Vụ chùa Ba Vàng : Cuộc chiến giữa 2 ‘sư quốc doanh’ ?
TK, Người Việt, 23/03/2019
Hôm 23 tháng Ba, trong lúc các báo nhà nước ở Việt Nam tiếp tục đăng bài công kích chùa Ba Vàng, luật sư Trần Vũ Hải ở Hà Nội đặt câu hỏi trên trang cá nhân : "[Đây là] cuộc chiến của hai thầy [Thích Thanh Quyết và Thích Trúc Thái Minh] ? Tôi đánh giá cao sự bản lĩnh của thầy Thích Trúc Thái Minh (trụ trì chùa Ba Vàng), đối mặt ‘cuộc khủng hoảng’, trong khi hầu hết các nhà chính trị, đại gia hay chức sắc tôn giáo ở Việt Nam đều ‘bịt tai, bịt mắt’ khi có khủng hoảng đối với họ. Ngay thầy Thích Thanh Quyết, trong cuộc khủng hoảng ‘thiếu 50.000 đồng’ ở chùa Phúc Khánh, cũng ‘trùm mền’, chỉ cử ‘bề dưới’ trình bày với báo giới".
Đại đức Thích Trúc Thái Minh (trái) và Thượng tọa Thích Thanh Quyết (phải). (Hình : youtube Thời sự & Giải trí)
"Thuyết âm mưu có vẻ đáng tin, sau khi chùa Phúc Khánh của thầy Thích Thanh Quyết bị ‘khủng hoảng’, có bàn tay điều khiển hướng đến chùa Ba Vàng mới nổi. Thầy Quyết là một quan chức hàng đầu và nhiều quyền lực nhất của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, cũng tỏ ra một ‘tay chơi cờ’ ? Chúng ta đang chứng kiến (hay có thể vô ý tham gia) một cuộc chiến của một ‘đại sư quyền lực lâu nay’ của Phật giáo Việt nam với một thầy ‘startup’ quá thành công, thành một thế lực mới của Phật giáo, ‘dễ bị ganh ghét, đố kỵ’ ?", theo Facebook Vu Hai Tran.
Trên thực tế, chùa Ba Vàng của nhà sư Thái Minh nằm gần khu di tích, chùa Yên Tử của nhà sư Thanh Quyết, người còn đồng trụ trì một cơ sở tôn giáo khác là chùa Phúc Khánh ở Hà Nội.
Cả hai vị chức sắc nêu trên đều là "sư quốc doanh", do họ đảm nhiệm chức danh trong các tổ chức liên quan đến nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam. Trong khi nhà sư Thanh Quyết hiện là Đại biểu quốc hội khóa 14 nhiệm kỳ 2016–2021 thuộc đoàn Đại biểu quốc hội tỉnh Quảng Ninh, kiêm ủy viên Ủy ban Đối ngoại Quốc hội và trưởng Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Quảng Ninh thì nhà sư Thái Minh là phó ban Thông tin và truyền thông trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Trong lúc vụ bê bối do kinh doanh thỉnh vong của chùa Ba Vàng gây rúng động dư luận, báo Trí Thức Trẻ hôm 22 tháng Ba đột nhiên dẫn lời Đại đức Thích Đạo Hiển, phó ban trị sự kiêm chánh thư ký Ban Trị Sự Phật giáo tỉnh Quảng Ninh : "Ban Trị Sự đã góp ý với Đại đức Thích Trúc Thái Minh nhiều lần về những vấn đề dư luận phản ánh nhưng không hiệu quả.
Nhà sư Thái Minh thể hiện là tiếp thu nhưng sau đó lại làm theo hướng của mình. Nhà sư Thái Minh đã quỳ trước Thượng tọa Thích Thanh Quyết và trước Ban Trị Sự sám hối bao nhiêu lần. Sám hối xong rồi hôm sau đâu lại vào đấy, lại đẻ ra cái khác nữa. Cứ vài ngày, nhà sư này lại nghĩ ra một cách khác người và không biết đây có phải cách thu hút tín đồ, quần chúng hay không".
Điều khiến công luận băn khoăn là các báo nhà nước nay đang đồng loạt lên án và kêu gọi điều tra việc kinh doanh thỉnh vong bị cho là "mê tín dị đoan" của nhà sư Thái Minh tại chùa Ba Vàng trong lúc trước đó, các vụ bê bối về "dâng sao giải hạn" và "đại lễ cầu an" tại chùa Phúc Khánh của nhà sư Thanh Quyết mau chóng rơi vào quên lãng.
Luật sư Phùng Thanh Sơn ở Sài Gòn bình luận trên trang cá nhân : "Kinh doanh thần thánh là ngành nghề được ưu đãi và an toàn nhất Việt Nam vì được miễn tiền sử dụng đất, không đóng thuế thu nhập, không bị thanh tra, kiểm tra thuế, không bị kiểm toán nhà nước kiểm toán, không bị xử lý sự nếu sử dụng tiền [cúng dường] sai mục đích. Ngoài ra, những người có chức sắc không bị xử lý hình sự nếu lấy tiền công đức làm của tư. Mặc dù về pháp lý, hoàn toàn có thể xử lý được nhưng vì lý do nội bộ tôn giáo nên những hành vi phạm pháp này không bị chính quyền xử lý".
T.K.
Nguồn : Người Việt, 23/03/2019
****************
Trụ trì chùa Ba Vàng, người bảo vệ Chủ tịch Hồ Chí Minh
Mạnh Kim, VOA, 23/03/2019
Thông tin trên nhiều cơ quan truyền thông chính thức về chùa Ba Vàng đang làm dư luận chấn động… Trong hàng loạt thắc mắc đã được nêu ra quanh scandal này, thắc mắc lớn nhất hình như là : Tại sao trụ trì chùa Ba Vàng có thể khai phá cả héc ta rừng, dựng ngôi chùa đồ sộ với một số yếu tố "nhất Đông Dương", rồi tập hợp, khuyến dụ tín đồ tham gia giải vong lại dễ dàng đến vậy ?
Thích Trúc Thái Minh trong buổi "live stream" tối 21/03/2019 (ảnh chụp màn hình)
Muốn trả lời câu hỏi ấy, có lẽ cần nhìn lại cách thức quảng bá về nhà sư này trên các phương tiện truyền thông, kể cả hệ thống truyền thông chính thức và cơ quan ngôn luận của Ban Chấp hành Trung ương đảng cộng sản Việt Nam...
Video mang tựa "Đôi nét về thầy Thích Trúc Thái Minh" giới thiệu về chính trụ trì chùa Ba Vàng thế này : "Với tư chất thông minh, lại thiện nết, kết thúc 4 năm đại học, người thanh niên trẻ được giữ lại trường làm giảng viên. Một tương lai tươi sáng đang mở ra trước mắt. Những tưởng người thanh niên ấy vẫn sẽ tiếp tục guồng quay cuộc sống nhưng khi tình cờ đọc được bốn câu kệ : "Muốn thấy thập phương tất cả Phật ; Muốn ban vô tận công đức tăng ; Muốn diệt chúng sinh tất cả khổ/ Phải nên mau phát Bồ Đề tâm" và khi cầm trên tay cuốn sách "Khuyến phát Bồ Đề Tâm" của Thật Hiền Đại sư giữa một chồng sách tại thư viện chùa Quán Sứ, thầy Thích Trúc Thái Minh đã ước mơ đuợc phát bồ đề tâm...".
Cần lưu ý, trước khi xuống tay với Đại đức Thích Trúc Thái Minh như đang thấy, hệ thống truyền thông chính thức từng gọi nhà sư là NGƯỜI. Chẳng hạn trong bài "Chuyện về một giảng viên rũ bỏ sự nghiệp đi tu" của Hoàng Tào, đăng trên báo Đời Sống & Pháp Luật, tác giả viết : "Nhờ sự giáo dục trong gia đình nề nếp nên ngay từ khi còn nhỏ Thầy đã nổi tiếng là con ngoan và trò giỏi. Người luôn đứng trong hàng ngũ lớp chọn và đội tuyển học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp quốc gia. Sau khi học xong phổ thông trung học, Người đã nộp hồ sơ dự thi vào Đại học Kinh tế quốc dân (Hà Nội) - một trong những truờng đại học danh giá thời bấy giờ. Với tư chất thông minh, tính tình hiền lành, Người luôn được thầy thương bạn mến. Tốt nghiệp đại học, Người được giữ lại trường làm giảng viên"...
Dường như sợ rằng tán tụng như thế chưa đủ để bá tánh ngưỡng mộ Đại đức Thích Trúc Thái Minh, tác giả còn thu thập - giới thiệu thêm những lời tán tụng khác : "Thầy Lê Anh Tuấn, nguyên Trưởng phòng Chính trị và Công tác sinh viên trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết : Tôi cũng không nhớ rõ Thầy Vũ Minh Hiếu làm giảng viên tại trường từ năm nào đến năm nào. Tôi chỉ biết Thầy đã từng làm giáo viên thỉnh giảng tại trường 5 năm… Sau 5 năm làm giảng viên Đại học, Thầy chuyển sang công tác tại Viện Nghiên cứu chế tạo máy của Bộ Công thương. Tại đây, ngoài công việc chuyên môn, Thầy còn được bổ nhiệm làm Bí thư Đoàn, thuờng xuyên tổ chức cho cán bộ nhân viên trong cơ quan đi chùa, lễ Phật… Với ý chí và lòng quyết tâm, ngày 19/6/1998, Thầy cùng Đạo tràng bắt xe vào Đà Lạt xin phát bồ đề tâm trước Hòa thượng Thích Thanh Từ tại Thiền viện Trúc Lâm Đà Lạt. Sau chuyến đi Thầy càng có niềm tin và quyết tâm dấn thân cầu đạo giải thoát"…
Ông Hồ Chí Minh được xưng tụng là Người vì "ra đi tìm đường cứu nước", Đại đức Thích Trúc Thái Minh được xưng tụng là "Người" vì ra đi tìm đường cứu… chúng sinh. Rõ ràng tác giả đã vận dụng toàn bộ công lực, rung cho thiên hạ… động vì "Người" rũ bỏ mọi thứ để cứu chúng sinh : "...Chướng duyên theo nhau mà đến. Khi Thầy quyết tâm đi tu, bố mẹ đã phản đối dữ dội. Hơn nữa, cô bạn gái cũng là vợ sắp cưới của Thầy cũng phản đối. Tuy nhiên trước ý nguyện của người yêu mình, cô đã ủng hộ. Được biết, cô gái này đã tình nguyện chia tay để Thầy có thể thoát tục. Người yêu cũ cũng theo đoàn về thuyết phục để Thầy được thỏa ước nguyện. Cuối cùng gia đình đã đồng ý cho con xuất gia. Buổi tiễn đưa diễn ra trong nghẹn ngào nước mắt : Con biết rằng, tình mẹ thương con vô bờ, không muốn cách xa con khờ, nhưng vì chí nguyện riêng của con nên mẹ ngăn lệ nuốt sầu tiễn con đi".
