Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Ý thức được là Sáng Kiến Vành Đai và Con Đường – Belt and Road Initiatives BRI không còn sức lôi cuốn ban đầu, tăng trưởng và đầu tư của Trung Quốc "có hạn", Bắc Kinh đi tìm "một làn gió mới cho Con Đường Tơ Lụa Mới". Nhưng làm thế nào để thuyết thuyết phục các đối tác của Bắc Kinh rằng BRI không đẩy thế giới đến gần một cuộc "Chiến tranh lạnh toàn diện" như nghi nhận của kinh tế trưởng ngân hàng Pháp Natixis, Alicia Garcia Herrero ?

tolua1

Chủ tịch Trung Quốc nhân Diễn Đàn BRI Một Vành Đai Một Con Đường tại Bắc Kinh. Ảnh ngày 18/10/2023. AP - Ng Han Guan

Đánh dấu 10 năm khai sinh Con Đường Tơ Lụa Mới, dự án đã được 150 quốc gia và 30 tổ chức quốc tế hưởng ứng, Bắc Kinh tổ chức Diễn Đàn BRI trong hai ngày 17 -18/10/2023. Trong số các khách mời ngoài sự hiện diện của tổng thống Nga, nguyên thủ Indonesia, thủ tướng Hungary và của nhiều nước Châu Phi, trong lúc nhiều thành viên khác như Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập hay Qatar, Nam Phi Argentina… và nhất là của hầu hết các nước Châu Âu chỉ gửi phái đoàn đại diện ở cấp chuyên gia. Điều đó làm dấy lên câu hỏi : BRI có còn sức thu hút như hồi 2013 khi ông Tập Cận Bình đọc diễn văn tại Kazakhstan đã khai sinh Sáng Kiến Vành Đai và Con Đường hay còn được gọi là Sáng Kiến Một Vành Đai Một Con Đường ?

Thành công về chính trị của Tập Cận Bình

Cột mốc 10 năm BRI diễn ra trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc đang tăng trưởng chậm lại, đầu tư nước ngoài vào Hoa Lục sụt giảm, cuộc đọ sức Mỹ-Trung không có dấu hiệu thuyên giảm. Dù vậy trên đài RFI Pháp ngữ Eyck Freymann, nghiên cứu sinh trường Harvard Kennedy School, tác giả cuốn, One Belt One Road, Chinese power meets the World -Một vành Đai, Một Con Đường, Quyền Lực Trung Quốc với Thế Giới  (NXB Harvard UP, 2020) giải thích vì sao đối với ông Tập BRI là một thành công. 

"Theo tôi thì có ba mục tiêu. Đầu tiên và quan trọng hơn cả là ông Tập Cận Bình muốn củng cố vị trí của mình về mặt đối nội với một chương trình đầy tham vọng. Con Đường Tơ Lụa trở thành một khẩu hiệu mà tất cả các cơ quan trong guồng máy của Đảng và Nhà Nước phải quảng bá và ca tụng. Chủ đích thứ nhì nhằm áp đặt kỷ luật và trật tự vào lúc mà các ngân hàng Trung Quốc bắt đầu vươn ra quốc tế.

Ông Tập vẫn muốn tiếp tục đặt các định chế ngân hàng này dưới sự lãnh đạo và kiểm soát của nhà nước và nhất là của Đảng Cộng Sản. Điểm thứ ba là Tập Cận Bình muốn thế giới hiểu rằng dưới sự lãnh đạo của ông, Trung Quốc càng lúc càng chiếm một vị trí quan trọng trên sân khấu quốc tế và Bắc Kinh muốn rằng ảnh hưởng kinh tế đó sẽ tạo dựng ảnh hưởng về chính trị của Trung Quốc với các đối tác mới, đặc biệt là với các quốc gia đang phát triển (...).

Khi thông báo dự án Một Vành Đai Một Con Đường, Tập Cận Bình và nhiều nhà lãnh đạo khác đều mặc nhiên dựa trên giả thuyết là kinh tế Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng trưởng vững mạnh trong nhiều thập niên sắp tới. Nhưng chỉ một chục năm sau, chúng ta thấy tăng trưởng của Trung Quốc đang bị chựng một cánh đáng kể. Cũng rất có thể là Trung Quốc rơi vào một chu kỳ tăng trưởng chậm trong nhiều năm. Điều đó có nghĩa là Bắc Kinh sẽ không thể tiếp tục cấp tín dụng dài hạn hàng trăm tỷ đô la cho thế giới. Ông Tập Cận Bình đã phải rà soát lại và thu hẹp những tham vọng của mình. Tuy nhiên, đầu tư vào cơ sở hạ tầng và cấp tín dụng cho các đối tác chỉ chiếm một vị trí khiêm tốn trong Sáng Kiến Một Vành Đai một Con Đường. Bởi theo tôi, BRI chủ yếu theo đuổi mục đích chính trị và ông Tập có một mục tiêu kép đó là vừa mở rộng kiểm soát của Đảng và Nhà Nước đối với hệ thống tài chính ngân hàng Trung Quốc, vừa khẳng định ông là một vĩ nhân trên bàn cờ quốc tế. Hơn bao giờ hết quyền lực của ông Tập đã được củng cố tại Trung Quốc".

Trong báo cáo công bố cuối 2021 cơ quan tư vấn Mỹ AIDDATA ghi nhận đã "có tổng cộng gần 13.500 dự án đầu tư với tổng số vốn lên đến gần 1.000 tỷ đô la đã được thực hiện trong khuôn khổ Sáng Kiến Một Vành Đai Một Con Đường". Trong Sách Trắng về BRI công bố ngày 10/10/2023 Trung Quốc tự hào đưa ra những thành tích như là "tổng kim ngạch trao đổi mậu dịch với 150 nước tham gia BRI đạt 2.900 tỷ đô la năm 2022 (…) và trong tháng 6/2023 Bắc Kinh đã ký hơn 2.000 thỏa thuận hợp tác" với các bên tham gia Con Đường Tơ Lụa Mới.

Điều đó không che dấu được một thực tế đó là đầu tư của Trung Quốc trong khuôn khổ BRI giảm mạnh từ sau đại dịch Covid 19 nhất là khi nhìn vào thống kê các dự án Trung Quốc đổ đổ về Châu Phi. Theo báo cáo của đại học Mỹ Boston, tín dụng cấp cho Châu Phi đang từ 8,5 tỷ đô la năm 2019 đã giảm xuống còn chưa đầy một tỷ vào cuối 2022.

Nhưng trong 10 năm qua, nhờ Sáng Kiến Một Vành Đai Một Con Đường Trung Quốc trở thành chủ nợ chính của nhiều quốc gia. Cũng vì những khoản nợ khổng lồ những dự án phát triển cơ sở hạ tầng, đường thủy, đường bộ…  mà nhiều nước như Sri Lanka hay Zambia và trong một chừng mực nào đó là Lào đã bị "cột chặt" vào với Bắc Kinh. Theo thống kê của AIDDATA 35% các dự án hợp tác với Trung Quốc trong khuôn khổ BRI đã đặt ra "rất nhiều vấn đề" cho các đối tác của Bắc Kinh. Sri Lanka bị rơi vào "bẫy nợ" Trung Quốc. Pokhara thành phố lớn thứ nhì của Nepal không biết phải làm gì với phi trường quốc tế mới tinh nhưng không có bóng người qua lại.

Từ BRI đến Con Đường Tơ Lụa Digital

Cũng vì tránh mang tiếng là đã "giăng bẫy nợ" cho các nước nghèo với những công trình xây dựng khổng lồ nhưng vô bổ, tại diễn đàn Bắc Kinh vừa qua ông Tập Cận Bình đã nhán mạnh đến khái niệm một "Cộng đồng có chung định mệnh". Trả lời RFI Pháp ngữ giáo sư Trần Kiến Phủ (Chen Chien Fu) giám đốc Viện Nghiên Cứu Trung Quốc -Đại Học Đạm Giang (Tamkang) Đài Loan ghi nhận nhiều thay đổi trong chính sách của Trung Quốc về dự án Con Đường Tơ Lụa Mới so với những mục tiêu ban đầu hồi 2013 :

"Mười năm vừa qua dự án BRI đã có nhiều thay đổi. Trung Quốc càng vững mạnh, nhất là sau khi thành lập Ngân Hàng Đầu Tư Cơ Sở Hạ Tầng Châu Á – AIIB năm 2016, nhiều nước Châu Âu bắt đầu tham gia vào ngân hàng này. Có thể nói đấy là thời kỳ vàng son của chương trình Một Vành Đai Một Con Đường, về khía cạnh ảnh hưởng của Trung Quốc. Dự án sau đó đã tiếp tục có nhiều chuyển biến khác. BRI không chỉ còn tập trung vào các chương trình phát triển cơ sử hạ tầng mà đã mở rộng đến nhiều lĩnh vực khác như là các dự án xây dựng đường ống dẫn dầu và khí tự nhiên. BRI bao gồm luôn cả các nguồn nhiên liệu hiếm. Với Châu Phi chẳng hạn thì Trung Quốc chỉ có một mục tiêu đó là bảo đảm các nguồn cung cấp về khoáng sản hiếm và xây dựng căn cứ quân sự tại châu lục này".

Từ 2020 ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã bắt đầu đề cập đến "Con Đường Tơ Lụa digital (DSR Digital Silk Road) : Bắc Kinh xem việc kết nối Hoa Lục với phần còn lại của thế giới về công nghệ kỹ thuật số là "một ưu tiên trong các chương trình hợp tác" trong tương lai. Nhưng không chỉ có thế giáo sư Trần Kiến Phủ đại học Đài Loan giải thích tiếp :

"Trong tương lai sẽ còn có nhiều thay đổi khác nữa. Chẳng hạn như BRI sẽ không tạo cảm giác đây là một công cụ để Bắc Kinh mở rộng ảnh hưởng về ngoại giao bằng những chương trình đầu tư hào phóng. Có thể là Trung Quốc sẽ nhắm đến những mục tiêu chính xác hơn và mang tính cách lâu dài hơn, thí dụ như là các chương trình liên quan đến quyền của phụ nữ, hay các chương trình phát triển năng lượng xanh. Rất có thể Một Vành Đai Một Con Đường không chỉ tập trung vào các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng mà sẽ chuyển hướng sang các dự án mang tính xã hội hay… Mục tiêu là nhằm cải thiện hình ảnh của Trung Quốc với các đối tác nhận tài trợ của Bắc Kinh".

BRI mượn tay doanh nghiệp Trung Quốc vì một trật tự mới ? 

Về phần nghiên cứu sinh trường Harvard Kennedy School Eyck Freymann thì BRI trước hết là một công cụ để ông Tập Cận Bình vừa củng cố vai trò của các doanh nghiệp Trung Quốc ở hải ngoại, vừa vẫn kềm tỏa số này trong vòng kiểm soát của Đảng và Nhà nước :

"Khi ông Tập Cận bình lên cầm quyền, ông thừa hưởng chính sách đẩy mạnh đầu tư của Trung Quốc ra nước ngoài. Tuy nhiên đó cũng là cơ hội để nhiều doanh nghiệp Trung Quốc chuyển vốn ra khỏi Hoa Lục và như vậy thì đâu có phải là vì lợi ích quốc gia. Đó là lý do vì sao ông Tập Cận Bình đã nhanh chóng giành lại quyền để định hướng lại chính sách phát triển và đầu tư của Trung Quốc ở hải ngoại. Bắc Kinh đã loại bỏ những dự án không có lợi cho Nhà nước Trung Quốc (…). Trong chiều hướng đó, những mục tiêu của Sáng Kiến BRI đã thay đổi theo thời gian. Trung Quốc thích nghi, học hỏi và cũng đã phạm phải nhiều sai lầm : trong những năm đầu Con Đường Tơ Lụa Mới còn lỏng lẻo trong cách tổ chức. Giờ đây, mọi người ý thức là túi tiền của Trung Quốc cũng có hạn và Bắc Kinh thì chủ trương thu hoạch những thành quả về mặt chính trị tối đa với một số vốn phải bỏ ra ít chừng nào tối chừng nấy. Nói cách khác Trung Quốc đang mở ra mối quan hệ với các đối tác của mình dưới một góc độ khác hẳn và cũng đang tìm kiếm những dự án khác".   

Song cũng không thể chối cãi là nhiều đối tác của Bắc Kinh thất vọng vì BRI. Nhiều thành viên trong Liên Hiệp Châu Âu từng hào hứng đón nhận đầu tư của Trung Quốc, đứng đầu là Hy Lạp hay Bồ Đào Nha và nhiều nước ở Trung và Đông Âu. Phần lớn đã rất "kín tiếng" nhân lễ mừng sinh nhật BRI 10 năm tuổi. Ý thì đang chuẩn bị chia tay với dự án được ông Tập Cận Bình coi là tủ kính của nền ngoại giao Trung Quốc từ khi ông lên cầm quyền.

