Tân chủ tịch nước Việt Nam Tô Lâm, tổng bí thư tương lai ?
Le Monde nhận thấy "Với ông Tô Lâm, Việt Nam có một chủ tịch xuất thân từ bộ máy an ninh". Sự kiện bộ trưởng công an lên làm chủ tịch nước dường như là kết cuộc, hoặc ít nhất là một giai đoạn quan trọng trong việc tranh giành quyền lực ở thượng tầng từ hai năm qua.
Ông Tô Lâm tân chủ tịch nước và ông Trần Thanh Mẫn (trái), tân chủ tịch Quốc hội Việt Nam viếng lăng Hồ Chí Minh trước phiên họp Quốc hội ngày 20/05/2024. AP - Hau Dinh
Sau một loạt vụ "từ chức", người "đốt lò" thành chủ tịch nước
Được đảng giới thiệu, đại tướng Tô Lâm được Quốc hội bầu làm chủ tịch nước hôm thứ Tư 22/05 sau cuộc bỏ phiếu kín, với 472/473 phiếu. Việt Nam không có chủ tịch từ tháng Ba, khi ông Võ Văn Thưởng bất ngờ từ chức. Ông Thưởng thay thế người tiền nhiệm cũng "từ chức" mới một năm. Chức vụ này chỉ mang tính hình thức, quyền lực tối thượng nằm trong tay tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Cuối tháng 4, đến lượt chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, một trong "tứ trụ" bỏ cuộc, và ngày 16/05 bà Trương Thị Mai, phụ nữ duy nhất trong Bộ Chính trị ra đi. Nay Bộ Chính trị chỉ còn 12 ủy viên thay vì 18, sau một loạt vụ từ chức kể từ đại hội đảng 2021, sự kiện chưa từng thấy trong lịch sử. Ngoài ông Tô Lâm, một số nhân vật khác được giới thiệu và Quốc hội "bầu" bổ sung vào Bộ Chính trị.
Các khuôn mặt lãnh đạo từ chức trên đây về mặt chính thức vì lý do mập mờ "vi phạm và khuyết điểm", "gây dư luận xấu, làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, Nhà nước và cá nhân". Đó là sự ra đi trong danh dự được thương lượng, vì ít nhiều liên quan đến tham nhũng. Hàng trăm cán bộ đảng và doanh nhân giàu có nổi tiếng đã lãnh những bản án nặng nề kể từ chiến dịch "đốt lò" khởi đầu năm 2016 của tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, theo kiểu Tập Cận Bình ở Trung Quốc năm 2013. Người thực hiện việc "đốt lò" chính là ông Tô Lâm.
Ông Tô Lâm sẽ là tổng bí thư nhiệm kỳ tới ?
Lên làm bộ trưởng công an từ 2016, vào Bộ Chính trị năm 2021, với vị trí phó chủ tịch Ủy ban chống tham nhũng, Tô Lâm là người quyết định các hồ sơ nào phải "vào lò". Ông Trọng năm nay 80 tuổi, liên tiếp có những sự cố về sức khỏe, giữ im lặng.
Chuyên gia Benoit de Tréglodé nhận định, sức khỏe ông Trọng suy giảm giúp Tô Lâm, người cạnh tranh chính của ông giành được ảnh hưởng lớn hơn trong bộ máy và quyền lãnh đạo chiến dịch chống tham nhũng. Chiến dịch này trước hết là đấu tranh quyền lực. Võ Văn Thưởng được coi là người do ông Trọng bảo trợ và có thể kế nhiệm ông. Tô Lâm, 66 tuổi, nay có thể dòm ngó chức tổng bí thư trong đại hội đảng tháng Giêng 2027. Theo chuyên gia Carl Thayer, làm chủ tịch nước sẽ ngăn cản một đối thủ tiềm tàng vào được "tứ trụ".
