Ông Tập Cận Bình chúc mừng tân chủ tịch nước Việt Nam
VOA, 22/05/2024
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm 22/5 gửi lời chúc mừng ông Tô Lâm nhậm chức Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, trong đó, ông tập trung đề cập đến "Cộng đồng chia sẻ tương lai Trung Quốc-Việt Nam".
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) hôm 22/5/2024 gửi lời chúc mừng ông Tô Lâm nhậm chức Chủ tịch nước Việt Nam.
Quốc hội Việt Nam hôm 21/5 đã bầu Bộ trưởng công an Tô Lâm làm Chủ tịch nước, trong một động thái mà các nhà phân tích coi là "bước đệm" để ông Tô Lâm sau này tranh cử vị trí lãnh đạo Đảng Cộng sản cầm quyền, chức vụ hàng đầu trong nhóm "tứ trụ".
Trong thư chúc mừng ông Tô Lâm, ông Tập nói Trung Quốc và Việt Nam là những nước láng giềng xã hội chủ nghĩa thân thiện, núi liền núi, sông liền sông. Ông cũng lưu ý rằng trong chuyến thăm cấp nhà nước tới Việt Nam vào năm ngoái, ông và Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã cùng nhau tuyên bố xây dựng "Cộng đồng chia sẻ tương lai Trung Quốc-Việt Nam" có ý nghĩa chiến lược, mở ra một chương mới trong quan hệ giữa hai Đảng và hai nước, Tân Hoa Xã đưa tin.
Nhà lãnh đạo Trung Quốc nói ông vui mừng khi thấy nhiều ban ngành, địa phương của hai nước đang tăng cường nỗ lực xây dựng cộng đồng Trung Quốc-Việt Nam cùng chia sẻ tương lai và đã đạt được những tiến bộ tích cực.
Chủ tịch Trung Quốc nói thêm rằng ông đánh giá cao sự phát triển của quan hệ Trung Quốc-Việt Nam và sẵn sàng hợp tác với "đồng chí Chủ tịch nước" để duy trì liên lạc chiến lược, định hướng sự phát triển thực chất trong việc xây dựng cộng đồng Trung Quốc-Việt Nam chia sẻ tương lai và mang lại nhiều lợi ích hơn cho hai dân tộc, vẫn theo Tân Hoa Xã.
Ông Tô Lâm, 66 tuổi, vừa được miễn nhiệm chức Bộ trưởng công an để lên làm chủ tịch nước Việt Nam. Ông được xem là nhân vật quan trọng trong chiến dịch chống tham nhũng sâu rộng, được gọi là chiến dịch "đốt lò", nhằm mục đích nhổ tận gốc nạn tham nhũng tràn lan. Tuy nhiên, chiến dịch này cũng bị các nhà phê bình coi là một công cụ để Đảng cộng sản loại bỏ các đối thủ trong các cuộc đấu chính trị.
Ông Tô Lâm cũng được biết đến trong vụ "bắt cóc" ông Trịnh Xuân Thanh từ Đức về Việt Nam vào năm 2017, khi ông đang giữ chức Bộ trưởng công an và có chuyến công tác ở Slovakia vào thời điểm đó. Cơ quan an ninh Việt Nam bị cáo buộc đã thực hiện vụ bắt cóc và đưa ông Trịnh Xuân Thanh về nước thông qua máy bay mượn của Slovakia. Vụ việc đã làm rạn nứt mối quan hệ giữa Việt Nam và Đức.
Nguồn : VOA, 22/05/2024
**************************
Ông Hun Sen chúc mừng tân Chủ tịch quốc hội Việt Nam, tỏ dấu ‘hữu nghị’ bất chấp bất đồng về kênh đào
VOA, 22/05/2024
Chủ tịch Thượng viện Campuchia, cựu Thủ tướng Hun Sen, hôm 21/5 gửi lời chúc mừng tân Chủ tịch quốc hội Việt Nam Trần Thanh Mẫn và bày tỏ mong muốn tăng cường hơn nữa mối quan hệ hữu nghị giữa bối cảnh hai nước gần đây có nhiều tranh cãi về việc Campuchia xây dựng kênh đào Phù Nam Techo, dự kiến sẽ khởi công vào cuối năm nay.
Chủ tịch Thượng viện Campuchia - cựu Thủ tướng Hun Sen (trái) chúc mứng tân Chủ tịch quốc hội Việt Nam Trần Thanh Mẫn (phải) vào ngày 21/5/2024.
Ông Trần Thanh Mẫn tuyên thệ nhậm chức chủ tịch Quốc hội vào ngày 20/5, thay thế ông Vương Đình Huệ, người đã từ chức hồi tháng trước vì những "vi phạm, thiếu sót" không được nêu rõ.
Một ngày sau, Thượng nghị sĩ Hun Sen gửi điện mừng tới ông Trần Thanh Mẫn, mong muốn tăng cường hơn nữa sự hiểu biết lẫn nhau và mối quan hệ với Việt Nam và các cơ quan lập pháp của quốc gia láng giềng.
"Tôi rất tin tưởng rằng dưới sự lãnh đạo của ngài, Quốc hội Việt Nam sẽ tiếp tục hỗ trợ và thúc đẩy hợp tác nghị viện giữa chúng ta ngày càng toàn diện và hiệu quả hơn trong các khuôn khổ quan hệ song phương và đa phương, góp phần hơn nữa vào hòa bình, ổn định và thịnh vượng của hai nước chúng ta và khu vực", Cambodianess dẫn điện thư ông Hun Sen viết.
Động thái ngoại giao của cựu Thủ tướng Campuchia được đưa ra giữa bối cảnh Campuchia và Việt Nam đang có những bất đồng về việc xây dựng kênh đào Phù Nam Techo, ước tính trị giá khoảng 1,7 tỷ USD, là một kênh đào nhân tạo nối các cảng biển của Campuchia ở phía Tây Nam với sông Mekong.
Kênh dài 180 km sẽ nối tỉnh ven biển Kep với kênh Takeo hiện có của sông Mekong thông qua hệ thống cửa âu. Về cơ bản, kênh Phù Nam sẽ tạo ra một tuyến đường thủy nối thủ đô Phnom Penh với bờ biển và quan trọng hơn là cảng nước sâu duy nhất của Campuchia tại Sihanoukville. Kênh đào dự kiến sẽ được khởi công xây dựng vào quý IV năm nay và ước tính mất 4 năm để hoàn thành.