Small is beautiful

Chính vì thế mà trong diễn văn khai mạc Diễn Đàn BRI ở Bắc Kinh vừa qua chủ tịch Trung Quốc cam kết tiếp tục đầu tư 100 tỷ đô la cho Sáng Kiến Một Vành Đai Một Con Đường, chú trọng nhiều hơn đến những dự án phát triển sạch, chú ý hơn đến môi trường xã hội của các đối tác cùng làm ăn với Trung Quốc. Có điều như nghiên cứu sinh Harvard Kennedy School, Eyck Freymann, rất có thể là chu kỳ tăng trưởng mạnh của kinh tế Trung Quốc đã qua do vậy Bắc Kinh hô to khẩu hiệu Small is beautiful một phần là tránh để phải tiếp tục chi ra những chương trình đầu tư hàng chục triệu đô la. 

Tuy nhiên theo kinh tế trưởng ngân hàng Pháp Netixis, bà Alicia Garcia Herrero, chính vì cuộc đọ sức Mỹ Trung không có dấu hiệu thuyên giảm nên BRI lại càng là công cụ để Bắc Kinh lôi kéo thêm đồng minh về phía mình. Hơn nữa Nga, Iran đang bị Hoa Kỳ và phương Tây trừng phạt, cộng đồng quốc tế đang bị chia rẽ sau hơn 600 ngày chiến tranh Ukraine. Gần đây hơn, mọi chú ý đang dồn về Trung Cận Đông nơi mà tình hình được ví như một "thùng thuốc súng" từ sau đợt tấn công phong trào Hồi Giáo Palestine Hamas tiến hành trên lãnh thổ Israel, một phần thế giới Hồi Giáo và Ả Rập đang phẫn nộ. Đây lại càng là cơ hội để ông Tập Cận Bình đã nhắc nhở rằng Trung Quốc là một "yếu tố hàn gắn" những chia rẽ trên thế giới hiện. 

Trong cương vị chủ nhà lãnh đạo Trung Quốc tại diễn đàn BRI vừa qua đã nhắc lại những thành tựu đã đạt được trong thập niên vừa qua trong khuôn khổ dự án Con Đường Tơ Lụa Mới. Bắc Kinh đưa ra hình ảnh một nước Trung Quốc bảo vệ mô hình kinh tế toàn cầu "rộng mở" chống lại mọi chủ trương bảo hộ, mọi biện pháp dùng đòn kinh tế, thương mại "đơn phương trừng phạt hay uy hiếp các quốc gia khác", mọi quyết định làm xáo trộn chuỗi cung ứng toàn cầu. Một nhà ngoại giao Châu Âu nhận định : với phát biểu này, không hiểu là lãnh đạo Trung Quốc muốn "chỉ trích đường lối của chính quyền Biden hay của chính ông ?"

Nhà báo Alex Wang, cây bút trên tạp chí chuyên về địa chính trị Revue des Conflits đi xa hơn khi cho rằng tiếp quan khách nhân Diễn Đàn BRI lần thứ ba tuần trước, ông Tập Cận Bình để lộ rỏ những ưu tiên về kinh tế, chính trị và địa chính trị : ông không chỉ chuẩn bị công luận trước viễn cảnh "một cuộc đối đầu với Hoa Kỳ mà còn trình bày với thế giới về một mô hình phát triển khác, hấp dẫn hơn đối với các nước đang phát triển so với những gì mà phương Tây đã đề nghị với các quốc gia này từ lâu nay".

Đành rằng sau 10 đi vào hoạt động, BRI không hoàn hảo và là một "bẫy nợ" nguy hiểm nhưng Trung Quốc là một chủ nợ hiếm hoi cấp tín dụng cho những quốc gia bị các chủ nợ phương Tâ coi là những điểm đầu tư "không an toàn và những đối tác không đáng tin cậy". 

Thanh Hà

Nguồn : RFI, 24/10/2023

Published in Diễn đàn

Năm 1904, Halford John Mackinder – nhà địa lý học người Anh – từng nói : "Ai thống trị được "Heartland" thì chỉ huy cả thế giới". Học thuyết địa chính trị nổi tiếng này còn cho rằng Vương Quốc Anh vẫn sẽ dẫn đầu thế giới chừng nào chưa có một cường quốc hay liên minh cường quốc Á – Âu nào thống trị lục địa Á – Âu. Hơn một thế kỷ sau, cuộc chiến giành "Heartland" giữa Mỹ và Trung Quốc diễn ra gay gắt hơn bao giờ hết.

obor1

Bản đồ dự án Con Đường Tơ Lụa Mới của Trung Quốc. Reuters

"Heartland" - trung tâm thế giới - mà Halford J. Mackinder nói đến chính là tâm của Đảo Thế Giới (World – Island), tức lục địa Á-Âu. Vùng "Heartland" này trải dài từ sông Volga đến sông Trường Giang và từ dãy Himalaya đến vùng Vùng Bắc Cực. Vào thời đó, Heartland phần lớn do đế chế Nga hoàng chiếm đóng, nhưng với Mackinder, đây là vùng lãnh thổ trù phú nhất và có vị trí chiến lược quan trọng nhất của thế giới.

Hoa Kỳ : "Heartland" của cả thế giới ?

Trong một chương trình của đài truyền hình ARTE, George Friedman, nhà sáng lập, kiêm tổng giám đốc Geopolitical Future nhắc lại học thuyết này của Mackinder sau này được Mỹ, đặc biệt là ngoại trưởng Henry Kissinger (1973 – 1977), nghiên cứu kỹ lưỡng :

"Theo gương Anh Quốc thời đó, Kissinger nghĩ rằng Mỹ có thể thống trị thế giới một cách hiệu quả từ các vùng biển. Để có thể thực hiện điều này, Washington cần một đầu cầu ở Châu Âu và một tại Đông Á, nhằm duy trì sự bất hòa giữa các nước Á-Âu lớn. Vào thời kỳ Chiến Tranh Lạnh, đối với Kissinger, điều đó có nghĩa là phải chia rẽ các cường quốc lục địa Châu Âu như Đức và Nga, và các cường quốc Á-Âu, tức Nga và Trung Quốc".

Điểm quan trọng nhất trong học thuyết này của Mackinder là làm thế nào kiểm soát hai nút thắt chính ở hai đầu cực lục địa Á-Âu. Theo nhận định của Pepe Escobar, nhà phân tích địa chính trị, trên đài ARTE, trong suy nghĩ của giới chiến lược gia Mỹ thời bấy giờ, hai nút thắt đó chính là Đức và Nhật Bản. "Nếu Mỹ kiểm soát được Đức, đây là những gì họ vẫn làm, nếu họ khống chế được Nhật Bản, đó cũng là những gì đang diễn ra, và nếu Mỹ thống trị được các vùng biển như Anh Quốc trong quá khứ, Hoa Kỳ có thể bao vây lục địa Á-Âu và chi phối toàn cầu ở cấp độ đường biển".

Cũng theo học thuyết của Mackinder, trung tâm của hệ thống toàn cầu là Heartland. Ai kiểm soát được Heartland thì sẽ thống trị được Châu Âu và toàn thế giới. Nhìn từ góc độ này, George Friedman cho rằng Mỹ hiện vẫn là "Heartland" của thế giới :

"Thứ nhất, đây là nền kinh tế lớn nhất thế giới. Thứ hai, đây là quốc gia thụ hưởng dòng vốn đầu tư chính và quan trọng hơn cả, đây còn là một trong số hiếm hoi các nước trên thế giới không thể bị tấn công bằng đường bộ. Nước Mỹ nằm trên một hòn đảo, tuy phía Bắc giáp với Canada, phía Nam giáp với Mêhicô, nhưng Canada tham gia cùng hệ thống phòng không với Mỹ, còn Mêhicô có những đặc tính riêng của họ, nên Mỹ cũng không mấy lo lắng về vấn đề này".

Cũng theo George Friedman, mối đe dọa duy nhất đối với Mỹ đến từ hai đại dương. "Khi Mackinder ở đó, ông ấy đã không để ý đến Thái Bình Dương. Ngày nay, người ta nói rằng ai khống chế được Đại Tây Dương và Thái Bình Dương thì sẽ chỉ huy được trung tâm thế giới. Mỹ kiểm soát được Đại Tây Dương và Thái Bình Dương. Chừng nào Hoa Kỳ vẫn còn duy trì được vị thế này, thì cách hành xử của Trung Quốc và Châu Âu vẫn sẽ nằm dưới sự kiểm soát, chí ít là ở một mức độ nào đó".

Bắc Kinh : "Heartland" phải nằm ở lục địa Á-Âu

Nhưng vị thế "Heartland" này của Mỹ giờ đây đang bị một cường quốc khác đe dọa. Trung Quốc, sau 30 năm trỗi dậy thần kỳ, nay tìm cách đặt lại lục địa Á-Âu vào vị trí trung tâm thế giới. Trung Quốc và Châu Âu đã có những mối quan hệ giao thương từ thời Cổ Đại. Lụa dệt tơ tằm của Trung Quốc rất được người La Mã ưa chuộng, để rồi sau này, con đường tơ lụa đó còn được dùng để vận chuyển gia vị, ngựa, và da thú.

Do vậy, với Bắc Kinh, tâm điểm của chính trị quốc tế phải được di dời từ bên kia bờ Đại Tây Dương sang lục địa Á-Âu. Và đây là mục tiêu cốt lõi của dự án Con Đường Tơ Lụa Mới, còn được biết đến dưới tên gọi Nhất Đới, Nhất Lộ - Một Vành Đai, Một Con Đường (One Belt, One Road), mà Trung Quốc khởi động từ năm 2013.

Đương nhiên, mục tiêu đầu tiên của dự án là nhằm bình ổn tăng trưởng kinh tế Trung Quốc trong vòng 20 năm tới. Sự thịnh vượng của người dân Trung Quốc là nền tảng bảo đảm cho tính chính đáng của Đảng cộng sản. Trong mục tiêu này, những điểm kết nối nằm dọc theo hai trục liên thông chính sẽ được hình thành, nối Trung Quốc với Châu Âu. Một ở phía bắc, qua ngả Trung Á và một ở phía nam, thông qua Nam Á và Châu Phi.

Theo kế hoạch, dự án khổng lồ này phải kết nối với gần 70 quốc gia, và hơn 4 tỷ người dân. Trong vòng gần 10 năm, Trung Quốc đã đầu tư và xây dựng nhiều dự án cơ sở hạ tầng, từ kinh tế, cầu đường, đập thủy điện, cho đến các trang thiết bị kỹ thuật số, văn hóa… Mỗi năm Trung Quốc đầu tư gần 20 tỷ đô la tại các nước dọc theo những trục mới này.

Con Đường Tơ Lụa Mới và những thách thức

Nhưng chiến lược mở rộng ảnh hưởng này của Trung Quốc cũng đối mặt với nhiều rủi ro lớn. Một mặt, Bắc Kinh cũng ý thức được rằng sự phụ thuộc vào nhập khẩu nguyên liệu thô và nguồn cung dầu khí, những yếu tố mang tính sống còn cho chế độ Cộng Sản, là những điểm yếu nhất trong dự án Con Đường Tơ Lụa Mới.

Ở phía nam, thông qua đường hàng hải, eo biển Malacca là "gót chân Achille" trong chuỗi cung ứng nhiên liệu từ Trung Đông và các nước Vùng Vịnh Ba Tư, một điểm xung đột tiềm tàng giữa Mỹ và Trung Quốc, theo như phân tích của chuyên gia địa chính trị Pepe Escobar : "Hải quân Mỹ có thể ngăn chặn hàng hóa trong không gian này chỉ trong vài giờ. Eo biển này có dạng cổ chai, cực kỳ hẹp và nguy hiểm, với nhiều điểm hỗ trợ trong khu vực, Hoa Kỳ chẳng gặp chút khó khăn gì để cắt nguồn cung ứng năng lượng của Trung Quốc. Vấn đề này khiến nhiều nhà phân tích Trung Quốc lo lắng ít nhất từ 20 năm qua".

Để bớt lệ thuộc vào eo biển Malacca, Bắc Kinh mở rộng giao thương bằng đường bộ. Về điểm này, Trung Á giữ một vai trò thiết yếu. Chỉ có điều là con đường này cũng lắm chông gai, mà Afghanistan là một trong những hằng số. Quốc gia này có lợi thế địa lý, là giao điểm kết nối Á – Âu, nhưng đây cũng là một thùng thuốc nổ tiềm tàng, tâm điểm của mọi hỗn loạn trong khu vực.

