Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

18/04/2022

Đảng thừa nhận công tác phòng chống tham nhũng không hiệu quả

Phạm Quý Thọ

Phòng chống tham nhũng "thực hiện vẫn còn chậm, hiệu quả chưa cao" là nhận định của Đảng cộng sản Việt Nam trong Kết luận số 12-KL/TW của Bộ Chính trị ngày 6/4/2022 về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. 

chong0

Những dân oan phản đối cưỡng chế đất tập trung trước văn phòng của Chính phủ ở Hà Nội năm 2002. Reuters

Trước quốc nạn tham nhũng ngày càng nghiêm trọng, "phức tạp và tinh vi", công tác phòng chống tham nhũng ngày càng khó khăn thách thức, mục tiêu "Đảng, Nhà nước trong sạch vững mạnh" trong Văn kiện Đại hội 13 trở nên xa xôi, là ‘khẩu hiệu’ thay vì thực tế, Đảng đã ban hành Kết luận trên. Trong nhiều nhiệm kỳ Đại hội, Đảng đã nhấn mạnh "Tham nhũng, lãng phí gây hậu quả xấu về nhiều mặt, làm giảm sút lòng tin của nhân dân, là một trong những nguy cơ lớn đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ". Bài viết nhìn nhận "công tác" phòng chống tham nhũng như một chính sách bao trùm hay một hệ thống chính sách, bởi vậy thiếu sự đột phá làm chuyển biến tình hình để thúc đẩy cải cách thể chế.

Trước hết, tình hình tham nhũng ngày càng nghiêm trọng, "phức tạp và tinh vi". Một số đại án đang diễn ra được nêu sau đây là minh chứng. Vụ án "Việt Á", một doanh nghiệp không có năng lực sản xuất bộ kít xét nghiệm Covid-19, đã được tiếp tay bởi hệ thống quản lý nhà nước và chuyên môn y tế, kể cả Học viện Quân y, nhận hối lộ dưới hình thức "hoa hồng nặng ký", đã được giới phân tích cho rằng tham nhũng có quy mô hệ thống và tính chất "lũng đoạn nhà nước". Vụ án "Cục lãnh sự" Bộ Ngoại giao, theo người phát ngôn Bộ Công An nhận định, các nghi can có các thủ đoạn tinh vi, đường dây nhận hội lộ được che đậy kín đáo, quan hệ phức tạp. Các đại án vẫn đang được điều tra xét xử mở rộng, hàng chục quan chức cấp tỉnh, sỹ quan quân đội đã bị bắt giam, các quan chức cấp cao hơn đã bị Uỷ ban Kiểm tra Trung ương nêu tên đề nghị kỷ luật và danh sách có thể tiếp tục kéo dài. Hơn thế, "Việt Á" đã được Chủ tịch nước tặng "huân chương lao động" năm 2018. Ông nguyên thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng, người mới bị bắt hôm 12/4 liên quan trong "vụ Cục lãnh sự", đã được đề cử làm Đại sứ ở Nhật Bản vừa trong tháng 1 năm nay Tình hình như vậy khiến ông Thủ tướng, kiêm Chủ tịch Hội đồng Thi đua-Khen thưởng Trung ương, khi chủ trì phiên họp lần thứ 2 của Hội đồng nhiệm kỳ 2021-2026 đã phải thốt lên : "Tránh vừa khen thưởng xong lại xét kỷ luật !"

Hai là, Kết luận 12 nêu trên chỉ là sự tiếp nối của chính sách phòng chống tham nhũng đã có từ nhiều năm trước, nội dung chủ yếu phản ánh tư duy chống tham nhũng còn chậm đổi mới. Ngay từ Hội nghị Trung ương 6 khóa 8 năm 1996, Đảng cộng sản đã xác định cần tăng cường "công tác" này. Năm 2011 Đảng có nghị quyết chuyên đề về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, chống lãng phí", Nghị quyết Trung ương 3 Khóa 10. Năm 2016 Đảng ban hành Kết luận số 10-KL/TW của Bộ Chính trị khóa XII về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 3 nêu trên và, nay là Kết luận số 12…