Thúc giụcxây dựng,yêu cầutrừng phạt
Kênh đào Phù Nam Techo là dự án cơ sở hạ tầng mới nhất do Trung Quốc tài trợ ở Campuchia khiến cho cả Việt Nam và Hoa Kỳ lo ngại.
Washington kêu gọi Campuchia minh bạch hơn về dự án kênh đào mà một số nhà quan sát cho rằng có thể được sử dụng để tăng cường sự hiện diện quân sự của Trung Quốc tại quốc gia Đông Nam Á, gây ra mối đe dọa an ninh tiềm tàng cho các nước láng giềng trong khu vực như Việt Nam.
Việt Nam đã nhiều lần chính thức lên tiếng kêu gọi Campuchia chia sẻ thông tin, đồng thời thông qua Ủy hội sông Mekong để yêu cầu thông tin kỹ thuật chi tiết về dự án, bao gồm các bản sao nghiên cứu khả thi và các báo cáo liên quan khác. Tuy nhiên cho đến nay, yêu cầu này vẫn chưa được đáp ứng.
Trong khi đó, Thủ tướng đương nhiệm Hun Manet, con trai ông Hun Sen, bản thân ông Hun Sen và các quan chức cấp cao Campuchia liên tục lên tiếng khẳng định kênh đào sẽ chỉ được sử dụng để thúc đẩy hoạt động kinh tế và không gây ra mối đe dọa an ninh nào cho các quốc gia khác.
Một ngày trước khi ông Hun Sen gửi điện thư chúc mừng ông Trần Thanh Mẫn, hôm 20/5, Bộ trưởng Ngoại giao và Hợp tác quốc tế Campuchia Sok Chenda Sophea đã gặp Đại sứ Việt Nam tại Campuchia Nguyễn Huy Tăng yêu cầu xác định những người đứng đằng sau các bình luận "xúc phạm" trên tài khoản mạng xã hội của cựu thủ tướng Hun Sen, liên quan đến kênh đào Phù Nam Techo.
Sự việc diễn ra theo yêu cầu của ông Hun Sen trước đó, khi ông yêu cầu chính quyền Campuchia hợp tác với Việt Nam để truy tìm những người xúc phạm ông trên TikTok.
"Tôi không tố cáo lãnh đạo Việt Nam dùng người để xúc phạm tôi. Vì vậy, tôi yêu cầu hợp tác để điều tra, ngăn chặn những kẻ xấu phá vỡ mối quan hệ giữa hai nước chúng ta", Khmer Times dẫn lời ông Hun Sen nói.
Trong bài phát biểu trên truyền hình vào ngày 16/5, cựu thủ tướng Campuchia cũng kêu gọi chính phủ phải bắt đầu xây dựng kênh đào "ngay lập tức" vì đất nước cần sự độc lập về giao thông, sau khi dự án kênh đạo liên tục vấp phải những chỉ trích về mặt địa lý cũng như những quan ngại về môi trường và xã hội từ công chúng và các nước lân cận.
Trả lời về những quan ngại an ninh, ông Hun Sen bác bỏ các cáo buộc về khả năng hải quân Trung Quốc sử dụng kênh đào, đồng thời cảnh báo không tham gia vào chiến dịch chống Trung Quốc và nhấn mạnh kênh đào không phù hợp cho tàu chiến đi vào.
Ông Hun Sen hôm 16/5 cũng khẳng định Campuchia duy trì quan hệ bền chặt với Việt Nam, trong khi Việt Nam có quan hệ tốt đẹp với Trung Quốc, vì vậy không có lý do gì để xảy ra xung đột giữa ba quốc gia.
Ông cũng phủ nhận dự án kênh đào Phù Nam Techo là một phần của Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc.
"Dự án này hoàn toàn không liên quan gì đến Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc. Nó được khởi xướng 100% bởi Campuchia", Phnom Penh Post dẫn lời ông Hun Sen nói.
Theo báo cáo của phía Campuchia, sau khi dự án kênh đào được thực hiện, vận chuyển hàng hóa qua đường thủy của Việt Nam dự kiến sẽ giảm từ mức 33% hiện tại xuống còn 10%.
Ông Hun Sen cũng cho rằng Campuchia không cần phải đàm phán với bất kỳ ai khi xây dựng kênh đào vì nước này đã này tuân theo Hiệp định Mekong năm 1995, trong đó nêu rõ rằng chỉ cần đưa ra thông báo đối với các dự án được xây dựng trên một nhánh của sông Mekong.
Ông nói thêm rằng Campuchia đã thông báo cho Việt Nam và Lào về dự án này vì phép lịch sự.
Nguồn : VOA, 22/05/2024
*************************
Tân chủ tịch nước Tô Lâm tuyên thệ, ông Nguyễn Phú Trọng vắng mặt
VOA, 22/05/2024
Bộ trưởng công an Tô Lâm vào sáng ngày 22/5 đã tuyên thệ để trở thành Chủ tịch nước mới của Việt Nam trong một buổi lễ tại Quốc hội có sự tham dự của đầy đủ các lãnh đạo hàng đầu của Việt Nam nhưng lại vắng mặt Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Ông Tô Lâm là chủ tịch nước thứ ba của Việt Nam chỉ trong vòng hơn hai năm
Ông Lâm đã được Quốc hội bầu làm Chủ tịch nước với số phiếu gần như tuyệt đối là 472/473 đại biểu có mặt tán thành bằng hình thức bỏ phiếu kín, tờ Tuổi Trẻ và Công an Nhân dân cho biết.
Tân Chủ tịch nước Tô Lâm đã đặt tay lên Hiến pháp tuyên thệ ‘tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, nhân dân và Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nỗ lực, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó’.
Sau lễ tuyên thệ và diễn văn nhậm chức của Tô Lâm, tân Chủ tịch quốc hội Trần Thanh Mẫn, Thủ tướng Phạm Minh Chính, tân Thường trực Ban bí thư Lương Cường và phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân được nhìn thấy tặng hoa chúc mừng ông Tô Lâm.
Đáng chú ý, buổi lễ nhậm chức của ông Tô Lâm không có sự hiện diện của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, vốn theo thông lệ của Đảng phải có mặt, và cũng không có sự hiện diện của cựu Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng để chúc mừng người kế nhiệm.
Sau khi bầu ông Lâm làm nguyên thủ, Quốc hội sẽ xúc tiến quy trình miễn nhiệm chức bộ trưởng Công an cũng trong buổi sáng ngày 22/5.
