Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Nếu Tô Lâm trở thành Tổng bí thư, ông sẽ biến Việt Nam thành nhà nước cảnh sát

Thu Phương, Thoibao.de, 26/05/2024

Ngày 23/5, RFA tiếng Việt có bài "Truyền thông quốc tế : Tân Chủ tịch nước Tô Lâm có tham vọng làm Tổng bí thư".

Theo đó, một số cơ quan truyền thông quốc tế đưa tin về việc Bộ trưởng Công an Tô Lâm được bầu làm Chủ tịch nước, coi đây là một bước đi hướng tới chức Tổng bí thư – vị trí cao nhất trong chế độ độc đảng ở Việt Nam, trong Đại hội Đảng toàn quốc vào đầu năm 2026.

conduong1

Có sự chuẩn bị dư luận lâu nay rằng ông Tô Lâm nuôi tham vọng quyền lực cá nhân, và vì vậy, ông Tô Lâm là người đứng sau những cuộc thanh trừng chính trị

RFA dẫn nhận định của một nhà quan sát ở Hà Nội, cho rằng : "Không loại trừ là ông ta có tham vọng tiến tới ghế Tổng bí thư. Tham vọng quyền lực sẽ không có giới hạn".

RFA cũng dẫn lời một giảng viên đại học kỳ cựu ở Hà Nội, cho rằng, ông Tô Lâm chắc chắn có tham vọng trở thành người đứng đầu Đảng, nhưng ông cũng có nhiều đối thủ, và không nhận được sự ủng hộ hoàn toàn trong Bộ Công an. Do vậy, con đường dẫn tới cương vị đứng đầu Đảng của Tô Lâm sẽ có nhiều chông gai.

Tuy vậy, RFA cho biết, ông Nguyễn Anh Tuấn, một nhà quan sát chính trị đang định cư ở Canada, lại có một nhận định khác.

Ông Tuấn cho rằng, cựu Bộ trưởng Công an Tô Lâm đang bị tô vẽ như một người có tham vọng quyền lực, qua các cuộc thanh trừng nội bộ, bởi Đảng cần một "con dê tế thần" để đoàn kết nội bộ, sau những xáo trộn do công cuộc "đốt lò" gây ra.

Ông Tuấn nói : "Tôi nghĩ rằng, người chủ mưu của những chuyện này là Nguyễn Phú Trọng, đã nghĩ đến ông Tô Lâm như một "con dê tế thần", và vì vậy, đã có sự chuẩn bị dư luận lâu nay rằng, ông Tô Lâm nuôi tham vọng quyền lực cá nhân, và vì vậy, ông Tô Lâm là người đứng sau những cuộc thanh trừng chính trị".

Ông Nguyễn Anh Tuấn nhận xét, có thể, người bị xử lý tiếp theo lại là ông Tô Lâm, và ông Trọng "sẽ bước vào nhiệm kỳ thứ 4 của mình, không phải như một kẻ tham quyền cố vị, mà như là một người cứu Đảng khỏi tham vọng của ông Tô Lâm, cứu Đảng khỏi một kẻ vì cuồng vọng quyền lực của mình mà đã thanh trừng nội bộ, đã xáo trộn Đảng trong suốt thời gian vừa qua".

RFA đề cập đến những "điểm tối" của Tô Lâm, bị truyền thông quốc tế nhắc đến khi ông nhận chức Chủ tịch nước, như :

Nhiều tổ chức nhân quyền lên án việc bộ máy an ninh đã thực hiện nhiều chiến dịch đàn áp nhân quyền, trấn áp giới bất đồng chính kiến và tàn phá xã hội dân sự.

Báo Mỹ nhắc đến vụ ông Trịnh Xuân Thanh – cựu quan chức dầu khí trốn sang Đức xin tị nạn chính trị, nhưng bị các mật vụ bắt cóc trở về Việt Nam xử lý.

Ngoài ra, 2 nhà hoạt động là ông Trương Duy Nhất và ông Đường Văn Thái cũng bị bắt cóc từ Thái Lan đưa về Việt Nam, dưới thời của ông Tô Lâm.

Một hãng tin quốc tế nổi tiếng nhắc đến Báo cáo Nhân quyền Việt Nam 2023 của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, với lời cảnh báo về nhiều vi phạm nghiêm trọng của lực lượng an ninh dưới quyền của Tô Lâm.

RFA dẫn lời ông Ben Swanton, đồng Giám đốc của Dự án 88, nói với hãng tin quốc tế rằng :

"Với việc ông Tô Lâm được bầu làm Chủ tịch nước, Việt Nam trở thành nhà nước công an trị".

Nhiều hãng tin cũng nhắc lại việc việc bỏ tù nhà hoạt động Bùi Tuấn Lâm, khi người này nhại lại động tác rắc muối của chủ nhà hàng Salt Bae, ngầm ám chỉ việc ăn bò dát vàng của Tô Lâm.

RFA dẫn lời nghiên cứu viên cao cấp Lê Hồng Hiệp của Viện ISEAS-Yusof Ishak, nói trên một tờ báo Mỹ rằng :

"Nền tảng là Bộ trưởng Công an mang lại cho ông ấy rất nhiều quyền lực, nhưng cũng có thể là một trở ngại đối với ông ấy, vì ông ấy bị nhiều người sợ hãi".

"Nếu ông ấy trở thành Tổng bí thư, mọi người đã lo ngại rằng, ông ấy có thể lợi dụng bộ máy an ninh để biến Việt Nam thành một nhà nước cảnh sát".

Thu Phương

Nguồn : Thoibao.de, 26/05/2024

***************************

Chủ tịch nước Tô Lâm : Ghế tổng bí thư có dễ dàng ?

BBC, 25/05/2024

Sau khi ông Tô Lâm bước vào "Tứ Trụ", nhiều nhà quan sát quốc tế quan tâm về khả năng kế nhiệm chức vụ tổng bí thư của ông.

ctn1

"Tứ Trụ" hiện tại của Việt Nam

Theo nhiều nhà quan sát, Chủ tịch nước Tô Lâm đang trên đường hướng tới chiếc ghế tổng bí thư tại Đại hội Đảng 14 vào đầu năm 2026. Tuy nhiên, đó là một lộ trình gập ghềnh.

Cũng có một số ý kiến đánh giá rằng ông Tô Lâm sẽ đối mặt với những khó khăn trên cương vị chủ tịch nước.

Sau những biến động và sắp xếp vừa qua, "Tứ Trụ" hiện tại gồm : Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Tô Lâm, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn.

Các khả năng kế nhiệm tổng bí thư

Trong bài viết đăng tải ngày 21/5 trên trang Fulcrum của Viện nghiên cứu ISEAS (Singapore), Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp cho rằng Đại tướng Tô Lâm là một "ứng cử viên nổi bật".

Giải thích cho đánh giá này, ông Hiệp nhắc tới sự nghiệp trong ngành công an của ông Tô Lâm :

"Vị trí bộ trưởng Công an trước đó của ông Tô Lâm đã khiến ông có sức ảnh hưởng đáng kể tới các quan chức cấp cao khác, bao gồm cả ủy viên Trung ương Đảng".

"Tuy nhiên, sự thăng tiến của ông [Tô Lâm] còn phụ thuộc vào người kế nhiệm [chức bộ trưởng Công an]".

Trong bài viết ngày 22/5 trên NikkeiAsia, bà Futaba Ishizuka, nhà nghiên cứu tại Viện Kinh tế Phát triển JETRO (Nhật Bản), đã nhắc tới mối quan hệ của ông Tô Lâm và Bộ Công an.

"Việc ông Tô Lâm duy trì ảnh hưởng trong Bộ Công an sẽ là một trong những yếu tố then chốt quyết định liệu ông có thể trở thành tổng bí thư hay không", bà Ishizuka nhận định.

