Một thầy giáo mất việc vì treo cờ vàng muốn khởi kiện (VOA, 22/03/2019)
Một thầy giáo mất việc sau khi bị khởi tố vì tổ chức kỷ niệm 20 năm ngày "Sài Gòn thất thủ" với lá cờ vàng 3 sọc đỏ muốn kiện công an tỉnh Phú Yên đòi bồi thường oan sai và lấy lại thanh danh.
Thầy giáo Nguyễn Nhiên (phải) và Luật sư Võ An Đôn. Cựu thày giáo dạy sử đang tìm cách kiện công an tỉnh Phú Yên sau 24 năm kể từ khi ông bị khởi tố do tổ chức kỷ niệm ngày "Sài Gòn thất thủ" với cờ vàng và sau đó mất việc (Ảnh Facebook Đôn An Võ).
Thầy giáo Nguyễn Nhiên cho VOA biết ông đã tổ chức một buổi lễ kỷ niệm vào ngày 30/4/1995 tại tư gia trong đó có vòng hoa cùng lá cờ của Việt Nam Cộng hòa trước khi bị thất thủ ngày 30/4/1975.
Ông Nhiên cho biết ông đã chụp ảnh đứng bên cạnh cờ vàng và hoa cùng khẩu hiệu "Truy niệm 20 năm ngày Sài Gòn thất thủ". Đó cũng là năm hai chính phủ Việt Nam và Mỹ bình thường hóa quan hệ ngoại giao sau 2 thập kỷ kết thúc chiến tranh.
Với tư cách là một trí thức và cũng là một thày giáo dạy sử, ông Nhiên cho rằng việc tổ chức một buổi lễ kỷ niệm như vậy cùng với một số bạn bè là một sinh hoạt văn hóa bình thường để ngẫm nghĩ về những sự kiện lịch sử đã qua đi.
Mặc dù mới chỉ có 9 tuổi khi "Sài Gòn thất thủ" ngày 30/4/1975, thầy giáo Nhiên giải thích rằng ông đã từng chào cờ vàng 3 sọc đỏ trong ba năm ở trường tiểu học và xem đó là "một biến cố quá lớn đối với nước Việt Nam và người dân miền Nam".
"Lúc đó tôi còn trẻ nhưng mình đã sống, học hành và có tuổi ấu thơ ở đó. Biến cố đó xảy ra làm thay đổi xã hội và chính trị ghê gớm : có sự phân biệt đối xử giữa những người miền Bắc và miền Nam".
Gần 4 tháng sau đó, Công an tỉnh Phú Yên ra quyết định khởi tố ông với tội danh "Tuyên truyền chống chế độ xã hội chủ nghĩa".
"Trong khi luật pháp Việt Nam không có điều luật nào cấm công dân treo Cờ vàng", theo Luật sư Võ An Đôn, người được thầy giáo Nhiên nhờ giúp đỡ về mặt pháp lý để thực hiện vụ kiện này.
Nhận biết việc truy tố thầy giáo Nhiên là sai luật, sau hai tháng điều tra Công an tỉnh Phú Yên ra Quyết định đình chỉ điều tra bị can và chuyển sang hình thức xử phạt hành chính.
Quyết định đình chỉ điều tra của công an Phú Yên đối với thầy giáo Nhiên. Đây là lần đầu tiên ông Nhiên đưa ra tài liệu mà, theo ông cho biết, cơ quan công an nói ông "phải giữ bí mật".
"Điều tra không được thì người ta trả tự do cho mình. Nhưng có điều ngành giáo dục cho mình nghỉ việc là trái pháp lý", thầy Nhiên cho biết.
Sở Giáo dục tỉnh Phú Yên đã căn cứ vào Quyết định khởi tố bị can để cho thầy giáo Nhiên nghỉ dạy từ 8/1/1996.
Thầy giáo Nhiên, từng dạy ở trường Trung học cơ sở Lương Tấn Thịnh ở huyện Đông Hòa của tỉnh Phú Yên, đã gửi đơn khiếu nại các cơ quan cấp tỉnh, cấp trung ương và thậm chí cả tòa án nhưng không được hồi đáp.
Trong lần xem xét để khởi kiện lần này, thày giáo Nhiên lần đầu tiên đưa ra những những giấy tờ của 24 năm trước trong đó có quyết định đình chỉ điều tra bị can mà Công an tỉnh Phú Yên dặn ông "giữ bí mật, không được cho bất kỳ người nào xem" vì "đây là tài liệu tối mật của nhà nước".
Luật sư Võ An Đôn cho VOA biết ông đang nghiên cứu luật của vụ này. Tuy nhiên, vị luật sư này nói rằng do vụ việc "xảy ra rất lâu nên sợ hết thời hiệu khởi kiện".
"Nếu vụ này mà xảy ra hiện tại hoặc vài năm gần đây thì thắng kiện 100%", theo Luật sư Đôn.
