Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

20/04/2020

Chiến dịch gia tăng quyền lực mềm của Trung Quốc giữa cơn đại dịch

Đinh Yên Thảo

Là nơi phát xuất và từng là trung tâm dịch bịnh lây lan cho thế giới, cho dù tình hình dịch bịnh thật sự tại quốc gia này như thế nào ắt chẳng ai biết chính xác, nhưng trong những tuần qua Trung Quốc đã không ngừng tung ra một chiến dịch tuyên truyền nhằm đánh bóng và tô điểm bộ mặt của mình giữa cơn đại dịch Covid-19 hiện nay.

soft1

Cảnh chụp một công viên ở Vũ Hán ngày 30/3/2020 - AFP - Ảnh minh họa

Trên các cơ quan truyền thông chủ lực của đảng tại Hoa Lục như Tân Hoa Xã, Nhân Dân Nhật Báo và Hoàn Cầu Thời Báo..., là nhan nhản các xã luận, bản tin đại loại như "Trung Quốc giúp đỡ thế giới chống trả Covid-19", "Đoàn chuyên viên y tế đến Ý, Pakistan, Lào, Serbia, Trung Đông... giúp chống dịch" hay "Các hãng, quân đội Trung Quốc đã giúp thế giới chống dịch bịnh".... Các báo này đưa tin về tỉ phú Jack Ma của hãng Alibaba đã giúp cho Ý, Tây Ban Nha, Nhật, Hoa Kỳ, Châu Phi... hàng triệu khẩu trang và bộ thử nghiệm y tế. Rõ ràng Trung Quốc đang chứng tỏ với thế giới về lòng "hào hiệp" và "thiện chí" của mình để che lấp trách nhiệm để dịch bịnh lây lan cho cả thế giới như thế nào.

Các báo còn lồng nhiều trích dẫn đầy ngụ ý rằng, "hãy làm bạn với chúng tôi để được giúp đỡ". Trong một bài xã luận hồi tuần qua trên tờ Nhân Dân, bài báo dẫn lời bình từ "một độc giả người Ý" nào đó rằng, "Chỉ trong giai đoạn khó khăn mới biết ai là bạn thật sự. Chúng ta phải nhớ đến sự giúp đỡ của nhân dân Trung Quốc và trân trọng tình hữu nghị này". Báo đảng dường như không thay đổi trong vài chục năm qua. Cũng những câu văn quen thuộc, đầy tính tuyên truyền với người dân trong nước và lặp lại với thế giới hiện nay. Nó không ngoài một mục đích tận dụng tối đa mọi cơ hội để vun đắp cho "quyền lực mềm" của mình.

"Quyền lực mềm" (soft power) là lý thuyết được Joseph Nye, nhà tiên phong và là một nhà khoa học chính trị, từng là chủ tịch Hội Đồng An Ninh Quốc Gia và cố vấn Bộ Trưởng Quốc Phòng thời tổng thống Bill Clinton đưa ra vào đầu thập niên 90. Theo Joseph Nye, quyền lực mềm là sự quyến dụ và đồng chọn của một quốc gia, đối nghịch với sức mạnh hệ thống (hard power) qua cưỡng đặt, chế tài bằng sức mạnh và ảnh hưởng kinh tế, chính trị và quân sự của mình. Quyền lực mềm phụ thuộc và kết hợp cả ba yếu tố là văn hóa, chính trị và chính sách đối ngoại để thuyết phục và tạo thiện cảm, hợp tác từ các quốc gia khác.

Trong gần hai thập niên qua, giới lãnh đạo của Trung Quốc đã bày tỏ những ý định gia tăng quyền lực mềm của mình sau khi bị thế giới lên án về thái độ hiếp đáp, bá quyền bằng quân sự hay áp lực kinh tế, chính trị. Năm 2007, cựu chủ tịch Hồ Cẩm Đào từng khởi xướng một phong trào cổ súy văn hóa Trung Hoa để thế giới thấy một sự trỗi dậy "thân thiện và hòa bình" của quốc gia này chứ không phải là mối đe dọa với trật tự thế giới. Khi Tập Cận Bình lên nắm quyền, họ Tập thực hiện chính sách này một cách quyết đoán hơn, cả quyền lực "cứng" lẫn "mềm". Tâp chỉ đạo không che đậy từ năm 2014 rằng, "Chúng ta cần gia tăng quyền lực mềm, tạo ra những câu chuyện, thông điệp tốt đẹp đến thế giới". Theo giáo sư David Shambaugh của đại học George Washington University, ngân sách phục vụ cho mục đích này có thể đến mười tỉ đô la mỗi năm.