Hiện vẫn chưa có ai ngồi vào chiếc ghế bộ trưởng Công an còn trống.

Thứ trưởng thường trực Trần Quốc Tỏ  đang được phân công điều hành hoạt động của bộ này.

Trong một bài viết trên website của đài Al Jazeera vào ngày 22/5, Giáo sư Zachary Abuza từ Đại học National War College (Mỹ) cho rằng sau khi rời ghế bộ trưởng Công an, ông Lâm "khó có thể hạ được ông Phạm Minh Chính".

Ngoài ông Tô Lâm, Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp cho rằng Thường trực Ban Bí thư Lương Cường cũng sẽ là một ứng cử viên đáng chú ý cho chức vụ tổng bí thư, đặc biệt là khi ông này được "lịch sử ủng hộ".

Ở đây ông Hiệp đang nói trường hợp cố Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu. Năm 1997, ông Lê Khả Phiêu đã nhậm chức tổng bí thư từ vị trí Thường trực Bộ Chính trị - một vị trí tương đồng với thường trực ban bí thư bây giờ.

Ông Lê Khả Phiêu cũng là tướng quân đội như ông Cường và đến nay thì ông Phiêu là tổng bí thư duy nhất xuất thân từ quân đội.

Cũng cần lưu ý rằng ông Lê Khả Phiêu được bầu vào giữa nhiệm kỳ để thay Tổng Bí thư Đỗ Mười, người từ chức vào năm 1997.

Việt Nam đến nay chưa có vị tổng bí thư nào xuất thân từ ngành công an.

Theo ông Hiệp, chính xuất thân từ ngành công an có thể là một điểm bất lợi cho ông Tô Lâm, bởi khi đó các lãnh đạo khác, bao gồm cả ông Trọng, có thể sẽ ngần ngại trong việc ủng hộ ông Tô Lâm kế nhiệm chức tổng bí thư.

Còn Giáo sư Carl Thayer, một nhà quan sát chính trị Việt Nam lâu năm, đánh giá với BBC rằng tham vọng trở thành tổng bí thư của ông Tô Lâm không hoàn toàn thuận lợi, vì có vẻ ông không giành được sự ủng hộ cao từ các đồng chí của mình.

Bằng chứng là trong cuộc bỏ phiếu đối với 44 chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn hồi năm ngoái, ông Lâm có số phiếu "tín nhiệm cao" khá thấp (kém người đứng đầu là Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang tới 119 phiếu), trong khi nhận được nhiều phiếu "tín nhiệm thấp".

Theo Giáo sư Thayer thì Đảng Cộng sản Việt Nam ưu tiên sự đồng thuận nội bộ, mà ông Lâm lại là một ứng viên gây chia rẽ nên tiền đồ chính trị sẽ không thuận lợi.

Ông Tô Lâm cũng có một số vụ việc mà các đối thủ chính trị có thể khoét sâu vào.

Hồi năm 2021, trong chuyến công tác tới Anh, ông từng có mặt tại bữa tiệc thịt bò dát vàng của đầu bếp Salt Bae tại London. Vụ việc này gây chú ý cả trong nước lẫn quốc tế trong bối cảnh đất nước đang chống dịch Covid-19.

Vụ thứ hai là vai trò của ông trong vụ bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh hồi năm 2017. Cơ quan điều tra, tòa án và nhiều chính trị gia tại Đức, cũng như báo chí nước này và báo chí Slovakia đã đề cập đến khả năng ông Lâm là người chỉ đạo trực tiếp.

Gần đây, đã có nhiều ý kiến đánh giá rằng Việt Nam càng ngày càng củng cố hình ảnh "nhà nước công an trị".

Trong một bài viết ngày 22/5 trên AP News, ông Ben Swanton, đồng giám đốc của Dự án 88, một tổ chức phi chính phủ hoạt động vận động nhân quyền cho Việt Nam, đánh giá :

"Với việc ông Tô Lâm làm chủ tịch nước, Việt Nam đã trở thành một nhà nước ‘công an trị’".

Ông Swanton dự báo rằng tình trạng đàn áp và kiểm duyệt thông tin sẽ ngày càng trở nên tồi tệ.

Có thể đây cũng sẽ là một điểm nữa khiến Đảng Cộng sản Việt Nam phải cân nhắc kỹ trường hợp của ông Tô Lâm cho vai trò tổng bí thư.

Trong bối cảnh đó và nhất là sau khi bà Trương Thị Mai mất chức thường trực Ban Bí thư, khả năng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ tiếp tục lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam lại được đề cập.

Giáo sư Alexander L Vuving từ Trung tâm nghiên cứu an ninh Châu Á-Thái Bình Dương Daniel K. Inouye (Hoa Kỳ) mới đây đánh giá với BBC News tiếng Việt rằng có thể ông Trọng sẽ làm nhiệm kỳ thứ tư.

Sau khi bà Mai mất chức, Giáo sư Vuving nói : "Hiện chỉ còn hai người đủ tiêu chuẩn trên giấy tờ để kế nhiệm ông Trọng : Đại tướng Tô Lâm và Thủ tướng Phạm Minh Chính, cả hai đều có nền tảng từ Bộ Công an. Điều này sẽ làm tăng cơ hội để ông Trọng làm nhiệm kỳ tổng bí thư thứ tư liên tiếp, chưa từng có tiền lệ, nếu ông còn sống".

Tại sao báo Đức và Slovakia nhắc lại vụ Trịnh Xuân Thanh ?

ctn2

Vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh đã khiến quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Đức trở nên căng thẳng

Sau khi Chủ tịch nước Tô Lâm nhậm chức vào ngày 22/5, trang web của DW, một kênh truyền thông nổi tiếng của Đức, đã nhắc lại vụ ông Trịnh Xuân Thanh   bị bắt cóc tại Berlin (Đức) vào năm 2017.

Truyền thông Đức khi đó đã gọi vụ bắt giữ ông Thanh là "vụ bắt cóc ở Berlin" và đặt câu hỏi liệu Slovakia có đóng vai trò trung gian trong sự việc này.

Theo hồ sơ của cơ quan điều tra và tòa án tại Đức, ông Trịnh Xuân Thanh đã bị bắt cóc và được chở bằng xe hơi từ Đức sang Slovakia. Sau đó, ông ta bị đưa lên một chiếc máy bay rồi bay qua Moscow (Nga). Có thông tin là cùng đi trên máy bay có Bộ trưởng Công an Tô Lâm.

Sau khi vụ bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh bị điều tra và tòa án tại Đức đưa ra xét xử, Bộ Nội vụ Slovakia đã lên tiếng bày tỏ quan ngại rằng chuyến thăm của Bộ trưởng Công an Việt Nam Tô Lâm vào tháng 3/2017 tới Slovakia có thể đã bị "lợi dụng" cho những mục đích vượt ra ngoài phạm vi hợp tác và hữu nghị song phương.

Theo bài viết ngày 23/5/2024 trên The Diplomat, nghi phạm trong vụ bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh được xác định là "Ahn T.L". (theo luật bảo vệ quyền riêng tư của Đức).

Người này đã bị kết án vào năm 2023 về tội cố ý giúp đỡ hành vi bắt cóc trên danh nghĩa đặc vụ nước ngoài và bị kết án 5 năm tù giam.

Thời điểm đó, tòa án ở Đức đã nói rằng "hành vi phạm tội này cho tới nay vẫn gây ảnh hưởng tới quan hệ giữa Đức và Việt Nam".

Vào ngày 23/5/2024, báo SME lớn nhất Slovakia khi đăng tin ông Tô Lâm nhậm chức chủ tịch nước cũng đã tường thuật lại vụ bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh vào năm 2017, trong đó có đặt ra vấn đề vai trò của Bộ trưởng Công an Việt Nam Tô Lâm.

Nhiều tờ báo khác của Slovakia cũng nhắc tới kỳ án năm 2017 khi đưa tin về tân chủ tịch nước Việt Nam.

