trung Quốc và Hà Nội với Kim Dung

Ban đầu Trung Quốc ngăn chặn tác phẩm của Kim Dung không cho lọt vô đại lục.

Truyện Kim Dung tuy không chống Cộng, nhưng họ sợ truyện Kim Dung hấp dẫn hơn văn học "cách mạng", sẽ khiến tuổi trẻ mê say rồi quay lưng với văn học chính thống. (Hà Nội đương nhiên cũng chặn theo).

Thập kỷ 80 sách Kim Dung từ Hongkong xâm nhập vào đại lục, nhà cầm quyền lúc này buông thả cửa, vì họ thấy cũng có thể lợi dụng sự mê muội Kim Dung với lớp trẻ. Họ biết văn học "cách mạng" cũng hết hơi và chẳng còn tác dụng với thanh niên rồi.

Trước 1975, tiểu thuyết Kim Dung đăng báo hàng ngày Hongkong, Đài Loan và Sài Gòn.

Hà Nội sau 1975 ban đầu vẫn ngăn chặn dòng chảy Kim Dung từ Nam ra Bắc, khi thấy Trung Quốc thả giàn thì họ cũng thả theo.

Mấy chục năm ngăn chặn các loại sách ngoài luồng đã chán rồi, vả nay nhà cầm quyền Hà Nội cũng thấy không cần ngăn chặn nữa. Lãnh thổ toàn quốc nắm trọn trong tay, họ chả còn sợ gì nữa. Nói chung, tâm thế và ứng phó của nhà cầm quyền hai nước rất giống nhau. Kẻ trước người sau.

Nhà cầm quyền Trung Quốc xả cảng cho truyện và phim võ hiệp Kim Dung vào đại lục vì thấy nó có lợi nhiều mặt. Lợi rõ rệt nhất là ru ngủ thanh thiếu niên.

Nhà cầm quyền Bắc Kinh còn ve vãn thỉnh mời Kim Dung sang Đại học Bắc Kinh ; làm lễ phong tặng "Giáo sư danh dự", "Tiến sĩ danh dự". Họ không ngại "nhổ rồi lại liếm" mà quên rằng trước đó họ mở máy cho giới phê bình chửi bới Kim Dung mệt nghỉ.

Khi phong trào làm phim chuyển thể Kim Dung lên cao, Trung Quốc cũng thả cửa cho các hãng phim chạy đua chuyển thể.

Từ phim bộ ăn khách, người Hoa khai thác sang Game-online dựa trên các hình tượng nhân vật nổi tiếng trong phim.

Tháng 2 năm 2006, Kim Dung được độc giả Hoa ngữ bầu là nhà văn được yêu thích nhất Trung Quốc.

Nhà cầm quyền Trung Quốc đã nhận thấy sản phẩm Kim Dung trở thành một thứ "quyền lực mềm" chiếm lĩnh người dân hâm mộ khắp vùng châu Á nhất là khu vực đồng văn Hán tự. Chẳng những tuổi trẻ đa số mà một lớp ngừơi cao tuổi có học (chưa hẳn trí thức) cũng tìm thấy ở Kim Dung một nguồn thư giãn, vô hại để vùi đầu giết thời gian. Nhìn chung có thể nói là căn bệnh "nghiện Kim Dung" dành cho những người ưa thích chủ nghĩa cá nhân.

Truyện Kim Dung tuy xoáy vào ca tụng nhu cầu Tự do cá nhân nhưng quay mặt hoàn toàn với nhu cầu Dân chủ , mà đây mới thực là nhu cầu thời đại.

Sản phẩm truyện và phim võ hiệp Kim Dung chỉ có thể là sản phẩm trên một đất nước đa nguyên, tự do như Hongkong thuộc Anh và Đài Loan độc l ập.

Các nhà sách và nhà xuất bản Việt Nam ào ạt ăn theo, dịch và in, quảng bá rầm rộ.

Các kênh TV nước ta cũng đua nhau mua rẻ bản quyền phim bộ Kim Dung chiếu lai rai suốt hàng chục năm qua.

Họ bất kể tác hại âm thầm của loại quyền lực mềm của Kim Dung. Họ vốn đã coi thường phim cổ trang lịch sử Trung Quốc mà chiếu ròng rã vài chục năm qua thì còn tiếc gì, lo gì phim Kim Dung nữa.

Nhà cầm quyền còn bao nhiêu điều sát sườn phải lo cho sự an toàn của quyền lực thống trị. Cần chi phải lo cho an toàn văn hóa Việt !. Hình thành cả một phong trào nghiên cứu phê bình Kim Dung ở châu Á, chủ yếu là thưởng thức, tán dương.

