Trung Quốc thực sự có "quyền lực mềm" ?
Như thường lệ, Le Monde giới thiệu với độc giả tình hình dịch bệnh ở nhiều quốc gia : "nghịch lý giải tỏa" tại Đức, "hiệu quả đáng gờm của các đạo quân chống virus corona tại Áo". Nhìn sang Châu Á, Le Monde dự báo nguy cơ "nô lệ hóa lao động" tại Ấn Độ do nhiều bang quyết định kéo dài thời gian làm việc của người lao động lên thành 72g/tuần. Còn về Châu Phi, Le Monde đề cập tới "tình trạng hỗn loạn" do giá dầu thô giảm.
Nghi vấn virus corona lây lan ra thế giới từ Đại hội thể thao quân đội thế giới. Vũ Hán vẫn đang để ngỏ. (Ảnh minh họa) –
Liên quan đến Trung Quốc, Le Monde phân tích "Những điều bí ẩn ở Đại hội thể thao quân đội thế giới Vũ Hán" hồi tháng 10/2019, với sự tham gia của 10.000 vận động viên quân đội từ nhiều nước, trong đó có Mỹ, Pháp, Ý, Thụy Điển… Le Monde dẫn lại một số vận động viên các nước, theo đó nhiều người có các biểu hiện mệt mỏi, sốt khác thường khi ở Vũ Hán hay sau khi về nước. Điều lạ là họ được lệnh không cung cấp thông tin cho báo chí. Nghi vấn virus corona lây lan ra thế giới từ Đại hội thể thao quân đội thế giới. Vũ Hán vẫn đang để ngỏ.
Le Monde cũng có một bài viết đáng chú ý khác : "Quyền lực mềm của Trung Quốc thất bại". Tờ báo nhận định các nỗ lực của Bắc Kinh để phát triển "ngoại giao khẩu trang" không đủ để cải thiện hình ảnh của Trung Quốc trong mắt quốc tế. Trong khi Bắc Kinh tự cao tự đại là cứu thế giới với việc xuất 28 tỉ khẩu trang đến 130 nước, hình ảnh của Trung Quốc không những không được cải thiện mà còn xấu đi.
Một bài viết mới đây của Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc có tiêu đề "Làm thế nào để đáp trả lại tốt hơn những đòn tấn công chống Trung Quốc" đã nhắc đến thái độ "thù địch" mà Bắc Kinh đã gây ra ở Châu Âu. Thậm chí một báo cáo của Trung tâm nghiên cứu an ninh nhà nước Trung Quốc còn đánh giá thái độ bài Trung Quốc chưa bao giờ dâng cao đến như vậy trên thế giới, kể từ vụ thảm sát Thiên An Môn hồi năm 1989. Reuters tiết lộ báo cáo gửi đến Tập Cận Bình không loại trừ khả năng nổ ra một cuộc xung đột vũ trang giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới Mỹ - Trung.
Ngay cả tại Châu Phi, vốn rất được ngành ngoại giao Trung Quốc chú ý, Trung Quốc cũng không tránh khỏi bị chỉ trích, nhất là tại Nigeria, vì người dân nước họ bị kỳ thị ở Trung Hoa đại lục. Theo Le Monde, một dấu hiệu khác đáng lo ngại đối với Bắc Kinh là nhiều chuyên gia người Bắc Triều Tiên và Châu Âu chuyên nghiên cứu về Trung Quốc và đã dành một phần tuổi trẻ để học tiếng Trung vì bị đất nước và nền văn hóa Trung Hoa mê hoặc, nay lại là những nhà phê bình Bắc Kinh mạnh nhất trên các mạng xã hội, cho dù hiếm khi bối cảnh thế giới thuận lợi cho Trung Quốc như trước khi xảy ra bệnh dịch : Tổng thống Hoa Kỳ không quan tâm đến vai trò quốc tế, Ấn Độ cũng thu mình, Châu Âu đang phải vật lộn với chính mình, còn Nga không còn đủ lực thực hiện các tham vọng.
Thành công mạnh mẽ về kinh tế, Trung Quốc có một mô hình phát triển có thể đề xuất ra thế giới. Bắc Kinh cũng có một "hộp công cụ" - chương trình đầu tư "Con đường tơ lụa mới" với phương tiện tài chính dồi dào. Tuy nhiên, như đại sứ Úc tại Bắc Kinh giai đoạn 2007-2011, Geoff Raby, tóm lược thì "Trung Quốc không có quyền lực mềm", chính xác hơn là Bắc Kinh không thể khiến họ có được thiện cảm hơn. Mọi người có thể ngưỡng mộ sức mạnh kinh tế và công nghệ của Trung Quốc, nhưng lại không muốn theo lối sống ở Trung Quốc và nhất là không ai muốn sống ở quốc gia này.
Theo điều tra năm 2019 của Viện Pew Research, trong số 30 quốc gia, Mỹ có cái nhìn tốt hơn về Trung Quốc so với 21 quốc gia khác. Tại Châu Á và Châu Thái Bình Dương, Trung Quốc bị xem là một mối đe dọa hơn là một đồng minh. Việc Donald Trump không được lòng người dân các nước cũng không giúp gì thêm cho Tập Cận Bình. Chỉ có người dân Nga mới đánh giá ông Tập cao hơn ông Trump. Đối với Geoff Raby, hàng tỉ đô la Bắc Kinh chi ra để cải thiện hình ảnh của Trung Quốc ở nước ngoài là một trong những sự lãng phí của công lớn nhất ở đất nước này. Các nước không thể không sợ một đất nước mà các nhà ngoại giao bị coi là những "chiến binh sói".
Điều sâu xa hơn, như chuyên gia về Trung Quốc, Nadège Rolland, thuộc Văn phòng quốc gia về nghiên cứu Châu Á, đã phát biểu trước Quốc hội Mỹ, là việc Bắc Kinh quảng bá Trung Quốc là một nền văn hóa, lịch sử và dân tộc duy nhất trên thế giới cho thấy quan điểm của họ là không có nước nào phù hợp hơn Trung Quốc để làm hình mẫu phát triển kinh tế và chính trị cho thế giới, và chỉ có Đảng cộng sản Trung Quốc mới có thể chỉ ra con đường thế giới cần đi.
Bà Anne Cheng, giáo sư Viện khoa học có uy tín của Pháp Collège de France, tác giả bài phân tích "Đại dịch và toàn cầu hóa kiểu Trung Quốc" đã nhấn mạnh là trong vòng 4 thập kỷ qua, Bắc Kinh đã thay đổi quan điểm, từ "Trung Quốc trong thế giới", đến "Trung Quốc và thế giới", và nay thì "Trung Quốc là thế giới". Bắc Kinh coi là dưới bầu trời này chỉ có duy nhất Trung Quốc. Le Monde kết luận : Khi mơ về một "thế giới Trung Hoa", Tập Cận Bình không thể điều chỉnh chế độ thích nghi với phần còn lại của thế giới.
Covid-19 – Pháp khủng hoảng kinh tế nặng nhất Châu Âu : Không phải điều tình cờ
Khác với Le Monde, báo Le Figaro hôm nay tập trung vào gánh nặng khủng hoảng mà nước Pháp phải chịu đựng.
Le Figaro chạy tựa trang nhất "Khủng hoảng kinh tế : Nước Pháp bị tác động nhiều hơn các nước khác". Do tác động của dịch bệnh, tăng trưởng quý 1/2020 của Pháp giảm 5,8%, mức giảm nhiều nhất Liên Âu, nhiều hơn so với Đức (5,2%), Ý (4,7%) và Tây Ban Nha (2%). Liên Âu dự báo kinh tế Pháp năm nay sẽ sụt giảm khoảng 8%. Theo Le Figaro, điều này chủ yếu là do các biện pháp phong tỏa chống dịch nghiêm ngặt mà chính phủ ban hành, các quy định vệ sinh y tế khi giải tỏa lại không rõ ràng khiến việc tái khởi động của các doanh nghiệp bị chậm, trợ cấp thất nghiệp bán phần lại quá hào phóng. Giới chủ doanh nghiệp Pháp hiện giờ đang lo ngại sự chậm chạp của các công ty Pháp sẽ tạo lợi thế cho các đối thủ cạnh tranh nước ngoài.
