Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Cuộc chiến tại Ukraine đặt Hà Nội vào thế khó trong quan hệ giữa Nga và Mỹ.

111111111111111111111111

Hà Nội bỏ phiếu chống đối với nghị quyết đình chỉ tư cách thành viên của Nga tại Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc hôm 7/4.

Tranh cãi đã dấy lên liên quan đến phản ứng của Việt Nam sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin phát động cuộc xâm lược Ukraine vào tháng 2. Hà Nội chọn cách không gọi "chiến dịch quân sự đặc biệt" của ông Putin tại Ukraine là "xâm lược", bỏ phiếu trắng trong nghị quyết đầu tiên của Liên Hợp Quốc hôm 2/3 nhằm lên án Moscow tấn công quân sự Kiev, kêu gọi các bên liên quan kiềm chế và tiếp tục bỏ phiếu chống đối với nghị quyết đình chỉ tư cách thành viên của Nga tại Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc hôm 7/4.

Dù vậy, giới quan sát hay các chuyên gia đã có thời gian dài nghiên cứu chính sách đối ngoại Việt Nam có thể không ngạc nhiên trước phản ứng "nước đôi" của Hà Nội trong vấn đề Ukraine. Việc theo đuổi một lập trường thận trọng, tránh mắc sai lầm trước các cuộc khủng hoảng quốc tế là đặc điểm điển hình trong chính sách đối ngoại Việt Nam. Lần này, Hà Nội tỏ ra dè dặt khi bày tỏ quan điểm về cuộc tiến công của Nga ở Ukraine, cố gắng tạo thế cân bằng trong quan hệ giữa Nga và Mỹ. Đối với Việt Nam, Moscow là "đối tác chiến lược toàn diện", trong khi Washington là đối tác an ninh ngày càng quan trọng ở khu vực. Trong bối cảnh Ukraine dần có xu hướng liên kết chặt chẽ hơn với Mỹ, Việt Nam muốn tránh bị cuốn vào vòng xoáy của chính trị cường quyền, thông qua việc không ủng hộ Moscow hay Kiev. Vào thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Hà Nội từng là nạn nhân của các yếu tố địa chính trị và đã phải trả giá đắt khi chọn phe trong tam giác Washington – Moscow – Bắc Kinh.

Trên thực tế, Nga và Mỹ đóng vai trò thiết yếu trong hoạch định chính sách đối ngoại và định hướng tư duy quốc phòng của Việt Nam. Hà Nội cần Nga vừa để đảm bảo hoạt động trang bị vũ khí thường xuyên, vừa nhằm củng cố quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai bên – vốn đã được "thử lửa" trong thời điểm Việt Nam nhận viện trợ về cả ngoại giao lẫn quân sự từ Liên Xô trước đây. Nga là nước đầu tiên thiết lập quan hệ "đối tác chiến lược" với Việt Nam vào năm 2001. Hiện tại, Moscow đã trở thành "đối tác chiến lược toàn diện" của Hà Nội, bên cạnh Trung Quốc và Ấn Độ, đồng thời là quốc gia dẫn đầu trong nỗ lực thăm dò và khai thác dầu khí với Việt Nam trên Biển Đông.

Trong khi đó, Việt Nam rất coi trọng mối quan hệ phát triển nhanh chóng với Mỹ trên khía cạnh kinh tế và quốc phòng. Washington đã nhiều lần bày tỏ mong muốn nâng tầm quan hệ song phương lên "đối tác chiến lược", ưu tiên lợi ích an ninh thay vì chú trọng vào khác biệt về ý thức hệ với Hà Nội. Với nỗ lực vun đắp từ phía Việt Nam, nhất là trong lĩnh vực an ninh hàng hải, quan hệ Việt – Mỹ có thể đóng vai trò như chiến lược ngăn chặn áp dụng với Trung Quốc, phát đi thông điệp cảnh báo khéo léo đến giới lãnh đạo Bắc Kinh về các tranh chấp lãnh thổ giữa hai nước trên Biển Đông.

Trong hoạt động đối ngoại của Việt Nam, vai trò của Mỹ và Nga càng quan trọng hơn khi Hà Nội đang đối mặt với một Bắc Kinh ngày càng hung hăng trên biển. Washington đã liên tục ngỏ ý hỗ trợ Việt Nam về ngoại giao và an ninh, nhằm chống lại hành vi cưỡng ép của Trung Quốc ở các vùng biển tranh chấp. Trong khi đó, Moscow cũng âm thầm ủng hộ Việt Nam thông qua nỗ lực kiên trì hợp tác trong các dự án dầu khí với Hà Nội ngay tại những khu vực này.

Thông qua việc theo đuổi chiến lược "can dự đa hướng" (omni-directional engagement), Việt Nam cố gắng duy trì và tăng cường quan hệ với cả các đối tác cũ lẫn mới. Nỗ lực đa dạng hóa quan hệ với các nước láng giềng, các đồng minh ngoại giao truyền thống, các quốc gia trong khu vực, các nước lớn và một số cường quốc tầm trung giúp Việt Nam tránh "bỏ tất cả trứng vào cùng một giỏ." Kiên định với nguyên tắc độc lập tự chủ, Hà Nội tái khẳng định chủ trương đa phương hoá, đa dạng hoá trong hoạt động đối ngoại. Thay vì chọn phe, Việt Nam tiếp tục nhấn mạnh cam kết "hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển" trong quan hệ với các quốc gia ở khu vực và trên thế giới.

Dường như việc "đi dây" phần nào hiệu quả trong quan hệ giữa Washington và Moscow thời gian qua đã hình thành tâm lý chủ quan từ phía Hà Nội. Tuy nhiên, với Việt Nam, nỗ lực đảm bảo sự tự chủ chiến lược, đồng thời duy trì lập trường "mơ hồ" đối với cuộc chiến khốc liệt của Nga ở Ukraine nhiều khả năng không thể kéo dài lâu.

Trên khía cạnh an ninh quốc tế, các quốc gia có khuynh hướng rơi vào tình thế "tiến thoái lưỡng nan" (dilemma) khi muốn đồng thời theo đuổi lợi ích mang tính thực dụng và các nguyên tắc quốc tế. Đối với Việt Nam, tư duy thực dụng đã được cụ thể hoá trong chính sách quốc phòng "bốn không" của Hà Nội, đó là : Không tham gia liên minh quân sự ; không liên kết với nước này để chống nước kia ; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam để chống lại nước khác ; không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế [tác giả nhấn mạnh].