Mặc dù không có nhiều hy vọng, nhưng thầy giáo Nhiên nói rằng ông muốn kiện cơ quan Công an tỉnh một phần "để giải tỏa tâm lý" khi ông bị người dân địa phương nghĩ rằng "mình là phản động".
"Để xóm làng và địa phương mình, thậm chí cả (toàn) Việt Nam thay đổi suy nghĩ rằng thực ra (tôi) không phải là một người chống phá (nhà nước) hay phản quốc gì cả".
Thầy giáo Nhiên còn muốn rằng việc khởi kiện của ông sẽ thay đổi tư duy nhìn nhận lịch sử và "Luật pháp lúc nào cũng phải bảo vệ và tôn trọng quyền tự do của người dân".
https://youtu.be/ape0Cc0dd44?list=PL231429C17BE39E34
******************
Vụ nhà báo Trương Duy Nhất rất... đơn giản (RFA, 22/03/2019)
Ngày 25/1/2019, ông Nhất được cho là xuất hiện tại UNHCR tại Thái Lan.
Blogger Trương Duy Nhất trước trụ sở Liên Hiệp Quốc ở New York, Mỹ, năm 2016 - Courtesy of FB Trương Duy Nhất
Ngày 26/1/2019, ông Nhất được coi là mất tích tại một khu mua sắm trên đất Thái.
Ngày 9/2/2019., bà Cao Thị Xuân Phượng, vợ nhà báo Trương Duy Nhất, đã gửi "đơn thỉnh cầu giúp đỡ tìm người thân" đến các lãnh đạo Chính phủ, Bộ Ngoại giao, Bộ quốc Phòng, Bộ Công an và Công an thành phố Đà Nẵng để yêu cầu giúp đỡ tìm kiếm, xác định xem ông Trương Duy Nhất đang ở đâu và bày tỏ lo lắng cho tính mạng của chồng mình. Theo lá đơn này, ông Trương Duy Nhất rời khỏi thành phố Đà Nẵng hơn một tháng nay không lý do.
Ngày 27 - 28/2/2019, cuộc gặp thượng đỉnh Trunmp - Kim diễn ra với kết quả không thành công như mong đợi của "Việt Nam - Trung tâm hòa giải xung đột quốc tế" ( !).
Ngày 20/3/2019, cô Trương Thục Đoan (con gái ông Nhất) cho BBC hay : "Một người, hôm 15/3, không biết là ai, gọi cho mẹ ở Việt Nam báo là ba hiện đang bị giam ở T16".
Sau đó, vợ ông Nhất đã đến T16 để làm thủ tục thăm nuôi và được cấp sổ. Theo sổ này, ông Nhất bị bắt ngày 28/1/2019 và trong cùng ngày đã chuyển đến trại T16.
Gần 3 tháng qua, tung tích của nhà báo Trương Duy Nhất đã sáng tỏ.
Truy nã & đầu thú (?!)
Theo quy định tại Điều 231 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 - Truy nã bị can :
1. Khi bị can trốn hoặc không biết rõ bị can đang ở đâu thì Cơ quan điều tra phải ra quyết định truy nã bị can.
2. Quyết định truy nã ghi rõ họ tên, ngày, tháng, năm sinh, nơi cư trú của bị can, đặc điểm để nhận dạng bị can, tội phạm mà bị can đã bị khởi tố và các nội dung quy định tại khoản 2 Điều 132 của Bộ luật này ; kèm theo ảnh bị can (nếu có).
Quyết định truy nã bị can được gửi cho Viện kiểm sát cùng cấp và thông báo công khai để mọi người phát hiện, bắt người bị truy nã.
3. Sau khi bắt được bị can theo quyết định truy nã thì Cơ quan điều tra đã ra quyết định truy nã phải ra quyết định đình nã. Quyết định đình nã được gửi cho Viện kiểm sát cùng cấp và thông báo công khai.
Theo trên, chắc chắn không có một lệnh truy nã nào được ban hành đối với nhà báo Trương Duy Nhất, bởi cho đến hiện nay, không có văn bản pháp lý nào được ban hành đủ để gọi ông Nhất là "bị can". Điều này có nghĩa, không thấy bất kỳ một tội danh nào cáo buộc ông Nhất, từ cơ quan pháp luật của nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (!).
Nhà báo Trương Duy Nhất cũng không thể làm điều gọi là "đầu thú", bởi không chỉ vợ ông cho biết sự vắng mặt lâu ngày và không có lý do của chồng làm bà bất an, mà còn do ông Nhất có thể "đi chơi loanh quanh" đâu đó (!).
Ngày 28/01/2019 (?)
Theo nguồn tin báo chí, vợ ông Nhất đã gởi đồ thăm nuôi và nhận sổ theo quy định, trong đó cho hay, ông bị nhà cầm quyền Việt Nam bắt ngày 28/01/2019.
Như vậy, "kịch bản đầu thú" theo cách Trịnh Xuân Thanh không thể xảy ra như dư luận dự đoán.
Điều cần làm rõ, chính là biên bản bắt nhà báo Trương Duy Nhất có ghi rõ lý do bị bắt cùng các căn cứ không ? Điều đáng băn khoăn hơn nhiều, ông Nhất có ký vào biên bản đó không ?
