Thanh tra Chính phủ kết luận sai phạm liên quan Phan Văn Anh Vũ (RFA, 19/08/2020)
Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Bùi Ngọc Lam vừa ký kết luận thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai tại Dự án Khu đô thị quốc tế Đa Phước, thành phố Đà Nẵng.
Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ nhôm) trước tòa tại Hà Nội hôm 30/7/2018 - Reuters
Báo Công an Nhân dân tại Việt Nam đưa tin hôm 18 tháng 8 cho hay, kết luận nêu rõ trong quá trình triển khai dự án Khu đô thị quốc tế Đa Phước, UBND TP Đà Nẵng và một số tổ chức, cá nhân có liên quan đã để xảy ra nhiều sai phạm. Thanh tra Chính phủ đã chuyển thông tin, hồ sơ tài liệu sang Bộ Công an đề nghị điều tra, trong đó có sự việc liên quan đến cựu thượng tá công an Phan Anh Văn Vũ, thường được gọi là Vũ Nhôm, thâu tóm và chuyển nhượng Dự án Khu đô thị quốc tế Đa Phước.
Theo kết luận thanh tra, cuối năm 2006, UBND TP Đà Nẵng và Công ty Daewon Company, LTD - Hàn Quốc đã ký Thỏa thuận nguyên tắc về điều kiện hợp tác phát triển dự án lấn biển Khu phức hợp đô thị - sân golf Đa Phước.
Tổng diện tích dự án theo quy hoạch chi tiết 1/500 xây dựng khoảng 240 ha, trong đó Công ty TNHH Daewon Cantavil (thuộc Công ty Daewon Company, LTD - Hàn Quốc) thuê 181,53ha để thực hiện Dự án Khu đô thị quốc tế Đa Phước (gọi tắt là dự án 181ha).
Năm 2016, Phan Anh Văn Vũ đã dùng pháp nhân hai công ty của mình là Công ty cổ phần Xây dựng 79 và Công ty cổ phần Nova Bắc Nam 79 để thâu tóm toàn bộ cổ phần Công ty TNHH Daewon Cantavil, rồi đổi tên thành Công ty TNHH The Sunrise Bay để thực hiện dự án 181ha.
Thanh tra Chính phủ kiến nghị UBND Thành phố Đà Nẵng thu hồi các khoản nghĩa vụ tài chính có liên quan đến dự án 29ha và dự án 181ha. Đồng thời, thực hiện các thủ tục thu hồi Dự án 181ha đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật.
Khu đô thị Quốc tế Đa Phước diện tích 29ha có giá thị trường gần 4.800 tỷ nhưng thành phố Đà Nẵng bán cho Phan Văn Anh Vũ chỉ 87 tỷ đồng. Con số này được Hội đồng định giá tài sản xác định.
Phan Văn Anh Vũ từng trốn sang Singapore nhưng bị nước này trả về lại Việt Nam hồi đầu năm 2018. Hiện ông này đang phải thụ án với các cáo buộc cố ý làm lộ bí mật nhà nước, lợi dụng chức vụ chiếm đoạt tài sản, và lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Tổng cộng các mức án là 40 năm tù.
*******************
Nguyên Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Tài chuẩn bị hầu tòa (RFA, 19/08/2020)
Tòa án Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 18/8 thông báo dự kiến mở phiên tòa xét xử sơ thẩm ông Nguyễn Thành Tài, nguyên phó chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh cùng 4 đồng phạm về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” diễn ra vào ngày 16/9.
Nguyên phó chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Tài và khu đất vàng số 8-12 đường Lê Duẩn. RFA Edited
Sau nhiều lần trả hồ sơ để điều tra bổ sung, Viện Kiểm sát nhân dân tối caođã hoàn tất kết luận điều tra, sau đó Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh dự kiến xét xử sơ thẩm vụ "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí" gần 2000 tỷ đồng liên quan đến khu đất vàng 8-12 đường Lê Duẩn (phường Bến Nghé, quận 1) vào ngày 16/9 tới và kéo dài đến ngày 21/9.
Theo cáo trạng, ông Tài trong thời gian giữ chức vụ phó chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh (2008-2011) được phân công phụ trách lĩnh vực quy hoạch - kiến trúc, đầu tư xây dựng, biết rõ khu đất 8-12 Lê Duẩn là nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước. Tuy nhiên, do ông Tài có tình cảm với bà Lê Thị Thanh Thúy và bị tác động nên đã ký nhiều văn bản và chỉ đạo cấp dưới ký nhiều văn bản biến khu đất "vàng" số 8-12 đường Lê Duẩn từ sở hữu Nhà nước sang sở hữu của doanh nghiệp tư nhân trái pháp luật, gây thất thoát lãng phí tài sản nhà nước gần 2000 tỷ đồng.