Đối với cuộc khủng hoảng tại Ukraine, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã kêu gọi các bên liên quan "[kiềm chế] sử dụng vũ lực" và "[tìm kiếm] một giải pháp hòa bình, đóng góp vào việc duy trì hòa bình, an ninh, ổn định và hợp tác ở khu vực và trên thế giới". Trong đó, Hà Nội nhấn mạnh sự cần thiết phải tuân thủ Hiến chương Liên Hợp Quốc và "các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế". Trên bình diện chung, tuyên bố chính thức của Việt Nam mang hàm ý chỉ trích những hành động từ phía Nga do Moscow đã vi phạm các điều khoản của bản Hiến chương. Đối với các nhà lãnh đạo ở Hà Nội, lập trường chính trị nói trên phù hợp với những nguyên tắc mà Việt Nam theo đuổi trong chính sách đối ngoại.

Câu hỏi đặt ra là : Việt Nam có thể nỗ lực đến đâu khi muốn "đi dây" giữa Washington và Moscow, trong khi vẫn đảm bảo lợi ích an ninh trên trường quốc tế ? Lời giải phụ thuộc vào khả năng của Hà Nội trong việc nâng cao sức mạnh tổng thể của quốc gia, với các trụ cột dựa trên "một nền kinh tế mạnh, một nền quốc phòng vừa đủ mạnh, cùng với sự mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế", như Nghị quyết số 13 của Bộ Chính trị (khóa VI) Đảng cộng sản Việt Nam vào tháng 5-1988 đã khẳng định.

Khả năng phát huy hiệu quả giá trị chiến lược đóng vai trò quan trọng giúp Việt Nam củng cố vị thế quốc tế, nhất là trong toan tính của các nước lớn. Đối với các trung cường và đặc biệt là những nước nhỏ, lựa chọn liên minh với một cường quốc nhằm chống lại một cường quốc khác không phải là chiến lược khôn ngoan, thậm chí còn tiềm ẩn nhiều mối đe dọa đối với an ninh quốc gia. Trong trường hợp của Việt Nam, khả năng ứng phó linh hoạt và chủ động trong các hoạt động đối ngoại giữa bối cảnh cạnh tranh chiến lược toàn cầu đang trước thử thách lớn.

Huỳnh Tâm Sáng

Nguồn : Nghiên cứu quốc tế, 26/04/2022

Một phiên bản tiếng Anh của bài viết đã được đăng trên The Interpreter.

Published in Diễn đàn
dimanche, 01 décembre 2019 17:36

Sách Trắng quốc phòng 2019 có gì mới ?

Việt Nam có đủ thực lực để thực hiện được chính sách quốc phòng "3 không" ?

Hoàng Hoa, Sputnik, 28/11/2019

Hôm 25/11, tại Hà Nội, Việt Nam công bố Sách Trắng quốc phòng 2019, công khai đường lối chính sách quân sự với toàn thế giới. thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh nhấn mạnh, Việt Nam tôn trọng sự hợp tác, cạnh tranh của các nước nhưng sẽ đấu tranh bảo vệ lợi ích của mình.

quocphong1

Thượng tướng Nguyễn Vịnh, thứ trưởng Bộ Quốc phòng giới thiệu nội dung Sách Trắng quốc phòng và cuốn Sách ảnh. © Ảnh : DƯƠNG GIANG - TTXVN

Việt Nam công bố Sách Trắng quốc phòng vào thời điểm này nhằm mục đích gì ? Sách Trắng quốc phòng lần này có điểm gì mới ? Liệu Việt Nam có đủ tiềm lực để thực hiện chính sách "ba không" (Không tham gia liên minh quân sự, không liên kết nước này để chống nước kia, không cho nước ngoài mượn căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam để chống lại nước khác).

Sputnik xin đưa ra một số phân tích về những vấn đề nói trên.

Vì sao Việt Nam công bố Sách Trắng quốc phòng vào thời điểm này ?

Trong vòng 21 năm qua, Việt Nam đã công bố Sách Trắng quốc phòng của mình 4 lần, vào các năm 1998, 2004, 2009 và 2019. Tức là, Sách Trắng quốc phòng lần này xuất hiện sau 10 năm. Sách Trắng quốc phòng Việt Nam là văn kiện chính trị-quốc phòng đặc biệt quan trọng do Bộ Quốc phòng Việt Nam công bố công khai, minh bạch về những vấn đề cơ bản của chính sách quốc phòng của Việt Nam.

Ở thời điểm hiện tại, tình hình phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam đã có nhiều tiến bộ vượt bậc, tạo cơ sở vững chắc hơn cho việc thực hiện các nhiệm vụ quốc phòng-an ninh. Tình hình Quốc Tế cũng có nhiều thay đổi, tạo ra nhiều cơ hội thuận lợi cũng như đặt ra nhiều vấn đề thách thức đối với việc thực hiện nhiệm vụ quốc phòng-an ninh của nhà nước Việt Nam. Do đó, việc ban hành một "Sách Trắng quốc phòng" mới thể hiện quan điểm, chủ trương, đường lối của Nhà nước Việt Nam về lĩnh vực quốc phòng-an ninh thích ứng với tình hình mới là điều cần thiết.

Cũng phải nhắc tới một sự kiện đáng chú ý, trong năm 2020, Việt Nam đảm nhận nhiệm vụ Chủ tịch luân phiên ASEAN, đồng thời là Chủ tịch luân phiên của cơ chế hợp tác quốc phòng Đông Nam Á (ADMM) cũng như cơ chế hợp tác quốc phòng Đông Nam Á mở rộng (ADMM+) và là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020-2021. Do đó, Việt Nam đã công khai, minh bạch chính sách quốc phòng của mình với khu vực và thế giới, tiếp tục xây dựng sự tín nhiệm của các nước đối với Việt Nam, cũng như khẳng định chính sách đối ngoại quốc phòng độc lập, tự chủ, vì hòa bình, ổn định và phát triển, khẳng định vai trò là thành viên tích cực và có trách nhiệm đối với cộng đồng Quốc Tế của Việt Nam.

Ngoài ra, việc công bố Sách Trắng quốc phòng Việt Nam 2019 cũng có ý nghĩa khẳng định vị thế, vai trò, tầm quan trọng, chức năng, nhiệm vụ bảo vệ Tổ Quốc của Quân đội Nhân dân Việt Nam nhân dịp kỷ nhiệm lần thứ 75 ngày thành lập.

Những điểm gì khác biệt với Sách trắng lần trước, cách đây 10 năm ?

 Điểm khác biệt đầu tiên giữa "Sách Trắng quốc phòng năm 2019" với các Sách Trắng quốc phòng trước đó là ở tên gọi. Sách Trắng quốc phòng Việt Nam năm 1998 có tên gọi là "Việt Nam – củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ Quốc". Sách Trắng quốc phòng Việt Nam năm 2004 có tên gọi là "Quốc phòng Việt Nam những năm đầu thế kỷ XXI". Còn Sách Trắng quốc phòng Việt Nam năm 2009 có tên là "Quốc phòng Việt Nam". Còn năm nay nó có tên là "Quốc Phòng Việt Nam 2019" ("2019 Vietnam National Defence"). Đây không chỉ đơn giản là thay đổi tên gọi mà còn là thay đổi về bố cục và nội dung và các tài liệu kèm theo.

