Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

22/08/2018

Văn chương thiếu máu yếu ớt về đề tài "Cách Mạng Tháng 8"

Phùng Hoài Ngọc

Năm trước tôi đã viết bàn luận về "Huế tháng Tám", bài thơ duy nhất do Tố Hữu viết ngay sau khi sự biến xảy ra. Bài đã đăng trên VNTB. Tóm tắt trong vài chữ "Tố Hữu tưởng tượng ra một viễn cảnh tương la từ gợi ý sâu xa của học thuyết Mác-Lê, anh ta phát điên và gào lên theo thể thơ Mới". Cảm hứng chủ đạo của bài thơ là "cơn- điên- quyền - lực- bộc- phát" (1).

cmt81

Đoàn người biểu tình ngày 19 tháng 8 năm 1945 trước cửa Bắc Bộ phủ.

Bữa nay bàn tiếp về vài sáng tác khác viết sau sự kiện, số lượng vừa ít ỏi, cảm xúc gượng gạo, qua loa, lầm lẫn cố tình gây nhiễu về đề tài Cách Mạng Tháng 8.

Nào hãy đọc bài thơ "Đất Nước" của Nguyễn Đình Thi viết về "cách mạng tháng Tám".

"Súng nổ rung trời giận dữ

Người lên như nước vỡ bờ

Nước Việt Nam từ máu lửa

Rũ bùn đứng dậy sáng lòa".

(nháp 1948, hoàn thành 1955, xuất bản trong tập Người chiến sĩ, Nhà xuất bản Văn nghệ, 1956)

Thực tế "Ngày Cách Mạng Tháng 8" không có tiếng súng nổ nào cả, không cả la hét giận dữ. Thiên hạ chỉ ngỡ ngàng ngạc nhiên và "cuốn theo chiều gió" thôi.

Ông nhà thơ đại tá Chính Hữu viết bài "Ngày về" :

"Nhớ đêm ra đi, đất trời bốc lửa

Cả kinh thành nghi ngút cháy sau lưng

Những chàng trai chưa trắng nợ anh hùng

Hồn mười phương phất phơ cờ đỏ thắm.

Rách tả tơi rồi đôi giày vạn dặm

Bụi trường chinh phai bạc áo hào hoa"

Thực tế là, Hà Nội không tự đốt cháy mình bao giờ. Chính Hữu đã copy cảnh nhân dân thành phố Matskva đốt cháy thành phố của họ rồi rút chạy trước khi quân Napoleon kéo vào chiếm đóng (theo tiểu thuyết Chiến tranh và Hòa bình - Lev Tolsoi).

Kim Lân và truyện ngắn "Vợ nhặt"

Với truyện ngắn "Vợ nhặt" tiền thân là tiểu thuyết "Xóm ngụ cư", nhà văn Kim Lân viết về nạn đói cuối 1944, đầu năm 1945 để khẳng định sức sống và tình yêu của người cùng khổ. Không liên quan đến Cách Mạng Tháng 8. Truyện ngắn in trong tập "Con chó xấu xí" (xuất bản 1962). Truyện ngắn thì được viết sau khi "Cách mạng tháng Tám" xảy ra. Do vậy Kim Lân đã thêm tý đuôi bẻ ngoắt cho hợp thời thế.

Năm 1945, nạn đói khủng khiếp xảy ra khắp nơi, người chết như rạ. Tràng là một người xấu xí thô kệch, ế vợ, sống ở xóm ngụ cư. Tràng kéo xe bò thuê và sống với một mẹ già. Một lần kéo xe thóc Liên đoàn lên tỉnh, Tràng đã quen với một cô gái bốc vác. Vài ngày sau gặp lại, Tràng không còn nhận ra cô gái ấy bởi vẻ tiều tụy, đói rách làm cô đã khác đi rất nhiều. Tràng đã mời cô gái một bữa ăn, cô gái liền ăn một lúc bốn bát bánh đúc. Sau một câu nói nửa thật, nửa đùa, cô gái đã theo anh về nhà làm vợ.

Bà cụ Tứ mẹ Tràng đón nhận người con vừa buồn vừa mừng, vừa lo âu, vừa hi vọng nhưng không hề tỏ ra rẻ rúng người phụ nữ đã theo không con mình. Trước cảnh ấy, Tràng cảm thấy mình gắn bó và có trách nhiệm với cái nhà của mình và thấy mình nên người, người vợ đúng là một phụ nữ hiền hậu đúng mực dù nghèo khổ. Bà cụ Tứ đãi hai con vài bát cháo loãng và một nồi chè cám. Qua lời kể của người vợ về chuyện phá kho thóc Nhật, Tràng dần dần nhớ hai chữ "Việt Minh" và trong óc Tràng hiện lên hình ảnh đám người đói kéo nhau đi phá kho thóc Nhật, phía trước là một lá cờ đỏ bay phấp phới.