Le Monde nhắc lại, sự nghiệp ông Tô Lâm suýt bị lung lay tháng 11/2021 vì vụ ăn món bít-tết dát vàng của đầu bếp nổi tiếng người Thổ Nhĩ Kỳ Nusret Gokce trong một nhà hàng sang trọng ở Luân Đôn, với cái giá trên trời. Video này lan tràn trên internet. Khi về nước, ông ra tay trấn áp xã hội dân sự. Bùi Tuấn Lâm, một chủ quán bún bò đã nhái lại cách rắc muối của đầu bếp Thổ, lãnh án năm năm rưỡi tù giam vì "chống Nhà nước". Ông Tréglodé cho rằng với ông Tô Lâm, chính quyền sẽ bảo thủ và kiểm soát xã hội chặt hơn, cởi mở với Trung Quốc. Ngược lại, phe quân đội vốn cảnh giác trước người láng giềng phương bắc, nay im hơi lặng tiếng.
Trung Quốc tức giận vì bài diễn văn của tân tổng thống Đài Loan
Tại Đài Loan, ông Lại Thanh Đức (Lai Ching Te) hôm thứ Hai đã hứa hẹn "không nhân nhượng cũng không khiêu khích" và "duy trì nguyên trạng", thậm chí còn đề nghị hợp tác trở lại, nhất là du lịch và chấp nhận cho sinh viên Trung Quốc sang học ở Đài Loan. Tuy nhiên ông khẳng định : "Chúng ta không nên ảo tưởng. Trước vô số mối đe dọa và mưu toan xâm nhập của Trung Quốc, chúng ta phải chứng tỏ quyết tâm bảo vệ tổ quốc". "Tương lai của Trung Hoa Dân Quốc sẽ được 23 triệu người dân quyết định".
Lập tức Vương Nghị lên tiếng đả kích bài diễn văn nhậm chức của tổng thống Đài Loan. Nhân dân Nhật báo dành hẳn một trang lớn và 9 bài viết để tố cáo. Có thể một số tít bài : "Những ai đặt lại vấn đề về nguyên tắc chỉ có một nước Trung Hoa rốt cuộc sẽ bị dòng chảy lịch sử nuốt chửng", "Độc lập Đài Loan là ngõ cụt, ủng hộ độc lập Đài Loan chỉ dẫn đến thất bại". Trung Quốc còn cho biết đã phàn nàn với Hoa Kỳ vì ngoại trưởng Antony Blinken chúc mừng ông Lại Thanh Đức. Le Monde cho rằng Bắc Kinh có hai chọn lựa. Hoặc tương đối kềm chế để tránh tập trung chú ý vào Trung Quốc - không có lợi trong thời điểm tranh cử tổng thống Mỹ, hoặc phô trương sức mạnh, đặt eo biển dưới áp lực. Và Trung Quốc đã chọn giương oai diễu võ.
Vatican nhượng bộ Bắc Kinh, giáo dân Trung Quốc tiếp tục bị kềm kẹp
Về Trung Quốc, La Croix chạy tít trang nhất "Trung Quốc, thách thức đầy rủi ro của Giáo hoàng Francis". Người đứng đầu giáo hội Công giáo tiếp tục chính sách xích lại gần Bắc Kinh, trong khi giáo dân tại Hoa lục sống trong tình cảnh ngày càng khó khăn. Mười hai triệu tín đồ Công giáo Trung Quốc vẫn là mục tiêu bị đảng cộng sản tấn công. Một nữ tu trên ứng dụng tin nhắn mã hóa vì "tai mắt của đảng không ngủ bao giờ", cho biết vẫn tiếp tục chăm sóc người bệnh và cầu nguyện tại tu viện núp dưới danh nghĩa nhà dưỡng lão.
Chan, một nhà báo ở Hồng Kông thổ lộ không còn dám tiếp xúc với giới Công giáo ở Hoa lục vì các linh mục và giáo dân sẽ gặp nguy hiểm. Các nhà thờ đều bị gắn camera theo dõi. Marie, thuộc một gia đình Công giáo ở Tứ Xuyên theo đạo đã mười thế hệ, nay sống tại Hoa Kỳ nhận định hỏa thuận năm 2018 giữa Vatican và Bắc Kinh là một "thảm họa". "Không thể để cho giáo hội Trung Quốc dưới sự kiểm soát của một đảng đang hủy diệt tất cả". Bà cho rằng Đức giáo hoàng xuất thân Dòng Tên, từ Argentina thiên tả hoặc thiếu thông tin, hoặc không hiểu được Trung Quốc.
