Chùa Ba Vàng kinh doanh thỉnh vong ‘mỗi năm thu trăm tỉ đồng’ ? (Người Việt, 20/03/2019)
Báo Lao Động hôm 20 tháng Ba tố cáo chùa Ba Vàng ở Uông Bí kinh doanh lễ "thỉnh vong giải nghiệp", mỗi tháng ba đợt, mỗi đợt dài hai ngày, thu hút hàng ngàn người tham dự mỗi đợt.
Khai hội Xuân Kỷ Hợi tại chùa Ba Vàng. (Hình : Báo Giác Ngộ)
Tờ báo ước lượng "doanh thu" từ dịch vụ này "lên đến trăm tỉ đồng mỗi năm".
Fanpage "Chùa Ba Vàng" mô tả : "Chùa Ba Vàng [xưa] được dựng vào năm Ất Dậu, triều vua Lê Dụ Tông, niên hiệu Vĩnh Thịnh (tức năm 1706) và ngôi chùa lúc đó được gắn liền với tên tuổi ngài Trúc Lâm Ma Ha Sa Môn Tuệ Bích Phổ Giác (1659-1758). Tuy nhiên, căn cứ vào những dấu tích di chỉ được các nhà khảo cổ thêm thì ngôi chùa còn có thể được xây dựng từ sớm hơn, tức là vào thời Trần thế kỷ thứ 13. Tuy nhiên chùa xưa chỉ còn là phế tích, để phát huy giá trị văn hóa lịch sử, ngôi chùa liên tiếp được đầu tư tôn tạo. Đến ngày 9 tháng Ba, 2014, chùa Ba Vàng [mới] tổ chức lễ khánh thành và nhận bằng kỷ lục "Ngôi chùa trên núi có chính điện lớn nhất Đông Dương…".
Phật tử ngồi chờ vào phòng thỉnh vong tại chùa Ba Vàng. (Hình : Lao Động)
Báo Lao Động viết, mỗi tháng, "dịch vụ" thỉnh vong giải nghiệp tại chùa Ba Vàng thu hút từ 4.000-5.000 người tham dự. Do mỗi lần, người đi thỉnh vong chỉ được trình bày đúng một vấn đề nên không ít người chọn phương án đi lại nhiều lần. Trên thực tế, lượng người bị vong "đòi nợ" ít hơn 5 triệu đồng (215 USD) là không nhiều trong khi những người bị đòi từ 7 đến 15 triệu đồng (301 USD – 646 USD) lại khá phổ biến. Đáng chú ý, đa số đi thỉnh vong đều tỏ thái độ sẵn sàng trả tiền chỉ mong được yên ổn. Bản thân bốn phóng viên của báo Lao Động trong quá trình thỉnh vong cũng bị vong "vòi" tổng cộng 26,5 triệu đồng (1.141 USD)".
Cũng theo báo Lao Động, nhân vật chủ trì lễ "thỉnh vong giải nghiệp" tại chùa Ba Vàng là bà Phạm Thị Yến, người được ghi nhận "không giữ bất cứ chức sắc gì trong chùa nhưng thường xuyên xuất hiện trong các ấn phẩm truyền bá của chùa Ba Vàng và được thấy ngồi giảng pháp cho hàng ngàn Phật tử".
"Bà Yến tận dụng các kênh truyền thông như Youtube, Facebook và cả một website mang tên mình. Theo bà, "hiện tượng bị ma nhập" trong cuộc sống rất nhiều, còn được gọi là hiện tượng bị phi nhân làm hại. Việc này gây đến rất nhiều tổn thất và đau khổ cho chính bản thân họ và gia đình nếu không tìm ra cách giải quyết phù hợp. Để giải quyết hiện tượng này, người đi giải hạn cần phải dùng tiền và làm công quả (làm không công)", theo báo Lao Động.
Một buổi lễ tại chùa Ba Vàng. (Hình : Fanpage "Chùa Ba Vàng")
Theo báo Trí Thức Trẻ, ngay trong hôm 20 tháng Ba, Ủy Ban Nhân Dân thành phố Uông Bí cấp tốc thành lập đoàn kiểm tra tin về việc truyền bá vong báo oán, mỗi năm thu trăm tỉ đồng của chùa Ba Vàng.