Ai từng đọc về cuộc đời và sự nghiệp của ông Hồ Chí Minh hẳn sẽ nhận ra những đoạn như thế này là… anh em đồng hao với… Nhà xuất bản Sự Thật "… ngày 19/6/1999, Thầy tiếp tục bắt xe vào Thiền viện Trúc Lâm Đà Lạt để xin xuất gia, chính thức bước vào đời sống tu sĩ… Năm 2001, khi hội tụ đầy đủ duyên lành, Thầy xin Hòa thượng quay ra Bắc, góp sức xây dựng Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử. Ban lãnh đạo của Thiền viện nhìn thấy được khả năng và đức hạnh của Thầy nên đã giao phó cho Người làm tri khách… Đến năm 2007, chính quyền và nhân dân thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh xin thỉnh Thầy về làm Trụ trì Chùa Ba Vàng – Bảo Quang Tự. Với tấm lòng từ bi, luôn vì chúng sinh nên Thầy được nhiều Phật tử ở nhiều vùng miền trong cả nước và nước ngoài yêu kính... Đó là tình cảm của một người cha yêu thương các con bằng tấm lòng bao dung, dù cho con có gây ra bao nhiêu lỗi lầm đi chăng nữa thì cha vẫn dang rộng vòng tay che chở".
Không biết Hoàng Tào có phải là đảng viên cộng sản Việt Nam hay không, cũng không biết quan điểm và lập trường của báo Đời Sống & Pháp Luật vững vàng như thế nào, kiên định ra sao nhưng chẳng lẽ tự nhiên mà ngày 11/07/2017, trong bài "Thức tỉnh lòng nhân ái" báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, viết như thế này về Đại đức Thích Trúc Thái Minh : "Là người tu hành, Đại đức Thích Trúc Thái Minh không xa rời với cuộc sống của con người và nhân dân, nhất là giới trẻ - chủ nhân tương lai của đất nước. Đại đức rất quan tâm đến lĩnh vực giáo dục - đào tạo, đặc biệt là vấn đề đạo đức, lối sống, lòng nhân ái của các em học sinh, sinh viên… Thông qua khóa tu, bên cạnh những thuyết giảng về "Phật pháp" về "Đạo hiếu", "Đạo làm người"…, các em còn được nghe những câu chuyện giản dị về tấm gương, đạo đức, về lòng khoan dung, nhân ái của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Qua đó, các em hiểu thêm về ý nghĩa của việc ‘Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh’, góp phần khơi dậy lòng nhân ái một cách tự nhiên và dễ dàng hơn".
***
Trong bối cảnh như hiện nay, đâu dễ tìm được những người đủ uy tín, năng lực để chủ động kết hợp giữa thuyết giảng Phật pháp, với giáo dục giới trẻ về ý nghĩa của việc ‘Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh’ như Đại đức Thích Trúc Thái Minh. Thế thì tại sao lại tấn công trụ trì chùa Ba Vàng, không đếm xỉa gì đến công lao, thành tích của nhà sư vốn đã từng được báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam ghi nhận một cách trân trọng như đã kể ? Người sử dụng mạng xã hội, hệ thống truyền thông chính thức có thể "nhẹ dạ, cả tin" nhưng Bộ Văn hóa thể thao và du lịch, chính quyền tỉnh Quảng Ninh… mà cũng bị "lôi kéo, tác động" thì rõ ràng không thể chấp nhận được.
Phải thấy đó là sự xúc phạm nặng nề đến Đại đức Thích Trúc Thái Minh, khiến ông phải… tạm ngưng tu tập, tạm gạt bỏ từ bi, bao dung như "của một người cha", luôn "dang rộng vòng tay", bất kể "con có bao nhiêu lỗi lầm", để tổ chức ngay một buổi "live stream", cảnh báo về khả năng "thế lực thù địch" lợi dụng, giật dây. Để một người chuyên tâm phổ độ chúng sinh như Đại đức Thích Trúc Thái Minh không dám lơ là, lúc nào cũng đề cao cảnh giác như thế là tạo nghiệp đấy !
Mạnh Kim
Nguồn : VOA, 23/03/2019
******************
Những bãi phân giữa thời Mạt pháp
Tưởng Năng Tiến, RFA, 23/03/2019
Quỷ lộng chùa hoang
(Thành ngữ Việt)
Bố mẹ tôi đều gốc gác nông dân, và đều là những phật tử thuần thành. Cũng như bao nhiêu người dân Việt chân chất khác, ngoài việc cặm cụi mưu sinh, đời sống (văn hoá, tinh thần, tâm linh) của ông bà – dường như – chỉ xoay quanh việc kinh kệ, chùa chiền, lễ bái, cúng dường…
Quỷ lộng chùa hoang - Ảnh minh họa
Thưở ấu thơ (khi còn "lon xon như con với mẹ") vào những lễ tết, tôi vẫn lon ton theo chân thân mẫu đến chùa. Vì đây là đất Phật nên bà yên tâm để tôi tha thẩn khắp nơi, suốt buổi, trong khi bận rộn làm công quả.
Cho đến lúc có thể đi đây, đi đó một mình thì tôi (thôi) không bao giờ lai vãng đến chùa chiền gì nữa. Không gian tâm linh của nơi thờ phượng tĩnh lặng và trang nghiêm quá, xem ra, không hợp lắm với cái "tạng" hiếu động của tôi !
Càng lớn tôi càng xa bố mẹ, xa chùa, và xa Phật Pháp Tăng. Mãi cho đến khi đời ngả về chiều – tóc đã điểm sương, song thân đà khuất núi – tôi mới lờ mờ cảm thấy rằng (hình như) mình đang xích lại gần, và cũng hơi để ý, đến chuyện tôn giáo hơn… chút xíu !
Hóa ra, chùa chiền ở Việt Nam không phải nơi đâu cũng đều "tĩnh lặng và trang nghiêm" như trong ký ức tuổi thơ an lành và êm ả của tôi. Không ít chỗ không gian tâm linh truyền thống của cả dân tộc đã bị quấy động… cho tới bến luôn :
"Tại nhà thờ thánh, tượng Khổng Tử lăn long lóc như người ăn mày tha hương chết đường chết chợ, bị trẻ con ném cứt vào mặt. Tại ngôi chùa Trang Hà, hàng chục pho tượng đổ ngổn ngang, bị lũ mục đồng ném bùn lấm láp nước sơn. Cái giếng hình bán nguyệt trước cổng chùa đẹp thế mà cũng bị phá phách cày xới để trồng lúa. Mấy tấm đá ghép cầu bị bê làm hố tiêu. Mấy chiếc bia lớn nhà thờ chánh tổng, cái thì bị đem bắc cầu, cái thì bị bọn mục đồng khiêng đi làm trò chơi rồi ỉa đái vung vãi trên mặt bia…
Ở làng tôi, đền chùa miếu mạo, nhà thờ họ, mộ cổ, rừng cổ, cây cổ thụ đã bị phá trụi, không còn gì để phục hồi nữa (1).
Đó là chuyện xẩy ra ở miền Trung, vào giữa thế kỷ XX, trong Giai Đoạn Phóng Tay Phát Động Quần Chúng của những người cộng sản Việt Nam. Sau khi đất nước thống nhất thì pháp nạn lan đến miền Nam :
- Năm 1977 Hòa thượng Quảng Độ bị bắt giam, bắt đầu cho một cuộc sống tù đầy và lưu đầy cho mãi đến bây giờ.
- Năm 1988 Thượng tọa Tuệ Sĩ và Trí Siêu bị tuyên án tử hình, sau được giảm án xuống 20 năm cấm cố. Hai ông, cuối cùng, được phóng thích ngày 31 tháng 8 năm 1998, sau 14 năm giam cầm.
Những bậc chân tù đều bị cầm tù hay phát vãng thì chùa chiền bỏ lại cho ai ?
Nhật ký của nhà phê bình văn học & xã hội Vương Trí Nhàn, ghi ngày 4 tháng 5 năm 79, có đoạn :
"Ngày Phật đản. Những người tu hành vẫn có nét mặt hệt như mặt người ngoài đời mà tôi vẫn gặp. Sao ở giữa cảnh đèn nhang nghi ngút của chùa Quán Sứ, giữa bao nhiêu cụ bà thành tâm cúng vái, lại thấy một vị sư tuổi còn thanh niên, có nét mặt trông như một trung đoàn trưởng, tiểu đoàn trưởng nào đó, mà tôi từng thấy ở các mặt trận".
