Lời nguyền ‘thượng tôn pháp luật’ của ông Trọng vừa tuyên bố có thể bị phản đòn ! Không có vùng cấm nhưng liệu ‘có vùng né’ ? Vụ AVG rồi đây Tòa án có dám hồi tố ? Công an sang Đức bắt Trịnh Xuân Thanh làm hỏng quan hệ Đức – Việt, ai chịu trách nhiệm" ?
AFP
___________
Chiều 4/5/2024, tại họp báo Chính phủ thường kỳ, người phát ngôn Bộ Công an cho biết quan điểm của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, liên quan đến những đại án gần đây được dư luận quan tâm. Trung tướng Công an Tô Ân Xô chia sẻ : ‘Khi lãnh đạo Ban chuyên án báo cáo Tổng bí thư về một số vụ án do Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng chỉ đạo, Tổng bí thư đã khen ngợi Bộ Công an quyết tâm, quyết liệt trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực’. Người phát ngôn Bộ Công an cho biết thêm, Tổng bí thư cũng yêu cầu Bộ Công an tiếp tục quyết tâm, quyết liệt hơn theo tinh thần thượng tôn pháp luật, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, mọi người đều bình đẳng trước pháp luật (1). Mấy điểm này tuy không hoàn toàn mới nhưng khá nổi bật trong thông điệp của Tổng bí thư. Một số giới quan sát cả trong lẫn ngoài nước vốn đang đặt vấn đề, sau mấy vụ đại án và với bối cảnh sự ra đi liên tiếp của ‘Tam trụ’ : ông Phúc, ông Thưởng và ông Huệ, liệu cái lò của ông Trọng có giảm bớt nhiệt chút nào không ? Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đang chênh vênh ? Một khi ‘Tam Tứ trụ’ đều ra đi cả thì có ‘vỡ bình’ không ?
Chia sẻ của tướng Tô Ân Xô có phải là câu trả lời gián tiếp (được chuyển qua Bộ Công an) của Tổng bí thư cho mọi băn khoăn ? Đấu tranh chống tham nhũng tới đây sẽ không thuyên giảm, sẽ phải ‘tiếp tục quyết tâm, quyết liệt hơn theo tinh thần thượng tôn pháp luật…’ (2). Ý quyết tâm, quyết liệt thì chẳng có gì mới, nhưng lần đầu tiên, người dân được nghe Đảng trưởng nhắc đến ‘tinh thần thượng tôn pháp luật’. Tuyên bố có ý nghĩa ‘lên giây cót’ này của Tổng bí thư có thể là ‘đòn hồi mã thương’ bí truyền (Giả vờ lui binh để nhử đối thủ rồi bất ngờ quay ngựa phóng thương để phản kích). Bởi vì suốt thời gian gần đây, dư luận thấy ông Trọng hầu như hoàn toàn im lặng, trước những lãnh đạo vừa ‘bị trảm’ mà dư luận coi đó là ‘con cưng’, là ‘thợ ruột’, là những ‘hạt giống đỏ’ Tổng bí thư gieo trồng bao lâu nay. Thậm chí dư luận còn cho đó là những ‘thái tử’ đã được ông chọn để trao lại ‘vương quyền’. Nhưng không, Tổng Trọng như muốn cho mọi người biết, ông đã vào tuổi ‘Trượng Triều’, tức là tuổi có quyền cầm gậy đi vào Triều đình mà không ai có quyền ngăn cản. Huống hồ giờ đây chính ông đang là ‘Hoàng thượng’ mà phải chịu nghe những ‘lời ong tiếng ve’, rằng kế sách chống tham nhũng thất bại, rằng ông bị kẻ khác tiếm quyền, thao túng chính trường... Cho nên ông phải lên tiếng, cho dù chỉ là gián tiếp qua Bộ Công an.
Nhưng lời nguyền ‘thượng tôn pháp luật’ của ông Trọng có thể bị phản đòn ! Không có vùng cấm nhưng lại có ‘nhiều vùng né’, thưa Tổng bí thư ! Vụ AVG mà tại đó ông Tô Lâm, lúc bấy giờ mới giữ hàm Thứ trưởng Bộ Công an, nhưng đã ký ba công văn, đóng dấu ‘Tuyệt Mật’ để lấp liếm sự việc. Các bên liên quan đã nâng khống giá trị trong hợp đồng chuyển nhượng, chênh lệch bảy ngàn tỷ VND để chia nhau (3). Vụ này liệu rồi đây có bị hồi tố không, thưa Tổng bí thư ? Rồi còn vụ Bộ trưởng Công an Tô Lâm bay sang Đức, bắt nghi can Trịnh Xuân Thanh trên đất bạn, làm hỏng quan hệ Đức – Việt, ai chịu trách nhiệm ? (4) ? Đấy là chưa nói đồng giao trong cả nước bấy lâu nay đang công khai giễu nhại lực lượng ‘còn Đảng còn mình’, tức là đối với những công an từng ‘bắn nhầm dê, bế nhầm dân’. Trong lực lượng công an không thiếu những kẻ đạo tặc, bắt cóc trẻ con để vòi tiền chuộc, hoặc rủ nhau đi săn dê của dân về làm mồi nhậu (5). Trong khi Đại tướng Tô Lâm nói công an phấn đấu người dân đi ngủ không cần đóng cửa, thì vẫn theo báo cáo của Chính phủ, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật hàng năm vẫn còn diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng (6).
Vẫn tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ nói trên, một đại án khác đang ló dạng. Trung tướng Tô Ân Xô cho hay cũng vào chiều 4/5, mở rộng điều tra vụ án đưa hối lộ, nhận hối lộ, lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ xảy ra tại tỉnh Lâm Đồng và một số địa phương liên quan ; tuy là ngày lễ 30/4, Cơ quan CO3 (Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu) vẫn ra quyết định khởi tố bị can, bắt giam đối với ông Mai Tiến Dũng, nguyên Bộ trưởng (siêu Bộ) – Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ. Ông Mai Tiến Dũng bị bắt để điều tra về tội ‘lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ’ (7). Từ đại án đến tiểu án, tội danh chỉ gói gọn trong mấy từ cô đọng ấy thôi, nhưng nó phản ánh bản chất của hệ thống. Từng bị đề nghị thu hồi, dự án khu đô thị Đại Ninh sau đó được tiếp tục thực hiện khi Thanh tra Chính phủ sửa đổi kết luận điều tra. Đây là ‘siêu’ dự án đã khiến nhiều lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng vướng vòng lao lý. Như một ‘vết dầu loang’, lần này, nó lại ‘chảy’ ngược lên thượng tầng Ba Đình. Theo những nguồn tin không thể tiết lộ danh tính, vụ đại án mang tên Đại Ninh, không biết có phải vì cùng có hai chữ ‘Đại’, nhưng vụ này đang và sẽ gây ra rất nhiều hệ lụy trong việc chọn cả Chủ tịch nước lẫn Chủ tịch Quốc hội.
