Trong bốn năm, "cơn cuồng phong" Trump đã xóa sổ mọi di sản đối ngoại của người tiền nhiệm Barack Obama. Những đồng minh Châu Âu của Washington không còn dám tin vào "giấc mơ Mỹ" dù Trump hay Biden thắng cử. Một mặt do Châu Âu đã có cách nhìn khác về Hoa Kỳ, mặt khác do xã hội Mỹ cũng thay đổi sâu sắc trong nhiệm kỳ Trump (2017-2021).
Chính sách co cụm "Nước Mỹ trước tiên" của tổng thống Trump đã làm giảm uy tín của Mỹ trên trường quốc tế, đặc biệt là các đồng minh Châu Âu giờ phải dè chừng. Tháng 08/2020, tổng thống Pháp Emmanuel Macron từng lấy làm tiếc về vai trò của Mỹ với tư cách là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc để giải quyết các cuộc xung đột trên thế giới. Ông Macron vẫn hy vọng "Hoa Kỳ là một đối tác cho an ninh chung của một Châu Âu có chủ quyền". Thế nhưng, mối quan hệ Mỹ-Châu Âu như "bát nước hắt đi khó hớt lại đầy". Mỹ rút, nhường lại chỗ cho Trung Quốc và Nga gia tăng ảnh hưởng trên trường quốc tế.
Quan hệ đồng minh : Sứt mẻ dưới "Trump I", sẽ tệ hại dưới "Trump II"
Trong bốn năm, tổng thống Trump đã "kịp" rút Mỹ khỏi hầu hết các thỏa thuận, hiệp định quốc tế quan trọng (khí hậu, hạt nhân Iran…), mà nhiều đồng minh Châu Âu là đối tác. Liên Hiệp Châu Âu và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cũng nằm trong danh sách những định chế bị chính quyền Trump chỉ trích : Thành viên NATO phải tăng đóng góp nếu muốn Mỹ duy trì "ô bảo vệ", nhiều đồng minh Châu Âu bị tổng thống Trump gọi là "mối đe dọa cho an ninh quốc gia" khi ông giải thích quyết định tăng thuế đối với nhiều mặt hàng nhập từ Châu Âu (công cụ, máy móc và ô tô của Đức, rượu vang Pháp, dược phẩm Ireland...) nhằm giảm thâm hụt thương mại, lên đến 151,6 tỉ euro vào năm 2019.
Nếu tổng thống đương nhiệm tái đắc cử, tình hình dưới thời Trump II sẽ tồi tệ hơn hiện nay vì ông Trump "sẽ hoàn toàn thoái mái hơn và không còn hạn chế nào hết", theo nhận định của Gérard Araud, cựu đại sứ Pháp tại Washington, được trang News24 trích dẫn. Cụ thể, Mỹ có thể rời NATO, rút quân khỏi Hàn Quốc và Afghanistan, Trung Quốc ngày càng bành trướng và Châu Âu, không còn được Mỹ hỗ trợ, bị cuốn vào rối loạn, theo liệt kê của Sylvie Kauffmann trên Le Monde.
Chắc chắn sẽ có "một thế giới đa cực nhưng không phải đa phương", theo quan sát của một nhà ngoại giao cấp cao Châu Âu, và điều này mở đường cho tình trạng tái xung đột. Trong khi đó, Pháp và Đức, hai thành viên trụ cột của Liên Hiệp Châu Âu, vẫn chưa thống nhất được về việc liệu Liên Âu có trở thành cực thứ thứ ba trên trường quốc tế hay không.
Biden mở ra thời kỳ mới ?