Nếu ông Nhất đã ký vào biên bản dưới sự o ép và đe dọa nào đó, coi như nhà cầm quyền Việt Nam đã... "chiến thắng" trước dư luận trong và ngoài nước.
Các thông tin bên ngoài không còn giá trị
Một khi ông Nhất đã ký vào biên bản bắt giữ (bất chấp lý do và căn cứ), nghĩa là ông Nhất đã tự tay xác định mình bị bắt ngay trên đất Việt Nam (tất nhiên, tại một địa điểm trên một tỉnh hay một thành phố thuộc Việt Nam).
Như vậy, các hình ảnh, bằng chứng v.v... từ các nguồn bên ngoài sẽ hoàn toàn vô giá trị.
Thêm vào đó, UNHCR gần như im lặng trước trường hợp này. Đồng thời, nhà nước Thái Lan có vẻ cũng không mặn mà gì lắm, cho việc "điều tra" về nhà báo Trương Duy Nhất đã xuất hiện trên đất Thái.
Một khi biên bản bắt giữ mà nhà báo Trương Duy Nhất đã trực tiếp ký vào, cũng đồng nghĩa rằng, tất cả các văn bản pháp lý như : quyết định khởi tố vụ án, quyết định khởi tố bị can, quyết định tạm giam v.v... sẽ được ký trước hay đúng ngày 28/01/2019.
Mọi thắc mắc, bàn tán suốt 2 tháng qua của dư luận, dù rất nóng bỏng và hấp dẫn, cũng không làm thay đổi được "hiện trạng" nhà báo Trương Duy Nhất đang đối mặt. "Nền báo chí cách mạng" sẽ thu xếp ổn thỏa việc đó ( !).
Nguyễn Ngọc Già
*******************
Các tổ chức nhân quyền kêu gọi Việt Nam thả Trương Duy Nhất (VOA, 22/03/2019)
Các tổ chức nhân quyền quốc tế hôm 21/3 đồng loạt lên tiếng kêu gọi Việt Nam làm rõ tình trạng của nhà báo bất đồng chính kiến Trương Duy Nhất và phóng thích ông ngay lập tức, sau khi có tin cho hay ông đã bị đưa vào trại giam ở Việt Nam gần hai tháng kể từ ngày đột ngột mất tích tại Thái Lan.
Trương Duy Nhất là một blogger cộng tác với Đài Á Châu Tự do (RFA) và là chủ website "Một Góc Nhìn Khác" chuyên bình luận và phân tích về chính trị và xã hội Việt Nam.
Trương Thục Đoan, con gái của ông Nhất hiện đang ở Canada, xác nhận với VOA rằng mẹ cô đã đi thăm nuôi cha cô hôm 20/3 ở trại giam T16 ở Thanh Oai, Hà Nội. Cô nói mẹ cô chỉ được gửi vào một chút đồ ăn và quần áo, chưa được gặp mặt ông Nhất nên "hoàn toàn vẫn chưa biết" tình hình sức khỏe của ông ra sao.
"Cho đến bây giờ từ phía gia đình và luật sư Trần Vũ Hải vẫn chưa nhận được bất kì thông báo chính thức nào về việc bắt giam ba", cô nói trong một email gửi cho VOA.
Cô cho biết thêm gia đình cô và luật sư vẫn chưa nhận được thông báo hay giấy tờ văn bản xác nhận gì từ phía chính quyền Việt Nam về lý do ông Nhất bị bắt.
Nhà văn Phạm Xuân Nguyên, một người bạn của ông Nhất, cho biết ông là người đã đưa vợ ông Nhất là bà Cao Thị Xuân Phượng vào trại giam T16. Ông nói bà được cấp một cuốn "sổ tiếp tế, thăm gặp" cho những lần sau.
"Trong cuốn số ghi ngày bắt giữ ông ấy là 28 tháng 1, 2019… Nó ghi rằng ông ấy bị chuyển vào trại trong cùng ngày", ông Nguyên nói với hãng tin AFP hôm 21/3.
Cùng ngày, các tổ chức nhân quyền quốc tế thúc giục nhà chức trách Việt Nam làm rõ lý do vì sao ông Nhất bị bắt cóc khỏi Thái Lan hôm 26/1, tức là một ngày sau khi ông đến văn phòng của Cao ủy Người Tị nạn Liên Hiệp Quốc tại Bangkok để xin tị nạn.
"Những bản tin cho hay ông Nhất đang bị giam trong tù ở Hà Nội là cực kì đáng lo ngại", Joanne Mariner, Cố vấn Khủng hoảng Cao cấp của tổ chức Ân xá Quốc tế nói trong một thông cáo. "Nhà chức trách Việt Nam và Thái Lan cần phải nói thật về chuyện tại sao và bằng cách nào mà ông Nhất trở về Việt Nam nhanh như vậy sau khi ông đăng kí xin tị nạn ở Bangkok".
