Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

09/10/2020

Trump hay Biden : Châu Âu vẫn vỡ mộng đồng minh với Mỹ

Thu Hằng

Trong bốn năm, "cơn cuồng phong" Trump đã xóa sổ mọi di sản đối ngoại của người tiền nhiệm Barack Obama. Những đồng minh Châu Âu của Washington không còn dám tin vào "giấc mơ Mỹ" dù Trump hay Biden thắng cử. Một mặt do Châu Âu đã có cách nhìn khác về Hoa Kỳ, mặt khác do xã hội Mỹ cũng thay đổi sâu sắc trong nhiệm kỳ Trump (2017-2021).

trumpbiden1

Tổng thống Donald Trump và ứng viên tổng thống Joe Biden.  AP - Patrick Semansky

Chính sách co cụm "Nước Mỹ trước tiên" của tổng thống Trump đã làm giảm uy tín của Mỹ trên trường quốc tế, đặc biệt là các đồng minh Châu Âu giờ phải dè chừng. Tháng 08/2020, tổng thống Pháp Emmanuel Macron từng lấy làm tiếc về vai trò của Mỹ với tư cách là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc để giải quyết các cuộc xung đột trên thế giới. Ông Macron vẫn hy vọng "Hoa Kỳ là một đối tác cho an ninh chung của một Châu Âu có chủ quyền". Thế nhưng, mối quan hệ Mỹ-Châu Âu như "bát nước hắt đi khó hớt lại đầy". Mỹ rút, nhường lại chỗ cho Trung Quốc và Nga gia tăng ảnh hưởng trên trường quốc tế.

Quan hệ đồng minh : Sứt mẻ dưới "Trump I", sẽ tệ hại dưới "Trump II"

Trong bốn năm, tổng thống Trump đã "kịp" rút Mỹ khỏi hầu hết các thỏa thuận, hiệp định quốc tế quan trọng (khí hậu, hạt nhân Iran…), mà nhiều đồng minh Châu Âu là đối tác. Liên Hiệp Châu Âu và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cũng nằm trong danh sách những định chế bị chính quyền Trump chỉ trích : Thành viên NATO phải tăng đóng góp nếu muốn Mỹ duy trì "ô bảo vệ", nhiều đồng minh Châu Âu bị tổng thống Trump gọi là "mối đe dọa cho an ninh quốc gia" khi ông giải thích quyết định tăng thuế đối với nhiều mặt hàng nhập từ Châu Âu (công cụ, máy móc và ô tô của Đức, rượu vang Pháp, dược phẩm Ireland...) nhằm giảm thâm hụt thương mại, lên đến 151,6 tỉ euro vào năm 2019.

Nếu tổng thống đương nhiệm tái đắc cử, tình hình dưới thời Trump II sẽ tồi tệ hơn hiện nay vì ông Trump "sẽ hoàn toàn thoái mái hơn và không còn hạn chế nào hết", theo nhận định của Gérard Araud, cựu đại sứ Pháp tại Washington, được trang News24 trích dẫn. Cụ thể, Mỹ có thể rời NATO, rút quân khỏi Hàn Quốc và Afghanistan, Trung Quốc ngày càng bành trướng và Châu Âu, không còn được Mỹ hỗ trợ, bị cuốn vào rối loạn, theo liệt kê của Sylvie Kauffmann trên Le Monde.

Chắc chắn sẽ có "một thế giới đa cực nhưng không phải đa phương", theo quan sát của một nhà ngoại giao cấp cao Châu Âu, và điều này mở đường cho tình trạng tái xung đột. Trong khi đó, Pháp và Đức, hai thành viên trụ cột của Liên Hiệp Châu Âu, vẫn chưa thống nhất được về việc liệu Liên Âu có trở thành cực thứ thứ ba trên trường quốc tế hay không.

Biden mở ra thời kỳ mới ?

Nếu ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden trở thành tổng thống thứ 46 của Mỹ, nhiều nước Châu Âu thấy khả năng quay lại "ngoại giao truyền thống". Ông Joe Biden hứa "sẽ đưa ra những biện pháp có hiệu lực ngay lập tức để đổi mới nền dân chủ và quan hệ đồng minh" của Mỹ. Châu Âu còn kỳ vọng gì hơn để khép lại "chương Trump" ? Mỹ sẽ trở lại Thỏa thuận Khí hậu, ở lại với NATO, đồng hành đối phó với đối thủ chiến lược Trung Quốc, duy trì vai trò trong thế giới đa phương…

Tuy nhiên, vẫn theo nhận định của Sylvie Kauffmann, những lời hứa của ông Joe Biden rất mông lung, không rõ ràng để "đoạn tuyệt" với chính sách đối ngoại trong thời kỳ Trump. Ngoài ra, về mặt thương mại, Châu Âu chỉ có thể kỳ vọng là chính quyền Joe Biden sẽ giảm bớt sức ép, "chú ý đến thể thức hơn", nhưng "các cuộc đàm phán sẽ vấn rất gay go, đặc biệt trong lĩnh vực hàng không", theo nhận định của nhà kinh tế Manuel Maleki, thuộc Edmond de Rothschild với báo Les Echos, mà ví dụ điển hình là quá trình đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Đại Tây Dương (TTIP) dưới thời Obama.

Nếu ứng viên đảng Dân chủ thắng cử, ông Biden sẽ thể hiện thái độ hữu hảo hơn, thoải mái hơn như Châu Âu vẫn thích, nhưng mối quan hệ Mỹ-Âu sẽ không bao giờ trở lại được như trước đây vì đã quá rạn nứt. Cả cựu đại sứ Pháp tại Mỹ Gérard Araud cũng như chính trị gia Đức Nobert Rottgen, thuộc đảng CDU, đều có chung nhận định : "Châu Âu phải tự khẳng định là một sức mạnh địa chính trị". Ông Gérard Araud còn so sánh "Châu Âu như loài động vật ăn cỏ cuối cùng" trong thế giới động vật ăn thịt, và "Châu Âu phải thay đổi chế độ ăn của mình".

Thu Hằng

Nguồn : RFI, 09/10/2020

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thu Hằng
Read 538 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)