Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

26/04/2022

Phép thử cho chính sách quốc phòng "bốn không" của Việt Nam

Huỳnh Tâm Sáng

Cuộc chiến tại Ukraine đặt Hà Nội vào thế khó trong quan hệ giữa Nga và Mỹ.

111111111111111111111111

Hà Nội bỏ phiếu chống đối với nghị quyết đình chỉ tư cách thành viên của Nga tại Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc hôm 7/4.

Tranh cãi đã dấy lên liên quan đến phản ứng của Việt Nam sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin phát động cuộc xâm lược Ukraine vào tháng 2. Hà Nội chọn cách không gọi "chiến dịch quân sự đặc biệt" của ông Putin tại Ukraine là "xâm lược", bỏ phiếu trắng trong nghị quyết đầu tiên của Liên Hợp Quốc hôm 2/3 nhằm lên án Moscow tấn công quân sự Kiev, kêu gọi các bên liên quan kiềm chế và tiếp tục bỏ phiếu chống đối với nghị quyết đình chỉ tư cách thành viên của Nga tại Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc hôm 7/4.

Dù vậy, giới quan sát hay các chuyên gia đã có thời gian dài nghiên cứu chính sách đối ngoại Việt Nam có thể không ngạc nhiên trước phản ứng "nước đôi" của Hà Nội trong vấn đề Ukraine. Việc theo đuổi một lập trường thận trọng, tránh mắc sai lầm trước các cuộc khủng hoảng quốc tế là đặc điểm điển hình trong chính sách đối ngoại Việt Nam. Lần này, Hà Nội tỏ ra dè dặt khi bày tỏ quan điểm về cuộc tiến công của Nga ở Ukraine, cố gắng tạo thế cân bằng trong quan hệ giữa Nga và Mỹ. Đối với Việt Nam, Moscow là "đối tác chiến lược toàn diện", trong khi Washington là đối tác an ninh ngày càng quan trọng ở khu vực. Trong bối cảnh Ukraine dần có xu hướng liên kết chặt chẽ hơn với Mỹ, Việt Nam muốn tránh bị cuốn vào vòng xoáy của chính trị cường quyền, thông qua việc không ủng hộ Moscow hay Kiev. Vào thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Hà Nội từng là nạn nhân của các yếu tố địa chính trị và đã phải trả giá đắt khi chọn phe trong tam giác Washington – Moscow – Bắc Kinh.

Trên thực tế, Nga và Mỹ đóng vai trò thiết yếu trong hoạch định chính sách đối ngoại và định hướng tư duy quốc phòng của Việt Nam. Hà Nội cần Nga vừa để đảm bảo hoạt động trang bị vũ khí thường xuyên, vừa nhằm củng cố quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai bên – vốn đã được "thử lửa" trong thời điểm Việt Nam nhận viện trợ về cả ngoại giao lẫn quân sự từ Liên Xô trước đây. Nga là nước đầu tiên thiết lập quan hệ "đối tác chiến lược" với Việt Nam vào năm 2001. Hiện tại, Moscow đã trở thành "đối tác chiến lược toàn diện" của Hà Nội, bên cạnh Trung Quốc và Ấn Độ, đồng thời là quốc gia dẫn đầu trong nỗ lực thăm dò và khai thác dầu khí với Việt Nam trên Biển Đông.

Trong khi đó, Việt Nam rất coi trọng mối quan hệ phát triển nhanh chóng với Mỹ trên khía cạnh kinh tế và quốc phòng. Washington đã nhiều lần bày tỏ mong muốn nâng tầm quan hệ song phương lên "đối tác chiến lược", ưu tiên lợi ích an ninh thay vì chú trọng vào khác biệt về ý thức hệ với Hà Nội. Với nỗ lực vun đắp từ phía Việt Nam, nhất là trong lĩnh vực an ninh hàng hải, quan hệ Việt – Mỹ có thể đóng vai trò như chiến lược ngăn chặn áp dụng với Trung Quốc, phát đi thông điệp cảnh báo khéo léo đến giới lãnh đạo Bắc Kinh về các tranh chấp lãnh thổ giữa hai nước trên Biển Đông.

Trong hoạt động đối ngoại của Việt Nam, vai trò của Mỹ và Nga càng quan trọng hơn khi Hà Nội đang đối mặt với một Bắc Kinh ngày càng hung hăng trên biển. Washington đã liên tục ngỏ ý hỗ trợ Việt Nam về ngoại giao và an ninh, nhằm chống lại hành vi cưỡng ép của Trung Quốc ở các vùng biển tranh chấp. Trong khi đó, Moscow cũng âm thầm ủng hộ Việt Nam thông qua nỗ lực kiên trì hợp tác trong các dự án dầu khí với Hà Nội ngay tại những khu vực này.

