130 tỷ đồng hỗ trợ nạn nhân vụ cháy chung cư mini 56 người tử vong vẫn chưa được giải ngân
Nếu như thực hiện đúng theo quy định của pháp luật thì chậm nhất số tiền, hàng cứu trợ phải đến tay từng gia đình nạn nhân trong tuần lễ đầu tiên của tháng 11/2023
Ngày 31/10, bên hành lang Quốc hội, bà Trương Thị Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam, đã trao đổi với báo chí về việc hơn 130 tỷ đồng ủng hộ các nạn nhân vụ cháy chung cư mini làm 56 người tử vong, 37 người bị thương ở quận Thanh Xuân (Hà Nội) chưa được giải ngân.
Lãnh đạo Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam cho rằng hỗ trợ từ Mặt trận tổ quốc thành phố Hà Nội là hỗ trợ lớn, căn bản, lâu dài, giúp những người bị ảnh hưởng bởi vụ cháy sớm ổn định cuộc sống và với hỗ trợ lâu dài, cần có thời gian, phương án phù hợp. "Theo tôi thấy cũng không phải là lâu đâu. Sự cố xảy ra từ tháng 9, bây giờ cuối tháng 10, cần rà soát kỹ danh sách những người bị ảnh hưởng, phân loại các nhóm để bảo đảm mức hỗ trợ nên với thời gian hơn một tháng không phải là lâu" - Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam nói.
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội dự kiến sẽ công bố phương án hỗ trợ nạn nhân vụ cháy chung cư mini ở quận Thanh Xuân trước ngày 6/11/2023.
Cách nhìn nhận vấn đề của lãnh đạo Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam như phát ngôn ở trên, cho thấy bà không hành xử chức trách theo quy định của pháp luật chuyên ngành, mà vẫn là cảm tính cá nhân trong giới hạn rất đáng ngại của một người được Đảng tín nhiệm giao phó trọng trách "Phó Chủ tịch".
Nghị định 64/2008/NĐ-CP do Thủ tướng Chính phủ ký ban hành ngày 14/5/2008, quy định rõ thời gian chậm nhất của phân phối tiền, hàng cứu trợ là 20 ngày kể từ ngày kết thúc thời gian vận động :
"Điều 7. Thời gian vận động đóng góp, tiếp nhận và phân phối tiền, hàng cứu trợ
1. Thời gian phát động cuộc vận động chậm nhất sau 3 ngày, kể từ ngày thiên tai, hoả hoạn, sự cố nghiêm trọng xảy ra.
2. Thời gian vận động đóng góp :
a) Thời gian vận động, tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ ở cấp trung ương, cấp tỉnh kéo dài không quá 60 ngày, kể từ ngày bắt đầu phát động cuộc vận động đóng góp ;
b) Thời gian vận động, tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ ở cấp huyện và các tổ chức, đơn vị khác được cơ quan có thẩm quyền cho phép, kéo dài không quá 30 ngày, kể từ ngày bắt đầu cuộc vận động đóng góp.
3. Thời gian phân phối tiền, hàng cứu trợ được thực hiện ngay trong quá trình vận động đóng góp và kết thúc chậm nhất không quá 20 ngày, kể từ ngày kết thúc thời gian vận động đóng góp được quy định tại khoản 2 Điều này.
Riêng cứu trợ phục hồi và tái thiết được hỗ trợ từ nguồn vận động đóng góp của Hội Chữ thập đỏ thì thời gian thực hiện có thể kéo dài đến một năm".
Ở đây, theo tin tức thì Ủy ban Mặt trận tổ quốc thành phố Hà Nội là đơn vị "Tổ chức kêu gọi, vận động đóng góp tiền, hàng cứu trợ" được quy định tại điều 4 của Nghị định 64/2008/NĐ-CP.
Bà Nguyễn Lan Hương, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội, cho biết chính thức dừng tiếp nhận hỗ trợ vào ngày 16/10/2023. Tổng số tiền tiếp nhận ủng hộ đến thời điểm này là hơn 130 tỷ đồng.
Như vậy nếu như thực hiện đúng theo quy định của pháp luật thì chậm nhất số tiền, hàng cứu trợ phải đến tay từng gia đình nạn nhân trong tuần lễ đầu tiên của tháng 11/2023 chứ không phải là những "dự kiến phương án hỗ trợ sẽ được công bố" – bởi khi ấy với "sẽ công bố", có nghĩa lại tiếp tục của "độ trễ chính sách" về vấn đề nhân đạo này.