Ngoài ra, trong trường hợp các nhà nước chuyên quyền trong vùng bị những cuộc nổi dậy, những rối loạn hay các cuộc tấn công khủng bố gây bất ổn, điều đó có nguy cơ gây ra nhiều vấn đề nghiêm trọng cho Con Đường Tơ Lụa Mới. Ông Constantin Simonov, tổng giám đốc Quỹ An Ninh Năng Lượng Quốc Gia, lưu ý thêm rằng sự hiện diện ngày một lớn của Trung Quốc tại nhiều nước Trung Á và Châu Phi, ngoài việc áp đặt những lợi ích chính trị, còn nhằm bảo đảm việc tiếp cận các thị trường nguyên nhiên liệu :

"Việc vận chuyển năng lượng là mục tiêu của một cuộc chiến bền bỉ vì việc có được trong tay những nguồn tài nguyên thiên nhiên là một điều quan trọng. Kiểm soát được các đường vận chuyển, mà các cuộc xung đột xung quanh các đường ống dẫn khí đốt và việc xây dựng những công trình này mang tính mấu chốt. Vấn đề ở đây không chỉ bảo vệ các lợi ích của chính Bắc Kinh, mà còn nhằm cản trở các đối thủ tiếp cận nguồn năng lượng".

Ván bài "Poker" Nga – Mỹ – Trung

Mặt khác, ảnh hưởng ngày một lớn của Trung Quốc trên thế giới khiến Hoa Kỳ lo lắng. Chuyện gì sẽ xảy ra nếu Trung Quốc trở thành cường quốc số một thế giới ? Con Đường Tơ Lụa Mới này đe dọa ưu thế của phương Tây, và nhất là thế bá quyền mà Mỹ có được từ sau ngày Liên Xô sụp đổ. Sự lo lắng này của Mỹ cũng không phải là vô cớ.

Trong cuộc chiến tranh Ukraine, nhiều quốc gia đã tránh bày tỏ lập trường và không tham gia vào các biện pháp trừng phạt do phương Tây ban hành. Hơn nữa, tính hiệu quả các biện pháp trừng phạt của Mỹ còn gắn chặt với sức mạnh của đồng đô la. Từ sau Đệ Nhị Thế Chiến, tờ tiền xanh đã thay thế đồng bảng Anh với tư cách là ngoại tệ hàng đầu thế giới. Nhiều ngân hàng trung ương dành một phần lớn nguồn dự trữ ngoại tệ bằng đô la và trên cấp độ quốc tế, đa phần các hoạt động giao thương đều được thực hiện bằng đồng đô la.

Vị thế này của đô la Mỹ đang dần bị thay đổi trên thị trường nguyên liệu thô. Ả Rập Xê Út, bắt đầu sử dụng đồng tiền Trung Quốc cho các hoạt động giao thương với Trung Quốc. Họ rất có thể làm điều tương tự với cả Nga. Michael Luders, học giả về chính trị và Hồi giáo người Đức, cho rằng, trong điều kiện này, đồng đô la có nguy cơ không còn là ngoại tệ quốc tế hàng đầu. "Điều bất lợi cho Mỹ là nếu đồng đô la không còn là đồng tiền tham chiếu duy nhất nữa trên thế giới, họ sẽ không thể nào vay nợ không giới hạn và đây chính là chiếc gai lớn trong chân người Mỹ".

Giờ đây trong cuộc đọ sức này, mỗi bên tìm kiếm cho mình một đồng minh. Nhằm gây thất bại cho các tham vọng của Trung Quốc, Hoa Kỳ đã thiết lập các mối quan hệ đồng minh mới tại vùng Ấn Độ - Thái Bình Dương như liên minh AUKUS với Anh và Úc hồi tháng 9/2021. Cuộc chiến Ukraine do Nga phát động cũng khiến nhiều nước trong Liên Hiệp Châu Âu tăng thêm ngân sách quốc phòng. Và Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương – NATO như được củng cố hơn.

Ngược lại ở phía bên kia, Moskva và Bắc Kinh xích lại gần nhau hơn, cả trên bình diện kinh tế lẫn quân sự. Và mối quan hệ Nga – Trung này là một yếu tố mấu chốt cho những lợi ích địa chiến lược của Mỹ. Và điều này cũng không có gì là mới mẻ. Năm xưa, để chia rẽ Moskva và Bắc Kinh, tổng thống Mỹ Richard Nixon và ngoại trưởng Henry Kissinger, đã "hy sinh" Đài Loan để được xích lại gần với Trung Quốc của Mao Trạch Đông. Một ván cờ "Poker" mới lại hình thành, cũng với ba gương mặt cũ, nhưng lần này Hoa Kỳ trong thế "con mồi" bị tấn công.

Nhìn từ những góc độ này, câu hỏi đặt ra : Phải chăng học thuyết của Mackinder đã lỗi thời ? Về điểm này, Jorg Barandat, giáo sư về chiến lược quân sự tại Đức đưa ra một nhận định như sau :

"Ngày nay, khi người ta nói đến sự thống trị trên mọi lĩnh vực, người ta không chỉ nghĩ đến năng lực quân sự như bộ binh, không quân, hải quân… mà còn phải bao gồm cả thương mại, công nghệ, lĩnh vực y tế, hệ thống xã hội, các phương tiện thông tin. Đây chính xác là tham vọng của Trung Quốc với dự án Con Đường Tơ Lụa. Họ không chỉ xây dựng các liên kết hàng hải và các tuyến giao thông trên bộ mà họ còn quy hoạch cả một con đường tơ lụa thông tin và con đường tơ lụa y tế. Những dự án này được mở rộng cho tất cả những lĩnh vực nào có thể giúp Trung Quốc giành được ảnh hưởng và khẳng định thế thống trị. Điều đó bao gồm cả việc thành lập các định chế song song với các định chế của Liên Hiệp Quốc như Ngân hàng Thế giới chẳng hạn".

Minh Anh

Nguồn : RFI, 08/09/2022

Published in Diễn đàn

Đầu thế kỷ 20, nhà địa lý học Halford Mackinder đã nhìn thấy tầm quan trọng của vùng đất trải dài từ sông Volga đến sông Dương Tử, ông bảo rằng đó là khu vực xoay trục của chính trị thế giới. Trong cuốn sách The future is Asian (Tương lai thuộc về Châu Á), tiến sĩ Parag Khanna cũng cho rằng tương lai Trung Quốc sẽ ăn sâu vào Châu Á như quá khứ. Parag Khanna đưa ra một viễn tượng lạc quan về Châu Á hóa thế giới thế kỷ 21, như thế kỷ 19 của Châu Âu hay thế kỷ 20 của Hoa Kỳ.

con đường tơ lụa

Sau sự tan rã của Liên Xô đầu thập niên 1990 và những biến động khác của lịch sử thế giới, nhiều quốc gia mới ở Trung Á được thành lập. Cùng với sự vươn lên mạnh mẽ của Trung Quốc, Ấn Độ và các quốc gia từ Vịnh Ba Tư đã dẫn đến nhu cầu về tài nguyên thiên nhiên và của cải nông nghiệp tăng theo. Trong cuốn sách Con đường tơ lụa mới [1], giáo sư Peter Frankopan mở rộng đề tài đã bàn năm 2015 [2], ông luận bàn tiếp câu chuyện về sự gắn kết, xây dựng liên minh, đồng thuận, giảm nhiệt căng thẳng, hợp tác dài hạn bao trùm phần lớn khu vực giữa Thái Bình Dương và Địa Trung Hải.

Những con đường dẫn tới Bắc Kinh

Cuốn sách gồm 5 chương, thể hiện xu hướng dịch chuyển trung tâm quyền lực thế giới từ Tây sang Đông qua cách đặt tên chương, lần lượt : Những con đường dẫn tới phương Đông, Những con đường dẫn tới trung tâm thế giới, Những con đường dẫn tới Bắc Kinh, Những con đường dẫn tới đối đầu, Những con đường dẫn tới tương lai.

Sau khi dành chương đầu để diễn giải về cách thế giới đã thay đổi trong vòng 25 năm qua (1990-2015), Frankopan mở đầu chương hai bằng nhận định rằng phương Tây đang đứng trước ngã tư đường. Bằng cách trích dẫn nhiều lời của Tổng thống Donald Trump trong chiến dịch vận động tranh cử tổng thống Mỹ lần thứ nhất, về phương pháp trấn nước, sau đó là bức tường biên giới với Mexico, rút khỏi các hiệp ước quốc tế… Frankopan muốn chứng minh động lực ly khai, chủ nghĩa đơn phương của Trump ở Hoa Kỳ, Brexit và bất ổn chính trị ở Châu Âu (phe cực hữu trỗi dậy, vấn đề nhập cư, bản sắc quốc gia…) trái ngược hoàn toàn với cách các quốc gia dọc Con đường tơ lụa cũ đang nỗ lực thúc đẩy hợp tác xuyên biên giới kể từ năm 2015.

Điều này được thể hiện qua sự thành lập các thể chế tài chính đa phương như Ngân hàng Phát triển Châu Á và Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng Châu Á, hay các tổ chức như Tổ chức Hợp tác Thượng Hải, Liên minh Kinh tế Á – Âu, Hội nghị Thượng đỉnh BRICS, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (không có sự tham dự của Hoa Kỳ) và Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP)…

Những đàm phán thương mại, tăng cường quan hệ giữa Nga và các thành viên khác của Liên minh Kinh tế Á – Âu (gồm Kazakhstan, Kyrgyzstan, Armenia và Belarus) với Iran về việc xây dựng nên một khu vực mậu dịch tự do, thiết lập các dự án đầu tư chung hay các hiệp định liên ngân hàng… Những bước tiến lớn trong vấn đề tranh chấp biên giới khu vực Trung Á kéo dài hai thập niên trước đó như ký thỏa thuận pháp lý chấm dứt tranh chấp giữa các nước ven biển Caspi – vốn là trở ngại cho hợp tác năng lượng giữa Nga và Iran, Turkmenistan, Kazakhstan và Azerbaijan ; ba nước Kazakhstan, Uzbekistan và Turkmenistan đồng ý thỏa thuận về vấn đề biên giới chung tháng 4-2018, tổng thống Kazakhstan Nazerbayev tuyên bố "không có bất cứ một tranh chấp biên giới nào".

Frankopan cũng đưa ra một loạt kế hoạch khác nơi Liên minh Châu Âu hoàn toàn vắng mặt, như : Tầm nhìn 2030 của Saudi Arabia ; Sáng kiến Con đường Rực rỡ của Kazakhstan ; Sáng kiến Hai hành lang-Một vành đai kinh tế của Việt Nam ; Sáng kiến Hành lang Trung tâm của Thổ Nhĩ Kỳ ; Sáng kiến Con đường Phát triển của Mông Cổ và các kế hoạch phát triển của Lào, Campuchia hay Myanmar. Các kế hoạch do Ấn Độ đề xuất như chính sách Hành động phía Đông, dự án đường bộ ba bên, chiến lược hướng Tây hay kế hoạch Láng giềng Trước tiên… Và đặc biệt là Sáng kiến Vành đai Con đường đầy tham vọng của Trung Quốc.

Nhờ nguồn lực tài chính, quy mô rộng lớn và sự thèm khát nguồn tài nguyên thiên nhiên từ bên ngoài, thông qua Sáng kiến Vành đai Con đường và Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng Châu Á, Trung Quốc dần trở thành đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của hầu hết các quốc gia ở Châu Á, Trung Đông, Châu Phi và Châu Mỹ Latinh.

Kế hoạch vành đai và con đường cho thấy tham vọng của Trung Quốc trong việc xây dựng các kết nối trên bộ và trên biển với thế giới, cũng là "con đường" để Trung Quốc vươn ra thế giới. Frankopan cho biết, hiện có hơn 80 quốc gia đã tham gia vào sáng kiến với tổng dân số lên tới 4,4 tỉ người, chiếm 63% dân số toàn cầu, làm ra tổng sản lượng 21 nghìn tỉ đô-la, tương đương 20% tổng sản lượng kinh tế toàn cầu.

Mọi số liệu dẫn chứng, tài liệu từ nhiều nguồn ngôn ngữ, đi kèm lập luận của Frankopan nhằm để chứng minh trọng tâm kinh tế toàn cầu đang dịch chuyển từ phương Tây sang phương Đông. Frankopan viết : "không ai có thể nghi ngờ rằng trong hầu hết mọi trường hợp, Trung Quốc chính là chất xúc tác cho quá trình biến đổi của khu vực có vai trò quan trọng trong lịch sử thế giới" (tr. 102), và "mọi con đường từng dẫn tới thành Rome. Nhưng ngày nay, mọi con đường đều dẫn tới Bắc Kinh" (tr. 119).

Ưu thế về tài nguyên thiên nhiên

Frankopan sớm có cái nhìn lạc quan về bước khởi đầu của thế kỷ Châu Á một phần là dựa vào đánh giá tầm quan trọng của các nguồn tài nguyên thiên nhiên mà các quốc gia dọc Con đường tơ lụa đang sở hữu.

Nếu như vào khoảng một trăm năm trước đây, hầu hết các quyết định quan trọng được đưa ra ở những trung tâm chính trị Paris, London, Berlin, Rome thì trong một thế giới mới đã biến đổi sâu sắc ngày nay điều này không còn nữa. Viết cuốn sách này, Frankopan muốn chứng minh một điều rằng, các quyết định quan trọng xảy ra trên thế giới được kết nối hiện nay nằm ở Bắc Kinh, Moscow, Tehran và Riyadh, Dehli và Islamabad, Kabul hay tại các khu vực do Taliban kiểm soát ở Afghanistan, Ankara, Damascus và Jerusalem. Đã có sự dịch chuyển từ Tây sang Đông, từ Âu sang Á trong cách nhìn thế giới. Frankopan viết : "Tôi muốn nhắc nhở các độc giả của mình rằng những gì từng xảy ra dọc theo Con đường tơ lụa đã định hình nên quá khứ của thế giới này. Và tôi muốn nhấn mạnh tương lai cũng sẽ như thế".