Cùng với những vị "sư ông" trông cứ như một sĩ quan tác chiến, chùa chiền Việt Nam còn có quí vị "sư nữ mắt long sòng sọc… miệng rít lên" (cứ như loài rắn tiếng rắn) theo cách mô tả của nhà văn Dương Thu Hương :
"Trưa hôm đó, tôi qua cổng chùa đi vào ngôi nhà ngang. Vừa đặt chân lên bậc tam cấp tôi chứng kiến một cảnh tượng không tương hợp chút nào với chốn từ bi : Trên tấm phản gỗ mốc, sư cụ bà ốm nằm còng queo, bát cháo ăn dở ở một góc phản khô đét lại. Nhà "sư nữ" ngoại tam tuần mắt long sòng sọc, tay nắm cổ người bệnh lắc, miệng rít lên :
– Mày chết đi, mày chết ngay đi cho người ta nhờ !…
Sư cụ đã quá yếu không động cựa nổi, cái đầu lắc lư ngật ngưỡng như quả bưởi trong tay người đàn bà trẻ hung hãn :
– Mày chết đi…
Cụ không mở mắt nổi và giọng nói đã đứt quãng nhưng hoàn toàn minh mẫn. Ðó là người đã xuống tóc từ thời chính quyền 1945 chưa thiết lập, đã duy trì và tu tạo ngôi chùa này qua mọi thăng trầm của thời gian. Nhưng cụ không có mảy may quyền hành để lưu giữ các chân tu ở lại, thay cụ chủ trì. ‘Nhân sự’ do ‘bên trên’" đưa xuống".
Vậy cái gì là ‘bên trên’ ? Quyền lực nào áp chế những người tu hành và thả lũ lợn bẩn thỉu vào khắp chùa chiền xứ sở ?... Chẳng có gì bí mật cả, ‘bên trên’ là A25 Cục bảo vệ văn hóa thuộc Tổng cục 1 Bộ Nội vụ. A25 có nhiệm vụ đào tạo sư sãi để ‘yểm’ Hội Phật giáo Việt Nam, để trấn giữ hệ thống chùa toàn quốc".
Ảnh : FB
Chắc không mấy ai có thể biết chính xác con số "heo lợn bẩn thỉu" mà A25 đã thả ra "để yểm" chùa chiền, nhưng mọi người đều phát hoảng khi cứt đái của lũ súc vật này không chỉ làm ô uế cửa thiền mà còn tràn lan ra đến tận bên ngoài. Bản tin của trang Tiếng Dân, đọc được vào hôm 22 tháng 3 năm 2019, có tiểu mục "Buôn thần bán thánh" ở chùa Ba Vàng :
– Gọi vong, thu hàng trăm tỷ :
- Trụ trì thừa nhận sự việc xảy ra ở chùa Ba Vàng (GT)
– Chùa Ba Vàng cho rằng có thể chữa bách bệnh bằng việc đuổi tà ma, tiễn vong (TN)
– Gọi vong, thu hàng trăm tỷ : Chùa Ba Vàng quy tụ nghìn phật tử nhằm minh oan (GT)
– Chùa Ba Vàng thu tiền gọi vong : Vừa công đức, vừa "do vong yêu cầu" ? (LĐ)
– Người phụ nữ tên "Phạm Thị Yến" tuyên truyền luận điệu "làm nhục" nữ sinh giao gà Điện Biên ở chùa Ba Vàng là ai ? (TGT)
– Truyền bá chuyện vong báo oán, chùa Ba Vàng mỗi năm thu trăm tỉ (Zing).
FB Nguyễn Ngọc Chu đặt câu hỏi : CÓ BAO NHIÊU CHÙA BA VÀNG ?
Rồi, ông trả lời ên : "Trên Đất Nước ta có hàng trăm chùa ‘Ba Vàng’. Có nhiều chùa ‘Ba Vàng mới’ khủng hơn chùa Ba Vàng Uông Bí. Đó là các chùa ở Bãi Đính, ở Tam Chúc…".
Tôi thì (trộm) nghĩ khác : đó chả phải là chùa chiền gì cả mà chỉ là những bãi phân giữa thời mạt pháp. Ngày nào mà chế độ hiện hành vẫn còn hoành hành thì sẽ còn nhiều bãi cứt tương tự xuất hiện ở mọi nơi. Và phân gio của Bộ Nội vụ Việt Nam, thực ra, cũng đã vương vãi cùng khắp – miếu đền, thánh thất, giáo đường – chớ đâu có riêng chi ở chốn thiền môn.
Tưởng Năng Tiến
Nguồn : RFA, 23/03/2019 (tuongnangtien's blog)
(1) Võ Văn Trực. Chuyện Làng Ngày Ấy. Nhà xuất bản Tạp Chí Văn Học : California, 2006
******************
Đụng độ truyền thông và quyền lực xã hội nhân chuyện chùa Ba Vàng
Nguyễn Anh Tuấn, RFA, 22/03/2019
Chỉ một ngày sau khi báo Lao Động đăng phóng sự điều tra tố cáo chùa Ba Vàng, Quảng Ninh trục lợi trên sự mê muội của tín đồ, trụ trì Thích Trúc Thái Minh đã tổ chức buổi họp báo phản bác với cả ngàn Phật tử dự khán. Livestream buổi họp báo này trên Facebook đã thu hút được hơn 23.000 người xem trực tiếp cũng như tiếp cận cả triệu người khác sau đó.
Chùa Ba Vàng - Ảnh : TTO
Trong buổi họp báo, sau khi các Phật tử được mời lên vạch rõ những điểm mà họ cho là sai sự thật trong phóng sự của báo Lao Động cũng như làm chứng rằng việc họ thực hành các phương pháp tâm linh tại chùa là hoàn toàn tự nguyện với những lợi ích lớn lao cho bản thân và gia đình, trụ trì chùa Ba Vàng đã không ngần ngại phê phán các phóng viên, báo chí liên quan cả về nghiệp vụ lẫn đạo đức làm nghề - một điều mà ở Việt Nam chỉ có Ban Tuyên giáo và Bộ Thông tin và truyền thông là dám làm công khai.
Tuy nhiên, đặt sang một bên những tranh cãi dự kiến còn kéo dài giữa chùa Ba Vàng và báo Lao Động, cũng như những tranh luận khó có hồi kết về diễn giải giáo lý và phương thức thực hành tâm linh, cuộc đụng độ truyền thông giữa một bên là cơ sở tôn giáo có tiếng tăm với bên kia là đơn vị báo chí hàng lớn nhất nước gợi mở một điều đáng chú ý trong đời sống xã hội Việt Nam đương đại.
Đó là, nhờ mạng xã hội phi tập trung và chưa bị kiểm soát nên không một cá nhân hoặc tổ chức nào ở Việt Nam, dù quyền uy đến đâu, có thể tự tin rằng mình thao túng được toàn bộ dư luận xã hội. Một lời nói đi sẽ phải đối mặt với một hoặc nhiều lời nói lại, trước một công chúng đang ngày càng tỉnh táo nhờ đã quen với thông tin nhiều chiều.
Đối thoại thế chỗ độc thoại, quyền lực truyền thông thay vì tập trung đang dần bị phân tán, dẫn đến quyền lực chính trị trong xã hội cũng phân tán theo. Bởi vậy, sự kiện kể trên - màn họp báo vô tiền khoáng hậu của nhà chùa để đối đáp với báo chí - cần được coi là một ví dụ cho thấy ngôn luận mở mang đang giúp cho nhiều người có tiếng nói trong không gian công hơn, thúc đẩy sự tham gia dân sự sâu rộng hơn, thách thức các quyền uy truyền thống và soạn sửa cho một xã hội đa nguyên hơn.
Dân chủ và tiến bộ đứng chân trên một xã hội đa nguyên như thế dĩ nhiên cũng sẽ vững chắc hơn.
Nguyễn Anh Tuấn
Nguồn : RFA, 22/03/2019 (nguyenanhtuan's blog)
********************
Vụ chùa Ba Vàng : Phật giáo Việt Nam đã đến hồi mạt pháp
Diễm Thi, RFA, 22/03/2019
Mấy ngày gần đây trên mạng xã hội lan truyền video clip của bà Phạm Thị Yến rao giảng vong báo oán, tức những ác nghiệp trong kiếp trước nên kiếp này phải trả, liên quan đến vụ nữ sinh giao gà bị giết chiều 30 Tết vừa qua ở tỉnh Điện Biên.
Một buổi thuyết giảng tại chùa Ba Vàng. Photo : facebook Chùa Ba Vàng
Bà Phạm Thị Yến, pháp danh Tâm Chiếu Hoàn Quán, là chủ nhiệm một câu lạc bộ tại chùa Ba Vàng, Quảng Ninh. Dù không nắm giữ chức vụ nào cụ thể tại chùa Ba Vàng nhưng bà thường xuyên xuất hiện tại các buổi tọa đàm và trong các tài liệu tuyên truyền của nhà chùa.
Từ clip của bà Yến, báo Lao Động làm một phóng sự điều tra, và chuyện chùa Ba Vàng tổ chức những buổi lễ oan gia trái chủ, trục vong, gọi hồn với số tiền thu được lên đến trăm triệu gây chú ý trên mạng xã hội cũng như báo chí chính thống.
Theo báo Lao Động thì với những xui xẻo, bệnh tật trong cuộc sống, người dân đến chùa được ‘vong’ phán rồi ‘chốt giá’. Đại đức Thích Trúc Thái Minh, trụ trì chùa Ba Vàng tổ chức buổi nói chuyện trước hàng trăm phật tử, phát trực tiếp trên Facebook hôm 21/3 rằng việc tổ chức lễ oan gia trái chủ ở chùa là có thật. Việc các phật tử tham gia là tự nguyện và việc cúng tiền không phải do nhà chùa yêu cầu mà do phật tử tự nguyện cúng dường Tam Bảo và theo yêu cầu của ‘vong’.
Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện nhận xét vụ chùa Ba Vàng báo hiệu một chương rất đen tối của lịch sử Phật giáo Việt Nam :
"Qua hiện tượng chùa Ba Vàng và một số chùa khác thì tôi thấy là đạo Phật của Việt Nam đang đến hồi mạt pháp và làm rối loạn tâm linh, rối loạn lòng người và báo hiệu một chương rất đen tối của lịch sử Phật giáo Việt Nam.
Cho đến bây giờ thì càng ngày lòng tin của con người trong cuộc sống hiện tại không còn nữa. Chưa bao giờ các vấn đề về băng hoại giá trị truyền thống rạn nứt như bây giờ, cho nên người dân không tìm được sự an ủi, niềm tin nơi trần thế thì họ phải tìm kiếm trong tôn giáo.
Chính những người trong những ngôi chùa như vậy kết hợp với những quan chức cấp tỉnh và kết hợp với những đại gia lợi dụng sự yếu đuối, sự, mê lầm đó của dân chúng để họ trục lợi. Họ quyết liệt phải trục lợi bằng được. Vì vậy cho nên là nó mới xuất hiện những cái chùa như Bái Đính, Tam Chúc, Phúc Khánh hay Ba Vàng như vậy. Tôi cho rằng đây đã đến hồi mạt pháp của Phật giáo Việt Nam và khó có thể chấn hưng lại".
Toàn cảnh chùa Ba Vàng photo : facebook Chùa Ba Vàng
Hòa thượng Thích Không Tánh thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất, nhận định bây giờ đời sống xã hội Việt Nam về mọi mặt đều suy yếu, xuống cấp :
"Theo tôi thì bây giờ đời sống xã hội Việt Nam về mọi mặt đều suy yếu, xuống cấp. Người dân bây giờ quá nhiều khổ đau, cuộc sống bấp bênh nên họ không có niềm tin vào xã hội mà họ chỉ biết tin vào Thần Thánh".
Chùa Ba Vàng có tên gọi từ xa xưa là Bảo Quang Tự, nghĩa là "ánh sáng quý", tọa lạc trên lưng chừng núi Thành Đẳng, thuộc phường Quang Trung, thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh. Căn cứ vào những dấu tích di chỉ từ các nhà khảo cổ thì ngôi chùa có thể được xây dựng vào thời Trần thế kỷ thứ 13.
Năm 2007, khi đại đức Thích Trúc Thái Minh về trụ trì, chùa được xây dựng lại bằng tiền công đức và được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam công nhận là ngôi chùa trên núi có tòa chính điện lớn nhất Việt Nam với diện tích 4.500 mét vuông.
Hòa thượng Thích Không Tánh cho rằng đây là ngôi chùa của nhà nước lập ra để kinh doanh, trục lợi, đồng thời ru ngủ người dân rằng có tự do tín ngưỡng :
"Chùa đó là chùa của nhà nước nên họ thường lấy việc buôn Thần bán Thánh để kinh doanh. Nhà nước họ biết Việt Nam rất đông Phật tử nhưng nhiều người trong số họ không được hướng dẫn đúng theo chánh pháp nên họ chỉ tin vào Thần Thánh. Chính vì vậy Nhà nước phối hợp với các nhà đầu tư lập ra nhiều chùa lớn để kinh doanh, như chùa Bái Đính, Ba Chúc, Ba Vàng…
Chùa dựa hơi nhà nước tổ chức như vậy vừa để kinh doanh vừa để người dân họ thấy tự do tín ngưỡng. Còn người dân họ không phân biệt được tự do tín ngưỡng. Nó có sự lợi dụng trong đó".
Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện cho rằng những ngôi chùa như thế không còn gọi là chùa mà phải gọi là nơi buôn bán Phật Thánh và đánh vào lòng tin của con người để trục lợi. Trục lợi nhiều thứ chứ không chỉ là tiền cúng.
Trước những ồn ào liên quan đến chùa Ba Vàng, vào tối 21/3, Đại đức Thích Trúc Thái Minh, trụ trì ngôi chùa này đã tổ chức buổi pháp thoại về thế giới tâm linh, oan hồn, luật nhân quả với sự tham dự của gần một ngàn phật tử.
Bên trong chùa Ba Vàng Photo : facebook Chùa Ba Vàng
Tại buổi pháp thoại, vị trụ trì chùa Ba Vàng nói rằng : "Chùa chúng ta là ngôi chùa lớn trong nước cũng như thế giới, vì vậy có những đối tượng ghen ghét đố kỵ, tà đạo ngoại đạo cũng muốn bôi nhọ mình, ác hại mình. Cho nên các phật tử phải xác định chúng ta phải chấp nhận chông gai đầy đủ lòng tin, chông gai nào cũng vượt qua".
Cư sĩ Như Huyễn ở Đà Nẵng, người không có liên quan gì đến chùa Ba Vàng nhận định về việc này :
"Chùa này họ muốn quảng cáo là tài giỏi nhất, linh thiêng nhất để đè bẹp tất cả những ngôi chùa đi ngược lại hay nói thẳng về cái sai phạm của họ. Vấn đề chùa Ba Vàng là vấn đề trục lợi chứ không liên quan tự do tôn giáo.
Thực sự với quan niệm giải oán kết, giải oan gia thì theo Phật giáo đại thừa vẫn có, nhưng không theo kiểu vong nhập về, đưa bao nhiêu tiền thì trả hết nghiệp thì hoàn toàn không đúng. Tiền chỉ là vật chất của người còn sống chứ với người đã chết thì họ đâu có hưởng được gì. Chỉ có con người lợi dụng điều đó để trục lợi mà thôi".
Báo Lao Động hôm 22/3 trích chia sẻ của ông N.K.V (60 tuổi, Đình Bảng, Từ Sơn, Bắc Ninh) cho biết cách đây 3 tháng đã đi thỉnh "vong" tại chùa Ba Vàng :
"Lúc mới vào, ‘vong’ phán 80 kiếp trước, tôi có nghiệp sát sinh, muốn ‘vong’ giải oán thì phải cúng dường 2 tỉ. Khi tôi bảo quá cao, ‘vong’ nói sẽ giảm xuống 1 tỉ rồi tiếp tục giảm xuống còn 500 triệu. Khi tôi bảo không đủ khả năng, ‘vong’ nói thôi thì 60 triệu và làm công quả một tháng cũng được".
Theo các video của chùa Ba Vàng được truyền trực tiếp trên tài khoản facebook của chùa hay trên youtube thì rõ ràng là những buổi thuyết pháp, giảng đạo của chùa thu hút khá nhiều người đến nghe.
Cư sĩ Như Huyễn cho rằng những việc làm tại chùa Ba Vàng đã xảy ra từ lâu, và để quảng cáo cho hoạt động kinh doanh của chùa thì ngoài Phật tử ra, có thể có những tín đồ bị mua chuộc để đến chùa. Cư sĩ giải thích :
"Những người được vào chùa đó có phải là Phật Tử hay không hay chỉ là tín đồ ?. Tín đồ họ là những người có thể bị mua chuộc để đến chùa, có nghĩa là qua những lời tuyên truyền trực tiếp từ những vị tăng sĩ, hay thông qua những vị được đào tạo theo cách của chùa Ba Vàng đề ra mà không thông qua bài bản Phật học hay hệ thống giáo dục chính thống. Tín đồ đến chùa để quảng cáo cho ngôi chùa".
Theo truyền thông trong nước thì chiều 20/3, Bộ trưởng Văn hóa Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện yêu cầu Cục Di sản văn hóa, Cục Văn hóa cơ sở và Thanh tra Bộ làm rõ việc chùa Ba Vàng bị phản ánh tổ chức "tuyên truyền vong báo oán", mỗi năm thu cả trăm tỷ đồng và báo cáo Bộ trưởng trước ngày 25/3.
Ban Tôn giáo chính phủ hôm 22/3 đã lên tiếng về những hoạt động trục vong, gọi hồn ở chùa Ba Vàng, tỉnh Quảng Ninh là vi phạm luật tín ngưỡng, tôn giáo, không phù hợp với truyền thống và phải loại bỏ khỏi các cơ sở Phật giáo.
Diễm Thi
Nguồn : RFA, 22/03/2019
************************
Đi chùa để làm gì ?
Mạnh Kim, VOA, 22/03/2019
Những gì đang diễn ra đã trở thành chuỗi "đại họa" đưa Phật giáo lao vào tình trạng khủng hoảng chưa từng thấy. Từ các vụ nhà sư trác táng đến cơn lốc "buôn thánh, bán thần", Phật giáo đang chứng kiến sự hỗn loạn cực độ. Nhà chùa, có nơi, trở thành "cơ sở tôn giáo" ; trong khi "cán bộ tôn giáo", có chỗ, khoác áo nhà sư ; và "Phật tử" thì u u mê mê ngưỡng vọng vào tà ma, quỷ thuyết…
Hình minh họa. Bà con nghèo nhận quà từ thiện tại Chùa Liên Trì. Chùa nay đã bị giải tỏa san bằng.
Chùa nhiều, Phật "đông" nhưng "quỷ ma" nhan nhản. Những bức tượng Phật "cao nhất Đông Nam Á" và những ngôi chùa "lớn nhất Đông Nam Á" đã mọc lên trên một quốc gia có những điều tồi tệ, vốn bị nghiêm cấm trong giáo lý nhà Phật, có lẽ cũng thuộc vào hạng nhất nhì Đông Nam Á, từ ăn cắp, hiếp dâm, đến thậm chí giết bố mẹ ruột… Cuộc khủng hoảng đạo đức xã hội, thật mỉa mai cùng cực, lại tỷ lệ thuận với cơn lốc xây chùa và cơn sốt đi chùa. Chùa chiền đang được "xã hội hóa" thì tại sao giáo lý Phật giáo đã không được "xã hội hóa" để giúp xã hội tốt hơn, con người sống tốt hơn, lòng người chân thành hơn, tâm trí chúng sinh bình an hơn ? Nếu nhà chùa đang gieo "nhân" tốt thì tại sao "quả" gặt được lại kinh khủng đến vậy ? Luật "nhân-quả" nào có thể giải thích điều này ? Thực tế thì sự bùng nổ chùa chiền đã gieo những cái "nhân" khác, hơn là "nhân" đạo lý. Khó có thể có cái "quả" tốt, khi mà chính nhà chùa và nhà sư trong đó, đã tự gạt ra yếu tố đạo đức cá nhân và phẩm hạnh nhà tu, để trở thành một phần của cái gọi là thị trường "buôn thánh, bán thần".
