Apple ngừng lắp ráp iPhone tại Việt Nam vì điều (RFA, 18/08/2020)
Một báo cáo cho biết Apple đang xem xét lại khả năng sản xuất iPhone tại Việt Nam, sau khi công ty Cupertino đến thăm nhà máy thuộc sở hữu của đối tác lắp ráp Luxshare để kiểm tra các điều kiện của cơ sở này.
Một người bán hàng đi qua một cửa hiệu có hình biểu tượng của công ty Apple ở Hà Nội - AFP
Tờ Apple Insider loan tin ngày 17/8, cho biết thêm đại diện của Apple đã đến thăm nhà máy sản xuất tại Khu công nghiệp Vân Trung, tỉnh Bắc Giang, Việt Nam vào mùa hè vừa qua để kiểm tra quá trình xây dựng và khả năng sản xuất iPhone của cơ sở này.
Bài báo cũng trích dẫn lời Giám đốc đối ngoại Luxshare là Tăng Duệ Bằng khẳng định nhà máy tại Khu công nghiệp Vân Trung đã được kiểm tra để đảm bảo đúng quy mô, có đủ cơ sở vật chất và có đủ vốn đầu tư để bắt đầu lắp ráp iPhone. Đồng thời, ông cũng cho biết Apple đánh giá cao tiềm năng tại tỉnh Bắc Giang và những người lao động chăm chỉ.
Cơ sở này là một trong số các cơ sở tại Việt Nam lắp ráp sản xuất cho Apple.
Tuy nhiên, một phần của cơ sở vẫn chưa đáp ứng các yêu cầu của Apple, đặc biệt là những yêu cầu liên quan đến ký túc xá công nhân.
Apple Insider cho biết không rõ Luxshare đã bỏ qua những yêu cầu nào, nhưng có vẻ như đó là điều chính khiến cơ sở này không được Apple chấp thuận.
Khoản đầu tư của Luxshare vào tỉnh Bắc Giang được cho là đã lên tới 270 triệu USD, và mặc dù đã có 28.000 công nhân, nhưng sẽ cần tăng lên từ 50.000 đến 60.000 công nhân nếu được chấp thuận sản xuất iPhone.
Nhà máy rộng 30 ha được xây dựng trong 5 tháng sau khi Apple yêu cầu mở rộng sản xuất.
Việt Nam không phải là nơi duy nhất Luxshare muốn sử dụng để sản xuất iPhone. Vào tháng 7, họ đã mua một nhà máy iPhone ở Trung Quốc từ Wistron với giá khoảng 472 triệu USD.
*********************
Samsung nói không có việc chuyển sản xuất smartphone từ Việt Nam sang Ấn Độ (RFA, 18/08/2020)
Samsung Việt Nam lên tiếng phủ nhận tin chuyển một phần dây chuyền sản xuất smartphone tại Việt Nam sang Ấn Độ. Báo Nhà nước Việt Nam dẫn nguồn từ đại diện Samsung và đưa tin hôm 18 tháng 8.
Ảnh minh họa một cửa hàng bán sản phẩm Samsung ở Châu Á. AFP
Tạp chí Kinh tế Việt Nam trích lời đại diện Samsung Việt Nam rằng: "Thông tin về việc Samsung có thể chuyển một phần sản xuất smartphone từ Việt Nam sang Ấn Độ là không đúng sự thật. Hiện tại, các nhà máy sản xuất điện thoại của Samsung đặt tại Bắc Ninh và Thái Nguyên đang hoạt động bình thường mà không có liên quan gì đến sự điều chỉnh sản lượng sản xuất của nhà máy tại Ấn Độ. Samsung Việt Nam vẫn luôn giữ vững vai trò quan trọng là cứ điểm sản xuất toàn cầu của tập đoàn".
Sở dĩ Samsung Việt Nam phải lên tiếng là do báo giới trong nước đưa tin Samsung đã trình kế hoạch đa dạng hoá dây chuyền sản xuất smartphone với Chính phủ Ấn Độ, trị giá 40 tỷ USD. Do đó, Samsung có thể sẽ chuyển một phần dây chuyền sản xuất smartphone từ Việt Nam và các nước khác sang Ấn Độ.
Samsung bắt đầu xây dựng nhà máy tại Việt Nam vào năm 2008 với mức đầu tư 670 triệu USD, tập trung vào lĩnh vực sản xuất và những nhà máy ở đây đã trở thành những cứ điểm sản xuất của tập đoàn trên toàn cầu. Hiện Samsung là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất Việt Nam với tổng vốn đầu tư lên tới hơn 17,3 tỉ USD.
Tại buổi tiếp ông Choi Joo Ho, Tổng Giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam chiều 11 tháng 8 năm 2020 vừa qua, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ mong muốn Samsung tiếp tục coi Việt Nam là cứ điểm sản xuất chiến lược của Tập đoàn trên thế giới, đặc biệt trong bối cảnh Hiệp định CPTPP và EVFTA đã có hiệu lực.
***********************
Phá đường dây người Việt lừa hàng nghìn người Mỹ qua mạng lợi dụng đại dịch (VOA, 18/08/2020)
Hơn 7.000 công dân Mỹ đã bị một nhóm người Việt Nam lừa đảo qua mạng, trong đó người mua hàng trực tuyến trên khắp Hoa Kỳ đã trả tổng cộng gần 1 triệu USD để mua các sản phẩm rửa tay khô nhưng không bao giờ nhận được hàng, theo Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội cho biết hôm 18/8.
Theo thông cáo đăng trên trang web của Đại sứ quán Mỹ, ba nghi phạm Việt Nam đã bị bắt sau cuộc điều tra hợp tác giữa Bộ Công an Việt Nam và Bộ An ninh Nội địa Hoa Kỳ.
"Việc Bộ Công an Việt Nam bắt giữ những nghi phạm này rõ ràng cho thấy Chính phủ Việt Nam rất nghiêm túc trong đấu tranh với các loại tội phạm liên quan đến Covid-19", Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink nói trong thông cáo. "Cuộc điều tra này cho thấy các nạn nhân đã mất mát số tiền rất lớn dù họ đang phải đối mặt với nhiều thách thức to lớn khác do đại dịch COVI19 gây ra".
