Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

27/04/2020

Điểm báo Pháp - Hậu Covid-19, hậu Kim Jong-un

RFI tiếng Việt

Hậu Covid-19, hậu Kim Jong-un

Chưa diệt được Covid-19, con người đành tính chuyện tạm chung sống ; Lãnh đạo Bắc Triều Tiên mất dạng hay mất mạng ? Đó là hai chủ đề chính và có cùng mẫu số chung trên báo Pháp ngày 27/04/2020 : Mọi người đều mù mờ.

kju1

Lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un phát biểu trong cuộc họp của Cục Chính trị, Ủy ban Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên. Ảnh do hãng tin Nhà nước KCNA công bố ngày 11/04/2020. © Reuters - KCNA

Sau 2 tháng hạn chế đi lại, đóng cửa trường học, hàng quán, hãng xưởng để ngăn dịch Covid-19, sẽ phải làm cách nào để bảo đảm an toàn cho người dân đi làm, đi học trở lại trong khi tang tóc vẫn xảy ra hàng ngày ?

Chính phủ chuẩn bị, dân chúng người mong kẻ sợ

Theo chân các nước Châu Âu, Pháp chuẩn bị các biện pháp tái lập sinh hoạt bình thường vào ngày 11/05/2020 trước khi kinh tế suy thoái nghiêm trọng. Nhật báo kinh tế Les Echos đề tựa lớn trên trang nhất : "Kế hoạch chiến đấu cho ngày 11/05". Đó là kế hoạch chính phủ Pháp sẽ công bố vào trưa thứ Ba 28/04. Nhưng nói là một chuyện, áp dụng mới là chuyện khó.

Cụ thể, để bảo đảm an toàn cho học sinh, Hội Đồng Khoa Học Gia đưa ra 10 khuyến cáo về vệ sinh trường lớp : lau chùi tẩy trùng lớp học, lối đi, phòng vệ sinh nhiều lần trong ngày, tôn trọng khoảng cách một thước giữa hai học sinh, các em đeo khẩu trang, ăn trưa ngay tại bàn học, trường quản lý giờ ra chơi không để các em đến gần nhau... Phản ứng chung của giới hiệu trưởng, theo Les Echos : Đây là "nhiệm vụ bất khả thi".

Lạc quan hơn đồng nghiệp, La Croix giới thiệu ba vị hiệu trưởng đang năng nổ chuẩn bị ngày N : trang bị khẩu trang cho học sinh, tập trung dạy thêm và giúp con em gia đình nghèo không có máy vi tính học từ xa trong thời gian cách ly... cùng các biện pháp khác để bảo đảm an toàn y tế cho học sinh, giáo viên và nhân viên.

Cũng trong hồ sơ y tế, Libération khá bi quan với một loạt tựa cảnh báo : Tái lập giao thông công cộng là du hành vào nơi vô định ; Mở cửa trường trong lúc còn dịch là nhiệm vụ bất khả. Để chứng minh, nhật báo cánh tả nhắc lại là bốn khuyến cáo của Hội đồng Khoa học gia - "làm việc từ xa, đeo khẩu trang, xét nghiệm và theo dõi đường lây nhiễm, truy tìm ổ dịch " - phải được áp dụng sau ngày 11/05 để chặn trước đợt dịch thứ hai.

Le Figaro loan báo thủ tướng Anh trở lại làm việc sau khi thắng được siêu vi corona. Chính phủ Pháp cũng tăng tốc ra khỏi thời kỳ cách ly vào ngày 11/05. Tuy nhiên, ở trang trong, nhật báo thiên hữu cho biết nhiều giáo chức và học sinh (đúng hơn là phụ huynh các em) báo trước là sẽ chưa quay lại trường ngay vì họ không tin là sẽ được an toàn.

Về kinh tế, Les Echos phân tích chiến lược cải cách của Air France-KLM sau khi tập đoàn được nhà nước Pháp và Hà Lan thông báo giúp 10 tỷ euro để tránh bị phá sản. Điều chắc chắn là sẽ có kế hoạch giảm biên chế theo hướng tự nguyện ra đi và có đền bù.