"Phật giả", "giả Phật" ; "chùa giả", "giả chùa" ; "tăng giả", "giả tăng". Chỉ có điều này là thật : "Mạt pháp" ! "Phật thật" đang khóc (có lẽ vậy). "Phật giả" vừa đếm tiền vừa cười (hẳn thế). "Bồ tát thật" đang tụng niệm để Phật giáo thoát khỏi kiếp nạn tai ương. "Bồ tát giả" thì lần tràng hạt "phổ độ chúng sinh" bằng ngoa ngôn ma mị. Câu hỏi lớn nhất cần được quan tâm không chỉ là tình trạng "kinh doanh" Phật giáo mà còn là tại sao ngày càng có nhiều Phật tử không nhìn thấy được "Phật giả" trong những kiến trúc "giả chùa" ? Những hàng hàng lớp lớp người đi chùa không cho thấy Phật giáo đang phát triển. Mà là ngược lại. Nhang khói càng nghi ngút, dường như, càng che mờ con đường giác ngộ đích thực mà giáo lý Phật giáo truyền dạy. "Đi chùa viếng Phật" – một nét văn hóa tôn giáo trang nghiêm gắn liền với văn hóa dân tộc – đã biến thành một hoạt động "đi mua sắm" để mua đủ các thứ mà "thị trường" ngoài đời không thể mua, từ giấc mơ, khát vọng, đến danh và "lộc". "Bồ tát nào "chứng", "Phật" nào "chứng" ? Cơn lốc xây chùa có thể không bùng nổ nếu những kẻ "buôn thánh, bán thần" không "nắm bắt" được "tâm lý" và "nhu cầu thị trường".
Trong What The Buddha Taught – một trong những tác phẩm kinh điển và căn bản về giáo lý Phật giáo, Hòa thượng Walpola Rahula (1907-1997) viết :
"Theo Phật học, vị trí của con người là tối thượng. Con người là chủ nhân của chính mình, và không có một thực thể hay quyền năng nào cao hơn để định đoạt số phận của nó. Đức Phật dạy : "Người ta là nơi nương tựa của chính mình, còn ai khác nữa có thể làm nơi nương tựa ?". Ngài khuyên các môn đệ hãy là "một nơi nương tựa cho chính mình" và không bao giờ nên tìm nơi nương tựa hay sự giúp đỡ của bất cứ người nào khác. Ngài giảng dạy, khuyến khích và cổ vũ mỗi người hãy tự mở mang và tìm sự giải thoát cho chính mình, vì con người có năng lực giải thoát mình ra khỏi mọi ràng buộc, bằng trí tuệ và nỗ lực riêng. Đức Phật dạy : "Các người nên làm công việc của mình, vì các Đức Như Lai chỉ dạy con đường mà thôi". Nếu Đức Phật được gọi là một người "cứu thế" đi nữa thì cũng chỉ có nghĩa rằng Ngài đã tìm ra và chỉ con đường đi đến Giải thoát, Niết Bàn. Nhưng chúng ta phải bước trên Con đường ấy bằng chính mình" (*).
Trong quyển Thấy Phật, giáo sư Cao Huy Thuần viết : "Ngài ở cùng khắp, Ngài ở chung quanh chúng ta, ai cũng có thể thấy Ngài nếu tâm sáng, và tùy tâm sáng đến đâu thì thấy Phật rõ đến đấy. Niệm Phật là làm cho tâm sáng và tâm sáng thì Phật hiện, bởi vì Phật ở cùng khắp thì tất nhiên Phật cũng ở trong tâm ta... Ai đi sâu vào Phật học sẽ thán phục mối tương quan sâu thẳm giữa trí tuệ và lòng tin. Trong Phật giáo, lòng tin luôn dựa trên trí tuệ, và trí tuệ chỉ có thể sáng chiếu đến chân lý nếu được lòng tin hỗ trợ. Thấy Phật cũng chỉ bình thường vậy thôi. Không phải ở trên ngôi sao kia, mà ở ngay trong lòng. Ra đời cách đây 2.546 năm, Đức Phật vẫn còn ở quanh ta để luôn nói với ta tiếng nói từ trong tâm, rằng : Ta đã sinh làm người, và từ người, chứ không từ đâu khác, từ Ta, từ chính Ta, Ta đã chứng ngộ…".
Thật khó có thể đòi hỏi một người "bình dân" "thấy" được Phật như cách ông Cao Huy Thuần "thấy" hoặc nhìn ra được "Con đường" để đi bằng chính mình như cách Hòa thượng Walpola Rahula viết. Tuy nhiên, Phật giáo là uyên thâm nhưng Phật tử thì không cần tu học đến uyên bác như các bậc Tuệ Sĩ hay Lê Mạnh Thát để hiểu thấu đáo Phật pháp. Muốn "thấy Phật" không phải là điều bất khả. Ai cũng có thể "thấy" rằng, Phật không ở trong chùa ; Phật ở trong tâm. Không Phật tử nào mà không ít nhất một lần nghe như vậy. Chưa có bất kỳ quyển giáo lý hoặc triết học Phật giáo nào nhắc đến những hành vi mê tín ngưỡng vọng như là "phương tiện" để được chứng giám sự "thành tâm" hoặc để giúp tìm đến chân lý tối thượng của đạo Phật. Có thể có những Phật tử tu và hành cả đời theo những gì giáo lý Phật giáo truyền dụ cũng chưa "gặp" được Phật nhưng chắc chắn rằng họ sẽ chẳng bao giờ "thấy" được Phật cho dù họ đi chùa bao nhiêu lần, quỳ lạy tượng Phật bao nhiêu cái và "cúng dường" bao nhiêu tiền. Chừng nào còn mang đến chùa những thứ mà Phật giáo căn bản khuyên dạy cần phải buông bỏ, chừng nào mà trí còn loạn và tâm còn "đóng" trước cửa nhà Phật thì làm sao có thể "thấy" được Phật ngay cả khi tượng Phật sờ sờ trước mắt ?
Mạnh Kim
Nguồn : VOA, 22/03/2019
(*) Nguyên văn :
Man's position, according to Buddhism, is supreme. Man is his own master, and there is no higher being or power that sits in judgment over his destiny. "One is one's own refuge, who else could be the refuge ?" said the Buddha. He admonished his disciples to "be a refuge to themselves", and never to seek refuge in or help from anybody else. He taught, encouraged and stimulated each person to develop himself and to work out his own emancipation, for man has the power to liberate himself from all bondage through his own personal effort and intelligence. The Buddha says : "You should do your work, for the Tathagatas only teach the way.' If the Buddha is to be called a "saviour" at all, it is only in the sense that he discovered and showed the Path to Liberation, Nirvana. But we must tread the Path ourselves.
*****************
Chùa Ba Vàng hay chùa Ba Sàm
Tre, RFA, 21/03/2019
Các tờ báo khoa học thế giới đều đang đưa tin một thiên thạch cỡ lớn ít thấy từ trước tới giờ sắp đi ngang trái đất. Nó lớn kỷ lục đến nỗi một kính viễn vọng tầm trung cũng có thể dễ dàng trông thấy. Còn tôi, tôi xin khẳng định mục đích thiên thạch này đến trái đất chắc chắn là vì đất nước Việt Nam.
Chùa Ba Vàng hay chùa Ba Sàm - Ảnh minh họa
Trên thiên thạch ấy chắc chắn chở theo đầy rẫy các nhà khoa học với trí tuệ ngoài hành tinh. Họ đáp xuống Việt Nam để giải quyết những chuyện nhân dân đang lạ lùng và sốt vó.
Đấy là những chuyện dồn dập về ngôi chùa to, phật lớn, đắt tiền hết nhất Việt Nam lại nhất Đông Nam Á.
Là những "thánh" theo cách gọi mỉa mai của dân mạng Việt Nam-giáng trần lia lịa để chữa bệnh cho toàn thể dân chúng bằng nước tương Nhật, các loại đậu rang giòn ủ nước uống, gạo lức muối mè, nước rau ngò, phơi bánh nhau khô tự nhiên và không cắt dây rốn thai nhi….
Đến vài hôm nay (chắc thiên thạch đến gần sát Việt Nam rồi, các nhà khoa học ngoài hành tinh đang nhảy dù xuống đông như kiến) thì mọc thêm ra một thánh chữa bệnh bằng vỗ dầu hỏa và cúng dường. Thánh này là một phụ nữ đứng tuổi tên là Phạm Thị Yến. Không biết thánh làm nghề gì nhưng rất rõ thánh sinh sống bằng cách nào. Vì trong những clip post đầy trên cả chục kênh truyền thông mang tên thánh thì thánh suốt ngày ngồi giảng pháp và truyền bá cho hàng trăm, hàng ngàn gương mặt hầu hết trông u mê dại dại như đang bị bỏ bùa. Thỉnh thoảng ngay trong buổi "trạch pháp", lại có một đệ tử thuần thành đứng lên cầm phong bì kính cẩn dâng thánh. Và trong bất cứ bài giảng pháp nào thì cụm từ "cúng dường nhiều, cúng dường đầy đủ và thành tâm hoan hỉ" luôn được thánh nhấn mạnh, nhắc đi nhắc lại nhiều lần cùng với số tài khoản của chùa.