Đến nay, thông tin chính thức từ phía chính quyền Việt Nam là ông Trịnh Xuân Thanh đã chủ động về đầu thú.

Trong một bài viết đăng tải ngày 22/5 trên Financial Times, Tiến sĩ Nguyễn Khắc Giang, nghiên cứu viên khách mời thuộc Viện ISEAS (Singapore), cho rằng ông Tô Lâm có thể sẽ gặp khó khăn khi làm chủ tịch nước.

"Ông ấy chưa bao giờ giữ bất kỳ chức vụ nào ngoài ngành công an. Sẽ dần xuất hiện những câu hỏi về khả năng lãnh đạo của ông ấy trong các vấn đề kinh tế và xã hội", ông Giang thêm.

Bài viết này dùng cụm từ "lãng phí" khi nhắc tới bê bối ông Tô Lâm gặp phải khi ăn bò dát vàng tại một nhà hàng ở London (Anh) vào năm 2021.

Bên cạnh việc chưa bao giờ nắm giữ chức vụ ngoài ngành công an, những bê bối được quốc tế biết tới có thể gây ra những bất cập nhất định cho ông Tô Lâm trong công tác đối ngoại trên cương vị chủ tịch nước.

Chính trị ổn định trở lại ?

Về việc "Tứ Trụ" đã có đủ người, Giáo sư Carl Thayer, một nhà quan sát chính trị Việt Nam lâu năm, nói với Al Jazeera rằng điều này có thể giúp chính trị Việt Nam ổn định hơn một chút.

Tuy nhiên, ông Florian Feyerabend, trưởng đại diện tại Việt Nam của Viện Nghiên cứu KAS (Konrad-Adenauer-Stiftung), lại có ý kiến khác.

Theo ông Feyerabend, đấu đá nội bộ là phương thức hoạt động chính trị của bộ máy Đảng Cộng sản và mọi chuyện vẫn sẽ tiếp diễn như vậy tới khi người kế vị Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được chọn.

Quay về vấn đề phát triển kinh tế, lâu nay vẫn có những đánh giá rằng bất ổn chính trị Việt Nam có tác động tiêu cực tới nền kinh tế, đặc biệt là gây ra những lo ngại cho các nhà đầu tư nước ngoài.

Do lo ngại về chiến dịch chống tham nhũng, bộ máy hành chính ở Việt Nam được cho là ngày càng trở nên "trì trệ".

Bài viết ngày 22/5 trên NikkeiAsia cũng đề cập tới việc này.

Theo bài viết, các công ty Hàn Quốc và Nhật Bản, vốn đang gia tăng đầu tư vào Việt Nam, đã bắt đầu lên tiếng bày tỏ lo ngại.

"Dự án phát triển theo của chúng tôi tại Hà Nội có khả năng bị trì hoãn ít nhất một đến hai năm", một giám đốc cấp cao của một công ty thương mại Nhật Bản cho biết.

Bài viết dẫn lời nhận định của Giáo sư Ryuichi Ushiyama từ Đại học Keiai (Nhật Bản) :

"Dù đã có những thay đổi chính trị, hệ thống chính quyền cộng sản khả năng cao là sẽ không có gì thay đổi".

Trong bối cảnh "bất ổn chính trị" của Việt Nam, Giáo sư Ushiyama cho rằng Trung Quốc sẽ để ý hơn tới việc gia tăng quan hệ, cũng như tăng cường hỗ trợ cho các chính trị gia thân Trung Quốc ở Việt Nam.

Theo báo chí trong nước, sau khi nhậm chức chủ tịch nước, ông Tô Lâm đã nhận được lời chúc mừng từ một số quốc gia, tổ chức, tiêu biểu gồm : Liên Hợp Quốc, Trung Quốc, Nga, Campuchia, Lào, Palestine…

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình ba lần nhắc tới "Cộng đồng chia sẻ tương lai" trong lời chúc gửi tới tân Chủ tịch nước Việt Nam Tô Lâm hôm 22/5.

Ông Tập nhấn mạnh Trung Quốc và Việt Nam là hai nước láng giềng hữu nghị xã hội chủ nghĩa, núi sông liền một dải.

Ông Tập Cận Bình khẳng định hết sức coi trọng quan hệ Trung - Việt, sẵn sàng cùng Chủ tịch nước Tô Lâm duy trì trao đổi chiến lược, dẫn dắt việc xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Trung Quốc - Việt Nam đi vào chiều sâu, thiết thực, mang lại nhiều lợi ích hơn cho nhân dân hai nước.

Nguồn : BBC, 25/05/2024

*****************************

"Thánh đớp" họ Tô thành nguyên thủ quốc gia, chuyện chỉ có ở Việt Nam !

Thái Hà, Thoibao.de, 25/05/2024

Làm Bộ trưởng Bộ Công an, ông Tô Lâm được nhận mức lương khoảng 18 triệu đồng/tháng, tương đương khoảng 750 đô la Mỹ. Nghĩa là, chỉ tương đương với 1 tuần làm việc của người Mỹ, theo mức lương tối thiểu. Thế mà, ông có thể dùng một bữa ăn thịt bò dát vàng, trị giá gấp 3 lần lương tháng của ông.

conduong4

Bộ Trưởng Công an Tô Lâm há miệng ăn miếng thịt bò dát vàng từ tay "Thánh Rắc Muối" đút. (Hình : Cắt từ Twitter)

Việc ông thản nhiên ngồi ăn thịt bò dát vàng, ngay trong thời điểm cả xã hội khốn khổ vì phải chống chọi với bệnh dịch Covid, cho thấy, thái độ thờ ơ vô cảm của ông đối với người dân. Vì vậy, không chỉ là sự xa hoa lãng phí, bữa tiệc bò dát vàng này nói lên nhiều điều khác – sự vô văn hóa, vô lương tâm của một quan chức bẩn trước toàn dân.

Người đầu bếp thực hiện bữa tiệc bò dát vàng phục vụ Tô Lâm, được mệnh danh là "thánh rắc muối" Salt Bae nổi tiếng, người Thổ Nhĩ Kỳ. Sau khi hình ảnh bữa tiệc này bị lộ, trên mạng xã hội Việt Nam cũng phong thánh cho ông Tô Lâm, đó là "thánh đớp". Được dân "phong thánh" theo cách này, phần nào cho thấy thái độ của người dân đối với vị tân Chủ tịch nước này. Phải căm ghét lắm, dân mới đặt cho biệt danh đầy tính mỉa mai như thế.

Từ "thánh đớp" mang nhiều ý nghĩa. Ngoài nghĩa đen chỉ hành động há miệng "đớp" miếng thịt bò, thì nó còn một hàm ý khác. Nghĩa bóng của từ "thánh đớp" này chỉ việc tham quan đớp tiền ngân sách, đớp tiền thuế của dân, đớp lấy cơ hội làm ăn của những doanh nghiệp chân chính v.v… Bởi quan chức cộng sản không ai trong sạch, tất nhiên, trong đó có Tô Lâm.

Lẽ ra, ông Nguyễn Phú Trọng đã cho ông Tô Lâm xộ khám cùng với Phạm Nhật Vũ, Trương Minh Tuấn và Nguyễn Bắc Son, trong vụ Mobifone mua AVG. Tuy nhiên, ông Trọng đã tha cho Tô Lâm trong vụ này. Khi ra tay cứu Tô Lâm, ông Trọng muốn Tô Lâm phục tùng ông, và được ông sử dụng cho mục đích chính trị của ông. Do đó, ông Trọng đã tạo ra vùng cấm, cho tội phạm họ Tô ẩn nấp.

Nhưng khi kẻ tội phạm ấy được nắm quá nhiều quyền bính, và nổi loạn, thì buộc ông Trọng phải vất vả trừ khử.