Con sóng thần Covid-19 đã quét sạch mọi thứ trên đường nó qua, đại dịch Covid-19 cũng như cú sét khủng khiếp đánh xuống cả hành tinh, để lại những hậu quả nặng nề kéo dài cho mỗi nước. Theo những ước tính ban đầu, Pháp sẽ lâm vào suy thoái kinh tế mạnh hơn, với tỉ lệ thất nghiệp cao hơn và ngân sách Nhà nước sẽ thâm thủng hơn nhiều so với các quốc gia khác. Trong bài xã luận "Đâu phải tình cờ …", Le Figaro đi tìm lý do sâu xa giải thích những vấn đề của nước Pháp. Những viễn cảnh ảm đạm không phải tình cờ mà có, chủ yếu là do đất nước đã bị gặm nhấm bởi những điều đặc biệt : trước khi xảy ra khủng hoảng Covid-19, các cuộc xung đột xã hội đã kéo dài suốt nhiều tháng, điển hình là phong trào đấu tranh Áo Vàng trong hơn 1 năm, hai đợt đình công lớn của ngành giao thông công cộng. Nước Pháp bước vào khủng hoảng trong cảnh thiếu thốn, nhưng theo Le Figaro, nước Pháp là nạn nhân của chính mình : thiếu khẩu trang, xét nghiệm, giường bệnh, máy trợ thở.
Phong tỏa đất nước, chính phủ đã áp dụng chính sách trợ cấp thất nghiệp bán phần mà Le Figaro coi là "không giống ai". Nhà nước hiện giờ đang góp phần chi trả lương cho 12 triệu lao động thuộc lĩnh vực tư nhân. Người lao động và các doanh nghiệp dĩ nhiên là thấy nhẹ nhõm hơn, nhưng hoạt động kinh tế đang bị chậm lại. Từ hai ngày nay, chính quyền mới nới lỏng các biện pháp phong tỏa, trong khi các đối thủ của Pháp đã tái khởi động ở tốc độ tối đa. Nước Pháp bước vào khủng hoảng Covid-19 trong cảnh "cạn tiền, cháy túi", và sau giai đoạn phong tỏa, nước Pháp hoàn toàn kiệt sức, với tỷ lệ nợ cao gấp rưỡi so với láng giềng Đức.
Một số người cho rằng Pháp sẽ phải trả giá cho chủ nghĩa tự do thái quá. Tuy nhiên, virus corona cũng chứng minh điều hoàn toàn ngược lại : Quốc gia "chi tiêu phóng tay" nhất và "Nhà nước hóa" mạnh nhất trong số các nền dân chủ lớn trên thế giới cũng là nước dễ bị tổn thương nhất.
Châu Á giãn cách kinh tế với Trung Quốc
Trong lĩnh vực kinh tế, báo Les Echos nói về "Hồi hương sản xuất : Giấc mơ mới của Pháp". Cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu đã mở ra những tranh luận về việc hồi hương các dây chuyền sản xuất công nghiệp về Pháp. Có rất nhiều đường hướng, nhưng Les Echos lưu ý là các khó khăn, hạn chế cũng không ít. Nhìn ra Châu Âu, Les Echos cho biết Bruxelles đang tính đến phương án hỗ trợ trực tiếp cho các doanh nghiệp chiến lược của Liên Hiệp : thành lập các quỹ hỗ trợ doanh nghiệp đối phó với khủng hoảng và nguy cơ bị nước ngoài "thôn tính".
Liên quan đến Trung Quốc, Les Echos nhận định "Các doanh nhân nước ngoài khó quay trở lại Trung Quốc". Để hạn chế các ca nhiễm bệnh mà Bắc Kinh coi là "nhập khẩu" từ ngước ngoài, ngày 28/03 Trung Quốc ra lệnh cấm người ngoại quốc đến nước này, kể cả người có giấy phép cư trú, doanh nhân, chủ doanh nghiệp có cơ sở tại Trung Quốc … Nhưng hiện giờ, để tái kích hoạt nền kinh tế, Bắc Kinh bắt đầu nới lỏng biện pháp nói trên, thảo luận với các nước Hàn Quốc, Nhật Bản, Pháp, Đức… hay bí mật thương lượng với từng doanh nghiệp đối tác lớn như Volkswagen của Đức, PSA của Pháp để các lãnh đạo và nhân viên của các tập đoàn sớm được quay trở lại Trung Quốc làm việc.
Les Echos cũng chú ý đến "Ý định của các nước Châu Á về giãn cách kinh tế với Trung Quốc". Tranh thủ cuộc khủng hoảng dịch bệnh, chính quyền nhiều nước Châu Á hy vọng thuyết phục được các doanh nghiệp ngưng phụ thuộc vào hàng "Made in China". Những nước này đã nhận thấy Trung Quốc dễ bị tổn thương và thiếu minh bạch như thế nào !
Trong số đó, Nhật Bản là nước đầu tiên đề xuất gói hỗ trợ 248 tỉ yen (2,2 tỉ euro) cho các doanh nghiệp muốn đưa các dây chuyền sản xuất từ Trung Quốc về nước. New Delhi khuyến khích các nhóm công tác kinh tế tăng cường liên hệ với các tập đoàn Mỹ đặt tại Trung Quốc để đề xuất họ chuyển sang Ấn Độ với những điều kiện ưu đãi hơn. Chính quyền Seoul cũng thành lập một nhóm công tác đặc biệt với Phòng Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc để tạo thuận lợi cho các công ty chuyển hoạt động sản xuất về nước.
Trong khi một số tập đoàn lớn của Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan còn do dự trong việc hồi hương sản xuất vì nhiều lý do kinh tế, một số doanh nghiệp đã hướng tới việc mở rộng sản xuất ở các nước Châu Á khác, nhất là Việt Nam, Indonesia và Thái Lan.
Thùy Dương
Là nơi phát xuất và từng là trung tâm dịch bịnh lây lan cho thế giới, cho dù tình hình dịch bịnh thật sự tại quốc gia này như thế nào ắt chẳng ai biết chính xác, nhưng trong những tuần qua Trung Quốc đã không ngừng tung ra một chiến dịch tuyên truyền nhằm đánh bóng và tô điểm bộ mặt của mình giữa cơn đại dịch Covid-19 hiện nay.
Cảnh chụp một công viên ở Vũ Hán ngày 30/3/2020 - AFP - Ảnh minh họa
Trên các cơ quan truyền thông chủ lực của đảng tại Hoa Lục như Tân Hoa Xã, Nhân Dân Nhật Báo và Hoàn Cầu Thời Báo..., là nhan nhản các xã luận, bản tin đại loại như "Trung Quốc giúp đỡ thế giới chống trả Covid-19", "Đoàn chuyên viên y tế đến Ý, Pakistan, Lào, Serbia, Trung Đông... giúp chống dịch" hay "Các hãng, quân đội Trung Quốc đã giúp thế giới chống dịch bịnh".... Các báo này đưa tin về tỉ phú Jack Ma của hãng Alibaba đã giúp cho Ý, Tây Ban Nha, Nhật, Hoa Kỳ, Châu Phi... hàng triệu khẩu trang và bộ thử nghiệm y tế. Rõ ràng Trung Quốc đang chứng tỏ với thế giới về lòng "hào hiệp" và "thiện chí" của mình để che lấp trách nhiệm để dịch bịnh lây lan cho cả thế giới như thế nào.
Các báo còn lồng nhiều trích dẫn đầy ngụ ý rằng, "hãy làm bạn với chúng tôi để được giúp đỡ". Trong một bài xã luận hồi tuần qua trên tờ Nhân Dân, bài báo dẫn lời bình từ "một độc giả người Ý" nào đó rằng, "Chỉ trong giai đoạn khó khăn mới biết ai là bạn thật sự. Chúng ta phải nhớ đến sự giúp đỡ của nhân dân Trung Quốc và trân trọng tình hữu nghị này". Báo đảng dường như không thay đổi trong vài chục năm qua. Cũng những câu văn quen thuộc, đầy tính tuyên truyền với người dân trong nước và lặp lại với thế giới hiện nay. Nó không ngoài một mục đích tận dụng tối đa mọi cơ hội để vun đắp cho "quyền lực mềm" của mình.