Trước đó, trong phiên họp vào chiều ngày 21/5, Quốc hội đã phải thêm vào nội dung miễn nhiệm bộ trưởng công an đối với ông Lâm sau khi bị dư luận phản ứng về việc ông Lâm sẽ lên làm chủ tịch nước nhưng vẫn nắm quyền ở Bộ Công an và sau khi 'có ý kiến của cấp có thẩm quyền và đề nghị của Thủ tướng Phạm Minh Chính', Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường, được Tuổi Trẻ dẫn lời cho biết.
Với việc ông Lâm lên chức, cái ghế bộ trưởng Công an hiện đang bỏ trống và hiện vẫn chưa rõ ai sẽ là người lên thay ông Lâm. Bộ Công an dưới quyền ông Tô Lâm đã mở các cuộc điều tra vào các tập đoàn mà sau đó dẫn đến sự từ chức liên tiếp của các ông Võ Văn Thưởng, người mà ông Lâm lên thay, và Chủ tịch quốc hội Vương Đình Huệ.
Khác vị vị trí đứng đầu Bộ Công an đầy quyền lực nắm quyền một bộ máy an ninh rộng khắp của Đảng, chức Chủ tịch nước dù là một trong ‘tứ trụ triều đình’ ở Việt Nam nhưng chủ yếu chỉ mang tính nghi lễ.
Ông Lâm, năm nay 67 tuổi, sẽ phục vụ cho hết nhiệm kỳ chủ tịch nước còn lại cho đến năm 2026, một nhiệm kỳ chỉ có 5 năm mà cho đến nay đã có đến ba chủ tịch nước lần lượt là Nguyễn Xuân Phúc, Võ Văn Thưởng và giờ là ông Tô Lâm.
Ông Tô Lâm sinh năm 1957, quê quán Hưng Yên, được cho là có bằng Tiến sĩ Luật và bằng Cử nhân An ninh. Cả sự nghiệp chính trị của ông cho đến nay là ở Bộ Công an. Ông trở thành Bộ trưởng công an từ năm 2016 và được Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phong hàm Đại tướng hồi năm 2019.
Với Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng được dự đoán sẽ về hưu tại Đại hội Đảng lần thứ 14 vào năm 2026, ông Tô Lâm và Thủ tướng Phạm Minh Chính là hai Ủy viên Bộ Chính trị đã phục vụ qua hai khóa và được cho là ứng cử viên tiềm năng để thay thế ông Trọng để trở thành người lãnh đạo tối cao của Việt Nam.
Sau các cuộc điều tra của Bộ Công an của ông Tô Lâm khiến cho các ông Võ Văn Thưởng và Vương Đình Huệ bị mất chức, Giáo sư Abuza Zachary, chuyên nghiên cứu chính trị Việt Nam tại Đại học Quốc phòng Mỹ ở thủ đô Washington, từng nhận định với VOA rằng ông Tô Lâm ‘đã vũ khí hóa chiến dịch chống tham nhũng để vô hiệu hóa các đối thủ chính trị của mình’ và trong công cuộc đốt lò ở Việt Nam, ông Tô Lâm ‘là người chiến thắng’.
Nguồn : VOA, 22/05/2024
Dù là một trong "tứ trụ", vị trí Chủ tịch quốc hội vẫn được cho là xếp sau cùng.
Quốc hội Việt Nam đang trong mùa may áo mới. Không cần chờ đến khi tổng tuyển cử xong xuôi vào tháng Năm này, vị trí Chủ tịch quốc hội sẽ có chủ nhân mới ngay trong ngày cuối cùng của tháng Ba.
Kể từ giữa những năm 1980, khi chính trị Việt Nam dần thoát khỏi mô hình lãnh tụ cá nhân với ảnh hưởng khuynh loát của Hồ Chí Minh và sau này là Lê Duẩn, và cũng đồng thời với quá trình cải cách kinh tế, một cơ chế phân chia quyền lực mới dần dần được hình thành. Theo đó, quyền lực cấp cao nhất được chia cho bốn vị trí : tổng bí thư, chủ tịch nước, thủ tướng chính phủ, và Chủ tịch quốc hội.
Cho đến lúc này, khi chiến tranh đã lùi xa và nhu cầu hội nhập quốc tế ngày càng lớn, xu hướng vận hành của hệ thống chính trị ngày càng thiên về sử dụng pháp luật của nhà nước thay vì chỉ thị của Đảng Cộng sản Việt Nam. Nhờ vậy, Quốc hội ngày càng đóng vai trò lớn hơn, năng động hơn trong hệ thống chính trị.
Tuy vậy, cũng phải mãi cho tới năm 1992, với việc Nông Đức Mạnh được bầu làm Chủ tịch quốc hội, vị trí này mới lại do một ủy viên Bộ Chính trị nắm. Trước đó, Trường Chinh – một ủy viên Bộ Chính trị – làm chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội từ 1960 đến 1981, nhưng như đã nói, Quốc hội thời kỳ đó không có vai trò lớn như bây giờ, mặc dù vai trò của họ bây giờ cũng khó có thể gọi là… lớn.
Các vị Chủ tịch quốc hội sau Trường Chinh đều chỉ làm đến ủy viên trung ương đảng (như Lê Quang Đạo), hoặc thậm chí còn không nằm trong trung ương đảng (như Nguyễn Hữu Thọ).
Các Chủ tịch quốc hội từ Nông Đức Mạnh trở đi đều là ủy viên Bộ Chính trị. Tuy nằm trong "tứ trụ triều đình", vị trí Chủ tịch quốc hội vẫn được cho là xếp sau cùng và vẫn phải tuân theo các quyết định của đảng.
Trong số năm Chủ tịch quốc hội kể từ 1992 đến nay, đã có hai người sau đó trở thành tổng bí thư Ban Chấp hành Trung ương của Đảng Cộng sản Việt Nam – vị trí cao nhất trong toàn bộ hệ thống chính trị, đó là Nông Đức Mạnh (2001 – 2011) và Nguyễn Phú Trọng (2011 đến nay).
Trong số năm Chủ tịch quốc hội gần đây, có hai người đã trở thành tổng bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản – vị trí cao nhất trong toàn bộ hệ thống chính trị Việt Nam. Đồ họa : Zing.vn.