Ngôi chùa này tên là chùa Ba Vàng (Thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh). Nhưng Ba Vàng gì chứ, với cái lối vừa vuốt ve, vừa đe dọa, vừa kiểm soát, vừa thúc ép, vừa ăn gian công người khác khôn "vãi cả đái" ra thì chùa này phải đổi thành Nghìn Vàng, Triệu Vàng, Tỷ Vàng mới chuẩn. Mà không, tóm tắt lại thì phải gọi là chùa Ba Sàm.
Tôi đã ngồi xem clip "thánh dầu hỏa" phổ biến phương pháp chữa bệnh như thế nào.
Thánh dầu hỏa Phạm Thị Yến với lũ Bạt Quỷ theo gió vào cơ thể
Đầu tiên, bà ta hướng dẫn dùng dầu hỏa xoa vào lưng, vai, thắt lưng, dọc theo chân, cổ tay. Phải vỗ nhanh, nếu không thì "lực vỗ sẽ tác động vào phần ngực, thấy tức ngực ; hoặc vào phần ruột, thấy tức ruột" (vãi ! Vỗ ở cổ chân mà lực tác động hẳn vào phần ngực).
Nhưng vỗ bằng bàn tay rất khó, phi thánh dầu hỏa thì nhân gian không ai làm được. Cho nên phải dùng một tấm nhựa dẻo hơi sần sùi để đập vào thì mới có lực chính xác. Sau khi vỗ phải dùng một thứ dụng cụ bằng gỗ có hai mấu, trông giống cái càng cua nhỏ để cào vào hai bên sống lưng. Nó lại có nhiều cỡ dùng cho đàn ông và đàn bà.
Đọc đến chỗ này tôi phải vỗ đùi đánh đét như ông nhà văn Hoàng trong tác phẩm Đôi mắt của Nam Cao : "Thánh quá, thánh quá, tổ sư con nhà Yến. Bán hàng giỏi đến thế này là cùng !".
Chứ gì ? Với hàng ngàn con người đang âu lo vì "ác nghiệp" kiếp trước, hoặc đang bị hành hạ vì bệnh tật, một miếng nhựa dẻo hay cục gỗ nào có đáng bao nhiêu tiền. Dầu hỏa thì chắc chắn rẻ hơn dầu xanh. Ai mà chẳng rút ví ?
Nghe tiếp. Đoạn này nói về nguyên lý chữa bệnh, mới thật càng vi diệu. Từ đây để dễ theo dõi tôi xin trích nguyên văn lời của Thánh dầu hỏa trong ngoặc kép và phần chữ nghiêng là bình luận của tôi.
Thánh : "Phương pháp vỗ dầu hỏa chữa khỏi các bệnh thoái hóa đốt sống, thoát vị đĩa đệm, ung thư, nhiễm trùng huyết, người cảm thấy sợ gió, không nằm được quạt, đi ra ngoài phải bịt khăn bịt tai, hắt xì liên tục, viêm mũi dị ứng, đau xương khớp, Parkinson, Gout, các u cục ví dụ u vú, đau sống lưng cổ gáy thần kinh tọa, mất ngủ.
Nguyên lý chữa bệnh là do cơ thể bị gió vào, nó vặn xương sống và kéo xương sống đi. Khi mình (dùng cái càng cua) cạo hai bên xương sống thì độc tố thoát hết ra, xương sống trở lại rất tốt.
Khi đau xương đau khớp thì phải sám hối về tội đã ác tâm hành hạ đánh đập giết hại chúng sinh, nên nay mới bị bệnh này trên thân.
Đặc biệt, nguyên nhân bệnh là do "oan gia trái chủ" (tức các vong linh có thù oán các kiếp trước với thân chủ nên kiếp này theo trả thù), gọi là vong linh ngạ quỷ. Chúng có thể theo gió vào cơ thể chúng ta nên còn gọi là Bạt Quỷ. Khi vào được cơ thể chúng ta thì lũ Bạt Quỷ này xem như nhà của nó nên vào chỗ nào thì chỗ đó tắc lại, máu không lưu thông được tạo thành u cục gây đau nhức sinh bệnh".
Bình luận : Bọn Bạt Quỷ này chắc cài hệ thống radar định hướng định vị siêu việt và pin siêu mạnh. Vì cơ thể nhỏ xíu xìu xiu –theo gió phiêu bạt như thế mà giữa hàng tỷ người trên thế giới qua hàng muôn kiếp chúng bụp phát nắm trúng ngay đầu thằng thân chủ lì lợm thì thật là hơn cả NASA.
Thánh : "Khi gió bên ngoài thay đổi thì gió bên trong cũng chuyển động nên chúng ta bị đau tức. Cho nên đập vỗ vào thì nó ra rất là dễ. Nếu có gió ngoài trời mà đập thì rút được chất độc từ trong xương ra, còn không có gió thì chỉ rút từ ngoài thịt thôi.
Vỗ một lúc thì rát rát đau đau xong không rát nữa, nổi lên một cục hoặc một mảng thì lấy tay bóp day cho nhanh tan. Sau đó cuộn khăn chèn dưới lưng để giãn cột sống ra nhưng điều căn bản phải rút độc tố ra ngoài đã, nếu không thì độc tố lại tràn vào".
Lời bình : Tôi xin cho thuê mặt bằng để bàn dân thiên hạ đến người nằm người vỗ. Đảm bảo thông thoáng ngoài trời gió lồng lộng, rút chất độc trong xương ra cứ gọi là thun thút. Ai nhỡ nằm lâu một tí thì lại còn rút hết cả xương ra chứ không phải chỉ chất độc đâu.
Thánh : "Vỗ xong ăn dưa chuột 2-4 quả/ngày. Sáng uống nước gừng, tối ngâm chân nước gừng".
Lời bình : Cái này được. Giúp bà con nông dân tiêu thụ sản phẩm, giải cứu các thứ.
Nhưng đoạn này mới là đoạn hay nhất :
Thánh : "Vỗ dầu hỏa đều đặn thì không bị loãng xương và giòn xương vì các chất dinh dưỡng vào được trong xương.
Vỗ mà không khỏi bệnh là do phước báo chưa đủ nên oan gia trái chủ nặng và lớn.
Muốn khỏi bệnh, phải sám hối, tu tập tại chùa.
Cái này quan trọng nhất : phải đặc biệt phát tâm cúng dường hồi hướng cho các chúng sinh. Không được cân đong. Phải cúng dường nhiều và đầy đủ, cúng bằng cái tâm hoan hỉ thì mới tạo được nhiều phúc báo, đảm bảo hết bệnh và không tái phát.
Thánh còn dặn đi dặn lại : "Lần trước do nói trên các phương tiện thông tin đại chúng (đoạn này thánh bịa-làm chó gì có phương tiện thông tin đại chúng cho thánh lên rao bán dầu hỏa và tấm nhựa vỗ lưng) nên chỉ hướng dẫn đi quét chùa quét làng để tạo phước báo. Nhưng như thế thì không khỏi được vì phước mỏng và nhỏ quá. Lần này người bệnh nhớ phải cúng dường hết tâm hết sức. Nếu không cúng dường bệnh sẽ nặng hơn, đi bệnh viện này bệnh viện kia vẫn bị oan gia trái chủ che cho nên khám nhầm bệnh, uống nhầm thuốc và tái phát. Người đi chữa hộ cũng phải sám hối và cúng dường đầy đủ, nếu không sẽ mắc cùng bệnh với người bệnh. Vì oan gia đang oán kết với người này mà mình đánh nhau với nó thì nó có quyền đánh lại".
Lời bình : Lần trước thánh nhỡ mồm, khuyên người bệnh đi quét chùa quét làng thì chỉ sạch sẽ thôi chứ không được xu mẻ nào vào mõm cả. Trót dại rồi không lặp lại nên lần này thánh phải ăn dày bù vào : Bất kể là ai, bất kể bệnh gì cũng phải cúng dường (nói trắng phớ ra là nạp tiền). Nếu chưa khỏi bệnh tức là chưa nạp đủ, nhớ nạp cấp tập vào. Không được keo, chết đấy nghe chửa ?
Thánh (và bộ máy Tập đoàn kinh tế nhiều thành phần Chùa Ba Vàng đứng sau thánh) thật khôn hơn rận. Một mặt dọa bà con nếu không nôn tiền đủ sẽ không khỏi bệnh, một mặt thánh cần mẫn khuyên mọi người đi khám bác sĩ, uống đầy đủ thuốc chữa bệnh và thuốc bổ để "trợ duyên". Ấy tiền cúng là để nhanh chóng tạo phước, hối lộ mấy con vong linh thù dai đi theo trả oan, nhưng mấu chốt để khỏi bệnh lại là đã được chứng nhận hết nghiệp. Nếu còn nghiệp-thánh dằn mặt-uống thuốc bao nhiêu cũng không khỏi. Nhưng nếu đã hết nghiệp thì "cơ thể đầy đủ nhân duyên, uống thuốc vào là khỏi".
Hóa ra thánh vừa gian, vừa tham, vừa ăn lận. Mặc dù cũng còn biết đường chừa cửa hậu, không tuyệt đường chữa bệnh bằng khoa học cho những người bệnh đã quá khốn khổ, cấm tuyệt họ tiêm vắc xin, uống kháng sinh, đến bệnh viện như các thánh tương Nhật, nước ngò, gạo lức muối mè khác. Nhưng "chữa khỏi hay không hoàn toàn do nghiệp của chúng sinh". Cứ lập lờ thế, ai chết thì tại họ ráo, nhưng ai khỏe lại thì nhờ công của chùa. Khôn thế này, dân gian hiện đại Việt Nam gọi là "ăn cả giày, cả tất, cả đất xung quanh".