"Quyền lực mềm" (soft power) là lý thuyết được Joseph Nye, nhà tiên phong và là một nhà khoa học chính trị, từng là chủ tịch Hội Đồng An Ninh Quốc Gia và cố vấn Bộ Trưởng Quốc Phòng thời tổng thống Bill Clinton đưa ra vào đầu thập niên 90. Theo Joseph Nye, quyền lực mềm là sự quyến dụ và đồng chọn của một quốc gia, đối nghịch với sức mạnh hệ thống (hard power) qua cưỡng đặt, chế tài bằng sức mạnh và ảnh hưởng kinh tế, chính trị và quân sự của mình. Quyền lực mềm phụ thuộc và kết hợp cả ba yếu tố là văn hóa, chính trị và chính sách đối ngoại để thuyết phục và tạo thiện cảm, hợp tác từ các quốc gia khác.
Trong gần hai thập niên qua, giới lãnh đạo của Trung Quốc đã bày tỏ những ý định gia tăng quyền lực mềm của mình sau khi bị thế giới lên án về thái độ hiếp đáp, bá quyền bằng quân sự hay áp lực kinh tế, chính trị. Năm 2007, cựu chủ tịch Hồ Cẩm Đào từng khởi xướng một phong trào cổ súy văn hóa Trung Hoa để thế giới thấy một sự trỗi dậy "thân thiện và hòa bình" của quốc gia này chứ không phải là mối đe dọa với trật tự thế giới. Khi Tập Cận Bình lên nắm quyền, họ Tập thực hiện chính sách này một cách quyết đoán hơn, cả quyền lực "cứng" lẫn "mềm". Tâp chỉ đạo không che đậy từ năm 2014 rằng, "Chúng ta cần gia tăng quyền lực mềm, tạo ra những câu chuyện, thông điệp tốt đẹp đến thế giới". Theo giáo sư David Shambaugh của đại học George Washington University, ngân sách phục vụ cho mục đích này có thể đến mười tỉ đô la mỗi năm.
"Sáng kiến Vành đai và Con đường" của Trung Quốc cũng ra đời và là chiếc xe kéo cho mục đích này. Các khoản viện trợ, cho vay, dù chỉ bằng một phần nhỏ so với Hoa Kỳ và phương Tây, cũng được Trung Quốc từng bước rót cho một số quốc gia nhỏ đó đây nhằm tạo ảnh hưởng, tùy thu ộc các mối quan hệ ngoại giao song phương. Các cơ quan truyền thông của Trung Quốc mở văn phòng, tăng cường hoạt động tuyên truyền tại Hoa Kỳ và khắp thế giới. Các quảng bá về văn hóa, lịch sử Trung Hoa dưới nhiều hình thức cũng được thực hiện quy mô và có kế hoạch hơn với sự tham gia của các nghệ sĩ, tài tử tên tuổi tại Hồng Kông hay Hoa Lục.
Bất kể những nỗ lực này, hình ảnh của Trung Quốc dưới mắt người dân thế giới này càng tệ hơn. Theo số liệu từ Pew Research Center thì ngoại trừ Nga cùng một số nước Châu Phi và Trung Đông, số người không c ó thiện cảm với Trung Quốc tăng cao tại Châu Á và thế giới phương Tây. Đặc biệt với Nhật, đến 85 % người dân không thích Trung Quốc hay Thụy Điển là tỉ lệ 70 %, Canada là 67 %, Nam Hàn là 63%, Mỹ là 60 %... Ai là thủ phạm của nạn dịch hiện nay thì thế giới đã rõ, nên có tuyên truyền thế nào thì bộ mặt thật của Trung Quốc vẫn là điều thế giới đã ngày càng nhận thấy rõ hơn.
Trung Quốc đã bị ảnh hưởng nặng nề do chính Covid-19 gây ra tại chính quốc gia này trong vài tháng qua, kinh tế Trung Quốc sẽ tiếp tục còn bị đình trệ khi nguồn tiêu thụ bị gián đoạn. Mỹ và các nước phương Tây đang đối phó với dịch bịnh, sẽ không mua hàng hóa ngoại trừ khẩu trang cùng một số thiết bị và vật dụng y tế trong thời gian tới. Khoảng phân nửa nền kinh tế Hoa Lục là đến từ tiêu thụ và dịch vụ trong dân chúng, với hơn 1.4 tỉ dân, Trung Quốc không đủ khả năng để có những gói kích thích kinh tế khổng lồ giúp cho người dân, bơm vào kinh tế quốc gia qua các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, hỹ nghệ hay tiểu thương như Mỹ và phương Tây đang thực hiện. Không kể rủi ro dịch bịnh có thể tái phát tại lục địa này, Trung Quốc có thể đang thật sự lo ngại hơn là các huênh hoang, tự đắc "đã chiến thắng" như vừa qua.
Không quốc gia nào miễn nhiễm trước đại dịch Covid-19 hiện nay, chỉ quốc gia nào có nguồn tài lực to lớn để duy trì và vực dậy nền kinh tế của mình sau cơn khủng hoảng, những quốc gia đó mới chứng tỏ được quyền lực thật sự của mình. Còn cái "quyền lực mềm" mà Trung Quốc đang tận dụng và tuyên truyền trong thời gian này chỉ là lớp phấn bề ngoài nhằm che đi bộ mặt thất thần của mình mà thôi.
Đinh Yên Thảo
Nguồn : RFA, 20/04/2020
Bầu cử Đài Loan : Thất bại thấy trước của quyền lực mềm Trung Quốc
Trong bài "Đài Loan bỏ phiếu chống lại Tập Cận Bình", tác giả Pierre Haski trên L’Obs nhận xét, lần thứ hai chỉ trong vài tuần lễ, Đảng cộng sản Trung Quốc sẽ bị thua trong cuộc bầu cử dân chủ. Tất nhiên là không phải tại Hoa lục, nơi không thể có bầu cử một cách dân chủ.
Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn trong cuộc vận động tranh cử ngày 21/12/2019 tại Đài Bắc. Reuters/Tyrone Siu/File Photo
Nền dân chủ Đài Loan không hề muốn tự sát với "nhất quốc, lưỡng chế"
Tháng trước, những người trẻ đấu tranh cho dân chủ đã chiến thắng trong cuộc bầu cử địa phương ở Hồng Kông, giáng một đòn nặng nề cho các nhà lãnh đạo Bắc Kinh vẫn ngỡ rằng "đa số thầm lặng" sẽ xuất hiện sau sáu tháng xung đột ngày càng bạo lực. Ngày 11/01/2020, chính tại Đài Loan mà Bắc Kinh một lần nữa có thể sẽ gánh thêm một thất bại mới.
Đài Loan, hòn đảo chỉ có 23 triệu dân đối đầu với người khổng lồ 1,4 tỉ dân, nền kinh tế thứ nhì thế giới. Vào thời chiến tranh lạnh, cả Đài Loan lẫn Trung Quốc đều độc tài, một bên là Cộng sản, một bên thân Mỹ. Nhưng từ thập niên 90, Đài Loan đã thành công đáng kể trong việc chuyển đổi thành chế độ dân chủ, và nay trở thành một trong những xã hội tự do nhất Châu Á.
Đài Loan, đứng nhất hay nhì châu lục, tùy theo năm, trong bảng xếp hạng tự do báo chí của Phóng viên Không biên giới (RSF) ; nước Châu Á đầu tiên hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính, nhiều xu hướng dân chủ… Trong khi đó, Trung Quốc đi con đường ngược lại, với chế độ độc tài đảng trị khắc nghiệt.
Nếu hồi năm 1949, Đài Bắc muốn "tái chinh phục" lục địa đã rơi vào tay quân cộng sản, thì ngày nay Bắc Kinh muốn thu hồi Đài Loan. Cuộc bầu cử tổng thống ngày 11/01 tới sẽ là một thử nghiệm về tình cảm người dân đối với Trung Quốc, và mọi thứ đều do Tập Cận Bình mà ra.
Năm 2018, đảng Dân Tiến của bà Thái Anh Văn đã thất bại trong cuộc bầu cử địa phương, khiến cơ hội tái đắc cử nhiệm kỳ thứ hai trở nên mong manh. Nhưng đến tháng Giêng 2019, Tập Cận Bình có bài phát biểu đầy hung hăng, chỉ cho người dân Đài Loan chọn một trong hai con đường. Hoặc thống nhất hòa bình theo quy chế "một đất nước, hai chế độ" theo kiểu Hồng Kông, hoặc bằng vũ lực ! Sau bài diễn văn này, tỉ lệ ủng hộ bà Thái Anh Văn tăng trở lại.