Các nội dung chủ yếu của công tác phòng chống tham nhũng vẫn bao gồm : Tuyên truyền, giáo dục ; Thể chế phòng ngừa ; Biện pháp thực thi ; Quản lý ngân sách và lĩnh vực nhạy cảm như đất đai ; Cơ chế giám sát của các cơ quan đoàn thể trong hệ thống chính trị ; Tổ chức bộ máy và điều kiện vật chất để thực thi. Trong Kết luận 12 này Đảng vẫn tìm kiếm "cơ chế kiểm soát quyền lực trong các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng" trong khi Đảng vẫn tiếp tục thực hành kiểu "ta đánh ta" một cách khó khăn. Ngoài ra, việc "giám sát", "kiểm toán, thanh kiểm tra, điều tra, xét xử…" nếu thiếu các tổ chức, cơ quan độc lập thì hiệu quả thực thi không thể cao, hơn thế, còn làm phát sinh những đồn đoán về thanh trừng nội bộ, phe phái Xây dựng "văn hoá không tham nhũng", "chống tham nhũng ngoài khu vực công" được tuyên truyền là "điểm mới" nhưng dư luận đang ‘băn khoăn’ về nội hàm, thậm chí nghi ngại liệu những tập đoàn tư nhân quan hệ với Đảng đã ‘hết mặn nồng’ ?

Ba là, phòng chống tham nhũng xác định chỉ là "công tác" của riêng Đảng mà chưa coi như một chính sách bao trùm, cho nên các mối quan hệ tương tác giữa hệ thống chính trị và thị trường đã không được thấu đáo trong xây dựng các giải pháp. Đây là loại chính sách công bao trùm nhiều luật và chính sách khác như Luật Đất đai, Luật Đầu tư công, Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Luật Thanh tra, Luật Thực hành dân chủ ở cơ sở…

Xin nêu, một trong những lĩnh vực quan trọng nhưng "nhạy cảm", "dễ phát sinh tham nhũng" là đất đai. Đất đai là một nguồn lực to lớn để tích luỹ phát triển kinh tế thông qua động lực thị trường, nhưng đồng thời cũng là "lời nguyền tài nguyên" đối với cải cách chuyển đổi kinh tế. Hàng chục nghìn tổ chức Đảng, các quan chức bị kỷ luật, bị bỏ tù nhưng một trong những nguyên nhân chủ yếu bị "lờ đi có chủ ý" đó là vấn đề sở hữu. Mâu thuẫn cốt lõi giữa sở hữu tư nhân - cơ sở nguyên tắc của thị trường và sở hữu toàn dân - nền tảng của chế độ không được giải quyết thoả đáng nên việc thể chế hoá đất đai, tài nguyên bị rơi vào bế tắc khi dư địa cải cách kinh tế cạn dần.

Chủ trương khuyến khích kinh doanh đã làm tăng nhu cầu về quyền sử dụng đất đai sai sang quyền sở hữu. Sự thay đổi này song hành cùng với quyền bầu cử trực tiếp và quyền bình đẳng trước pháp luật thúc đẩy quyền tự do dân chủ, nhưng bị chặn bởi sở hữu toàn dân phản ánh đặc quyền của giới lãnh đạo nhưng bị thao túng bởi giới đại gia là rào cản luật hoá. Bởi vậy, nỗ lực sửa đổi Luật Đất đai rơi vào bế tắc. Mới đây, ngày 16/4 Chính phủ lần thứ 4 xin lùi trình Quốc hội về dự án sửa đổi Luật Đất đai 2013 để "chờ Trung ương cho ý kiến". Ban chỉ đạo Trung ương, nòng cốt là Ban Kinh tế Trung ương, đang rất "vất vả" tổng kết Nghị quyết số 19-NQ/TW khoá XI năm 2012 "về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai…" để trình Hội nghị TƯ 5 tới đây, nhưng kết quả dự đoán trước Luật này sẽ tiếp tục chắp vá và, bởi vậy khó ngăn chặn được các hiện tượng tiêu cực kiểu như "rừng bị phá nát khắp nơi nhưng báo cáo về bảo vệ rừng rất đẹp" (Báo Lao động ngày 16/4/2022).