Sách Trắng quốc phòng Việt Nam 1998 ngoài lời nói đầu và kết luận, sách gồm 3 phần chính và không có phụ lục kèm theo. Sách Trắng quốc phòng Việt nam năm 2004 không kết luận, nhưng gồm Lời nói đầu, 3 phần chính và 3 phụ lục kèm theo. Sách Trắng quốc phòng Việt Nam năm 2009 ngoài lời mở đầu, kết luận gồm 3 phần chính và 11 phụ lục.

Sách trắng "Quốc phòng Việt Nam 2019" về cơ bản có bố cục tương tự như Sách trắng "Quốc phòng Việt Nam" 2009, nhưng thay cho phần phụ lục là "Sách ảnh Quốc phòng Việt Nam 2019".

Sách ảnh "Quốc phòng Việt Nam" được biên tập và in riêng. Nó giới thiệu toàn bộ lịch sử Quân đội Nhân dân Việt Nam từ ngày thành lập đến nay, nhấn mạnh tới các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ Quốc chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Quân đội Nhân dân Việt Nam làm nhiệm vụ Quốc Tế (1949-1989) và cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam (1975-1989) ; Quân đội Nhân dân Việt Nam trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc ; Quân đội Nhân dân Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa ; Quân đội Nhân dân Việt Nam thực hiện nhiệm vụ huấn luyện sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc ; Quân đội Nhân dân Việt Nam với nhiệm vụ đối ngoại quốc phòng ; tham gia gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc ; tham gia khắc phục hậu quả chiến tranh ; tác chiến không gian mạng và hoạt động của Cảnh sát biển Việt Nam ; đồng thời nhiều hoạt động giáo dục chính trị tư tưởng, huấn luyện quân sự, các hoạt động kinh tế-quốc phòng và một số vũ khí khí tài hiện Đại cũng được giới thiệu trong sách ảnh này. Đây là điểm mới đầu tiên đáng chú ý đối với bộ sách trắng "Quốc phòng Việt Nam 2019.

Điểm mới đáng chú ý nhất là ở mục "Bối cảnh chiến lược và Chính sách quốc phòng". Trong đó, có nhiều thông tin phân tích, đánh giá về tình hình an ninh thế giới với nhiều chuyển biến nhanh chóng trong 10 năm qua. Nội dung phần này không chỉ đưa ra sự phân tích và đánh giá mà còn có nhiều thông tin dự báo về tình hình an ninh thế giới, khu vực và trong nước, đồng thời đề ra các chiến lược bảo vệ Tổ quốc, chiến lược quốc phòng, chiến lược quân sự Việt Nam ; chính sách quốc phòng Việt Nam ; hội nhập Quốc Tế và đối ngoại về quốc phòng ; đấu tranh quốc phòng v.v…

Phần thứ hai có nội dung tương tư như Sách Trắng quốc phòng 2009 nhưng có đề cập đến những điểm mới như "xây dựng thế trận lòng dân" đồng thời nhấn mạnh đặc biệt đến sự liên quan mật thiết giữa quốc phòng, an ninh với kinh tế-xã hội và kinh tế-xã hội với quốc phòng, an ninh, xây dựng quân khu vững mạnh toàn diện, hợp thành hệ thống phòng thủ đất nước ; xây dựng các tỉnh, thành phố thành khu vực phòng thủ vững chắc. Phần thứ hai cũng đề cập đến những điểm mới trong việc xây dựng quân đội trên lĩnh vực tinh thần không chỉ về chính trị-tư tưởng mà còn cả về văn hóa-xã hội ; đặc biệt là văn hóa quân sự.

Phần thứ ba không chỉ đề cập đến việc tổ chức, xây dựng Quân đội Nhân dân và Dân quân Tự vệ (như đã có trong Sách trắng "Quốc phòng Việt Nam" 2009) mà còn đề cập đến lịch sử hình thành và phát triển của Quân đội Nhân dân và Dân quân Tự vệ, nhấn mạnh yếu tố truyền thống đánh giặc giữ nước và tham gia xây dựng hòa bình của hai lực lượng này.

Sách trắng "Quốc phòng Việt Nam" vẫn kiên trì quan điểm chính sách quốc phòng Việt Nam mang tính chất hòa bình, tự vệ, không tham gia liên minh quân sự, không liên kết nước này để chống nước kia, không cho nước ngoài mượn căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam để chống lại nước khác. Tuy nhiên, Việt Nam "sẽ sử dụng mọi biện pháp cần thiết để tự vệ, bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ khi lợi ích quốc gia bị xâm phạm". Điều đó có nghĩa là Việt Nam không bao giờ từ bỏ việc sử dụng vũ lực tự vệ, bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ khi lợi ích quốc gia bị xâm phạm như một số hãng thông tấn và báo chí Mỹ và phương Tây suy diễn xuyên tạc lời nói của Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh.

Vì sao Sách Trắng quốc phòng 2019 không ngại giới thiệu trang bị vũ khí của Quân đội Nhân dân Việt Nam ?

Trước đây, cả trong Sách Trắng quốc phòng Việt Nam cũng như trong các cuộc biểu dương lực lượng nhân kỷ niệm các ngày lễ lớn như Quốc khánh 2/9, kỷ niệm ngày chiến thắng 30/4, kỷ niệm Chiến thắng Điện Biên Phủ 7-5, kỷ niệm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam 22/12, v.v… Việt Nam không chủ trương "khoe vũ khí", mà chỉ chủ trương biểu dương sức mạnh Đoàn Kết toàn dân trong sự nghiệp bảo vệ Tổ Quốc với Quân đội Nhân dân và Công an Nhân dân làm nòng cốt. Đó là một chủ trương đúng đắn, phù hợp với điều kiện hoàn cảnh. Thực ra, trong hơn 20 năm qua, Quân đội Nhân dân Việt Nam đã được trang bị nhiều vũ khí, khí tài hiện Đại cũng như tự mình sản xuất một phần vũ khí, khí tài để giảm bớt gánh nặng cho ngân sách và tăng cường tiềm lực khoa học quân sự và kỹ thuật công nghệ quốc phòng. Sự kiềm chế và khiêm tốn này đã bị các thế lực thù địch lợi dụng để công kích vào niềm tin của nhân dân Việt Nam đối với Quân đội của mình.

quocphong2

Chính vì vậy, việc giới thiệu trước thế giới một số trang bị vũ khí, khí tài hiện Đại mà Việt Nam đang sở hữu, thậm chí là đang chế tạo góp phần làm tăng thêm uy tín của Quân đội Nhân dân Việt Nam trong con mắt của nhân dân Việt Nam và bạn bè Quốc Tế, góp phần đập tan những luận điệu bịa đặt, xuyên tạc rằng Quân đội Việt Nam không đủ lực lượng để bảo vệ Tổ Quốc, Quân đội Việt Nam đang suy yếu, v.v... Mặc khác, việc giới thiệu đó cũng là một sự "răn đe", cảnh báo đối với những thế lực bên ngoài đang muốn bằng cách này hay cách khác, xâm phạm chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, đe dọa cuộc sống hòa bình, ổn định để phát triển và xây dựng đất nước của nhân dân Việt Nam. Cuối cùng, "màn giới thiệu" đó cũng hướng tới toàn thể nhân dân Việt Nam và người Việt Nam yêu nước ở nước ngoài rằng Quân đội Nhân dân Việt Nam có đủ tiềm lực để bảo vệ vững chắc nền độc lập, tự chủ, bảo vệ chủ quyền toàn vạn lãnh thổ, góp phần bảo vệ an ninh quốc gia và trận tự an toàn xã hội.