Nhưng chính từ khi khởi đầu phong trào phản kháng ở Hồng Kông tháng 06/2019 mà nữ tổng thống mãn nhiệm trở thành khó thể đánh bại, trước đối thủ Quốc Dân đảng thân Bắc Kinh. Tại Đài Bắc, tất cả những người mà tác giả bài viết gặp gỡ đều cho biết đã quyết định bầu cho bà Thái Anh Văn khi liên tưởng đến Hồng Kông, cho dù họ có bất đồng về những chủ đề khác hay về kết quả nhiệm kỳ đầu.
Nền dân chủ Đài Loan vẫn sống động và không hề có ý định tự sát, cũng như thử nghiệm một quy chế mà người Hồng Kông đã tố cáo sự phá sản. Ông Tập Cận Bình với sự không khoan nhượng của mình rốt cuộc có thể giúp kẻ thù tái đắc cử, cho dù ông vẫn có đủ phương tiện để gây áp lực lên đảo quốc.
Cuộc bầu cử tổng thống Đài Loan sẽ củng cố thêm sự gắn bó của người dân với nền dân chủ của mình, và các cuộc thăm dò cho thấy chỉ có 10% dân Đài Loan muốn thống nhất với "mẫu quốc". Đó là dấu hiệu thất bại của quyền lực mềm Trung Quốc, và là thông điệp của những lá phiếu ngày 11/1 tới tại Đài Loan.
"Nhờ" Trung Quốc hung hăng, bà Thái Anh Văn có thể tái đắc cử
The Economist có cùng nhận định "Tổng thống vốn nghi ngại Trung Quốc, bà Thái Anh Văn có thể thắng cử lần nữa".
Tờ báo điểm lại : từ năm 2000 đến nay, đảng Dân Tiến đã thắng ba lần trong cuộc bầu cử tổng thống, Quốc Dân đảng hai lần. Còn Quốc hội thường do các phe thân Trung Quốc kiểm soát, cho đến năm 2016, lần đầu tiên Dân Tiến giành được cả ngôi vị tổng thống lẫn phe đa số trong Quốc hội.
Việc bà Thái ủng hộ người biểu tình Hồng Kông có thể làm tăng cơ may thắng cử, bên cạnh đó sự kiện Mỹ nói không với công nghệ Trung Quốc cũng mang lại thế mạnh cho bà. Các tập đoàn công nghệ Đài Loan không muốn gánh lấy rủi ro bị mất thị trường phương Tây nếu đứng về phía Bắc Kinh. Một số còn dịch chuyển sản xuất từ Hoa lục sang các nước Đông Nam Á hoặc về Đài Loan. Ít gắn bó với Trung Quốc, họ sẽ quan tâm đến Dân Tiến hơn.
Đối thủ chính của bà Thái Anh Văn là Hàn Quốc Du (Han Kuo Yu), thị trưởng Cao Hùng ; nhưng cơ hội của ông này bị giảm sút từ tháng 11/2019 khi một chính khách thân Trung Quốc khác là Tống Sở Du (James Soong), chủ tịch đảng Thân Dân ra tranh cử, có thể chia bớt phiếu của ông.
Tổng thống Thái Anh Văn thường đả kích Trung Quốc. Trong một cuộc tranh luận truyền hình, bà đọc lá thư của một thanh niên Hồng Kông : "Tôi mong người Đài Loan đừng tin Trung Quốc cộng sản, đừng rơi vào bẫy tiền của họ". Bà cũng tự hào kinh tế Đài Loan dưới thời đảng Dân Tiến đã tăng trưởng, sau khi bị suy thoái lúc Quốc Dân đảng cầm quyền trước đó.
Một số cử tri có thể không cảm thấy thuyết phục, vì tiền lương vẫn đứng nguyên một chỗ từ hai thập niên qua. Những người nghèo, người già có xu hướng ủng hộ ông Hàn Quốc Du. Ông này nhắc lại thời kỳ kinh tế bùng nổ những năm 70 và 80 với chính quyền Quốc Dân đảng, nhưng tránh nói thời đó Đài Loan dưới chế độ độc tài, độc đảng.
The Economist cảnh báo về bầu cử Quốc hội : nếu đảng Dân Tiến mất quyền kiểm soát (hiện nay đảng này chiếm 68/113 ghế), Quốc Dân đảng có thể chận các dự luật mà Bắc Kinh không ưa, như luật hôm 31/12 chống sự can thiệp của Trung Quốc. Bắc Kinh cũng tố cáo luật này nhưng cố kềm chế để tránh làm lợi cho bà Thái.
Sau khi Thái Anh Văn đắc cử năm 2016, Trung Quốc thường xuyên diễu võ dương oai, chẳng hạn cho oanh tạc cơ bay vòng quanh hòn đảo, dụ dỗ bảy đồng minh của Đài Bắc cắt đứt quan hệ. Nhưng từ giữa năm 2019 không thấy chiến đấu cơ bay sang nữa. Là người thực dụng, nếu tái đắc cử, bà Thái vẫn cố tránh xung đột quân sự. Tuy nhiên, nếu Mỹ tiếp tục củng cố mối quan hệ không chính thức với Đài Bắc, như vụ bán 66 phi cơ F-16 mới đây, tuần báo Anh cho rằng một ngày nào đó Bắc Kinh sẽ mất kiên nhẫn.
Mỹ-Trung : Cuộc chia ly quan trọng nhất thế giới đang diễn ra
Cũng về Trung Quốc nhưng trong quan hệ với Hoa Kỳ, The Economist khuyến cáo "Đừng bị lừa trước thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung" giai đoạn 1. Thỏa thuận khiêm tốn này không thể che đậy được sự rạn nứt trầm trọng nhất trong quan hệ đôi bên, kể từ khi hai ông Richard Nixon và Mao Trạch Đông bắt tay nhau cách đây nửa thế kỷ.
Mối đe dọa của một Trung Quốc độc tài, công nghệ cao đối với phương Tây là quá rõ, các công ty về trí tuệ nhân tạo Trung Quốc cũng như các gu-lắc Tân Cương là những cảnh báo cho toàn cầu.
Cội rễ có từ 20 năm trước, khi Trung Quốc được gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 2001. Người ta mong rằng Bắc Kinh sẽ tự do hóa nền kinh tế và có thể cả chính trị, hội nhập dần vào một trật tự thế giới do Mỹ lãnh đạo. Nhưng ảo vọng này đã tan tành. Phương Tây đối mặt với khủng hoảng tài chính và thu mình lại, còn Trung Quốc giàu có lên, muốn áp đặt các quy tắc cho thương mại toàn cầu, xây dựng các căn cứ quân sự ở Biển Đông, can thiệp vào cộng đồng 45 triệu người Hoa ở các nước và đe dọa những tiếng nói chỉ trích từ bên ngoài.
Tổng thống Donald Trump đáp trả bằng chính sách đối đầu được lưỡng đảng ủng hộ. Tuy nhiên, Washington vẫn chưa có được đồng thuận về mục tiêu - làm giảm thâm hụt thương mại hay rộng lớn hơn về địa chính trị, ngăn chận sự bành trướng của Trung Quốc ? Về phía Tập Cận Bình, khi thì kêu gọi tự cung tự cấp, lúc khác lại nhấn mạnh toàn cầu hóa ; trong lúc Liên Hiệp Châu Âu không chắc mình là đồng minh của Mỹ, đối tác của Trung Quốc hay siêu cường mới bắt đầu thức tỉnh.
Thỏa thuận Mỹ-Trung giai đoạn 1 vẫn giữ nguyên đa số thuế quan, tạm gác những bất đồng sâu sắc nhất để giải quyết sau. Mục đích chiến thuật của ông Trump là hỗ trợ nền kinh tế Mỹ trong năm bầu cử, còn Trung Quốc vui mừng "câu" được thêm giờ. Mỗi bên đều cố gắng hạn chế ảnh hưởng của nhau, nhưng việc này rất phức tạp, vì hai siêu cường đang bị buộc chặt vào nhau.
