Gió Bấc, RFA, 05/10/2021
Trong hội trường máy lạnh, Trung ương Đảng đang tán tụng nhau bản hùng ca "chống dịch như chống giặc" thì từ khu trọng điểm kinh tế phía Nam, đoàn người dân lũ lượt ngược Bắc, xuôi Nam "về quê tự phát". Sau bốn tháng phong thành, đã có ba đợt tháo chạy trong cùng cực tuyệt vọng bất kể ngày đêm, bất kể phương tiện, bất chấp "sự quan tâm", "hỗ trợ", chốt chặn của công an, quân đội. Dân tháo chạy bằng xe máy, xe đạp, trốn trong xe đông lạnh, bằng chính đôi chân và xe tự chế. Đó là cuộc bỏ phiếu bằng chân bất tín nhiệm với chiến lược chống dịch, an dân, phục hồi kinh tế.
AFP
Chiến lược "chống dịch như chống giặc" với "mục tiêu kép" của Chính phủ Phạm Minh Chính đã vận hành với sức mạnh đàn áp ghê gớm nhất, huy động cả "hệ thống chính trị" và tất cả các lực lượng vũ trang từ dân phòng, công an, quân đội xây chiến lũy.
Công cuộc an dân cũng được chăm chút cao độ huy động từ bà tổ trưởng dân phố đến quân đội chính quy đủ các binh chủng Bộ binh, Thiết tiáp đều vào cuộc để "đi chợ hộ", Hải quân, Không quân chở rau cải, thực phẩm đi từng ngõ, gõ từng nhà trao quà cứu trợ, không để ai tụt lại phía sau…
Chiến lược chống dịch đã được vận hành tốn kém có thể nói là cao nhất thế giới về chi phí truy bắt Covid trong lỗ mũi người dân. Trung bình mỗi người dân được ngoáy ít nhất mỗi tháng một lần, người sống trong vùng đỏ ít nhất trên 10 lần. Chi phí tìm một con vi-rút ở Hà Nội lên đến trên 30 tỷ. Chi phí truy quét đại trà ở Thành phố Hồ Chí Minh riêng tháng 8 đã tương dương với Quỹ vắc-xin vận động trong cả nước (Hiện quỹ này đã có hơn tám ngàn tỷ đồng).
Kết quả đã truy bắt hàng chục vạn lượt F0, F1 cho vào các khu cách ly, bệnh viện dã chiến được xây dựng thần tốc. Kết quả như ý, F0 đã giảm song hành với số tử vong cao ngất ngưởng. "Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến 4/10 là 19.845 ca, chiếm tỷ lệ 2,4% so với tổng số ca nhiễm. So với thế giới, tổng số ca tử vong Việt Nam xếp thứ 34/223 quốc gia và vùng lãnh thổ ; Số ca tử vong trên một triệu dân xếp thứ 135/223 quốc gia và vùng lãnh thổ" (1).
Ngày 4/10, trong hội trường máy lạnh, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã long trọng phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương 4. Trong đó, ông đánh giá công cuộc chống dịch bằng những khẩu hiệu rỗng tuếch"Toàn hệ thống chính trị đã chủ động, tích cực vào cuộc ; kế thừa, phát huy những thành tựu, kết quả đã đạt được ; khắc phục những hạn chế, yếu kém còn tồn tại ; và bình tĩnh, tỉnh táo đề ra nhiều chủ trương, chính sách, biện pháp để xử lý kịp thời, đúng đắn những vấn đề mới phát sinh do tác động bất lợi của đại dịch Covid-19 gây ra".
Cùng với não trạng và lập luận muôn thuở thất mùa là bởi thiên tai, ông Trọng cáo buộc những hậu quả xấu lần này là do "biến chủng mới - Delta, lây lan rất nhanh, hết sức nguy hiểm, khó kiểm soát đã ảnh hưởng lớn…" (2).
Khổ thay, ông Trọng quên rằng biến chủng Delta này hoành hành trên toàn thế giới chứ đâu chỉ ác cảm với người dân Việt nhưng cả thế giới lấy đâu ra cuộc tháo chạy kinh hoàng của người dân rời khỏi vùng trọng điểm kinh tế Phía Nam gồm Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An mà mấy chục năm qua họ đã xem là đất lành chim đậu.