 Việt Nam có đủ thực lực để thực hiện được chính sách quốc phòng "3 không" ?

Quan điểm quân sự-quốc phòng của Việt Nam hoàn toàn không phải là quan điểm quân sự thuần túy, lại càng không phải là quan điểm độc tôn vũ khí luận. Bên cạnh thực lực về vũ khí, khí tài và kỹ thuật quân sự kể trên, Việt Nam còn có một vài thứ vũ khí tiềm năng có sức mạnh vô địch, đủ để đánh bại bất kỳ một thế lực ngoại bang xâm lược nào.

Trước hết, đó là thế trận "Chiến tranh Nhân dân" đã, đang và sẽ còn được xây dựng. Trong thế trận ấy, mỗi người dân đều là một chiến sĩ bảo vệ Tổ Quốc khi đất nước bị xâm lăng, lợi ích quốc gia trên lãnh thổ bị xâm phạm. Trong thế trận ấy, Quân đội Nhân dân làm nòng cốt, phối hợp chặt chẽ với Công an Nhân dân và Dân quân tự vệ, có chính nghĩa bảo vệ Tổ Quốc, có lý tưởng xây dựng đất nước, bảo vệ cuộc sống yên vui và hạnh phúc cho nhân dân, có chiến thuật, chiến lược khôn khéo, hợp lý, biết tránh chỗ địch mạnh, đánh chỗ địch yếu, v.v... Khi đó, những vũ khí, khí tài phương tiện quân sự hiện Đại sẽ được phát huy gấp bội sức mạnh của chúng. Thực tế, các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ Quốc Việt Nam trước đây đã chứng minh, sức mạnh của ‘Chiến tranh Nhân dân" với đội quân "Chân trần chí thép" là vô địch.

Vũ khí quan trọng nữa là hiệp đồng tác chiến. Thực tế những năm đầu thế kỷ XXI đã chứng minh nhiều quân đội được trang bị rất hiện Đại nhưng mau chóng tan vỡ vì không có sự Đoàn Kết, hiệp đồng trong tác chiến, để kẻ địch chia cắt và bẻ đũa từng chiếc. Ngược lại, Quân đội Nhân dân Việt Nam không chỉ đã được trang bị nhiều vũ khí khí tài hiện Đại mà còn biết hiệp đồng chặt chẽ giữa các quân binh chủng, giữa các lực lượng để tạo nên những thế trận để chuyển hóa từ phòng tránh sang đánh trả, từ đánh trả sang phản công đánh bại đối phương. Điều đó được chứng minh qua các hoạt động huấn luyện quân sự các cấp mà truyền thông Việt Nam đã đưa tin với mật độ lớn trong thời gian qua.

Và cuối cùng, lý giải cho việc Việt Nam vẫn tự tin thực hiện chính sách quan hệ đối ngoại quốc phòng "ba không" chỉ có một từ thích hợp nhất là "Đoàn Kết". Trong các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ Quốc ở thế kỷ XX, Việt Nam không chỉ cũng cố vững chắc khối "Đại Đoàn Kết Dân Tộc" có sức mạnh to lớn chống lại bất cứ một thế lực ngoại bang xâm lược nào mà còn có khối "Đại Đoàn Kết Quốc Tế", tạo nên một sức mạnh còn to lớn gấp bội để bảo vệ chủ quyền, độc lập, mang lại hòa bình, ổn định cho đất nước mình và cho thế giới. Sự Đoàn Kết ấy có sức mạnh to lớn gấp nhiều lần so với một liên minh quân sự.

Vì vậy, đánh giá về tiềm lực quân sự-quốc phòng của Việt Nam để bảo vệ Tổ Quốc thì cần phải đánh giá trên nhiều mặt, nhiều khía cạnh như tổ chức xã hội, tổ chức quân đội, ý chí của người dân, ý chí của người lính, sự lãnh đạo chính trị tư tưởng và niefm tin vào sự lãnh đạo ấy, tư thế chính nghĩa của người dân và người lính trong cuộc chiến bảo vệ Tổ Quốc, mối quan hệ Đoàn Kết Dân Tộc cũng như Đoàn Kết Quốc Tế, v.v… chứ không chỉ nhìn vào sự so sánh binh lực, hỏa lực, vũ khí, khí tài.

Lịch sử chiến tranh bảo vệ Tổ Quốc của người Việt Nam từ cổ Đại đến hiện Đại cho thấy, mọi thức vũ khí đều không phải là yếu tố quyết định kết quả các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ Quốc mà chính "Con Người" mới là yếu tố quyết định tối hậu.

Việt Nam đang tự tin thực hiện chính sách quốc phòng "3 không".

Hoàng Hoa

Nguồn : Sputnik, 28/11/2019

*******************

Chuyên gia : Việt Nam công bố "Sách Trắng quốc phòng 2019" rất đúng lúc

Hoàng Việt & Thanh Trúc, RFA, 27/11/2019

Vào ngày 25/11 Việt Nam cho công bố Sách Trắng quốc phòng 2019, khẳng định chủ trương củng cố sức mạnh quốc phòng với sức mạnh quân sự là nòng cốt, đủ khả năng đánh thắng mọi hành động xâm lược.

quocphong3

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh giới thiệu Sách Trắng quốc phòng Việt Nam 2019 - Courtesy of Vietnamnet

Sách Trắng mới công bố còn thể hiện "Quyết tâm duy trì chính sách quốc phòng mang tính hòa bình, tự vệ, kiên quyết và kiên trì giải quyết các tranh chấp, bất đồng với các quốc gia khác bằng biện pháp hòa bình dựa trên Luật Pháp Quốc Tế. Sách Trắng quốc phòng Việt Nam được công bố lần này sau nhiều năm trì hoãn, và vào lúc quan hệ giữa Hà Nội và Bắc Kinh đang có những căng thẳng xung quanh tranh chấp ở Biển Đông. Thạc sĩ Hoàng Việt, giảng viên Đại Học Luật Sài Gòn, cũng là chuyên gia nghiên cứu Biển Đông, phân tích Sách Trắng 2019 và chính sách quốc phòng trong tương lai của Việt Nam qua bài phỏng vấn do Thanh Trúc thực hiện sau đây

----------------

Hoàng Việt : Sách trắng lần đầu ban hành năm 1998, lần hai năm 2004, lần ba năm 2009 và đến lần này là 2019. Trong mỗi một Sách Trắng có nội dung thay đổi một chút và nó cũng thể hiện những bước thay đổi trong việc đối ngoại về quốc phòng của Việt Nam.