Do đó, cáo trạng xác định bị can Nguyễn Thành Tài giữ vai trò là người tổ chức, đã “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” theo Điều 219 BLHS 2015, với khung hình phạt từ 10-20 năm tù.
Tại phiên tòa sắp diễn ra, ngoài ông Nguyễn Thành Tài bị xét xử còn có các ông Đào Anh Kiệt, cựu giám đốc Sở Tài nguyên & Môi trường, Nguyễn Hoài Nam, nguyên bí thư quận 2, Trương Văn Út, nguyên phó phòng quản lý đất Sở TN&MT và bà Lê Thị Thanh Thuý, nguyên chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Hoa Tháng Năm và Lavenue.
******************
Việt Nam kỷ luật thêm 2 trung tướng, 6 đại tá vì vi phạm đất đai (VOA, 17/08/2020)
Nhiều khu đất vàng tại Việt Nam nằm trong số những khu đất quốc phòng bị chuyển đổi mục đích sử dụng, gây thất thoát nghiêm trọng.
Ủy ban Kiểm tra Trung ương họp Kỳ 47
Việt Nam vừa kỷ luật cảnh cáo thêm 2 trung tướng và 6 đại tá quân đội vì vi phạm trong quản lý và sử dụng đất đai, trang thông tin chính thức của chính phủ Việt Nam cho biết hôm 17/8.
Theo đó, Trung tướng Nguyễn Văn Thành, nguyên Phó bí thư Đảng ủy, nguyên Tư lệnh Quân đoàn 4 ; Trung tướng Trần Xuân Ninh, nguyên Ủy viên Ban thường vụ Đảng ủy, nguyên Phó tư lệnh Quân đoàn 4 và 6 đại tá khác bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị kỷ luật vì "vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc và pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai" và trong "tham mưu tổ chức thực hiện nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, dự án đầu tư và quản lý, sử dụng đất đai tại đơn vị".
"Xét nội dung, tính chất, mức độ, hậu quả vi phạm ; căn cứ quy định của Đảng về xử lý kỷ luật đảng viên, Ủy ban Kiểm tra Trung ương quyết định thi hành kỷ luật cảnh cáo các đồng chí Trung tướng Nguyễn Văn Thành, Trung tướng Trần Xuân Ninh, Đại tá Mai Văn Hào, Đại tá Phan Văn Tiên và Đại tá Nguyễn Văn Giang ; khiển trách các đồng chí Đại tá Nguyễn Xuân Đông, Đại tá Phạm Bảo và Đại tá Nguyễn Tuấn Anh, trang tin chính phủ Việt Nam dẫn thông tin từ uỷ ban này nói.
Kể từ năm 2017 đến nay, Bộ Quốc phòng Việt Nam bắt đầu cấm các đơn vị không được ký hợp đồng liên doanh, liên kết liên quan đến dự án sử dụng đất quốc phòng và thu hồi đất đối với các hợp đồng hết hạn, theo đề án tái cơ cấu và nâng cao hiệu quả hoạt động doanh nghiệp quân đội đến hết năm 2020 theo phê duyệt của Thủ tướng Việt Nam.
Hàng loạt tướng lĩnh quân đội đã bị kỷ luật vì liên quan đến vấn đề đất đai trong vài năm gần đây, trong đó có cựu Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam, cựu Tư lệnh hải quân – Đô đốc Nguyễn Văn Hiến – đã bị cách hết các chức vụ trong đảng hồi năm ngoái vì các cáo buộc liên quan đến vụ án Đinh Ngọc Hệ, tức "Út Trọc", và 10 khu đất quốc phòng bị chuyển đổi mục đích sử dụng, gây thất thoát nghiêm trọng và "ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đảng, Quân đội", theo Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Nhiều "khu đất vàng" trong số này đang bị kiến nghị thu hồi.
Mặc dù thừa nhận "một số cán bộ, đảng viên trong quân đội có biểu hiện thiếu tu dưỡng, rèn luyện, lợi dụng chức vụ, quyền hạn…", nhưng Bộ Quốc phòng Việt Nam trong thư trả lời kiến nghị của cử tri Đà Nẵng hồi tháng 2 khẳng định các tướng lĩnh quân đội bị xử lý chủ yếu là do buông lỏng lãnh đạo, thiếu trách nhiệm trong quản lý đất đai, "chứ không phải do tham nhũng".
"Trong số quân nhân bị xử lý kỷ luật, số quân nhân bị xử lý do tham nhũng rất ít (chủ yếu là cán bộ cấp phân đội và quân nhân chuyên nghiệp) ; riêng số quân nhân là cấp tướng bị xử lý, không có đồng chí nào bị xử lý do tham nhũng", Thanh Niên dẫn văn bản của Bộ Quốc phòng Việt Nam nói.
Theo Bộ này, các vi phạm đất đai trong quân đội chủ yếu tập trung ở các nhiệm kỳ 2005 - 2010, 2010 – 2015, tức trong giai đoạn nắm quyền của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.