Bà kêu gọi Hà Nội cho ông Nhất được quyền tiếp cận luật sư ngay lập tức và được đưa ra trước một thẩm phán, nếu đúng là ông đang bị giam giữ. "Trừ phi nhà chức trách có thể cho thấy cơ sở hợp lý để giam giữ ông Nhất, bằng không họ phải phóng thích ông ngay tức thì", bà nói thêm.
Ủy ban Bảo vệ Ký giả (CPJ) cũng kêu gọi nhà chức trách Việt Nam thả ông Nhất "ngay lập tức và vô điều kiện" và đề nghị Việt Nam và Thái Lan phải buộc những người đứng sau vụ bắt cóc ông "chịu trách nhiệm đến mức tối đa theo luật pháp địa phương".
Tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF) nói vào lúc này, "mọi chuyện cho thấy ông [Nhất] bị bắt giữ vì hoạt động báo chí của mình" và kêu gọi xác định chính xác vai trò của nhà chức trách Thái Lan trong vụ việc.
Việt Nam chưa lên tiếng chính thức về vụ việc liên quan đến ông Nhất.
Vụ mất tích của ông gợi liên tưởng đến vụ cựu lãnh đạo dầu khí Trịnh Xuân Thanh bị mật vụ Việt Nam bắt cóc hồi năm 2017 ở Berlin, Đức, nơi ông Thanh khi đó đang xin tị nạn. Ông Thanh sau đó tái xuất hiện ở Việt Nam và bị kết án tù chung thân về các cáo buộc tham nhũng.
Ông Nhất là một blogger cộng tác với Đài Á Châu Tự do (RFA) và là chủ website "Một Góc Nhìn Khác" chuyên bình luận và phân tích về chính trị và xã hội Việt Nam. Ông từng bị kết án hai năm tù vào năm 2014 về tội "lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước".
John Lansing, Giám đốc điều hành Cơ quan Truyền thông Toàn cầu Hoa Kỳ - cơ quan quản lý đài VOA và RFA, trong một thông cáo hồi tháng 2, gọi ông Nhất là một trong những "nhà báo dũng cảm" vẫn kiên định bất chấp những hiểm nguy "vì họ tin vào sức mạnh của báo chí độc lập tạo nên một thế giới tốt đẹp hơn".
******************
RSF kêu gọi Việt Nam công bố lý do bắt blogger Trương Duy Nhất (RFI, 22/03/2019)
Trong thông cáo đề ngày 21/03/2019, tổ chức Phóng viên Không biên giới (RSF) có trụ sở tại Paris kêu gọi chính quyền Việt Nam làm rõ tình trạng của blogger Trương Duy Nhất, bị mất tích từ cuối tháng Giêng và đến hôm thứ Tư thì được biết đang bị giam tại Hà Nội.
Ảnh minh họa.AFP
Ông Daniel Bastard, phụ trách khu vực châu Á – Thái Bình Dương của Phóng viên Không biên giới đề nghị Việt Nam nhanh chóng cho biết về tình hình của ông Trương Duy Nhất, vì sao lại bị bắt tại Thái Lan. Ông Bastard tuyên bố : "Hiện nay, tất cả đều cho thấy ông Nhất bị bắt giam vì hoạt động báo chí. Cũng rất cần thiết định rõ vai trò cụ thể của chính quyền Thái Lan trong vụ này".
Thông cáo của RSF nhắc lại, ông Trương Duy Nhất được nhìn thấy lần cuối hôm 26/1 ở Bangkok khi đến văn phòng Cao ủy Tị nạn Liên Hiệp Quốc xin trợ giúp, và sau đó không có tin tức gì. Đến thứ Tư 20/3, vợ con ông Nhất cho biết ông đang bị giam giữ tại trại giam T16 ở Hà Nội.
Người vợ, bà Cao Thị Xuân Phượng đến hôm 15/3 mới được báo tin, bà đã đến trại giam nhưng chưa được tiếp xúc, mà chỉ được cấp một "Sổ tiếp tế, thăm gặp" cho lần tới. Trong cuốn sổ này có ghi ngày bắt là 28/01/2019 và được chuyển đến trại tù trong cùng ngày.
RSF ghi nhận ông Trương Duy Nhất vẫn chưa chính thức bị khởi tố, và lý do ông quay về Việt Nam vẫn chưa được giải thích. Theo con gái ông Nhất, thì ông không tự ý về nước. Blogger Trương Duy Nhất hồi năm 2014 bị kết án hai năm tù vì tội "lạm dụng tự do dân chủ", lập blog chỉ trích chính quyền.
*********************
Các tổ chức nhân quyền quốc tế lên tiếng về vụ blogger Trương Duy Nhất (RFA, 22/03/2019)
Ân xá Quốc tế và Ủy ban Bản vệ các nhà báo (CPJ) hôm 21/3 đã đồng loạt lên tiếng đòi Việt Nam trả tự do cho blogger Trương Duy Nhất của Đài Á Châu Tự Do.
