Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

10/10/2020

Donald Trump "diệt Tàu" qua lăng kính vụ bắt giữ Phạm Đoan Trang

Nhã Duy

Chỉ vài giờ sau cuộc họp Đối thoại nhân quyền thường niên giữa Hoa Kỳ và Việt Nam lần thứ 24 được tổ chức qua mạng vào ngày 6/10/2020 vừa qua với sự tham dự của đại sứ Hoa Kỳ Daniel Kritenbrink cùng các quan chức cao cấp Bộ ngoại giao Hoa Kỳ đặc trách vấn đề Á Châu sự vụ cùng giới chức ngoại giao Việt Nam, thì ngay đêm cùng ngày, nhà cầm quyền Việt Nam đã bắt giữ nhà hoạt động dân chủ Phạm Đoan Trang. 

doithoai1

Phó Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ phụ trách khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Đại sứ Atul Keshap, chào đón phái đoàn Việt Nam tại cuộc Đối thoại

Là một nhà tranh đấu can đảm, luôn lên tiếng mạnh mẽ về vấn đề bình đẳng giới tính, nhân quyền và dân chủ, từng được tổng thống Barack Obama mời gặp mặt khi ông sang Việt Nam năm 2016, Phạm Đoan Trang đã nằm trong danh sách theo dõi và muốn bắt giữ hàng đầu của an ninh Việt Nam từ nhiều năm qua. Nhưng tại sao cô lại bị bắt khẩn cấp ngay sau cuộc họp nhân quyền cùng Bộ ngoại giao Hoa Kỳ ?

Hành động của Hà Nội xem như thái độ đáp trả thẳng thừng và thách thức về một loạt các kêu gọi về vấn đề nhân quyền của Hoa Kỳ, bao gồm tầm quan trọng của tiến trình và sự hợp tác song phương về pháp quyền, quyền tự do ngôn luận và lập hội, quyền tự do tôn giáo và quyền lao động được nêu ra trong cuộc họp kéo dài ba tiếng đồng hồ cùng ngày, theo như báo cáo đăng trên mạng của Bộ ngoại giao Hoa Kỳ. 

Tổ chức Human Rights Watch cho biết chỉ trong năm nay, Việt Nam đã bắt giữ 25 nhà hoạt động và đang giam giữ 258 tù nhân lương tâm, những người bày tỏ chính kiến các vấn đề chính trị xã hội bị nhà cầm quyền ghép vào tội danh "tuyên truyền chống chính phủ".

Nó cho thấy rằng, những tuyên bố, áp lực về nhân quyền của Hoa Kỳ chẳng hề có trọng lượng mảy may nào với một quốc gia cộng sản nhỏ bé như Việt Nam, huống hồ với Trung Quốc. Bởi một Hoa Kỳ dưới quyền tổng thống Donald Trump, vấn đề nhân quyền và dân chủ trên thế giới xem ra chẳng là quyết sách quan trọng trong bốn năm qua.

Chính Hoa Kỳ cũng là quốc gia đang bị xem là vi phạm nhân quyền hiện nay. Tổ chức Freedom House báo cáo về Hoa Kỳ rằng, "Năm 2019, Hoa Kỳ tiếp tục thụt lùi về các quyền, ngày càng sẵn sàng phá vỡ các biện pháp bảo vệ thể chế và xem thường quyền của những người chỉ trích chính phủ và người thiểu số khi theo đuổi các chương trình nghị sự dân túy của mình" (1). Còn tổ chức Human Rights Watch nhận xét rằng, "Trong chính sách đối ngoại của mình, chính quyền Trump đang giảm dần việc thúc đẩy nhân quyền tại nước ngoài, tiếp tục phá hoại các thể chế đa phương, xem thường luật nhân quyền và nhân đạo quốc tế khi hợp tác cả với các quốc gia sách nhiễu nhân quyền" (2). 