Theo Đại sứ quán Mỹ, cuộc điều tra bắt nguồn từ thành phố Tampa, bang Florida, vào tháng 3 vừa qua và sau đó văn phòng Cục Điều tra An Ninh Nội địa Mỹ tại Thành phố Hồ Chí Minh chuyển thông tin cho Bộ Công an Việt Nam để tiến hành bắt giữ.
Ông Kritenbrink nói rằng "chúng tôi tự hào khi Bộ Công an Việt Nam và Cục Điều tra An ninh Nội địa Hoa Kỳ đang hợp tác với nhau để điều tra vụ lừa đảo xuyên quốc gia rất phức tạp này".
Ba nghi phạm người Việt – có tên Phan Dinh Thu, Tran Quoc Khanh và Nguyen Duy Toan – được cho là đã tham gia vào một vụ lừa đảo bán sản phẩm sát khuẩn tay cho công dân Mỹ trên cả 50 tiểu bang qua các trang mạng trên internet, theo hồ sơ tòa án từ một đơn kiện dân sự ở Mỹ hôm 3/8.
Nhóm ba người này lập ra hơn 300 trang web mà họ dùng để bán các sản phẩm đang trở nên khan hiếm trong thời gian đại dịch, trong đó có nước rửa tay khô và khăn ướt diệt khuẩn. Những người này được cho là đã lập nên hàng trăm tài khoản email giả mạo để giao dịch và thanh toán.
"Các nạn nhân trả tiền cho các sản phẩm được cho là bán qua các trang mạng này nhưng không bao giờ nhận được các món hàng mà họ đặt mua", thông cáo của Đại sứ quán Mỹ cho biết.
Các nhà điều tra Mỹ phát hiện ra gần 40.000 giao dịch trị giá tổng cộng khoảng 975.000 USD.
Cuối năm ngoái, Bộ An ninh Nội địa Mỹ cũng phá một đường dây lừa đảo qua mạng sau 7 năm điều tra, trong đó bốn người Việt Nam, gồm một cựu cán bộ công an, bị kết án hàng chục năm tù. Nhóm tội phạm này sống ở Việt Nam và sử dụng thẻ "Gift card" của trang web mua bán hàng trực tuyến Amazon.com có nguồn gốc bất hợp pháp để thu lợi bất chính.
Trước đó trong năm, các cơ quan thực thi pháp luật Mỹ cũng phá một đường dây lừa đảo liên quan đến người Việt. Đường dây, do người gốc Việt cầm đầu, dựng ra các vụ kết hôn giả để giúp những người muốn vào Mỹ xin giấy thường trú nhân bằng các chứng từ giả mạo.
*********************
Tránh cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, 1.400 công ty Nhật tính chuyển sang Việt Nam (VOA, 17/8/2020)
Hơn 40% trong số 3.500 doanh nghiệp Nhật Bản tham gia cuộc khảo sát của Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) cho biết họ đang xem xét mở rộng hoạt động tại Việt Nam trong ba năm tới, hãng thông tấn Kyodo dẫn báo cáo mới được công bố của JETRO cho biết hôm 16/8.
Công xưởng của hãng xe Honda ở Vũ Hán, Trung Quốc. Nhiều công ty của Nhật đang xem xét chuyển hoạt động từ Trung Quốc sang các quốc gia Đông Nam Á.
Báo cáo công bố vào ngày 30/7 cho biết ngày càng có nhiều công ty Nhật Bản xem xét mở rộng hoạt động tại các quốc gia Đông Nam Á và thu nhỏ hoạt động tại Trung Quốc nhằm tránh các tác động tiêu cực từ cuộc chiến thương mại giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ.
Báo cáo được thực hiện vào cuối năm 2019 cho thấy điểm đến Việt Nam chiếm 41% lựa chọn của các công ty Nhật tham gia khảo sát, tăng 5,5 điểm phần trăm so với năm ngoái, trong khi Thái Lan nhận được 36%, tăng 1,5 điểm phần trăm.
Thị trường Trung Quốc vẫn chiếm 48,1% lựa chọn của các công ty Nhật tham gia khảo sát mặc dù giảm 7,3 điểm phần trăm so với năm ngoái. Các công ty này cho hay họ sẽ tìm cách thúc đẩy hoạt động tại Trung Quốc.
Theo báo các của tổ chức được chính phủ Nhật Bản hậu thuẫn, khoảng cách giữa số lượng đầu tư của Nhật Bản vào ASEAN và Trung Quốc đã mở rộng lên 20,4 tỷ yên (191 triệu USD) vào năm 2019 so với 10,2 tỷ yên vào năm 2017.
Hồi tháng 7, JETRO công bố một danh sách 30 công ty Nhật Bản nói họ sẵn sàng nhận trợ cấp từ chính phủ để chuyển các cơ sở sản xuất ra khỏi Trung Quốc. Trong số này, 15 công ty coi Việt Nam là điểm đến ưa thích.
Khoản hỗ trợ tài chính của chính phủ Nhật Bản dao động từ 900.000 USD - 46,5 triệu USD để giúp cho các công ty trang trải việc mở rộng hoạt động.
Ngoài những tác động tiêu cực của chiến tranh thương mại, đại dịch Covid-19 cũng làm giảm đáng kể đầu tư của Nhật Bản vào các thị trường nước ngoài. Khoảng 80% các công ty Nhật Bản hoạt động ở nước ngoài dự báo rằng doanh số bán hàng sẽ giảm trong năm 2020 so với năm trước do nhu cầu giảm sau đại dịch virus corona. Trong 5 tháng đầu năm 2020, đầu tư của Nhật Bản vào toàn khu vực ASEAN đã giảm 35,5%.
Cuộc khảo sát được JETRO thực hiện trên gần 10.000 công ty Nhật Bản, trong đó hơn 3.500 công ty tham gia trả lời, tương đương 35,7%.