Cựu Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng tại họp báo ở Hà Nội hôm 30/6/2016. AFP
Trở lại với dư luận ở Hà Nội từ đầu tuần trước đã râm ran về việc, tại kỳ họp hôm 2/5 vừa qua, bà Trương Thị Mai, Bí thư Trung ương Đảng, kiêm Trưởng Ban Tổ chức TW, sẽ được Đảng cử vào ngồi chiếc ghế trống do ông Vương Đình Huệ để lại. Nhưng điều này không xẩy ra đã đành, mà người ‘Phó thứ Nhất’ của ông Huệ, đương kim Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cũng không được 500 đại biểu đưa ra bầu để thay ông Huệ như tin đồn. Vậy là hai chiếc ghế của Tứ trụ, Chủ tịch nước và Chủ tịch quốc hội, đến nay vẫn để trống. Điều lạ lùng nữa là chỉ có một mẩu tin vắn về cuộc bỏ phiếu kín mà không có bất cứ bức ảnh nào đi kèm, nghĩa là báo chí Nhà nước cũng không được ‘tiếp cận hiện trường’. Dư luận còn nhớ, tại cuộc họp bất thường lần thứ sáu kỳ trước (ngày 21/3), bà Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân, tuy chỉ là Ủy viên Trung ương Đảng (tức là cấp bậc về Đảng thấp hơn vị trí của ông Mẫn), vậy mà bà Xuân vẫn được cử vào ghế Quyền Chủ tịch nước (8). Trong khi ông Mẫn là Ủy viên Bộ Chính trị, nhưng chỉ ‘được phân công điều hành’ các hoạt động của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cho đến khi kiện toàn chức danh Chủ tịch Quốc hội.
Tại sao chức danh Chủ tịch nước chưa kiện toàn mà bà Võ Thị Ánh Xuân, cấp bậc Đảng thấp hơn, vẫn được ngồi vào ghế ‘quyền Chủ tịch’ nước ? Còn ông Trần Thanh Mẫn, xin nhắc lại là có cương vị Đảng cao hơn, thì vẫn chưa được cử làm ‘Quyền Chủ tịch Quốc hội’ ? Bản chất của vấn đề ở đây phải chăng là, các bên liên quan vẫn chưa thỏa thuận được với nhau, người của ai ngồi vào ghế nào. Bởi vì, hai chiếc ghế của bà Mai để lại, cho đến nay, Tổng Trọng vẫn chưa tìm được người đủ tin cậy để mà trám vào. Khi hai cái ghế quan trọng ấy vẫn còn ‘bấp bênh’ chưa biết nên trao cho ai, thì ông Trọng chưa thể ‘gật’ để bà Trương Thị Mai bỏ lại hai vị trí ấy, để ngồi vào ghể Chủ tịch Quốc hội. Cuộc thương lượng giữa các phe phái, do đó, vẫn còn đang tiếp tục cho đến 20/5 tới đây, Quốc hội sẽ bước vào kỳ họp chính thức. Cuộc mặc cả giữa các phe được phóng sự của VOA ngày 3/5 phản ánh : ‘Sự ra đi của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, người thứ 3 trong ‘Tứ trụ’ Việt Nam phải từ chức giữa nhiệm kỳ chỉ trong hơn một năm, đang cho thấy sự khủng hoảng về người kế nhiệm lãnh đạo Đảng và phản ánh sự leo thang đáng báo động của chủ nghĩa thân hữu (cronyism – mà thực chất là chủ nghĩa băng đảng) cũng như đấu đá nội bộ, theo nhận định của giới quan sát và truyền thông quốc tế’ (9).
Trần Hiếu Chân
Nguồn : RFA, 06/05/2024
Tham khảo :
(3) https://www.bbc.com/vietnamese/forum-50613569
(8) https://baochinhphu.vn/ba-vo-thi-anh-xuan-giu-quyen-chu-tich-nuoc-102240321121216671.htm
Thanh tra Chính phủ kết luận sai phạm liên quan Phan Văn Anh Vũ (RFA, 19/08/2020)
Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Bùi Ngọc Lam vừa ký kết luận thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai tại Dự án Khu đô thị quốc tế Đa Phước, thành phố Đà Nẵng.
Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ nhôm) trước tòa tại Hà Nội hôm 30/7/2018 - Reuters
Báo Công an Nhân dân tại Việt Nam đưa tin hôm 18 tháng 8 cho hay, kết luận nêu rõ trong quá trình triển khai dự án Khu đô thị quốc tế Đa Phước, UBND TP Đà Nẵng và một số tổ chức, cá nhân có liên quan đã để xảy ra nhiều sai phạm. Thanh tra Chính phủ đã chuyển thông tin, hồ sơ tài liệu sang Bộ Công an đề nghị điều tra, trong đó có sự việc liên quan đến cựu thượng tá công an Phan Anh Văn Vũ, thường được gọi là Vũ Nhôm, thâu tóm và chuyển nhượng Dự án Khu đô thị quốc tế Đa Phước.
Theo kết luận thanh tra, cuối năm 2006, UBND TP Đà Nẵng và Công ty Daewon Company, LTD - Hàn Quốc đã ký Thỏa thuận nguyên tắc về điều kiện hợp tác phát triển dự án lấn biển Khu phức hợp đô thị - sân golf Đa Phước.
Tổng diện tích dự án theo quy hoạch chi tiết 1/500 xây dựng khoảng 240 ha, trong đó Công ty TNHH Daewon Cantavil (thuộc Công ty Daewon Company, LTD - Hàn Quốc) thuê 181,53ha để thực hiện Dự án Khu đô thị quốc tế Đa Phước (gọi tắt là dự án 181ha).
Năm 2016, Phan Anh Văn Vũ đã dùng pháp nhân hai công ty của mình là Công ty cổ phần Xây dựng 79 và Công ty cổ phần Nova Bắc Nam 79 để thâu tóm toàn bộ cổ phần Công ty TNHH Daewon Cantavil, rồi đổi tên thành Công ty TNHH The Sunrise Bay để thực hiện dự án 181ha.
Thanh tra Chính phủ kiến nghị UBND Thành phố Đà Nẵng thu hồi các khoản nghĩa vụ tài chính có liên quan đến dự án 29ha và dự án 181ha. Đồng thời, thực hiện các thủ tục thu hồi Dự án 181ha đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật.
Khu đô thị Quốc tế Đa Phước diện tích 29ha có giá thị trường gần 4.800 tỷ nhưng thành phố Đà Nẵng bán cho Phan Văn Anh Vũ chỉ 87 tỷ đồng. Con số này được Hội đồng định giá tài sản xác định.
Phan Văn Anh Vũ từng trốn sang Singapore nhưng bị nước này trả về lại Việt Nam hồi đầu năm 2018. Hiện ông này đang phải thụ án với các cáo buộc cố ý làm lộ bí mật nhà nước, lợi dụng chức vụ chiếm đoạt tài sản, và lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Tổng cộng các mức án là 40 năm tù.
*******************
Nguyên Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Tài chuẩn bị hầu tòa (RFA, 19/08/2020)
Tòa án Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 18/8 thông báo dự kiến mở phiên tòa xét xử sơ thẩm ông Nguyễn Thành Tài, nguyên phó chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh cùng 4 đồng phạm về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” diễn ra vào ngày 16/9.
Nguyên phó chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Tài và khu đất vàng số 8-12 đường Lê Duẩn. RFA Edited
Sau nhiều lần trả hồ sơ để điều tra bổ sung, Viện Kiểm sát nhân dân tối caođã hoàn tất kết luận điều tra, sau đó Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh dự kiến xét xử sơ thẩm vụ "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí" gần 2000 tỷ đồng liên quan đến khu đất vàng 8-12 đường Lê Duẩn (phường Bến Nghé, quận 1) vào ngày 16/9 tới và kéo dài đến ngày 21/9.