Blogger Trương Duy Nhất - Courtesy of FB Trương Duy Nhất
Trong tuyên bố của mình, CPJ kêu gọi chính phủ Việt Nam phải trả tự do ngay lập tức cho blogger và cho phép ông đi khỏi Việt Nam.
Trong khi đó Ân Xá Quốc tế ra thông cáo yêu cầu chính phủ Thái Lan và Việt nam trả lời những câu hỏi về sự biến mất đột ngột của blogger Trương Duy Nhất khi đến Thái Lan xin quy chế tị nạn hồi cuối tháng 1 vừa qua, và nay lại bị giam giữ tại một trại giam ở Hà Nội.
Blogger Trương Duy Nhất của Đài Á Châu Tự Do đã đột ngột mất tích tại Thái Lan vào ngày 26/1, ngay sau khi đến văn phòng Cao ủy Liên hiệp quốc về người tị nạn để xin quy chế tị nạn hôm 25/1, theo xác nhận của Bạch Hồng Quyền, một người tị nạn Việt Nam khác đã giúp đỡ Nhất trong thời gian ông ở Thái Lan.
Vào ngày 20/3, cô Trương Thục Đoan, con gái blogger xác nhận với RFA rằng cha cô đang bị giam giữ tại trại T16 ở Hà Nội. Cô khẳng định cha cô không hề có ý định muốn quay về Việt Nam. Giới chức trại giam nói với mẹ của cô, vợ của blogger, là bà Cao Thị Xuân Phượng, rằng ông Trương Duy Nhất đã bị giam tại đây từ ngày 28/1. Tuy nhiên bà Phượng không được gặp ông Nhất mà chỉ có thể gửi đồ thăm nuôi cho ông trong trại giam vì lý do là việc điều tra chưa kết thúc. Phía trại giam không cho biết ông Nhất đang bị điều tra về cái gì.
"Có một khả năng lớn là ông ta đã bị chuyển về cho phía Việt Nam giam giữ bất chấp rủi ro thực sự về việc vi phạm nhân quyền trầm trọng", bà Joanne Mariner, cố vấn cao câp về khủng hoảng của Ân xá quốc tế được trích lời trong thông cáo cho biết.
"Nếu ông ta bị giam giữ thì ông ấy cần phải được tiếp xúc ngày lập tức với luật sư và cần phải được đưa ra trước thẩm phán. Nếu giới chức Việt Nam không đưa ra được bằng chứng chắc chắn để giam giữ ông Nhất, thì họ phải trả tự do cho ông ngày lập tức", bà Joanne Mariner nói.
Đại diện cấp cao của CPJ tại Đông Nam Á, ông Shawn Crispin được trích lời trong thông cáo báo chí thúc giục "giới chức Việt Nam và Thái Lan nên điều tra về hoàn cảnh xung quanh việc ông Nhất bị bắt cóc ở Thái Lan và phải đưa những người chịu trách nhiệm vụ này ra trước pháp luật".
Đã có những thông tin cho rằng có khả năng blogger Trương Duy Nhất đã bị cảnh sát Thái Lan bắt giữ khi đang ở trung tâm mua bán Future Park, ngoại ô Bangkok hôm 26/1. Sau đó cảnh sát Thái đã đưa ông đến một quán vắng ở ngoại ô Thái Lan và trao cho phía an ninh Việt Nam.
Theo Bạch Hồng Quyền, Trương Duy Nhất đã nói với anh rằng ông có những thông tin quan trọng về các quan chức cấp cao trong chính phủ Việt Nam và ông dự định sẽ công bố các thông tin này khi được định cư ở một nước khác. Ông nói ông lo sợ mình sẽ bị bắt giữ nếu còn ở Việt Nam nên đã tìm cách sang Thái Lan để tìm quy chế tị nạn.
Blogger Trương Duy Nhất là người thương xuyên có những bài viết chỉ trích chính phủ. Ông đã từng bị bắt vào năm 2013 và bị kết án tù 2 năm với cáo buộc tuyên truyền chống nhà nước. Ân Xá Quốc tế coi ông là một tù nhân lương tâm.
********************
Ân Xá Quốc Tế : Chính quyền Thái và Việt Nam cần trả lời các câu hỏi về blogger Trương Duy Nhất (RFA, 21/03/2019)
Ân Xá Quốc Tế hôm 21/3 ra thông cáo kêu gọi chính phủ Thái Lan và Việt Nam trả lời những câu hỏi về sự biến mất đột ngột của blogger Trương Duy Nhất khi đến Thái Lan xin quy chế tị nạn hồi cuối tháng 1 vừa qua, và nay lại bị giam giữ tại một trại giam ở Hà Nội.
Blogger Trương Duy Nhất tại một phiên tòa ở Đà Nẵng hôm 4/3/2014 - AFP
"Có một khả năng lớn là ông ta đã bị chuyển về cho phía Việt Nam giam giữ bất chấp rủi ro thực sự về việc vi phạm nhân quyền trầm trọng", bà Joanne Mariner, cố vấn cao câp về khủng hoảng của Ân xá quốc tế được trích lời trong thông cáo cho biết.