Cùng thời điểm, báo điện tử VTC News dẫn lời sư thầy Thích Bảo Hội, thư ký chùa Ba Vàng : "Trong một vài ngày tới, nhà chùa sẽ tổ chức họp báo để công bố thông tin chính thức, làm rõ những hoạt động tâm linh và nghi vấn truyền bá vong báo oán. Còn những thông tin trên báo Lao Động phản ánh là chưa đúng đâu". Tờ báo cũng ghi lại lời của Đại Đức Thích Trúc Thái Minh, trụ trì chùa Ba Vàng : "Việc quy chụp cho chùa thế này thế kia, trục lợi hàng trăm tỉ đồng là rất bậy bạ. Chùa Ba Vàng không phải là chùa nhỏ mà còn được cả thế giới biết đến…" (T.K.)
*****************
Sau 'cụ' Hồ, ‘cụ’ rùa cũng được ướp xác và trưng bày (VOA, 20/03/2019)
Sau 3 năm từ khi mất, ‘Cụ rùa Hồ Gươm’ – một biểu tượng tâm linh của thành phố Hà Nội – đã được đưa ra trưng bày tại Đền Ngọc Sơn, cách không xa ‘Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh’, nơi đặt thi hài của vị lãnh tụ quá cố.
Hình ảnh 'cụ' rùa đã được nhựa hóa và trưng bày tại đền Ngọc Sơn, Hà Nội. (Ảnh chụp màn hình VNExpress)
Theo truyền thông trong nước, mẫu vật ‘Cụ’ rùa – được cho là cá thể rùa cuối cùng ở hồ Hoàn Kiếm được tìm thấy chết ngày 19/1/2016 – bắt đầu được trưng bày tại di tích trên hồ Hoàn Kiếm ở Hà Nội từ ngày 16/3.
‘Cụ’ rùa được bảo quản theo phương pháp nhựa hóa của Đức và việc chế tác mẫu rùa được thực hiện trong thời gian hơn 2 năm, theo Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội.
An ninh Thủ đô trích nguồn tin của sở KHCN cho biết đây là ‘phương pháp chế tác hiện đại nhất thế giới’. Phương pháp này "bảo quản mẫu vật tiên tiến với khả năng bảo quản nguyên trạng mẫu vật từ hình hài, màu sắc, kể cả những phần khó như mắt và diềm mai".
Báo New York Times nhận định như vậy, ‘Cụ’ rùa đã được đưa vào nhóm những ‘nhân vật’ ưu việt được ướp và trưng bày trong các thể chế Cộng sản, trong đó có Lenin, Mao, Kim Il-sung và Kim Jong-il của Triều Tiên, và Chủ tịch Hồ Chí Minh của Việt Nam.
Trao đổi với Đài VOA, nhà rùa học Hà Đình Đức cho biết ‘Cụ rùa’ được ngâm trong một loại hóa chất "để nó ngấm vào các mô và tế bào và biến chúng thành nhựa". Với phương pháp mà Phó Giáo sư Tiến sĩ Đức cho biết là mới được áp dụng từ những năm 1990, ‘Cụ rùa’ sẽ được bảo quản "bền lâu và ít bị tác động bởi điều kiện khí hậu ẩm ướt và nồm như ở Việt Nam".
Phương pháp nhựa hóa được một chuyên gia giải phẫu người Đức phát triển vào cuối những năm 1970.
Tiến sĩ Đức cho biết trước khi có công nghệ nhựa hóa, phương pháp ướp truyền thống – là phương pháp được dùng để bảo quản thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh – ngâm thi thể trong hóa chất, trong đó có phoóc-môn (formaldehyde).
"Cụ Hồ sau một thời gian phải xử lý hóa chất lại rồi đưa lên (trưng bày) còn tiêu bản của ‘Cụ’ rùa thì trưng bày trường kỳ luôn", theo Phó Giáo sư Tiến sĩ Đức.
Theo bản tin Reuters, sau khi qua đời năm 1969, ông Hồ Chí Minh đã được ướp xác theo công nghệ của Liên Xô. Hàng năm, lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Hà Nội đóng cửa khoảng 2 tháng để các kỹ thuật viên người Nga giúp bảo dưỡng thi hài ông.