Annie, một người Công giáo Hồng Kông có cảm giác như quay lại với thời kỳ cuối thập niên 70, khi người ta không hề biết gì phía sau bức màn tre. Từ khi Tập Cận Bình lên cầm quyền năm 2012, ông ta muốn Hán hóa giáo hội, áp đặt lý tưởng cộng sản. Giáo hoàng Francis cố gắng đối thoại với chế độ Bắc Kinh, nhưng chỉ là ảo tưởng. Bà kết luận : "Với đảng cộng sản không thể đối thoại, chỉ có thể đối đầu".
Sumy : Mặt trận mới trong tính toán của Kremlin
Về chiến sự Ukraine, Le Monde cho biết "Nga cố gắng mở một mặt trận mới ở vùng Sumy". Song song với Kharkiv, Moskva tập trung quân tại vùng đông bắc Ukraine, buộc Kiev phải dàn trải lực lượng trên các chiến tuyến.
Từ ngày 10/05, quân Nga đã tràn sang Kharkiv, chiếm được 150 kilomet vuông lãnh thổ, mười mấy ngôi làng, khiến 14.000 dân phải sơ tán. Các nhà phân tích phương Tây cho rằng Kremlin đã cân nhắc kỹ khi mở thêm mặt trận mới. Suốt một năm qua, những thành phố đáng kể nhất mà Moskva chiếm được là Bakhmut và Avdiivka, với cái giá nhân mạng khủng khiếp. Trong khi đó Vladimir Putin coi việc chinh phục toàn bộ Donbass là mục tiêu chính, sau khi "chiến dịch quân sự đặc biệt" dự kiến chiếm Ukraine trong vài tuần bị thất bại.
Mở thêm mặt trận mới ở miền bắc, Nga đánh cược vào sự mệt mỏi của lực lượng Ukraine sau hai năm chiến đấu, không thể bảo vệ toàn bộ 1.000 kilomet chiến tuyến. Chuyên gia Stéphane Audrand coi đây là bài học cho quân đội Pháp : "Nga chứng tỏ dùng tân binh được huấn luyện tồi và vũ khí tệ hại cũng vẫn tiến được, số lượng là quan trọng !". Hỏa tiễn và bom do phương Tây cung cấp có thể chặn được quân Nga, nhưng Kiev lại bị đồng minh cấm sử dụng trên lãnh thổ Nga.
Zelensky, tổng thống vô thời hạn
Về phía Ukraine, ông Volodymyr Zelensky được Le Monde gọi là "tổng thống vô thời hạn". Được bầu lên năm 2019, Zelensky tiếp tục là nguyên thủ do không thể tổ chức bầu cử vì đất nước đang trong tình trạng thiết quân luật.
Năm năm đã trôi qua kể từ ngày 20/05/2019, khi Zelensky tuyên thệ nhậm chức trước Verkhovna Rada, tức Quốc hội Ukraine. Tân tổng thống 41 tuổi chưa hề có kinh nghiệm chính trị, được bầu lên với 73,2% phiếu. Cử tri mong rằng ông sẽ đàm phán kết thúc cuộc chiến ở Donbass, chấm dứt nạn tham nhũng, cải thiện đời sống... Năm năm sau, người cựu nghệ sĩ trở thành tổng tư lệnh trong một cuộc chiến khốc liệt, khuôn mặt hằn sâu nét khắc khổ, râu mọc tua tủa. Volodymyr Zelensky nay chỉ xuất hiện trong trang phục màu kaki, không thay đổi kể từ khi Nga xâm lăng đất nước ngày 24/02/2022.
Lẽ ra nhiệm kỳ của ông kết thúc trong tuần này, nhưng còn chiến tranh thì Zelensky vẫn còn là tổng thống, vì Hiến Pháp không cho phép bầu cử trong thời chiến. Tình trạng này được hầu hết dân chúng chấp nhận. Theo nhiều viện thăm dò khác nhau, đại đa số dân Ukraine cho rằng không thể nào tổ chức bầu cử đúng nghĩa khi hàng trăm ngàn người đang phục vụ trong quân đội và nhiều triệu người khác đã di tản ra nước ngoài, toàn quốc bị bom Nga oanh tạc. Tuy nhiên nếu hồi tháng 3/2022 tổng thống có được tỉ lệ tín nhiệm chưa từng thấy là 90%, thì nay đã giảm dần, nhất là sau thất bại của cuộc phản công mùa hè.