"Sáng kiến Vành đai và Con đường" của Trung Quốc cũng ra đời và là chiếc xe kéo cho mục đích này. Các khoản viện trợ, cho vay, dù chỉ bằng một phần nhỏ so với Hoa Kỳ và phương Tây, cũng được Trung Quốc từng bước rót cho một số quốc gia nhỏ đó đây nhằm tạo ảnh hưởng, tùy thu ộc các mối quan hệ ngoại giao song phương. Các cơ quan truyền thông của Trung Quốc mở văn phòng, tăng cường hoạt động tuyên truyền tại Hoa Kỳ và khắp thế giới. Các quảng bá về văn hóa, lịch sử Trung Hoa dưới nhiều hình thức cũng được thực hiện quy mô và có kế hoạch hơn với sự tham gia của các nghệ sĩ, tài tử tên tuổi tại Hồng Kông hay Hoa Lục.

Bất kể những nỗ lực này, hình ảnh của Trung Quốc dưới mắt người dân thế giới này càng tệ hơn. Theo số liệu từ Pew Research Center thì ngoại trừ Nga cùng một số nước Châu Phi và Trung Đông, số người không c ó thiện cảm với Trung Quốc tăng cao tại Châu Á và thế giới phương Tây. Đặc biệt với Nhật, đến 85 % người dân không thích Trung Quốc hay Thụy Điển là tỉ lệ 70 %, Canada là 67 %, Nam Hàn là 63%, Mỹ là 60 %... Ai là thủ phạm của nạn dịch hiện nay thì thế giới đã rõ, nên có tuyên truyền thế nào thì bộ mặt thật của Trung Quốc vẫn là điều thế giới đã ngày càng nhận thấy rõ hơn.

Trung Quốc đã bị ảnh hưởng nặng nề do chính Covid-19 gây ra tại chính quốc gia này trong vài tháng qua, kinh tế Trung Quốc sẽ tiếp tục còn bị đình trệ khi nguồn tiêu thụ bị gián đoạn. Mỹ và các nước phương Tây đang đối phó với dịch bịnh, sẽ không mua hàng hóa ngoại trừ khẩu trang cùng một số thiết bị và vật dụng y tế trong thời gian tới. Khoảng phân nửa nền kinh tế Hoa Lục là đến từ tiêu thụ và dịch vụ trong dân chúng, với hơn 1.4 tỉ dân, Trung Quốc không đủ khả năng để có những gói kích thích kinh tế khổng lồ giúp cho người dân, bơm vào kinh tế quốc gia qua các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, hỹ nghệ hay tiểu thương như Mỹ và phương Tây đang thực hiện. Không kể rủi ro dịch bịnh có thể tái phát tại lục địa này, Trung Quốc có thể đang thật sự lo ngại hơn là các huênh hoang, tự đắc "đã chiến thắng" như vừa qua.

Không quốc gia nào miễn nhiễm trước đại dịch Covid-19 hiện nay, chỉ quốc gia nào có nguồn tài lực to lớn để duy trì và vực dậy nền kinh tế của mình sau cơn khủng hoảng, những quốc gia đó mới chứng tỏ được quyền lực thật sự của mình. Còn cái "quyền lực mềm" mà Trung Quốc đang tận dụng và tuyên truyền trong thời gian này chỉ là lớp phấn bề ngoài nhằm che đi bộ mặt thất thần của mình mà thôi.

Đinh Yên Thảo

Nguồn : RFA, 20/04/2020

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Đinh Yên Thảo
Read 498 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)