Nếu ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden trở thành tổng thống thứ 46 của Mỹ, nhiều nước Châu Âu thấy khả năng quay lại "ngoại giao truyền thống". Ông Joe Biden hứa "sẽ đưa ra những biện pháp có hiệu lực ngay lập tức để đổi mới nền dân chủ và quan hệ đồng minh" của Mỹ. Châu Âu còn kỳ vọng gì hơn để khép lại "chương Trump" ? Mỹ sẽ trở lại Thỏa thuận Khí hậu, ở lại với NATO, đồng hành đối phó với đối thủ chiến lược Trung Quốc, duy trì vai trò trong thế giới đa phương…
Tuy nhiên, vẫn theo nhận định của Sylvie Kauffmann, những lời hứa của ông Joe Biden rất mông lung, không rõ ràng để "đoạn tuyệt" với chính sách đối ngoại trong thời kỳ Trump. Ngoài ra, về mặt thương mại, Châu Âu chỉ có thể kỳ vọng là chính quyền Joe Biden sẽ giảm bớt sức ép, "chú ý đến thể thức hơn", nhưng "các cuộc đàm phán sẽ vấn rất gay go, đặc biệt trong lĩnh vực hàng không", theo nhận định của nhà kinh tế Manuel Maleki, thuộc Edmond de Rothschild với báo Les Echos, mà ví dụ điển hình là quá trình đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Đại Tây Dương (TTIP) dưới thời Obama.
Nếu ứng viên đảng Dân chủ thắng cử, ông Biden sẽ thể hiện thái độ hữu hảo hơn, thoải mái hơn như Châu Âu vẫn thích, nhưng mối quan hệ Mỹ-Âu sẽ không bao giờ trở lại được như trước đây vì đã quá rạn nứt. Cả cựu đại sứ Pháp tại Mỹ Gérard Araud cũng như chính trị gia Đức Nobert Rottgen, thuộc đảng CDU, đều có chung nhận định : "Châu Âu phải tự khẳng định là một sức mạnh địa chính trị". Ông Gérard Araud còn so sánh "Châu Âu như loài động vật ăn cỏ cuối cùng" trong thế giới động vật ăn thịt, và "Châu Âu phải thay đổi chế độ ăn của mình".
Thu Hằng
Nguồn : RFI, 09/10/2020
Merkel ‘đối đầu’ Trump vì vấn đề khí hậu (BBC, 29/06/2017)
Thủ tướng Đức Angela Merkel tuyên bố hội nghị G20 sẽ ưu tiên bàn về thỏa thuận khí hậu Paris, tạo khả năng mâu thuẫn
Angela Merkel nói mạnh mẽ với quốc hội Đức
Hội nghị các nền kinh tế thế giới lớn nhất diễn ra tuần sau.
Là chủ nhà, bà Merkel có quyền đề ra ưu tiên thảo luận cho cuộc họp thường niên, lần này diễn ra ở Hamburg.
Phát biểu với quốc hội hôm thứ Năm, bà Merkel mạnh mẽ nói về ông Trump.
"Các khác biệt là rõ ràng và sẽ dối trá nếu cố che giấu".
"EU hoàn toàn tuân thủ thỏa thuận ở Paris và sẽ tiến hành nó nhanh chóng, quyết tâm".
Dường như nhắm vào Donald Trump, bà Merkel nói :
"Những ai nghĩ rằng các vấn đề của thế giới có thể giải quyết nhờ cô lập hay bảo hộ, đã sai thậm tệ".
Ông Trump đã rút Mỹ ra khỏi thỏa thuận Paris hôm 1/6, nói rằng nó chỉ làm nghèo nước Mỹ.
Tổng thống bị nhiều phía lên án sau khi ông tuyên bố Hoa Kỳ rút khỏi Thỏa thuận khí hậu Paris.
Hoa Kỳ trở thành một trong ba nước nằm ngoài thỏa thuận này.
Trong chiến dịch vận động tranh cử, ông Trump đã nói rằng biến đổi khí hậu là một trò lừa bịp, và kể từ khi tuyên bố hôm 1/6, ông tránh né những câu hỏi về chủ đề này.