Theo cáo trạng, ông Tài trong thời gian giữ chức vụ phó chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh (2008-2011) được phân công phụ trách lĩnh vực quy hoạch - kiến trúc, đầu tư xây dựng, biết rõ khu đất 8-12 Lê Duẩn là nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước. Tuy nhiên, do ông Tài có tình cảm với bà Lê Thị Thanh Thúy và bị tác động nên đã ký nhiều văn bản và chỉ đạo cấp dưới ký nhiều văn bản biến khu đất "vàng" số 8-12 đường Lê Duẩn từ sở hữu Nhà nước sang sở hữu của doanh nghiệp tư nhân trái pháp luật, gây thất thoát lãng phí tài sản nhà nước gần 2000 tỷ đồng.
Do đó, cáo trạng xác định bị can Nguyễn Thành Tài giữ vai trò là người tổ chức, đã “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” theo Điều 219 BLHS 2015, với khung hình phạt từ 10-20 năm tù.
Tại phiên tòa sắp diễn ra, ngoài ông Nguyễn Thành Tài bị xét xử còn có các ông Đào Anh Kiệt, cựu giám đốc Sở Tài nguyên & Môi trường, Nguyễn Hoài Nam, nguyên bí thư quận 2, Trương Văn Út, nguyên phó phòng quản lý đất Sở TN&MT và bà Lê Thị Thanh Thuý, nguyên chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Hoa Tháng Năm và Lavenue.
******************
Việt Nam kỷ luật thêm 2 trung tướng, 6 đại tá vì vi phạm đất đai (VOA, 17/08/2020)
Nhiều khu đất vàng tại Việt Nam nằm trong số những khu đất quốc phòng bị chuyển đổi mục đích sử dụng, gây thất thoát nghiêm trọng.
Ủy ban Kiểm tra Trung ương họp Kỳ 47
Việt Nam vừa kỷ luật cảnh cáo thêm 2 trung tướng và 6 đại tá quân đội vì vi phạm trong quản lý và sử dụng đất đai, trang thông tin chính thức của chính phủ Việt Nam cho biết hôm 17/8.
Theo đó, Trung tướng Nguyễn Văn Thành, nguyên Phó bí thư Đảng ủy, nguyên Tư lệnh Quân đoàn 4 ; Trung tướng Trần Xuân Ninh, nguyên Ủy viên Ban thường vụ Đảng ủy, nguyên Phó tư lệnh Quân đoàn 4 và 6 đại tá khác bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị kỷ luật vì "vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc và pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai" và trong "tham mưu tổ chức thực hiện nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, dự án đầu tư và quản lý, sử dụng đất đai tại đơn vị".
"Xét nội dung, tính chất, mức độ, hậu quả vi phạm ; căn cứ quy định của Đảng về xử lý kỷ luật đảng viên, Ủy ban Kiểm tra Trung ương quyết định thi hành kỷ luật cảnh cáo các đồng chí Trung tướng Nguyễn Văn Thành, Trung tướng Trần Xuân Ninh, Đại tá Mai Văn Hào, Đại tá Phan Văn Tiên và Đại tá Nguyễn Văn Giang ; khiển trách các đồng chí Đại tá Nguyễn Xuân Đông, Đại tá Phạm Bảo và Đại tá Nguyễn Tuấn Anh, trang tin chính phủ Việt Nam dẫn thông tin từ uỷ ban này nói.
Kể từ năm 2017 đến nay, Bộ Quốc phòng Việt Nam bắt đầu cấm các đơn vị không được ký hợp đồng liên doanh, liên kết liên quan đến dự án sử dụng đất quốc phòng và thu hồi đất đối với các hợp đồng hết hạn, theo đề án tái cơ cấu và nâng cao hiệu quả hoạt động doanh nghiệp quân đội đến hết năm 2020 theo phê duyệt của Thủ tướng Việt Nam.
Hàng loạt tướng lĩnh quân đội đã bị kỷ luật vì liên quan đến vấn đề đất đai trong vài năm gần đây, trong đó có cựu Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam, cựu Tư lệnh hải quân – Đô đốc Nguyễn Văn Hiến – đã bị cách hết các chức vụ trong đảng hồi năm ngoái vì các cáo buộc liên quan đến vụ án Đinh Ngọc Hệ, tức "Út Trọc", và 10 khu đất quốc phòng bị chuyển đổi mục đích sử dụng, gây thất thoát nghiêm trọng và "ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đảng, Quân đội", theo Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Nhiều "khu đất vàng" trong số này đang bị kiến nghị thu hồi.
Mặc dù thừa nhận "một số cán bộ, đảng viên trong quân đội có biểu hiện thiếu tu dưỡng, rèn luyện, lợi dụng chức vụ, quyền hạn…", nhưng Bộ Quốc phòng Việt Nam trong thư trả lời kiến nghị của cử tri Đà Nẵng hồi tháng 2 khẳng định các tướng lĩnh quân đội bị xử lý chủ yếu là do buông lỏng lãnh đạo, thiếu trách nhiệm trong quản lý đất đai, "chứ không phải do tham nhũng".
"Trong số quân nhân bị xử lý kỷ luật, số quân nhân bị xử lý do tham nhũng rất ít (chủ yếu là cán bộ cấp phân đội và quân nhân chuyên nghiệp) ; riêng số quân nhân là cấp tướng bị xử lý, không có đồng chí nào bị xử lý do tham nhũng", Thanh Niên dẫn văn bản của Bộ Quốc phòng Việt Nam nói.
Theo Bộ này, các vi phạm đất đai trong quân đội chủ yếu tập trung ở các nhiệm kỳ 2005 - 2010, 2010 – 2015, tức trong giai đoạn nắm quyền của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Công lý nước Việt qua các mức án ! (RFA, 21/12/2019)
Trong phiên xử vụ án tham nhũng Tổng công ty viễn thông Mobifone mua 95% Công ty cổ phần nghe nhìn Toàn Cầu – AVG, Cựu Chủ tịch AVG Phạm Nhật Vũ bị Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hà Nội đề nghị mức án cho tội "Đưa hối lộ" là 3-4 năm tù giam, dù ông này đưa hối lộ cho các quan chức lên đến 6,2 triệu đô la Mỹ.
Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn, Lê Nam Trà và cao Duy Hải đều bị kết án tù trong vụ Mobifone mua AVG. Trong đó ông Son bị Viện Kiểm sát đề nghị án tử hình - Courtesy of VnMedia -RFA edited
Tính công minh luật pháp tại Việt Nam !
Mức án cao nhất là tử hình được Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội cũng đề nghị cho Cựu Bộ trưởng Thông tin và truyền thông Nguyễn Bắc Son về tội nhận hối lộ 3 triệu đô la Mỹ.
Viện kiểm sát cho rằng số tiền chiếm đoạt ông Son chưa nộp lại, cho nên dù ông có những tình tiết giảm nhẹ nhưng chưa đủ hưởng mức khoan hồng. Do đó, Viện Kiểm sát nhân dân đề nghị Hội đồng xét xử tuyên với ông Son là tử hình.
Còn cựu Chủ tịch MobiFone Lê Nam Trà nhận hối lộ 2,5 triệu USD bị đề nghị 23-25 năm tù cho hai tội danh "nhận hối lộ" và "vi phạm quy định về quản lý & sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng".
Chỉ trong cùng một phiên xử, nhưng lại có các mức án quá khác biệt như vậy nên nhiều người đặt vấn đề đâu là công lý.