Từ tháng bảy đến nay, người dân đã ba lần cuống cuồng đào thoát theo từng đợt tăng cường giãn cách theo chỉ thị 16, 16+ dù phải vượt qua các chốt chặn kẽm gai, dùi cui của lực lượng kiểm soát. Hình ảnh này như tái hiện lại khung cảnh mùa hè đỏ lửa 1972 người dân bỏ nhà, bồng bế nhau tị nạn cộng sản trên đại lộ kinh hoàng (quốc lộ 13), đại lộ máu (quốc lộ 1) dưới tầm pháo 130 ly, súng phòng không 12 ly 8 của Quân Giải Phóng.
Ngày 30/9, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam có công văn chỉ đạo Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh mở cửa mà vẫn phong thành, dân ở đâu thì vẫn ở đó nhưng thép gai, rào chắn không còn đủ sức ngăn cơn cuồng nộ, bản năng tìm chốn sinh tồn của hàng vạn người dân.
Ngày 02/10, khi những pháo đài không còn đủ sức cầm tù người dân nhập cư, Thủ tướng Phạm Minh Chính lên tiếng trên truyền thông, lưu ý các địa phương tuyên truyền vận động người dân ổn định cuộc sống, không di chuyển tự phát. Trường hợp người lao động quyết tâm về quê thì tổ chức đưa đón có trật tự, an toàn, không gây ách tắc… (3).
Nhưng cũng theo kịch bản muôn thuở của nhà sản, mọi chỉ đạo đều mang tính nước đôi. Chính quyền luôn ưu ái ban ơn trên báo đài. Dân thì cắn răng thọ hưởng đói nghèo bị hành hạ. Trên mạng xã hội lan truyền clip hình hàng chục người dân cầm nhang quỳ lạy công an như tế sao để được thông chốt về quê. Ngay báo chí lề phải cũng đăng thông tin dân phòng dùng gậy đánh dân dã man vì muốn vượt chốt về quê (4). Cách thức "tổ chức đưa đón có trật tự, an toàn, không gây ách tắc" của ông Thủ tướng là như vậy đó.
Đặc biệt cuộc tháo chạy "về quê tự phát" lần này bắt đầu từ đêm 30/9, hạn cuối của đợt giãn cách, Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh đang rục rịch mở cửa bình thường mới, cơ hội việc làm, thu nhập đang hé mở. Truyền thông Nhà nước ở Thành phố Hồ Chí Minh cũng rầm rộ hô hào về gói cứu trợ mới tới 7,2 triệu người dân mỗi người một triệu đồng không phân biệt tạm trú hay thường trú… Sức chịu đựng sự hỗ trợ, sự quan tâm, sự giúp đỡ của quân đội, của chính quyền đã tới giới hạn cuối cùng, người dân đã tuôn chạy đến ngày 4/10 vẫn chưa ngơi bớt.
Cuộc tháo chạy miệt mài của trên 100.000 người dân khắp Bắc, Trung, Nam diễn ra trước, ngay và sau khi ông Nguyễn Phú Trọng nhả ngọc phun Châu là tiếng nói phản kháng tuyệt vọng với quyết sách chống dịch bằng bạo lực tàn khốc, dồn người dân đến mức nghèo khó cùng cực, sự túng quẫn tinh thần không còn ý thức về sự an toàn thân thể tính mạng.
Cách đi phổ biến của người dân là cả gia đình gồm con người và tài sản chất lên chiếc xe máy chạy hàng trăm, hàng ngàn cây số từ Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai về chót mũi Cà Mau, hay ngược ra Huế, Cao Bằng, Lạng Sơn đã là sự đánh liều. Thế nhưng có những cuộc hành trình còn cơ cực, nghiệt ngã hơn. Hàng trăm người đã đi bộ về Trà Vinh hay ra Nghệ An.
Ngay trên báo chí lề phải chuyên bưng bô xưng tụng các chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước vẫn không thiếu những câu chuyện khó tin có thể xảy ra trong xã hội văn minh hiện đại của xứ thiên đường.
Tối 3/10, tiếng cót két phát ra từ chiếc xe đẩy vang lên dọc quốc lộ 1, huyện Bình Chánh Thành phố Hồ Chí Minh khiến nhiều người chú ý tìm hiểu. Hóa ra, một người cha đẩy hai con trai trên xe tự chế đi bộ từ Đồng Nai về Trà Vinh sau nhiều tháng mắc kẹt vì phong tỏa (5).