***********************
Trung Quốc bác bỏ cáo buộc là nguồn chính cung cấp hàng giả ở Châu Âu (RFI, 29/06/2017)
Bắc Kinh hôm nay 29/06/2017 bác bỏ báo cáo của Cảnh Sát Châu Âu Europol và Cơ Quan Sở Hữu Trí Tuệ Châu Âu theo đó Trung Quốc là nguồn chính cung cấp hàng giả tại Liên Châu Âu, gọi báo cáo trên là "vô trách nhiệm" và Hiệp cam kết tiếp tục đối phó với nạn vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Hàng giả của Trung Quốc do hải quan Thụy Sĩ tịch thu được trưng bày trong một cuộc họp báo, năm 2012. FABRICE COFFRINI / AFP
Theo Reuters, Europol cho biết Trung Quốc vẫn là nước xuất khẩu chính hàng giả sang Liên Hiệp Châu Âu. Hàng giả được sản xuất tại Trung Quốc và trung chuyển qua Hồng Kông để tới Châu Âu. Báo cáo trích dẫn số liệu thống kê từ Phòng Thương Mại Hoa Kỳ ước tính rằng 72% hàng giả lưu thông tại ba trường lớn nhất thế giới là Liên Hiệp Châu Âu, Nhật Bản và Hoa Kỳ năm 2016 có xuất xứ từ Trung Quốc. Hàng giả chiếm 12,5% tổng xuất khẩu và hơn 1,5 % tổng sản phẩm quốc nội của Trung Quốc vào năm 2016.
Tại Bắc Kinh, phát biểu với các phóng viên, phát ngôn viên bộ Thương Mại Trung Quốc gọi các cáo buộc của Cảnh Sát Châu Âu là "vô trách nhiệm" và cho rằng tính xác thực và khách quan của các số liệu thống kê trong báo cáo trên cần được nghiên cứu thêm.
Phát ngôn viên bộ Thương Mại Trung Quốc còn cho biết Trung Quốc sẽ tiếp tục "trấn áp mạnh mẽ" mọi hành vi vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, đặc biệt là trong xuất khẩu các sản phẩm trong lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ và vật tư trong đầu tư cơ sở hạ tầng trên quy mô lớn.
Thùy Dương
Nước Mỹ của Donald Trump và nước Anh của thời Brexit, từ hình ảnh cho đến thực tế, không còn đáng tin như xưa. Hai đồng minh truyền thống của Châu Âu chỉ nghĩ đến quyền lợi riêng, trong khi Tây phương đứng trước những mối đe dọa chung mà chính tổng thống Mỹ đã xác nhận tại thượng đỉnh NATO ngày 27/05/2017. Các nước Châu Âu phải làm gì ? Phải biến rủi thành may ! Đức và Pháp phải bắt lấy cơ hội để tự cường trên trường quốc tế.
Thủ tướng Đức Angela Merkel (trái) và tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại Berlin, ngày 15/05/2017.Reuters
Donald Trump : "Chúng ta phải vững mạnh và cảnh giác nghiêm ngặt. NATO trong tương lai phải đặc biệt lưu ý đối phó với khủng bố, với di dân nhập cư cũng như những đe dọa đến từ nước Nga, ở biên giới phía đông, ở biên giới phía nam của chúng ta".
Trên đây là trích đoạn diễn văn của tổng thống Donald Trump tại thượng đỉnh NATO vào tuần trước tại Sicilia, Ý, cơ hội làm sáng tỏ lập trường của Washington. Điều đáng chú ý là tổng thống Mỹ động viên tinh thần các nước đồng minh, không chỉ trích NATO thiếu hiệu năng và không hợp thời như lúc vận động tranh cử.
Tuy vậy, diễn văn của tổng thống Donald Trump về hình thức gây bất bình cho công luận Châu Âu, vì ông công khai đòi tiền các thành viên, về nội dung thì gây lo ngại vì lãnh đạo siêu cường, trái với truyền thống NATO, không nhắc lại lời cam kết bảo vệ Châu Âu khi bị xâm lăng, theo điều 5 của Hiến Chương Bắc Đại Tây Dương.