Trao đổi với Đài Á Châu Tự Do, Luật sư Đặng Đình Mạnh cho rằng mức án 3-4 năm tù mà Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội đề nghị đối với ông Phạm Nhật Vũ là một thực tế cho thấy rõ ràng luật pháp Việt Nam không đảm bảo nguyên tắc công bằng. Ông giải thích :
"Đối với trường hợp ông Phạm Nhật Vũ, trước đây khi đưa ra thông tin trong xác lập cáo trạng là ông Vũ được áp dụng chính sách hình sự đặc biệt. Điều này khi đưa ra mọi người rất bất ngờ, nhất là giới làm trong pháp luật vì khái niệm hình sự đặc biệt không có trong luật. Theo pháp luật hình sự thì tất cả mọi vấn đề áp dụng thì phải theo Luật Hình sự chứ không được tùy tiện, Việc đưa ra một khái niệm hết sức tùy tiện như vậy không thể chấp nhận được. Nguồn cơn của việc này người ta cho rằng ông Phạm Nhật Vũ có nhiều đóng góp với Giáo hội Phật giáo Việt Nam nên Giáo hội Phật giáo Việt Nam làm văn bản cho ông hình phạt đặc biệt hơn những người khác. Thật ra Giáo hội Phật giáo Việt Nam có thể làm việc này, nhưng dưới khía cạnh pháp lý thì lẽ ra cơ quan pháp luật không nên chấp nhận điều này vì làm việc gì hay chấp nhận điều gì phải căn cứ theo pháp lý mà điều này không có pháp luật nào quy định. Vì vậy cho nên đối với ông Phạm Nhật Vũ vi phạm pháp luật với số tiền hết sức lớn mà đề nghị mức án như vậy rõ ràng không tương xứng".
Với kinh nghiệm bản thân, bà Cấn Thị Thêu, nhà hoạt động đất đai bị bắt giữ tổng cộng 35 tháng tù giam với cáo buộc ‘chống người thi hành công vụ’ và ‘gây rối trật tự công cộng’ khi bà thực hiện các quyền công dân để bảo vệ đất Dương Nội, cho rằng luật pháp Việt Nam là ‘luật rừng’ nếu chỉ tuyên phạt ông Phạm Nhật Vũ 3-4 năm tù giam. Bà nói :
"Luật pháp Việt Nam thật sự do các quan chức cộng sản đặt ra và tự quyết. Thế nên tòa án không phải là tòa án độc lập, mang danh là tòa án nhân dân nhưng lại là tòa án cộng sản. Những người đấu tranh, lên tiếng về những bất công xã hội thì bị họ khoác cho những điều luật mơ hồ như chống đối, tuyên truyền, lật đổ. Hoặc có những án hình sự, có mấy cậu bé chỉ lấy mấy cái bánh mì mà mất hàng bao năm tù. Ngày tôi đi tù, có người lấy trộm đồ vật đáng giá 1 triệu đồng mà hai mẹ con phải đi tù, án hai mẹ con đâu mười mấy năm tù. Cho nên thực sự người dân rất bất bình về những phiên tòa của cộng sản".
Một số vụ mà người dân chịu án nặng khiến cộng đồng bức xúc như vụ hai thiếu niên hồi năm 2016 từng bị đề nghị mức án 3-10 năm tù chỉ vì ăn cắp hai ổ bánh mì trị giá 45.000 đồng (trị giá chưa tới 2 USD). Vụ 3 ngưởi ở Lâm Đồng chỉ ăn cắp 3 con vịt bị tù tổng cộng 13 năm tù hồi năm 2009…
Ngày 20/7/2016, Tòa án nhân dân quận Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh đã xét xử sơ thẩm vụ ăn cắp hai ổ bánh mì trị giá 45.000 đồng (2 USD), tuyên phạt Nguyễn Hoàng Tuấn (18 tuổi) 10 tháng tù và Ôn Thành Tân (18 tuổi) 8 tháng 20 ngày tù. Courtesy Công An
Vì vậy, mức án 3-4 năm tù giam mà Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội đề nghị đối với ông Phạm Nhật Vũ gây ra nhiều bức xúc trong dư luận.
So sánh mức độ sự việc giữa một số vụ án và khung hình phạt, Luật sư Đặng Đình Mạnh nhận định :
"Việc áp dụng luật pháp ở Việt Nam không đảm bảo được nguyên tắc bình đẳng trước pháp luật. Trong khi trong thực tế luật pháp quy định mọi người dân không phân biệt cán bộ hay dân thường, người lớn tuổi hay trẻ con, người giàu có hay nghèo hèn, tất cả đều bình đẳng trước pháp luật".
Hệ lụy
Vẫn theo Luật sư Mạnh, nếu pháp luật ngày càng nhiều những bản án không có sức thuyết phục người dân như trên sẽ khiến người dân không còn tin tưởng vào pháp luật, không còn tin cậy vào hệ thống tư pháp công lý. Đây là điều nguy hiểm nhất vì chính sự tin cậy vào hệ thống pháp lý thì người ta mới nhờ hệ thống pháp lý can thiệp, bảo vệ quyền lợi của họ.
Cùng suy nghĩ như trên, Luật sư Hà Huy Sơn cũng bày tỏ lo ngại :
"Hệ lụy là người dân không còn tin tưởng vào hệ thống pháp luật của nhà nước. Người ta sẽ hành xử theo hướng tiêu cực, nói đơn giản là có tiền có quyền sẽ mua được pháp luật".
Do đó, Luật sư Đặng Đình Mạnh cho rằng khi người dân mất lòng tin thì dẫn đến tình trạng vô trật tự, hỗn loạn, người dân sẽ tìm cách tự ban phát công lý cho mình. Ông diễn giải :
"Ví dụ như họ bức xúc vấn đề gì, thay vì nhờ pháp luật, họ sẽ tìm cách tự hành xử. Điều này đưa loài người trở lại thời kỳ hỗn mang giống thời kỳ không có luật pháp, đây là hệ lụy nguy hiểm nhất mà chúng ta phải nghĩ đến, thấy điều đó mà lo sợ".
Giải pháp
Trước những nguy cơ tiềm tàng do những người được giao trọng trách cầm ‘cán cân công lý’ không công tâm có thể gây ra, Luật sư Đặng Đình Mạnh đề ra phương hướng giúp chính quyền khôi phục niềm tin về tính công minh luật pháp cho người dân mà theo ông, trước hết là trách nhiệm của các cơ quan pháp luật.
"Luật pháp Việt Nam tuy chưa hoàn hảo nhưng trong chừng mực nào đó chỉ cần áp dụng đúng các quy định đã có thì đã rất đỡ. Ví dụ nguyên tắc bảo đảm mọi người dân đều bình đẳng trước pháp luật chẳng hạn, là một quy định đã có sẵn. Cơ quan pháp luật chỉ cần bảo đảm thực hiện điều đó là đủ, trong trường hợp này cơ quan pháp luật đã không bảo đảm được điều đó, là chuyện rất đáng tiếc".
Còn theo Luật sư Hà Huy Sơn, về cơ bản để có công lý, công bằng trong việc thực thi pháp luật thì vẫn cần có nhà nước pháp quyền phải tôn trọng sự phản biện trong xã hội, các ý kiện đa dạng và sự đối trọng trong quyền lực của các cơ quan nhà nước. Tuy nhiên đây là vấn đề lâu dài, còn trước mắt ông cho rằng giải pháp nằm ở chính ý thức của mỗi người dân :
"Sự bày tỏ, thái độ, phản ứng của họ trước các bản án, sự kiện chính trị, sự kiện trong đời sống nhà nước. Tôi cho rằng không ai có thể thay bằng chính người dân trong nước bằng trách nhiệm và nghĩa vụ công dân hãy bày tỏ thái độ và trong khả năng có thể thì thực hiện những hành vi pháp luật không cấm để đẩy lùi, hạn chế những bất công trong pháp luật hiện nay".