Đa số các dụng cụ điện tử của Mỹ được lắp ráp tại Trung Quốc, còn các công ty công nghệ Trung Quốc phụ thuộc các nhà cung cấp phương Tây đến 65% trong điện toán đám mây và 90% về chất bán dẫn. Phải mất 10-15 năm nữa, Bắc Kinh mới có thể tự chủ được về chip máy tính, và ít nhất một thập niên nữa về giao dịch ngoại hối, vì đồng nhân dân tệ chỉ mới chiếm tỉ lệ 2% trong thanh toán quốc tế.
Châu Âu đứng nhìn Nga và Thổ Nhĩ Kỳ tung hoành tại Libya
Nhìn sang Bắc Phi, bài xã luận của Le Point nhận định về "Cuộc chiến của Thổ Nhĩ Kỳ và Nga ở Libya chống lại Châu Âu". Cũng như Syria, Châu Âu đang phải đứng ngoài nhìn một thảm họa đang lan rộng, ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của mình.
Tám năm sau cái chết của Mouammar Kadhafi, Libya trở thành chiến trường của các cường quốc. Tình hình ngày càng giống với thảm kịch Syria : các thế lực trong nước không tìm được tiếng nói chung, quốc tế hóa cuộc chiến trên cơ sở Mỹ rút lui, có cùng các nhân tố nước ngoài là Moskva và Ankara - nay không ngần ngại can dự trực tiếp vào sân khấu Libya. Châu Âu phải đóng vai khán giả, trong khi Libya có tầm quan trọng hơn hẳn Syria.
Trước hết, Libya là nhà cung cấp dầu lửa, có trữ lượng lớn nhất Châu Phi. Lãnh thổ rộng lớn của nước này là điểm trung chuyển của di dân Phi Châu vào cựu lục địa, và là hậu cứ cho thánh chiến đang làm bất ổn vùng Sahel. Pháp, Anh từng đi đầu trong cuộc can thiệp quân sự của NATO vào Libya năm 2011, để cứu người dân vùng nổi dậy khỏi bị Kadhafi thảm sát, nhưng sau đó không có nỗ lực cần thiết để áp đặt một giải pháp chính trị.
Libya từ sau cuộc bầu cử 2014 nằm trong tay hai phe đối địch. Ở miền tây là chính phủ Tripoli được Liên Hiệp Quốc công nhận, được Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar ủng hộ. Còn ở miền đông là chính quyền của thống chế Khalifar Haftar, được sự hỗ trợ của Nga, Các Tiểu vương quốc ả rập thống nhất, Saudi Arabia và Ai Cập.
Ông Haftar khởi động cuộc nội chiến tháng 4/2019, tấn công Tripoli với hy vọng giành được Ngân hàng Trung ương đang rủng rỉnh tiền từ dầu lửa, làm hơn 1.000 người chết và 120.000 thường dân phải di tản. Nga làm lợi thế nghiêng về Haftar với việc điều mấy trăm lính đánh thuê của công ty tư nhân Wagner, thân cận với Putin, và mới đây cả quân đội chính quy Nga đến giúp. Thấy phe mình bị đe dọa, tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan cũng gởi quân sang.
Thổ Nhĩ Kỳ vừa ký được với Tripoli hiệp định ranh giới trên biển, dòm ngó các mỏ khí bị Hy Lạp và Chypre đòi hỏi chủ quyền. Còn Nga theo đuổi nhiều mục tiêu : đặt một chân vào phía nam Đại Tây Dương, làm suy yếu Liên Hiệp Châu Âu, kiểm soát dầu lửa Libya để khống chế nguồn năng lượng cho Châu Âu. Bảo vệ quyền lợi của mình, Ankara và Moskva có biết tránh được một cuộc xung đột tại Libya hay không ? Hai ông Erdogan và Putin sẽ gặp nhau trong tháng Giêng. Có một điều đã là chắc chắn : nếu họ thỏa thuận được với nhau, thì đều bất lợi cho Châu Âu.
Đơn giản hóa cuộc sống thực và ảo
Trên lãnh vực xã hội, hồ sơ của L’Obs cho rằng dọn dẹp đồ đạc trong các ngăn tủ, giảm bớt các cuộc hẹn hò, không vào mạng xã hội, dành thời gian cho riêng mình… là giải pháp tốt cho dịp đầu năm. Tự giải thoát khỏi những gì không cần thiết để tập trung vào những vấn đề chính yếu, đã trở thành một nghệ thuật sống.
Nhà xã hội học Razmig Keucheyan điều tra ra rằng một người Đức, và nói rộng ra là người Châu Âu, sở hữu trung bình đến 10.000 đồ vật. Thế nên không có gì đáng ngạc nhiên khi số lượng các buổi "vide-grenier" (bán lại đồ cũ) nở rộ, các kênh buôn bán những món đồ đã qua sử dụng làm ăn phát đạt : mỗi ngày có 800.000 lời rao trên trang Leboncoin của Pháp. Tuy nhiên bán ra bao nhiêu thì người ta mua lại bấy nhiêu ! Còn trong đời sống ảo, nhiều người cũng đã "thấm mệt về cuộc sống trên mạng" với vô số thông tin, tin nhắn… dồn dập hàng ngày.
Tựa chính các tuần báo
Trong tuần lễ đầu năm dương lịch, Courrier International vẫn còn nghỉ lễ. Chủ đề của L’Obs xoay quanh việc "Dọn sạch" những vật dụng không cần thiết, ngắt kết nối mạng xã hội… để đầu óc được nhẹ nhàng, tự bằng lòng với những nhu cầu tối thiểu. Le Point nói về "Những lãnh địa mà đạo Hồi đã chinh phục được", L’Express chạy tựa "Albert Camus, Thần tượng Pháp", đăng chân dung nhà văn, nhà báo nổi tiếng đã qua đời cách đây đúng 60 năm, ngày 04/01/1960 vì tai nạn xe hơi. Trang bìa The Economist đăng ảnh một quả địa cầu có hai cực, một bên có nền đỏ với sáu ngôi sao vàng, bên kia là màu cờ Mỹ với những sọc trắng đỏ và những ngôi sao nhỏ trên nền xanh, chơi chữ "Nghịch lý".
Thụy My
Tối ngày 30/10/2018, cả Trung Hoa Đại Lục và những người mến mộ rung động nghe tin cha đẻ của hàng loạt tác phẩm tiểu thuyết và điện ảnh chuyển thể thành phim quen thuộc nhất Châu Á qua đời.
Một quan điểm về Kim Dung
Truyền thông các vùng lãnh thổ tiếng Hoa bàng hoàng trước tin Kim Dung qua đời ở tuổi 94. Ông được giới hâm mộ đánh giá là "minh chủ võ lâm", "đại hiệp của các đại hiệp" trong tiểu thuyết và điện ảnh, là người có sức ảnh hưởng trong lĩnh vực văn học Trung Quốc nói riêng và cả châu Á nói chung suốt nửa sau thế kỉ 20 khó quên với một gia tài tác phẩm nghệ thuật khủng. Không ít tờ báo Việt Nam cũng đưa tin và viết bài ca tụng.
Kim Dung quả là tiểu thuyết gia có tài xuất chúng, người có sức ảnh hưởng trong lĩnh vực văn học Trung Quốc nói riêng và cả châu Á nói chung suốt nửa sau thế kỉ 20 sang đầu thế kỷ 21. Đặc biệt với một gia tài tác phẩm chuyển thể thành phim đã từng gây sốt hết lần này đến lần khác, có phim được chuyển thể đến 9 lần như Thần điêu đại hiệp. Đến tận đầu thế kỷ 21 phim chuyển thể Kim Dung vẫn tiếp tục hút khách.
Kim Dung được coi là người viết tiểu thuyết võ hiệp thành công nhất các vùng đất Hoa ngữ. Con số 300 triệu bản in (chưa tính một lượng lớn những bản in lậu) đã đến tay độc giả của Trung Hoa đại lục, Hồng Kông, Đài Loan, châu Á và đã được dịch ra các thứ tiếng Việt, Hàn, Nhật, Thái, Anh, Pháp, Indonesia. Tác phẩm của ông này đã được chuyển thể thành phim truyền hình, trò chơi điện tử.
Bỏ Trung Quốc ra đi và Kim Dung thành công
Kim Dung tên thật là Tra Lương Dung sinh ngày 6 tháng 2 năm 1924 tại tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc trong một gia tộc khoa bảng danh giá. Ông nội là Tra Văn Thanh làm tri huyện Đan Dương ở tỉnh Giang Tô.