Vùng đất nằm giữa Đông Địa Trung Hải và Thái Bình Dương đang có những ưu thế vượt trội, như : Trung Đông, Nga và Trung Á ước tính chứa khoảng 70% tổng lượng dự trữ dầu mỏ đã được xác định, gần 65% tổng lượng dự trữ khí đốt ; Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Ukraine, Kazakhstan, Ấn Độ, Pakistan và Trung Quốc chiếm hơn 1/2 tổng sản lượng lúa mì toàn cầu ; nền nông nghiệp của các quốc gia ấy cộng thêm Việt Nam, Thái Lan, Indonesia và Myanmar chiếm hơn 85% sản lượng gạo toàn cầu. Chưa hết, những vũ khí thương mại và chính trị như đất hiếm hoặc silicon đều do Nga và Trung Quốc kiểm soát phần lớn : Nga và Trung Quốc chiếm đến 3/4 trữ lượng silicon (dùng trong ngành vi mạch điện tử và bán dẫn) toàn cầu ; Trung Quốc chiếm hơn 80% trữ lượng đất hiếm – những nguyên vật liệu quan trọng cấu tạo nên thế giới số (dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo)…

Frankopan cũng cho rằng heroin là một "tài nguyên" quan trọng – thứ hàng hóa này đem lại nguồn tài chính phục vụ lực lượng Taliban ở Afghanistan (hơn 3.200km2 đất trồng cung ứng 80% thị trường thế giới) suốt thập niên vừa qua.

Khu vực rộng lớn của Âu – Á trải dài từ sông Volga đến sông Dương Tử trở thành vùng đất trung tâm đối với thương mại và an ninh của thế kỷ 21. Kiểm soát Con đường tơ lụa, tức kiểm soát thế giới, là điều những cường quốc luôn hướng đến.

Những rạn nứt, bất đồng

Đồng thời với sự kết nối, hợp tác phát triển liên quốc gia thì khu vực mà Trung Quốc đang cố gắng định hình theo lợi ích của mình cũng tồn tại nhiều cạnh tranh, cuộc chơi quyền lực, và các mối quan hệ rạn nứt giữa các quốc gia như : tình trạng thù địch và các cáo buộc lẫn nhau giữa Saudi Arabia và Iran, Ấn Độ và Pakistan, Trung Quốc và Ấn Độ, Hoa Kỳ và Châu Âu…

Cùng thời điểm với Diễn đàn Vành đai Con đường ở Bắc Kinh năm 2017, Bộ Ngoại giao Ấn Độ đưa ra tuyên bố trong một bản báo cáo rằng : "Không quốc gia nào có thể chấp nhận một dự án bỏ qua những mối quan ngại cốt lõi về chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của chính mình" (tr. 129). Chính phủ Ấn Độ cũng luôn nhấn mạnh quan điểm "bảo lưu nghiêm túc" với Sáng kiến Vành đai Con đường của Trung Quốc.

Không dừng lại, một chuyên gia nhận định trên báo Ấn Độ là các kế hoạch của Trung Quốc "không gì khác hơn là một dạng công ty thuộc địa" (tr. 129), một nhà bình luận Trung Quốc đáp trả : "Nếu Trung Quốc chưa bao giờ là một nước thực dân trong quá khứ, tại sao chúng tôi lại phải làm như thế trong hiện tại ?" (tr. 129). Thực tế là, không cần phải là đế quốc mới có thể hành động như một đế quốc thực dân.

"Hòa bình và ổn định không hề miễn phí", như chính Frankopan viết, nếu lướt qua tình hình ở Syria, Iraq, Yemen hay Afghanistan sẽ thấy "sự phát triển hạn chế của các thể chế dân chủ, sự hòa quyện giữa quyền lực và tiền bạc trong một nhóm nhỏ tinh hoa và sự trỗi dậy của một tầng lớp trung lưu có học thức, tất cả đã tạo ra trên khắp Châu Á một nhóm các nhà lãnh đạo hùng mạnh – tuy mạnh nhưng cũng mong manh, có nghĩa là các quốc gia này có thể sụp đổ đột ngột và bất ngờ bất cứ lúc nào" (tr. 48).

Hợp tác quốc tế cũng không hề dễ dàng khi mà sự ganh đua chiến lược, sự tranh giành tài nguyên vẫn là một phần của lợi ích quốc gia, cũng có thể vì sự đối đầu, ganh đua giữa các cá nhân. Ví như sau sự kiện Nga thôn tính Crimea, tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdoğan liền thúc giục NATO hành động, Erdoğan nói với Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg rằng : "Biển Đen gần như đã trở thành ao nhà của Nga. Nếu chúng ta không hành động ngay bây giờ, lịch sử sẽ không tha thứ cho chúng ta" (tr. 216).

Tình trạng thiếu nước ở Trung Á, thể hiện rõ qua hiện trạng khô cạn biển Aral, dẫn đến sự việc cơn bão cuốn muối từ đáy Aral làm ảnh hưởng đến mùa màng ở Uzbekistan và Turkmenistan hồi cuối tháng 5/2018. Trước sự trỗi dậy của khoa học, những con sông cấp nước cho biển Aral bị đổi dòng để phục vụ nông nghiệp khiến biển Aral bị bức tử. Tình trạng thiếu nước cũng xảy ra ở Afganistan, do lượng mưa giảm đáng kể và các dòng sông khô cạn, khiến mùa màng bị hủy hoại. Một phần lý do là ba con sông Syr Darya, Amu Darya và Irtysh là những tuyến đường thủy xuyên biên giới, quyết định đưa ra của một quốc gia bất kỳ sẽ có tác động lớn tới tình hình hạ nguồn các dòng sông.

Tương tự, các đập thủy điện nằm trên lãnh thổ Trung Quốc là một trong những nguyên nhân khiến mực nước sông Mekong giảm, hoặc sự việc Trung Quốc ngăn dòng sông Mekong ngày 31/12/2020 gây ảnh hưởng đến hoạt động trồng trọt và đánh bắt của người dân vùng hạ lưu, trong đó có Việt Nam. Vấn đề phân chia nguồn nước sông Ấn giữa Ấn Độ và Pakistan cũng nan giải khi các đập và nhà máy thủy điện vẫn được xây dựng…

Sương mù do ô nhiễm, biến đổi khí hậu và các lo ngại khác liên quan đến tác động môi trường từ quá trình xây dựng những dự án lớn cũng như hoạt động khai thác tài nguyên cũng là vấn đề của quá trình hợp tác.

Với sự tập trung nguồn lực cho kế hoạch trí tuệ nhân tạo (AI), sự phát triển của công nghệ quân sự dẫn đến cạnh tranh về mặt quân sự giữa Hoa Kỳ, Nga và Trung Quốc ngày càng lớn. Nick Carter, Tổng Tham mưu trưởng quân đội Anh cho rằng "năng lượng, tiền bạc, các hành vi kinh doanh thiếu lành mạnh, tấn công mạng, ám sát, tin giả, tuyên truyền" hiện đang được sử dụng như vũ khí. "Thứ định nghĩa nên vũ khí không còn là những gì có thể nổ tung nữa rồi".

Sự mở rộng khái niệm "lợi ích an ninh quốc gia" của Trung Quốc dẫn đến việc quốc gia này tiến hành bồi đắp một chuỗi các đảo nhân tạo mới trên Biển Đông có thể dùng làm những căn cứ quân sự. Quá trình quân sự hóa này khiến Việt Nam lo ngại và lên tiếng yêu cầu "Trung Quốc phải chấm dứt ngay các hoạt động quân sự hóa và tôn trọng chủ quyền của Việt Nam" (tr. 112) trên các đảo và quần đảo ở Biển Đông. Điều xảy ra ở quần đảo Senkaku trên Biển Hoa Đông cũng khiến Nhật Bản và Trung Quốc căng thẳng. Những tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trong "đường chín đoạn" đe dọa đến an ninh hàng hải quốc tế, khiến Hoa Kỳ và đồng minh không thể đứng ngoài, và đe dọa chủ quyền của các quốc gia ven biển liên quan.

Trong sự vận hành mới tại khu vực, Con đường tơ lụa tạo ra những mối liên kết mới trong các lĩnh vực thương mại, giao thông, năng lượng, truyền thông… tất cả hướng đến sự hợp tác vì sự phát triển và thịnh vượng chung.

Thực phẩm, năng lượng và đặc biệt là tài nguyên nước đóng vai trò tối quan trọng trong việc vận hành và định hình thế giới, quốc gia nào kiểm soát được các nguồn tài nguyên này sẽ có vị thế lớn trong cuộc chơi. Biển Đông, Biển Hoa Đông và Ấn Độ Dương rất quan trọng đối với hoạt động nhập khẩu dầu và hàng hóa của Trung Quốc, là tuyến đường huyết mạch cả về thương mại lẫn quân sự đối với Trung Quốc. Kiểm soát nguồn nước đối với Trung Quốc trở thành mục tiêu hàng đầu, để kiểm soát cuộc chơi.

Châu Á và Con đường tơ lụa đang trỗi dậy rất nhanh, đó là điều không thể phủ nhận, nhưng có lẽ là quá sớm khi Frankopan lạc quan so sánh sự chuyển đổi này với hai cuộc thám hiểm của Columbus và Vasco da Gama "đặt nền tảng cho sự thay đổi mang tính bước ngoặt dịch chuyển trọng tâm kinh tế và chính trị toàn thế giới".

Vụ hạm đội Biển Đen của Nga bắn cảnh cáo tàu khu trục Defender của Anh hôm 23/6/2021 vừa qua một lần nữa cho thấy cách hiểu "vùng biển quốc tế" "chủ quyền trên biển" giữa các bên không nhất quán. Ngày 25/6/2021, Nhật Bản chính thức phê chuẩn Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) – hiệp định thương mại tự do lớn nhất thế giới (gồm 2,27 tỉ dân với tổng GDP là 26.000 tỉ đô-la và tổng kim ngạch xuất khẩu là 5.200 tỉ đô-la) với sự tham gia của ASEAN, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, New Zealand và Australia. Hai sự kiện một lần nữa cho thấy đối thoại là điều tiên quyết để cùng nhau phát triển nhưng tranh chấp là một tồn tại hiển nhiên vì chủ quyền và lợi ích quốc gia là thứ không thể đánh đổi.

Nguyễn Quang Diệu

Nguồn : Nghiên cứu quốc tế, 14/12/2021

———————

[1] Nguyễn Thế Phương dịch, Omega+ và Nhà xuất bản Hà Nội, tháng 6/2021.

[2] Peter Frankopan, Những con đường tơ lụa : Một lịch sử mới về thế giới, Trần Trọng Hải Minh dịch, Huỳnh Hoa hiệu đính, PhanBook và Nhà xuất bản Đà Nẵng, 2019.

Published in Diễn đàn

Khi nói về Con đường tơ lụa trên biển, ta không thể không đề cập đến các chuyến thám hiểm của đô đốc Trịnh Hòa. Đô đốc "thái giám" Trịnh Hòa, một người Hồi giáo trong triều đình nhà Minh, đã dẫn đầu bảy cuộc thám hiểm vào đầu thế kỷ 15 với một hạm đội lớn gồm những chiếc thuyền buồm còn được gọi là "thuyền châu báu". Luận điệu chính thức nói rằng ông đi nước ngoài để làm sứ giả hòa bình, mang theo châu báu để tặng các quốc vương và tù trưởng ông gặp trải dài từ Đông Nam Á cho đến Đông Phi. Ông đã mang về cống nạp cho hoàng đế nhiều vật phẩm quý như một con hươu cao cổ. Bản chất hòa bình trong các chuyến thám hiểm của Trịnh Hòa được tô vẽ rất nhiều – vì hạm đội được trang bị vũ khí đầy đủ và vẫn có một số cuộc đụng độ xảy ra. Tuy nhiên, ít câu chuyện nào cho thấy rõ sự kết hợp giữa sức mạnh cứng và các lợi ích thể hiện mối quan hệ triều cống của Trung Quốc với những quốc gia khác như câu chuyện này. Những người man di vẫn đáng để thiết lập quan hệ nếu họ chấp nhận ưu thế văn hóa, quân sự của Trung Quốc và sẵn sàng đồng hóa theo tư tưởng của Trung Quốc.

dangam1

Các nhà chiến lược Mỹ cho rằng Trung Quốc đang gửi các đội tàu châu báu hiện đại cùng với những món quà như lời đề nghị xây dựng cảng, nhằm mở đường cho việc triển khai tàu chiến trong tương lai.