Lâu nay nhiều người tại Việt Nam thường hay nói diễu ‘công lý ở Việt Nam là một anh hề’. Trong thực tế một nghệ sĩ hài ở Hà Nội có tên Công Lý.
******************
Vì sao được tặng nhiều huân, huy chương nhưng cựu Bộ trưởng Son vẫn bị đề nghị tử hình ? (Nông Nghiệp, 20/12/2019)
Đến thời điểm này, số tiền 3 triệu USD ông Son nhận hối lộ từ Phạm Nhật Vũ vẫn chưa biết đang ở đâu.
Sau một ngày tạm nghỉ, sáng 20/12, phiên tòa xét xử đại án Mobifone mua AVG tiếp tục với phần tranh luận. Sau khi đọc bản luận tội, đại diện Viện Kiểm sát đề nghị mức án đối với 14 bị cáo trong vụ án. Cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Nguyễn Bắc Son bị đề nghị tổng hợp hình phạt mức án tử hình.
Ông Nguyễn Bắc Son chưa thực sự ăn năn hối lỗi. Ảnh : TTXVN
Theo bản luận tội của Viện Kiểm sát, bị cáo Nguyễn Bắc Son với vai trò Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông là người chỉ đạo, quyết định và thúc đẩy việc mua cổ phần của AVG, quyết liệt trong phân công chỉ đạo cấp dưới thực hiện. Do vậy, bị cáo Son là người chịu trách nhiệm cao nhất.
Xuất phát từ động cơ tư lợi cá nhân, bất chấp các quy định của pháp luật, bị cáo đã định hướng, chỉ đạo quyết liệt cấp dưới tại MobiFone và các thành viên chủ chốt tại Mobifone thực hiện dự án dẫn đến sai phạm đặc biệt nghiêm trọng. Sau khi thương vụ hoàn tất, bị cáo đã nhận số tiền 3 triệu USD từ Phạm Nhật Vũ.
Trong vụ án này, bị cáo giữ vai trò đứng đầu. Xuyên suốt trong quá trình thực hiện dự án, chỉ đạo của ông Nguyễn Bắc Son mang tính quyết liệt, buộc cấp dưới phải thực hiện. Do đó, ông Son phải chịu trách nhiệm chính về hậu quả đã xảy ra.
Bị cáo cũng là người được hưởng cao nhất so với các bị cáo khác từ thương vụ AVG, với số tiền nhận hối lộ đặc biệt lớn. Từ các căn cứ nêu trên, Viện Kiểm sát quy kết ông Nguyễn Bắc Son phải chịu trách nhiệm cao nhất trong số 14 bị cáo ở vụ án này. Viện Kiểm sát đề nghị mức án 16-18 năm tù tội "Vi phạm các quy định về quản lý đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng", tử hình đối với tội nhận hối lộ. Tổng hợp hình phạt đề nghị tử hình.
Tháng 4/2016, ông Nguyễn Bắc Son được trao tặng Huân chương Độc lập hạng Nhì do có những đóng góp, thành tích đặc biệt xuất sắc trong quá trình công tác, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc, đặc biệt là trong nhiệm kỳ làm Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông (2011-2016)...
Tại tòa, Viện Kiểm sát cũng phân tích, ông Son được tặng nhiều huân, huy chương và có nhiều thành tích trong công tác, với những thành tích đó, đáng lẽ bị cáo phải là tấm gương đạo đức về sự trung thực, tận tâm phục vụ đất nước và nhân dân.
Nhưng vì hám lợi vật chất, bị cáo đã tha hóa bản thân và phạm tội đặc biệt nghiêm trọng gây tổn hại uy tín của các cán bộ chân chính. Dù trong quá trình điều tra, bị cáo đã khai nhận hành vi phạm tội nhưng khi ra tòa, bị cáo tự mình phủ nhận rồi lại thừa nhận một phần. Điều đó cho thấy bị cáo chưa thực sự ăn năn, hối lỗi.
Số tiền chiếm đoạt 3 triệu USD chưa được ông Son nộp lại. Do đó, dù bị cáo có những tình tiết giảm nhẹ nhưng chưa đủ để bị cáo được hưởng mức khoan hồng mà cần có hình phạt nghiêm khắc.
Trong những phiên xử trước, liên tục bẻ cung và có những lời khai bất nhất về tội nhận hối lộ, cựu Bộ trưởng Son sau đó đã bất ngờ xin gặp gia đình để nhờ khắc phục hậu quả và gặp luật sư để nói với luật sư là tội danh đã nhận thì không cần bào chữa nữa.
Ông Son khẳng định Bộ Thông tin và truyền thông đã thực hiện công việc liên quan mua bán một cách rất thận trọng, có báo cáo Chính phủ. Sau này, trên cơ sở báo cáo của Bộ Thông tin và truyền thông, các Bộ Tài chính, Kế hoạch và đầu tư, Bộ Công an, Văn phòng Chính phủ đã báo cáo Thủ tướng và Thủ tướng thông báo đồng ý cho Mobifone mua cổ phần…
"Các Bộ đồng thuận, Thủ tướng chấp thuận, cơ quan tham mưu đề nghị phê duyệt nên tôi đồng ý. Thời điểm đó, kể cả Mobifone cũng nghĩ đúng rồi", ông Son nói.
Hoàng Anh
*****************
Vụ MobiFone-AVG : Đề nghị án tử cho cựu bộ trưởng nhận hối lộ 3 triệu USD (VOA, 21/12/2019)
Cơ quan công tố hôm 20/12 đề nghị Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân Hà Nội tuyên phạt cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Nguyễn Bắc Son án tử hình, đưa ông Son trở thành một trong những quan chức hiếm hoi đối diện với mức án này kể từ khi Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phát động chiến dịch chống tham nhũng vào năm 2017.
Cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Nguyễn Bắc Son bị đề nghị mức án tử hình vào ngày 20/12/2019.
Chủ mưu ?
Bị cáo buộc đóng vai trò "chủ mưu" trong vụ án mua cổ phần AVG gây thiệt hại hàng nghìn tỉ đồng ngân sách và nhận hối lộ 3 triệu USD, ông Nguyễn Bắc Son bị đề nghị 16 – 18 năm tù về tội "vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng" và mức án tử hình về tội nhận hối lộ. Tổng cộng mức án đề nghị đối với cựu Bộ trưởng Thông tin và truyền thông là tử hình.
Mức án cao nhất rất hiếm khi được đề nghị cho các quan chức trong các vụ đại án tham nhũng trước đây đang nhận được sự ủng hộ rõ ràng từ công luận. Tuy nhiên, việc xác định vai trò "chủ mưu" của ông Son trong vụ đại án này đang gây ra những tranh cãi trên mạng xã hội.
Một số ý kiến cho rằng với phạm vi quyền lực của một bộ trưởng, ông Son không thể thực hiện trót lọt vụ này nếu không có sự đồng ý hay ủng hộ từ cấp trên.
Một trong những chi tiết khiến công luận nghi ngờ rằng phải có "thế lực đằng sau" rất mạnh chỉ đạo cho ông Son thực hiện vụ này trong phiên tòa ngày 18/12, cựu Bộ trưởng Thông tin và truyền thông nói ông không có vai trò chủ mưu trong vụ án, mà chỉ là người đứng đầu có cương vị cao nhất trong vụ này. Trong khi trước đó, theo tường thuật của báo Thanh Niên, ông Son "không dưới 1 lần" nhắc lại rằng mình chỉ bút phê chỉ đạo cấp dưới ký phê duyệt đầu tư dự án "theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ".