Năm 1941, Kim Dung học Luật quốc tế tại Học viện chính trị Trung ương ở Trùng Khánh, bị đuổi học, sau chuyển sang học viện Pháp lý thuộc Đại học Đông Ngô gần đó, học tiếp về luật quốc tế.
Năm 1948, tờ Đại công báo ra phụ bản tại Hồng Kông, ông được cử sang làm việc ở đó.
Cột mốc 1949, nhà nước cộng sản Trung Hoa chiếm lãnh toàn lãnh thổ đaị lục. Và Kim Dung không quay về đại lục nữa, lập nghiệp luôn ở Hongkong, trở thành chủ báo và nhà văn nổi tiếng và ăn khách nhất châu Á (cho đến ngày Bắc Kinh trải thảm đỏ mời ông như thượng khách).
Năm 1950, trong cuộc Cải cách thổ địa do Trung Quốc tiến hành ở đại lục, gia đình ông còn ở cố hương bị quy thành phần địa chủ, cha ông bị đấu tố, từ đó ông mất liên lạc với gia đình.
Ở Hongkong, Kim Dung làm việc tại Thư viện trung ương. Ngoài đọc sách sử học, khoa học, ông còn mê đọc những cuốn võ hiệp phương Tây như Ivanhoe, tiểu thuyết của Walter Scott, Ba người lính ngự lâm, Bá tước Monte Cristo của Alexandre Dumas (cha). Những truyện này đã ảnh hưởng mạnh mẽ và quyết định đến văn chương của ông trên nền tảng võ hiệp Nguyên, Minh, Thanh xứ sở. Tại đây ông bắt đầu sáng tác truyện võ hiệp.
Thái độ tiền hậu bất nhất của Trung Quốc và Hà Nội với Kim Dung
Ban đầu Trung Quốc ngăn chặn tác phẩm của Kim Dung không cho lọt vô đại lục.
Truyện Kim Dung tuy không chống Cộng, nhưng họ sợ truyện Kim Dung hấp dẫn hơn văn học "cách mạng", sẽ khiến tuổi trẻ mê say rồi quay lưng với văn học chính thống. (Hà Nội đương nhiên cũng chặn theo).
Thập kỷ 80 sách Kim Dung từ Hongkong xâm nhập vào đại lục, nhà cầm quyền lúc này buông thả cửa, vì họ thấy cũng có thể lợi dụng sự mê muội Kim Dung với lớp trẻ. Họ biết văn học "cách mạng" cũng hết hơi và chẳng còn tác dụng với thanh niên rồi.
Trước 1975, tiểu thuyết Kim Dung đăng báo hàng ngày Hongkong, Đài Loan và Sài Gòn.
Hà Nội sau 1975 ban đầu vẫn ngăn chặn dòng chảy Kim Dung từ Nam ra Bắc, khi thấy Trung Quốc thả giàn thì họ cũng thả theo.
Mấy chục năm ngăn chặn các loại sách ngoài luồng đã chán rồi, vả nay nhà cầm quyền Hà Nội cũng thấy không cần ngăn chặn nữa. Lãnh thổ toàn quốc nắm trọn trong tay, họ chả còn sợ gì nữa. Nói chung, tâm thế và ứng phó của nhà cầm quyền hai nước rất giống nhau. Kẻ trước người sau.
Nhà cầm quyền Trung Quốc xả cảng cho truyện và phim võ hiệp Kim Dung vào đại lục vì thấy nó có lợi nhiều mặt. Lợi rõ rệt nhất là ru ngủ thanh thiếu niên.
Nhà cầm quyền Bắc Kinh còn ve vãn thỉnh mời Kim Dung sang Đại học Bắc Kinh ; làm lễ phong tặng "Giáo sư danh dự", "Tiến sĩ danh dự". Họ không ngại "nhổ rồi lại liếm" mà quên rằng trước đó họ mở máy cho giới phê bình chửi bới Kim Dung mệt nghỉ.
Khi phong trào làm phim chuyển thể Kim Dung lên cao, Trung Quốc cũng thả cửa cho các hãng phim chạy đua chuyển thể.
Từ phim bộ ăn khách, người Hoa khai thác sang Game-online dựa trên các hình tượng nhân vật nổi tiếng trong phim.
Tháng 2 năm 2006, Kim Dung được độc giả Hoa ngữ bầu là nhà văn được yêu thích nhất Trung Quốc.
Nhà cầm quyền Trung Quốc đã nhận thấy sản phẩm Kim Dung trở thành một thứ "quyền lực mềm" chiếm lĩnh người dân hâm mộ khắp vùng châu Á nhất là khu vực đồng văn Hán tự. Chẳng những tuổi trẻ đa số mà một lớp ngừơi cao tuổi có học (chưa hẳn trí thức) cũng tìm thấy ở Kim Dung một nguồn thư giãn, vô hại để vùi đầu giết thời gian. Nhìn chung có thể nói là căn bệnh "nghiện Kim Dung" dành cho những người ưa thích chủ nghĩa cá nhân.
Truyện Kim Dung tuy xoáy vào ca tụng nhu cầu Tự do cá nhân nhưng quay mặt hoàn toàn với nhu cầu Dân chủ , mà đây mới thực là nhu cầu thời đại.
Sản phẩm truyện và phim võ hiệp Kim Dung chỉ có thể là sản phẩm trên một đất nước đa nguyên, tự do như Hongkong thuộc Anh và Đài Loan độc l ập.
Các nhà sách và nhà xuất bản Việt Nam ào ạt ăn theo, dịch và in, quảng bá rầm rộ.
Các kênh TV nước ta cũng đua nhau mua rẻ bản quyền phim bộ Kim Dung chiếu lai rai suốt hàng chục năm qua.
Họ bất kể tác hại âm thầm của loại quyền lực mềm của Kim Dung. Họ vốn đã coi thường phim cổ trang lịch sử Trung Quốc mà chiếu ròng rã vài chục năm qua thì còn tiếc gì, lo gì phim Kim Dung nữa.
Nhà cầm quyền còn bao nhiêu điều sát sườn phải lo cho sự an toàn của quyền lực thống trị. Cần chi phải lo cho an toàn văn hóa Việt !. Hình thành cả một phong trào nghiên cứu phê bình Kim Dung ở châu Á, chủ yếu là thưởng thức, tán dương.
Có thể, tiểu thuyết gia Kim Dung cũng nhận ra tác hại của phim chuyển thể. Giá trị văn học nghệ thuật ngôn từ sẽ chẳng thể đọ được với hình ảnh và xảo thuật điện ảnh và dễ bị nó đè bẹp lấn át. Ngôn ngữ điện ảnh dù ly kỳ đến đâu, anh hùng giang hồ tài năng xuất chúng cỡ nào, nhân vật nữ xinh đẹp cuốn hút tới đâu vẫn là nghèo nàn so với ngôn ngữ văn học.
Kim Dung xây dựng nên hàng loạt hình tượng anh hùng giang hồ quân tử, nghĩa hiệp, với những mỹ nhân quyến rũ, ông được mệnh danh là đại hiệp của các đại hiệp.
Công chúng say mê đắm chìm vào một thế giới trượng nghĩa, độc đáo, đậm bản sắc Hán tộc và những triết lý nhân sinh trung dung.
Mười bốn tiểu thuyết và 1 truyện ngắn lấy bối cảnh từ thế kỷ 6 đến thế kỷ 19 trên đất nước rộng lớn đầy biến động lịch sử và vô vàn bất trắc (1. Bạch mã khiếu tây phong, 2. Bích huyết kiếm, 3. Hiệp khách hành, 4. Liên thành quyết, 5. Lộc Đỉnh ký, 6. Phi hồ ngoại truyện, 7. Thiên long bát bộ. 8. Thư kiếm ân cừu lục, 9. Thần điêu hiệp lữ, 10. Tiếu ngạo giang hồ, 11. Tuyết Sơn phi hồ, 12. Uyên Ương đao, 13. Việt nữ kiếm (truyện ngắn), 14. Xạ điêu anh hùng truyện, 15. Ỷ thiên Đồ long ký).