Ba cha con anh Liêm cùng chiếc xe cút kít chất đầy đồ đạc về quê. Hình : FB
Đoạn đường này ngót nghét 400 km, phải qua ranh giới của sáu tỉnh thành tức là sáu ải chốt chặn. Anh sẽ đi trong bao lâu ? Sẽ phải quỳ lạy bao nhiêu lần và hứng chịu bao nhiêu đòn roi ? Chắc hẳn đây là người cha nghị lực và thương con nhất trên gian. Hai đứa trẻ nếu sống sót khi lớn lên sẽ hiểu sâu sắc hơn ai hết thế nào là thiên đường xã hội chủ nghĩa và sự quan tâm của Đảng với dân.
Sinh nở xưa nay là chuyện vượt cạn, thai phụ sắp sinh là giai đoạn sức khỏe mong manh nhất của đời người cần được nâng niu bảo vệ với điều kiện tiện nghi an toàn cao nhất. Ấy vậy mà người ta gặp trên đường quốc lộ đoạn Tiền Giang, anh chồng Võ Tấn Lộc (30 tuổi) đeo ba lô trước ngực, đạp xe đạp chở vợ là Ong Thị Bé Kiều (28 tuổi) từ Thành phố Hồ Chí Minh về Sóc Trăng chờ sinh con. Không chỉ vậy, chằng theo phía sau còn một giỏ đồ (6).
Anh Lộc chắc hẳn không muốn giành danh hiệu kiện tướng xe thồ đường dài, cũng không muốn đưa người vợ trẻ du hành về nguồn bằng phương tiện thô sơ, nguy hiểm này. Nhưng vì đâu nên nỗi ?
Cuộc hồi hương sinh tử của thai phụ sắp sinh như chị Bé không phải là cá biệt.
Trên đường về quê khi Long An nới lỏng giãn cách, sản phụ K.H bị đau bụng dữ dội, chảy nhiều máu... ngay tại chốt kiểm dịch. Khi không được "thông chốt" Long An về Đồng Tháp, chị K.H đã bị thai lưu (thai chết lưu khi còn trong bụng mẹ). Sáng 3/10, đại diện UBND huyện Tân Thạnh (tỉnh Long An) cho biết : "Tổng có 21 thai phụ gần đến ngày sinh được huyện hỗ trợ về quê những ngày qua. Trong đó, một sản phụ đã sinh nở thành công, một sản phụ bị lưu thai tại Trung tâm y tế huyện" (7).
Người già, người nghèo chết vì thiếu vắc-xin, thiếu thuốc, thiếu máy thở. Trẻ con chưa kịp chào đời chết trong bụng mẹ ngay tại chốt kiểm dịch vì không được thông chốt. Sự quan tâm và hỗ trợ, chủ trương chống dịch đúng đắn của Đảng và Chính phủ Việt Nam sao quá đỗi phũ phàng !
Sự khốn cùng của những người dân hồi hương, hồi gia không chỉ xảy ra trên phần đất ngụ cư, trên con đường về quê nhọc nhằn mà còn tiếp tục chờ đón họ ờ chính tại quê nhà cũng do chính sách bạo lực khắc nghiệt "chống dịch như chống giặc". Dù người dân về quê không là dịch, cũng không là giặc nhưng trong cách nhìn phân loại ứng xử đầy hoài nghi và phi nhân tính của chính quyền, họ bị tiếp nhận như là những tội phạm.
Trên mạng xã hội mấy ngày qua lan truyền clip audio ghi lại cuộc trò chuyện điện thoại giữa đại tá Đinh Văn Nơi, Giám đốc Công an tỉnh An Giang với một người được cho là Bí thư Tỉnh ủy tiền nhiệm. Nội dung câu chuyện cho thấy, Đại tá Nơi đã chống lại chủ trương của lãnh đạo tỉnh An Giang không tiếp nhận người dân hồi hương, thậm chí yêu cầu Công an dùng súng đạn đàn áp.
Trong clip có đoạn ông Nơi tức giận văng tục phản ứng như sau : "…ổng cứ phát biểu ổng đòi kêu công an với quân đội đi ga (ra), đó là xách súng xách đạn ga (ra). Tui không làm đó làm gì tui ? Tui nói với anh đó, đem súng đạn ga (ra) này kia kia nọ, tui ga (ra) lịnh đó, đm tui không cho thằng nào được quyền, u mẹ, trấn áp dân, đm !" (8).