Thanh Trúc : Việt Nam đã dự định công bố Sách Trắng quốc phòng vào khoảng năm 2015/2016 nhưng đã trì hoãn. Việc công bố sách trắng lần này xảy ra vào khi Trung Quốc vừa điều hàng chục tàu vào vùng biển Việt Nam nhiều tuần lễ, liệu có điều gì trùng hợp ? Ông có thể giải thích ý nghĩa của việc công bố sách vào lúc này của Việt Nam ?

Hoàng Việt : Phải nói trước tôi chỉ là nhà nghiên cứu, tôi không đại diện cho chính phủ hay cơ quan quốc phòng của Việt Nam. Nhưng dưới góc độ nghiên cứu thì tôi thấy một số điểm thế này, việc ban hành là trả lời cho nhân dân trong nước và cho thế giới. Trong tình hình sóng gió giữa quan hệ Việt Nam và Trung Quốc mà tàu Hải Dương 8 cùng đòan tàu hộ tống đã 113 ngày liên tục xâm phạm vùng biển Việt Nam. Rất nhiều người Việt Nam không hài lòng khi nghe những phát biểu mang tính chất hòa hoãn của lãnh đạo cao cấp, trong khi chức ngoại giao như ông Phạm Bình Minh tại Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc hay gần đây là bài phát biểu của thứ trưởng ngoại giao Lê Hoài Trung trong Hội Thảo Biển Đông hồi đầu tháng 11 lại mang tính mạnh mẽ hơn rất nhiều.

Vấn đề thứ hai, liên quan đến việc muốn chuyển tải chính sách đối ngoại quốc phòng của Việt Nam, trong đó có 2 cường quốc quan trọng là Hoa Kỳ và Trung Quốc. Trong mối quan hệ sóng gió thì Trung Quốc đã chứng tỏ là không xuống thang trong việc bảo vệ đường lưỡi bò cũng như những yêu sách mà trung Quốc cho là của Trung Quốc.

Một bên thì Hoa Kỳ cũng muốn thúc đẩy quan hệ với Việt Nam, chúng ta đã thấy bộ trưởng Bộ Thương mại Hoa Kỳ Wilbur sang Việt Nam. Ông Wilburn đã nhắc rằng Việt Nam là quốc gia bị thâm hụt thương mại với Hoa Kỳ gần 40 tỷ USD, mà Việt Nam xuất nhiều chứ không nhập nhiều, chính vì vậy Việt Nam cần có sự bù đắp. Sau đó ông Wilbur gợi ý rằng Việt Nam có thể mua sắm nhiều cái khác trong đó có vũ khi để cân bằng thương mại giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Tiếp đó là chuyến thăm của bộ trưởng Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ, tỏ ý thiện chí tặng cho Việt Nam một tàu tuần tra lớp Hamilton.

Như vậy, trở lại Sách Trắng quốc phòng lần này Việt Nam muốn trả lời cho dư luận trong nước và quốc tế. Ví dụ trang 32 là "Việt Nam kiên quyết bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng biển của mình theo Luật Pháp quốc tế" Ngoài ra cũng có một số thay đổi dù không hoàn toàn mới nhưng cũng trả lời cho sự mong chờ thúc đẩy quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ. Hoa Kỳ muốn thúc đẩy mạnh hơn nhưng Việt Nam lại tỏ ra chần chừ. thứ ba, thời điểm ban hành sách cuối 2019 này vì sang 2020 Việt Nam làm Chủ tịch luân phiên ASEAN đồng thời đảm nhận vị trí thành viên không thường trực của Hội Đồng Bảo An. Tôi nghĩ thời điểm ban hành nó thể hiện những vấn đề như vậy.

Thanh Trúc : Thưa ông khi công bố Sách Trắng lần này, thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh nói Việt Nam không ngại giới thiệu trang bị vũ khí của quân đội nhân dân Việt Nam. Vũ khí của Việt Nam vừa đủ mạnh để bảo vệ tổ quốc và không phương hại đến quốc gia nào. Ông đánh giá thế nào về tiến trình hiện đại hóa quân đội của Việt Nam trong thời gian qua kể từ lần công bố Sách Trắng lần trước năm 2009 ?

Hoàng Việt : Tôi không có con số chính thức về trang bị vũ khí cũng như cái phát triển của quân đội Việt Nam, thông thường số liệu không được cung cấp. Nhưng rõ ràng từ 2009 đến nay riêng hải quân Việt Nam đã có rất nhiều thay đổi. Việt Nam đã mua 6 tàu lớp Kilo của Nga, thứ hai Việt Nam đã có ít nhất một số tàu chiến lớp GERAD cũng mua của Nga. Ngoài ra cũng đang đàm phán để mua một số những phương tiện quốc phòng khác từ Israel, Ấn Độ. Tin tức cho biết Việt Nam đang đàm phán để mua một số tên lửa Brahmos của Ấn Độ.

Dựa trên những thông tin cơ bản công khai như vậy, chúng ta đã thấy năng lực quốc phòng Việt Nam đã thay đổi so với trước đây. Tuy nhiên để mà thấy thực sự đã phát triển hay chưa và sức như thế nào thì đấy còn là vấn đề phải tranh luận. Gần đây nhà nghiên cứu người Pháp Laurent Gédeon cho rằng Việt Nam có thể gây khó khăn cho Trung Quốc chứ chưa chắc chiến thắng được Trung Quốc với sức mạnh về hải quân của Việt Nam như vậy. Có lẽ với Sách Trắng quốc phòng thì Việt Nam cũng đang muốn thể hiện là đang thay đổi từng bước, dẫn tới giải thích mua sắm vũ khí trong tương lai ra sao.

Thanh Trúc : Trong Sách Trắng lần này, Việt Nam tiếp tục duy trì chính sách 3 không : không tham gia các liên minh quân sự, không là đồng minh quân sự của bất kỳ nước nào, không cho bất cứ nước nào đặt căn cứ quân sự ở Việt Nam và không dựa vào nước này để chống nước kia, còn thêm một nữa là "không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế". Theo ông, tại sao có thay đổi thêm 1 không nữa ?