Thông qua việc theo đuổi chiến lược "can dự đa hướng" (omni-directional engagement), Việt Nam cố gắng duy trì và tăng cường quan hệ với cả các đối tác cũ lẫn mới. Nỗ lực đa dạng hóa quan hệ với các nước láng giềng, các đồng minh ngoại giao truyền thống, các quốc gia trong khu vực, các nước lớn và một số cường quốc tầm trung giúp Việt Nam tránh "bỏ tất cả trứng vào cùng một giỏ." Kiên định với nguyên tắc độc lập tự chủ, Hà Nội tái khẳng định chủ trương đa phương hoá, đa dạng hoá trong hoạt động đối ngoại. Thay vì chọn phe, Việt Nam tiếp tục nhấn mạnh cam kết "hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển" trong quan hệ với các quốc gia ở khu vực và trên thế giới.

Dường như việc "đi dây" phần nào hiệu quả trong quan hệ giữa Washington và Moscow thời gian qua đã hình thành tâm lý chủ quan từ phía Hà Nội. Tuy nhiên, với Việt Nam, nỗ lực đảm bảo sự tự chủ chiến lược, đồng thời duy trì lập trường "mơ hồ" đối với cuộc chiến khốc liệt của Nga ở Ukraine nhiều khả năng không thể kéo dài lâu.

Trên khía cạnh an ninh quốc tế, các quốc gia có khuynh hướng rơi vào tình thế "tiến thoái lưỡng nan" (dilemma) khi muốn đồng thời theo đuổi lợi ích mang tính thực dụng và các nguyên tắc quốc tế. Đối với Việt Nam, tư duy thực dụng đã được cụ thể hoá trong chính sách quốc phòng "bốn không" của Hà Nội, đó là : Không tham gia liên minh quân sự ; không liên kết với nước này để chống nước kia ; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam để chống lại nước khác ; không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế [tác giả nhấn mạnh].

Đối với cuộc khủng hoảng tại Ukraine, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã kêu gọi các bên liên quan "[kiềm chế] sử dụng vũ lực" và "[tìm kiếm] một giải pháp hòa bình, đóng góp vào việc duy trì hòa bình, an ninh, ổn định và hợp tác ở khu vực và trên thế giới". Trong đó, Hà Nội nhấn mạnh sự cần thiết phải tuân thủ Hiến chương Liên Hợp Quốc và "các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế". Trên bình diện chung, tuyên bố chính thức của Việt Nam mang hàm ý chỉ trích những hành động từ phía Nga do Moscow đã vi phạm các điều khoản của bản Hiến chương. Đối với các nhà lãnh đạo ở Hà Nội, lập trường chính trị nói trên phù hợp với những nguyên tắc mà Việt Nam theo đuổi trong chính sách đối ngoại.

Câu hỏi đặt ra là : Việt Nam có thể nỗ lực đến đâu khi muốn "đi dây" giữa Washington và Moscow, trong khi vẫn đảm bảo lợi ích an ninh trên trường quốc tế ? Lời giải phụ thuộc vào khả năng của Hà Nội trong việc nâng cao sức mạnh tổng thể của quốc gia, với các trụ cột dựa trên "một nền kinh tế mạnh, một nền quốc phòng vừa đủ mạnh, cùng với sự mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế", như Nghị quyết số 13 của Bộ Chính trị (khóa VI) Đảng cộng sản Việt Nam vào tháng 5-1988 đã khẳng định.

Khả năng phát huy hiệu quả giá trị chiến lược đóng vai trò quan trọng giúp Việt Nam củng cố vị thế quốc tế, nhất là trong toan tính của các nước lớn. Đối với các trung cường và đặc biệt là những nước nhỏ, lựa chọn liên minh với một cường quốc nhằm chống lại một cường quốc khác không phải là chiến lược khôn ngoan, thậm chí còn tiềm ẩn nhiều mối đe dọa đối với an ninh quốc gia. Trong trường hợp của Việt Nam, khả năng ứng phó linh hoạt và chủ động trong các hoạt động đối ngoại giữa bối cảnh cạnh tranh chiến lược toàn cầu đang trước thử thách lớn.

Huỳnh Tâm Sáng

Nguồn : Nghiên cứu quốc tế, 26/04/2022

Một phiên bản tiếng Anh của bài viết đã được đăng trên The Interpreter.

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Huỳnh Tâm Sáng
Read 485 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)