Blogger Trương Duy Nhất của Đài Á Châu Tự Do đã đột ngột mất tích tại Thái Lan vào ngày 26/1, ngay sau khi đến văn phòng Cao ủy Liên hiệp quốc về người tị nạn để xin quy chế tị nạn hôm 25/1, theo xác nhận của Bạch Hồng Quyền, một người tị nạn Việt Nam khác đã giúp đỡ Nhất trong thời gian ông ở Thái Lan.
Vào ngày 20/3, cô Trương Thục Đoan, con gái blogger xác nhận với RFA rằng cha cô đang bị giam giữ tại trại T16 ở Hà Nội. Cô khẳng định cha cô không hề có ý định muốn quay về Việt Nam. Giới chức trại giam nói với mẹ của cô, vợ của blogger, là bà Cao Thị Xuân Phượng, rằng ông Trương Duy Nhất đã bị giam tại đây từ ngày 28/1. Tuy nhiên bà Phượng không được gặp ông Nhất mà chỉ có thể gửi đồ thăm nuôi cho ông trong trại giam vì lý do là việc điều tra chưa kết thúc. Phía trại giam không cho biết ông Nhất đang bị điều tra về cái gì.
"Nếu ông ta bị giam giữ thì ông ấy cần phải được tiếp xúc ngày lập tức với luật sư và cần phải được đưa ra trước thẩm phán. Nếu giới chức Việt Nam không đưa ra được bằng chứng chắc chắn để giam giữ ông Nhất, thì họ phải trả tự do cho ông ngày lập tức", bà Joanne Mariner nói.
Đã có những thông tin cho rằng có khả năng blogger Trương Duy Nhất đã bị cảnh sát Thái Lan bắt giữ khi đang ở trung tâm mua bán Future Park, ngoại ô Bangkok hôm 26/1. Sau đó cảnh sát Thái đã đưa ông đến một quán vắng ở ngoại ô Thái Lan và trao cho phía an ninh Việt Nam.
Theo Bạch Hồng Quyền, Trương Duy Nhất đã nói với anh rằng ông có những thông tin quan trọng về các quan chức cấp cao trong chính phủ Việt Nam và ông dự định sẽ công bố các thông tin này khi được định cư ở một nước khác. Ông nói ông lo sợ mình sẽ bị bắt giữ nếu còn ở Việt Nam nên đã tìm cách sang Thái Lan để tìm quy chế tị nạn.
Blogger Trương Duy Nhất là người thương xuyên có những bài viết chỉ trích chính phủ. Ông đã từng bị bắt vào năm 2013 và bị kết án tù 2 năm với cáo buộc tuyên truyền chống nhà nước. Ân Xá Quốc tế coi ông là một tù nhân lương tâm.
*****************
Bạch Hồng Quyền lo lắng bị cảnh sát Thái Lan bắt giữ vì có liên quan đến blogger Trương Duy Nhất (RFA, 21/03/2018)
Bạch Hồng Quyền, một người hoạt động vì nhân quyền ở Việt Nam hiện đang lẩn trốn tại Thái Lan, đang lo ngại mình sẽ là một nạn nhân của chính quyền hai quốc gia : Việt Nam, đất nước mà anh đã bỏ ra đi 2 năm về trước khi bị truy nã vì các hoạt động xã hội, và Thái Lan, đất nước mà anh hy vọng sẽ cho mình một nơi trú ẩn an toàn.
Nhà hoạt động Bạch Hồng Quyền - Courtesy of FB
Quyền là người đã giúp đỡ Trương Duy Nhất, một blogger của Đài Á Châu Tự Do, người bị mất tích khi đang ở Bangkok hồi cuối tháng 1 vừa qua, khi đang xin quy chế tị nạn. Những nghi ngờ trước đó cho rằng Nhất bị an ninh Việt Nam bắt cóc với sự cộng tác của phía Thái Lan đã được củng cố thêm sau khi Đài Á Châu Tự Do nhận được thông tin xác nhận blogger này đang bị giam giữ tại Hà Nội. Thông tin xác nhận từ con gái của blogger là thông tin đầu tiên về ông kể từ khi ông mất tích gần 2 tháng về trước.
Trường hợp của blogger Trương Duy Nhất càng làm xấu thêm hình ảnh của Thái Lan vốn được coi là nơi lánh nạn an toàn cho những người tị nạn ở khu vực Đông Nam Á. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Thái Lan Busadee Santipaks đã từ chối không đưa ra bất cứ lời bình luận nào hôm 21/3 liên quan đến thông tin mới nhất về blogger, mà chỉ nói vắn tắt rằng vấn đề đang được cảnh sát Thái xử lý.