Các chuyên gia y tế cho biết có thể mất vài tháng, nếu không nói là vài năm, để các cộng đồng trên toàn cầu có thể kết nối trở lại với nhau. Như vậy, không còn quá sớm để bắt đầu suy nghĩ về trật tự toàn cầu và khu vực mới sẽ xuất hiện sau khi đại dịch qua đi.
Trước khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố Covid-19 là đại dịch toàn cầu, không ai có thể tưởng tượng rằng phần lớn thế giới sẽ bị phong tỏa như hiện nay, với hơn 1 tỷ người buộc phải dừng các hoạt động thường ngày khi họ được khuyên ở nhà để tránh lây nhiễm và/hoặc phát tán virus SARS-CoV-2. Để sống sót qua đại dịch này, mỗi quốc gia bị ảnh hưởng, dù lớn hay nhỏ, sẽ phải sử dụng mọi kỹ năng và nguồn lực mà họ có nhằm chiến đấu chống kẻ thù chung này.
Rõ ràng, nền kinh tế toàn cầu sẽ trải qua tình trạng gián đoạn hơn nữa trước khi có thể tăng trưởng trở lại, vì các cuộc xung đột và chiến tranh thương mại vẫn không có dấu hiệu suy giảm. Nhưng chính phủ các nước trên toàn thế giới thời hậu Covid-19 sẽ có nhiều công cụ mạnh hơn để duy trì quyền kiểm soát đối với người dân. Nền tảng ủng hộ các chính phủ cũng sẽ được củng cố nhờ tình cảm dân tộc mạnh mẽ hơn mà họ có thể sử dụng để vượt qua những khó khăn bắt nguồn từ sự bùng phát dịch bệnh, hoặc đẩy mạnh các chương trình nghị sự của riêng họ.
Những xu hướng có khả năng xuất hiện
Đầu tiên, đại dịch Covid-19 sẽ dẫn đến sự phối hợp và hợp tác tốt hơn trong các vấn đề liên quan đến y tế cộng đồng giữa các quốc gia phát triển hơn - điều tốt đẹp duy nhất của dịch Covid-19. Không quốc gia nào muốn tranh cãi về một dịch bệnh mà họ biết rằng không thể chiến đấu một mình. Tất cả những gì họ muốn là nhanh chóng tiêu diệt virus này. Trong tuyên bố của G20 được ban hành gần đây, các nhà lãnh đạo của những nền kinh tế tiên tiến nhất thế giới đã cam kết làm mọi cách để vượt qua đại dịch. Họ hứa sẽ bơm 5.000 tỷ USD cho chi tiêu tài chính để thúc đẩy nền kinh tế toàn cầu. Đó là tin tức đáng hoan nghênh khi thấy các nhà lãnh đạo G20 sẵn sàng hợp tác cùng nhau chống lại virus SARS-CoV-2. Trong thời gian diễn ra hội nghị trực tuyến, các nhà lãnh đạo cũng cam kết thực hiện và tài trợ cho các chương trình y tế để chống lại SARS-CoV-2.
Thứ hai, dù muốn hay không, chủ nghĩa Trump đã thay thế chủ nghĩa ngoại lệ của Mỹ. Theo Giáo sư Martin Jacques thuộc trường Đại học Cambridge, Tổng thống Donald Trump đang gán nhiều giá trị cho nền kinh tế Mỹ hơn là cuộc sống của người Mỹ. Ông Trump nhiều lần nhắc lại rằng Mỹ sẽ trở lại trạng thái bình thường trước kỳ nghỉ lễ Phục sinh (ngày 12/4), vì đối với ông, bất cứ điều gì khiến nền kinh tế Mỹ giảm tốc cũng sẽ làm giảm cơ hội tái đắc cử của ông vào tháng 11 tới đây.
Thứ ba, cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung vẫn sẽ tiếp tục và dưới hình thức đầy đủ hơn. Nó sẽ không chỉ gói gọn trong các lĩnh vực thương mại, công nghệ, không gian mạng và biến đổi khí hậu mà còn bao gồm cả các vấn đề liên quan đến y tế cộng đồng toàn cầu. Sẽ có những giai đoạn căng thẳng và hòa giải đan xen nhau. Cả hai quốc gia đã đổ lỗi cho nhau về nguồn gốc của SARS-CoV-2, nhưng với việc khăng khăng coi SARS-CoV-2 là "virus Trung Quốc", ông Trump đã thể hiện định kiến sâu sắc của mình. Mặc dù sau đó đã thay đổi giọng điệu tiêu cực, nhưng thái độ này của ông Trump đã gây ra thiệt hại. Ngoài ra, trong hai năm qua, ông Trump thường mô tả Trung Quốc như là một bên giao dịch không công bằng, tìm cách đánh cắp công nghệ và từ chối tuân thủ các quy tắc quốc tế.
Hôm 27/3 vừa qua, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có cuộc điện đàm với nhà lãnh đạo Mỹ, gửi đi tín hiệu về một nỗ lực hòa giải. Ông kêu gọi hai nước hợp tác để xử lý dịch Covid-19 và nói rằng Bắc Kinh "mong muốn tiếp tục chia sẻ mọi thông tin và kinh nghiệm với Mỹ". Theo truyền thông Mỹ, ông Trump đã có một phản ứng tích cực. Đây là mô hình trao đổi điển hình và sẽ tiếp diễn trong thế giới hậu đại dịch.
Mỹ sẽ gặp nhiều khó khăn hơn khi thuyết phục các nước khác, đặc biệt là ở châu Âu, đưa ra lời lẽ chống lại Trung Quốc. Từ giờ trở đi, những câu chuyện về vai trò của Trung Quốc trên thế giới sẽ xuất hiện ở nhiều khía cạnh và có phạm vi rộng lớn, vượt ra ngoài sáng kiến "Vành đai và Con đường".