Quả thật như vậy, khi Donald Trump tiếp tục tấn công vào truyền thông Hoa Kỳ, xem họ là "kẻ thù của người dân", nó không chỉ tấn công vào quyền tự do báo chí, hủy hoại niềm tin của người dân vào truyền thông mà còn kích động bạo lực và thù ghét, gây nguy hiểm cho sự an toàn của các ký giả cùng các cơ quan truyền thông. Khi nội các Trump tiếp tục các chính sách giới hạn về y tế, muốn đảo ngược chương trình Obamacare, Medicaid, thì ông ta đang tấn công vào quyền được tiếp cận và thụ hưởng nền y tế của người dân. 

Các chính sách di dân giới hạn và nghiêm ngặt của Donald Trump đã vi phạm các công ước quốc tế về di dân và tị nạn, kích động sự kỳ thị và bài ngoại nhắm vào các sắc dân thiểu số đang sống tại Hoa Kỳ. Khi lật ngược hàng loạt các luật lệ về môi trường, rút ra khỏi các thỏa ước môi trường đã từng được Hoa Kỳ ký kết với cộng đồng quốc tế, Donald Trump đã vi phạm quyền được sống trong môi trường an toàn và lành mạnh của người dân. Có thể kể thêm vô số các quyền đã bị giới hạn hay đảo ngược trong vòng bốn năm qua, theo như HRW đã nhận xét.

Nhưng nguy hiểm hơn nữa, những chính sách đối ngoại công khai gặp gỡ và ca ngợi lãnh tụ các quốc gia độc tài đang vi phạm nhân quyền nặng nề nhất, Donald Trump đã đặt ưu tiên các nghị trình của nội các mình lên trên các giá trị căn bản và cốt lõi về nhân quyền và dân chủ hay sẳn sàng đánh đổi nó để đạt được mục đích chính trị mong muốn.

Các quốc gia bị xem là vi phạm nhân quyền cũng đã lấy chính Hoa Kỳ trong nhiệm kỳ Donald Trump để cho rằng, Hoa Kỳ là đạo đức giả và không còn tư cách gì để can dự vào vấn đề nhân quyền của các quốc gia khác trên thế giới. Đây là điều mà Trung Quốc thường xuyên sử dụng và tuyên truyền trên các cơ quan ngôn luận chính thức của đảng hiện nay.

Là một thương gia trở thành người đứng đầu quốc gia, vấn đề đối ngoại hàng đầu của Donald Trump là việc giao thương giữa các quốc gia, bất kể có là thù địch hay khác biệt ý thức hệ, hơn là muốn triệt tiêu, dẹp bỏ hoặc can dự vào nội bộ các quốc gia này. Hồi năm trước, Donald Trump từng tuyên bố rằng, "Tôi tin rằng Chủ tịch Kim (Jong-un) có một tầm nhìn "tuyệt vời và đẹp đẽ" cho quốc gia mình" (3). 

Với Trung Quốc cũng vậy, khi chỉ cần thỏa mãn một số yêu cầu mậu dịch nho nhỏ nào đó trong cái gọi là "thương chiến" là dễ dàng đạt được thỏa thuận với Donald Trump, Trung Quốc vẫn tiếp tục là quốc gia hung hãn tại Biển Đông, tiếp tục âm mưu bành trướng và tạo thêm ảnh hưởng quyền lực ra khắp thế giới một khi Hoa Kỳ đã từ bỏ vị trí lãnh đạo thế giới của mình như đã thấy. Như tên thần đèn xấu xí và nham hiểm đã thoát ra khỏi chiếc đèn, Donald Trump không có khả năng nhốt Trung Quốc vào lại chiếc đèn thần khi thiếu sự hợp lực của đồng minh và cộng đồng quốc tế khi đang rút ra khỏi các hiệp ước hay phản bội lại đồng minh lâu năm của mình.

Câu chuyện của nhà hoạt động Phạm Đoan Trang bị bắt giữ đã cho thấy rằng, Hoa Kỳ không thể và không tạo được ảnh hưởng với Việt Nam thì làm sao khống chế, hạ gục được Trung Quốc như nhiều người đã tin hay lầm tưởng.

Nhã Duy

(11/10/2020)

(1) Freedom in the World 2020 

(2) World Report 2020

(3) "I believe that President Kim has a great and beautiful vision for his country", ngày 2 tháng 8 năm 2019

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Nhã Duy
Read 963 times