Bình luận về án tử hình dành cho ông Son, Tiến sĩ Nguyễn Quang A, một nhà vận động xã hội dân sự tại Việt Nam, viết trên Facebook rằng "Biết sai nhưng vẫn PHẢI làm, ăn bẫm nhưng bọn SAI hắn làm còn ăn bẫm hơn" và ông dùng cụm từ "đổ oan cho người ta" khi bình luận về vai trò "tổng đạo diễn" của ông Son.
Trong khi đó, Luật sư Lê Công Định cho rằng "Để thuyết phục Bắc Son thừa nhận có hành vi nhận hối lộ hàng triệu USD, chắc chắn phải có sự bảo đảm nào đó về hình phạt". Vì vậy, theo ông, "dân đen đừng nên hồ hởi với án tử hình được đề nghị vội. Trừ phi tận mắt thấy Bắc Son bị tiêm hoặc bắn, tin cũng chưa muộn", Luật sư Định viết trên Facebook.
Chỉ trong vòng vài ngày kể từ khi vụ án bắt đầu được xét xử hôm 16/12, ông Nguyễn Bắc Son đã liên tục thay đổi lời khai về tất cả các cáo buộc liên quan đến ông, từ vai trò trong vụ án đến việc nhận và chi tiêu khoản tiền hối lộ 3 triệu USD từ Phạm Nhật Vũ như thế nào.
Cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông bị cáo buộc đóng vai trò chủ mưu và nhận hối lộ 3 triệu USD từ Phạm Nhật Vũ, cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị AVG, để chỉ đạo cho MobiFone - công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên trực thuộc Bộ Thông tin và truyền thông, mua lại 95% cổ phần của AVG với giá gần 8.900 tỉ đồng, cao hơn giá trị thực của công ty này gần 6.500 tỉ đồng.
‘Triệt để khoan hồng’
Các bị cáo liên quan trong vụ án, bao gồm ông Trương Minh Tuấn, người giữ chức vụ thứ trưởng trong thời gian diễn ra thương vụ chuyển nhượng, bị đề nghị 6 – 7 năm tù về tội "vi phạm quy định đầu tư" và 8 – 9 năm tù về tội nhận hối lộ 200.000 USD. Tổng cộng 14 – 16 năm tù.
Ông Lê Nam Trà, cựu Chủ tịch MobiFone và là người đã ký hợp đồng chuyển nhượng với AVG và nhận của Phạm Nhật Vũ (Chủ tịch AVG) 2,5 triệu USD bị đề nghị mức án 23 – 25 năm tù.
Cựu Tổng giám đốc MobiFone Cao Duy Hải bị đề nghị 4 – 5 năm tù về tội "vi phạm quy định về đầu tư" và 11 năm tù về tội nhận hối lộ 500.000 USD. Tổng cộng 15 – 16 năm tù.
Riêng với Phạm Nhật Vũ, Chủ tịch AVG và là người đã thực hiện việc đưa hối lộ cho tất cả các quan chức trên chỉ bị đề nghị mức án 3 – 4 năm tù về tội này.
Lý do Viện kiểm sát đưa ra cho việc "áp dụng triệt để nguyên tắc xử lý khoan hồng" đối với Phạm Nhật Vũ là vì doanh nhân này đã "chủ động tích cực khắc phục toàn bộ thiệt hại và các chi phí phát sinh, chủ động thú nhận hối tội, thực sự ăn năn hối lỗi và tích cực hợp tác trong quá trình giải quyết vụ án". Đi kèm với giải thích trên là lá đơn xin hưởng chính sách khoan hồng từ Đại sứ quán Nga xin cho ông Vũ và chứng nhận của Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo về những đóng góp từ thiện của doanh nhân này, theo tường thuật của Thanh Niên.
MobiFone-AVG là một trong những đại án được trung ương, đứng đầu là Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, chỉ đạo phải "khẩn trương xét xử" trong năm 2019, bên cạnh các vụ án về quản lý tài sản nhà nước ở Thành phố Hồ Chí Minh, vụ án quản lý đất đai tại Đà Nẵng, vụ Nhật Cường...
Án tử hình đề nghị dành cho ông Nguyễn Bắc Son được xem là "hiếm hoi" đối với các quan chức tham nhũng kể từ khi chiến dịch chống tham nhũng của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng được phát động vào năm 2017.
Trước ông Son, chỉ có một quan chức cấp cao là ông Nguyễn Xuân Sơn, cựu Tổng giám đốc Ngân hàng Oceanbank, bị tuyên án tử hình trong đại án kinh tế PVN mua cổ phần của OceanBank, gây thiệt hại gần 2.000 tỷ đồng cho ngân hàng này. Tuy nhiên, sau khi y án tử hình, Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm lại nói rằng quan chức này sẽ được kiến nghị giảm án từ tử hình xuống chung thân nếu chịu "khắc phục hậu quả" bằng cách nộp lại 3/4 tài sản tham ô.
Trở lại với vụ án MobiFone-AVG, cựu Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son trong phiên tòa ngày 20/12 cho biết ông đã được gặp gia đình "để bàn về việc khắc phục hậu quả" và gia đình ông sẽ "sớm nộp tiền" trong những ngày tới, theo VnExpress.
Hội nghị toàn quốc về công tác phòng chống tham nhũng sáng ngày 25/6 điểm qua những thành tích của chiến dịch chống tham nhũng tại Việt Nam, và vạch ra hướng đi tương lai của công tác quan trọng này. Hội nghị lặp lại quyết tâm đẩy mạnh hơn nữa chiến dịch ‘diệt giặc nội xâm’.
Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đọc diễn văn bế mạc Hội nghị Trung ương 7 khóa XII 12/5/2018. Ảnh Tuổi Trẻ
Vietnamnet dẫn lời phát biểu của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống Tham nhũng, tại phiên khai mạc hội nghị :
"Cuộc chiến này còn khó khăn, phức tạp, gian khổ, lâu dài, đầy thử thách, chịu sức ép rất lớn từ rất nhiều phía".
Giới hoạt động tại Việt Nam đặt nghi vấn về phát biểu này. Anh Lã Việt Dũng, một nhà hoạt động nhân quyền tại Hà Nội, thành viên nồng cốt của Câu lạc bộ Bóng đá No-U :
"Thực ra nếu mà nhìn vào cái cuộc chiến gọi là chống tham nhũng như ông ấy nói, trong khi ông ấy là người hầu như nắm quyền lực cao nhất của đảng, thì tôi chẳng hiểu nổi tại sao mà nó lại khó khăn gian khổ tới như vậy, bởi vì mọi thứ đều sờ sờ ra. Tiền và tài sản tham nhũng không thể dấu giếm đi được. Các ông ấy vừa đốt lò, vừa ném chuột mà lại sợ vỡ bình, các ông muốn giữ lại chế độ của các ông ấy thì các ông ấy sẽ không đốt lò một cách rốt ráo được, mà chỉ chọn những đối thủ nào của ông ấy để ông ấy cho vào lò".
Theo đánh giá của Hà nội thì chiến dịch phòng chống tham nhũng kể từ Đại hội XII, đã đạt nhiều bước tiến. Một bài viết tải lên trang mạng Vietnamnet cho rằng "tham nhũng đang từng bước được kiềm chế, và có chiều hướng thuyên giảm". Trang mạng này liệt kê một loạt thành tích cụ thể của ‘chiến dịch đốt lò’ là "đã kết thúc điều tra, truy tố và đưa ra xét xử sơ thẩm 35 vụ án/440 bị cáo, với 11 án tử hình cho 10 bị cáo ; 20 án chung thân cho 19 bị cáo ; nhiều bị cáo bị phạt tù với mức án từ 12 tháng đến dưới 30 năm" vv...