Hoàng Việt : Nội dung này đã được ghi trong trang 18 Sách Trắng quốc phòng 2009 rồi, tức là chính sách quốc phòng mang tính chất hòa bình, tự vệ, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong các quan hệ quốc tế. Thế thì nội dung này không phải là mới nhưng mà được nhấn mạnh thêm trong chính sách 3 không.

Cũng phải nói thêm rằng chính sách 3 không qua từng Sách Trắng thì có sự thay đổi nhất định về nội dung chứ không phải hoàn toàn giống nhau hết. Đến Sách Trắng quốc phòng 2019 nội dung này được trở thành điểm mạnh và chuyển từ 3 không sang 4 không. Thêm nữa, trong Sách Trắng 2009 Việt Nam nói không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế nhưng sẵn sàng và kiên quyết giáng trả mọi hành động xâm lược.

Trong Sách Trắng quốc phòng 2019 thì Việt Nam sắp xếp nội dung hơi khác và thứ tự hơi khác : không tham gia liên minh quân sự không liên kết nước này để chống nước kia, không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dung lãnh thổ Việt Nam để chống lại nước khác. Như vậy có thể nói là 4 không và 1 tùy, là tùy theo diễn biến của tình hình và trong những điều kiện cụ thể Việt Nam sẽ cân nhắc phát triển các mối quan hệ quốc phòng, quân sự cần thiết với mức độ thích hợp, trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của nhau cũng như các nguyên tắc cơ bản của Luật Pháp quốc tế. Điều này có lẽ quan trọng nhất là để trả lời cho cộng đồng thế giới, trong đó có Trung Quốc, là Việt Nam không tham gia liên minh quân sự, không liên kết nước này để chống nước kia.

Thanh Trúc : Thưa thạc sĩ Hoàng Việt, một số tiếng nói của các chuyên gia trong nước cho rằng Việt Nam nên cân nhắc lại chính sách 3 không, để tiến gần hơn lại với Mỹ khi mà Trung Quốc ngày càng mạnh và đang đe dọa chủ quyền và quyền lợi của Việt Nam ở Biển Đông. Theo ông, vì sao Việt Nam vẫn tiếp tục duy trì chính sách 3 không này khi mà tình hình thế giới và khu vực đã có những thay đổi và Việt Nam chịu nhiều sức ép hơn từ Trung Quốc ?

Hoàng Việt : Cá nhân tôi cũng đã nhiều lần lên tiếng là Việt Nam cần phải phát triển quan hệ với Hoa Kỳ nhưng không có nghĩa là rũ bỏ chính sách 3 không đi. Mặc dù Việt Nam và Trung Quốc có những căng thẳng trên Biển Đông nhưng việt Nam không muốn vào cái thế đối đầu với Trung Quốc. Chưa kể Trung Quốc là láng giềng sát bên nên Việt Nam chọn không đối đầu với Trung Quốc trong trường hợp chưa đến mức mà xảy ra chiến tranh tự vệ từ Việt Nam.

Thứ hai, có thể hiện là phía Việt Nam vẫn còn nghi ngại quyết tâm từ phía Hoa Kỳ. Như tôi vừa trao đổi mới đây, Hoa Kỳ rất muốn thúc đẩy quan hệ với Việt Nam nhưng những phát biểu của Tổng thống Trump cho thấy Việt Nam chưa hoàn toàn tin tưởng được . Đặc biệt Việt Nam cho rằng bảo vệ lợi ích của mình trên Biển Đông thì chính Việt Nam phải đứng ra chứ không phải Hoa Kỳ, Hoa Kỳ chỉ trợ giúp hoặc hỗ trợ cho Việt Nam phát triển mạnh hơn thôi chứ không giúp nhiều cho Việt Nam bảo vệ quyền lợi của mình trên biển được.

Thanh Trúc : Sau cùng, có một vấn đề là quân đội Việt Nam cũng làm kinh tế, trong thời kỳ mới hiện đại hóa quân đội để đối đầu với nhiều thách thức về an ninh trong khu vực và tham gia và lực lượng quốc tế, liệu vấn đề quân đội kinh tế ở Việt Nam có thay đổi ?

Hoàng Việt : Chắc chắn trong tương lai Việt Nam phải sắp xếp lại những vấn đề quốc phòng, trong đó có các doanh nghiệp quốc phòng. Gần đây có nhiều tướng lĩnh quân đội phải ra tòa và phải nhận án tù chưa nói đến những kỷ luật khác. Đã xảy ra điều là phát triển kinh tế đi đôi với tham nhũng của các tướng lĩnh cũng như các công ty liên quan trong quốc phòng. Chính vì vậy nếu muốn tồn tại thì Việt Nam bắt buộc phải thay đổi chính sách quốc phòng, trong đó có các doanh nghiệp quốc phòng.

Theo tôi được biết thì Việt Nam đang cơ cấu lại tất cả và gần đây thì có những văn bản qui định chuyển tất cả doanh nghiệp quốc phòng sang hoạt động theo Luật Doanh Nghiệp như các doanh nghiệp khác, chỉ giữ lại một số doanh nghiệp quốc phòng đang tham gia vào việc sản xuất vũ khí, khí tài hay những phương tiện quân sự đặc biệt thôi. Tôi nghĩ tương lai cũng sẽ diễn ra điều đó.

Thanh Trúc : Vô cùng cảm ơn thạc sĩ Hoàng Việt đã dành thời giờ cho buổi phỏng vấn này.

Thanh Trúc thực hiện

Nguồn : RFA, 27/11/2019

Published in Diễn đàn

Trong đối ngoại Việt Nam nổi tiếng với chủ trương "Ba Không". Nhưng theo quan điểm của hai chuyên gia Derek Grossman và Dung Huynh trên trang mạng The Diplomat ngày 19/01/2019, chủ trương này được Hà Nội linh hoạt diễn giải tùy theo từng tình huống. RFI Tiếng Việt xin giới thiệu.

bakhong1

Mỹ đặt trạm hậu cần Đà Nẵng : Không trái nguyên tắc Ba-không - Ảnh Soha 25/05/2016

Căng thẳng Mỹ-Trung về quyền tự do lưu thông hàng hải ở Biển Đông gia tăng tạo ra sức ép ngày càng lớn đối với các quốc gia khác, đặc biệt là với các nước ở Đông Nam Á, trong việc lựa chọn nên theo bên nào. Là một quốc gia biển có vai trò chủ chốt trong việc chống lại các đòi hỏi bành trướng chủ quyền của Trung Quốc trong khu vực, trong vài năm gần đây, Việt Nam đã thực hiện chính sách cân bằng tế nhị.

Chủ trương "Ba Không" là gì ? Có từ bao giờ ?

Một mặt, Hà Nội đàm phán trực tiếp với Bắc Kinh về những biện pháp xây dựng lòng tin nhằm ngăn ngừa Trung Quốc thống trị toàn bộ Biển Đông. Mặt khác, Việt Nam mạnh mẽ chống lại Bắc Kinh qua việc thúc đẩy các mối quan hệ quốc phòng với những cường quốc lớn can dự vào việc duy trì trật tự quốc tế dựa trên pháp luật.