Trường Sơn
Nguồn : VNTB, 02/11/2023
Số tiền quyên góp được hơn 130 tỉ đồng hỗ trợ cho các nạn nhân vụ cháy chung cư ở Hà Nội đến nay vẫn chưa được giải ngân do chính quyền ‘cần tính toán chu đáo’ mặc dù các nạn nhân đang trong tình cảnh khốn khó, theo tìm hiểu của VOA.
Vụ cháy chung cư ở Hà Nội là vụ cháy thương tâm nhất ở Việt Nam trong hơn 20 năm qua
Vụ cháy chung cư tư nhân ở phố Khương Hạ, phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội, xảy vào nửa đêm 12/9 đã gây hậu quả thảm khốc với 56 người chết và 37 người bị thương.
Vụ hỏa hoạn thương tâm này đã gây rúng động cho người dân cả nước với nhiều phong trào quyên góp được phát động để góp phần xoa dịu nỗi đau cho các nạn nhân và giúp họ ổn định lại cuộc sống.
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp ở Hà Nội, cơ quan đứng ra tiếp nhận tiền cứu trợ, đã nhận được tổng số tiền hơn 130 tỉ đồng ở thời điểm dừng tiếp nhận hôm 16/10, tờ Tuổi Trẻ cho biết. Tuy nhiên, một số tờ báo khác cho biết số tiền này chỉ có 110 tỷ đồng.
Tuy nhiên, ngoài khoản tiền 6 tỉ đồng đã được chi khẩn cấp để hỗ trợ các nạn nhân ổn định chỗ ở, cung cấp nhu yếu phẩm, trang thiết bị sinh hoạt, đến nay số tiền còn lại vẫn bị chính quyền Hà Nội treo lại, chưa phân phát cho các nạn nhân, báo chí trong nước đưa tin.
Tuổi Trẻ dẫn lời ông Nguyễn Sỹ Trường - phó chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Hà Nội – giải thích rằng phương án giải ngân số tiền đã được chính quyền quận Thanh Xuân xây dựng xong nhưng ‘còn chờ ý kiến các ngành để có sự thống nhất’.
Ông Trường trước đó vào ngày 27/9 từng nói với báo chí rằng quận Thanh Xuân còn phải đánh giá mức độ thiệt hại của từng hoàn cảnh, từng hộ gia đình mới xây dựng được phương án hỗ trợ ‘đúng mục đích, có ý nghĩa lâu dài’.
Nói với Tuổi Trẻ, bà Trần Phương Linh, chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc phường Khương Đình dẫn ra nghị định của Chính phủ để biện hộ rằng sau khi dừng tiếp nhận, họ có ‘20 ngày để lên phương án hỗ trợ cho các nạn nhân’.
Do đó, phải đến ngày 6/11, tức là gần hai tháng sau khi xảy ra vụ hỏa hoạn thì chính quyền mới công bố phương án chi tiền như thế nào, theo lời bà Nguyễn Lan Hương - chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Hà Nội được Tuổi Trẻ dẫn lại.
Bà Hương nói chừng nào có phương án phân bổ tiền cứu trợ thì chính quyền sẽ giải ngân ‘ngay và công khai’.
Bên cạnh xin ý kiến các ngành, phương án phân bổ tiền cứu trợ cần phải chờ lãnh đạo thành phố Hà Nội phê duyệt nữa, bà Linh cho biết.
Tờ Công an Nhân dân cho biết các nạn nhân vụ hỏa hoạn ‘đang ngóng chờ số tiền cứu trợ này’ vì cuộc sống của họ hiện rất khó khăn sau khi ngọn lửa đã thiêu cháy hết tài sản của họ và họ cũng mất đi chỗ ở.
Ở Việt Nam, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp là cơ quan đứng ra tiếp nhận và điều phối các hoạt động cứu trợ khi xảy ra thiên tai hay thảm họa.
Trên diễn đàn Quốc hội, đại biểu Phạm Văn Hòa của tỉnh Đồng Tháp được tờ Lao Động dẫn lời chỉ trích chính quyền Hà Nội chậm trễ trong việc cứu trợ người dân đang khốn khó.
"Nếu đưa cho tư nhân thì làm là xong rồi. Do vậy, phải xem lại cách nghĩ, cách làm của mình, sao cho hết tinh thần trách nhiệm với dân. Còn nếu vướng những văn bản lỗi thời, lạc hậu, không phù hợp phải sửa ngay, chứ không thể có tiền mà để đó", ông Hòa được Lao Động dẫn lời nói.