Có thể, tiểu thuyết gia Kim Dung cũng nhận ra tác hại của phim chuyển thể. Giá trị văn học nghệ thuật ngôn từ sẽ chẳng thể đọ được với hình ảnh và xảo thuật điện ảnh và dễ bị nó đè bẹp lấn át. Ngôn ngữ điện ảnh dù ly kỳ đến đâu, anh hùng giang hồ tài năng xuất chúng cỡ nào, nhân vật nữ xinh đẹp cuốn hút tới đâu vẫn là nghèo nàn so với ngôn ngữ văn học.

Kim Dung xây dựng nên hàng loạt hình tượng anh hùng giang hồ quân tử, nghĩa hiệp, với những mỹ nhân quyến rũ, ông được mệnh danh là đại hiệp của các đại hiệp.

Công chúng say mê đắm chìm vào một thế giới trượng nghĩa, độc đáo, đậm bản sắc Hán tộc và những triết lý nhân sinh trung dung.

Mười bốn tiểu thuyết và 1 truyện ngắn lấy bối cảnh từ thế kỷ 6 đến thế kỷ 19 trên đất nước rộng lớn đầy biến động lịch sử và vô vàn bất trắc (1. Bạch mã khiếu tây phong, 2. Bích huyết kiếm, 3. Hiệp khách hành, 4. Liên thành quyết, 5. Lộc Đỉnh ký, 6. Phi hồ ngoại truyện, 7. Thiên long bát bộ. 8. Thư kiếm ân cừu lục, 9. Thần điêu hiệp lữ, 10. Tiếu ngạo giang hồ, 11. Tuyết Sơn phi hồ, 12. Uyên Ương đao, 13. Việt nữ kiếm (truyện ngắn), 14. Xạ điêu anh hùng truyện, 15. Ỷ thiên Đồ long ký).

Văn hóa Việt Nam vẫn cần thận trọng với sản phẩm Kim Dung

Việt Nam nằm sát nách Đại Hán cũng như ảnh hưởng về văn hóa - chính trị của họ quá nặng nề lâu dài nên không phải tự nhiên mà các Đài truyền hình trong nước hiện nay ưu tiên phát sóng dày đặc các bộ phim cổ trang (truyền hình nhiều tập) của Trung Quốc.

Bởi chính quyền thân Tàu xứ này họ vẫn ngầm chấp nhận gieo rắc tư tưởng phong kiến vào người Việt Nam và chỉ biết tôn sùng bái lãnh tụ.

Họ không muốn người dân ở "vùng trũng" này mở mang và hiểu về những giá trị Dân Chủ cũng như Tự do Ngôn luận của những nước văn minh phương Tây mà các quốc gia châu Á như Nhật, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore, Thái Lan, Mã Lai... đang áp dụng

Loại phim ru ngủ này thường hay ngụy biện cho sự an phận và hèn nhát khi đề cập đến việc đấu tranh cho Dân chủ cũng như quan tâm về các vấn đề chính trị của đất nước. Mặt khác, hậu quả của việc xem phim cổ trang Tàu là người Việt sẽ rành Lịch sử Trung Quốc hơn lịch sử nước nhà. Một chất men say văn hóa Hán càng ngày càng tăng nồng độ.

Kim Dung là một chương mới của văn học Trung Hoa miệt mài đề cao dân tộc của họ, với khát vọng bá chủ thế giới.

Về mặt đề cao sĩ diện cá nhân giang hồ, nghệ thuật Kim Dung chẳng những có hại cho chính dân chúng Hoa ngữ, còn có hại cho sự tiến bộ, phát triển của nhân loại. Dĩ nhiên, ở đây, chúng ta không phủ nhận những giá trị tư tưởng nền tảng của truyện Kim Dung, như : Khát vọng tự do, tính nhân văn, ca ngợi tình yêu chân chính, v.v... Tuy nhiên, tựu trung, nó vẫn tuyên truyền cho văn hóa Hán, mê hoặc dân tộc khác, lệ thuộc vào nó một cách vô hình. Như thế, người Hán vươn tay thống trị từ xa mà không cần viễn chinh cai trị. Các nước láng giềng thì vô hình trung coi mình là chư hầu, thần phục Trung Hoa mà không biết.

Văn tài Kim Dung dẫu vô tình hay cố ý vô hình trung đã xâm lăng tư tưởng, xâm lăng văn hóa sang nước khác, khiến các dân tộc đó bị nô dịch êm đềm về tư tưởng, văn hóa và thẩm mỹ Trung Hoa, không hề băn khoăn cảnh giác. 

Phùng Hoài Ngọc

Nguồn : VNTB, 01/12/2018

Quay lại trang chủ
Read 659 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)