Thứ tư , thế giới sẽ tập trung vào sự trỗi dậy của Trung Quốc và ảnh hưởng ngày càng tăng của nước này trong các trường hợp khẩn cấp về y tế và quản trị toàn cầu, điều sẽ gây thất vọng cho các nước phương Tây. Tuy nhiên, cách thức mà Trung Quốc xử lý thành công dịch Covid-19 hiện đã được nhiều nước phương Tây áp dụng, dù họ có công nhận hay không.
Thứ năm, đối với các nền kinh tế chủ chốt của châu Á-Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc – có thể có những mâu thuẫn trong vấn đề lịch sử, lãnh thổ, lợi ích và sẽ dịu bớt để nhường chỗ cho sự cảm thông lẫn nhau. Tất nhiên, những mối bất hòa trong lịch sử và các tranh chấp biên giới sẽ không biến mất chỉ sau một đêm, nhưng kể từ giờ các nhà lãnh đạo ở mỗi quốc gia có thể nghĩ về khoảng thời gian cùng nhau chia sẻ những lo lắng và phiền muộn, và điều đó sẽ giúp ích cho họ. Các mối quan hệ đang ấm lên này sẽ khiến Thế vận hội Tokyo bị trì hoãn trở thành cơ hội hoàn hảo để đoàn kết các nền kinh tế châu Á. Sự hồi sinh của Nhật Bản sẽ mang lại lợi ích cho toàn khu vực và hệ thống thương mại đa phương của khu vực. Quả thật, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tin tưởng rằng Thế vận hội Olympic sẽ là bằng chứng cho chiến thắng của con người trước SARS-CoV-2. Đối với cộng đồng quốc tế, thế vận hội sẽ là ngọn hải đăng của hy vọng sau đại dịch này.
Mối quan hệ ngoại giao mới giữa 3 cường quốc châu Á này sẽ có tác động lớn đến nền kinh tế của khu vực trong thế giới hậu Covid-19. Quan trọng nhất là điều đó cũng sẽ tạo ra những động lực địa chính trị và địa chiến lược mới. May mắn thay, ASEAN có mối quan hệ cực kỳ tốt đẹp với các đối tác "+3". Việt Nam, nước Chủ tịch ASEAN hiện tại, cần nuôi dưỡng và tăng cường tình đoàn kết mới này. ASEAN phải tiếp tục đóng vai trò là cầu nối để các nước "+3" tiếp tục hợp tác, và giấc mơ xây dựng Cộng đồng Đông Á sẽ nằm trong tầm tay.
Cuối cùng, ASEAN sẽ nổi lên mạnh mẽ hơn bằng cách học hỏi từ những thiếu sót của khối này trong giai đoạn hỗn loạn hiện nay. Dù đã bày tỏ cam kết mạnh mẽ về việc cùng nhau hành động, nhưng trên thực tế, họ đã nhiều lần thất bại vì thiếu sự phối hợp và không thể làm hài hòa các giao thức xuyên biên giới và các biện pháp cần thiết để quản lý một cộng đồng gồm 654 triệu người.
Đại dịch Covid-19 là một hồi chuông cảnh tỉnh cho ASEAN, rằng trong các cuộc khủng hoảng ở quy mô này, không có quốc gia thành viên nào có thể đứng nhìn và trông chờ các bộ máy hành chính làm điều họ muốn. Thái Lan, với tư cách là nước Chủ tịch ASEAN năm 2019, đã công bô "Tầm nhìn ASEAN 2040", một tài liệu nghiên cứu gồm 5 tập về tương lai của ASEAN. Tài liệu này kêu gọi "ASEAN hãy mạnh dạn tiến lên, chủ động hơn, nhanh nhẹn hơn, hướng tới tương lai, đoàn kết hơn, đồng thời tập trung sâu sắc hơn vào việc trao quyền và can dự đối với người dân". Hậu Covid-19, đây dường như là con đường đúng đắn.
Kavi Chongkittavorn
Nguyên tác : Imagining a post-coronavirus world, Bangkok Post, 31/03/2020
Minh Anh giới thiệu
Nguồn : Nghiên cứu Biển Đông, 26/05/2020
Kavi Chongkittavorn, nghiên cứu viên cao cấp tại Viện Nghiên cứu An ninh và Quốc tế, Đại học Chulalongkorn, Thái Lan. Bài viết được đăng trên Bangkok Post.
Hậu Covid-19, hậu Kim Jong-un
Chưa diệt được Covid-19, con người đành tính chuyện tạm chung sống ; Lãnh đạo Bắc Triều Tiên mất dạng hay mất mạng ? Đó là hai chủ đề chính và có cùng mẫu số chung trên báo Pháp ngày 27/04/2020 : Mọi người đều mù mờ.
Lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un phát biểu trong cuộc họp của Cục Chính trị, Ủy ban Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên. Ảnh do hãng tin Nhà nước KCNA công bố ngày 11/04/2020. © Reuters - KCNA
Sau 2 tháng hạn chế đi lại, đóng cửa trường học, hàng quán, hãng xưởng để ngăn dịch Covid-19, sẽ phải làm cách nào để bảo đảm an toàn cho người dân đi làm, đi học trở lại trong khi tang tóc vẫn xảy ra hàng ngày ?
Chính phủ chuẩn bị, dân chúng người mong kẻ sợ
Theo chân các nước Châu Âu, Pháp chuẩn bị các biện pháp tái lập sinh hoạt bình thường vào ngày 11/05/2020 trước khi kinh tế suy thoái nghiêm trọng. Nhật báo kinh tế Les Echos đề tựa lớn trên trang nhất : "Kế hoạch chiến đấu cho ngày 11/05". Đó là kế hoạch chính phủ Pháp sẽ công bố vào trưa thứ Ba 28/04. Nhưng nói là một chuyện, áp dụng mới là chuyện khó.
Cụ thể, để bảo đảm an toàn cho học sinh, Hội Đồng Khoa Học Gia đưa ra 10 khuyến cáo về vệ sinh trường lớp : lau chùi tẩy trùng lớp học, lối đi, phòng vệ sinh nhiều lần trong ngày, tôn trọng khoảng cách một thước giữa hai học sinh, các em đeo khẩu trang, ăn trưa ngay tại bàn học, trường quản lý giờ ra chơi không để các em đến gần nhau... Phản ứng chung của giới hiệu trưởng, theo Les Echos : Đây là "nhiệm vụ bất khả thi".