Báo chí lề phải đăng đính chính cho rằng đây là clip lắp ghép. Tuy nhiên không nói rõ là lắp ghép chỗ nào trong khi câu chuyện trong clip liên tục và logic. Đặc biệt đối chiếu với thông tin báo chí công khai thì chủ trương An Giang không tiếp nhận người dân trở về là có thật. Ngày 1/10, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình cho biết, hiện nay, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp. Do đó, An Giang sẽ không tiếp nhận các trường hợp người dân ở các tỉnh, thành tự phát trở về địa phương (9). Chủ trương không tiếp nhận này đã thất bại, ngày 4/10, ông Nguyễn Thanh Bình - cho biết từ ngày 1 đến 4/10, số lượng người dân An Giang từ ngoài tỉnh tự phát trở về địa phương gần 30.000 người (10).
Không tiếp nhận người dân quay về là khuynh hướng chung của hầu hết các địa phương. Trưa 3/10, ông Trần Văn Lâu - chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng - cho biết ông cùng lãnh đạo 12 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đã kiến nghị đến Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ đề nghị tạm ngưng cho người dân tự về quê (11).
Với não trạng coi dân là dịch, dù có về đến quê nhà sau bốn tháng tù đày trong pháo đài ở xứ người, người dân lại tiếp tục được chính quyền địa phương quan tâm cho ngoáy mũi và đưa đi cách ly tập trung. Ông Thủ tướng đã đổi khẩu hiệu "sống chung với dịch", Thành phố Hồ Chí Minh đã cho F0 được cách ly tại nhà ấy vậy mà người hồi hương tự phát lại phải bị cầm tù ngay trước cửa nhà mình chỉ vì lý do là họ ở xa về.
Ôi tình cảm quê hương, nghĩa đồng bào, ý Đảng lòng Dân sao mà thê thiết thế !
Trong diễn văn khai mạc kỳ họp Trung ương 4 này, ông Trọng nhắc nhở "tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật" thì việc người dân tháo chạy về quê không chỉ là việc bỏ phiếu bằng chân bất tín nhiệm đến kinh sợ chính sách chống dịch tàn bạo của Đảng, Chính phủ Việt Nam. Nếu muốn mượn cớ chống dịch để đàn áp người dân thì Đảng đã thành công. Nhưng xin nhắc với ông một quy luật cơ bản của Marx là "lượng đổi thì chất đổi". Nỗi đau khổ chồng chất sẽ biến thành căm thù. Người dân không thể trốn chạy mãi, khi cùng đường sẽ đứng lên, nổi dậy.
Gió Bấc
Nguồn : RFA, 06/10/2021
Tham khảo :
1. https://vncdc.gov.vn/ban-tin-cap-nhat-covid-19-tinh-den-18h00-ngay-04102...
3. https://tuoitre.vn/hang-chuc-ngan-nguoi-tiep-tuc-ve-que-cac-tinh-loay-ho...
4. https://plo.vn/an-ninh-trat-tu/lam-ro-clip-dan-quan-dan-phong-danh-dap-n...
5. https://tuoitre.vn/cha-day-2-con-trai-tren-xe-tu-che-tinh-di-bo-tu-dong-...
6. https://thanhnien.vn/chong-dap-xe-cho-vo-bau-8-thang-tu-tp-hcm-ve-soc-tr...
7. https://dantri.com.vn/xa-hoi/khong-duoc-thong-chot-san-phu-o-long-an-bi-...
8. https://www.youtube.com/watch ?v=tWtYcxThljc
9. https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/an-giang-khong-tiep-nhan-nguoi-dan-tu-p...
11. https://tuoitre.vn/13-tinh-mien-tay-kien-nghi-tam-ngung-cho-nguoi-dan-ve...
***********************
Covid-19 : Vì sao người lao động ngoại tỉnh tháo chạy khỏi Thành phố Hồ Chí Minh ?
RFA, 05/10/2021
Từ tối ngày 30/9, đã có hàng ngàn người dân rời khỏi Thành phố Hồ Chí Minh về quê ngay sau khi có thông tin thành phố này gỡ bỏ chốt chặn và rào chắn. Khi đó, đa số những người này đã bị quân đội, công an chặn lại tại khu vực giáp ranh giữa Thành phố Hồ Chí Minh với các tỉnh lân cận.