VTV cũng có bài báo nói rằng các nỗ lực "chống giặc nội xâm cần tiếp tục được lan tỏa mạnh mẽ", bài báo nói rằng chiến dịch này được người dân ủng hộ, đồng tình và đánh giá cao. Vietnamnet dẫn lời Cục trưởng Cục Phòng chống tham nhũng Phạm Trọng Đạt, nói rằng : "Chưa bao giờ chuyện 'lò nóng' của Tổng bí thư được ủng hộ nhiều như vậy".
Liệu lời khẳng định chắc nịch đó có thể hiện trung thực ý kiến của người dân ở trong nước ?
Ông Nguyễn Tường Thụy, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo độc lập Việt Nam, nói nếu mục đích của chiến dịch đốt lò là thuần túy chống tham nhũng, thì lẽ đương nhiên rất nhiều người, kể cả cá nhân ông, đều ủng hộ. Nhưng theo nhà hoạt động này thì thực tế là vẫn có nhiều hoài nghi bởi vì chiến dịch đốt lò của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ nhắm vào "củi phe kia", chứ không nhắm vào "củi phe ta".
"Ông Trọng nói nhiều cái không được nhất quán lắm, lúc thì ông hô hào chống tham nhũng, lúc thì ông bảo kê khai tài sản nó có liên quan tới bí mật cá nhân, tới đời tư. Những người quan sát thấy rằng ông ấy tập trung vào phe kia, ông ấy chưa dám động vào những người thuộc phe ông ấy".
Anh Lã Việt Dũng thuộc Câu lạc bộ bóng đá No-U :
"Ông ấy nói dân ủng hộ thì cái điều đó nó không chính xác, bởi vì người dân ở đây, những người như chúng tôi hay là những người mà tôi tiếp xúc thì họ biết rằng đây chỉ là những cuộc thanh trừng nội bộ. Những việc của ông ấy không hề có quyết tâm chống tham nhũng một cách đến cùng, bởi vì ngay trước đấy khi mà một số nhân sĩ trí thức yêu cầu ông Trọng phải công khai tài sản cá nhân của ông thì ông ấy lại nói công khai tài sản cá nhân là vi phạm quyền riêng tư và rất là nhạy cảm, tôi nghĩ rằng những người dân và những người bạn xung quanh tôi, không ai tin vào những lời ông ấy nói nữa".
Ông Nguyễn Tường Thụy cũng nêu bật nhiều vụ tham nhũng mà theo ông không được thực hiện tới nơi tới chốn :
"Vụ Yên Bái cũng là ‘đánh trống bỏ dùi’, tưởng là làm tới đến nơi rồi tự nhiên dừng lại, kỷ luật vớ vẩn, nhắc nhở chung chung… Vụ Thủ Thiêm vừa rồi tự nhiên im bặt đi, báo chí không được động tới.. Tham nhũng nó không phải là bí mật quốc gia mà báo chí không được nói, thế mà có chỉ đạo một cái là tự nhiên im bặt, thế thì ai mà tin cậy được ? "
Có nhận xét cho rằng chiến dịch chống tham nhũng của người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam có nhiều điểm tương đồng với chiến dịch chống tham nhũng do lãnh tụ nước láng giềng Trung Quốc Tập Cận Bình phát động. Một số người còn nghi ngờ chiến dịch chống tham nhũng tại Việt Nam không những được sao chép, mà có khả năng được chỉ đạo từ Bắc Kinh :
Nhà hoạt động Nguyễn Tường Thụy : "Cách thức chống tham nhũng là học từ Trung Quốc sang. Không chỉ chống tham nhũng mà nhiều việc từ trước tới nay, Đảng Cộng sản Việt Nam đều lấy mô hình và cách làm của Trung Quốc cả".
Anh Lã Việt Dũng cũng chia sẻ nỗi lo ngại về ảnh hưởng của Trung Quốc đối với nhiều khía cạnh sinh hoạt tại Việt Nam, anh bày tỏ lo ngại là chiến dịch chống tham nhũng của ông Nguyễn Phú Trọng được "sự chỉ đạo, thỏa thuận và đồng ý của Bắc Kinh". Anh đơn cử các nỗ lực của nhà nước, muốn nhanh chóng thông qua các dự luật đặc khu và luật an ninh mạng mới đây, nói rằng các động thái đó đã làm dấy lên những lo sợ nơi người dân về ảnh hưởng quá sâu rộng của Bắc Kinh, và hệ quả của nó đối với vận mệnh dân tộc.
"Đấy là một trong những vấn đề lo ngại lớn nhất của chúng tôi đối với đất nước này. Chúng tôi không chống đảng cộng sản bằng mọi giá, tôi nghĩ rằng nếu mà không có Trung Quốc thì họ có thể sửa sai được, và họ cũng có thể chuyển hóa được để xã hội Việt Nam và chế độ chính trị Việt Nam sẽ thay đổi tốt hơn, nhưng có bàn tay của Trung Quốc đằng sau thì thực sự điều đó rất là khó. Đảng Cộng sản Việt Nam càng phụ thuộc vào Trung Quốc thì chỉ đưa dân tộc Việt Nam đến chỗ diệt vong và đến chỗ mất nước. "
Hoài Hương
Nguồn : VOA, 26/06/2018
Cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có thể đang khiến nhiều người không ưa ông không ưa ông phải ngỡ ngàng bực tức : từ tết nguyên đán 2018 đến nay, tần suất xuất hiện của Nguyễn Tấn Dũng trên mặt báo quốc doanh là dày đặc hơn hẳn so với năm 2017.
Nguyễn Tấn Dũng (giữa) tại buổi lễ dâng hương, tưởng niệm các Vua Hùng tại đền tưởng niệm ở quận 9, Sài Gòn vào buổi sáng 25/4/2018, đứng bên cạnh là giới chóp bu của thành phố : Nguyễn Thiện Nhân, Tất Thành Cang, Nguyễn Thành Phong… Ảnh : Dân Trí
Lần xuất hiện gần đây nhất là buổi sáng 25/4/2018 (10-3 âm lịch), tại buổi lễ dâng hương, tưởng niệm các Vua Hùng tại đền tưởng niệm ở quận 9, Sài Gòn. Người ta thấy Nguyễn Tấn Dũng đứng bên cạnh giới chóp bu của thành phố này là Nguyễn Thiện Nhân, Tất Thành Cang, Nguyễn Thành Phong…
Nhưng còn ấn tượng hơn thế nhiều, vào cùng thời điểm trên, một số tờ báo nhà nước bất chợt giật tít "Nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng từng xin lỗi dân về "bệnh" của ngành thuế".
Đã lâu lắm rồi, kể từ thời đại hội 12 vào dầu năm 2016, báo chí mới nhắc đến Nguyễn Tấn Dũng như một sự tri ân về "cống hiến" của ông ta, cho dù vào thời bị xem là ‘phá chưa từng có’ của Nguyễn Tấn Dũng, nạn tham nhũng và tiêu xài lãng phí trở nên kinh hoàng mà để lại hậu quả nợ chồng chất như núi cho đến ngày hôm nay.
Hiện tượng báo chí nhà nước nhắc lại "công lao của Nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng" là hoàn toàn trái ngược với hiện tượng không một tờ báo đảng nào chịu đăng, dù chỉ là một dòng tin chia buồn nhỏ, khi thân mẫu của cự thủ tướng Dũng - bà Nguyễn Thị Hường - qua đời vào đầu tháng Mười Hai năm 2017, dầu trước đó báo chí nhà nước ra rả đăng tin mẹ của một hoa hậu bị bệnh chết.