Volodymyr Zelensky phải đối mặt với nhiều thách thức. Quân đội chuyển sang thế thủ trên nhiều chiến tuyến và rất thiếu đạn dược, phương Tây không chi viện kịp thời. Nhiều vấn đề khác gây bất bình : động viên thêm quân, xây dựng phòng tuyến, tham nhũng... Đối lập bắt đầu chỉ trích trở lại. Việc các dân biểu muốn ra nước ngoài phải được chủ tịch Quốc hội thuộc đảng cầm quyền bật đèn xanh, để tránh lấy cớ công tác đi du ngoạn, bị cho là nhằm gây áp lực, hạn chế tiếp xúc với các đồng minh phương Tây. Tuy vậy phe đối lập không đặt vấn đề về tính chính danh của tổng thống, để tránh bị coi là đồng lõa với chiến dịch bóp méo thông tin của Nga vốn đang hoành hành từ nhiều tháng qua. Vả lại công chúng cũng đồng thuận về việc ông Volodymyr Zelensky tiếp tục tại chức.
Georgia đàn áp những người chống "luật Nga" theo kiểu Nga
Nhìn sang nước láng giềng Georgia (Gruzia), Le Monde nhận thấy "chính quyền lao vào cuộc chiến chống lại nhân dân" : những người phản đối "luật Nga" bị đàn áp chưa từng thấy. Tờ báo gặp ông Gia Japaridze, giáo sư đạo học ở Tbilissi mười ngày sau khi bị hành hung, người vẫn còn đầy thương tích. Trước đó ông nhận được nhiều cuộc gọi dọa giết, cả người nhà cũng bị gọi điện hăm dọa, từ bà mẹ 80 tuổi đến đứa cháu 12 tuổi. Giờ đây ông phải thuê vệ sĩ khi ra ngoài, như các lãnh tụ đối lập, các thành viên tổ chức phi chính phủ… "Bây giờ rất khó tìm được vệ sĩ" - giáo sư này nói.
Levan Khabeichvili, chủ tịch đảng đối lập Phong trào Quốc gia Đoàn kết (MNU) hôm 01/05 bị cảnh sát chống bạo động đánh dập mũi và má, gãy hai chiếc răng, bị giải phẫu hai lần. Nhưng ngay hôm sau ông trở lại Quốc hội để tố cáo dự luật, mặt mũi vẫn sưng vù còn quấn băng. Luka Chelidze, sinh viên luật 21 tuổi tham gia đám đông quấn cờ Châu Âu và Georgia biểu tình trước Quốc hội, cũng bị những kẻ vô danh hành hung trước nhà. Có những cuộc gọi nặc danh đe dọa rằng đã biết nơi anh sống và đang theo dõi. Nay Luka đi đâu cũng phải thủ theo bình xịt hơi cay và có ít nhất hai người bạn đi kèm. Trong một tháng qua, trên 350 người biểu tình bị câu lưu. Một nhà báo nói rằng Georgia càng ngày càng giống Nga.
Tập đoàn phát thanh truyền hình Pháp, một BBC khác ?
Bên cạnh chiến tranh Ukraine và căng thắng Trung Quốc-Đài Loan, thời sự trong nước như tình hình Tân Calédonie, việc làm, sắp xếp lại các cơ quan truyền thông trong đó có France Médias Monde (FMM), công ty mẹ của RFI, là các vấn đề được báo chí Pháp đề cập nhiều hôm nay. Một dự luật được đưa ra thảo luận hôm nay và ngày mai, dự kiến kể từ 01/01/2026 hợp nhất các đài truyền thanh, truyền hình France Télévisions, Radio France, France Médias Monde, Viện Thính thị Quốc gia (INA) thành một cơ quan duy nhất mang tên France Médias.
Mục tiêu là tăng cường sức mạnh để trở thành một "BBC của Pháp". Tuy nhiên đa số nhà báo và tất cả nghiệp đoàn phản đối, cho rằng dự án này là "mị dân, không hiệu quả và nguy hiểm". Bà bộ trưởng mới Rachida Dati thúc hối để có được "di sản" ở Bộ Văn hóa trước khi lao vào cuộc chiến giành chức đô trưởng Paris, nhưng giới phát thanh truyền hình lo sợ sẽ mất đi tính độc lập và sự đa dạng.
Thụy My