Trái lại, vị trí thủ tướng chính phủ không đưa được chủ nhân của nó đi xa hơn. Lần lượt Võ Văn Kiệt, Phan Văn Khải, và Nguyễn Tấn Dũng đều chỉ làm đến thủ tướng rồi về hưu chứ không lên được tổng bí thư. Riêng Nguyễn Xuân Phúc thì không nghỉ hưu sau khi làm thủ tướng mà (dự kiến) làm chủ tịch nước, nghĩa là một vị trí thấp hơn về mặt thứ bậc quyền lực trong đảng.
Không.
Về nguyên tắc, chủ tịch quốc hội cũng chỉ là một đại biểu quốc hội, và các đại biểu là bình đẳng, ai cũng chỉ có một phiếu. Không ai có quyền sai bảo một đại biểu quốc hội phải làm thế này hay thế kia. Chủ tịch quốc hội không thể ra lệnh cho bất kỳ đại biểu nào, trừ quyền hạn hạn chế trong việc phân công công tác cho các phó chủ tịch quốc hội.
Chủ yếu là điều phối các hoạt động của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội ; chủ tọa các phiên họp, kỳ họp ; ký tá các hiến pháp, đạo luật, nghị quyết, pháp lệnh đã được thông qua.
Muốn biết chi tiết, ta có thể xem Hiến pháp và Luật Tổ chức Quốc hội.
Chủ tịch quốc hội thường cũng kiêm nhiệm vị trí chủ tịch Hội đồng Bầu cử Quốc gia. Điều này quả cũng… trái khoáy khi một đại biểu (và thường cũng là ứng cử viên) lại đứng ra tổ chức bầu cử. Ở các nước dân chủ, hội đồng này về nguyên tắc phải độc lập với Quốc hội.
Trong số 11 chủ tịch quốc hội trong lịch sử, mới chỉ có bà Nguyễn Thị Kim Ngân là nữ, đương chức từ năm 2016 tới nay. Mà thực ra, bà Ngân cũng là người nữ duy nhất từng lọt vào "tứ trụ".
Người dự kiến kế nhiệm bà, ông Vương Đình Huệ, sẽ tiếp tục truyền thống gần như độc tôn của nam giới ở vị trí lãnh đạo Quốc hội.
Ông Huệ từng là bộ trưởng tài chính (2011-2012), trưởng ban kinh tế trung ương (2012-2016), phó thủ tướng (2016-2020), bí thư thành ủy Hà Nội (2020-nay). Ông là ủy viên Bộ Chính trị từ năm 2016 tới nay.
Phát biểu ‘ăn dày’ là trơ lì với tham nhũng
RFA, 24/06/2020
Trong buổi tiếp xúc cử tri quận Cái Răng, Cần Thơ sáng ngày 23/6, một cử tri ở quận này đề nghị xử lý nghiêm vụ nâng khống giá mua máy xét nghiệm Covid-19 ở một số địa phương mà báo chí trong nước đăng tải thời gian gần đây.
Chủ tịch Quốc hội tiếp xúc cử tri quận Cái Răng. Nguồn : VTC
Đáp lời yêu cầu của cử tri, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cập nhật thông tin nhóm nâng giá máy xét nghiệm tại Hà Nội đã bị công an bắt giữ.
Đồng thời nhận định sẽ không giảm nhẹ tội cho những cán bộ này vì đã "ăn quá dày" khi kê khống các máy chỉ 2 tỉ đồng lên đến 6 - 7 tỉ đồng.
Nhận xét phát biểu của người đứng đầu Quốc hội Việt Nam, Nhà hoạt động Trần Bang tại Sài Gòn cho rằng :
"Bà ấy vô tình vô ý nhưng bà ấy nói thật. Bà ấy đã từng làm theo hệ thống nhưng chắc ngày xưa không ‘ăn dày’ như vậy, ăn mỏng nhưng ăn nhiều lần, ăn trong nhiều năm. Từ hồi bà làm cán bộ đến nay chắc ăn mỏng nhiều lắm. Nói lên sự thật của chế độ độc đảng : vào đảng để tham nhũng quyền lực, tham nhũng tài sản. Nếu khôn ngoan, mị dân sẽ ăn từ từ, ăn nhiều đầu mối, nhiều nơi, ăn mỏng thôi, tích tiểu thành đại. Mấy ông kia thì bà ấy cũng nói thật là ăn một quả quá đậm, từ 1,5 tỷ mà kê đến 7 tỷ thì gấp mấy lần, đáng lẽ kê gấp đôi thì không sao".
Dưới góc nhìn chuyên môn về ngôn ngữ học, Phó giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Dũng cho biết cả ông và bạn ông đều ngạc nhiên trước việc dùng từ ‘ăn dày’ của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân :
"Ngạc nhiên của anh ấy là người thuộc hàng cao nhất theo thể chế ở Việt Nam mà lại nói bỗ bã theo kiểu dân đen bình thường. Nhưng cả anh lẫn tôi đều thấy là cái bỗ bã ở bên ngoài, còn cái quan trọng hơn là cách nói ‘ăn dày’ quá dường như người cao nhất đất nước dần dần chấp nhận thực tế là ở Việt Nam hết sức phổ biến hiện tượng tham nhũng. Sau một thời gian người ta trơ lì với tham nhũng, trơ lì đối với những người làm hành vi tham nhũng và trơ lì với những người nghe chữ tham nhũng. Có ai ngờ người lãnh đạo cao nhất cũng có dấu hiệu trơ lì như vậy".
Đồng quan điểm cho rằng phát biểu của bà Kim Ngân là sự thật và chính xác tệ nạn tham nhũng trong xã hội Việt Nam hiện nay, Nhà báo độc lập Nguyễn Ngọc Già còn cho rằng về mặt luật học, bà Chủ tịch Quốc hội không được phép sử dụng ‘ăn dày, ăn mỏng’ mà phải căn cứ vào pháp luật.
Ngoài ra, ông Nguyễn Ngọc già còn đánh giá rằng phát ngôn của bà Kim Ngân còn chứng tỏ bà là một người không hiểu biết gì về nghệ thuật chính trị.
"Trong những quốc gia độc đảng toàn trị, họ không chịu sự giám sát và họ không hề chịu trách nhiệm trước những phát ngôn bất cẩn. Vì vậy họ có quyền tuyệt đối trong tay nên họ không lưu tâm đến chuyện ăn nói trong vai trò là một chính khách. Vì vậy nó cũng góp phần làm rõ cho người dân thấy những phát ngôn của người cộng sản dù ở cấp cao nhất thì họ cũng chứng tỏ trình độ của họ".