"Im lặng một lúc, thị lại tiếp :

- Trên mạn Thái Nguyên, Bắc Giang người ta không chiụ đóng thuế nữa đâu. Người ta còn phá cả kho thóc của Nhật chia cho người đói nữa đấy.

Tràng thần mặt ra nghĩ ngợi,cái mặt to lớn bặm lại, khó đăm đăm.

Miếng cám ngậm trong miệng hắn bã ra, chát xít…".

Quân Nhật hoang mang chỉ còn đóng trại chờ ngày thi hành hiệp định rút về nước. Kho thóc đóng cửa để đó, lính canh giữ trễ nải. Dân đói thì phải đi phá kho thóc. Đó là lẽ tự nhiên sống còn của con người lâm vào bước đường cùng. Chẳng có cái gì gọi là yêu nước hay là giác ngộ cách mạng. Những người viết sử và viết chính trị sau này cố tình bôi son trát phấn lên sự kiện để "giáo dục" dân chúng, nhất là thế hệ trẻ sinh sau chẳng biết gì lại còn bị bưng bít thông tin.

Hai mươi năm sau Cách Mạng Tháng 8, Chế Lan Viên viết :

"Rồng năm móng vua quan thành bụi đất

Mỗi trang thơ đều dội tiếng ta cười !"

Chế độ phong kiến nhà Nguyễn dù gì cũng xây dựng đất nước mấy trăm năm, đã có công lao khai phá miền Nam rõ ràng. Nhà thơ sỉ mắng "vua quan nhà Nguyễn thành bụi đất"- - một câu thơ thô lỗ, bất nhân, bạo lực, ăn cháo đá bát. Lịch sử không bao giờ "chết", sao lại có thể trở thành bụi đất ? Chế viết một câu thơ của người nông dân mù chữ.

Còn sau đây là câu thơ lộng ngôn, hỗn hào nhất với tổ tiên dân tộc, phi lý nhất về quan niệm lịch sử... Nhớ hồi xưa chẳng có thầy giáo Văn hay nhà phê bình nào bình giảng được câu thơ dưới đây :

"Có phải cha ông đến sớm chăng và cháu con thì lại muộn

Dẫu có bay giữa trăng sao cũng tiếc không được sống phút bây giờ

Buổi đất nước của Hùng Vương có Đảng".

Một câu văn viết theo thể điều kiện (conditional) ngớ ngẩn, uốn éo "cha ông đến sớm" tức là mắc lỗi "sinh ra sớm quá", và "con cháu đến muộn" thì thực ngớ ngẩn khó tả.

Câu thứ 3 thì nịnh hót trơ tráo vô cùng "buổi Hùng vương có đảng".

Thương ôi một thế hệ trí thức văn nghệ sĩ bại hoại, rồi nhiều thế hệ suy thoái nhân cách, không thể ngờ được !

Nhét "Cách Mạng Tháng 8" vào tiểu thuyết "Vỡ bờ"

Nhà văn Nguyễn Đình Thi cố nhét "Cách Mạng Tháng 8" vào tiểu thuyết "Vỡ bờ".

"Vỡ bờ" tạm coi là bộ tiểu thuyết sử thi bề thế, gồm 2 tập, dày tới trên ngàn trang in, nội dung đề cập tới cuộc sống, đấu tranh của quần chúng lao động dưới sự giác ngộ, dìu dắt của các đảng viên cộng sản trong những ngày tiền khởi nghĩa, để rồi làm nên cuộc Cách mạng Tháng Tám "long trời lở đất". Tên bộ tiểu thuyết và cảm hứng chủ đạo là tiếp nối câu thơ được chính tác giả viết trước đó nhiều năm :

"Súng nổ rung trời giận dữ

Người lên như nước vỡ bờ

Nước Việt Nam từ máu lửa

Rũ bùn đứng dậy sáng lòa".

("Đất nước", viết trong kháng chiến chống Pháp)

Ông Thi cố viết tiếp tiểu thuyết "Vỡ bờ" thực ra đã ăn cắp ý tưởng, nhân vật và kết cấu của tiểu thuyết "Chiến tranh và Hòa bình" của Lev Tolstoi.

Hai nhân vật chính "Khắc đảng viên" và "Quyên con nhà gia giáo". Được xây dựng theo mô hình hai nhân vật Andrey Bolkonski và Natasa của Lev Tolsoi. Bối cảnh 3 thành phố Việt Nam cũng theo kiểu ba thành phố nước Nga. Thứ đồ giả, nhái không thể lừa được độc giả. Cuốn tiểu thuyết duy nhất tái hiện Cách Mạng Tháng 8 đã bị vứt vào sọt rác.

Cùng với thời gian, bộ sách đã chứng minh cho ý kiến của nhà văn Nguyễn Tuân, rằng trong văn học không phải cứ "to tổ bố" là có thể trụ vững.