La Croix nêu lên một thắc mắc và tìm hiểu : Tỷ phú, đại gia làm gì để tỏ tình liên đới trong hoàn cảnh đại dịch nhiễu nhương ? Nhật báo công giáo cho biết thành phần giàu có ở Pháp không vị kỷ. Họ giúp một cách gián tiếp qua công ty, hãng xưởng mà họ làm chủ : cụ thể là sản xuất khẩu trang, cồn sát trùng miễn phí. Tỷ phú Mỹ Bill Gates nhận định chí lý : "Đại dịch giúp chúng ta nhớ rằng giúp đồng loại không những là hành động thiện nguyện mà còn là một hành động thông minh".

Một nhận xét khác cũng rất đáng để suy ngẫm và đã được Libération tóm lại thành tựa của bài phỏng vấn chủ tịch Quốc hội Pháp Richard Ferrand. Người đứng đầu bộ máy lập pháp khen ngợi cơ quan hành pháp hết lòng đối phó với một đại dịch xuất hiện đột ngột và hung hiểm. Thế mà chính phủ lại bị đả kích không nương tay. Chủ tịch Quốc hội Pháp kêu gọi mọi tác nhân trong xã hội biết khiêm tốn, đừng cho mình là người nắm chân lý bởi vì trước con siêu vi khủng khiếp này, phải nhìn nhận kiến thức của chúng ta còn kém và phải dò dẫm tìm hiểu.

Chủ tịch Bắc Triều Tiên mất dạng một cách bí ẩn từ ba tuần nay

Le Figaro có vẻ xem nghi vấn Kim Jong-un đã chết hay còn sống không phải là chuyện trọng đại. Nhật báo thiên hữu chỉ khen là trong bối cảnh cả thế giới bận tâm chống dịch, việc "lãnh tụ tối cao" của chế độ Bình Nhưỡng giành được ngôi truyền thông của siêu vi corona phải nói là tuyệt.

Còn Les Echos thắc mắc không hiểu vì sao chính quyền các nước lớn trên thế giới, với nhiều phương tiện tình báo, lại không rõ tại sao lãnh đạo Bắc Triều Tiên mất dạng quá lâu. Một số chuyên gia nghĩ rằng ông ấy đã chết. Tuy nhiên, theo nhật báo kinh tế, ông anh độc tài mà chết thì có cô em Kim Yo-jong lên thay. Chuyện gia đình mà !

Libération cũng do dự không tin vào giả thuyết nào : "Mất dạng trên màn ảnh ra-đa hay mất mạng ?". Tờ báo thiên tả sau khi nhắc qua một số "giả thuyết, chuyên gia và những nguồn thân cận" đã đi đến kết luận : Khi Kim Jong-il qua đời, phải 2 ngày sau, báo chí Nhà nước mới công bố. Thế mà, trong hai ngày đó, không một cơ quan tình báo quốc tế nào biết ông ấy đã chết.

Donald Trump lọt bẫy Covid-19, Joe Biden tận dụng thời cơ

Cũng về thời sự quốc tế, La Croix thẩm định cơ may tái đắc cử của tổng thống Mỹ Donald Trump bị giảm sút : Chủ nhân Nhà Trắng rơi vào bẫy của siêu vi corona. Cách chỉ đạo theo ngẫu hứng cộng thêm kinh tế suy thoái làm cho khả năng chiến thắng của chủ nhân Nhà Trắng bị đe dọa. Joe Biden không ngày nào là không tìm cách chinh phục cử tri đang bị thất nghiệp hay sắp bị mất việc ủng hộ kế hoạch chấn hưng kinh tế "cấp tiến", theo nghĩa huy động sự hỗ trợ của Nhà nước Liên bang.