Thực tế, Tô Lâm không chỉ ăn chia trong thương vụ Mobifone mua AVG, mà ông còn nuôi cả một loạt sân sau, trong đó có Công ty Xuân Cầu do em trai ông là Tô Dũng làm chủ. Đấy chính là cách mà Tô Lâm "đớp" theo nghĩa bóng của từ "thánh đớp". Miếng đớp này rất lớn, và tất nhiên, nó lớn hơn gấp nhiều lần so với miếng bò dát vàng mà Tô Lâm đã "ngoạm" tại London. Chính những "miếng đớp" này đã khiến cho nền kinh tế của đất nước tuột dốc như bây giờ. Chính những loại "đớp" này đã giành hết phần của các doanh nghiệp chân chính, khiến nền kinh tế Việt Nam gần như bế tắc không lối thoát.

Với hình ảnh đớp bò dát vàng, với việc vào hùa với nhóm tham ô của Bộ 4T để bòn rút ngân sách, với việc lập sân sau, tận dụng quyền lực chính trị để làm kinh tế vv…, thì, nếu đất nước này do dân làm chủ, Tô Lâm sẽ phải mặc áo sọc, "nghỉ mát" trong tù, chứ làm sao có thể trở thành nguyên thủ quốc gia ?

Ông Tô Lâm không xứng đáng để đại diện cho 100 triệu người dân, trong quan hệ quốc tế. Đảng cộng sản Việt Nam đang dùng một tên tội phạm, để đặt lên đầu 100 triệu dân. Vậy mà, họ lại bảo, Đảng "vì dân".

Ngày 27/3 vừa qua, Chính quyền Slovakia đã quyết định truy tố 8 nghi can người Việt, dính líu đến vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh tại Đức, trong đó có tên của ông Tô Lâm – tân Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.

Như vậy, đối với nước ngoài, Tô Lâm là kẻ tội phạm bị truy tố. Vậy, Tô Lâm có phải là tội phạm trong nước hay không ? Tất nhiên, Tô Lâm không phải là tội phạm của Chính quyền cộng sản, nhưng ông thực sự là tội phạm đối với nhân dân. Nhưng ông được Đảng và người đứng đầu Đảng cộng sản bao che.

conduong5

Ngày 27/3 vừa qua, Chính quyền Slovakia đã quyết định truy tố 8 nghi can người Việt, dính líu đến vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh tại Đức, trong đó có tên của ông Tô Lâm

slovakia3

Bản tiếng Việt của chính quyền Slovakia

Nếu để người dân sử dụng lá phiếu của mình, bầu chọn người đứng đầu nhà nước, thì không bao giờ dân lại chọn một tên tội phạm như Tô Lâm. Chỉ có Đảng mới chọn, vì dù Đảng luôn nói "vì dân", nhưng chỉ nói bằng miệng, còn hành động thì lại chỉ vì Đảng.

Thái Hà

Nguồn : Thoibao.de, 25/05/2024

***************************

Theo đúng "luật chơi", Tô Chủ tịch phải "tự hoạn". Đau như "bò đá" nhưng phải câm họng ?

Trần Chương, Thoibao.de, 25/05/2024

Sáng 22/5, Quốc hội đã cho bầu chức danh Chủ tịch nước, với ứng viên duy nhất là ông Tô Lâm. Sau đó, Quốc hội tiếp tục lấy phiếu bãi nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Công an đối với ông Tô Lâm. Như vậy là, khi Quốc hội bỏ phiếu miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng, thì ông Tô Lâm đã là Chủ tịch nước.

conduong6

Ngày 22/05/2024, ông Tô Lâm tuyên thệ nhậm chức Chủ tịch nước

Quy trình bãi nhiệm Bộ trưởng Bộ Công an của ông Tô Lâm được thực hiện đúng trình tự, theo các bước :

- Đầu tiên, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Quốc hội miễn nhiệm ;

- Tiếp theo, Quốc hội phê chuẩn miễn nhiệm ;

- Cuối cùng là Chủ tịch nước ký Quyết định miễn nhiệm, dựa trên Nghị quyết của Quốc hội.

Như vậy, tại bước cuối cùng, sẽ là tình huống, Chủ tịch nước Tô Lâm lại ký quyết định bãi nhiệm Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm. Đây được xem là hành động "tự hoạn" của ông tân Chủ tịch nước.

Đối với ông Tô Lâm, Bộ Công an như là gia tài của riêng ông, do ông tốn bao nhiêu công sức "đánh đông dẹp tây" nên mới thiết lập được một bộ máy như ý. Nhưng giờ đây, cả Bộ Chính trị và Trung ương Đảng hùa nhau, ép ông phải ký quyết định bãi nhiệm chính mình, trong khi, không cho phép đệ tử của ông kế thừa. Quả thật, không có nỗi đau nào lại cay đắng bằng nỗi đau này.

Việc ông Phạm Minh Chính đề nghị Quốc hội bãi nhiệm Bộ trưởng Tô Lâm, và cả việc Quốc hội bỏ phiếu bãi nhiệm chức danh Bộ trưởng, đều được báo chí đăng tải rầm rộ. Tuy nhiên, việc ông Tô Lâm tự ký bãi nhiệm chính mình, thì không thấy tờ báo nào đưa tin. Có lẽ, có sự chỉ đạo từ Trung ương đối với báo chí, chứ không thể có chuyện tự nhiên mà đồng loạt các báo đều lờ đi bước thứ 3 này. Về lý, nếu Chủ tịch nước không ký vào quyết định bãi nhiệm Bộ trưởng, thì ông Tô Lâm vẫn là Bộ trưởng. Không rõ, Bộ Chính trị và Ban lãnh đạo Việt Nam sẽ giải quyết vấn đề này như thế nào.

Bàn cờ chính trị đang đi đến hồi tàn cuộc đối với Tô Lâm. Từng là một vị tướng Công an tung hoành ngang dọc, từng thẳng tay đốn hạ rất nhiều củi gộc, khiến cho bao nhiêu đồng chí phải kinh hồn bạt vía. Vậy mà, giờ đây, Tô Lâm như "đại bàng gãy cánh". Bị đưa vào thế phải tự phế đi chức vụ đầy quyền lực của chính mình. Đây có lẽ là nỗi nhục, cũng là nỗi đau thấu tâm can của ông tân Chủ tịch nước.

Từ vị trí của kẻ thao túng cuộc chơi, giờ đây, ông lại như con cá nằm trên thớt, phải phập phồng lo sợ, không biết kẻ thù bao giờ sẽ ra tay ?

Từng nghênh ngang đòi phải để cho đệ ruột của mình vào Bộ Chính trị, đồng thời kế nhiệm mình ở vị trí Bộ trưởng Bộ Công an, khiến cho thượng tầng chính trị khủng hoảng nhân sự Tứ trụ đến gần 2 tháng. Giờ đây, Tô Lâm không còn ở vị trí ra giá nữa, mà trở thành kẻ phải chấp nhận sự áp đặt của người khác.

Trước đây, Tô Lâm đã ngăn cản không cho Phan Đình Trạc nhảy vào Bộ Công an, nên có lẽ, giờ đây người mà ông phải ngán ngại nhất, chính là Phan Đình Trạc. Nếu ông Trạc nắm Bộ Công an, thì ắt hẳn, ông Trạc sẽ không để yên dàn đàn em mà Tô Lâm đã tốn rất nhiều năm để xây dựng nên. Bởi chính Tô Lâm, khi đốn Vương Đình Huệ, đã đạp đổ mâm cỗ của nhóm Nghệ An. Do đó ngược lại, nếu nhóm Nghệ An làm chủ Bộ Công an, thì Tô Lâm và các đệ tử gốc Hưng Yên sẽ khốn đốn.