Bốn là, cách tiếp cận "ta đánh ta"trong chống tham nhũng đã không tạo sức ép đủ lớn để đổi mới chính trị. Đơn cử, việc kiểm soát tài sản quan chức vẫn là ‘món nợ xấu’ của Đảng với dân. Người dân có vai trò to lớn ủng hộ chống tham nhũng nhưng lại đứng ‘ngoài cuộc’ trong thể chế phòng ngừa. Bởi vậy, một số đề án do Ban Tổ chức và Ban Nội chính Trung ương đang soạn thảo như cơ chế khuyến khích người dân tố giác cán bộ tham nhũng hay thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh có thể mang tính hình thức vì tính khả thi, thậm chí có thể làm tăng biên chế Đảng. Mục tiêu của chính sách phòng chống tham nhũng cũng phải vì dân mà mọi hành động của chính quyền phải hướng đến thay vì chỉ để bảo vệ chế độ.

Một câu hỏi chủ yếu đặt ra việc xoá bỏ chế độ đặc quyền đặc lợi như thế nào ? Trong giai đoạn những năm 1990 đã có những bước tiến bằng cách tiền tệ hoá các chế độ phân phối nhà ở, các hiện vật, tiêu chuẩn đi xe công Tuy nhiên, việc duy trì bảng lương nhà nước thống nhất quá lâu, biên chế suốt đời, tuyển chọn và sử dụng lao động trong khu vực công khiến thị trường lao động bị chia cắt, bởi vậy thị trường nói chung méo mó.

Ngoài ra, kinh tế thị trường đã tách rời chức năng lãnh đạo và điều hành, Đảng và Chính phủ, cán bộ chính trị chuyên trách và kỹ trị theo hướng bộ phận nào ‘gần tiền’ hơn thì thực quyền to hơn và, có ‘điều kiện’ tham nhũng dễ hơn. Điều này được thực chứng trong thập kỷ "bất ổn kinh tế vĩ mô và thể chế". Nhưng đặt vấn đề chống tham nhũng bằng cách tập trung quyền lực Đảng cao hơn, về lâu dài, là bước lùi cải cách. Như đã biết "các trường hợp đặc biệt" đã phá vỡ các quy định của Đảng về giới hạn tuổi và nhiệm kỳ công tác trong hai Đại hội 12 và 13 gần đây. Các chuẩn mực này vốn được Đảng xác định để ngăn ngừa tha hoá quyền lực. Liệu "các trường hợp đặc biệt" này phát huy đến đâu và có là tiền lệ cho các đại hội Đảng tiếp theo ? Hơn thế, vấn đề chuyển giao quyền lực đang là thách thức lớn.

Cuối cùng, thiếu chính sách "đột phá" trong phòng chống tham nhũng khiến cho tính khả thi thấp. Ví dụ khá điển hình sau đây có thể giúp gỡ bỏ tâm lý giữ "ổn định" trong nhận thức lãnh đạo. Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ về "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19" có thể coi là bài học quý giá về "đột phá". Nó loại bỏ cách tiếp cận "Zero – Covid" từng được ca ngợi là thành tích, hơn thế huy động được sức mạnh và tiềm lực "tự cứu mình" của người dân, đáp ứng được đòi hỏi từ thực tế, xã hội vẫn ổn định và góp phần phục hồi kinh tế. Mặc dù không được ‘ca ngợi công lao’ nhưng Đảng và Chính phủ đã ‘rảnh tay’ và có nguồn lực cho những việc cần làm.

Thay cho lời kết, việc vận dụng mô hình Singapore, như một gợi ý, về sử dụng nhân lực công, nhân lực lãnh đạo sẽ là chính sách đột phá mà giới chuyên gia đề xuất từ lâu và mang tính kiến tạo để phòng chống tham nhũng đã ‘chín mùi’ khi thị trường đã thâm nhập sâu rộng vào nền kinh tế Việt Nam như hiện nay.

Phạm Quý Thọ

Nguồn : RFA, 18/04/2022

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Phạm Quý Thọ
Read 340 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)