Le Monde, số phát hành cho Chủ Nhật và thứ Hai, đưa độc giả vào "Khu rừng hoang các phòng thí nghiệm ở Vũ Hán". Đó là tựa của một bài điều tra dài hai trang về bà Thạch Chính Lệ, nhà nghiên cứu siêu vi số một của Trung Quốc, được đào tạo tận tình suốt 5 năm tại Pháp nhưng không bao giờ chia sẻ thông tin với đồng nghiệp Pháp khi nước Pháp bị chính siêu vi từ Vũ Hán gây khốn đốn. Một chuyên gia Croatia đựợc đào tạo chung với bà Thạch tỏ ra thông cảm : "Ngoài một email chúc can đảm, Thạch Chính Lệ không viết gì thêm. Lỗi không phải tại bà ấy".

Năm 2016, đại sứ Pháp tại Trung Quốc còn gắn huy chương Bắc Đẩu Bội Tinh cho bà Thạch Chính Lệ và ca ngợi tinh thần hợp tác song phương. Bộ Ngoại giao Pháp nghi ngờ Trung Quốc âm thầm nghiên cứu vũ khí sinh học, nhưng mãi đến khi Jean-Yves Le Drian lên nắm bộ Ngoại giao và yêu cầu đại sứ quán Pháp báo cáo về phòng thí nghiệm P4, thì ngoại trưởng Pháp mới phát hiện nhiều chuyện rất bất bình vì Trung Quốc hành động đơn phương.

Theo Le Monde, kể cả nhiều nhà nghiên cứu Trung Quốc cũng tự hỏi phải chăng siêu vi đã thoát ra từ một trong các phòng thí nghiệm của họ ở Vũ Hán.

Covid-19 cũng bất lợi cho Putin nhưng có thể trợ lực cho Erdogan

Đại dịch Covid-19 cũng làm hỏng kế hoạch tính đời đời trường trị của tổng thống Nga. Dự án trưng cầu dân ý về các điều khoản tu chính trong Hiến Pháp hồi tuần trước đã phải đình hoãn. Dân Nga còn biểu tình trên mạng phản đối chính sách chống dịch của Putin. Nạn thất nghiệp, xí nghiệp phá sản vì Covid-19 có thể càng làm cho uy tín của tổng thống Putin ngày càng yếu đi. Các biện pháp cứu trợ khẩn cấp của điện Kremlin cho doanh nghiệp không đủ để lãnh vực xí nghiệp cấp trung và nhỏ tránh phải sa thải nhân viên và cuối cùng là phá sản. Giới chủ nhân cho biết sẽ huy động nhau tranh đấu. Tiền trợ cấp thất nghiệp hay phụ cấp cho gia đình có thu nhập thấp cũng không đủ cho họ sống. Không ít dân Nga đánh liều vay nợ.

Khai thác tình hình đại dịch để phục vụ tham vọng địa chiến lược cấp vùng đâu phải chỉ có Tập Cận Bình. Với nhận định này, Le Monde phân tích tham vọng của tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ : Recep Erdogan tìm cách vực dậy huyền thoại đế quốc Thổ bách thắng trong khi chế độ Hồi giáo bảo thủ của ông đang trên đà suy thoái. Với 2.491 người chết và 101.710 ca nhiễm, (theo báo cáo ngày thứ Sáu tuần trước), cùng với nền kinh tế mất sinh lực, nhân quyền bị chà đạp và thái độ độc đoán tự tung tự tác của ông Erdogan, Thổ Nhĩ Kỳ không còn được Hoa Kỳ ưu tiên trong lĩnh vực tài chính.

Thế nhưng, theo Le Monde, trong cái họa của dịch Covid-19, Erdogan có thể trông cậy vào Châu Âu. Vì trong xu hướng bỏ Trung Quốc, dời hãng xưởng sang một nước khác, doanh nghiệp Châu Âu có thể sẽ chọn Thổ Nhĩ Kỳ, Tunisia và Morocco vốn được coi là ba vùng đất lành, theo nhận định của một nhà kinh tế.

Tú Anh

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFI tiếng Việt
Read 601 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)