Ý niệm về các sứ giả mang lại hòa bình thấm nhuần trong các bản lược đồ của Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ 21. Điều nổi bật là sự mơ hồ và không rõ ràng của những nét vẽ tham vọng. Các tuyến đường trong biểu đồ thể hiện những đường cong mỹ miều. Các điểm được xác định trên đó phần lớn là những địa điểm được lấy từ các trung tâm buôn bán gia vị trong lịch sử hơn là những nơi đang được xây dựng nhằm để đầu tư (chẳng hạn như không đề cập đến căn cứ quân sự ở Djibouti). Ngược lại, quan điểm của Lầu Năm Góc lại cứng rắn hơn. Các nhà chiến lược Mỹ cho rằng Trung Quốc đang gửi các đội tàu châu báu hiện đại cùng với những món quà như lời đề nghị xây dựng cảng, nhằm mở đường cho việc triển khai tàu chiến trong tương lai.

Trung Quốc xem nhẹ những cáo buộc như vậy. Tuy nhiên, hiếm khi các nhà phân tích có thể dễ dàng tách biệt mục đích thương mại khỏi chiến lược dọc các con đường hàng hải. Gần như tất cả mọi thứ có tiềm năng đều có thể được sử dụng để vừa kiếm tiền vừa thể hiện sức mạnh.

Con đường này bắt đầu một cách dường như "ngây thơ trong trắng" xuyên Biển Đông. Rõ ràng ta đã thấy một nghịch lý hiển nhiên. Đây là một cuộc đối đầu địa chính trị giữa các quốc gia ven biển về các yêu sách hàng hải trên Biển Đông của họ, nhưng không yêu sách nào phi lý hơn yêu sách (Đường lưỡi bò) của Trung Quốc. Trung Quốc đang tích cực áp đặt các yêu sách của mình (và coi thường những yêu sách khác) thông qua sự hiện diện của lực lượng hải quân, hải cảnh, và đội tàu đánh cá, cũng như hoạt động xây đảo nhân tạo lớn xung quanh các rạn san hô và bãi đá để tạo đường băng, bến cảng và căn cứ quân sự.

Cách tiếp cận này mâu thuẫn với những lời kêu gọi thúc đẩy hợp tác cùng có lợi, vì hòa bình được thể hiện trong Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI). Nhưng mâu thuẫn đó có thể hiểu được nếu ta nhìn nhận nếu giúp các nước láng giềng tham gia xây cảng và các dự án khác, đồng thời thống trị các tuyến đường biển với các tàu Trung Quốc, Trung Quốc hy vọng sẽ giải quyết được vấn đề chủ quyền bằng cách khiến các nước láng giềng ít có sự lựa chọn nào khác ngoài việc ngã vào tay mình.

Cho đến nay, hầu hết các khoản đầu tư của Trung Quốc là vào các cảng thương mại. Sự thúc đẩy hàng hải đang được dẫn dắt bởi một số ít các doanh nghiệp nhà nước khổng lồ có liên quan chặt chẽ với các nhà lãnh đạo Đảng cộng sản. Công ty Xây dựng Giao thông Trung Quốc (CCCC) là công ty lớn nhất trong BRI. Cosco, một công ty vận tải biển khổng lồ, là hãng container lớn thứ ba thế giới hiện đang đầu tư vào 61 cảng trên toàn cầu. China Merchants, được thành lập như một doanh nghiệp yêu nước vào năm 1872 để thu hút vốn Trung Quốc nhằm đối đầu với các hãng tàu phương Tây, hiện đang quản lý 36 cảng tại 18 quốc gia. Kể từ năm 2010, hơn 20 tỷ đô la tiền Trung Quốc đã được đổ vào các cảng nước ngoài.

Một khái niệm quan trọng là "cảng – khu công nghiệp – thành phố" : một cảng sẽ có nhiều khả năng phát triển mạnh hơn nếu có vùng nội địa dưới dạng các khu công nghiệp và một thành phố đang phát triển. Ví dụ của mô hình này là Kuantan trên bờ đông bán đảo Malaysia và Gwadar ở Pakistan trên Biển Ả Rập. Ở cả hai nơi, các khu công nghiệp do Trung Quốc xây dựng đang được hình thành sát với các khu cảng mới, với kế hoạch mở rộng đô thị. Tại Colombo ở Sri Lanka, bên cạnh cảng container sầm uất do China Merchants kiểm soát, CCCC đã giành được 269 ha đất giáp biển để mở rộng khu kinh doanh và xây dựng các căn hộ hào nhoáng. Hiện vẫn chưa rõ liệu các dự án như vậy nhằm phục vụ mục đích đầu cơ bất động sản của dân địa phương giàu có và mong muốn gửi tiền ra nước ngoài của dân Trung Quốc, hay những dự án vậy là sự phát triển hữu cơ của thành phố. Thái độ của người dân bản địa đối với các dự án thường phụ thuộc vào câu trả lời cho câu hỏi này.

Một kế hoạch khác là đưa các cảng lớn đóng vai trò là trung tâm trung chuyển khu vực nơi các tàu container lớn nhất có thể cập cảng ; dỡ hàng hóa của họ xuống và gửi lên các tàu nhỏ hơn đi tới các cảng khu vực khác. Colombo là một ví dụ. Sri Lanka nằm ở ngã tư của các tuyến đường vận chuyển lớn ở Ấn Độ Dương và Colombo là một trong những cảng container tấp nập và nhiều lợi nhuận nhất thế giới.

Thành công đáng chú ý của một cảng trung chuyển là sự tham gia của Cosco ở Piraeus, bến cảng cổ xưa của Athens. Trung Quốc đã xuất hiện khi cuộc khủng hỏang tài chính năm 2008 khiến Hy Lạp suy sụp. Cosco đã thuê hai bến cảng container bằng một hợp đồng dài hạn với cam kết sẽ xây dựng một bến cảng thứ ba. Không lâu sau, sự tương phản giữa năng suất của cảng do Trung Quốc quản lý và cảng do Hy Lạp quản lý, vốn kém hiệu quả và bị các công đoàn chi phối, trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết. Chính phủ cánh tả thời đó đã từ chối việc bán bến cảng đó. Nhưng vào năm 2016, khi cần tiền để đổi lấy gói cứu trợ thứ ba từ EU, họ đã đồng ý cho Cosco toàn quyền kiểm soát cảng. Cosco đã đầu tư 5 tỷ đô la, hứa hẹn sẽ thực hiện tất cả mọi thứ từ kinh doanh sửa chữa tàu cho đến việc biến nhà kho thành khách sạn cho hành khách tàu du lịch.

Dưới sự quản lý của Cosco, khối lượng container đã tăng hơn 700%. Năm tới Piraeus có thể vượt qua Valencia ở Tây Ban Nha để trở thành cảng lớn nhất Địa Trung Hải và lớn thứ bảy ở Châu Âu. Giá trị của nó đối với các nhà xuất khẩu Châu Á là một trung tâm trung chuyển. Hàng hóa đến Piraeus qua kênh đào Suez nhanh chóng được chuyển đến các khu vực khác của Địa Trung Hải. Điều đó giúp tiết kiệm thời gian và tiền bạc so với việc dỡ hàng tại các cảng khổng lồ ở Bắc Âu, chẳng hạn như Rotterdam (mặc dù Cosco cũng có cổ phần ở đó). Cosco cũng đang đầu tư vào một tuyến đường sắt để gửi hàng hóa từ Piraeus đến bán đảo Balkan và xa hơn là đến cụm sản xuất của Đức ở Đông Âu. Tuyến đường sắt kết nối gọn gàng đất liền với đường biển.

Djibouti chao đảo

Nhưng bên cạnh thành công lại có những dự án cảng Trung Quốc bị đình trệ kỳ lạ hoặc đáng ngờ. Sự kết hợp giữa tiềm năng thương mại và quân sự là rõ ràng ở nước Djibouti nhỏ bé, nơi án ngữ con đường tiếp cận Biển Đỏ và Kênh đào Suez. Năm 2017, Trung Quốc đã mở căn cứ quân sự đầu tiên ở Djibouti, trên danh nghĩa là dành cho lực lượng gìn giữ hòa bình của Trung Quốc ở vùng Sừng Châu Phi cũng như để chống cướp biển. Chính quyền Djibouti đã không quá bận tâm về việc tiếp nhận căn cứ này miễn là họ kiếm được tiền từ nó, và căn cứ của Trung Quốc không nằm quá xa so với căn cứ của Mỹ, Pháp và Nhật Bản.

Nhưng một vài tháng sau đó, chính phủ Djibouti đã quốc hữu hóa cảng chính, phá vỡ thỏa thuận dài hạn mà họ đã ký với DP World, nhà điều hành cảng đến từ Dubai. Ngay sau đó, họ đã trao một cổ phần tại cảng cho China Merchants, công ty tiếp quản việc điều hành cảng trên. Các tòa trọng tài quốc tế đã ra phán quyết ủng hộ DP World, mặc dù điều đó khó có thể khiến China Merchants phải rời đi. Do đó, một doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc đang nắm gần như tất cả các nguồn cung cấp hàng hóa cho các căn cứ khác, một điều gây báo động cho Hoa Kỳ và các đồng minh. Tương tự, bây giờ Trung Quốc có thể chiếm thế thượng phong ở Djibouti, nhưng tình hình tài chính của Djibouti là nguy hiểm nhất trong số tất cả các nước tham gia BRI, và hơn một nửa số nợ của họ là nợ Trung Quốc. Đối với những người chống Trung Quốc, điều đó có nghĩa là Trung Quốc đang nắm giữ tất cả các quân bài. Các nhà phân tích chỉ ra rủi ro đối với danh tiếng của Trung Quốc trong trường hợp Djibouti vỡ nợ.

Một trường hợp khác là Hambantota, một cảng ở cực nam Sri Lanka thường được coi là ví dụ điển hình của "ngoại giao bẫy nợ". Khai trương vào năm 2010, China Merchants nắm quyền kiểm soát cảng mới vào năm 2017 trong một hợp đồng thuê 99 năm khi chính phủ không thể trả nợ. Cáo buộc bẫy nợ là không chính xác bởi Trung Quốc đã xây dựng cảng chủ yếu để lấy lòng vị tổng thống bấy giờ là Mahinda Rajapaksa (hiện là thủ tướng đương nhiệm), tại một khu vực vốn là căn cứ chính trị của gia đình ông. Các doanh nghiệp Trung Quốc đã kiếm được rất nhiều tại cảng Colombo. Bên cạnh đó, do tính rủi ro của dự án, các ngân hàng Trung Quốc phải tính lãi suất thương mại đối với dự án này.

Nói cách khác, không có kế hoạch nào được tính trước cả. Tuy nhiên, Hambantota nằm ở vị trí chiến lược, chỉ cách một trong những tuyến đường biển nhộn nhịp nhất thế giới vài dặm về phía bắc. Hơn nữa, một khi các cơ sở tiếp nhiên liệu được lắp đặt và tàu bắt đầu vào tiếp liệu, Hambantota sẽ không còn là một khoản đầu tư lãng phí như hiện nay nữa. Do đó, Trung Quốc sẽ có thêm một bước đệm chiến lược ở Ấn Độ Dương trong những năm tới.

Những cáo buộc về chính sách ngoại giao bẫy nợ đặc biệt nhiều ở khu vực Nam Thái Bình Dương. Vào tháng 11 năm 2018, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence đã nói với các nhà lãnh đạo Châu Á-Thái Bình Dương : "Đừng chấp nhận nợ nước ngoài có thể làm tổn hại đến chủ quyền của bạn". Những hiểm họa sẽ đặc biệt cao đối với các nền kinh tế mong manh và dễ tổn thương. Tuy nhiên, một nghiên cứu của Roland Rajah, Alexandre Dayant và Jonathan Pryke của Viện Lowy, một viện nghiên cứu chính sách ở Sydney, vẽ ra một bức tranh cân bằng hơn về các hoạt động của Trung Quốc ở Nam Thái Bình Dương. Họ kết luận rằng Trung Quốc không theo đuổi chính sách cố tình gài bẫy. Tonga là nơi duy nhất Trung Quốc chiếm hơn một nửa số nợ. Trong khi đó, gần như tất cả các khoản cho vay chính thức đều dưới dạng các khoản vay ưu đãi với lãi suất thấp và thời gian ân hạn dài, một sự tương phản rõ rệt với việc cho vay của Trung Quốc ở các khu vực khác trên thế giới.

Chắc chắn quy mô cho vay của Trung Quốc mang nhiều rủi ro trong tương lai. Nhưng cuộc tranh luận về chính sách "ngoại giao bẫy nợ" không nên làm lu mờ các vấn đề nổi bật hơn trong các hoạt động của Trung Quốc tại Nam Thái Bình Dương. Đối với Pryke của Viện Lowy, chúng bao gồm cả chất lượng các khoản cho vay của Trung Quốc và cách các mối quan hệ ngoại giao được vun đắp. Ông lập luận rằng "Trung Quốc đang sử dụng tham nhũng để bôi trơn sự can dự của họ". Bằng những thỏa thuận mờ ám với các chính trị gia, Trung Quốc đang làm suy yếu các thể chế cai trị vốn đã lỏng lẻo.