Trong khi "ông Hồ tượng trưng cho các cuộc đấu tranh chống thực dân đòi độc lập, và thậm chí cho chủ nghĩa dân tộc mới", theo nhận định của giáo sư môn nhân loại học của Đại học California phân viện Berkeley, Alexei Yurchak, thì ‘Cụ’ Rùa, theo truyền thông trong nước, được người Hà Nội coi là một biểu tượng của độc lập và trường tồn của dân tộc.
Theo truyền thuyết, ‘Cụ rùa’ cho vua Lê mượn kiếm để đánh tan giặc phương Bắc. Cái chết của ‘Cụ’ rùa vào năm 2016, diễn ra trong thời gian đang có tranh luận trên khắp nước về làm thế nào để Việt Nam ‘thoát Trung’ – độc lập về chính trị và kinh tế với Trung Quốc, đã làm dấy lên một nỗi buồn lớn trong công chúng lúc đó. Theo báo New York Times, một số người xem cái chết của Cụ Rùa "là một điềm gở cho đất nước và Đảng Cộng sản" đã nắm quyền trong nhiều thập kỷ.
‘Cụ’ rùa đang được đặt trong lồng kính tại đền Ngọc Sơn, trên Hồ Hoàn Kiếm, cách không xa Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, nơi mà lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong-Un đã tới thăm hôm 2/3 sau cuộc gặp thượng đỉnh không thành công với Tổng thống Mỹ Donald Trump ở Hà Nội.
*******************
Việt Nam vẫn lúng túng trong xử lý rác thải nông thôn (RFA, 19/03/2019)
Tại các khu vực nông thôn Việt Nam, trên 80% rác thải cũng như hầu hết các loại bao bì thuốc trừ sâu sau khi sử dụng không được thu gom và xử lý đúng cách.
Hình minh họa. Một người đàn ông nhặt rác tại một bãi rác ở Hà Nội hôm 4/6/2018 - AFP
Thông tin trên được trang tin điện tử xinhuanet.com dẫn lại từ báo chí trong nước hôm 19/3.
Trong khi đó, trang thông tin của Thông tấn xã Việt Nam dẫn nguồn tin từ Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, hàng năm có trên 13 triệu tấn rác và khoảng 7,500 tấn bao bì thuốc trừ sâu sau sử dụng tại nông thôn, phần lớn bị vứt trực tiếp ra môi trường, gây ra những vấn đề nhức nhối về môi trường.
Một nghiên cứu do Tiến sĩ Trần Ngọc Ngoạn, Viện trưởng Viện địa lý - Học viện Khoa học xã hội Việt Nam – thực hiện, cho biết phần lớn rác thải ở nông thôn được đốt sau đó.
Ngoài ra, các gia đình ở nông thôn thường vứt rác ra vườn nhà hoặc gom cùng nhau để vứt ra một khu vực công cộng, như bên đường hoặc một con kênh.
Ở Việt Nam, hiện có khoảng 60 triệu người sống ở nông thôn, chiếm khoảng 73% dân số.
Việc lạm dụng thuốc diệt côn trùng và phân bón ở vùng nông thôn theo Vietnamnews đang gây ảnh hưởng xấu đến môi trường nước và đất. Trong khi đó việc thu gom và xử lý không đúng các thùng chứa thuốc và phân bón dẫn đến tồn dư hóa chất gây hại cho nước mặt như ao hồ, sông, nước ngầm và cả đất.
Ngoài ra, theo nghiên cứu của Tiến sĩ Trần Ngọc Ngoạn, Việt Nam có khoảng hơn 314 triệu gia cầm 37 triệu gia xúc, thải ra khoảng hơn 84 triệu tấn chất thải mỗi năm. Chỉ có một nửa trong số này được xử lý trong khi nửa còn lại thải trực tiếp ra môi trường.
Theo Vietnamnews, Việt Nam đã có khung pháp lý và chính sách để giải quyết vấn đề rác thải ở nông thôn. Tuy nhiên, các cơ quan chính phủ vẫn còn lẫn lộn trong vai trò và trách nhiệm của mình đối với vấn đề này.