Người lao động rời Thành phố Hồ Chí Minh hôm 1/10/2021 - Reuters
Đến nay đã gần một tuần, chính quyền đã cho phép người dân về quê có kiểm soát, hạn chế một phần, nhưng số người bỏ phố về quê vẫn tăng lên cả trăm ngàn người. Dòng người trở về quê này được cho là những người nghèo, những người không còn chịu đựng nổi sau nhiều tháng bị phong tỏa ở Sài Gòn. Dù giới lãnh đạo kêu gọi ở lại để phục hồi kinh tế, hứa hẹn chích ngừa, tăng hỗ trợ... nhưng người dân vẫn về quê theo cách gọi của chính quyền là ‘tự phát’.
Anh Thiệu, một người dân Sài Gòn khi trả lời RFA hôm 5/10 cho biết thực tế vì sao người ngoại tỉnh phải bỏ Sài Gòn trong thời điểm này :
"Người lao động đói khổ quá không chịu nổi nữa, ở phòng trọ tù túng mà còn không có tiền trả tiền trọ, chủ trọ cũng thông cảm nhưng cũng có mức độ nào đó thôi. Cuối cùng không còn gì bấu víu thì người ta buộc phải rời khỏi để về quê kiếm sống thôi, chứ ở Sài Gòn lấy gì sống. Lúc đầu thì nhà nước rào chắn không cho đi, sau đó có chặn cũng không nổi, vì đông quá... cũng có bạo loạn nhỏ nhỏ... dân bức xúc dở chốt để đi. Cuối cùng chính quyền cho đi, nhưng về đến địa phương thì mỗi nơi mỗi kiểu. Có tỉnh cho cách ly tại nhà, hay cách ly tập trung miễn phí, có bắt cách ly rồi còn bắt trả tiền cách ly, tiền test... Tình hình rất phức tạp, trong bước đường cùng họ không thể ở lại nữa, vì ở lại thì hoặc đói khổ, hoặc dịch bệnh chết thôi".
Trong lúc người dân đói khổ và lo ngại dịch bệnh nên mới phải rời khỏi Sài Gòn, thì một số tỉnh quê nhà của họ lại lo ngại những người này sẽ đem dịch bệnh về quê, nên một số tỉnh miền Tây như Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng… đã kiến nghị Thủ tướng, Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ tạm ngưng cho người dân tự về quê.
Cùng lúc đó, trước làn sóng người dân ùn ùn trở về quê, các tỉnh miền Tây này đã đồng loạt đưa ra nhiều giải pháp được cho là phòng chống dịch bệnh Covid-19 cao nhất ; tạm dừng những hoạt động từ ngày 4/10... Và với các biện pháp này, dù không cấm nhưng rõ ràng là người dân không dễ về lại quê nhà với nhiều biện pháp hạn chế khắc khe như vậy.
Sau đó, đến tối ngày 4/10, UBND tỉnh Hậu Giang đã có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các tỉnh, thành phố siết chặt kiểm soát không để người dân tự ý rời khỏi địa bàn. Theo UBND tỉnh Hậu Giang, nếu Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An không siết chặt, quản lý người dân thì các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long không thể kiểm soát được dịch bệnh Covid-19.
Anh Đăng Quang, làm việc tại Sài Gòn, nhưng đã kịp về quê Quảng Ngãi trước đây, trong cùng tối ngày 5/10 nói với RFA về ý kiến của anh :
"Xảy ra tình trạnh này theo tôi là do chính quyền các địa phương không đồng nhất. Ví dụ chính quyền Sài Gòn cho người dân về, trong khi về đến các tỉnh quê nhà của họ thì bị chặn lại. Tôi nghĩ trung ương phải đề ra chỉ thị thống nhất cho các tỉnh, thì sẽ được giải quyết. Chứ nếu không khi Sài Gòn mở cửa, mà họ chưa có việc làm, tiền thuê nhà và đủ thứ khác... thì phải về quê, nhưng tỉnh quê nhà lại không cho vô... thì người dân bí bách, về không được, ở không xong".
Không chỉ lập chốt chặn ngăn dòng người về quê, chính quyền các tỉnh còn ngăn cản người dân rủ nhau về quê trên mạng xã hội. Cụ thể, vào ngày 2/10, phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, thuộc Công an tỉnh Bình Dương đã mời làm việc hai người bị cho là có hành vi sử dụng mạng xã hội để đăng thông tin kêu gọi người dân về quê nếu không nhận được cứu trợ.