Lạc quan hơn đồng nghiệp, La Croix giới thiệu ba vị hiệu trưởng đang năng nổ chuẩn bị ngày N : trang bị khẩu trang cho học sinh, tập trung dạy thêm và giúp con em gia đình nghèo không có máy vi tính học từ xa trong thời gian cách ly... cùng các biện pháp khác để bảo đảm an toàn y tế cho học sinh, giáo viên và nhân viên.
Cũng trong hồ sơ y tế, Libération khá bi quan với một loạt tựa cảnh báo : Tái lập giao thông công cộng là du hành vào nơi vô định ; Mở cửa trường trong lúc còn dịch là nhiệm vụ bất khả. Để chứng minh, nhật báo cánh tả nhắc lại là bốn khuyến cáo của Hội đồng Khoa học gia - "làm việc từ xa, đeo khẩu trang, xét nghiệm và theo dõi đường lây nhiễm, truy tìm ổ dịch " - phải được áp dụng sau ngày 11/05 để chặn trước đợt dịch thứ hai.
Le Figaro loan báo thủ tướng Anh trở lại làm việc sau khi thắng được siêu vi corona. Chính phủ Pháp cũng tăng tốc ra khỏi thời kỳ cách ly vào ngày 11/05. Tuy nhiên, ở trang trong, nhật báo thiên hữu cho biết nhiều giáo chức và học sinh (đúng hơn là phụ huynh các em) báo trước là sẽ chưa quay lại trường ngay vì họ không tin là sẽ được an toàn.
Về kinh tế, Les Echos phân tích chiến lược cải cách của Air France-KLM sau khi tập đoàn được nhà nước Pháp và Hà Lan thông báo giúp 10 tỷ euro để tránh bị phá sản. Điều chắc chắn là sẽ có kế hoạch giảm biên chế theo hướng tự nguyện ra đi và có đền bù.
La Croix nêu lên một thắc mắc và tìm hiểu : Tỷ phú, đại gia làm gì để tỏ tình liên đới trong hoàn cảnh đại dịch nhiễu nhương ? Nhật báo công giáo cho biết thành phần giàu có ở Pháp không vị kỷ. Họ giúp một cách gián tiếp qua công ty, hãng xưởng mà họ làm chủ : cụ thể là sản xuất khẩu trang, cồn sát trùng miễn phí. Tỷ phú Mỹ Bill Gates nhận định chí lý : "Đại dịch giúp chúng ta nhớ rằng giúp đồng loại không những là hành động thiện nguyện mà còn là một hành động thông minh".
Một nhận xét khác cũng rất đáng để suy ngẫm và đã được Libération tóm lại thành tựa của bài phỏng vấn chủ tịch Quốc hội Pháp Richard Ferrand. Người đứng đầu bộ máy lập pháp khen ngợi cơ quan hành pháp hết lòng đối phó với một đại dịch xuất hiện đột ngột và hung hiểm. Thế mà chính phủ lại bị đả kích không nương tay. Chủ tịch Quốc hội Pháp kêu gọi mọi tác nhân trong xã hội biết khiêm tốn, đừng cho mình là người nắm chân lý bởi vì trước con siêu vi khủng khiếp này, phải nhìn nhận kiến thức của chúng ta còn kém và phải dò dẫm tìm hiểu.
Chủ tịch Bắc Triều Tiên mất dạng một cách bí ẩn từ ba tuần nay
Le Figaro có vẻ xem nghi vấn Kim Jong-un đã chết hay còn sống không phải là chuyện trọng đại. Nhật báo thiên hữu chỉ khen là trong bối cảnh cả thế giới bận tâm chống dịch, việc "lãnh tụ tối cao" của chế độ Bình Nhưỡng giành được ngôi truyền thông của siêu vi corona phải nói là tuyệt.
Còn Les Echos thắc mắc không hiểu vì sao chính quyền các nước lớn trên thế giới, với nhiều phương tiện tình báo, lại không rõ tại sao lãnh đạo Bắc Triều Tiên mất dạng quá lâu. Một số chuyên gia nghĩ rằng ông ấy đã chết. Tuy nhiên, theo nhật báo kinh tế, ông anh độc tài mà chết thì có cô em Kim Yo-jong lên thay. Chuyện gia đình mà !
Libération cũng do dự không tin vào giả thuyết nào : "Mất dạng trên màn ảnh ra-đa hay mất mạng ?". Tờ báo thiên tả sau khi nhắc qua một số "giả thuyết, chuyên gia và những nguồn thân cận" đã đi đến kết luận : Khi Kim Jong-il qua đời, phải 2 ngày sau, báo chí Nhà nước mới công bố. Thế mà, trong hai ngày đó, không một cơ quan tình báo quốc tế nào biết ông ấy đã chết.
Donald Trump lọt bẫy Covid-19, Joe Biden tận dụng thời cơ
Cũng về thời sự quốc tế, La Croix thẩm định cơ may tái đắc cử của tổng thống Mỹ Donald Trump bị giảm sút : Chủ nhân Nhà Trắng rơi vào bẫy của siêu vi corona. Cách chỉ đạo theo ngẫu hứng cộng thêm kinh tế suy thoái làm cho khả năng chiến thắng của chủ nhân Nhà Trắng bị đe dọa. Joe Biden không ngày nào là không tìm cách chinh phục cử tri đang bị thất nghiệp hay sắp bị mất việc ủng hộ kế hoạch chấn hưng kinh tế "cấp tiến", theo nghĩa huy động sự hỗ trợ của Nhà nước Liên bang.