Tuy nhiên, về điểm thứ hai này, điều mà người ta thường nghe thấy là chẳng có ai lấy làm thích thú về việc Việt Nam duy trì cân bằng do các thách thức gắn liền với chủ trương "Ba Không" trong chính sách quốc phòng của nước này – đó là không tham gia các liên minh quân sự, không đi theo bất kỳ nước nào để chống lại một nước khác và không có các căn cứ quân sự của nước ngoài trên lãnh thổ Việt Nam.

Chính sách "Ba Không" lần đầu tiên xuất hiện trong sách trắng về quốc phòng của Việt Nam năm 1998 và sau đó, tái xuất hiện trong sách trắng năm 2004 và gần đây nhất là năm 2009. Chính sách này cũng được nêu ra trong Luật Quốc Phòng mới của Việt Nam, được thông qua và có hiệu lực từ 01/01/2019. Chính sách "Ba Không" rất có thể lại xuất hiện trong sách trắng về quốc phòng sắp tới, một khi tài liệu này được công bố.

Thế nhưng, chính sách này gây khó khăn cho mục tiêu của chính quyền Trump, trong Chiến lược An ninh Quốc gia, là thúc đẩy quan hệ với Việt Nam để chống lại các hành động cưỡng ép của Trung Quốc ở Biển Đông và rộng hơn là ở vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương.

Việc phát triển quan hệ quốc phòng Hoa Kỳ-Việt Nam trong vài năm gần đây – và rất được chú ý hồi tháng Ba năm vừa qua với việc hàng không mẫu hạm đầu tiên của Mỹ tới Việt Nam kể từ sau chiến tranh Việt Nam – dường như bị khựng lại hồi mùa thu vừa qua khi Hà Nội đột ngột hủy bỏ 15 nội dung hợp tác quốc phòng trong năm 2019.

Quyết định của Hà Nội phần lớn là do bất bình về Đạo luật chống các kẻ thù của Mỹ thông qua trừng phạt (Countering America’s Adversaries Through Sanctions Act - CAATSA), nhưng phần nào cũng do những quan ngại ngày càng gia tăng trước nguy cơ không thực hiện nguyên tắc "không đi theo bất kỳ nước nào để chống lại một nước khác" (trong trường hợp này là đi theo Mỹ chống lại Trung Quốc).

Việt Nam áp dụng chủ trương "Ba Không" như thế nào ?

Quả thực là điều này luôn luôn gây ra những khó khăn, nhưng nhìn chung, Washington có thể yên tâm là với vỏ bọc bên ngoài như vậy, chính sách "Ba Không" trên thực tế giúp mở rộng khả năng hành động – tức là "Có" - trong lĩnh vực hợp tác quốc phòng.

Về nguyên tắc thứ nhất, "không tham gia các liên minh quân sự", Việt Nam chủ yếu tạo ra một kẽ hở ngay bên trong nguyên tắc này. Mục đích cuối cùng của Hà Nội là tránh công khai nói đến các quan hệ quân sự như là một sự thỏa thuận theo đó Việt Nam có thể hỗ trợ một quốc gia khác nếu họ bị tấn công và ngược lại.

Chừng nào việc nói đến các trao đổi hợp tác quân sự vẫn chỉ là chung chung thì Việt Nam dường như càng sẵn sàng mở rộng hơn sự hợp tác. Ở một mức độ hợp tác nào đó về quân sự và quốc phòng, Hà Nội dùng các thuật ngữ khuôn mẫu sẵn có mà không giải thích hoặc định nghĩa.

Đó là các cụm từ quan hệ đối tác "chiến lược toàn diện", "chiến lược" và "toàn diện". Mức cao nhất là quan hệ đối tác chiến lược toàn diện. Việt Nam ký ba hiệp định loại này với các đối tác là Nga (2001), Ấn Độ (2007) và Trung Quốc (2008). Đáng chú ý là Trung Quốc có thêm quy chế "đối tác đặc biệt", và điều này là đương nhiên, trong "hợp tác chiến lược toàn diện" giữa hai nước.

Việt Nam cố gắng duy trì thế cân bằng để chống lại Bắc Kinh tại Biển Đông. Do vậy, hợp tác quốc phòng Việt Nam-Trung Quốc được điều chỉnh để tập trung phát triển các khía cạnh khác trong quan hệ song phương – chủ yếu là kinh tế vì Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam.

Điều thú vị là Nhật Bản có quan hệ đối tác "chiến lược sâu rộng" (2014), điều đó có nghĩa là quan hệ này vượt qua mức chiến lược, nhưng chưa đạt tới mức chiến lược toàn diện. Trong lúc đó, vào năm 2018, Úc được nâng lên thành đối tác chiến lược, mức cao nhất trong hợp tác quốc phòng.

Còn Hoa Kỳ thì ở mức thấp hơn, chỉ là đối tác toàn diện (2013). Đã có các cuộc thảo luận nghiêm túc, chính thức về việc nâng quy chế Hoa Kỳ lên thành đối tác chiến lược. Tuy nhiên, mọi cụm từ này đều bao hàm trao đổi hợp tác về quân sự mà không có dấu vết của biểu hiệu "liên minh".

Nguyên tắc "Không" thứ hai, tức là không đi theo bất kỳ nước nào để chống lại một nước khác, rất khó để luồn lách và là yếu tố chính giải thích sự ngập ngừng, miễn cưỡng của Việt Nam hợp tác quốc phòng toàn diện với Washington.

Tuy vậy, cũng giống như chủ trương "không tham gia các liên minh quân sự", bản thân Hà Nội đã "bẻ cong" đáng kể nguyên tắc này. Ví dụ, hồi tháng 05/2018, Việt Nam đã đón tiếp Ấn Độ tham gia một cuộc tập trận chung hải quân chưa từng có tiền lệ, ở Biển Đông. Thật là khó mà nói rằng cuộc tập trận này nhằm răn đe một nước nào đó, ngoài Trung Quốc.

Lập luận này cũng có thể đúng, liên quan đến chuyến viếng thăm của hàng không mẫu hạm Mỹ. Trong cả hai trường hợp, khả năng tái diễn tương đối hiếm. Tuy vậy, các sự kiện này có thể xẩy ra nhiều hơn nếu như Trung Quốc gia tăng thách thức các đòi hỏi chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông.

Việc chấp nhận nguyên tắc "không đi theo bất kỳ nước nào để chống lại một nước khác" trở nên đặc biệt quan trọng trong bối cảnh hợp tác khu vực giúp cho Việt Nam có vị thế phù hợp với cơ chế Đối Thoại An Ninh Bốn Bên – thường được gọi là Bộ Tứ. Đó là đối thoại về chính sách ngoại giao và quốc phòng giữa các nước cùng hệ tư tưởng dân chủ – Hoa Kỳ, Úc, Nhật Bản và Ấn Độ – tìm cách giữ cho vùng biển Ấn Độ-Thái Bình Dương được tự do và mở cửa, chống lại sự cưỡng bức của Trung Quốc.