Vào ngày 6/5 vừa qua, Trung tướng Lương Tam Quang, Thứ trưởng Bộ Công an cho báo giới trong nước biết sau khi Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao phê chuẩn, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) đã thi hành các quyết định khởi tố vụ án nâng khống giá mua hệ thống xét nghiệm Covid-19 xảy ra tại Hà Nội theo đúng quy định của pháp luật.
Giám đốc CDC Hà Nội, ông Nguyễn Nhật Cảm bị khởi tố và bắt giam ngày 22/04/2020. Courtesy : zing.vn
Theo kết quả điều tra ban đầu, trong vụ Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Hà Nội mua hệ thống Realtime PCR tự động xét nghiệm Covid-19, 7 cán bộ có liên quan đã cấu kết, nâng khống giá máy lên gấp 3 lần.
Vụ việc được đánh giá gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng cho Nhà nước.
Nhà hoạt động Trần Bang cho rằng không chỉ riêng vụ việc mua máy xét nghiệm SARS-CoV-2, mà căn bản là văn hóa kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là ‘văn hóa phong bì’ đã có từ rất lâu và thậm chí còn được công khai trong thời gian trước. Ông dẫn chứng :
"Đến thời ông Đỗ Mười trở đi ngay cả ông Đỗ Mười tôi đọc một số báo ông hỏi trong hội nghị các nhà báo Lê Phú Khải và một số nhà báo ‘đã lấy phong bì chưa’. Thế phong bì là một kiểu tham nhũng rồi. Đi họp là việc phải đi sao các nhà báo đến lại được phong bì ? Bất cứ ai đến họp được phong bì thì tiền đó ở đâu ? Ở dân ! Nếu có lương, tiêu chuẩn, tất cả mọi thứ rồi tại sao lại có phong bì dày mỏng, có khi mỏng lại bị chê ?"
Còn theo Nhà báo độc lập Nguyễn Ngọc Già, căn bệnh tham nhũng trong vụ mua máy xét nghiệm virus Vũ Hán và những lãnh vực khác đều không có thuốc chữa. Trong đó, qua phát biểu vừa nêu của bà Kim Ngân lại một lần nữa xác định rõ chế độ cộng sản ở Việt Nam tồn tại là nhờ ở tham nhũng.
"Những cái họ đưa ra theo chủ trương gọi là ‘đốt lò’ của ông Nguyễn Phú Trọng chỉ phản ánh tình hình đấu đá trong nội bộ của người cộng sản với nhau. Nó không mang thực chất chống tham nhũng, tham nhũng xuất phát do chế độ độc đảng toàn trị, quyền lực tuyệt đối thì tha hóa tuyệt đối nên không chống được".
Do đó, Nhà báo Nguyễn Ngọc Già nhận định rằng nếu diệt tham nhũng tức là diệt chế độ và điều này đã được chính lãnh đạo cao cấp nhất như ông Nguyễn Phú Trọng đã từng nói.
Phó Giáo sư Tiến sĩ Hoàng Dũng cũng đưa ra quan điểm cho rằng căn bệnh tham nhũng ở Việt Nam không thể chữa được. Ông hoài nghi rằng chiến dịch ‘đốt lò’ của ông Chủ tịch nước kiêm Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đặt ra liệu có tác dụng hay không khi người dân thấy được sự trơ lì với tham nhũng qua phát biểu của bà Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân vào ngày 23/6 vừa qua.
Nguồn : RFA, 24/06/2020
**********************
Lời phát biểu ngầm chứa văn hóa tham nhũng
Viết từ Sài Gòn, RFA, 23/06/2020
Tại buổi tiếp xúc cử tri tại quận Cái Răng, Cần Thơ vào hôm nay, thứ Ba ngày 23 tháng 6, bà Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã nói "Nâng máy xét nghiệm từ hai tỉ lên bảy tỉ là ăn quá dày, phải làm rõ vấn đề…".
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tiếp xúc cử tri tại Cần Thơ - Ảnh : vov.vn
Câu nói này, mới nghe thì cử tri sẽ vỗ tay và xem như họ thỏa lòng, giải tỏa được nỗi bức xúc bấy lâu nay. Nhưng thực ra, trong sâu xa vấn đề, cả người nói và người nghe (vỗ tay) đều có vấn đề trầm trọng, vô hình trung nó cho thấy một thứ văn hóa ngấm ngầm theo kiểu tảng băng trôi đang làm kẹt dòng chảy phát triển của Việt Nam – thứ văn hóa tham nhũng. Và một khi tham nhũng đã thành văn hóa của giới quan chức thì đương nhiên, cách nói về nó sẽ thay đổi, sẽ nhìn theo chiều kích đồng thuận, thỏa hiệp. Và sự xuống cấp đạo đức không còn là xa lạ, vấn đề là nó được hiển lộ bao nhiêu phần trăm trước bàn dân thiên hạ mà thôi !
Trong tiến trình phát triển của Nam Hàn, người ta nhớ đến câu nói nổi tiếng của cố Tổng thống Park Chung Hee : "…Tôi sẽ bắn bất kì kẻ nào ăn cắp của công dù chỉ một đồng. Tôi sẵn lòng chết cho lý tưởng đã đề ra". Và đất nước Nam Hàn từ một quốc gia có nền kinh tế què quặt, thiếu thốn, chấp nhận đưa lính đi đánh thuê… đã trở thành một cường quốc khu vực, cường quốc Châu Á. Sở dĩ có được ngày hôm nay, Nam Hàn không thể phủ nhận tinh thần và công lao của ông Park, bởi chính cái tinh thần bài trừ tham nhũng, lấy liêm chính làm kim chỉ nam xây dựng quốc gia của ông đã giúp cho đất nước không có đội ngũ quan tham, sâu mọt, đục khoét của dân, chí ít cũng trong thời đoạn ông làm lãnh đạo.
Nhắc tới ông, chỉ để muốn nhấn mạnh rằng vấn đề tham nhũng, hoặc là có, hoặc là không. Nếu có tham nhũng thì đất nước dẫn đến tình trạng bệ rạc, điêu đứng, phe nhóm cát cứ và người dân còng lưng gánh chịu thuế, gánh chịu nợ công, gánh chịu sự bức xúc, bất công. Nếu không có tham nhũng thì người dân cùng chung tay với chính phủ xây dựng, kiến thiết quốc gia, cùng hướng tầm nhìn của mình về một quốc gia tươi sáng, quật cường trong tương lai. Nói như vậy để thấy rằng tham nhũng không thể có chuyện tham nhũng một đồng thì bỏ qua, tham nhũng nhiều đồng thì xét tội. Và nói như vậy để thấy rằng chính sách chống tham nhũng của Việt Nam đã hỏng hóc từ những năm 1990 của thế kỉ trước.