Không biết vô tình hay hữu ý, chỉ ít ngày sau đám tang mẹ Nguyễn Tấn Dũng, đảng đã cho Đinh La Thăng "xộ khám". Thăng lại là nhân vật được xem là "thân tín của anh Ba X", đặc biệt vào thời cả hai nhân vật này còn "người tung kẻ hứng" liên quan đến núi tiền ở Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN).
Hẳn không ít quan chức trung cao đã "đánh hơi" được vụ bắt Đinh La Thăng để từ đó mất tăm mặt mũi trong đám tang mẹ Nguyễn Tấn Dũng - một biểu trưng cho thói "ăn cháo đá bát" hết sức bạc bẽo của giới quan chức mang não trạng chỉ biết "phù thịnh không phù suy".
Sau hàng loạt vụ bắt bớ dành cho Đinh La thăng và đại gia ngân hàng Trầm Bê - người cũng được xem là gần gũi với Nguyễn Tấn Dũng, ngày càng xôn xao dư luận cho rằng đường đi của Nguyễn Phú Trọng trước sau cũng "dẫn đến cửa nhà Nguyễn Tấn Dũng".
Nhưng thời gian cận tết nguyên đán 2018 đã chứng kiến một hiện tượng chính trị khá đặc biệt : ngày 9/2/2018, Bí thư thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân đến thăm cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Ông Nhân còn "tri ân sự đóng góp của nguyên thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng".
Từ việc Bí thư thành ủy Nguyễn Thiện Nhân đến "chúc tết" cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đến hiện tượng ông Dũng được cho ‘tái xuất’ trên mặt báo nhà nước, trong khung cảnh "lò" của ông Trọng đang rừng rực thiêu đốt, đang khiến gợn lên một dấu hỏi lớn về một ẩn ý hay thâm ý của ông Trọng.
Phải chăng ông Trọng đã "buông bỏ", quên bẵng những giọt nước mắt uất ức vì không thể kỷ luật "đồng chí X" tại Hội nghị trung ương 6 vào tháng 10/2012 ?
Phải chăng giữa Nguyễn Tấn Dũng và Nguyễn Phú Trọng đã đạt được một ‘thỏa thuận’ nào đó - có phần giống với một ‘thỏa thuận ngầm’ giữa hai nhân vật này mà dư luận đồn đoán, để kết quả là Nguyễn Tấn Dũng chịu rút tại đại hội 12 của đảng cầm quyền vào đầu năm 2016 ?
Và phải chăng Nguyễn Tấn Dũng đã "thoát nạn" ?
Giả thiết vẫn chỉ là giả thiết. Nhưng chỉ biết rằng ngay trước mắt là một đoàn thanh tra về quản lý đất đai đang áp sát Phú Quốc ở Kiên Giang - ‘lãnh địa’ hoặc ‘căn cứ địa’ của Bí thư Nguyễn Thanh Nghị tức con trai của Nguyễn Tấn Dũng.
Trong khi đó, cơ quan cảnh sát điều tra C46 của Bộ Công an cũng đang áp sát vụ ‘Mobifone mua AVG’ với những dấu hiệu nào đó liên quan đến người con thứ hai của Nguyễn Tấn Dũng - đại gia Nguyễn Thanh Phượng.
Phải chăng Nguyễn Phú Trọng đang tính toán một nước cờ mới, nằm trong tổng thể bàn cờ "chống tham nhũng thời kỳ trước", với những chiêu thuật lúc quyết liệt lúc lắng dịu, vẫn gieo hy vọng cho đối thủ của mình, nhưng lại tuyệt đối chưa có gì "buông bỏ" ?
Có một cách để suy xét trắng đen : hãy nhìn vào kết quả hoạt động điều tra vụ ‘Mobifone mua AVG’ và đặc biệt là thanh tra đất Phú Quốc. Nếu sau khoảng 3 - 4 tháng nữa mà Nguyễn Thanh Nghị vẫn không bị kỷ luật hoặc bị ‘luân chuyển cán bộ’, có thể cho rằng lá số tử vi của ông Nguyễn Tấn Dũng là tạm ổn trong một vài năm tới.
Nhưng nếu cả Nguyễn Thanh Phượng lẫn Nguyễn Thanh Nghị đều bị ‘lên thớt’ trong thời gian tới, khi đó người ta sẽ hiểu rằng tất cả những hình ảnh về Nguyễn Tấn Dũng và bài viết ‘tri ân nguyên thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng’ trên mặt báo nhà nước hiện nay chỉ là một thủ thuật tung hỏa mù chính trị, trong khi mục tiêu cốt yếu không hề thay đổi.
Thiền Lâm
Nguồn : CaliToday, 27/04/2018
Ngay trước dịp Tết Nguyên đán, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thúc giục quân đội nước này cần phải cải tổ, Reuters tường thuật.
Tập Cận Bình - Ảnh minh họa
Khi tới thăm một đơn vị quân đội theo truyền thống dịp tất niên, ông Tập nói quân đội phải trong sạch, không còn tình trạng tham nhũng và tuân thủ các mệnh lệnh của Đảng Cộng sản trong vấn đề cải tổ cũng như huấn luyện.
Các lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc thường chọn thời điểm gần cuối năm âm lịch, trước dịp nghỉ Tết Nguyên đán để đi thăm các đơn vị, địa phương có tầm quan trọng trong chính sách, hoặc những nơi có vấn đề cần chú ý trong năm tới, Reuters nói.
Khi tới thăm binh lính đóng tại Trương Gia Khẩu, thành phố thuộc tỉnh Hà Bắc, ông Tập nhấn mạnh về tầm quan trọng của cuộc chiến chống tham nhũng, đặc biệt là trong các lực lượng có vũ trang.
"Cần phải thanh lọc hoàn toàn và kỹ lưỡng những ảnh hưởng độc hại của Quách Bá Hùng và Từ Tài Hậu", truyền hình nhà nước dẫn lời ông Tập, người đồng thời giữ chức Chủ tịch Quân ủy Trung ương, nói.
Cả hai đều từng là phó chủ tịch Quân ủy Trung ương, và đều bị cách chức do bị cáo buộc tham nhũng.
Ông Quách bị tù chung thân hồi năm ngoái. Ông Từ chết do bệnh ung thư hồi 2015, trước khi ra hầu tòa.
Hiện ông Tập đang theo dõi giám sát chương trình hiện đại hóa quân sự đầy tham vọng của Trung Quốc, trong đó gồm việc cắt giảm 300 ngàn quân nhân các cấp, và việc phát triển các vũ khí tối tân như chiến đấu cơ tàng hình và có thêm các tàu hàng không mẫu hạm.
Ông Tập nói Trung Quốc cần xây dựng một lực lượng quân sự hùng mạnh bằng cách nâng cao nhận thức chính trị, tiến tới cải tổ và đảm bảo tuân thủ pháp luật, truyền hình nhà nước Trung Quốc đưa tin.
Việc đi chúc Tết cũng là hoạt động được các lãnh đạo Việt Nam thực hiện vào mỗi dịp cuối năm.
Hôm 20/1 Tổng Bí thư đồng thời Chủ tịch Quân ủy Trung ương Nguyễn Phú Trọng tới thăm Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, truyền thông Việt Nam đưa tin.
Bên cạnh việc thăm hỏi, chúc Tết, ông Trọng đặt yêu cầu cho lực lượng này cùng các lực lượng có vũ trang nói chung là phải "bảo vệ chủ quyền, bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ", trang tin Đài Tiếng nói Việt Nam nói.