Nguồn : VOA, 27/10/2023
Mở cửa chạy ra hành lang, khói đen đang tràn vô gần kín. Xác định không thể đi thang máy cũng không thể xuống thang bộ, anh Q. lật đật đóng cửa nhà. Quay vô nhà, hai vợ chồng quấn thật nhanh cuộn dây thừng quanh người thằng con. Cuộn dây này anh Q. mua từ hồi về chung cư ở, đề phòng hỏa hoạn. Gia đình ở lầu 8. Anh không mua thang dây vì hai đứa con anh còn rất nhỏ, không thể tự tin leo thang dây xuống 8 tầng lầu. Còn cuộn thừng này rất to và chắc, quấn rồi cột thật chặt quanh người nó, cha mẹ đứng trên lầu thả từ từ xuống, chắc ăn hơn.
Lính cứu hỏa đưa các nạn nhân ra từ chung cư bị cháy ở Hà Nội hôm 13/9/2023 - AFP
Thả hai đứa xuống, chỉ cần tụi nó sống, còn hai vợ chồng lỡ phải chết thì chịu chết.
Vợ chồng anh kéo thằng con chạy ra đoạn hành lang phía hông nhà, lúc này khói chưa tràn tới. Bồng con lên, tính thả nó xuống qua cái khoảng trống hẹp, nhìn xuống ống thoát nước từ sân thượng xuống đến đất sâu hun hút, hai vợ chồng rợn người nhưng vẫn vừa khích lệ con, vừa ráng ghì thật chặt sợi thừng.
Nhưng thằng nhỏ bật khóc ré. Nó nhất định không chịu lòn người qua cái khoảng trống.
Một nhà ba người lại quay lại chạy vô nhà. Lúc này khói đen đã cuồn cuộn trên hành lang, những bóng người chạy hỗn loạn chỉ thấy lờ mờ loáng thoáng.
Nhà anh Q không có ban công, chỉ có lô gia. Nhưng lô gia lại hướng về phía giếng trời bên trong của chung cư, nơi đám cháy bùng lên nên khói tuôn vô càng dữ.
Đóng cửa, đưa vợ con vô phòng, nhét quần áo mền mùng nhúng nước ướt chặn kín khe cửa, dặn vợ con ở yên rồi anh Q lại phóng ra khỏi nhà, đập cửa điên cuồng những căn hộ hàng xóm có ban công hướng ra bên ngoài.
Anh đã chạy đập cửa một vòng, nhưng lúc đấy không nhà nào mở cửa cả.
Ý chí phải cứu sống con dẫn anh xông vào màn khói ngày càng đen, khét và dày đặc, tuyệt vọng đập cửa cầu cứu hàng xóm một lần nữa.
May mắn vô cùng ! Một căn hộ rất gần mở cửa. Vui mừng muốn hét lên, anh Q lại lao về nhà mình, ôm con dắt vợ chạy qua.
Mười mấy người hàng xóm khác cũng may mắn được trú nhờ trong căn hộ này. Tất cả dồn ra ban công. Mặt ngoài chung cư rất thoáng rộng, khói bốc lên tuy vẫn đen kịt nhưng nhờ không gian rộng lớn mà tản mát bớt, mọi người đeo khẩu trang che chắn bớt, có thể thở được.
Mấy chục người xa lạ chia sẻ sự sống chết bỗng thành thân thiết. Họ ngồi sát bên nhau, tất cả đều bật sáng màn hình điện thoại rồi huơ lên cầu cứu.
Sau vài giờ, họ được lính Phòng cháy chữa cháy đưa thoát ra ngoài an toàn.
***
Nhiều ngày sau đó, anh Q vẫn còn vô cùng bàng hoàng khi có thời gian ôn lại từng hành động, từng quyết định trong tích tắc của gia đình mình.
Nhưng có 13 người không may mắn như gia đình anh Q.
Trong một căn hộ tầng thấp, một người phụ nữ khoảng 60 tuổi và con bà-hai người đàn ông trẻ ngồi thừ, thờ thẫn. Con gái của bà là chủ nhân căn hộ này. Hai người đàn ông kia là anh trai và em trai của cô ấy. Cô sống cùng con trai, chỉ hai mẹ con với nhau. Và cả hai mẹ con đã cùng chết trong đám cháy.