Le Monde, số phát hành cho Chủ Nhật và thứ Hai, đưa độc giả vào "Khu rừng hoang các phòng thí nghiệm ở Vũ Hán". Đó là tựa của một bài điều tra dài hai trang về bà Thạch Chính Lệ, nhà nghiên cứu siêu vi số một của Trung Quốc, được đào tạo tận tình suốt 5 năm tại Pháp nhưng không bao giờ chia sẻ thông tin với đồng nghiệp Pháp khi nước Pháp bị chính siêu vi từ Vũ Hán gây khốn đốn. Một chuyên gia Croatia đựợc đào tạo chung với bà Thạch tỏ ra thông cảm : "Ngoài một email chúc can đảm, Thạch Chính Lệ không viết gì thêm. Lỗi không phải tại bà ấy".
Năm 2016, đại sứ Pháp tại Trung Quốc còn gắn huy chương Bắc Đẩu Bội Tinh cho bà Thạch Chính Lệ và ca ngợi tinh thần hợp tác song phương. Bộ Ngoại giao Pháp nghi ngờ Trung Quốc âm thầm nghiên cứu vũ khí sinh học, nhưng mãi đến khi Jean-Yves Le Drian lên nắm bộ Ngoại giao và yêu cầu đại sứ quán Pháp báo cáo về phòng thí nghiệm P4, thì ngoại trưởng Pháp mới phát hiện nhiều chuyện rất bất bình vì Trung Quốc hành động đơn phương.
Theo Le Monde, kể cả nhiều nhà nghiên cứu Trung Quốc cũng tự hỏi phải chăng siêu vi đã thoát ra từ một trong các phòng thí nghiệm của họ ở Vũ Hán.
Covid-19 cũng bất lợi cho Putin nhưng có thể trợ lực cho Erdogan
Đại dịch Covid-19 cũng làm hỏng kế hoạch tính đời đời trường trị của tổng thống Nga. Dự án trưng cầu dân ý về các điều khoản tu chính trong Hiến Pháp hồi tuần trước đã phải đình hoãn. Dân Nga còn biểu tình trên mạng phản đối chính sách chống dịch của Putin. Nạn thất nghiệp, xí nghiệp phá sản vì Covid-19 có thể càng làm cho uy tín của tổng thống Putin ngày càng yếu đi. Các biện pháp cứu trợ khẩn cấp của điện Kremlin cho doanh nghiệp không đủ để lãnh vực xí nghiệp cấp trung và nhỏ tránh phải sa thải nhân viên và cuối cùng là phá sản. Giới chủ nhân cho biết sẽ huy động nhau tranh đấu. Tiền trợ cấp thất nghiệp hay phụ cấp cho gia đình có thu nhập thấp cũng không đủ cho họ sống. Không ít dân Nga đánh liều vay nợ.
Khai thác tình hình đại dịch để phục vụ tham vọng địa chiến lược cấp vùng đâu phải chỉ có Tập Cận Bình. Với nhận định này, Le Monde phân tích tham vọng của tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ : Recep Erdogan tìm cách vực dậy huyền thoại đế quốc Thổ bách thắng trong khi chế độ Hồi giáo bảo thủ của ông đang trên đà suy thoái. Với 2.491 người chết và 101.710 ca nhiễm, (theo báo cáo ngày thứ Sáu tuần trước), cùng với nền kinh tế mất sinh lực, nhân quyền bị chà đạp và thái độ độc đoán tự tung tự tác của ông Erdogan, Thổ Nhĩ Kỳ không còn được Hoa Kỳ ưu tiên trong lĩnh vực tài chính.
Thế nhưng, theo Le Monde, trong cái họa của dịch Covid-19, Erdogan có thể trông cậy vào Châu Âu. Vì trong xu hướng bỏ Trung Quốc, dời hãng xưởng sang một nước khác, doanh nghiệp Châu Âu có thể sẽ chọn Thổ Nhĩ Kỳ, Tunisia và Morocco vốn được coi là ba vùng đất lành, theo nhận định của một nhà kinh tế.
Tú Anh
Xây dựng thế giới "hậu Covid" : Tổng thống Pháp tìm động lực trong Tuyên ngôn Nhân quyền
Nước Pháp phong tỏa để hãm dịch Covid-19 đã bốn tuần lễ. 20 giờ hôm qua, 13/04/2020, tổng thống Pháp có bài phát biểu long trọng lần thứ tư kể từ đầu đại dịch, chính thức xác định ngày Pháp bắt đầu ra khỏi phong tỏa. Tất cả các nhật báo Pháp số ra hôm nay tập trung bàn về sự kiện này.
Dịch Covid-19 : Tổng thống Macron chào các cư dân, đang sống cách ly, tại một khu phố trên đường rời khỏi một trung tâm y tế ở Pantin, gần Paris, ngày 7/4/2020. AFP - GONZALO FUENTES
La Croix chạy tựa trang nhất "Cái mốc được xác định là 11 tháng Năm". Libération "Mục tiêu tháng Năm". Le Figaro thì tỏ ra hết sức dè dặt "Hy vọng tái sinh, nhưng không có gì là chắc chắn". Với hàng tựa trang nhất "Một tháng để ra khỏi phong toả", Les Echos muốn nhấn mạnh, thời khắc của hành động là một tháng trước mắt, một tháng "gian nan", như ghi nhận trong mục "Mỗi ngày một sự kiện" của nhật báo.
"Những ngày tháng gian nan"… nhưng "niềm hy vọng tái sinh"
Bài "Tổng thống Macron hứa một giai đoạn ra khỏi phong tỏa từ từ" của Les Echos lưu ý trước hết là những lời đầu tiên của tổng thống Pháp là dành để nói về "những ngày khó khăn đang diễn ra", về "nỗi sợ", "nỗi lo hãi", đặc biệt đối với "những ai sống đông người trong một căn hộ chật hẹp, nơi cuộc sống hàng ngày thường xuyên trong trạng thái căng thẳng, nơi những người cao tuổi phải sống trong sự cô đơn", xa cách người thân. Nguyên thủ Pháp đã dành những lời trân trọng để ca ngợi những y bác sĩ, những người trực tiếp cứu chữa bệnh nhân, các chiến sĩ "trên tuyến đầu", những người "ở tuyến hai" (tiếp tục các hoạt động nghề nghiệp, sản xuất, giảng dạy, giao thông vận tải, thương mại, nông nghiệp… trong bối cảnh bệnh dịch…). Và những công dân Pháp "ở tuyến thứ ba", chấp nhận cách ly, để kìm hãm dịch. Tổng thống Pháp nhấn mạnh chính nhờ vậy, "dịch bắt đầu chững lại… Niềm hy vọng tái sinh".
