Apple ngừng lắp ráp iPhone tại Việt Nam vì điều (RFA, 18/08/2020)
Một báo cáo cho biết Apple đang xem xét lại khả năng sản xuất iPhone tại Việt Nam, sau khi công ty Cupertino đến thăm nhà máy thuộc sở hữu của đối tác lắp ráp Luxshare để kiểm tra các điều kiện của cơ sở này.
Một người bán hàng đi qua một cửa hiệu có hình biểu tượng của công ty Apple ở Hà Nội - AFP
Tờ Apple Insider loan tin ngày 17/8, cho biết thêm đại diện của Apple đã đến thăm nhà máy sản xuất tại Khu công nghiệp Vân Trung, tỉnh Bắc Giang, Việt Nam vào mùa hè vừa qua để kiểm tra quá trình xây dựng và khả năng sản xuất iPhone của cơ sở này.
Bài báo cũng trích dẫn lời Giám đốc đối ngoại Luxshare là Tăng Duệ Bằng khẳng định nhà máy tại Khu công nghiệp Vân Trung đã được kiểm tra để đảm bảo đúng quy mô, có đủ cơ sở vật chất và có đủ vốn đầu tư để bắt đầu lắp ráp iPhone. Đồng thời, ông cũng cho biết Apple đánh giá cao tiềm năng tại tỉnh Bắc Giang và những người lao động chăm chỉ.
Cơ sở này là một trong số các cơ sở tại Việt Nam lắp ráp sản xuất cho Apple.
Tuy nhiên, một phần của cơ sở vẫn chưa đáp ứng các yêu cầu của Apple, đặc biệt là những yêu cầu liên quan đến ký túc xá công nhân.
Apple Insider cho biết không rõ Luxshare đã bỏ qua những yêu cầu nào, nhưng có vẻ như đó là điều chính khiến cơ sở này không được Apple chấp thuận.
Khoản đầu tư của Luxshare vào tỉnh Bắc Giang được cho là đã lên tới 270 triệu USD, và mặc dù đã có 28.000 công nhân, nhưng sẽ cần tăng lên từ 50.000 đến 60.000 công nhân nếu được chấp thuận sản xuất iPhone.
Nhà máy rộng 30 ha được xây dựng trong 5 tháng sau khi Apple yêu cầu mở rộng sản xuất.
Việt Nam không phải là nơi duy nhất Luxshare muốn sử dụng để sản xuất iPhone. Vào tháng 7, họ đã mua một nhà máy iPhone ở Trung Quốc từ Wistron với giá khoảng 472 triệu USD.
*********************
Samsung nói không có việc chuyển sản xuất smartphone từ Việt Nam sang Ấn Độ (RFA, 18/08/2020)
Samsung Việt Nam lên tiếng phủ nhận tin chuyển một phần dây chuyền sản xuất smartphone tại Việt Nam sang Ấn Độ. Báo Nhà nước Việt Nam dẫn nguồn từ đại diện Samsung và đưa tin hôm 18 tháng 8.
Ảnh minh họa một cửa hàng bán sản phẩm Samsung ở Châu Á. AFP
Tạp chí Kinh tế Việt Nam trích lời đại diện Samsung Việt Nam rằng: "Thông tin về việc Samsung có thể chuyển một phần sản xuất smartphone từ Việt Nam sang Ấn Độ là không đúng sự thật. Hiện tại, các nhà máy sản xuất điện thoại của Samsung đặt tại Bắc Ninh và Thái Nguyên đang hoạt động bình thường mà không có liên quan gì đến sự điều chỉnh sản lượng sản xuất của nhà máy tại Ấn Độ. Samsung Việt Nam vẫn luôn giữ vững vai trò quan trọng là cứ điểm sản xuất toàn cầu của tập đoàn".
Sở dĩ Samsung Việt Nam phải lên tiếng là do báo giới trong nước đưa tin Samsung đã trình kế hoạch đa dạng hoá dây chuyền sản xuất smartphone với Chính phủ Ấn Độ, trị giá 40 tỷ USD. Do đó, Samsung có thể sẽ chuyển một phần dây chuyền sản xuất smartphone từ Việt Nam và các nước khác sang Ấn Độ.