Văn hóa Việt Nam vẫn cần thận trọng với sản phẩm Kim Dung
Việt Nam nằm sát nách Đại Hán cũng như ảnh hưởng về văn hóa - chính trị của họ quá nặng nề lâu dài nên không phải tự nhiên mà các Đài truyền hình trong nước hiện nay ưu tiên phát sóng dày đặc các bộ phim cổ trang (truyền hình nhiều tập) của Trung Quốc.
Bởi chính quyền thân Tàu xứ này họ vẫn ngầm chấp nhận gieo rắc tư tưởng phong kiến vào người Việt Nam và chỉ biết tôn sùng bái lãnh tụ.
Họ không muốn người dân ở "vùng trũng" này mở mang và hiểu về những giá trị Dân Chủ cũng như Tự do Ngôn luận của những nước văn minh phương Tây mà các quốc gia châu Á như Nhật, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore, Thái Lan, Mã Lai... đang áp dụng
Loại phim ru ngủ này thường hay ngụy biện cho sự an phận và hèn nhát khi đề cập đến việc đấu tranh cho Dân chủ cũng như quan tâm về các vấn đề chính trị của đất nước. Mặt khác, hậu quả của việc xem phim cổ trang Tàu là người Việt sẽ rành Lịch sử Trung Quốc hơn lịch sử nước nhà. Một chất men say văn hóa Hán càng ngày càng tăng nồng độ.
Kim Dung là một chương mới của văn học Trung Hoa miệt mài đề cao dân tộc của họ, với khát vọng bá chủ thế giới.
Về mặt đề cao sĩ diện cá nhân giang hồ, nghệ thuật Kim Dung chẳng những có hại cho chính dân chúng Hoa ngữ, còn có hại cho sự tiến bộ, phát triển của nhân loại. Dĩ nhiên, ở đây, chúng ta không phủ nhận những giá trị tư tưởng nền tảng của truyện Kim Dung, như : Khát vọng tự do, tính nhân văn, ca ngợi tình yêu chân chính, v.v... Tuy nhiên, tựu trung, nó vẫn tuyên truyền cho văn hóa Hán, mê hoặc dân tộc khác, lệ thuộc vào nó một cách vô hình. Như thế, người Hán vươn tay thống trị từ xa mà không cần viễn chinh cai trị. Các nước láng giềng thì vô hình trung coi mình là chư hầu, thần phục Trung Hoa mà không biết.
Văn tài Kim Dung dẫu vô tình hay cố ý vô hình trung đã xâm lăng tư tưởng, xâm lăng văn hóa sang nước khác, khiến các dân tộc đó bị nô dịch êm đềm về tư tưởng, văn hóa và thẩm mỹ Trung Hoa, không hề băn khoăn cảnh giác.
Phùng Hoài Ngọc
Nguồn : VNTB, 01/12/2018
Brigitte Macron, "quyền lực mềm" bổ trợ tổng thống Pháp
Không có vị trí "Đệ nhất phu nhân" chính thức như tại Mỹ, nhưng bà Brigitte Macron thường xuất hiện bên chồng trong những sự kiện quan trọng. Tuy nhiên, bà có thời gian biểu độc lập với lịch làm việc của tổng thống Pháp.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và phu nhân Melania Trump tiếp đồng nhiệm Pháp Emmanuel Macron và phu nhân Brigitte đến dự dạ tiệc tại Nhà Trắng ngày 24/04/2018. Reuters/Brian Snyder
Tuần báo L’Express (14-20/11/2018) dành riêng mục "Hồ sơ" để nói về "Vai trò của Brigitte Macron".
Điểm tín nhiệm của bà Brigitte Macron cao hơn cả người chồng là tổng thống Pháp. Theo một thăm dò của Harris Interactive, công bố trong tạp chí VSD, 62% người được hỏi cho rằng bà là một quân chủ bài cho tổng thống Macron. Khắp nơi bà đến, mọi người thường xuyên nói với đệ nhất phu nhân : "Hãy nói với chồng bà…" (Dites à votre mari…) với mong muốn bà truyền tải thông điệp đến tổng thống. Bà hài hước cho rằng đây sẽ là tiêu đề của cuốn hồi ký nếu một ngày nào đó bà bắt tay vào viết.
Ba lĩnh vực được Brigitte Macron quan tâm nhất là người tàn tật, sức khỏe tinh thần và bạo lực đối với trẻ em. Nhưng bà không muốn làm phiền bất kỳ Bộ trưởng phụ trách lĩnh vực mà bà quan tâm, cũng như chính người chồng của mình. Vì vậy, bà có lịch làm việc riêng, do chính bà lập nên dựa trên thư từ nhận được (khoảng 73.000 thư hàng năm), và chỉ công bố một tháng sau đó.
Có nghĩa là mọi hoạt động của Brigitte Macron đều nằm ngoài ống kính truyền thông. L’Express liệt kê nhiều trường hợp, qua lời kể của những người trong cuộc, như bà đến thăm trẻ em được điều trị ở bệnh viện nhi Necker, không máy quay phim, không micro thu âm, thậm chí nhiếp ảnh gia của bệnh viện cũng không được mời ; gặp trẻ bị tự kỷ ở bệnh viện Rouen ; hoạt động thể thao của trẻ em, hỗ trợ nhiều hiệp hội giúp đỡ trẻ em tàn tật…
Khắp nơi bà đến, mọi người đều giữ những hình ảnh đẹp về phu nhân tổng thống Pháp, "một người rất tự nhiên, rất thẳng thắn và có thể cười đùa được với bà". Tuy nhiên, bà tránh những vụ liên quan đến tư pháp, dù nạn nhân có thể là một em nhỏ, vì không muốn tác động đến quá trình điều tra.
Với người chồng được bầu làm tổng thống Pháp, Brigitte Macron lo lắng cho ông nên bà luôn nói thẳng, thể hiện rõ bất đồng. Khi tổng thống Pháp so sánh chế độ thực dân là "một tội ác chống nhân loại", bà nói thẳng phát biểu của tổng thống "là điều ngốc" ; bà không vỗ tay khi tổng thống Pháp gay gắt phát biểu hôm 24/07/2018 với vẻ thách thức công luận trong cơn bão cố vấn an ninh riêng Alexandre Benalla lạm quyền… Cuộc khủng hoảng chính trị, tiếp theo là Bộ trưởng nội vụ Collomb từ chức, gây sóng gió trong gia đình tổng thống. Theo một số nguồn tin, Brigitte Macron tức giận, từ chối theo tổng thống Pháp đến Liên Hiệp Quốc vào tháng Chín, lớn tiếng với ông.
Khi tổng thống phạm một sai lầm, những người thân cận tìm cách "nắn lại" phát biểu của tổng thống, nhưng Brigitte Macron không vòng vo, luôn dùng những từ rất đơn giản : "Không được !" (Ça ne va pas !). Quan điểm của bà rất quan trọng đối với tổng thống Pháp. Thỉnh thoảng, trong một số bữa tối của đảng Cộng Hòa Tiến Bước (LREM), bà đến dự, quan sát, lắng nghe và đưa ra ý kiến. Bà luôn là người đọc lại diễn văn của tổng thống.
Bà khoanh "không gian riêng" dành cho gia đình, nhưng cũng là người trau chuốt hình ảnh của một cặp vợ chồng tổng thống hiện đại với những buổi "paparazzi thỏa thuận" chụp hình vợ chồng tổng thống tay trong tay, tươi cười, đi dạo ở Touquet, Honfleur, Biarritz, La Mongie…
Brigitte Macron : Đệ nhất phu nhân đặc biệt
Trả lời tuần báo L’Express, nhà văn kiêm nhà báo Bertrand Meyer-Stabley, tác giả cuốn Những phu nhân của điện Elysée (Les Dames de l’Elysée, dự kiến phát hành tháng 05/2019), nhận xét Brigitte Macron có vẻ hạnh phúc ở phủ tổng thống vì không phải đệ nhất phu nhân nào cũng cảm thấy thoải mái với cuộc sống trong điện Elysée.
Đó chính là nhờ khả năng luôn lạc quan trong mọi hoàn cảnh của bà. Gia đình Macron luôn thu hút sự tò mò từ truyền thông và công chúng, vì khoảng cách tuổi tác, vì trang phục, hình dáng mảnh khảnh của đệ nhất phu nhân. Báo chí Anh viết nhiều bài về Brigitte hơn cả về Emmanuel.