Blogger Trương Duy Nhất ở Bangkok hôm 25/1/2019 Courtesy of FB Thanh Hieu Bui
"Tôi hiện rất lo ngại cho sự an toàn của tôi và gia đình tôi", Bạch Hồng Quyền, 29 tuổi – cha của 3 con nhỏ, nói với Đài Á Châu Tự Do trong một cuộc phỏng vấn riêng. Mặc dù đã được Liên Hiệp Quốc cấp quy chế tị nạn vốn được coi là có thể bảo vệ người tị nạn khỏi bị bắt giữ hoặc trục xuất, Quyền nói anh vẫn phải lẩn trốn, sống tách rời khỏi gia đình mình để tránh không bị bắt giữ.
"Nếu chính phủ Thái bắt giữ tôi, họ chắc chắn sẽ trao tôi cho phía Việt Nam", Quyền nói.
Nỗi lo sợ của Quyền bắt nguồn từ những gì đã xảy ra với blogger Trương Duy Nhất, một tiếng nói chỉ trích chính phủ, người được những nhà hoạt động cho rằng đã bị phía Thái Lan bắt giữ khi đang ở tại một trung tâm mua bán ở ngoại ô Bangkok, rồi sau đó trao cho phía an ninh Việt Nam. Trương Duy Nhất cũng là người đóng góp thường xuyên các bài vở cho ban Việt ngữ, Đài Á Châu Tự Do.
Blogger Người Buôn Gió (Bùi Thanh Hiếu) hiện đang sống ở Đức, viết trên trang facebook của mình hôm 10/3 rằng cảnh sát Thái đã bắt Nhất đến một quán ăn ở ngoài Bangkok nơi các nhân viên an ninh Việt Nam đã chờ sẵn. "Khi Nhất thấy người Việt Nam đi xe đến, Nhất cự không kịp và bị những người bịt mặt này bẻ tay, trùm đầu vất lên xe tiêm thuốc mê", blogger Người Buôn Gió viết.
Blogger Trương Duy Nhất (giữa) cùng vợ (phải) và con sau khi ra tù hồi năm 2015 Courtesy of FB Truong Huy San
Chính phủ Thái Lan nói rằng họ đang điều tra trường hợp của blogger Trương Duy Nhất. Đây cũng là trường hợp khiến một số dân biểu Mỹ phải quan tâm lên tiếng. Phản ứng từ chính phủ của Tổng thống Trump đến giờ này là im lặng. Chính phủ Mỹ thường tránh chỉ trích tình trạng nhân quyền ở các nước đồng minh châu Á như Thái Lan và Việt Nam, nơi đã tổ chức thượng đỉnh Mỹ - Bắc Hàn hồi tháng trước.
Về phần mình, Quyền nói anh cảm thấy mình như người bị chú ý vì những thông tin bên trong mà anh biết được về sự biến mất của Nhất. Anh nói anh đã giúp blogger tìm nơi ở tại Bangkok và giúp nộp hồ sơ xin quy chế tị nạn lên văn phòng Cao Ủy về người tị nạn của Liên Hiệp Quốc ở Bangkok hôm 25/1, một ngày trước khi Nhất mất tích, và anh có những thông tin liên quan đến việc khiến blogger hay chỉ trích chính quyền và vốn có nhiều quan hệ phải chạy trốn khỏi Việt Nam.
Con gái của Nhất, cô Trương Thục Đoan, nói rằng mẹ cô, tức blogger Nhất, là bà Cao Thị Xuân Phượng, được phía trại giam cho biết Nhất đã bị bắt từ ngày 28/1, 2 ngày sau khi ông bị bắt cóc ở Bangkok. Nhất hiện đang bị giam giữ tại trại T16 ở Hà Nội. Bà Phượng hiện vẫn chưa được phép vào thăm chồng.
"Rõ ràng là ba tôi không có ý định quay về Việt Nam", cô Trương Thục Đoan nói.
Quyền nói về nỗi sợ của mình có liên quan đến trường hợp của Nhất, và cho rằng cảnh sát Thái và Việt Nam đang muốn xóa mọi dấu vết của Nhất nhằm che đậy những gì đã xảy ra. Anh cũng nói đến những lo ngại đã được các nhà hoạt động nhân quyền đưa ra rằng chính phủ Việt Nam và chính phủ Thái Lan có thể đang muốn trao đổi các nhà bất đồng chính kiến mà họ đang tìm kiếm ở cả hai nước. Chính phủ Thái đang chuẩn bị cho cuộc bầu cử vào cuối tuần này.
"Vào lúc này, tôi không thể sống cùng gia đình tôi vì tôi biết chính phủ Thái đang theo dõi vợ tôi để tìm ra tôi", Quyền nói trong một cuộc phỏng vấn trước khi thông tin về Nhất xuất hiện. RFA đồng ý không tiết lộ thời gian và địa điểm cuộc phỏng vấn vì những lo ngại cho an toàn của Quyền.
"Chúng tôi đã không sống cùng nhau suốt khoảng 10 ngày nay. Vợ tôi hôm qua nói với tôi rằng một vài cảnh sát đã đậu xe dưới tòa nhà nơi gia đình tôi sống. Chiều qua, một vài người đã đến gõ cửa nhà tôi và vào trong để tìm xem tôi có ở nhà không nhưng họ không thấy tôi nên đã bỏ đi. Họ nói với vợ tôi là họ là an ninh của tòa nhà nhưng họ lại mặc quần áo thường", Quyền cho biết.