Samsung bắt đầu xây dựng nhà máy tại Việt Nam vào năm 2008 với mức đầu tư 670 triệu USD, tập trung vào lĩnh vực sản xuất và những nhà máy ở đây đã trở thành những cứ điểm sản xuất của tập đoàn trên toàn cầu. Hiện Samsung là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất Việt Nam với tổng vốn đầu tư lên tới hơn 17,3 tỉ USD.
Tại buổi tiếp ông Choi Joo Ho, Tổng Giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam chiều 11 tháng 8 năm 2020 vừa qua, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ mong muốn Samsung tiếp tục coi Việt Nam là cứ điểm sản xuất chiến lược của Tập đoàn trên thế giới, đặc biệt trong bối cảnh Hiệp định CPTPP và EVFTA đã có hiệu lực.
***********************
Phá đường dây người Việt lừa hàng nghìn người Mỹ qua mạng lợi dụng đại dịch (VOA, 18/08/2020)
Hơn 7.000 công dân Mỹ đã bị một nhóm người Việt Nam lừa đảo qua mạng, trong đó người mua hàng trực tuyến trên khắp Hoa Kỳ đã trả tổng cộng gần 1 triệu USD để mua các sản phẩm rửa tay khô nhưng không bao giờ nhận được hàng, theo Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội cho biết hôm 18/8.
Theo thông cáo đăng trên trang web của Đại sứ quán Mỹ, ba nghi phạm Việt Nam đã bị bắt sau cuộc điều tra hợp tác giữa Bộ Công an Việt Nam và Bộ An ninh Nội địa Hoa Kỳ.
"Việc Bộ Công an Việt Nam bắt giữ những nghi phạm này rõ ràng cho thấy Chính phủ Việt Nam rất nghiêm túc trong đấu tranh với các loại tội phạm liên quan đến Covid-19", Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink nói trong thông cáo. "Cuộc điều tra này cho thấy các nạn nhân đã mất mát số tiền rất lớn dù họ đang phải đối mặt với nhiều thách thức to lớn khác do đại dịch COVI19 gây ra".
Theo Đại sứ quán Mỹ, cuộc điều tra bắt nguồn từ thành phố Tampa, bang Florida, vào tháng 3 vừa qua và sau đó văn phòng Cục Điều tra An Ninh Nội địa Mỹ tại Thành phố Hồ Chí Minh chuyển thông tin cho Bộ Công an Việt Nam để tiến hành bắt giữ.
Ông Kritenbrink nói rằng "chúng tôi tự hào khi Bộ Công an Việt Nam và Cục Điều tra An ninh Nội địa Hoa Kỳ đang hợp tác với nhau để điều tra vụ lừa đảo xuyên quốc gia rất phức tạp này".
Ba nghi phạm người Việt – có tên Phan Dinh Thu, Tran Quoc Khanh và Nguyen Duy Toan – được cho là đã tham gia vào một vụ lừa đảo bán sản phẩm sát khuẩn tay cho công dân Mỹ trên cả 50 tiểu bang qua các trang mạng trên internet, theo hồ sơ tòa án từ một đơn kiện dân sự ở Mỹ hôm 3/8.
Nhóm ba người này lập ra hơn 300 trang web mà họ dùng để bán các sản phẩm đang trở nên khan hiếm trong thời gian đại dịch, trong đó có nước rửa tay khô và khăn ướt diệt khuẩn. Những người này được cho là đã lập nên hàng trăm tài khoản email giả mạo để giao dịch và thanh toán.
"Các nạn nhân trả tiền cho các sản phẩm được cho là bán qua các trang mạng này nhưng không bao giờ nhận được các món hàng mà họ đặt mua", thông cáo của Đại sứ quán Mỹ cho biết.
Các nhà điều tra Mỹ phát hiện ra gần 40.000 giao dịch trị giá tổng cộng khoảng 975.000 USD.