Đối chiếu với những dòng văn chân thực về Cách Mạng Tháng 8

Những ngày tháng 8 năm 1945 dưới ngòi bút chân thực của nhà văn Duyên Anh : "Cướp chính quyền ở thị xã Thái Bình".

"Ngày phát xít Nhật đầu hàng Đồng Minh, trước sự chứng kiến của đông đảo dân chúng, quân Nhật đồn trú ở thị xã Thái Bình buồn bã cúi đầu hạ cờ. Lá cờ Nhật từ từ tụt xuống, tựa hồ mặt trời lặn vào buổi chiều. Một thanh niên tên Huy rút ra một lá cờ màu vàng quẻ Ly của chính phủ Trần Trọng Kim lao nhanh đến cột cờ định giương lên. Nhưng chưa kịp làm gì thì anh đã bị hàng chục người áo nâu từ đâu ào ra xô ngã. Họ lấy ra một lá cờ đỏ, buộc vào dây rồi kéo lên. Một người áo nâu đeo súng lục hô khẩu hiệu : "Cách mạng thành công muôn năm !".

Thoạt đầu, chỉ độ vài chục người hô theo. Dần dần, đám đông hò reo "Muôn năm" theo. Hai đứa trẻ tên Vũ và Côn chứng kiến diễn biến đó ngơ ngác không hiểu tại sao anh Huy, người trước đó đã dám phanh ngực thách thức kiếm Nhật, người bảo trái tim mạnh hơn súng, người làm Vũ mến phục và làm Côn hãnh diện là dân Thái Bình lại bị những người áo nâu xô ngã và trói gô lại".

Đó là vài dòng tóm tắt nội dung chương 3 của cuốn tiểu thuyết "Con Thúy" trong series tiểu thuyết "Những đứa trẻ Thái Bình" (các nhân vật Vũ, Côn, Vọng, Thúy, Khoa, Luyến) của nhà văn quá cố Duyên Anh trong giai đoạn lịch sử đầy biến động của đất nước. Chỉ trong một chương truyện ngắn, với bối cảnh thị xã Thái Bình nhỏ bé, cùng với sự lần lượt thay ngôi đổi vị chớp nhoáng của 3 lá cờ (cờ Nhật, cờ chính phủ Trần Trọng Kim, cờ Việt Minh) dưới ánh mắt ngơ ngác của những thiếu niên 14 – 15 tuổi, ngòi bút của Duyên Anh đã tái hiện thành công bức tranh phác thảo toàn cảnh của nước Việt Nam trong những ngày mùa thu tháng 8 năm 1945 với những diễn biến thời cuộc quá nhanh mà nội các Trần Trọng Kim đang cầm quyền lúc bấy giờ gồm những trí thức thừa lòng yêu nước nhưng thiếu kinh nghiệm chính trị đã không kịp trở tay.

Duyên Anh viết tiếp : "Dân thị xã đã nhập vào cuộc chơi lớn. Tất cả vui mừng, hớn hở như trẻ con trong cuộc chơi cướp cờ. Trong cuộc chơi này, ai nhanh chân, mưu mẹo, cướp được cờ chạy về bên mình là người ấy được vỗ tay, khen ngợi. Kẻ thua cuộc luôn luôn là kẻ chụp hụt lá cờ hay chụp cờ rồi mà bị đuổi theo xô ngã khi chưa về đến đích".

Thế là trong cuộc cuộc chơi cướp cờ của người lớn trong những ngày tháng 8 năm 1945, Bảo Đại nhu nhược và nội các Trần Trọng Kim chậm chân đã là người thua cuộc.

Kết

Bây giờ chúng ta cùng bình tâm suy ngẫm.

Vậy, sau khi giành được chính quyền thì chính quyền đó có về tay nhân dân không ?

Có lẽ câu trả lời đã rõ sau 70 năm. Đến ngày hôm nay, nhân dân Việt Nam vẫn không có đủ những quyền cơ bản. Nhân dân Việt Nam không được bầu cử một cách thực sự, không được sở hữu đất đai, không có quyền phúc quyết hiến pháp và những vấn đề hệ trọng của đất nước. Các quyền cơ bản trong Hiến pháp 1946 ngày nay vẫn bị trì hoãn.

Và vì thế, cuộc cách mạng "giành chính quyền về tay nhân dân", 73 năm qua vẫn chưa xong.

Phùng Hoài Ngọc

Nguồn : VNTB, 22/08/2018

(1) Nhớ lại hồi tuổi trẻ nhẹ dạ cả tin, đám học trò chúng tôi từng nghe các thầy giáo, các nhà phê bình say sưa bình phẩm các biện pháp nghệ thuật "kỳ thú, tài hoa" của nhà thơ. Chuyện đó nay không bàn thêm nữa.

Quay lại trang chủ
Read 831 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)