Mỹ : ‘Việt Nam có thể mua thêm nhiều vũ khí Mỹ… nhưng kèm theo nhân quyền’ (VOA, 22/03/2019)
Ông Patrick Murphy, Phó trợ lý Ngoại trưởng Mỹ đặc trách Đông Á và Thái Bình Dương, hôm 22/3 cho biết Hoa Kỳ sẽ tiếp tục tăng cường năng lực hàng hải cho Việt Nam, đồng thời thúc đẩy vấn đề nhân quyền với Hà Nội.
Ông Patrick Murphy, Phó trợ lý Ngoại trưởng Mỹ đặc trách Đông Á và Thái Bình Dương.
Ông Murphy nói với các phóng viên : "Chúng tôi sẽ tiếp tục các nỗ lực tăng cường năng lực hàng hải của Việt Nam. Điều này quan trọng đối với Việt Nam và với khu vực. Cảnh sát biển Việt Nam có thể đóng góp nhiều cho khu vực".
Trả lời một phóng viên trong nước hỏi về việc Mỹ bán vũ khí sát thương cho Việt Nam, ông Murphy nói : "Kể từ khi Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam, Việt Nam đã có thể tự do cân nhắc việc mua vũ khí của Mỹ... Chúng tôi thấy cơ hội hợp tác với Việt Nam trong mảng này".
Ông nói với phóng viên Việt Nam qua điện thoại : "Hiện nay Việt Nam có thể tự to đặt mua thêm nhiều đơn hàng (vũ khí) hơn từ Mỹ, nhưng còn về kế hoạch mua và nhu cầu mua vũ khí thì xin anh nên đặt câu hỏi này với chính phủ Việt Nam".
Tuy nhiên, ông nói thêm : "Chúng tôi cũng xem xét các cơ hội mua bán này khi chúng tôi tiếp tục hợp tác với Việt Nam trong nhiều vấn đề tổng thể và trao đổi với nhau một cách thẳng thắn về các khác biệt giữa hai nước chúng ta, bao gồm cả vấn đề nhân quyền".
"Chúng tôi sắp có một cuộc đối thoại nhân quyền với Việt Nam. Và chúng tôi sẽ nêu các khác biệt này trong suốt cuộc đối thoại này".
Khi được hỏi về vấn đề Biển Đông, nhà ngoại giao Hoa Kỳ nói : "Về các hoạt động tự do hàng hải, Hoa Kỳ đã thực hiện gần 30 cuộc tuần tra vào năm ngoái. Và theo chính sách này, chúng tôi sẽ tiếp tục cho tàu, máy bay đi tuần tra, ở bất cứ khu vực nào mà luật quốc tế cho phép".
*****************
Ban Tôn giáo chính phủ xác định chùa Ba Vàng vi phạm pháp luật (RFA, 22/03/2019)
Ban Tôn giáo chính phủ hôm 22/3 đã lên tiếng về những hoạt động trục vong, gọi hồn ở chùa Ba Vàng, tỉnh Quảng Ninh là vi phạm luật tín ngưỡng, tôn giáo, không phù hợp với truyền thống và phải loại bỏ khỏi các cơ sở Phật giáo.
Chùa Ba Vàng, Quảng Ninh, về đêm - Courtesy of chuabavang.com
Mấy ngày gần đây, trên mạng xã hội lan truyền những video clip rao giảng vong báo oán của bà Phạm Thị Yến, chùa Ba Vàng. Báo lao Động cũng có một phóng sự điều tra về vụ này với video clip kèm theo.
Truyền thông trong nước hôm 22/3 cho hay UBND TP Uông Bí yêu cầu công an thành phố dựa trên các video, clip để xác minh những người xuất hiện trong video, và bà Yến dự kiến sẽ bị công an triệu tập.
Báo Mới dẫn lời ông Nguyễn Mạnh Hà, Chủ tịch UBND TP Uông Bí nhận định việc rao giảng của chùa Ba Vàng là việc làm huyễn hoặc tâm linh. Đây là cơ hội để làm trong sạch lại hoạt động tại chùa Ba Vàng.