Quyền đang tìm kiếm việc định cư ở Canada, nơi được coi là nơi đến hàng đầu cho những người tìm quy chế tị nạn sau khi Hoa Kỳ cắt giảm đáng kể con số người tị nạn mà nước này có thể chấp nhận.
Bản copy đơn xin tị nạn của Quyền tới chính phủ Canada hôm 2/3 mà RFA có được viết : "Tôi hiện đang sống trong tình trạng cực kỳ nguy hiểm".
RFA đã gọi số điện thoại của Đại sứ quán Việt Nam tại Bangkok để xin phản ứng về những cáo buộc mà Quyền đưa ra rằng Việt Nam muốn Thái Lan trục xuất Quyền, nhưng số điện thoại dường như không hoạt động.
Giới chức di trú Thái Lan từ chối có bất cứ thông tin nào liên quan đến nỗ lực nhằm trục xuất Quyền, người đã chạy sang lánh nạn tại Thái Lan từ tháng 5 năm 2017 vì bị truy nã với cáo buộc "gây rối trật tự công cộng" sau khi anh tổ chức một cuộc diễu hành kỷ niệm vụ ô nhiễm biển miền trung Việt Nam năm 2016. Thảm họa môi trường này đã dẫn đến nhiều vụ biểu tình phản đối lớn.
Lệnh truy nã của công an với Bạch Hồng Quyền hồi năm 2017 Photo : RFA
"Chúng tôi không có thông tin Bạch Hồng Quyền trong hệ thống. Anh ta không có ở đây", Đại tá Cảnh sát Tatpong Sanawarangkoon, người phụ trách bộ phận thuộc Cơ quan di trú, nói với hãng tin BenarNews. Người đại diện cơ quan Di trú Thái nói ông không thể đưa ra nhận xét nào về những cáo buộc mà Quyền đưa ra liên quan đến việc cảnh sát Thái Lan đang tìm kiếm anh.
Mặc dù Thái Lan không phải là một nước ký Công ước về người Tị nạn năm 1951, nhưng Thái Lan đã luôn được coi là một nơi đến cho những người tị nạn chạy trốn chiến tranh và đàn áp từ các nước láng giềng.
Những vụ cưỡng bức trục xuất người tị nạn hoặc tìm kiếm quy chế tị nạn do lo ngại bị đàn áp trên thực tế là rất hiếm ở Thái kể từ sau khi Thái Lan gửi trả hơn 100 người Hồi giáo Uighur về lại Trung Quốc hồi nằm 2015, gây bất bình trong quốc tế. Tuy nhiên, những người tị nạn vẫn phải đối mặt với tình trạng bấp bênh. Gần 10% trong số hơn 5.000 người có đăng ký được quan tâm của UN tại Thái Lan hiện đang bị giam giữ trong trung tâm giam giữ của sở Di trú.
Tổ chức Phóng viên Không Biên giới hồi tuần trước nói rằng sau khi cảnh sát Thái tìm đến nhà Quyền vào ngày 1/3, họ lo ngại là giới chức Thái sẽ cho phép an ninh Việt Nam bắt cóc Quyền.
"Chúng tôi thúc giục chính phủ Thái Lan tôn trọng quy chế của Bạch Hồng Quyền và gia đình anh ta là những người tị nạn và ngưng việc đe dọa Quyền dưới bất cứ cách nào", ông Daniel Bastard, người đứng đầu phân ban Châu Á Thái Bình Dương của tổ chức Phóng viên Không Biên giới nói với RFA.
Quyền sống ở Thái Lan cùng với vợ là Bùi Hương Giang và ba con là Bạch Yến Nhi, 6 tuổi, Bạch Gia Hân, 3 tuổi và con trai Bạch Joseph, 6 tháng sinh tại Thái Lan.
Quyền nói Quyền không hối tiếc việc giúp Nhất, người đã nói với Quyền là phải dời Việt Nam vì lo sợ sẽ bị bắt giữ. Nhất cũng nói rằng ông có những thông tin bên trong có thể gây nguy hại cho Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ông nói ông có ý định sẽ công bố những thông tin này khi ông có được quy chế tị nạn ở nước khác.
Quyền giải thích rằng anh không lạ gì những sách nhiễu đối với các hoạt động xã hội của mình ở Việt Nam.
"Khi tôi bị nguy hiểm, đã có những người khác giúp đỡ tôi", Quyền nói, "Khi Trương Duy Nhất nói với tôi là anh ấy gặp nguy hiểm, là một người Việt Nam và là một người hoạt động tôi thấy bình thường khi giúp đỡ một người bạn, người cũng đã từng bị đi tù vì những bài viết của anh ấy trên blog và hiện giờ đang gặp nguy hiểm".
"Tôi không hối tiếc về những gì mình đã làm", Quyền nói tiếp, "Tôi đang gặp nguy hiểm nhưng ít nhất tôi vẫn còn tự do".