Nếu như trước đây, tại điều 279 Bộ luật hình sự năm 1999 quy định nhận hối lộ trên 300 triệu đồng sẽ bị tử hình thì tại điều 354 bộ luật hình sự đã bổ sung sửa đổi năm 2015, có qui định ‘tội nhận hối lộ có khung hình phạt cao nhất là 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình nếu nhận của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá 01 tỷ đồng trở lên hoặc gây thiệt hại về tài sản 05 tỷ đồng trở lên’. Và đây là cơ hội tốt nhất cho mọi kiểu tham nhũng, hối lộ, con số tham nhũng, hối lộ nếu nhát gan thì sẽ giữ ở chừng mực dưới 1 tỷ hoặc dạn dày một chút thì sẽ hô biến, chẻ nhỏ từ vài tỉ xuống còn vài trăm triệu đồng. Đương nhiên là điều khoản này quá lạc hậu đối với bây giờ bởi đồng tiền Việt mất giá, nếu tử hình với mức tham nhũng, hối lộ 1 tỷ thì có lẽ phải tử hình gần hết hệ thống quan chức Việt Nam. Và điều đáng bàn ở đây chính là ngay trong qui định về tham nhũng từ trước đến nay cũng đã có sự mặc nhiên chấp nhận sự tham nhũng, không có sự rốt ráo, triệt để trong chống tham nhũng. Bởi một khi quyết tâm xây dựng đất nước trong sạch, lành mạnh thì không thể chấp nhận bất cứ mức tham nhũng nào, đặc biệt, xét trên góc độ tiêu chuẩn đảng viên, xây dựng đảng thì việc bất kì đảng viên nào tham nhũng dù chỉ một đồng cũng đã đi lệch tiêu chuẩn/tiêu chí xây dựng đảng. Đó là chưa muốn nói đến vấn đề xây dựng quốc gia, trong lúc đất nước đang xây dựng và phát triển, việc bất kì cán bộ nhà nước nào có dấu hiệu tham nhũng đều cần được loại bỏ khỏi hệ thống.
Tuy nhiên, việc định ra mức giá để xử phạt tội tham nhũng là một cách để ngỏ cho kẻ tham nhũng có cơ hội tính toán và hành sự. Và bằng chứng của vấn đề thất bại này là hàng loạt các công trình đội vốn, đắp chiếu, từ Vinashin, Vinalines, nhà máy lọc dầu Dung Quốc, nhà máy tinh luyện đường, gang thép Thái Nguyên… cho đến dường sắt Cát Linh – Hà Đông. Sự tham nhũng, ăn chia, bè phái đã làm cho nền kinh tế đứng bên bờ kiệt quệ. Ngay cả những nhóm ngành lấy thiên lương làm kim chỉ nam như giáo dục, y tế cũng nở rộ tham nhũng. Và vấn đề bà Ngân mới nhắc đến chính là vấn đề tham nhũng của ngành y tế, một cái vảy tham nhũng trong một con cá tham nhũng to tướng. Và không riêng gì lĩnh vực y tế, lại thêm một vấn đề đáng bàn khác, ấy là bà Ngân là lãnh đạo của một cơ quan đại diện cho tiếng nói của nhân dân, lẽ ra bà phải có thái độ chống tham nhũng quyết liệt chứ không thể nói theo kiểu ầu ơ thỏa hiệp như vậy được.
Bởi ở đây bà Ngân nói "ăn quá dày" chứng tỏ rằng trong bà đã có khái niệm ăn dày, ăn mỏng và thứ hoạt động tham nhũng đã ăn dằm trong hệ thống. Hơn nữa, vì ăn quá dày nên mới xử lý, chứng tỏ rằng nếu ăn mỏng thì có thể du di, bỏ qua. Và hơn hết, chữ nghĩa, lời nói của một người đại diện cho nhân dân lại mang hơi hướm của người kẻ chợ, lại nói chuyện "dày – mỏng" nghe cứ như dân cá độ bóng đá hay dân anh chị đang bàn luận với nhau về một cú áp phe nào đó. Bởi, với cương vị Chủ tịch Quốc hội, bà Ngân chỉ được phép bày tỏ và đưa ra quan điểm chống tham nhũng, tuyệt đối không được phép định giá trong vấn đề này. Vì định giá cũng có nghĩa là đã có sự chấp nhận, công nhận hiện tượng. Và một khi đã có định giá thì đương nhiên hiện tượng đó không những không được tiêu trừ mà còn tiếp diễn, thậm chí còn nảy nở tỉ lệ thuận với phát triển kinh tế và hàm chứa rủi ro quốc gia.
Ở đây, cách trả lời cử tri của bà Nguyễn Thị Kim Ngân cho thấy thái độ hoàn toàn không nghiêm túc của một bà Chủ tịch Quốc hội trước nhân dân, thậm chí nó cho thấy ngay trong bản thân bà đã có sự mặc định về chuyện ăn mỏng, ăn dày, về thứ văn hóa tham nhũng đang tràn lan đất nước. Và, liệu đây có phải là cách bà Ngân lấy lòng đàn em quan chức bên dưới, cách bà bắn tiếng cho họ rằng "với tao, chuyện tham nhũng tao không chấp, nhưng đừng ăn quá dày, ăn dày lộ mặt thì tao buộc lòng phải mất lòng tụi bay" trong lúc ông Nguyễn Phú Trọng đang cố gắng đốt lò chống tham nhũng để làm sạch hệ thống ?
Liệu cách nói của bà Ngân có phù hợp với vị trí Chủ tịch Quốc Hội ? Hay là cách nói của một chị đại đang đi vận động, lấy lòng một đám đàn em ô hợp đang sợ sốt vó trước công cuộc truy tìm kẻ tội phạm (cụ thể ở đây là tội tham nhũng) ? Và đây có phải là cách để thu phục đàn em trước đại hội đảng 13 ? Dường như mọi câu hỏi cũng chỉ là câu hỏi. Vấn đề đáng bàn, đáng buồn ở đây lại là chuyện về cung cách, nhân cách và tư cách của một vị Chủ tịch Quốc hội, vị đại diện nhân dân tối cao lại có gì đó bất ổn, mang giọng điệu chị đại giang hồ. Và một khi giới quan chức lãnh đạo có giọng điệu kiểu như vậy thì đừng trách xã hội trở nên bất ổn và khủng hoảng !