Ngồi ghế Chủ tịch nước, theo lý thuyết là có thể được hưởng "suất đặc biệt", để tiếp tục sự nghiệp chính trị dù đã quá 65 tuổi. Tuy nhiên, liệu Tô Lâm có thể tại vị được trên ghế Chủ tịch nước đến hết nhiệm kỳ hay không, lại là một thách thức không nhỏ. Ngoài nỗi ám ảnh về "tâm linh" đối với ghế Chủ tịch nước, thì tình thế của Tô Lâm hiện nay cũng không mấy khả quan. Vì vậy, khả năng ông không thể đi hết nhiệm kỳ, cũng không phải là thấp. Ngồi chiếc ghế không có quyền lực, xung quanh lại có quá nhiều kẻ thù, thì rất dễ bị gãy ghế.

"Kẻ phản loạn" và "nhà cách mạng" chỉ khác nhau ở kết quả. Người Việt có câu "thắng làm vua, thua làm giặc". Nếu tầm của Tô Lâm không đủ để "làm vua", thì tất nhiên sẽ trở thành "giặc". Mà nếu bị các đồng chí xem là "giặc", thì tương lai của Tô Lâm tối như đêm 30.

Trần Chương

Nguồn : Thoibao.de, 25/05/2024

***********************

Ngồi tiếp ghế Tổng nhiệm kỳ 4 : Vì sao Tổng Trọng ăn ốc, nhưng Tô Chủ tịch là kẻ đổ vỏ ?

Trà My, Thoibao.de, 25/05/2024

Tổng Trọng – một người bị đánh giá là có tham vọng quyền lực rất lớn. Bởi ông Trọng đã "ngồi ỳ" trên chiếc ghế người là đứng đầu Đảng, đã 3 nhiệm kỳ.

tolam0

Bộ Công an của Tô Đại tướng đang cố gắng chứng minh với công luận rằng, những xáo trộn lớn trong nội bộ Đảng gần đây, đều làm theo chỉ đạo của Tổng bí thư.

Song, ông Trọng lại coi các lãnh đạo trong Đảng – những người có tham vọng thăng tiến quyền lực, là "những kẻ suy thoái và tham vọng quyền lực", là đối tượng "kiên quyết không đưa vào nhân sự Ban Chấp hành Trung ương".

Những bất thường trong việc bầu, bổ nhiệm chức Chủ tịch nước, cũng như miễn nhiệm chức Bộ trưởng Công an, đối với Tô Lâm mới đây, đã khiến cho một số nhà phân tích tin rằng :

"Một kế hoạch được cho là do Tổng bí thư Trọng chỉ đạo Bộ Quốc phòng và Tổng cục Tình báo Quân đội, tạo dựng hồ sơ giả, về một kế hoạch "đảo chính không tiếng súng" của Bộ trưởng Tô Lâm, với mục đích thu hồi quyền lực của Bộ trưởng Bộ Công an, để nhốt vào trong lồng".

Các cuộc điều tra của Bộ Công an dưới sự chỉ đạo của Tô Lâm đã khiến các nhân vật cấp cao, những ứng viên tiềm năng cho ghế Tổng bí thư tại Đại hội 14, là Võ Văn Thưởng, Vương Đình Huệ và Trương Thị Mai, bị mất chức. Không chỉ dư luận Việt Nam, mà cả giới quan sát quốc tế, như Giáo sư Abuza Zachary – chuyên gia nghiên cứu chính trị Việt Nam từ Hoa kỳ, từng nhận định rằng, "ông Tô Lâm "đã vũ khí hóa chiến dịch chống tham nhũng để vô hiệu hóa các đối thủ chính trị của mình", và trong công cuộc đốt lò ở Việt Nam, ông Tô Lâm "là người chiến thắng’".

Phải chăng, đó là lý do vì sao, ngày 4/5, người phát ngôn Bộ Công an Trung tướng Tô Ân Xô bất ngờ thanh minh : "Khi lãnh đạo Ban chuyên án báo cáo Tổng bí thư về một số vụ án do Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng chỉ đạo, Tổng bí thư đã khen ngợi Bộ Công an quyết tâm, quyết liệt trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực".

Vẫn theo Trung tướng Xô, Tổng bí thư còn yêu cầu Bộ Công an tiếp tục quyết tâm, quyết liệt hơn, theo tinh thần thượng tôn pháp luật, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, mọi người đều bình đẳng trước pháp luật.

Điều này cho thấy, Bộ Công an của Tô Đại tướng đang cố gắng chứng minh với công luận rằng, những xáo trộn lớn trong nội bộ Đảng gần đây, đều làm theo chỉ đạo của Tổng bí thư. Và không có chuyện mưu toan "tranh quyền đoạt vị" với Tổng Trọng.

Nhà phân tích Nguyễn Anh Tuấn và một số nhà quan sát cho rằng, "những diễn biến vô tiền khoáng hậu đang xảy ra, nằm trong âm mưu của Bộ trưởng Công an Tô Lâm. Bằng việc loại bỏ những đối thủ tiềm năng… để rồi sau đó chiếm lấy chiếc ghế Tổng bí thư siêu quyền lực, vào Đại hội 14". Giả thuyết trên, dù nghe rất hấp dẫn, song thiếu những căn cứ vững chắc. Chẳng những, không phải là đạo diễn, Bộ trưởng Tô Lâm còn có thể bị buộc phải thủ vai chính vào hồi sau cùng".

Bài viết "Nhiệm kỳ thứ 4 của ông Trọng và số phận ông Tô Lâm" của nhà quan sát chính trị Nguyễn Anh Tuấn, đã đưa ra một bình luận đáng chú ý. Theo ông Tuấn, có ý kiến cho rằng, chính ông Trọng mới là đạo diễn cho toàn bộ vở kịch nhiều hồi này. Dù được che chắn kín đáo, song việc ông Trọng là chủ mưu giấu mặt, vẫn để lại những dấu vết tại Hội nghị Trung ương 8 vào tháng 10 năm ngoái.

Đó là, "những vụ thanh trừng này có "mùi" của Tổng cục II rất rõ, với chức năng làm công tác do thám và nắm hồ sơ cán bộ lãnh đạo chiến lược, Tổng cục 2 hẳn không lạ gì việc các quan chức cấp cao tham nhũng".

Vì sao, những sai phạm không được đưa ra từ sớm, để ngăn chặn những nhân sự này thăng tiến, ngay từ đầu, mà lại để đến tận 13 năm sau trong trường hợp ông Thưởng, hay cũng cả chục năm sau như trường hợp ông Huệ. Câu trả lời đơn giản là : Vì người nắm quyền tối cao – Tổng Trọng – muốn như vậy ?

"Hồ sơ đen" lúc nào cũng được Tổng cục 2 để sẵn, chỉ cần được bật đèn xanh, là sẽ tung ra. Và ai có quyền bật đèn xanh, ngoài Tổng bí thư ?

Sau những xáo trộn chưa từng có tiền lệ trong nội bộ Đảng vừa qua, lúc này, Đảng cần một con dê tế thần, để xây lại "tình đoàn kết" trong nội bộ. Và thế là ông Tô Lâm đã bị họ "gài" bằng truyền thông, để trong mắt dư luận trong và ngoài Đảng, ông trở thành một kẻ vì tham vọng quyền lực cá nhân mà thanh trừng đồng chí.

Bởi vậy, có thể cho rằng, việc ông Huệ, ông Thưởng và ông Phúc, bị loại, và khả năng tiếp theo sẽ là ông Tô Lâm, nhằm mở đường cho nhiệm kỳ thứ 4 của ông Trọng. Như vậy, ông Trọng sẽ thản nhiên bước vào nhiệm kỳ thứ 4, không phải với tư cách của một kẻ tham quyền cố vị, mà là trong tư cách vị cứu tinh của Đảng.

Bằng cách này, ông Trọng sẽ đạt được mục tiêu tối hậu là cầm quyền suốt đời, mà không bị điều tiếng tham quyền cố vị, từ cả dư luận trong Đảng, lẫn ngoài Đảng, và cả dư luận quốc tế – điều duy nhất mà ông ái ngại.