Căn hộ được trang trí rất đẹp, mỗi chi tiết đều được chăm chút từng ly từng tí và cho thấy cảm khoái tận hưởng không gian sống của chủ nhân. Một bức tường trong phòng khách được sơn đỏ sẫm, trên đó chỉ có duy nhất bức ảnh chân dung cực lớn của nữ chủ nhân xinh đẹp. Những chiếc bàn nhỏ đặt đó đây, trên đó một bình hoa hay chậu cây nhỏ xanh tươi. Bếp nấu ốp vách kính tươi màu rực rỡ, đẹp từ chiếc nồi cơm điện đẹp đi. Phòng ngủ của con, phòng ngủ của mẹ, mỗi phòng một màu sắc, một kiểu trang trí riêng biệt, phòng nào cũng đẹp mắt và tiện nghi.
Nhưng từ cánh cửa mở rộng của căn hộ, khói đen đầy bụi kim loại của hàng trăm chiếc xe cháy trơ khung đã phủ một lớp cặn đen sì lên nền nhà trắng tinh, bám kín trần nhà, hoa lá và những món đồ trang trí xinh xẻo.
Nhưng lượng khói độc ùa vào trong căn hộ chính là do hai mẹ con để ngỏ cửa trong lúc chạy trốn hỏa hoạn. Nếu bình tĩnh và nhất là được thông báo tình hình đám cháy bên ngoài thì hai mẹ con chị đã không hoảng loạn đến thế. Họ chỉ cần đóng kín cửa, vào phòng ngủ, bịt kín các khe hở như nhiều gia đình khác đã làm trong cơn tuyệt vọng, bởi vì lực lượng cứu hộ đến rất nhanh. Nhưng không có chuông báo cháy, không có loa thông báo tình hình. Không có gì cả ! Quá hoảng loạn, hai mẹ con lao ra ngoài mong thoát xuống đường, oái oăm thay, tức là lao vào đám khói cuộn lên dày đặc từ bãi xe tầng hầm. Cả hai, cũng như một số người khác cùng chạy xuống theo đường cầu thang bộ đã gục chết ngay ở những cầu thang gần cuối, vì ở đó khói độc và mịt mùng nhất.
Đó là cảnh tượng đám cháy ở chung cư C., Thành phố Hồ Chí Minh, cách đây khoảng năm năm.
Tôi cũng từng sống trong một chung cư rất lớn, và rất cũ, ở Sài Gòn. Các block nối nhau bằng hành lang dài như xương sống chạy suốt chung cư, giữa các block là khoảng trống lớn. Vì vậy các căn hộ đều có cửa sổ lớn mở ra khoảng thông gió đó và các đoạn hành lang đều có hai mặt thoáng ra bên ngoài, nhưng bãi xe dưới đất thực sự là thảm họa.
Hàng ngàn chiếc xe máy đầy xăng dựng sát nhau đến nỗi chỉ có các anh giữ xe khỏe mạnh và lành nghề mới có thể nhấc, dắt những chiếc xe đi sớm nhất ra được. Đến khuya, khi dân cư trong chung cư hầu hết đã về nhà thì toàn bộ đường đi từ trong chung cư ra ngoài đường đều biến thành chỗ để xe. Xe lấp kín mít toàn bộ, chỉ còn chừa duy nhất một lối đi nhỏ xíu ở giữa vừa đủ cho một người đi bộ. Tất cả những xe về sau 2g sáng đều phải để ở sát cổng ngoài của chung cư.
Vậy mà cả bãi xe mênh mông đó chỉ có 2, 3 người giữ xe đêm. Ngày cũng như đêm, họ ngủ gà gật trong chiếc ghế bố kê giữa các hàng xe. Chung cư từ lâu đã không còn Ban quản trị, mọi thứ đều thành của chung (không ai khóc). Thang máy bị ngắt điện và hư hỏng từ hàng chục năm trước. Chỉ còn ba chiếc cầu thang bộ kiêm luôn cầu thang thoát hiểm cho hơn 2.500 cư dân. Nhưng nó lúc nào cũng tối mù âm u, có những lúc còn trơn trượt vì cha nào nhậu xỉn tè luôn vào góc. Ba cầu thang đổ xuống cùng một lối dẫn ra ngoài rộng chừng 5 m, nhưng như đã nói, nó luôn kín mít xe máy.
Những chiếc xe máy cháy tại căn chung cư ở Thành phố Hồ Chí Minh hôm 23/3/2018. AFP
Có hai đường thông từ chung cư ra ngoài, một dẫn ra mặt trước, một dẫn ra mặt sau, nhưng đều phải đi len lách qua các bãi giữ xe sin sít.