Có những cáo buộc khác về các dự án làm trầm trọng thêm các vấn đề trong nước ở các quốc gia mà chúng được thực hiện. Vào tháng 1, Chủ tịch Tập Cận Bình đã trở thành nhà lãnh đạo Trung Quốc đầu tiên đến thăm Myanmar sau 20 năm, một chuyến có nhiều lợi ích đi kèm. Với một cảng nước sâu đang được xây dựng tại Kyaukpyu ở bang Rakhine, một hành lang sẽ kết nối các phần đất liền tây nam Trung Quốc với Ấn Độ Dương. Myanmar sẽ cung cấp cho Trung Quốc một tuyến năng lượng quan trọng từ Kyaukpyu đến Côn Minh, thủ phủ của Vân Nam, tỉnh cực tây nam của nước này. Một đường ống có khả năng bơm 12 tỷ mét khối khí đốt mỗi năm từ các mỏ khí trong Vịnh Bengal. Một đường ống thứ hai là để vận chuyển dầu từ Trung Đông. Một tuyến đường sắt theo kế hoạch sẽ chạy từ Kyaukpyu đến Côn Minh qua Mandalay, một thành phố ở miền trung Myanmar nơi Trung Quốc có sự hiện diện lớn.

Các đường ống có giá trị đặc biệt đối với Trung Quốc, nước từ lâu đối mặt với điều mà các nhà chiến lược gọi là "Lưỡng nan Malacca". Eo biển Malacca, nơi hải quân Mỹ thống trị, là khu vực hàng hải tấp nập nhất thế giới, với gần một phần ba lượng thương mại hàng hải thế giới đi qua hàng năm, bao gồm 80% nhập khẩu năng lượng của Trung Quốc. Mối lo ngại của Trung Quốc là vào thời điểm khủng hỏang hoặc chiến tranh, Mỹ và các đồng minh có thể chặn eo biển, làm tắc nghẽn hàng hóa đến Trung Quốc.

Nhưng hành lang dự kiến được xây dựng ở Myanmar chạy qua một khu vực xung đột và cực kỳ phức tạp, nơi có hơn một chục lực lượng nổi dậy ở vùng biên giới được tài trợ bởi các tập đoàn buôn ma túy, đá quý, gỗ hiếm có liên hệ với Trung Quốc. Bên cạnh khả năng mang lại hòa bình và phát triển, các dự án của Trung Quốc cũng có khả năng làm trầm trọng thêm những cuộc xung đột sắc tộc. Đối với chính phủ Myanmar, Trung Quốc quá lớn để có thể phớt lờ. Nhưng họ cũng quá lớn nên khó có thể bị chi phối, và nhiều người trong chính phủ Myanmar, từ Aung San Suu Kyi trở xuống, đều có mối quan hệ lâu dài với phương Tây và Nhật Bản. Hiện tại, Myanmar đang căng thẳng với phương Tây bởi quân đội Myanmar giết hại người Hồi giáo Rohingya. Ông Tập biết chắc rằng tình trạng này sẽ không kéo dài.

Các khía cạnh chiến lược của Con đường tơ lụa trên biển không chỉ liên quan tới các cảng. Các công ty kỹ thuật Trung Quốc đã vận động quân đội Thái Lan cho đào một con kênh dài 100km băng qua eo đất Kra ở phía nam Thái Lan. Những người ủng hộ nói rằng các tàu từ Biển Ả Rập đến Đông Á sẽ rút ngắn được 1.200km trên hải trình của họ. Hải quân Trung Quốc sẽ có thể nhanh chóng đến Ấn Độ Dương. Một kênh đào như vậy sẽ đặt Thái Lan vào trung tâm của nền kinh tế thương mại điện tử khu vực vốn dựa trên thời gian giao hàng nhanh chóng.

Không phải mọi việc sẽ diễn ra suôn sẻ cho Trung Quốc

Mặc dù các vị tướng muốn phát triển, họ vẫn có nhiều quan ngại về kênh đào Kra. Họ sợ sự thống trị của Trung Quốc. Hơn nữa, phía nam Thái Lan rất phức tạp do tồn tại một cuộc nổi dậy kéo dài của người Hồi giáo – một cuộc tấn công vào một trạm kiểm soát an ninh hồi tháng 11 đã khiến 15 người chết. Nhiệm vụ thiêng liêng của quân đội luôn luôn là đảm bảo sự ổn định trong nước. Việc chia đôi Thái Lan và cô lập miền nam Hồi giáo đang bất ổn làm cho họ không yên tâm.

Do vậy không phải mọi việc sẽ diễn ra suôn sẻ theo mong muốn của Trung Quốc. Chắc chắn, họ là một thế lực địa chính trị Á-Âu – sự kết hợp giữa sức mạnh kinh tế và phạm vi địa lý. Nhưng dọc theo cả vành đai lẫn con đường, những nỗ lực của Trung Quốc mâu thuẫn với các cường quốc khác. Ở lục địa Á-Âu, khi Con đường tơ lụa được tái sinh, các đế chế cũ khác đã ghi dấu ấn của mình dọc theo con đường này. Thổ Nhĩ Kỳ có mối quan hệ sắc tộc lâu đời với các dân tộc gốc Thổ ở Trung Á, và có chuyên môn trong xây dựng và kinh doanh. Iran, mặc dù phải đối mặt với sự thù địch và trừng phạt của Mỹ, đã biến việc phát triển quan hệ với Trung Á thành một chính sách cơ bản. Đối với Ấn Độ Dương, Ấn Độ vẫn là cường quốc hải quân khu vực. Tại Colombo, cùng với China Merchants, Ấn Độ và Nhật Bản hiện đang hợp tác phát triển một cảng container mới.

Trung Quốc tuyên bố rằng hợp tác "tất cả cùng thắng" là những gì BRI hướng tới. Liệu ai muốn điều gì khác ? Tuy nhiên, dọc theo con đường tơ lụa kỹ thuật số đang dần nổi lên, tình hình ngày càng giống trò chơi với "tổng bằng không".

The Economist

Nguyên tác : "China is making substantial investment in ports and pipelines worldwide", The Economist, 06/02/2020

Đỗ Minh Châu biên dịch

Lê Hồng Hiệp biên tập

Nguồn : Nghiên cứu quốc tế, 02/03/2020

Published in Diễn đàn

Con đường tơ lụa mới : Tập Cận Bình "Tây du" để bao vây phương Tây ?

Trang bìa tờ Le Point tuần này (08/08/2019), trên nền ảnh Tập Cận Bình, chạy tựa nhận định : Sau Hán Vũ Đế, Marco Polo và bây giờ là Tập Cận Bình. Những con đường tơ lụa mới. Một trục mới của thế giới. Ở trang địa chính trị, với tấm bản đồ lớn chỉ rõ những con đường giao thương hàng hải và đường bộ, những hành lang kinh tế bao la của Trung Quốc, tuần báo khẳng định "Đất liền, Biển cả… Trung Quốc mở rộng đế chế".

terre1

Những hành lang kinh tế trên biển và đất liền của Trung Quốc. Ảnh chụp qua màn hình

Những con đường tơ lụa mới này thể hiện rõ những tham vọng bành trướng của Tập Cận Bình : Sự thống trị của Trung Quốc từ Châu Á đến Châu Phi. Và phải chăng là cả phương Tây sau này ? Le Point đặt câu hỏi.

Thương chiến Mỹ - Trung : Bắc Kinh phản đòn

Vào những ngày cuối tháng 4/2019, thế giới đang phấp phỏng mừng thầm trước thông tin thương chiến Mỹ - Trung sắp kết thúc. Nhưng tia hy vọng đó đã nhanh chóng bị dập tắt trước các dòng tweet của tổng thống Donald Trump, thông báo ngưng đàm phán, tăng mức áp thuế từ 10 lên 25% nhắm vào 250 tỷ đô la hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Thông báo bất ngờ này khiến thị trường tài chính chao đảo.

Nguyên nhân : Đại diện đàm phán Mỹ, ông Bob Lighthizer ngày 25/04/2019 nhận được một bản thỏa thuận có sửa đổi dày 150 trang, theo đó Trung Quốc xét lại những cam kết trước đó, từ chối mọi sự nhượng bộ mở cửa thị trường cho các đối thủ cạnh tranh nước ngoài cũng như là lời hứa giảm vai trò lãnh đạo của đảng đối với nền kinh tế.

Vì sao Trung Quốc có thể "ngang nhiên trở mặt" như thế ? Theo Le Point, trước thành công của diễn đàn BRI – Một vành đai, Một con đường lần hai ở Bắc Kinh diễn ra cùng ngày, giới lãnh đạo Trung Quốc quyết định đổi chiến thuật.

Hơn 5.000 đại diện tham gia và 67 tỷ đô la hợp đồng được ký kết, niềm tin của "Tập gia gia" như được củng cố, vốn dĩ đang bị chao đảo trước cuộc tấn công thuế quan của Donald Trump và mức tăng trưởng kinh tế trì trệ.

Lãnh đạo Trung Quốc như được trấn an, bởi vì "dự án BRI cho phép ông đủ thiết lập các mối liên hệ để có thể đối phó với khả năng bị cô lập trong trường hợp xảy ra xung đột với Hoa Kỳ" theo như phân tích của một nhà ngoại giao.

Giấc mơ bá quyền

Ông Jean-Pierre Cabestan, giáo sư trường đại học Baptist tại Hồng Kông lưu ý thêm rằng "Những con đường tơ lụa mới còn là dự án mang dấu ấn trị vì của Tập Cận Bình". Dự án này song hành cùng "giấc mơ Trung Hoa" của lãnh đạo Trung Quốc, vốn cho rằng thời kỳ hồi sinh của Trung Quốc đã điểm, giai đoạn "ẩn mình chờ thời" của Đặng Tiểu Bình đã qua.

Năm 2008 gióng hồi chuông suy tàn của phương Tây với cuộc khủng hoảng tài chính cũng như là chấm dứt một thế kỷ rưỡi nhục nhã trước những họng súng của thực dân Anh trong cuộc chiến "thuốc phiện" (1839-1842). Khi đưa ra dự án này, "người cầm lái mới" khẳng định đang vực dậy một đất nước mơ ước tìm lại vị thế của mình : Vị trí trung tâm thế giới.

Quả thật, với BRI, các tập đoàn nhà nước của Trung Quốc, nhất là các công ty xây dựng, đang bị thừa thãi và hụt hơi tăng trưởng, có thể vươn vòi tới những vùng biên giới mới. Đồng thời, Bắc Kinh tiến đẩy những con chốt chính trị để mở rộng ảnh hưởng. Với các dự án đường sắt, hàng hóa Trung Quốc sẽ dễ dàng "Tây du" : Hoặc từ Lào đến tận Châu Phi, đi qua Thái Lan và Indonesia. Hoặc từ Trung Quốc đến Châu Âu qua ngả Trung Á.

Đường "Tây tiến" cũng gập ghềnh như trong "Tây Du Ký"

Chỉ có điều con đường "Tây du ký" đó của Tập Cận Bình không phải lúc nào cũng suôn sẻ do những khó khăn tự trong bản thân dự án và ở trong nước. Một mặt, Trung Quốc bị chỉ trích làm cho nhiều nước bị "ngập đầu trong nợ vay". Hầu hết các dự án đầu tư là do các ngân hàng trung ương Trung Quốc tài trợ. Tuy không bị áp đặt các điều kiện về nhân quyền như phương Tây, nhưng các nước này phải chịu các mức lãi suất của thị trường, đặt các nước này trong thế mong manh và ngày càng phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc.

Hệ quả là có nước phải nhượng quyền khai thác những vị trí chiến lược như trường hợp Sri Lanka, có nước đòi thương lượng lại các hợp đồng đã ký như Malaysia và tệ hơn thì tuyên bố phá sản phải cầu cứu đến quốc tế như Pakistan…

Mặt khác, Trung Quốc phải đối mặt với những khó khăn ở trong nước. Tăng trưởng thấp nhất từ 27 năm qua. Ông Richard McGregor cảnh báo : "Do dân số già và tăng trưởng trì trệ, nguồn tài chính của Trung Quốc sẽ không còn dồi dào như trước nữa. Do vậy các tham vọng của BRI sẽ phải hạ thấp và tái tập trung vào những dự án khiêm tốn hơn"

Thực tế này đã được nhận thấy tại diễn đàn BRI lần 2. Lãnh đạo Trung Quốc tìm cách vỗ về các chính phủ tỏ ra hoài nghi khi cam kết "minh bạch" hơn trong việc gọi thầu và có những dự án bảo vệ môi trường bền vững hơn. Tuy nhiên, theo đánh giá của ông Mathieu Duchâtel, giám đốc chương trình Châu Á, Viện Montaigne, "Bắc Kinh làm ra vẻ lắng nghe, nhưng thay đổi thật sự có rủi ro chỉ là bề ngoài".