Các đồng minh Châu Âu phải làm gì trước chủ trương co cụm của Mỹ ? Đây là chủ đề của tạp chí Tiêu Điểm tuần này.
Không bó tay thụ động
Trước hết, giới phân tích nhận định ra sao về thông điệp của tổng thống Donald Trump ? Florent Parmentier, giáo sư Đại Học Chính Trị Paris, đồng sáng lập viên blog EurAsia Prospective đưa ra hai giả thuyết :
Chúng ta có hai cách phân tích. Giả thuyết thứ nhất, tổng thống Donald Trump thật tình. Trước đây, do thiếu hiểu biết tường tận, ông tuyên bố NATO là một guồng máy cổ lỗ, kềnh càng. Bây giờ thì ông thay đổi khi thấy Hoa kỳ có nhiều quyền lợi trong NATO. Giả thuyết thứ hai là Donald Trump tìm cách trắc nghiệm, thăm dò các đồng minh xem họ có sẵn sàng chia sẻ trách nhiệm hay không ? Trước đây, ông nghĩ rằng NATO là "cổ lỗ", bây giờ ông phát hiện thêm NATO rất cứng đầu, kháng cự mọi yêu cầu cải cách.
Đối với công luận, quân đội Mỹ đóng vai trò chủ lực trong NATO. Tuy nhiên, trên thực tế, Châu Âu mới là nguồn cung cấp nhân lực đông đảo nhất để tự vệ, Hoa Kỳ phải đối mặt với nhiều điểm nóng khác trên thế giới.
Giáo sư Florent Parmentier :
Sức mạnh của Mỹ, qua liên minh quân sự NATO, chỉ là một phần nhỏ của quân lực Mỹ. Phần lớn còn lại là do các nước Châu Âu đảm trách. Phải thấy rằng Hoa Kỳ đang đụng phải đối thủ Trung Quốc ở Châu Á, gặp khó khăn hay đúng hơn là tình trạng đối đầu căng thẳng ở Biển Đông. Hoa Kỳ cũng đang tham chiến ở Trung Cận Đông. Châu Âu chỉ là một trong số các mặt trận của Mỹ với NATO, đây là một liên minh quân sự gồm những thành viên mà tiếng nói có trọng lượng như nhau.
Trục Paris-Berlin
Trong bối cảnh "lãnh đạo thế giới tự do" bị xu hướng dân túy lũng đoạn và phản bội nhiệm vụ chim đầu đàn của mình, Châu Âu phải làm gì để tự vệ chống lại những đe dọa lớn mà chính tổng thống Mỹ nêu lên từ an ninh cho đến biên cương : khủng bố, làn sóng di dân nhập cư và nước Nga của Putin.
Giải pháp khả thi nhất, theo chuyên gia Pháp Dominique Moïse, hai nước Pháp và Đức phải nhân cơ hội chứng tỏ có khả năng hoạt động chung trên chính trường quốc tế.
Trong khi phong trào dân túy tại Anh và Mỹ đã làm mất đi giá trị của "lòng tin cậy", nước Pháp, với tân tổng thống trẻ tuổi Emmanuel Macron, lại làm dấy lên một làn gió mới thổi qua Châu Âu - tuy còn mong manh : đó là niềm tin. "Tín nhiệm" chính là nền tảng của mối quan hệ đặc biệt giữa Anh và Mỹ. Từ nay, "tín nhiệm" có thể sẽ giúp cho Pháp và Đức trở thành cặp bài trùng trên mọi lĩnh vực vì nhu cầu tâm lý và chiến lược.
Ngược dòng lịch sử
Ngày 22/01/1963, tổng thống Pháp Charles De Gaulle và thủ tướng Đức Konrad Adenauer ký hiệp định hữu nghị Pháp - Đức tại điện Elysée, tăng cường hợp tác trên mọi lĩnh vực : giáo dục, chính trị, ngoại giao, an ninh, quốc phòng... Với hiệp định này, tổng thống De Gaulle hy vọng Tây Đức tách ra khỏi ảnh hưởng của Mỹ để cùng xây dựng Châu Âu. Tuy nhiên, trong lĩnh vực an ninh, tuy không thẳng thừng như Liên Hiệp Anh của Winston Churchill là "giữa biển khơi và Châu Âu, nước Anh luôn chọn biển khơi", Tây Đức tỏ rõ lập trường dựa vào ô dù của Mỹ hơn là tự cường.