Viết từ Sài Gòn
Nguồn : RFA, 23/06/2020 (VietTuSaiGon's blog)
Luật Trưng Cầu Dân Ý của Việt Nam có hiệu lực từ ngày 1/7/2016, và được nói là sự thể chế hóa quyền "dân chủ trực tiếp" của công dân được Hiến pháp qui định.
Chủ tịch quốc hội bà Nguyễn Thị Kim Ngân và Thủ tướng chính phủ Việt Nam ông Nguyễn Xuân Phúc. AFP
Theo luật này thì cử tri cả nước trực tiếp biểu quyết bằng hình thức bỏ phiếu quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước.
Tuy nhiên, luật sư Ngô Anh Tuấn, đoàn luật sư Hà Nội cho chúng tôi biết kể từ khi luật trưng cầu ý dân có hiệu lực đến nay là 2 năm nhưng chưa một lần được áp dụng :
"Chưa có một dự luật nào chẳng hạn mà Đại biểu quốc hội đề xuất đưa ra trưng cầu ý dân, cho dù luật quy định rất rõ ràng rằng những vấn đề liên quan đến an ninh quốc phòng, an ninh quốc gia, ảnh hưởng đến kinh tế xã hội nhưng cho đến giờ chưa có một trường hợp nào mang ra trưng cầu ý dân. Ngay cả trường hợp dự luật đặc khu hay luật an ninh mạng, chưa thấy Quốc hội đề cập đến vấn đề này".
Đến khi vấp phải phản ứng của dân chúng về dự luật khu hành chính đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc, Thủ tướng Việt Nam ông Nguyễn Xuân Phúc lên tiếng rằng Chính phủ sẽ lắng nghe ý kiến của các chuyên gia và công chúng về điều khoản cho người nước ngoài thuê đất gần một thế kỷ trong dự luật về đặc khu kinh tế này.
Tương tự, bà Chủ tịch quốc hội, Nguyễn Thị Kim Ngân, cũng đăng đàn phát biểu kêu gọi người dân bình tĩnh vì Quốc hội đang luôn lắng nghe ý kiến của người dân.
Về vấn đề lãnh đạo lắng nghe dân, anh Viễn - một người dân ở Hà Nội, cho biết quan điểm :
"Có vẻ như có lắng nghe, bằng chứng là ba bốn cuộc gặp gỡ của ông Nguyễn Xuân Phúc ở Hải Phòng cho tới ông Nguyễn Phú Trọng ở Hà Nội và Trần Đại Quang ở Sài Gòn đều nói đến hai thứ là luật an ninh mạng và đặc khu.
Nhưng nghe là một chuyện còn làm là chuyện khác, họ đâu có làm theo đâu".
Thực tế cho thấy, dù khắp nơi trên cả nước nổ ra đợt biểu tình vào ngày 10 tháng 6 với các khẩu hiệu phản đối hai dự Luật Đặc khu và An Ninh Mạng, đến ngày 12 tháng 6, Quốc hội Việt Nam vẫn thông qua luật An Ninh Mạng. Theo nhiều người thì đây là một bằng chứng rõ ràng nhất cho thấy các lãnh đạo không hề nghe ý dân.
Còn Giáo sư Nguyễn Khắc Mai, nguyên Trưởng ban Dân vận Trung ương, đặt ra câu hỏi rằng nếu Quốc hội thực sự muốn lắng nghe ý dân thì vì sao đến nay luật trưng cầu dân ý vẫn chưa được áp dụng ?
"Người ta làm luật cho nó vui thôi, để dọa thiên hạ rằng mình cũng văn minh. Nói như bà Ngô Bá Thành ngày xưa, cũng là một Nghị sĩ Quốc hội, bà ấy nói rằng Việt Nam có một rừng luật nhưng chỉ thi hành luật rừng thôi.
Hội nghị bàn về chống tham nhũng do ông Nguyễn Phú Trọng chủ trì gần đây có tuyên bố phải dựa vào dân để chống tham nhũng. Cũng là nói cho hay vậy thôi, chứ dựa vào dân thì phải có báo chí tự do để dân nói tiếng nói của mình. Nhưng họ lại thực hiện luật an ninh mạng, tức là khóa mồm dân lại thì lấy gì lắng nghe.
Muốn tôn trọng ý dân thì phải có tự do tư tưởng, tự do báo chí, quyền lập hội, biểu tình để bày tỏ chính kiến của họ về các vấn đề".
Một chiến dịch mà cơ quan chức năng ở Sài Gòn đang làm mà Giáo sư Nguyễn Khắc Mai gọi là "trò hề", đó là họ phân phát những tờ rơi giải thích về luật đặc khu đưa tới từng gia đình và bắt họ ký vào. Ông nghi ngờ sau này chính quyền sẽ nói đó là bằng chứng người dân đã đồng tình với luật đặc khu. Ông khẳng định đây không phải là một hình thức trưng cầu dân ý.
Trước đây trong một phiên thảo luận về Luật Trưng Cầu Dân Ý, Ông Hà Minh Huệ, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Đại biểu quốc hội phát biểu rằng dân trí thấp không thể tùy tiện trưng cầu. Phát biểu của ông Huệ vấp phải nhiều sự phản đối từ phía người dân.
Luật sư Ngô Anh Tuấn cho rằng "trưng cầu dân ý" hay "lắng nghe dân" chỉ là những câu nói xã giao của giới lãnh đạo :
"Theo luật, thì Đại biểu quốc hội đại diện cho ý chí nguyện vọng của dân. Có thể lắng nghe ở đây họ sẽ nói rằng các đại biểu nghe ý kiến của dân rồi phản ánh lại với Quốc hội. Chứ lắng nghe thực sự trực tiếp từ phía người dân thì gần như không có.
Tôi thấy việc lắng nghe là một từ dùng chung, quen thuộc họ hay dùng với nhau thôi, chứ tôi thấy nó không có giá trị gì".
Trả lại câu hỏi người dân cần làm gì để tiếng nói của họ được lãnh đạo lắng nghe, trưng cầu, Giáo sư Nguyễn Khắc Mai nói :
"Bây giờ dân phải đòi hỏi nhiều quyền. Chỉ còn cách tập hợp nhau lại lên tiếng để đòi những quyền đó. Có dịp nào đó thì thông qua bầu cử, loại trừ những thành phần dốt, cậy quyền ra, và thay bằng những nghị sĩ đàng hoàng hơn thì hi vọng họ hiểu luật, họ biết thế nào là dân và tôn trọng dân".