Dù vậy, giới chuyên gia lưu ý, bất chấp những khó khăn trên, dự án của Tập Cận Bình được khởi động năm 2013, hiện vẫn được hình thành trong khắp vùng Á-Âu, vạch ra con đường đi xuyên qua các dãy núi, thung lũng và mạng lưới thông tin, đồng thời bao vây phe phương Tây do Mỹ dẫn đầu.

Một cuộc cược Lịch sử cho một vận mệnh bất định. Mọi sự giờ mới khởi đầu. Còn phải chờ ít nhất là 5 năm nữa để biết xem những con đường tơ lụa mới này sẽ đi đến đâu, như đánh giá của ông Richard McGregor.

Hồng Kông : "Một thế giới, hai hệ thống"

Le Point nhìn sang Hồng Kông nhận thấy, cuộc khủng hoảng chính trị - xã hội tại cựu nhượng địa Anh Quốc đang làm cho các dòng vốn tư bản chảy sang Singapore. Cuộc khủng hoảng làm dấy lên nghi vấn về mô hình chuyên chế của Trung Quốc.

Đầu tiên hết, bài xã luận của Le Point nhắc lại mô hình "Một thế giới, hai thể chế" mà ông Đặng Tiểu Bình đề ra đã không còn ý nghĩa gì nữa kể từ khi Bắc Kinh thông qua luật an ninh quốc gia năm 2003, cải cách Quốc Hội năm 2010 và cuộc trấn áp phong trào "Dù vàng" năm 2014.

Người Hồng Kông mỗi lần như thế đều đứng lên phản đối nhằm bảo vệ quy chế của đặc khu và các quyền chính trị mà người dân được hưởng cho đến nay. Điều này lý giải vì sao lần này chính quyền Hồng Kông và Bắc Kinh bị bất ngờ và gặp khó khăn trong việc vạch ra các đối sách.

Trước làn sóng phản đối mạnh mẽ như lần này, Tập Cận Bình chỉ có ba giải pháp. Thứ nhất là dùng vũ lực, nhưng với giá nào ? Kinh tế có thể bị tác hại. Hình ảnh Trung Quốc cũng bị sứt mẻ. Thứ hai là nhờ đến các dân biểu đối lập làm trung gian hòa giải – một khả năng ít có thể xảy ra – tìm kiếm một đồng thuận để thoát khủng hoảng. Thứ ba là để cho phong trào tự lụi tàn để làm mất uy tín của phong trào và thậm chí là ý tưởng dân chủ bằng thủ đoạn chặn nguồn thu tài chính có được từ 45 triệu du khách từ lục địa mỗi năm.

Bất kể là gì đi chăng nữa, trong trước mắt dòng vốn tư bản đang lũ lượt đổ về Singapore và điều này bất ngờ gợi nhắc đến ngày hết hạn quyền tự trị của Hồng Kông vào năm 2047. Các nhà đầu tư bắt đầu quan ngại về Trung Quốc, mô hình chuyên chế và tham vọng tiến nhanh đến vai trò lãnh đạo toàn cầu năm 2049.

Các cuộc biểu tình như nhắc nhở rằng người dân Trung Quốc chưa bao giờ từ bỏ quyền tự do và mô hình chuyên chế của Bắc Kinh đang bị giới trẻ đô thị ngày nay, có học và kết nối nhiều hơn lên án mạnh mẽ. Việc Hồng Kông hội nhập thất bại cũng khiến cho người dân Đài Loan nghi ngại và kháng cự mạnh hơn.

Và các cuộc biểu tình cũng nhắc nhở rằng nếu khẩu hiệu "một nhà nước, hai chế độ" chỉ là điều không tưởng, thì ở thế kỷ XXI này, nguyên tắc "một thế giới, hai hệ thống" là điều có thực !

Kim Jong-nam : Chết vì "vạ mồm"

Cũng về thời sự Đông Bắc Á, L’Obs trở lại vụ án mạng Kim Jong-nam, giải thích vì sao ông bị ám sát.

Đầu tiên hết tuần báo thuật sơ lại diễn biến vụ án mạng : Kim Jong-nam bị gián điệp Bắc Triều Tiên hạ sát như thế nào bằng chất độc thần kinh VX tại sân bay Kuala Lumpur ngày 13/12/2017. Sự việc diễn ra với sự "cộng tác ngây thơ" của hai cô gái, Siti Aisyah – người Indonesia và Đoàn Thị Hương, người Việt Nam. Hai người này suýt nữa thì bị kết án tù nặng, trong khi kẻ chủ mưu đã kịp thời "cao chạy xa bay"

Nhà báo Anna Fifield tờ Washington Post, vừa cho phát hành tập sách "The Great Successor", cho rằng "đây là một vụ ám sát hoàn hảo. Thông thường, Bắc Triều Tiên sử dụng chính các nhân viên tình báo để thanh trừng phe đối lập. Những cô gái này vì không có hiểu biết gì cả, nên khó có thể lần ra kẻ chủ mưu".

Kim Jong-nam và Kim Jong-un tuy là anh em cùng cha khác mẹ, nhưng chưa bao giờ gặp mặt nhau. Là con trai cả, nhưng "Gấu Mập", lẽ ra phải kế thừa người cha lên nắm quyền lại bị gạt sang một bên, chỉ vì trong "tứ đổ tường", "Gấu Mập" mê đến cả ba : rượu, gái và cờ bạc.

Vì vậy mà Kim Jong-un trở thành "lãnh đạo tối cao" khi mới có 27 tuổi sau cái chết của người cha là Kim Jong-il. Mê bóng rổ và phim của đạo diễn Jean-Claude Van Damme, nhà độc tài trẻ tuổi còn cho thấy còn đáng gờm hơn cả người cha khi không ngần ngại hành quyết người chú dượng.

"Gấu Mập", kẻ thất sủng, sống trong sợ hãi, nhiều lần thoát chết, đến nỗi từng viết thư nài nỉ xin tha mạng. "Anh xin em, hãy hủy lệnh trừng phạt chúng tôi đi. Bọn anh chẳng còn nơi nào để náu thân cả. Chỉ có tự tử là cách duy nhất để chạy trốn mà thôi".

Dù tỏ ra im hơi lặng tiếng, nhưng "đây vẫn là một đối thủ tiềm tàng. Kim Jong-un buộc phải tiệt trừ. Và phải giữa thanh thiên bạch nhật, tại nơi công chúng chứ không trong hang cùng ngõ hẻm ở Ma Cau, để đưa ra một thông điệp cho toàn thế giới là không ai có thể thoát", giáo sư Nam Sung-wook, đại học Seoul và cựu chuyên gia phân tích tin cho tình báo Hàn Quốc nhận định.

Rồi "Gấu Mập" trở thành kẻ phản bội, bắt tay với CIA. Ngày Kim Jong-nam bị sát hại, người ta tìm thấy trong chiếc va-li của người này 120 ngàn đô la tiền mặt. Tiền có được từ "bán thông tin" hay là do "ăn bạc" ? Không ai biết cả.

Chỉ có điều như bà Juliette Morillot, chuyên gia của Pháp về Bắc Triều Tiên nhận định, "không chỉ cộng tác với CIA, Kim Jong-nam còn cung cấp thông tin cho cả tình báo Hàn Quốc. Và chắc chắn là có cả cho Pháp nữa. Trên khắp hành tinh này, quả thật Bắc Triều Tiên cứ như là một chiếc hố đen về phương diện thông tin. Do vậy, những người như Kim Jong-nam quả thật là một nguồn tin rất quý giá".

Lạc chốn sao trời !

Mùa hè đến nên đi đâu chơi ? Lên rừng hay xuống biển ? Nhưng chỗ nào cũng ồn ào đông người cả. Le Point đưa ra một giải pháp khác, độc đáo và yên tịnh hơn : Đi ngắm Dải Ngân Hà. Một xu hướng mới đang rất thịnh hành.

Người Trái Đất giờ hiếm có thú vui khám phá dải Ngân hà, do bởi một nguồn ô nhiễm : ánh sáng đèn đêm. Và để giúp chúng ta tái khám phá những bí ẩn và vẻ đẹp lung linh của trời đêm, một nhãn hiệu quốc tế đã được thành lập : Khu Bảo tồn quốc tế trời đầy sao (Rice). Đó là một không gian ở đó, người ta phải có thể quan sát đến cả những tia lấp lánh nhỏ nhất của ánh sao từ Trái Đất.

Ý tưởng này do các nhà thiên văn học nghiệp dư và chuyên nghiệp đưa ra, và được các chính quyền hưởng ứng và do tư nhân quản lý. Và tham vọng thành lập các khu bảo tồn đề cao giá trị sự trong sáng của bầu trời đã nên hình nên dạng, ban đầu xung quanh các đài quan sát khoa học rồi dần lan rộng ra những điểm tham quan khác chỉ dành để quan sát bầu trời truyền thống. Mô hình này nằm trong xu hướng chung bảo vệ môi trường ban đêm và bảo tồn các di sản khoa học của nhiều dãy núi.

Từ thế kỷ XIX cho đến cuối thế kỷ XX, những ngọn núi cao chỉ dành cho giới khoa học để lập các đài quan sát – phòng thí nghiệm vào thời ấy được xem như là những tác phẩm ngoại hạng và đầy vinh quang nhân danh sự tiến bộ. Nhưng từ khi nguồn hỗ trợ tài chính của các chính phủ giảm dần, những điểm khám phá này phải phát triển nhiều hoạt động khác (các hoạt động vui chơi – giáo dục, phổ biến kiến thức khoa học) để tồn tại và tiếp tục theo dõi sự mầu nhiệm của bầu trời.

Kể từ khi thành lập nhãn hiệu Rice năm 2001, tính đến nay trên thế giới có 13 vùng lãnh thổ đã được International Dark-Sky Association nâng hạng. Tại Châu Âu, nhãn hiệu Rice được trao cho đỉnh Midi ở Bigorre (Pháp), tiếp đến khu bảo tồn Cevennes (Pháp) và sắp tới đây là khu bảo tồn thiên nhiên Gantrisch ở Thụy Sỹ.

Không chỉ có ngắm sao trời, du khách còn có thể quan sát động vật hoang dã hay đi bộ dã ngoại khi trời hừng sáng ngắm cảnh mặt trời lên. Đây chẳng khác gì một lời mời gọi : Hãy tạm lánh cõi trần bụi bặm để đến gần hơn với cõi thần tiên !

Minh Anh

Published in Quốc tế

 Việt Nam phản đối lệnh cấm đánh bắt cá của Trung Quốc ở Biển Đông (RFA, 04/05/2019)

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng hôm 4/5 lên tiếng phản đối lệnh cấm đánh bắt cá của Trung Quốc trên Biển Đông được áp dụng từ ngày 1/5 đến ngày 16/8/2019.

danhca1

Hình minh hoạ. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng tại Hà Nội - AFP

"Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý à bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền của mình đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cũng như các quyền hợp pháp đối với các vùng biển của Việt Nam được xác định phù hợp với Công ước của LHQ về Luật Biển năm 1982", bà Hằng được truyền thông trong nước trích lời cho biết.

Trước đó, Tân Hoa Xã loan tin cho biết từ ngày 1/5, Trung Quốc áp dụng lệnh cấm đánh bắt cá trên một loạt các vùng biển bao gồm Bột Hải, Hoàng Hải, Đông Hải và Biển Đông từ bắc vĩ tuyến 12. Tân Hoa Xã cho hay lệnh cấm sẽ được thực thi nghiêm ngặt trong 24 giờ một ngày.

Đây là lệnh cấm được Trung Quốc áp dụng vào hè hàng năm từ năm 1999 trở lại đây với lý do để bảo vệ sự phát triển của nguồn cá.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam cho rằng các biện pháp bảo tồn nguồn tài nguyên sinh vật cần được tiến hành phù hợp với quy định của Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982 và không làm phương hại đến chủ quyền và các quyền tài phán trên biển của các nước có lien quan.

"Việt Nam phản đối và kiên quyết bác bỏ quyết định đơn phương này của phía Trung Quốc. Quy chế này xâm phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quàn đảo Hoàng Sa, vi phạm các quyền và lợi ích pháp lý của Việt Nam tren các vùng biển của mình, vi phạm luật pháp quốc tế", bà Hằng nói.

Người phát ngôn BNG cũng khẳng định lệnh cấm của Trung Quốc đã đi ngược lại Tuyên bố về cách ứng xử của các bên trên Biển Đông được ASEAN và Trung Quốc ký vào năm 2002 (DOC).

Biển Đông là vùng nước tranh chấp giữa Trung Quốc với một số nước trong khu vực bao gồm Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei và Đài Loan. Trung Quốc là nước đòi phần lớn chủ quyền tại vùng nước này với đường đứt khúc 9 đoạn. Toà Trọng tài Quốc tế hồi năm 2016 đã bác bỏ tính hợp lý của đường đứt khúc này.