Trả lời RFA từ Nha Trang hôm 5/10, nhà báo Võ Văn Tạo cho rằng làn sóng người dân về quê nhiều như vậy là do chính quyền trung ương và địa phương không có sách lược phù hợp :
"Làn sóng bà con rời Sài Gòn trở về quê nhà số lượng người lên đến hàng trăm ngàn. Theo báo chí nhà nước thì 150 ngàn người về miền Trung và Tây Nguyên, còn miền Tây thì mỗi tỉnh cũng vài chục ngàn người. Điều này cũng có thể biết trước vì số lượng lao động của các tỉnh đến Sài Gòn phải là mấy triệu người. Riêng từ tháng 4 đến nay, do biến thể Delta nên tình hình nghiêm trong hơn nhiều, tập trung ở Sài Gòn và các tỉnh lân cận có nhiều khu công nghiệp như Đồng Nai, Bình Dương, Long An... Do chiến thuật cũ không có gì thay đổi nên sự lúng túng thể hiện rất rõ, từ Trung ương đến địa phương đều bất ngờ và không có sách lược phù hợp".
Đành rằng biến thể Delta của Covid-19 rất nguy hiểm và là khó khăn chung của các nước có dịch. Nhưng theo nhà báo Võ Văn Tạo, Việt Nam bị ảnh hưởng khá nặng nề, dù nếu tính số tử vong trên dân số thì Việt Nam chưa phải là nhiều, nhưng hậu quả kinh tế vô cùng nặng nề do chính sách phong tỏa khắc nghiệt của chính phủ. Ông Tạo nói tiếp :
"Sở dĩ có chuyện gần như vỡ trận trong chuyện ‘đàn quân kéo về’ là do từ đầu không biết cách ứng xử, và những quyết sách đưa ra cứ như là tự bắn vào chân mình. Tự nhiên Trung ương chỉ định các địa phương ‘chỉ được ra đường khi cần thiết’, trong khi từ ‘cần thiết’ rất lơ mơ không định lượng mà chỉ là định tính. Thế nên mỗi ông sai nha hiểu một kiểu, ách tắc hết cả sản xuất, đời sống, các xí nghiệp đóng cửa hết... Nên rất nhiều người đói khổ, đặc biệt là lao động ngoại tỉnh thất nghiệp, họ thân cô thế cô, quan hệ ít, không nhiều phương tiện nên rất đói khổ. Nhiều hình ảnh người ở trọ để rổ mong hàng cứu trợ rất thương tâm. Có đến mấy triệu người như thế, nên việc cứ u trợ cũng chỉ có mức độ nào đó thôi"…
Nhà báo Võ Văn Tạo cho rằng, trong đợt này có cái dở của nhà nước Việt Nam, lúc nào họ cũng nói cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, nhưng họ lại không tin nhân dân, họ nhốt nhân dân lại, không cho nhân dân tự chạy về, tự quyết định số phận của mình. Cho nên khi bắt đầu được nới lỏng thì nhân dân tìm cách về, về ồ ạt, ngăn lại thì người dân phải tuân theo, nhưng đến một mức độ nào đó thì người ta cũng phá rào để đi. Nhà báo Võ Văn Tạo cho biết quan điểm của mình :
"Nhà nước ngăn vì sợ dịch ở Sài Gòn lây sang địa phương khác, chuyện đó cũng có nguy cơ, có thể thông cảm quyết định của họ. Nhưng họ không tính được chuyện bây giờ không về quê thì số phận những người này ra sao khi sống trong môi trường chật hẹp, ăn uống thiếu thốn, không tiền... thì sống bằng cái gì ? Đội ngũ tiếp tế nào cho xuể từng ấy hộ gia đình. Rất dở, nên tôi nghĩ việc giải tỏa cho bà con về là nên làm, và buộc các địa phương phải có trách nhiệm với bà con của tỉnh nhà, khó khăn thì trung ương phải hỗ trợ".
Theo nhà báo Võ Văn Tạo, nếu chính quyền để mặc kệ dân như vậy là vi hiến, vi phạm pháp luật, rất lạm quyền, rất bạc ác... không thực tế và không xử trí khôn ngoan trước dịch bệnh. Nhà báo Võ Văn Tạo cho rằng, nếu cứ nhốt bà con lại không cho về thì số người chết còn nhiều lên nữa, chứ không dừng lại ở hai mươi ngàn người.
Nguồn : RFA, 05/10/2021