Trong thời gian chuẩn bị cho việc dần dần ra khỏi phong toả, bắt đầu trước hết từ ngày 11/05, với các trường học (trừ Đại học), hoạt động của một số lĩnh vực kinh tế được nối lại (các hoạt động văn hóa tập hợp đông người sẽ chỉ được nối lại từ giữa tháng 7), chính phủ sẽ phải chuẩn bị các biện pháp hỗ trợ quy mô lớn với khu vực kinh tế tư nhân, với giới doanh nghiệp. Cùng lúc đó, là sự "trợ giúp đặc biệt" dành cho những người dễ tổn thương nhất, "các gia đình có trẻ em, cũng như sinh viên xa gia đình". "Bảo vệ người lao động" là mục tiêu hàng đầu. Duy trì giãn cách xã hội, sử dụng rộng rãi khẩu trang thông thường, xét nghiệm hàng loạt, và tiếp tục duy trì cách ly những người nhiễm virus và những người bị tình nghi sẽ nằm trong số các biện pháp chủ đạo, kể từ ngày 11/05. Chính phủ Pháp có 2 tuần lễ để chuẩn bị cho kế hoạch chi tiết ra khỏi phong tỏa.
Hoài nghi : "Phải chăng đêm đen sắp hết ?"
Nhât báo thiên hữu Le Figaro tỏ ra khá hoài nghi về tuyên bố của tổng thống. Đối lập chỉ trích bài phát biểu "không đủ chi tiết". Xã luận Le Figaro, với tựa đề "Phải chăng sắp đến tận cùng của đêm đen ?", ghi nhận tổng thống đã chính thức cho biết "ngày chấm dứt cuộc phong tỏa khổ ải này", với tia hy vọng "tự do trở lại", những người Pháp - đang chấp nhận sống trong cảnh ngộ phong tỏa - được người đứng đầu nước Pháp tri ân. Tuy nhiên, theo Le Figaro, điều đó không đủ để đáp ứng được mong đợi của những ai đang bị dịch bệnh bắt buộc phải sống trong tình trạng quản thúc tại gia. Theo Le Figaro, các công dân Pháp còn rất nhiều dấu hỏi về giai đoạn những tháng tiếp theo, bên ngoài ba giải pháp chính : "xét nghiệm" hàng loạt, "khẩu trang" đại trà và "trị liệu" mới, đã được tổng thống cho biết.
"Chọn cách nói khiêm nhường"
Nhật báo thiên tả Libération, với tựa đề "Hy vọng" ghi nhận thông tin tổng thống đưa ra về ngày bắt đầu chấm dứt phong tỏa 11/05, với cái nhìn hóm hỉnh : "Thêm một tháng hay chỉ còn một tháng nữa" là hai cách nhìn khác nhau về tuyên bố hôm qua của tổng thống. Libération đặc biệt chú ý đến việc tổng thống Pháp lựa chọn "thái độ khiêm nhường" trong phát biểu hôm qua, khác hẳn với khẩu khí đầy tính chiến đấu của một thủ lĩnh, mà ông vẫn thể hiện từ đầu đại dịch đến nay, khi nhấn mạnh "tôi chia sẻ với các vị về những cái mà chúng tôi biết và những điều mà chúng tôi không biết". Điều mà ông biết rõ là ngày 11/05 là một thời điểm mang tính bước ngoặt", khởi đầu cho việc từ từ ra khỏi tình trạng phong tỏa.
Emmanuel Macron thừa nhận một số "thất bại" của chính quyền trong việc đối phó với dịch bệnh. Để ra khỏi phong tỏa, nguyên thủ Pháp cảnh báo, cần hiểu rằng tình trạng "miễn dịch cộng đồng" hằng mong muốn sẽ còn "rất xa" mới đạt được. Xét nghiệm, khẩu trang, kỹ thuật định vị các tiếp xúc với người có virus qua điện thoại di động là các biện pháp được ưu tiên. Libération chú ý đến việc, tổng thống Macron, "bị cánh tả trong đảng cầm quyền gây áp lực", đã buộc phải đưa ra hứa hẹn "sẽ làm nhiều hơn cho những người khó khăn nhất", với "các biện pháp tài chính mới". Tuy nhiên, còn nhiều việc chính phủ phải làm, bởi hiện tại chưa có gì cụ thể.
Duy trì đoàn kết : "Cái khó nhất mới chỉ bắt đầu"
Trong bài phát biểu gần nửa giờ đồng hồ hôm qua của nguyên thủ Pháp, Les Échos đặc biệt chú ý đến tình thần "duy trì đoàn kết", đã được đưa ra trong phát biểu long trọng đầu tiên của tổng thống cách nay một tháng. "Duy trì đoàn kết", cũng là chủ đề mục "Mỗi ngày một sự kiện" của nhật báo kinh tế. Bởi đối với Les Échos, "cái khó khăn nhất mới chỉ bắt đầu".
Hiện tại, sau một tháng phong tỏa, thành công của giải pháp này là viễn cảnh tình trạng bệnh viện vỡ trận đáng sợ đã không xảy ra, nhưng giờ đây là những hệ quả phụ đáng sợ của giải pháp này : "Mỗi ngày phong tỏa trôi đi là một ngày mà sự mong manh, dễ tổn thương về xã hội, về tâm lý, khủng hoảng kinh tế, và từ đó đó là khủng hoảng xã hội, khủng hoảng tinh thần, thêm trầm trọng". Một tương lai sáng sủa chỉ có thể có "với điều kiện người dân Pháp tiếp tục duy trì ý thức công dân, duy trì việc cách ly bất chấp khó khăn, chính quyền có đủ năng lực thực hiện các kế hoạch trong chiến lược chung… Đây là điều không hề đơn giản".