Luật trưng cầu dân ý của Việt Nam quy định rõ mọi công dân Việt Nam từ đủ 18 tuổi trở lên là người có quyền bỏ phiếu biểu quyết. Những vấn đề cần trưng cầu dân ý bao gồm toàn văn Hiến pháp hoặc một số nội dung quan trọng của Hiến pháp ; vấn đề đặc biệt quan trọng về chủ quyền, lãnh thổ quốc gia ; về quốc phòng, an ninh, đối ngoại có ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của quốc gia ; vấn đề đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của đất nước hoặc vấn đề đặc biệt quan trọng khác của đất nước…
Nghe bà chủ tịch quốc hội cộng sản lớn giọng phát động chiến dịch vu cáo người dân : "Quốc hội lên án việc kích động gây mất trật tự". Đọc những dòng chữ trên hàng trăm tờ báo lớn nhỏ của hệ thống tuyên giáo nhà nước cộng sản vu cáo người dân, nào là "tụ tập đông người gây rối", nào là "bị kẻ xấu kích động", một cảm giác ghê tởm và căm phẫn dâng lên làm tôi như nghẹn thở.
Bà chủ tịch quốc hội cộng sản lớn giọng phát động chiến dịch vu cáo người dân : "Quốc hội lên án việc kích động gây mất trật tự".
Trong thời đại ngày nay, nhà nước đích thực phải là công bộc của Dân. Nhận lương cao, đãi ngộ lớn từ tiền thuế của Dân để phục vụ Dân, nhà nước phải biết lắng nghe Dân. Đại diện cho quyền lợi của Dân, đại diện cho ý chí nguyện vọng chính đáng của Dân, quốc hội càng phải biết lắng nghe Dân.
Nhưng quốc hội cộng sản đã đi ngươc ý chí của Dân. Không vì lợi ích của Dân của nước, chỉ vì lợi ích của những nhóm quyền lực đang nô dịch Dân, đang chống lại Dân, đang phản bội nước, quốc hội âm thầm và gấp gáp làm luật đặc khu kinh tế cắt đất đai lãnh thổ cho những nhóm lợi ích trong và ngoài nước. Quốc hội hăm hở làm luật an ninh mạng tước đoạt quyền tự do ngôn luận, quyền biểu đạt chính kiến, quyền riêng tư của Dân, tước đoạt quyền phê phán, tỏ thái độ bất bình với đám công bộc ăn tàn phá hại. Cực chẳng đã, người Dân phải lên tiếng, phải tỏ thái độ.
Tiếng nói rời rạc, lẻ tẻ của từng người Dân nhỏ bé chẳng có giá trị, ý nghĩa gì. Sức mạnh của người Dân là số đông. Một giọt nước là hư vô, là số không, không có một chút tác dụng gì. Nhưng tỉ tỉ giọt nước là biển cả, là sức mạnh của sóng lừng, của bão táp. Vì vậy, cùng với quyền tự do ngôn luận, quyền tiếp cận thông tin, biểu tình là một trong những quyền tự nhiên, quyền cơ bản nhất của công dân. Quyền biểu tình cùng với quyền tự do ngôn luận cũng đã được Hiến pháp nhà nước cộng sản Việt Nam bảo đảm : Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình (Điều 25 Hiến pháp 2013).
Luật bảo đảm những quyền cơ bản của người Dân như luật biểu tình, quốc hội lần lữa không làm lại hối hả, hấp tấp làm luật tước đoạt quyền của người Dân và làm luật cắt đất đai lãnh thổ cho những nhóm lợi ích. Quyền con người và lòng yêu nước đã tập hợp người Dân lại để có tiếng nói mạnh mẽ ngăn chặn bộ luật ngang nhiên và ngạo ngược chống lại Dân, ngăn chặn bộ luật gây nguy khốn, tiêu vong đất nước, tiêu vong dân tộc. Đó là tập hợp và tiếng nói vô cùng chính đáng, cần thiết và cấp bách.
Trì hoãn vô thời hạn luật biểu tình để quốc hội và cả hệ thống truyền thông nhà nước cộng sản dùng sức mạnh nhà nước và dùng cả sự vô liêm sỉ vu cho sự tập hợp và tiếng nói của quyền con người, của lòng yêu nước là tụ tập gây rối, coi người Dân chỉ là đám người khờ dại, chưa trưởng thành và tham lam, thấp hèn bị kẻ xấu kích động, mua chuộc.
Vu cáo tạo cớ để nhà nước cộng sản huy động cả một bộ máy bạo lực nhà nước khổng lồ đàn áp tiếng nói chính đáng của quyền con người, của lòng yêu nước.
Vu cáo, lên án cuộc biểu tình chính đáng của Dân, cuộc biểu tình được hiến định trong Hiến pháp nhưng chính quyền và hệ thống truyền thông nhà nước cộng sản lại bao che cho tội ác của công cụ bạo lực nhà nước với Dân. Như bầy thú hoang, lực lượng công cụ bạo lực nhà nước đông áp đảo Dân biểu tình, xông vào đánh Dân rách mặt, bể đầu, gãy răng. Cuộc biểu tình nào máu Dân cũng đổ loang trên đường phố nhưng cả bộ máy nhà nước và cả hệ thống báo chí nhà nước cộng sản đã lờ đi tội ác của công cụ bạo lực nhà nước cộng sản với Dân, với giống nòi, với lịch sử.
Đứng đầu quốc hội là một nhân cách thấp hèn vu cáo Dân, xỉ nhục Dân mà quốc hội đó vẫn nhơn nhơn tự nhận là đại diện cho quyền lợi, ý chí, nguyện vọng của Dân ! Cả một hệ thống truyền thông như dàn đồng ca hát theo chiếc đũa chỉ huy của ban tuyên giáo vu cáo Dân, lăng mạ quyền con Người, lăng mạ lòng yêu nước của người Dân và hệ thống báo chí đó vẫn tự xưng là báo chí cách mạng, là tiếng nói của Dân. Lại phải nhớ đến tiếng than đau đớn, phẫn nộ của nhà thơ Bùi Minh Quốc : Quay mặt vào đâu cũng phải ghìm cơn mửa. Cả một thời đểu cáng đã lên ngôi.