Một đêm, tôi đang chuẩn bị đi ngủ thì nghe la hét ồn ào, tiếng chân người chạy rần rật khác thường. Mở cửa ra nghe tiếng la hét mới biết chung cư bị cháy.
Ôi trời ơi tim tôi một phát nhảy vọt lên đến cuống họng. Tay chân run bần bật, tôi chỉ nghĩ được trong đầu là phải chạy xuống đất và cứu chiếc xe máy-cả một gia tài của chúng tôi lúc đó. Ngu thật ! Theo thiết kế của chung cư như tôi đã kể thì nếu có cháy dưới bãi xe thì càng nên ở trong phòng chờ cứu hộ, vì các phòng đều rất thoáng. Còn nếu chen chân chạy tuôn xuống đất thì không chết vì khói cũng bị thương vì chen lấn, ngã bò càng.
Nhưng lúc ấy tôi chẳng có chút kiến thức nào !
May là bạn trai tôi bình tĩnh. Anh cười nói nếu cháy mà chạy xuống bãi xe cứu xe thì xe cũng đã tan tành rồi. Anh đi ra nghe ngóng, vẫn chỉ nghe tiếng la hét và tiếng người chạy nhưng không thấy khói bốc, không thấy lửa. Người ta nói cháy dưới bãi giữ xe nhưng nhỏ thôi, đang dập rồi. Khoảng một tiếng sau, tiếng la hét thưa dần, rồi tiếng chân người bắt đầu đi lên.
Một đêm, vẫn bình yên.
Đến sáng sớm hôm sau dậy đi làm, chúng tôi mới biết đám cháy bắt đầu từ một chiếc xe máy. Có ai đó hút thuốc rồi quăng luôn tàn lại bãi xe. Bình thường người ta làm vậy cũng đầy, nhưng hôm đó một chiếc xe bị bốc cháy.
May là dân chung cư đi làm về khuya và mấy anh giữ xe phát hiện kịp, rồi dập tắt rất sớm khi chưa phải báo cháy, chưa gọi đến chiếc xe cứu hỏa nào.
Nhưng cảm giác ấy kinh hoàng như đất dưới chân bỗng tụt hẫng đi.
***
Một cảnh tượng nhớ đời khác diễn ra sau đám cháy chung cư C., là buổi lễ cầu siêu đầu tiên cho 13 nạn nhân.
Tầng trệt, sảnh chung cư. Vôi vữa trên tường cháy nứt rơi vỡ những mảng lớn, bóng đèn nổ tung rải một lớp thủy tinh cùng vữa vụn kêu sào sạo dưới chân. Dây điện, máng đèn, thạch cao trang trí… đứt cháy lả tả trên đầu, bên vách và dưới chân. Hành lang dẫn vào những căn hộ tầng trệt hun hút như những đường hầm.
Tất cả đều một màu đen ngòm, đen kịt, đen nuốt trọn mọi ánh sáng : trần, sàn, vách tường, bậc thang, tay vịn, lan can.
Một đoàn hai chục nhà sư chậm rãi nối nhau đi vào trong cái địa ngục ấy, vòng qua các lối vào và cầu thang, đi qua tất cả các nơi đang phơi bày tàn tích khủng khiếp của đám cháy. Những tà áo dài rộng màu vàng nghệ bật nổi trên bức nền đen cháy mịt mùng. Tiếng kinh cầu siêu đều đều âm âm cộng với tiếng chuông, tiếng mõ thỉnh thoảng điểm một giọt âm thanh như thức tỉnh linh hồn, tạo nên một khung cảnh xót thương đến thắt nghẹn.
Tại chiếu nghỉ cầu thang bộ lầu 1 lên lầu 2, nơi phần lớn nạn nhân của vụ cháy đã tử vong tại đây, trong màu đen âm u của không gian nhỏ hẹp bập bùng những ánh nến đỏ, chiếu lờ mờ những đĩa trái cây, đĩa bánh đặt vội trên mảnh báo, chiếc đĩa giấy… cúng cho người đã qua đời. Trên vách cầu thang còn in rõ dấu quệt dài của những bàn tay ám khói trong cuộc chạy trốn cái chết. Đây đó những chiếc dép trẻ con lăn lóc.
Trong đời mình, tôi chưa bao giờ nhìn thấy điều gì đau thương và ghê rợn hơn chiếc bàn thờ dã chiến ấy.