Việt Nam có thể là đối tác đối thoại lý tưởng của Bộ Tứ, do quy mô tranh chấp của Việt Nam với Trung Quốc cũng như việc nước này thể hiện mong muốn có một sự cân bằng để chống lại Bắc Kinh. Tuy nhiên, chính sách "không đi theo bất kỳ nước nào để chống lại một nước khác" dường như gạt bỏ khả năng Việt Nam tham gia Bộ Tứ, vả lại Việt Nam cũng không muốn.

Một nghiên cứu gần đây về nhận thức của Bộ Tứ về Đông Nam Á kết luận rằng nhìn chung, Việt Nam (cùng với Philippines) đánh giá tốt về cơ chế tham vấn này. Tuy nhiên, Việt Nam không thể chính thức tham gia cơ chế do chính sách "Ba Không", nhưng có rất nhiều khả năng Việt Nam tham gia với tư cách là đối tác đối thoại Kênh 1.5 (đối thoại ở cấp quan chức chính phủ và cả những chính khách không trong chính phủ) hoặc là quan sát viên.

Cuối cùng, nguyên tắc "Không" thứ ba, "không có căn cứ quân sự của nước ngoài trên lãnh thổ Việt Nam" hoàn toàn không đúng với việc Liên Xô (trước đây) và Nga sử dụng căn cứ hải quân chiến lược ở Biển Đông, đặt tại Vịnh Cam Ranh trong giai đoạn 1978 đến 2002. Từ năm 1978, Hà Nội đã cho Moskva thuê căn cứ này và Nga chỉ rút khỏi nơi đây năm 2002. Tuy nhiên, từ năm 2015, Nga vẫn còn cho tiếp liệu các máy bay quân sự của họ tại cảng Cam Ranh cho đến khi Mỹ tiếp cận được Moskva và các hoạt động này lặng lẽ chấm dứt.

Vào cùng thời điểm đó, Việt Nam dường như cũng đã cho phép các nhân viên kỹ thuật Nga tới Vịnh Cam Ranh để hỗ trợ huấn luyện các thủy thủ Việt Nam sử dụng và bảo trì các tàu ngầm lớp Kilo do Nga đóng. Cho dù người ta không biết phải chăng đó là các chuyên gia dân sự có kinh nghiệm quân sự hay là các chuyên gia quân sự mặc quân phục hay là có cả hai loại chuyên gia, nhưng các trường hợp này cho thấy giới lãnh đạo Việt Nam tỏ ra linh hoạt đối với nguyên tắc "Không" thứ ba nếu như việc hợp tác đáp ứng các nhu cầu của họ trong lĩnh vực quốc phòng.

Rất may là tương lai của Mỹ tại Việt Nam không cần phải xem xét nghiên cứu. Tuy vậy, Washington rõ ràng quan tâm đến việc ghé vào các quân cảng ở Việt Nam và trong lĩnh vực này, Hà Nội đưa ra tín hiệu rõ ràng là hoạt động này không vi phạm nguyên tắc "Không" thứ ba. Thực vậy, Hà Nội đã đón tiếp nhiều chuyến viếng thăm của hải quân nước ngoài bao gồm các tàu chiến của Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản, Úc, Pháp, Anh, Canada, New Zealand, Nga, Trung Quốc và các nước khác.

Lợi ích của "Ba Không" trong quan hệ Mỹ - Việt ?

Tóm lại, chính sách "Ba Không" không cứng nhắc chút nào và có nhiều điểm mập mờ - "vùng xám" - và diễn giải liên quan. Nếu Hà Nội thấy một hợp tác quốc phòng cụ thể nào có lợi thì họ sẽ tìm ra cách diễn giải cho phù hợp với chính sách "Ba Không" hoặc tiến hành một cách tương đối lặng lẽ. Chính sách cân bằng để chống lại Trung Quốc ở Biển Đông dường như giúp cho Mỹ và các quốc gia khác cùng chung quan điểm, có khả năng hành động tương đối rộng lớn.

Không cần phải tìm kiếm đâu xa hơn mà nhìn vào quyết định của Hà Nội hồi đầu tháng Giêng năm 2019, bày tỏ sự ủng hộ đối với chiến dịch bảo đảm tự do lưu thông hàng hải (FONOP) mới nhất của Washington trong vùng quần đảo Hoàng Sa có tranh chấp. Quả thực là trong quá khứ, các lãnh đạo Việt Nam đã ủng hộ quyền của Washington tiến hành FONOP, thế nhưng việc tuyên bố ủng hộ ngay sau khi tàu chiến Mỹ USS McCampbell thực hiện chiến dịch tuần tra đã tạo cảm giác là cặp đôi Mỹ và Việt Nam phối hợp chính sách với nhau. Người ta có thể biện luận rằng điều này đi ngược lại nguyên tắc "không đi theo bất kỳ nước nào để chống lại một nước khác", ấy vậy mà Hà Nội vẫn làm.

Trong tương lai, người ta sẽ thấy Việt Nam vận dụng nguyên tắc "Ba Không" thông thoáng hơn, đặc biệt là nếu Trung Quốc gia tăng tuần tra, bồi đắp đảo nhân tạo và quân sự hóa nhiều hơn các thực thể có tranh chấp, thông báo lập vùng nhận diện phòng không hoặc hung hăng tranh giành các nguồn tài nguyên và thủy sản. Bất luận thế nào, Việt Nam ngày càng có xu hướng chấp nhận các cam kết hợp tác quốc phòng và chắc chắn các hợp tác này được giải thích công khai là mang tính phòng thủ chứ không phải là tấn công. Bảo vệ tổ quốc Việt Nam là chủ đề chủ chốt trong hầu hết các tài liệu sách báo về quốc phòng và của đảng Cộng Sản.

Do vậy, để không bị cản trở bởi nguyên tắc "Ba Không", Hoa Kỳ có thể sẽ thấy các hình thức hợp tác quốc phòng "mềm dẻo" hơn ví dụ hỗ trợ Việt Nam phát triển năng lực nhận thức, hiểu biết về biển hoặc giúp bổ sung khả năng tuần duyên sau khi Hoa Kỳ bán cho Việt Nam tàu tuần duyên cũ lớp Hamilton. Các hình thức hợp tác khác, như tập trận chung, khó có thể tiến hành trong tương lai gần, nhưng cũng không phải là bất khả nếu như các hành vi tồi tệ của Bắc Kinh vẫn tiếp diễn.

Nguồn : RFI, 25/01/2019

Published in Diễn đàn