Bà biết cách cân bằng cuộc sống giữa công và tư : Tất cả chiều thứ Tư và thứ Sáu hàng tuần, bà luôn giành thời gian cho gia đình và các cháu. Để giữ được thân hình gọn gàng, bà theo chế độ ăn nhiều rau quả, bà tập xe đạp trong phòng mỗi ngày một giờ, tập cơ và đôi khi với chiếc mũ len to trùm đầu, bà dắt chú chó cưng rảo bước đi dạo bên ngoài điện Elysée.
Theo L'Express, Brigitte Macron là phần bổ trợ cho tổng thống Pháp : giữa một bên toát vẻ tự nhiên, thân ái với bên kia luôn nghiêm trang, hơi có vẻ lạnh lẽo. Nhà văn Bertrand Meyer-Stabley cho rằng Brigitte Macron là một đệ nhất phu nhân có một không hai, một nhân vật hoàn toàn khác trong đời sống chính trị Pháp.
Sức mua của người dân Pháp : Ai thiệt ? Ai được ?
Tương tự L’Express, thời sự Pháp là sự kiện chính của hai tuần báo Le Point và L’Obs. L’Obs đặt câu hỏi trên trang nhất : "Sức mua : Ai mất ? Ai được ?" cùng với hình ảnh tổng thống Pháp tay cầm vòi bơm xăng, nhằm nhắc đến phong trào "áo phản quang vàng" (gilet jaune) phản đối tăng thuế xăng dầu, diễn ra trên khắp nước Pháp vào thứ Bẩy 17/11.
Ngoài chân dung và nhận định của 9 người, từ chủ doanh nghiệp đến người nghỉ hưu, nhân viên, L'Obs đăng thống kê của Viện Chính sách Công, bộ Tài Chính Pháp, về tác động của các biện pháp của chính phủ đối với thu nhập sau khi đã đóng thuế và trừ các khoản đóng góp xã hội.
Theo đó, với việc tăng thuế xăng dầu và thuốc lá, giảm hệ số của một số loại trợ cấp, 23% hộ gia đình nghèo nhất (khoảng 14.266 euro/năm/người độc thân - hơn 29.958 euro/năm/gia đình có hai con) là những người bị thiệt. Sức mua của tầng lớp trung lưu tăng thêm 1% nhờ giảm thuế gia cư và một số đóng góp của người lao động.
Sức mua của khoảng 21% người giầu hơn (thu nhập hơn 29.920 euro/năm/người độc thân - hơn 62.850 euro/năm/gia đình) bị giảm nhẹ, chưa đến 1% do không nằm trong diện được giảm thuế gia cư và đối với người nghỉ hưu là dó tăng mức đóng góp xã hội phổ quát và giảm phụ cấp. Được lợi nhất là 1% số người giầu nhất Pháp (thu nhập 140.397 euro/năm/người độc thân - 294.833 euro/năm/gia đình) với sức mua tăng hơn 6%.
Theo nhà xã hội học Alexis Spire, "những người biểu tình (vào thứ Bẩy 17/11) có cảm giác bị lãng quên". Chính phủ đã không dự đoán được làn sóng giận dữ này vì đối tượng được hưởng giảm thuế gia cư và chịu mức tăng thuế xăng dầu không giống nhau. Trên thực tế, người nghèo không phải nộp thuế gia cư, và giờ chịu thêm mức tăng thuế xăng dầu nên dĩ nhiên, sức mua của họ giảm.
An ninh Pháp : Những điều mà các Bộ trưởng nội vụ không dám nói
Le Point đề cập đến tình hình an ninh tại Pháp : mafia, Hồi Giáo cực đoan, buôn bán ma túy… "Những điều mà các bộ trưởng nội vụ không dám nói".
Khi trao đổi với thủ tướng Edouard Philippe ngày 03/10/2018, Bộ trưởng nội vụ lúc đó là Gerard Collomb phải thừa nhận : "Luật của những kẻ mạnh hơn được áp đặt, đó là những kẻ buôn bán ma túy, Hồi Giáo cực đoan". Phát biểu này, với những từ đã rất được cân nhắc, cho thấy phần nào tình trạng bạo lực tại Pháp, đặc biệt là ở miền Nam và sự thất bại trên thực tế, dù "chống các băng đảng ma túy là mục tiêu ưu tiên của lực lượng cảnh sát", theo quốc vụ khanh Laurent Nunez, trợ lý của Bộ trưởng nội vụ Christophe Castaner.
Phóng sự của Le Point lần lượt đề cập đến những tuyến vận chuyển ma túy để thâm nhập vào các thành phố cỡ trung, hầu hết trên khắp nước Pháp, trừ miền trung, dầy đặc ở miền bắc, quanh vùng Paris và ở miền nam. Hàng năm, tại Pháp, lượng tiêu thụ cocain dao động từ 8,7 đến 21 tấn và khoảng 300 tấn canabis.
Ma túy được đưa vào Pháp qua đường biển, như vụ phát hiện 752 kg cocain chứa, giấu trong các túi thể thao, gửi từ Nam Phi, ở cảng Le Havre (tây bắc) ngày 14/09. Hiện tượng mới là vận chuyển cocain qua đường hàng không từ Guyane, tỉnh hải ngoại của Pháp ở Nam Mỹ, qua các túi nhỏ nén chặt và được nuốt vào dạ dầy.
Tình trạng tội phạm thứ hai mà cảnh sát phải đối mặt là mafia đến từ miền nam Balkan, đặc biệt là Albania. Trả lời tuần báo Le Point, một chuyên gia về tình trạng tội phạm có tổ chức, nhận xét : "Rất nhiều băng đảng tội phạm có tổ chức gốc Đông Âu xuất hiện ngày càng nhiều trên khắp nước Pháp", chủ yếu ăn trộm, buôn bán ma túy, mại dâm, giúp nhập cư bất hợp pháp… Từ năm 2011, số người Albanian thụ án trong các nhà tù tại Pháp đã tăng hơn 600%.
Tình trạng bạo lực giữa các băng đảng thanh thiếu niên cũng khiến cảnh sát đau đầu. Chỉ vì ánh nhìn, bảo vệ danh tiếng, đố kỵ, vì một cô gái… là những nguyên nhân chủ yếu của các vụ ẩu đả, đâm chém nhau. Năm 2017, chỉ có một người chết trong các vụ ẩu đả, con số này lên đến 10 người chỉ tính đến cuối tháng 10/2018.
Một thế giới bị chia rẽ qua lễ kỷ niệm 11/11 tại Paris
Trở lại sự kiện lễ kỷ niệm 100 năm kết thúc Thế Chiến I tại Paris, xã luận của Washington Post, được Courrier international trích dịch, nhận định : "Ngày 11/11 : Biểu tượng của một thế giới bị chia rẽ" qua hình ảnh một tổng thống Mỹ đến Khải Hoàn Môn riêng lẻ, một tổng thống Nga đến trễ trong khi những khách mời còn lại cùng đi xe ca đến Champs-Elysées và cùng đi bộ trên đại lộ, tiến về Khải Hoàn Môn. Với New York Times, "Macron-Trump : Mối tình đã hết".
Mối nguy hiểm thực sự của trí thông minh nhân tạo
Trí thông minh nhân tạo dịch sách, vẽ tranh… nhưng ẩn sau là những mối nguy hiểm nghiêm trọng. Chủ đề này được cả L’Obs và L’Express cùng quan tâm.
Trả lời phỏng vấn của L’Obs, nhà nghiên cứu Canada Yoshua Bengio, người tiên phong của deep learning (Học sâu), bày tỏ quan ngại về vai trò của trí thông minh nhân tạo trong các lĩnh vực kiểm soát xã hội (camera theo dõi được áp dụng ở Trung Quốc, vũ khí (thiết bị bay không người lái), làm tăng thất nghiệp (robot thay thế con người)… Theo ông, "mỗi người trong chúng ta cần phải suy nghĩ để luật rừng không được áp dụng".
L’Express đề cập đến lo ngại của các chính phủ, ngân hàng và truyền thông trước tình trạng rất nhiều video bị chỉnh sửa không đúng sự thật nhờ trí thông minh nhân tạo, tràn lan trên internet. Theo L’Express, đây có thể là những vũ khí mới gây bất ổn chính trị.
Thu Hằng