Trà My

Nguồn : Thoibao.de, 25/05/2024

*******************************

Tô Chủ tịch là nạn nhân hay tội đồ trong trò chơi "vương quyền" của Tổng Trọng ?

Trà My, Thoibao.de, 25/05/2024

Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam – ông Nguyễn Phú Trọng, được công luận đánh giá, ít có biểu hiện tham nhũng về mặt vật chất và tiền bạc. Nhưng ông Trọng luôn bị cáo buộc là kẻ tham nhũng quyền lực.

conduong8

Tân Chủ tịch nước Tô Lâm

Sau Đại hội Đảng 13, năm 2021, việc ông Trọng tiếp tục ở lại, giữ cương vị Tổng bí thư nhiệm kỳ thứ 3, trái với Điều 17 Điều lệ Đảng, đã khiến công luận trong nước và quốc tế hết sức ngạc nhiên, vì một người đứng đầu một đảng cầm quyền, nhưng lại ngang nhiên chà đạp lên những quy định mang tính nguyên tắc.

Kể từ đó đến nay, với tình trạng tuổi cao, sức yếu, nhiều ý kiến cho rằng, ông Trọng sẽ nghỉ ngơi để yên vui tuổi già, với gia đình và con cháu. Hơn thế nữa, trong phiên bế mạc Hội nghị Trung ương 8 khóa 13, Tổng Trọng đã chính thức tuyên bố trước Ban Chấp hành Trung ương Đảng rằng, ông sẽ nghỉ hưu, và trao quyền lãnh đạo lại cho thế hệ kế cận.

Một điều đáng ngạc nhiên khác, đó là, Hội nghị Trung ương 8 được đánh giá là Hội nghị đầu tiên, mà uy tín của Tổng Trọng lại giảm sút chưa từng có. Có lẽ, đây là lý do đã khiến Tổng Trọng tuyên bố rút lui.

Theo giới quan sát, ngay trong thời gian diễn ra Hội nghị Trung ương 8, trên website của Đài tiếng nói Việt Nam (VOV), đã đăng bài viết : "Lựa chọn cán bộ đủ đức, đủ tài đưa vào Ban Chấp hành Trung ương khóa mới".

Đây là hiện tượng chưa từng có, vì bài viết này không hề tránh né, mà tấn công trực diện Tổng bí thư. Hơn nữa, bài viết đã trích dẫn phát biểu của lãnh đạo cấp cao trong Hội đồng Lý luận Trung ương, do Tổng Trọng trực tiếp quản lý. Trong lúc đó, đương nhiệm Tổng Giám đốc Đài tiếng nói Việt Nam là ông Đỗ Tiến Sĩ – cựu Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên, một người đồng hương và là đàn em thân cận của Bộ trưởng Công an Tô Lâm.

Đó là lý do, kể từ sau Hội nghị Trung ương 8, đã có không ít các cáo buộc cho rằng, Bộ trưởng Tô Lâm là người đứng sau một âm mưu nhằm "tiếm quyền" lãnh đạo Đảng của Tổng Trọng.

Khi Hội nghị Trung ương 8 kết thúc, vào tháng 10/2023, thời gian còn hơn 2 năm mới đến kỳ khai mạc Đại hội Đảng lần thứ 14, nhiều ý kiến cho rằng, còn quá sớm để bàn về việc quy hoạch nhân sự cho Đại hội 14. Nhưng Tổng bí thư và các lãnh đạo cấp cao của Đảng, đã vội vã quyết định thành lập 5 tiểu ban, phục vụ cho Đại hội 14. Trong đó, Tiểu ban Văn kiện và Tiểu ban Nhân sự đều do ông Trọng đảm trách.

Như vậy, rõ ràng, Tổng Trọng là người quyết định việc lựa chọn đường lối của Đảng và nhà nước, cũng như lựa chọn nhân sự cho Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các chức danh lãnh đạo chủ chốt khác của Đảng, cho nhiệm kỳ 2026 – 2031.

Có ý kiến nghi ngờ cho rằng, phải chăng, Tổng Trọng đang dọn đường để tiến tới ngồi tiếp nhiệm kỳ Tổng bí thư thứ 4 của ông, tại Đại hội Đảng 14. Điều này hoàn toàn phù hợp với những đánh giá của một số nhà quan sát, khi cho rằng, ông Trọng sẽ bám ghế Tổng bí thư cho đến lúc chết, với nhiều lý do khác nhau.

Tập thể Bộ Chính trị trước Hội nghị Trung ương 9 đã gây sức ép, để buộc ông Tô Lâm phải rời ghế Bộ trưởng Bộ Công an, chuyển sang ghế Chủ tịch nước ít quyền lực hơn. Cộng với sự lộn xộn bất thường trong việc bầu, chuẩn thuận để ông Tô Lâm nhậm chức Chủ tịch nước, và việc miễn nhiệm chức danh Bộ trưởng Bộ Công an, đã cho thấy điều đó.

Để tạo tính chính danh khi ngồi lại nhiệm kỳ thứ 4, ông Trọng và phe cánh đã tạo ra một tình trạng hết sức lộn xộn, với những xáo trộn cực lớn. Thông qua việc loại trừ hàng loạt các lãnh đạo cấp cao nhất, đồng thời đổ mọi tội trạng cho Bộ Công an và Bộ trưởng Tô Lâm gánh, với lý do lạm quyền để ngáng chân các đối thủ trong cuộc đua ?

Về danh chính ngôn thuận, việc "tạo phản" của Tô Lâm đã giúp cho Tổng Trọng có cơ hội ra tay, trở thành "người hùng", cứu vãn sự sụp đổ của Đảng. Như vậy, Tô Lâm là kẻ tội đồ. Điều này cũng tạo ra một lý do chính đáng cho việc có thể "xử lý" Tô Lâm trong thời gian tới. Chiêu trò này sẽ giúp ông Trọng trở thành Tổng bí thư nhiệm kỳ thứ 4, mà vẫn không bị mang tiếng là một kẻ tham quyền cố vị.

Một kế hoạch được cho là do Tổng Trọng chỉ đạo cho Bộ Quốc phòng và Tổng cục Tình báo Quân đội, đó là tạo dựng ra một bộ "hồ sơ giả", về một kế hoạch "đảo chính không tiếng súng", do Tô Lâm dẫn đầu. Cụ thể, mời quý vị theo dõi ở phần tiếp theo.

Trà My

Nguồn : Thoibao.de, 25/05/2024

Published in Diễn đàn

Tân chủ tịch nước Việt Nam Tô Lâm, tổng bí thư tương lai ?

Le Monde nhận thấy "Với ông Tô Lâm, Việt Nam có một chủ tịch xuất thân từ bộ máy an ninh". Sự kiện bộ trưởng công an lên làm chủ tịch nước dường như là kết cuộc, hoặc ít nhất là một giai đoạn quan trọng trong việc tranh giành quyền lực ở thượng tầng từ hai năm qua.

chuchot2

Ông Tô Lâm tân chủ tịch nước và ông Trần Thanh Mẫn (trái), tân chủ tịch Quốc hội Việt Nam viếng lăng Hồ Chí Minh trước phiên họp Quốc hội ngày 20/05/2024. AP - Hau Dinh

Sau một loạt vụ "từ chức", người "đốt lò" thành chủ tịch nước  

Được đảng giới thiệu, đại tướng Tô Lâm được Quốc hội bầu làm chủ tịch nước hôm thứ Tư 22/05 sau cuộc bỏ phiếu kín, với 472/473 phiếu. Việt Nam không có chủ tịch từ tháng Ba, khi ông Võ Văn Thưởng bất ngờ từ chức. Ông Thưởng thay thế người tiền nhiệm cũng "từ chức" mới một năm. Chức vụ này chỉ mang tính hình thức, quyền lực tối thượng nằm trong tay tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Cuối tháng 4, đến lượt chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, một trong "tứ trụ" bỏ cuộc, và ngày 16/05 bà Trương Thị Mai, phụ nữ duy nhất trong Bộ Chính trị ra đi. Nay Bộ Chính trị chỉ còn 12 ủy viên thay vì 18, sau một loạt vụ từ chức kể từ đại hội đảng 2021, sự kiện chưa từng thấy trong lịch sử. Ngoài ông Tô Lâm, một số nhân vật khác được giới thiệu và Quốc hội "bầu" bổ sung vào Bộ Chính trị.