Cướp công bác sĩ trắng trợn
Tập đoàn kinh tế Ba Vàng đã cướp công các bác sĩ một cách đểu giả và trắng trợn.
Trên trang web của chùa ghi rõ : Năm 2013, một em bé ở Thanh Hóa bị khối u lồi to như quả bưởi ngay trên mắt kéo giãn hai mắt. Sau đó cháu được BV Vinmec khám. Được bác sĩ mệnh danh là bàn tay vàng xử lý u bướu khủng thế giới McKay McKinnon mổ và tái tạo khuôn mặt thành công. Và dĩ nhiên, website chùa viết "cháu bé khỏi bệnh thần kỳ nhờ hết sức tin tưởng vào thầy, vào chùa".
Năm 2012, một tử tù tên PXC cũng ở Uông Bí, can án vì tội giết người được giảm án thành chung thân. Website chùa viết : Vào tù thăm phạm nhân, sư trụ trì gặp một người giữ cuốn kinh phật đã đọc nhàu nát. V.v. " Câu chuyện được nhà sư chia sẻ với một luật gia, vị luật gia đã nhận lời tìm cách nghiên cứu lại hồ sơ vụ án" (nguyên văn)… Thế nhưng bức ảnh trong website của chùa Ba Sàm được ghi rõ : Phạm nhân thoát án tử hình nhờ niệm phật.
Năm 2015, một thanh niên khác tên Lại Ngọc Dũng ở Hải Phòng bị khối u trong lòng bàn tay, được thầy phán là do nhân quả do nhiều đời nhiều kiếp làm việc sát sinh hại vật. Vậy là sau khi nương dựa vào chùa, chuyến đi Singgapore để phẫu thuật đã thành công mỹ mãn.
Còn vô số những "người thật việc thật" khác, được Công ty truyền thông Ba Vàng trích ra từ các tài khoản mang tên khác nhau, "thật như đếm" đến nỗi kèm theo cả số điện thoại, địa chỉ, nghề nghiệp, hay đang sống ở "singabore" (nguyên văn) cũng nhờ sám hối cúng dường mà bách bệnh tiêu tan.
Thậm chí có người trước kia chuyên đi vay nặng lãi để ăn chơi, phá tán hết tiền bố mẹ thì sau khi qua thầy trụ trì đấm mõm vong linh xong đã quay lại kiếm được tiền nhanh chóng để báo hiếu (chậc, chắc là nghiệp trước thì đi vay nặng lãi nên giờ quay lại làm nghề cho vay nặng lãi. Có thế thì mới không nghề nghiệp, nghiện hút, không học vấn mà vẫn kiếm tiền nhanh toanh toách như thế chứ).
Có cô gái đơn thân mãi không kiếm được việc làm, cúng oan gia trái chủ xong thì gặp được việc nhàn lương cao, các sếp lại thi nhau chăm chút.
Khác tình tiết nhưng những câu chuyện (bịa) về kiếp trước của người đến cúng "oan gia trái chủ" tại chùa giống nhau như lột ở chỗ nó đầy rẫy yếu tố kinh hoàng. Một tài khoản ghi tên là Lê Thị Thu Hà nói mình bị sốt chữa mãi không hết. Hóa ra 8 kiếp trước cô là mẹ nhưng "đẻ con gái nào ra là bóp chết con nấy", nên 5 vong nhi đó theo oán tới giờ !
Một người phụ nữ đang cực kỳ đau khổ vì không có con được người nhà chùa phũ phàng ném vào mặt một câu " Vì ác đấy, vì kiếp trước là phù thủy đấy. Vong nó chưa lấy hết đâu, nó lấy con xong nó còn muốn lấy mạng nữa cơ". Xong, "sư thầy" này phán muốn giải oan thì cúng 5 triệu đồng cùng 24 ngày "làm công quả", thực chất là lao động không công cho chùa.
Tham lam quá nên rất dễ phát hiện mâu thuẫn trong các rao giảng của trụ trì Thích Trúc Thái Minh và thánh nữ dầu hỏa Phạm Thị Yến. Một mặt họ nhấn mạnh chỉ có sám hối, tu tập, đến làm công quả… tại chùa thì mới hưởng được cộng phúc của chư tăng. Một mặt, để hốt được con nhang ở xa, họ lặp đi lặp lại tài khoản của chùa để "gửi tiền về cho các thầy, bạch lễ nhờ ơn thầy thì chữa được bệnh rất dễ".
Tự hào vì được lừa
Sẵn tâm trạng u mê cộng thêm không khí huyền hoặc của "cõi linh thiêng", hàng ngàn vạn người đã nhắm mắt dâng tiền bạc, sức lực cho những tay tổ lừa đảo mà không hề nhận ra. Vừa được ve vãn với chiêu bài tài sản là cái quý giá nhất mà mình còn dâng hiến được (khiến mình trở nên thanh cao, không ô trọc tham lam như những người khác), vừa bị hăm dọa với muôn ngàn lý do u minh như đã kể trên, họ thậm chí còn hết sức tự hào vì đã được lừa đảo.
Trong khi đó, Tập đoàn kinh tế Ba Vàng tỏ ra cực kỳ chuyên nghiệp trong truyền thông. Tổng giám đốc Thích Trúc Thái Minh và thánh dầu hỏa đều có kênh youtube, facebook, twitter, fanpage, có người lồng nhạc, làm phụ đề, minh họa rất rõ ràng. Cuối các clip không quên có các câu hỏi thăm dò và thúc giục like, share, đăng ký kênh… cùng các chiêu kích thích và lan tỏa sự u mê khác. Quả không hổ danh từng là giảng viên Đại học Kinh tế.
Nói chuẩn, bọn buôn thần bán thánh này chính là bọn lừa đảo thượng thặng và tiếp tay giết người, khi đánh vào nỗi sợ hãi mông lung của những người dân u mê ít hiểu biết và đang sợ hãi để lột tiền của họ, thay vì số tiền đó dành để chữa bệnh, làm ăn.
Nhưng chẳng hiểu sao Tập đoàn Ba Vàng hoạt động rầm rộ suốt nhiều năm, công khai trên mạng rầm rập vậy mà chỉ đến khi báo Lao động bóc mẽ thì "các cơ quan chức năng" địa phương và trung ương mới sửng sốt ớ người ra đề nghị xử lý ?
"Lói" như thánh Yến, "lếu các vị có liềm tin và tấm nòng thì thỉnh oan gia trái chủ tại chùa Ba Vàng mới được phước báo". "Liềm tin" và "tấm nòng" vào sự nghiệp kinh doanh của chùa Ba Vàng nhiều năm qua phải chăng đã được củng cố tại địa phương nhờ những tấm polime ?
Tre
Nguồn : RFA, 21/03/2019 (Tre's blog)
Tham khảo :
https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/khi-nha-chua-mang-nu-sinh-giao-ga-ra-lam-nhuc-663629.ldo
https://laodong.vn/video/clip-goi-vong-chua-ba-vang-bi-an-nguon-thu-tram-ti-663593.ldo
http://chuabavang.com.vn/tin-tuc/niem-tin-phat-phap-da-cuu-lay-ban-tay-co-khoi-u-ac-tinh...html
http://chuabavang.com.vn/tin-tuc/hanh-trinh-cua-niem-tin.html
https://www.facebook.com/groups/PhamThiYenTCHQ/permalink/401792787252852/
Chùa Ba Vàng kinh doanh thỉnh vong ‘mỗi năm thu trăm tỉ đồng’ ? (Người Việt, 20/03/2019)
Báo Lao Động hôm 20 tháng Ba tố cáo chùa Ba Vàng ở Uông Bí kinh doanh lễ "thỉnh vong giải nghiệp", mỗi tháng ba đợt, mỗi đợt dài hai ngày, thu hút hàng ngàn người tham dự mỗi đợt.
Khai hội Xuân Kỷ Hợi tại chùa Ba Vàng. (Hình : Báo Giác Ngộ)
Tờ báo ước lượng "doanh thu" từ dịch vụ này "lên đến trăm tỉ đồng mỗi năm".
Fanpage "Chùa Ba Vàng" mô tả : "Chùa Ba Vàng [xưa] được dựng vào năm Ất Dậu, triều vua Lê Dụ Tông, niên hiệu Vĩnh Thịnh (tức năm 1706) và ngôi chùa lúc đó được gắn liền với tên tuổi ngài Trúc Lâm Ma Ha Sa Môn Tuệ Bích Phổ Giác (1659-1758). Tuy nhiên, căn cứ vào những dấu tích di chỉ được các nhà khảo cổ thêm thì ngôi chùa còn có thể được xây dựng từ sớm hơn, tức là vào thời Trần thế kỷ thứ 13. Tuy nhiên chùa xưa chỉ còn là phế tích, để phát huy giá trị văn hóa lịch sử, ngôi chùa liên tiếp được đầu tư tôn tạo. Đến ngày 9 tháng Ba, 2014, chùa Ba Vàng [mới] tổ chức lễ khánh thành và nhận bằng kỷ lục "Ngôi chùa trên núi có chính điện lớn nhất Đông Dương…".
Phật tử ngồi chờ vào phòng thỉnh vong tại chùa Ba Vàng. (Hình : Lao Động)
Báo Lao Động viết, mỗi tháng, "dịch vụ" thỉnh vong giải nghiệp tại chùa Ba Vàng thu hút từ 4.000-5.000 người tham dự. Do mỗi lần, người đi thỉnh vong chỉ được trình bày đúng một vấn đề nên không ít người chọn phương án đi lại nhiều lần. Trên thực tế, lượng người bị vong "đòi nợ" ít hơn 5 triệu đồng (215 USD) là không nhiều trong khi những người bị đòi từ 7 đến 15 triệu đồng (301 USD – 646 USD) lại khá phổ biến. Đáng chú ý, đa số đi thỉnh vong đều tỏ thái độ sẵn sàng trả tiền chỉ mong được yên ổn. Bản thân bốn phóng viên của báo Lao Động trong quá trình thỉnh vong cũng bị vong "vòi" tổng cộng 26,5 triệu đồng (1.141 USD)".