Để tồn tại trong bối cảnh chiến tranh lạnh, một bên là đe dọa của Liên Xô và khối Warsawa, bên kia là ảnh hưởng áp đảo của đồng minh siêu cường Hoa Kỳ, nước Pháp đề kháng, rút khỏi NATO và chỉ hội nhập trở lại dưới thời tổng thống Nicolas Sarkozy (tháng 04/2009).
Nửa thế kỷ sau tổng thống de Gaulle, vừa bầu Emmanuel Macron vào điện Elysée, nước Pháp lại đứng trước những thách thức địa chính trị tương tự, nhưng mối hiểm nguy phức tạp hơn, khó dự phòng hơn.
Tuy nhiên, lần này, không phải do Anh và Mỹ bắt tay nhau để giành thế chủ động ở Châu Âu. Trái lại, khối "Anglo-Saxons" này kéo nhau bỏ rơi Châu Âu : nước Mỹ của Donald Trump co cụm, Liên Hiệp Anh ly dị với Châu Âu. Liên Hiệp Châu Âu giờ đây chỉ có một mình nước Pháp là cường quốc hạt nhân, thành viên thường trực của Hội Đồng Bảo An và là nước có quân đội hùng mạnh nhất.
Nhìn về tương lai
Theo chuyên gia Dominique Moïse, cho dù Pháp không thể thay thế nước Mỹ, Đức không thể thay thế Anh trong tình thế dầu sôi lửa bỏng, thách thức trên thế giới ngày càng nhiều, đe dọa an ninh Châu Âu, Paris và Berlin phải lên tuyến đầu. Trong quá khứ, hai nước đã nhiều lần thống nhất lập trường như chống chiến tranh Irak lần thứ hai (2003), cứng rắn với Putin trên hồ sơ Ukraine và Syria, và gần đây nhất, Đức đưa một đơn vị, cho dù là khiêm tốn, tham gia vào chiến dịch chống khủng bố tại Mali. Những sự kiện này chứng tỏ hai nước có thể hợp lực với nhau trên các hồ sơ quốc tế cho dù không có cùng "tập quán" can thiệp và do Đức bị trói buộc phải thận trọng từ sau Thế chiến thứ hai.
Vấn đề là Đức phải hóa giải nổi ám ảnh lịch sử xâm lăng, không viện dẫn quá khứ để né tránh can dự quân sự vào xung đột quốc tế. Về phần Pháp, tổng thống Emmanuel Macron phải biến thiện chí thành hành động và kết quả cụ thể. Bay sang Berlin gặp thủ tướng Angela Merkel ngay sau khi nhậm chức là một cử chỉ đầy biểu tượng. Nước Pháp giờ đây phải thực hiện lời hứa cải cách đến cùng để tạo sự tín nhiệm. Nước Pháp cũng phải hiểu là đứng trước những thách thức to lớn, Paris cần gạt bỏ lối phản xạ cổ điển trong quan hệ với Đức : "Anh mạnh về kinh tế, tôi mạnh về ngoại giao". Hai nước đều phải tự tiến lại gần nhau.
Châu Âu luôn cần nước Mỹ vì không thể tự vệ một mình và nước Mỹ cũng cần Châu Âu vì không thể sống co cụm. Tuy nhiên, trong khi chờ đợi có một vị tổng thống dấn thân ở Nhà Trắng, Châu Âu phải "tự lo lấy thân". Đây là cơ hội để Pháp và Đức, hai đầu tàu của Liên Hiệp nhìn xa hơn quyền lợi quốc gia.
Tú Anh