Các khuôn mặt lãnh đạo từ chức trên đây về mặt chính thức vì lý do mập mờ "vi phạm và khuyết điểm", "gây dư luận xấu, làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, Nhà nước và cá nhân". Đó là sự ra đi trong danh dự được thương lượng, vì ít nhiều liên quan đến tham nhũng. Hàng trăm cán bộ đảng và doanh nhân giàu có nổi tiếng đã lãnh những bản án nặng nề kể từ chiến dịch "đốt lò" khởi đầu năm 2016 của tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, theo kiểu Tập Cận Bình ở Trung Quốc năm 2013. Người thực hiện việc "đốt lò" chính là ông Tô Lâm.

Ông Tô Lâm sẽ là tổng bí thư nhiệm kỳ tới ?

Lên làm bộ trưởng công an từ 2016, vào Bộ Chính trị năm 2021, với vị trí phó chủ tịch Ủy ban chống tham nhũng, Tô Lâm là người quyết định các hồ sơ nào phải "vào lò". Ông Trọng năm nay 80 tuổi, liên tiếp có những sự cố về sức khỏe, giữ im lặng.

Chuyên gia Benoit de Tréglodé nhận định, sức khỏe ông Trọng suy giảm giúp Tô Lâm, người cạnh tranh chính của ông giành được ảnh hưởng lớn hơn trong bộ máy và quyền lãnh đạo chiến dịch chống tham nhũng. Chiến dịch này trước hết là đấu tranh quyền lực. Võ Văn Thưởng được coi là người do ông Trọng bảo trợ và có thể kế nhiệm ông. Tô Lâm, 66 tuổi, nay có thể dòm ngó chức tổng bí thư trong đại hội đảng tháng Giêng 2027. Theo chuyên gia Carl Thayer, làm chủ tịch nước sẽ ngăn cản một đối thủ tiềm tàng vào được "tứ trụ".

Le Monde nhắc lại, sự nghiệp ông Tô Lâm suýt bị lung lay tháng 11/2021 vì vụ ăn món bít-tết dát vàng của đầu bếp nổi tiếng người Thổ Nhĩ Kỳ Nusret Gokce trong một nhà hàng sang trọng ở Luân Đôn, với cái giá trên trời. Video này lan tràn trên internet. Khi về nước, ông ra tay trấn áp xã hội dân sự. Bùi Tuấn Lâm, một chủ quán bún bò đã nhái lại cách rắc muối của đầu bếp Thổ, lãnh án năm năm rưỡi tù giam vì "chống Nhà nước". Ông Tréglodé cho rằng với ông Tô Lâm, chính quyền sẽ bảo thủ và kiểm soát xã hội chặt hơn, cởi mở với Trung Quốc. Ngược lại, phe quân đội vốn cảnh giác trước người láng giềng phương bắc, nay im hơi lặng tiếng.

Trung Quốc tức giận vì bài diễn văn của tân tổng thống Đài Loan

Tại Đài Loan, ông Lại Thanh Đức (Lai Ching Te) hôm thứ Hai đã hứa hẹn "không nhân nhượng cũng không khiêu khích" và "duy trì nguyên trạng", thậm chí còn đề nghị hợp tác trở lại, nhất là du lịch và chấp nhận cho sinh viên Trung Quốc sang học ở Đài Loan. Tuy nhiên ông khẳng định : "Chúng ta không nên ảo tưởng. Trước vô số mối đe dọa và mưu toan xâm nhập của Trung Quốc, chúng ta phải chứng tỏ quyết tâm bảo vệ tổ quốc". "Tương lai của Trung Hoa Dân Quốc sẽ được 23 triệu người dân quyết định".

Lập tức Vương Nghị lên tiếng đả kích bài diễn văn nhậm chức của tổng thống Đài Loan. Nhân dân Nhật báo dành hẳn một trang lớn và 9 bài viết để tố cáo. Có thể một số tít bài : "Những ai đặt lại vấn đề về nguyên tắc chỉ có một nước Trung Hoa rốt cuộc sẽ bị dòng chảy lịch sử nuốt chửng", "Độc lập Đài Loan là ngõ cụt, ủng hộ độc lập Đài Loan chỉ dẫn đến thất bại". Trung Quốc còn cho biết đã phàn nàn với Hoa Kỳ vì ngoại trưởng Antony Blinken chúc mừng ông Lại Thanh Đức. Le Monde cho rằng Bắc Kinh có hai chọn lựa. Hoặc tương đối kềm chế để tránh tập trung chú ý vào Trung Quốc - không có lợi trong thời điểm tranh cử tổng thống Mỹ, hoặc phô trương sức mạnh, đặt eo biển dưới áp lực. Và Trung Quốc đã chọn giương oai diễu võ.

Vatican nhượng bộ Bắc Kinh, giáo dân Trung Quốc tiếp tục bị kềm kẹp               

Về Trung Quốc, La Croix chạy tít trang nhất "Trung Quốc, thách thức đầy rủi ro của Giáo hoàng Francis". Người đứng đầu giáo hội Công giáo tiếp tục chính sách xích lại gần Bắc Kinh, trong khi giáo dân tại Hoa lục sống trong tình cảnh ngày càng khó khăn. Mười hai triệu tín đồ Công giáo Trung Quốc vẫn là mục tiêu bị đảng cộng sản tấn công. Một nữ tu trên ứng dụng tin nhắn mã hóa vì "tai mắt của đảng không ngủ bao giờ", cho biết vẫn tiếp tục chăm sóc người bệnh và cầu nguyện tại tu viện núp dưới danh nghĩa nhà dưỡng lão.

Chan, một nhà báo ở Hồng Kông thổ lộ không còn dám tiếp xúc với giới Công giáo ở Hoa lục vì các linh mục và giáo dân sẽ gặp nguy hiểm. Các nhà thờ đều bị gắn camera theo dõi. Marie, thuộc một gia đình Công giáo ở Tứ Xuyên theo đạo đã mười thế hệ, nay sống tại Hoa Kỳ nhận định hỏa thuận năm 2018 giữa Vatican và Bắc Kinh là một "thảm họa". "Không thể để cho giáo hội Trung Quốc dưới sự kiểm soát của một đảng đang hủy diệt tất cả". Bà cho rằng Đức giáo hoàng xuất thân Dòng Tên, từ Argentina thiên tả hoặc thiếu thông tin, hoặc không hiểu được Trung Quốc.

Annie, một người Công giáo Hồng Kông có cảm giác như quay lại với thời kỳ cuối thập niên 70, khi người ta không hề biết gì phía sau bức màn tre. Từ khi Tập Cận Bình lên cầm quyền năm 2012, ông ta muốn Hán hóa giáo hội, áp đặt lý tưởng cộng sản. Giáo hoàng Francis cố gắng đối thoại với chế độ Bắc Kinh, nhưng chỉ là ảo tưởng. Bà kết luận : "Với đảng cộng sản không thể đối thoại, chỉ có thể đối đầu".

Sumy : Mặt trận mới trong tính toán của Kremlin

Về chiến sự Ukraine, Le Monde cho biết "Nga cố gắng mở một mặt trận mới ở vùng Sumy". Song song với Kharkiv, Moskva tập trung quân tại vùng đông bắc Ukraine, buộc Kiev phải dàn trải lực lượng trên các chiến tuyến.