Trở lại với giá trị "Lợi ích chung" trong Tuyên ngôn Nhân quyền
Cũng nói về sự đoàn kết, nhưng dưới một góc nhìn đáng chú ý khác, xã luận La Croix có bài "Lợi ích chung" (cụm từ "Lợi ích chung" được đặt trong ngoặc kép). Nhật báo công giáo ghi nhận câu nói gây ấn tượng mạnh trong bài phát biểu của tổng thống là lời kêu gọi "Hãy sáng tạo lại chính mình, và trước hết là bắt đầu từ tôi", nhưng "câu nói quan trọng nhất" trong bài phát biểu của ông không nằm ở đó.
Câu nói quan trọng nhất, theo La Croix, là "Sự thừa nhận về mặt xã hội chỉ có thể được xác lập trên cơ sở nó đem lại lợi ích chung" cho cả cộng đồng. Đây chính là câu thứ hai, trong điều khoản thứ nhất của Tuyên ngôn Nhân quyền năm 1791. Câu thứ nhất là "Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi, và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi".
La Croix giải thích : "tổng thống Macron đã dẫn lại lời trích này vào thời điểm mà chính ông đã đặt câu hỏi về việc đãi ngộ quá thấp đối với các nghề nghiệp, đã có những đóng góp cốt yếu cho xã hội, từ các nhân viên y tế, giáo viên, những người làm trong nghề sản xuất và cung ứng thực phẩm, người phục vụ giao thông vận tải, nghề đổ rác…". "L’utilité commune" ("Lợi ích chung"), cụm từ xa xưa này rất đáng được chú ý, nó tương đương với diễn đạt phổ biến hiện nay "bien commun" (tạm dịch là "tài sản chung"). Đây là một khái niệm, mà La Croix cho rằng, "đã quá bị coi nhẹ trong những thập niên gần đây". Khả năng huy động nỗ lực tập thể nhờ khái niệm này đã bị gạt bỏ và thay vào đó là những lợi nhuận sinh ra nhờ "bàn tay vô hình của thị trường".
Dù sao, La Croix nhấn mạnh câu nói trên mới chỉ là điểm khởi đầu. Câu nói quan trọng nhất, nằm trong phần kết, bài phát biểu của tổng thống, trong giai đoạn hiện tại, đã "không đủ cụ thể để có thể dẫn đến việc thảo ra một thỏa ước xã hội mới" tại Pháp. Đây chính là điều mà công luận đã nhiều lần chê trách nguyên thủ Emmanuel Macron. Sau các tuyên bố đầy tham vọng đưa ra, ông đã không có những hành động cụ thể, đơn cử như sau tuyên bố "Make Our Planet Great Again -Hãy làm cho hành tinh chúng ta vĩ đại trở lại". Xã luận báo công giáo kết thúc bài viết : "Mong rằng lần này ông ấy thực thi lời hứa của mình".
Hội nghị Công dân vì khí hậu : "Có các giải pháp chung cho khủng hoảng y tế và khủng hoảng sinh thái"
Để tìm lối thoát cho giai đoạn hậu phong tỏa, tổng thống Pháp đặt một phần hy vọng vào xã hội công dân. Le Monde số ra dịp lễ Phục Sinh (ba số trong một) chạy tựa trang nhất "Những định hướng do các công dân đề xuất để giúp thoát khỏi khủng hoảng".
Cuối tuần qua, Hội nghị Công dân vì khí hậu đã chuyển đến tổng thống loạt đề xuất đầu tiên. Bài viết - mang tựa đề "Những định hướng Xanh để thoát khỏi khủng hoảng" về "50 đề xuất cho một mô hình mới" - cho biết tinh thần chung của các đề xuất được đưa ra sau cuộc họp hai ngày bất thường của Hội nghị Công dân vì khí hậu. Nội dung của 50 đề xuất hiện chưa được công bố.
Hội nghị Công dân vì khí hậu là nhóm làm việc được lập ra, theo quyết định của tổng thống, với thành viên là các công dân Pháp bình thường, nhằm đề xuất các giải pháp tổng thể cho cuộc chuyển đổi sang một nền kinh tế phát thải thấp, giã từ các năng lượng hóa thạch, để hướng đến một xã hội thân thiện với môi trường.
Sau 6 tháng hoạt động, trong bối cảnh phong tỏa vì đại dịch, Hội nghị chưa thể đúc kết các đề xuất cuối cùng, nhưng họp đột xuất để đưa ra sớm 50 đề xuất (tức 1/3 trong tổng số các đề xuất chung cuộc), liên quan trực tiếp đến cuộc khủng hoảng y tế và xã hội do đại dịch Covid-19.
Lo ngại chính của nhiều thành viên Hội nghị Công dân vì khí hậu này là giai đoạn chấn hưng sau khủng hoảng sẽ hết sức bất lợi cho công cuộc chuyển đổi sang nền kinh tế Xanh. Chính trị gia Elisabeth Borne, bộ trưởng Bộ Chuyển đổi sinh thái và đoàn kết tóm lại nỗi lo ngại của 150 thành viên Hội nghị Công dân vì khí hậu : "thông điệp rõ ràng của họ là không thể để cho cuộc khủng hoảng y tế hiện nay xóa mờ đi cuộc khủng hoảng sinh thái. Cả hai khủng hoảng có một nền tảng chung… Điều quan trọng mà 150 công dân vừa nói với chúng ta là : có thể có những câu trả lời chung cho khủng hoảng y tế và khủng hoảng sinh thái".
Cũng Le Monde, đăng tải bài trả lời phỏng vấn đạo diễn Cyril Dion, nhà sinh thái, một trong những người bảo trợ Hội nghị Công dân vì khí hậu, với tựa đề : "Không hiến tế Khí hậu cho vị thần Tăng trưởng".
Trọng Thành