Và bao trùm, xộc vào, đánh úp tất cả các giác quan là mùi khét của đám cháy. Mùi khét gắt nồng đặc biệt của hàng trăm chiếc xe máy cháy trơ khung, của đồ gỗ, thủy tinh, sơn, quần áo, những chậu hoa lá trên ban công, mái nhựa che mát, đồ chơi trẻ con, đệm nằm… cộng với mùi da thịt con người bị thiêu đốt. Đeo hai chiếc khẩu trang trùm kín mũi miệng, nó vẫn luồn lách, bám chặt vào, dai dẳng như nỗi đau thương của gia đình các nạn nhân. Tận một tháng trời sau đám cháy, bao nhiêu nước chữa cháy, gió mưa và cái nắng rát của miền Nam thay phiên nhau xối vào, cái mùi ấy mới phai dần, dịu đi đủ cho người ta thở mà không cay họng.
Cũng như đám cháy tại chung cư mini tại Hà Nội giết chết 56 người vừa qua, một sự cố chập điện nhỏ đã bắt đầu tại một chiếc xe máy trong tầng hầm chung cư C. Ngọn lửa ban đầu rất nhỏ, rồi lem lém lên đầu xe. Nhưng suốt hơn 13 phút xảy ra sự cố, bảo vệ vẫn không hay biết.
Chung cư C. có hẳn một phòng bảo vệ với hệ thống camera theo dõi nhiều vị trí. Nhưng hôm ấy, giờ ấy đã không ai đặt mắt vào mấy chục chiếc màn hình trong phòng. Người ta nói nếu có người theo dõi liên tục camera tầng hầm giữ xe thì đã kịp thời phát hiện đám cháy khi nó mới bắt đầu và kịp dập tắt nó.
Mãi đến khi lửa bùng lên thành ngọn mới có người phát hiện. Bảo vệ chạy vào cầm bình chữa cháy xịt, nhưng đã quá muộn. Ngọn lửa đã lớn, nuốt lấy những chiếc xe máy đầy xăng. Chỉ trong chốc lát, lửa chiếm lĩnh toàn bộ một gian để xe của tầng hầm, sáng lóa.
Chung cư C. có hệ thống cầu thang thoát hiểm khá tốt. Nó rất kín, cao, rộng và luôn có đèn chiếu sáng. Nếu cầu thang thoát hiểm luôn đóng kín, khói sẽ không thể lọt vào. Nó chỉ có một đường bốc lên trong chung cư theo thang bộ và theo giếng trời (rất rộng), như vậy khói sẽ ít và loãng ra, cư dân có nhiều thời gian hơn để đi tránh trú an toàn, chờ được lực lượng chức năng giải cứu.
Nhưng chúng tôi đã tận mắt chứng kiến rất nhiều cửa thoát hiểm ở nhiều tầng của chung cư bị mở toang để cư dân tiện lên xuống hoặc ra hút thuốc. Thậm chí họ còn dùng đá, dùng gạch chặn lại cho nó luôn mở. Tàn thuốc rơi vãi đầy sau những cánh cửa. Chính cánh cửa thoát hiểm mở toang từ tầng hầm đã khiến khói độc thừa cơ bốc lên cao, luồn vào bên trong chung cư chặn đường thoát nạn.
Đã năm năm trôi qua kể từ vụ cháy rúng động đó. Người mất đã mất, nhiều người phải vào tù để trả giá cho sự tắc trách gây hậu quả vô cùng nghiêm trọng. Có những người vội vã bán căn hộ vừa mua chưa ở được bao lâu để nhất quyết tìm một ngôi nhà dưới đất. Lại có những người mới chuyển vào. Chung cư đã sửa sang tái thiết, sơn phết sáng sủa, ven lối đi đầy hoa cỏ xanh tươi. Mọi người lại sống đông vui, cho đến khi vụ cháy chung cư mini Khương Hạ (Hà Nội) chết 56/150 cư dân khiến tất cả rùng mình một lần nữa.
Báo chí và truyền thông xã hội đã phân tích tất cả các góc độ chính sách và trách nhiệm của nhà nước, nhà quản lý, chủ đầu tư và cư dân trong vụ cháy này. Hình như chỉ thiếu một điều là người ta chưa đưa ra con số chủ đầu tư phải "chạy" cho mỗi một tầng xây vượt giấy phép. Nghe nói nó vào khoảng 200-300 triệu đồng.