Từ ngày 10/05, quân Nga đã tràn sang Kharkiv, chiếm được 150 kilomet vuông lãnh thổ, mười mấy ngôi làng, khiến 14.000 dân phải sơ tán. Các nhà phân tích phương Tây cho rằng Kremlin đã cân nhắc kỹ khi mở thêm mặt trận mới. Suốt một năm qua, những thành phố đáng kể nhất mà Moskva chiếm được là Bakhmut và Avdiivka, với cái giá nhân mạng khủng khiếp. Trong khi đó Vladimir Putin coi việc chinh phục toàn bộ Donbass là mục tiêu chính, sau khi "chiến dịch quân sự đặc biệt" dự kiến chiếm Ukraine trong vài tuần bị thất bại.

Mở thêm mặt trận mới ở miền bắc, Nga đánh cược vào sự mệt mỏi của lực lượng Ukraine sau hai năm chiến đấu, không thể bảo vệ toàn bộ 1.000 kilomet chiến tuyến. Chuyên gia Stéphane Audrand coi đây là bài học cho quân đội Pháp : "Nga chứng tỏ dùng tân binh được huấn luyện tồi và vũ khí tệ hại cũng vẫn tiến được, số lượng là quan trọng !". Hỏa tiễn và bom do phương Tây cung cấp có thể chặn được quân Nga, nhưng Kiev lại bị đồng minh cấm sử dụng trên lãnh thổ Nga.

Zelensky, tổng thống vô thời hạn

Về phía Ukraine, ông Volodymyr Zelensky được Le Monde gọi là "tổng thống vô thời hạn". Được bầu lên năm 2019, Zelensky tiếp tục là nguyên thủ do không thể tổ chức bầu cử vì đất nước đang trong tình trạng thiết quân luật.

Năm năm đã trôi qua kể từ ngày 20/05/2019, khi Zelensky tuyên thệ nhậm chức trước Verkhovna Rada, tức Quốc hội Ukraine. Tân tổng thống 41 tuổi chưa hề có kinh nghiệm chính trị, được bầu lên với 73,2% phiếu. Cử tri mong rằng ông sẽ đàm phán kết thúc cuộc chiến ở Donbass, chấm dứt nạn tham nhũng, cải thiện đời sống... Năm năm sau, người cựu nghệ sĩ trở thành tổng tư lệnh trong một cuộc chiến khốc liệt, khuôn mặt hằn sâu nét khắc khổ, râu mọc tua tủa. Volodymyr Zelensky nay chỉ xuất hiện trong trang phục màu kaki, không thay đổi kể từ khi Nga xâm lăng đất nước ngày 24/02/2022.

Lẽ ra nhiệm kỳ của ông kết thúc trong tuần này, nhưng còn chiến tranh thì Zelensky vẫn còn là tổng thống, vì Hiến Pháp không cho phép bầu cử trong thời chiến. Tình trạng này được hầu hết dân chúng chấp nhận. Theo nhiều viện thăm dò khác nhau, đại đa số dân Ukraine cho rằng không thể nào tổ chức bầu cử đúng nghĩa khi hàng trăm ngàn người đang phục vụ trong quân đội và nhiều triệu người khác đã di tản ra nước ngoài, toàn quốc bị bom Nga oanh tạc. Tuy nhiên nếu hồi tháng 3/2022 tổng thống có được tỉ lệ tín nhiệm chưa từng thấy là 90%, thì nay đã giảm dần, nhất là sau thất bại của cuộc phản công mùa hè.

Volodymyr Zelensky phải đối mặt với nhiều thách thức. Quân đội chuyển sang thế thủ trên nhiều chiến tuyến và rất thiếu đạn dược, phương Tây không chi viện kịp thời. Nhiều vấn đề khác gây bất bình : động viên thêm quân, xây dựng phòng tuyến, tham nhũng... Đối lập bắt đầu chỉ trích trở lại. Việc các dân biểu muốn ra nước ngoài phải được chủ tịch Quốc hội thuộc đảng cầm quyền bật đèn xanh, để tránh lấy cớ công tác đi du ngoạn, bị cho là nhằm gây áp lực, hạn chế tiếp xúc với các đồng minh phương Tây. Tuy vậy phe đối lập không đặt vấn đề về tính chính danh của tổng thống, để tránh bị coi là đồng lõa với chiến dịch bóp méo thông tin của Nga vốn đang hoành hành từ nhiều tháng qua. Vả lại công chúng cũng đồng thuận về việc ông Volodymyr Zelensky tiếp tục tại chức.

Georgia đàn áp những người chống "luật Nga" theo kiểu Nga

Nhìn sang nước láng giềng Georgia (Gruzia), Le Monde nhận thấy "chính quyền lao vào cuộc chiến chống lại nhân dân" : những người phản đối "luật Nga" bị đàn áp chưa từng thấy. Tờ báo gặp ông Gia Japaridze, giáo sư đạo học ở Tbilissi mười ngày sau khi bị hành hung, người vẫn còn đầy thương tích. Trước đó ông nhận được nhiều cuộc gọi dọa giết, cả người nhà cũng bị gọi điện hăm dọa, từ bà mẹ 80 tuổi đến đứa cháu 12 tuổi. Giờ đây ông phải thuê vệ sĩ khi ra ngoài, như các lãnh tụ đối lập, các thành viên tổ chức phi chính phủ… "Bây giờ rất khó tìm được vệ sĩ" - giáo sư này nói.

Levan Khabeichvili, chủ tịch đảng đối lập Phong trào Quốc gia Đoàn kết (MNU) hôm 01/05 bị cảnh sát chống bạo động đánh dập mũi và má, gãy hai chiếc răng, bị giải phẫu hai lần. Nhưng ngay hôm sau ông trở lại Quốc hội để tố cáo dự luật, mặt mũi vẫn sưng vù còn quấn băng. Luka Chelidze, sinh viên luật 21 tuổi tham gia đám đông quấn cờ Châu Âu và Georgia biểu tình trước Quốc hội, cũng bị những kẻ vô danh hành hung trước nhà. Có những cuộc gọi nặc danh đe dọa rằng đã biết nơi anh sống và đang theo dõi. Nay Luka đi đâu cũng phải thủ theo bình xịt hơi cay và có ít nhất hai người bạn đi kèm. Trong một tháng qua, trên 350 người biểu tình bị câu lưu. Một nhà báo nói rằng Georgia càng ngày càng giống Nga.

Tập đoàn phát thanh truyền hình Pháp, một BBC khác ?

Bên cạnh chiến tranh Ukraine và căng thắng Trung Quốc-Đài Loan, thời sự trong nước như tình hình Tân Calédonie, việc làm, sắp xếp lại các cơ quan truyền thông trong đó có France Médias Monde (FMM), công ty mẹ của RFI, là các vấn đề được báo chí Pháp đề cập nhiều hôm nay. Một dự luật được đưa ra thảo luận hôm nay và ngày mai, dự kiến kể từ 01/01/2026 hợp nhất các đài truyền thanh, truyền hình France Télévisions, Radio France, France Médias Monde, Viện Thính thị Quốc gia (INA) thành một cơ quan duy nhất mang tên France Médias.

Mục tiêu là tăng cường sức mạnh để trở thành một "BBC của Pháp". Tuy nhiên đa số nhà báo và tất cả nghiệp đoàn phản đối, cho rằng dự án này là "mị dân, không hiệu quả và nguy hiểm". Bà bộ trưởng mới Rachida Dati thúc hối để có được "di sản" ở Bộ Văn hóa trước khi lao vào cuộc chiến giành chức đô trưởng Paris, nhưng giới phát thanh truyền hình lo sợ sẽ mất đi tính độc lập và sự đa dạng.

Thụy My

Published in Việt Nam