Cũng theo báo Lao Động, nhân vật chủ trì lễ "thỉnh vong giải nghiệp" tại chùa Ba Vàng là bà Phạm Thị Yến, người được ghi nhận "không giữ bất cứ chức sắc gì trong chùa nhưng thường xuyên xuất hiện trong các ấn phẩm truyền bá của chùa Ba Vàng và được thấy ngồi giảng pháp cho hàng ngàn Phật tử".
"Bà Yến tận dụng các kênh truyền thông như Youtube, Facebook và cả một website mang tên mình. Theo bà, "hiện tượng bị ma nhập" trong cuộc sống rất nhiều, còn được gọi là hiện tượng bị phi nhân làm hại. Việc này gây đến rất nhiều tổn thất và đau khổ cho chính bản thân họ và gia đình nếu không tìm ra cách giải quyết phù hợp. Để giải quyết hiện tượng này, người đi giải hạn cần phải dùng tiền và làm công quả (làm không công)", theo báo Lao Động.
Một buổi lễ tại chùa Ba Vàng. (Hình : Fanpage "Chùa Ba Vàng")
Theo báo Trí Thức Trẻ, ngay trong hôm 20 tháng Ba, Ủy Ban Nhân Dân thành phố Uông Bí cấp tốc thành lập đoàn kiểm tra tin về việc truyền bá vong báo oán, mỗi năm thu trăm tỉ đồng của chùa Ba Vàng.
Cùng thời điểm, báo điện tử VTC News dẫn lời sư thầy Thích Bảo Hội, thư ký chùa Ba Vàng : "Trong một vài ngày tới, nhà chùa sẽ tổ chức họp báo để công bố thông tin chính thức, làm rõ những hoạt động tâm linh và nghi vấn truyền bá vong báo oán. Còn những thông tin trên báo Lao Động phản ánh là chưa đúng đâu". Tờ báo cũng ghi lại lời của Đại Đức Thích Trúc Thái Minh, trụ trì chùa Ba Vàng : "Việc quy chụp cho chùa thế này thế kia, trục lợi hàng trăm tỉ đồng là rất bậy bạ. Chùa Ba Vàng không phải là chùa nhỏ mà còn được cả thế giới biết đến…" (T.K.)
*****************
Sau 'cụ' Hồ, ‘cụ’ rùa cũng được ướp xác và trưng bày (VOA, 20/03/2019)
Sau 3 năm từ khi mất, ‘Cụ rùa Hồ Gươm’ – một biểu tượng tâm linh của thành phố Hà Nội – đã được đưa ra trưng bày tại Đền Ngọc Sơn, cách không xa ‘Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh’, nơi đặt thi hài của vị lãnh tụ quá cố.
Hình ảnh 'cụ' rùa đã được nhựa hóa và trưng bày tại đền Ngọc Sơn, Hà Nội. (Ảnh chụp màn hình VNExpress)
Theo truyền thông trong nước, mẫu vật ‘Cụ’ rùa – được cho là cá thể rùa cuối cùng ở hồ Hoàn Kiếm được tìm thấy chết ngày 19/1/2016 – bắt đầu được trưng bày tại di tích trên hồ Hoàn Kiếm ở Hà Nội từ ngày 16/3.
‘Cụ’ rùa được bảo quản theo phương pháp nhựa hóa của Đức và việc chế tác mẫu rùa được thực hiện trong thời gian hơn 2 năm, theo Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội.
An ninh Thủ đô trích nguồn tin của sở KHCN cho biết đây là ‘phương pháp chế tác hiện đại nhất thế giới’. Phương pháp này "bảo quản mẫu vật tiên tiến với khả năng bảo quản nguyên trạng mẫu vật từ hình hài, màu sắc, kể cả những phần khó như mắt và diềm mai".
Báo New York Times nhận định như vậy, ‘Cụ’ rùa đã được đưa vào nhóm những ‘nhân vật’ ưu việt được ướp và trưng bày trong các thể chế Cộng sản, trong đó có Lenin, Mao, Kim Il-sung và Kim Jong-il của Triều Tiên, và Chủ tịch Hồ Chí Minh của Việt Nam.
Trao đổi với Đài VOA, nhà rùa học Hà Đình Đức cho biết ‘Cụ rùa’ được ngâm trong một loại hóa chất "để nó ngấm vào các mô và tế bào và biến chúng thành nhựa". Với phương pháp mà Phó Giáo sư Tiến sĩ Đức cho biết là mới được áp dụng từ những năm 1990, ‘Cụ rùa’ sẽ được bảo quản "bền lâu và ít bị tác động bởi điều kiện khí hậu ẩm ướt và nồm như ở Việt Nam".
Phương pháp nhựa hóa được một chuyên gia giải phẫu người Đức phát triển vào cuối những năm 1970.
Tiến sĩ Đức cho biết trước khi có công nghệ nhựa hóa, phương pháp ướp truyền thống – là phương pháp được dùng để bảo quản thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh – ngâm thi thể trong hóa chất, trong đó có phoóc-môn (formaldehyde).
"Cụ Hồ sau một thời gian phải xử lý hóa chất lại rồi đưa lên (trưng bày) còn tiêu bản của ‘Cụ’ rùa thì trưng bày trường kỳ luôn", theo Phó Giáo sư Tiến sĩ Đức.
Theo bản tin Reuters, sau khi qua đời năm 1969, ông Hồ Chí Minh đã được ướp xác theo công nghệ của Liên Xô. Hàng năm, lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Hà Nội đóng cửa khoảng 2 tháng để các kỹ thuật viên người Nga giúp bảo dưỡng thi hài ông.
Trong khi "ông Hồ tượng trưng cho các cuộc đấu tranh chống thực dân đòi độc lập, và thậm chí cho chủ nghĩa dân tộc mới", theo nhận định của giáo sư môn nhân loại học của Đại học California phân viện Berkeley, Alexei Yurchak, thì ‘Cụ’ Rùa, theo truyền thông trong nước, được người Hà Nội coi là một biểu tượng của độc lập và trường tồn của dân tộc.
Theo truyền thuyết, ‘Cụ rùa’ cho vua Lê mượn kiếm để đánh tan giặc phương Bắc. Cái chết của ‘Cụ’ rùa vào năm 2016, diễn ra trong thời gian đang có tranh luận trên khắp nước về làm thế nào để Việt Nam ‘thoát Trung’ – độc lập về chính trị và kinh tế với Trung Quốc, đã làm dấy lên một nỗi buồn lớn trong công chúng lúc đó. Theo báo New York Times, một số người xem cái chết của Cụ Rùa "là một điềm gở cho đất nước và Đảng Cộng sản" đã nắm quyền trong nhiều thập kỷ.
‘Cụ’ rùa đang được đặt trong lồng kính tại đền Ngọc Sơn, trên Hồ Hoàn Kiếm, cách không xa Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, nơi mà lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong-Un đã tới thăm hôm 2/3 sau cuộc gặp thượng đỉnh không thành công với Tổng thống Mỹ Donald Trump ở Hà Nội.
*******************
Việt Nam vẫn lúng túng trong xử lý rác thải nông thôn (RFA, 19/03/2019)
Tại các khu vực nông thôn Việt Nam, trên 80% rác thải cũng như hầu hết các loại bao bì thuốc trừ sâu sau khi sử dụng không được thu gom và xử lý đúng cách.
Hình minh họa. Một người đàn ông nhặt rác tại một bãi rác ở Hà Nội hôm 4/6/2018 - AFP
Thông tin trên được trang tin điện tử xinhuanet.com dẫn lại từ báo chí trong nước hôm 19/3.
Trong khi đó, trang thông tin của Thông tấn xã Việt Nam dẫn nguồn tin từ Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, hàng năm có trên 13 triệu tấn rác và khoảng 7,500 tấn bao bì thuốc trừ sâu sau sử dụng tại nông thôn, phần lớn bị vứt trực tiếp ra môi trường, gây ra những vấn đề nhức nhối về môi trường.
Một nghiên cứu do Tiến sĩ Trần Ngọc Ngoạn, Viện trưởng Viện địa lý - Học viện Khoa học xã hội Việt Nam – thực hiện, cho biết phần lớn rác thải ở nông thôn được đốt sau đó.
Ngoài ra, các gia đình ở nông thôn thường vứt rác ra vườn nhà hoặc gom cùng nhau để vứt ra một khu vực công cộng, như bên đường hoặc một con kênh.
Ở Việt Nam, hiện có khoảng 60 triệu người sống ở nông thôn, chiếm khoảng 73% dân số.
Việc lạm dụng thuốc diệt côn trùng và phân bón ở vùng nông thôn theo Vietnamnews đang gây ảnh hưởng xấu đến môi trường nước và đất. Trong khi đó việc thu gom và xử lý không đúng các thùng chứa thuốc và phân bón dẫn đến tồn dư hóa chất gây hại cho nước mặt như ao hồ, sông, nước ngầm và cả đất.
Ngoài ra, theo nghiên cứu của Tiến sĩ Trần Ngọc Ngoạn, Việt Nam có khoảng hơn 314 triệu gia cầm 37 triệu gia xúc, thải ra khoảng hơn 84 triệu tấn chất thải mỗi năm. Chỉ có một nửa trong số này được xử lý trong khi nửa còn lại thải trực tiếp ra môi trường.
Theo Vietnamnews, Việt Nam đã có khung pháp lý và chính sách để giải quyết vấn đề rác thải ở nông thôn. Tuy nhiên, các cơ quan chính phủ vẫn còn lẫn lộn trong vai trò và trách nhiệm của mình đối với vấn đề này.