Hôm 21/3, Đại đức Thích Trúc Thái Minh, trụ trì chùa Ba Vàng tổ chức buổi nói chuyện trước hàng trăm phật tử, phát trực tiếp trên Facebook, thừa nhận việc tổ chức lễ oan gia trái chủ ở chùa là có thật. Việc các phật tử tham gia là tự nguyện và việc úng tiền khi lễ cúng oan gia trái chủ không phải do nhà chùa yêu cầu mà do phật tử tự nguyện cúng dường Tam Bảo và theo yêu cầu của vong.
Ông Nguyễn Mạnh Hà cho rằng việc nhà chùa thu tiền bằng cách gọi đó là "theo yêu cầu của vong" hay cúng dường Tam Bảo, tiền bỏ vào hòm công đức chứ nhà chùa không trực tiếp nhận là hành vi rất tinh vi, khó buộc tội.
*******************
Bộ Công an : Chậm hướng dẫn thi hành Luật An ninh mạng vì ‘phát sinh nhiều khó khăn’ (VOA, 22/03/2019)
Thứ trưởng Bộ Công an, Thượng tướng Lê Quý Vương, hôm 22/3 nói việc xây dựng dự thảo hướng dẫn thi hành Luật An ninh mạng bị chậm trễ vì "phát sinh nhiều khó khăn, vướng mắc", trong đó "có nhiều ý kiến khác nhau" giữa Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và Bộ Thông tin Truyền thông.
Luật An ninh mạng Việt Nam gặp nhiều chỉ trích vì bị cho là "vi phạm quyền riêng tư" của người sử dụng mạng.
Giải thích của Thứ trưởng Bộ Công an được đưa ra trong buổi làm việc với Tổ công tác của Thủ tướng vào chiều 22/3, theo tường thuật của VnExpress.
Văn bản hướng dẫn thi hành Luật An ninh mạng là một trong ba văn bản mà Bộ Công an được phân công chủ trì xây dựng và phải trình chính phủ trước ngày 1/10/2018. Tuy nhiên theo ông Vương, quá trình triển khai xây dựng văn bản này đã phát sinh nhiều khó khăn, vướng mắc vì đây là lĩnh vực mới liên quan đến nhiều bộ, ngành, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân… nên phải xin ý kiến nhiều lần và với "nhiều địa chỉ".
"Hướng dẫn Luật có vấn đề liên quan đến chức năng các Bộ liên quan như Bộ Quốc phòng, Bộ Thông tin Truyền thông… nên trong quá trình soạn thảo gặp khó khăn về thống nhất quan điểm, dẫn đến chậm trễ", VnExpress dẫn lời Thượng tướng Vương nói.
Luật An ninh mạng được Quốc hội Việt Nam thông qua vào ngày 12/6/2018 với gần 87% số phiếu ủng hộ và bắt đầu có hiệu lực từ đầu năm nay.
Tuy nhiên, đạo Luật gây tranh cãi này đã vấp phải nhiều chỉ trích và phản đối dữ dội từ phía công chúng và các chính phủ, tổ chức quốc tế về một số điều khoản bị cho là "vi phạm quyền riêng tư" của người sử dụng mạng.
Cùng với những vấn đề về nhân quyền, Luật An ninh mạng hiện đang là một trong những trở ngại cho mối quan hệ của Việt Nam với quốc tế, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế.
Trong các cuộc đàm phán thương mại quốc tế hay các phiên điều trần tại Liên Hiệp Quốc, chính phủ Việt Nam không ít lần bị truy vấn về khả năng sẽ sử dụng Luật này để kiểm soát thông tin và đàn áp những người bất đồng chính kiến. Tuy nhiên, phía Việt Nam luôn khẳng định Luật là để bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trên không gian mạng và không kiểm soát hay làm lộ thông tin của người sử dụng.
https://youtu.be/qVgR3vk60Ig?list=PL231429C17BE39E34