Việt Nhân
Nguồn : RFA, 20/09/2023
Tham khảo :
https://vietnamnet.vn/chay-chung-cu-carina-plaza-du-day-tuyet-vong-chay-tron-lua-437341.html
https://vnexpress.net/vi-sao-nhieu-nguoi-chet-trong-vu-chay-chung-cu-mini-4653574.html
https://vnexpress.net/nguyen-bi-thu-ha-noi-nhieu-cong-trinh-vi-pham-co-the-luc-chong-lung-4654470.html
Vào nửa đêm 12/9/2023, một chung cư mini chín tầng ở Hà Nội bị cháy làm chết 1/3 cư dân nơi đây khiến câu chuyện về phòng cháy, chữa cháy tại các chung cư khắp cả nước nóng lên.
Cháy chung cư mini ở Hà Nội đêm 12/9/2023 - AFP
Ngay ngày hôm sau, Cơ quan Điều tra thuộc Công an Hà Nội ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và lệnh bắt bị can để tạm giam 4 tháng đối với chủ tòa nhà. Nhiều người cho rằng, trách nhiệm không chỉ do chủ tòa nhà mà do nhiều phía liên quan, không loại trừ có tiêu cực.
Ông Nguyễn Đăng Quang, một kỹ sư xây dựng những công trình lớn, nói với RFA sáng 13/9 :
"Bất kỳ dự án nhà cao tầng nào, một trong những nội dung bắt buộc phải có là phương án phòng cháy chữa cháy, và phải được cơ quan phòng cháy chữa cháy, cụ thể ở đây là Sở Công an ở quy mô nhỏ và Bộ Công an ở quy mô lớn, thẩm định phương án đó. Họ phải đồng ý phê duyệt phương án phòng cháy chữa cháy thì dự án đó mới được phê duyệt.
Tức là phải có phương án phòng cháy chữa cháy để bảo đảm an toàn khi có sự cố xảy ra. Không phải chờ cho đến khi xảy ra cháy nổ thì cảnh sát phòng cháy chữa cháy mới đem vòi rồng, đem xe chữa lửa tới.
Nhưng nhiều dự án, chủ đầu tư muốn kéo chi phí đầu tư xuống thấp, rồi cơ quan cấp phép là cảnh sát về phòng cháy chữa cháy ăn rơ với nhau, nhận tiền rồi ngậm miệng cho qua. Đến khi có sự cố xảy ra thì mới lòi ra hàng loạt bất cập của công trình".
Vụ cháy chung cư mini ở Hà Nội khiến dư luận nhớ lại vụ cháy Carina Plaza ở Thành phố Hồ Chí Minh khiến 13 người chết và 72 người bị thương cách đây năm năm, hay vụ cháy quán karaoke An Phú tại tỉnh Bình Dương mới năm ngoái, làm chết 32 người và 17 người bị thương. Ở Hà Nội thì có quán Karaoke ISIS cháy làm chết 3 cảnh sát Phòng cháy chữa cháy,
Nguyên nhân các vụ cháy làm chết nhiều người được kết luận do hệ thống phòng cháy, chữa cháy (chuông báo cháy, vòi phun nước) không hoạt động ; không có phương tiện cứu nạn tại chỗ.
Năm năm sau vụ cháy Carina Plaza ở quận 8, chỉ có hai người bị đưa ra xét xử. Một người là chủ đầu tư Carina Plaza và một người là trưởng ban quản lý. Cả hai bị xét xử về tội "Vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy" theo khoản 3 Điều 313 Bộ luật Hình sự.
Sở dĩ phải mất đến năm năm vì tòa yêu cầu điều tra bổ sung làm rõ trách nhiệm của nhiều đơn vị cá nhân có liên quan, trong đó có cán bộ quản lý địa bàn thuộc phòng cháy chữa cháy Công an Quận 8. Tuy nhiên, Công an Thành phố Hồ Chí Minh và Viện kiểm sát vẫn giữ nguyên quan điểm xác định trách nhiệm thuộc về chủ đầu tư và trưởng ban quản lý.
Ông Đinh Kim Phúc, một cư dân ở Thành phố Hồ Chí Minh nêu quan điểm của mình với RFA về những vụ cháy do vi phạm nguyên tắc phòng cháy chữa cháy ở Việt Nam :
"Kể từ sau vụ cháy nổ ở Trung tâm Thương mại Sài Gòn cách đây hơn 20 năm, vấn đề cháy nổ đã trở thành hồi chuông báo động cho các khu dân cư. Về phía nhà nước họ cũng có rất nhiều văn bản và chỉ đạo liên tục về vấn đề phòng chống cháy nổ. Nhưng cấp thừa hành như thế nào thì phải xem lại.