Cuối năm ngoái, Bộ An ninh Nội địa Mỹ cũng phá một đường dây lừa đảo qua mạng sau 7 năm điều tra, trong đó bốn người Việt Nam, gồm một cựu cán bộ công an, bị kết án hàng chục năm tù. Nhóm tội phạm này sống ở Việt Nam và sử dụng thẻ "Gift card" của trang web mua bán hàng trực tuyến Amazon.com có nguồn gốc bất hợp pháp để thu lợi bất chính.
Trước đó trong năm, các cơ quan thực thi pháp luật Mỹ cũng phá một đường dây lừa đảo liên quan đến người Việt. Đường dây, do người gốc Việt cầm đầu, dựng ra các vụ kết hôn giả để giúp những người muốn vào Mỹ xin giấy thường trú nhân bằng các chứng từ giả mạo.
*********************
Tránh cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, 1.400 công ty Nhật tính chuyển sang Việt Nam (VOA, 17/8/2020)
Hơn 40% trong số 3.500 doanh nghiệp Nhật Bản tham gia cuộc khảo sát của Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) cho biết họ đang xem xét mở rộng hoạt động tại Việt Nam trong ba năm tới, hãng thông tấn Kyodo dẫn báo cáo mới được công bố của JETRO cho biết hôm 16/8.
Công xưởng của hãng xe Honda ở Vũ Hán, Trung Quốc. Nhiều công ty của Nhật đang xem xét chuyển hoạt động từ Trung Quốc sang các quốc gia Đông Nam Á.
Báo cáo công bố vào ngày 30/7 cho biết ngày càng có nhiều công ty Nhật Bản xem xét mở rộng hoạt động tại các quốc gia Đông Nam Á và thu nhỏ hoạt động tại Trung Quốc nhằm tránh các tác động tiêu cực từ cuộc chiến thương mại giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ.
Báo cáo được thực hiện vào cuối năm 2019 cho thấy điểm đến Việt Nam chiếm 41% lựa chọn của các công ty Nhật tham gia khảo sát, tăng 5,5 điểm phần trăm so với năm ngoái, trong khi Thái Lan nhận được 36%, tăng 1,5 điểm phần trăm.
Thị trường Trung Quốc vẫn chiếm 48,1% lựa chọn của các công ty Nhật tham gia khảo sát mặc dù giảm 7,3 điểm phần trăm so với năm ngoái. Các công ty này cho hay họ sẽ tìm cách thúc đẩy hoạt động tại Trung Quốc.
Theo báo các của tổ chức được chính phủ Nhật Bản hậu thuẫn, khoảng cách giữa số lượng đầu tư của Nhật Bản vào ASEAN và Trung Quốc đã mở rộng lên 20,4 tỷ yên (191 triệu USD) vào năm 2019 so với 10,2 tỷ yên vào năm 2017.
Hồi tháng 7, JETRO công bố một danh sách 30 công ty Nhật Bản nói họ sẵn sàng nhận trợ cấp từ chính phủ để chuyển các cơ sở sản xuất ra khỏi Trung Quốc. Trong số này, 15 công ty coi Việt Nam là điểm đến ưa thích.
Khoản hỗ trợ tài chính của chính phủ Nhật Bản dao động từ 900.000 USD - 46,5 triệu USD để giúp cho các công ty trang trải việc mở rộng hoạt động.
Ngoài những tác động tiêu cực của chiến tranh thương mại, đại dịch Covid-19 cũng làm giảm đáng kể đầu tư của Nhật Bản vào các thị trường nước ngoài. Khoảng 80% các công ty Nhật Bản hoạt động ở nước ngoài dự báo rằng doanh số bán hàng sẽ giảm trong năm 2020 so với năm trước do nhu cầu giảm sau đại dịch virus corona. Trong 5 tháng đầu năm 2020, đầu tư của Nhật Bản vào toàn khu vực ASEAN đã giảm 35,5%.
Cuộc khảo sát được JETRO thực hiện trên gần 10.000 công ty Nhật Bản, trong đó hơn 3.500 công ty tham gia trả lời, tương đương 35,7%.