Một người dân chỉ cần kêu một chiếc xe ba gác chở 5 tấc cát, 2 bao xi măng là đô thị đã bu lại để xem coi có giấy phép sửa chữa, xây dựng hay không. Trước hiên nhà chỉ cần xây cái bậc để dẫn xe lên xuống thì đô thị đã lại hoạnh họe. Đằng này, chung cư mới bị cháy với 56 người chết trên tổng số 146 cư dân ở đó, giấy phép xây dựng được cấp năm 2015 chỉ cho phép cất 6 tầng nhưng chủ nhà cấp lên 9 tầng. Nhưng từ UBND phường, quận cho tới thành phố không ai biết. Rồi công tác kiểm tra về phòng chống cháy nổ như thế nào, cửa thoát hiểm ra sao, hệ thống thông gió như thế nào không ai biết.
Tôi nghĩ rằng, Đảng và Nhà nước cần nhìn lại cách quản lý của mình, cách vận hành của mình trong bộ máy chính quyền như thế nào trong thời gian qua".
Người dân lập bàn thờ trước chung cư bị cháy. Ảnh chụp hôm 13/9/2023. AFP
Sau hai vụ cháy quán karaoke tại tỉnh Bình Dương và Hà Nội, các cơ quan chức năng đã có cuộc tổng rà soát về an toàn phòng cháy chữa cháy trên toàn quốc đối với các cơ sở kinh doanh karaoke, quán bar, vũ trường. Lực lượng chức năng đã căn cứ vào các tiêu chuẩn Phòng cháy chữa cháy đóng cửa hàng loạt các cơ sở có nguy cơ gây cháy nổ cao, tạm đình chỉ hoạt động một số cơ sở chưa bảo đảm hoạt động phòng cháy chữa cháy…
Nhiều người cho rằng, cách quản lý của nhà nước là "mất bò mới lo làm chuồng. Bà Hồng Thanh, một người chuyên thiết kế nội thất cho các văn phòng ở Thành phố Hồ Chí Minh nói với RFA sáng 13/9/2023 :
"Chính quyền họ vẫn ra quy định trong xây dựng nhưng mà luật pháp của Việt Nam không nghiêm. Quan chức thì ăn tiền đút lót nên vẫn cho xây dù không bảo đảm an toàn về phòng cháy chữa cháy.
Rồi chủ nhà tiết kiệm diện tích đất, ban công không có lối thoát hiểm, không có hệ thống phòng cháy chữa cháy. Ở Việt Nam nhiều lắm.
Tư nhân có miếng đất rộng chừng một ngàn, hai ngàn mét vuông là họ cho xây những căn nhà cấp bốn, những dãy nhà trọ cho sinh viên, cho người nhập cư thuê. Xây xong có người đến phạt, đút tiền là xong. Cả bọn địa chính, tài nguyên môi trường cũng đến kiểm tra, ăn đút lót là xong. Ăn hối lộ và ăn đút lót đã trở thành cơ chế của chế độ này rồi. Bất cứ người dân Việt Nam nào đều biết điều đó. Người ta đó là ‘làm luật’.
Bà Thanh nói thêm, rất nhiều vụ mà chính người giám sát công trình nhận hối lộ của bên thi công để bỏ qua một số công đoạn kỹ thuật.
Một trong những vụ được bà Thanh nhắc đến là vụ bà Nguyễn Thị Kim Anh, từng là Phó trưởng phòng Phòng chống tham nhũng - Thanh tra Bộ Xây dựng.
Theo truyền thông nhà nước, bà Kim Anh được Bộ Xây dựng giao làm Trưởng Đoàn thanh tra với trách nhiệm chỉ đạo, điều hành hoạt động của Đoàn thanh tra tuân thủ đúng thủ tục, thẩm quyền, bảo đảm chính xác, khách quan, dân chủ nhằm phát hiện sơ hở trong cơ chế quản lý, chính sách, pháp luật để kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền biện pháp khắc phục.
Tuy nhiên, bà Kim Anh bất chấp pháp luật, không thực hiện đúng trách nhiệm được giao và nhận hối lộ hơn 1,3 tỷ đồng.
Diễm Thi
Nguồn : RFA, 13/09/2023