******************

Trung Quốc ra lệnh cấm đánh bắt cá ở Biển Đông (VOA, 02/05/2019)

Trung Quốc va ra lnh cm đánh bt cá trong thi gian hơn 3 tháng mùa hè Bin Đông, bao gm c qun đo Hoàng Sa và mt phn Vnh Bc B ca Vit Nam.

tq3

Trung Quốc va ra lnh cm đánh bt cá trong thi gian hơn 3 tháng mùa hè Bin Đông.

Bộ Nông nghip Trung Quốc bt đu thc thi lnh cm đánh bt cá trên Bin Đông bt đu t ngày 1/5 đến ngày 16/8, trong phm vi t 12 đ vĩ Bc tr lên.

Trang South China Morning Post dẫn ngun tin t truyn thông Trung Quc cho biết, theo lnh cm này, các tàu đánh cá trong và ngoài nước s b lc lượng bo v b bin Trung Quc giám sát 24/24 v mi hành vi vi phm.

Trang VnExpress cho biết thi gian và đa đim cm đánh bt cá năm nay ca Trung Quc được đưa ra ging năm ngoái. "Trung Quc ngang nhiên áp dng lnh cm này với ngư dân trong nước và ngư dân nước khác, tuyên b s tăng cường tàu chp pháp giám sát hai ti ba ln mt ngày đ bt và x pht các trường hp b coi là vi phm", trang VnExpress cho biết.

Hàng năm từ năm 1999 đến nay, Trung Quc đu đơn phương ban hành lệnh cm đánh bt cá trên Bin Đông, nơi nước này ngang nhiên tuyên b ch quyn bng "đường 9 đon" bt chp s phn đi ca Vit Nam và các nước trong khu vc.

Vào mùa hè năm ngoái, sau khi Trung Quốc đưa ra lnh cm đánh bt cá Bin Đông, người phát ngôn Bộ Ngoi giao Vit Nam Lê Th Thu Hng đã lên tiếng phn đi và kiên quyết bác b quyết đnh đơn phương này ca phía Trung Quc, cho rng quy chế này "xâm phm ch quyn ca Vit Nam đi vi qun đo Hoàng Sa, vi phm các quyn và li ích pháp lý của Vit Nam".

******************

Trung Quốc trọng thị nước nào, qua tường thuật báo chí ? (BBC, 02/05/2019)

BBC Monitoring tìm hiểu thái độ trọng thị hay không của Trung Quốc với các nước, thể hiện qua tường thuật của truyền thông nhà nước về diễn đàn Cấp cao Hợp tác quốc tế "Một vành đai, một con đường".

tq4

Tổng thống Nga Vladimir Putin được Trung Quốc trọng thị

37 nước đã tham dự diễn đàn lần thứ hai, bế mạc tại Bắc Kinh hôm 27/4.

Trong số lãnh đạo đến Bắc Kinh có tổng thống Nga Vladimir Putin và thủ tướng Italy Giuseppe Conte.

Với Trung Quốc, hai người này có mặt là rất quan trọng.

Truyền thông nhà nước dành nhiều dòng về hai nhân vật này, ca ngợi quan hệ truyền thống Nga - Trung, và khen ngợi Rome đồng ý tham gia sáng kiến.

Ngược lại, Anh chỉ gửi bộ trưởng tài chính Philip Hammond, và ông này bị báo chí Trung Quốc thờ ơ.

Tường thuật lớn về Nga

Bài báo nổi nhất về ông Putin đưa ra ngày 27/4. Bức hình ông bắt tay ông Tập Cận Bình được in trên trang nhất của Nhân dân Nhật báo, tờ báo cao nhất trong đảng cộng sản.

Đây là ưu tiên đặc biệt cho lãnh đạo nước ngoài, vì Nhân dân Nhật báo thường chỉ đăng hình Tập Cận Bình nổi bật một mình trên trang nhất.

Ông Putin không chỉ lên trang nhất, ông còn xuất hiện cả trong trang hai.

Trong bài báo, chủ tịch Tập tặng bằng tiến sĩ danh dự của đại học Thanh Hoa cho tổng thống Nga.

Diễn văn của ông Tập gọi ông Putin là "lão bằng hữu".

tq5

Thủ tướng Italy Giuseppe Conte dự hội nghị

Italy là bạn mới

Hồi tháng Ba, Trung Quốc có thành công khi Italy là nước đầu tiên trong G7 ủng hộ dự án.

Truyền thông Trung Quốc, tại hội nghị, cũng tập trung vào Italy, với hình ông Conte gặp ông Tập được in trong trang hai Nhân dân Nhật báo, một ngày sau Putin.

Tập trung vào Tập Cận Bình

Theo dân mạng xã hội ở Hong Kong và Đài Loan, tên ông Tập được nhắc 15 lần trong các dòng tít phụ trên trang nhất của Nhân dân Nhật báo hôm 26/4, khi hội nghị khai mạc.

Tờ báo này tường thuật chi tiết ông Tập đã gặp các lãnh đạo nước ngoài hôm đó.

Tờ báo nêu danh sách các nước, xếp theo thứ tự quan trọng về mặt biên tập cho tờ báo.

Đó là : Mông Cổ, Serbia, Kenya, Uzbekistan, Philippines, Cyprus, Belarus, Ai Cập, UAE, Việt Nam, Hungary, Malaysia, Papua New Guinea và Indonesia.

Còn trong trang hai cũng cùng ấn bản, gương mặt ông Tập xuất hiện trong 13 tấm hình bắt tay các lãnh đạo.

Ai bị thờ ơ ?

Một số lãnh đạo Châu Âu gặp ông Tập trong các ngày sau.

Thủ tướng Áo Sebastian Kurz, Tổng thống Bồ Đào Nha Marcelo Rebelo de Sousa và Tổng thống Thụy Sĩ Ueli Maurer có cuộc gặp ngày 29/4, ba ngày sau khi Tập gặp Putin.

Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long cũng gặp ông Tập ngày 29/4.

Bộ trưởng tài chính Anh Philip Hammond không gặp ông Tập.

*******************

HRW tố cáo Trung Quốc dùng công nghệ giám sát người Duy Ngô Nhĩ (RFI, 02/05/2019)

Một báo cáo của Human Rights Watch (HRW) công bố hôm nay 02/05/2019 tố cáo chính quyền Trung Quốc sử dụng một ứng dụng điện thoại di động để giám sát những hành động "hoàn toàn hợp pháp" của người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.

tq6

Công an Trung Quốc kiểm tra thẻ căn cước một người Duy Ngô Nhĩ, trong lúc lực lượng an ninh theo dõi các hoạt động trên đường phố ở Kashgar, Tân Cương. Ảnh chụp ngày 24/03/2017.© Reuters/Thomas Peter/File Photo

Bắc Kinh trở thành tâm điểm chỉ trích của thế giới do chính sách đàn áp tại Tân Cương, nơi người Duy Ngô Nhĩ theo đạo Hồi chiếm đa số. Khoảng một triệu người Duy Ngô Nhĩ đã bị đưa vào các trại tập trung cải tạo, nhân danh "đấu tranh chống khủng bố Hồi giáo và ly khai", tại vùng đất trên 20 triệu dân. Chế độ cộng sản Trung Quốc bác bỏ con số này, ra sức biện hộ rằng đó chỉ là các "trung tâm huấn nghệ", chuyên giáo dục và dạy nghề để chống Hồi giáo cực đoan.

Xếp loại 36 cách ứng xử khác nhau

Human Rights Watch trước đây vốn đã tố cáo việc chính quyền Tân Cương sử dụng một hệ thống giám sát có tên là Integrated Joint Operations Platform (IJOP) để tập hợp các thông tin đến từ nhiều nguồn, từ các camera nhận dạng khuôn mặt cho đến các thiết bị phân tích wifi, các điểm kiểm soát của công an, thậm chí cả dữ liệu ngân hàng và khám xét nhà ở.

Nhưng trong bản báo cáo mới nhất hôm nay mang tên "Các thuật toán đàn áp của Trung Quốc", Human Rights Watch nghiên cứu việc sử dụng một ứng dụng kết nối với IJOP để giám sát thái độ ứng xử của người dân.

Thụy My

Published in Châu Á

Diễn đàn Con đường Tơ lụa mới tại Bắc Kinh bế mạc, 57 tỉ euro hợp đồng ký kết (RFI, 28/04/2019)

Diễn đàn lần thứ hai về "Con đường Tơ lụa mới" tại Bắc Kinh, kéo dài ba ngày, đã kết thúc ngày 27/04/2019. Tổng cộng 57 tỉ euro hợp đồng được ký kết. Chủ tịch Trung Quốc nhân bài diễn văn bế mạc một lần nữa kêu gọi nhiều quốc gia tham gia vào kế hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng quy mô khổng lồ do Trung Quốc khởi xướng.

tap1

Nhà báo theo dõi bài diễn văn của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, bế mạc Diễn đàn lần thứ hai về sáng kiến Một Vành đai, Một Con đường, tại Bắc Kinh, ngày 27/04/2019. GREG BAKER / AFP

Thông tín viên Stéphane Lagarde tường trình từ Bắc Kinh :

"Gọi tên chính thức là "buổi họp báo" bế mạc, tuy nhiên chủ tịch Trung Quốc không trả lời báo giới. Trước các giới chức và phóng viên mà danh sách đã được chọn lọc kỹ lưỡng, ông Tập Cận Bình đọc diễn văn, nhắc lại những điều đã được nói đến trong phiên khai mạc.

Đó là : Sáng kiến Một vành đai, Một con đường hướng đến sự phát triển "mở rộng", "minh bạch" và "mang tính sinh thái". Ba tính từ nói trên được lãnh đạo Trung Quốc nhấn mạnh để trấn an những ai lo ngại về tính chất không bền vững về tài chính, tổn hại cho môi trường và không công minh, trong các dự án do Trung Quốc khởi xướng.

Chủ tịch Trung Quốc bảo đảm : "Diễn đàn năm nay gửi đi một thông điệp rõ ràng, đó là ngày càng có nhiều bạn hữu và đối tác tham gia hợp tác trong khuôn khổ những con đường tơ lụa mới. Như tôi đã nhiều lần nhắc lại, sáng kiến Một vành đai, Một con đường này tuy xuất phát từ Trung Quốc, nhưng những cơ hội và các kết quả của kế hoạch này thuộc về toàn thế giới".

Nguyên thủ Trung Quốc còn cho biết thêm là hội nghị này đã cho phép đạt được 283 kết quả cụ thể, tuy nhiên ông Tập không đưa ra các chi tiết.

Rốt cục, hội nghị lần thứ hai về Một vành đai, Một con đường, đã đặt trọng tâm vào lĩnh vực tư nhân, để tái kích hoạt các công trình, đường xá, vốn cho đến nay chủ yếu thuộc về các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng lớn mang tính quốc gia.

Khoảng 800 doanh nghiệp và tổ chức phi chính phủ tham gia vào Diễn đàn này, với tổng số 57 tỉ euro hợp đồng được ký kết tại thủ đô Trung Quốc".

Trọng Thành

*******************

'Vành đai, Con đường' : Trung Quốc hứa minh bạch, nhưng còn hồ nghi (BBC, 28/04/2019)

Diễn đàn Cấp cao Hợp tác quốc tế "Một vành đai, một con đường" lần thứ hai đã bế mạc tại Bắc Kinh hôm 27/4.

tap2

Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long tham dự hội nghị

Tại họp báo sau hội nghị, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận tuyên bố Hội nghị đã ra Tuyên bố chung và các bên cả thảy đã đạt được 283 thành quả "thiết thực".

Trong đó, Hội nghị các nhà doanh nghiệp tổ chức lần đầu tại diễn đàn cả thảy đã ký thoả thuận các dự án hợp tác trị giá hơn 64 tỷ đôla Mỹ.

Truyền thông Trung Quốc nói sáng kiến "Một vành đai, một con đường" sẽ mở ra tương lai tốt đẹp cùng phồn vinh.

Trước đó hôm 26/4, phát biểu khai mạc, ông Tập Cận Bình nói kết cấu kết nối "6 hành lang, 6 con đường, nhiều bến cảng của nhiều nước" đã được cơ bản hình thành.

Ông Tập cho hay hơn 150 quốc gia và tổ chức quốc tế đã ký thoả thuận hợp tác cùng xây dựng "Một vành đai, một con đường" với Trung Quốc.

Tại hội nghị lần thứ nhất năm 2017, chỉ có 29 nước ký tuyên bố chung.

Nhưng lần này, 37 nước tham gia ký, với các nước mới như Thái Lan, Bồ Đào Nha, Áo, UAE và Singapore.

Được Trung Quốc đề xướng năm 2013, "Một vành đai, một con đường" đã bị chỉ trích vì cáo buộc thiếu kiểm soát tài chính, gây hại môi trường, và chỉ có lợi cho Trung Quốc.

Trung Quốc ý thức được sự chỉ trích này, đặc biệt từ Hoa Kỳ. Do đó, Bắc Kinh đưa ra tuyên bố chung thận trọng kêu gọi "hỗ trợ tài chính bền vững và đa dạng".

Trung Quốc cũng hứa không để xảy ra nợ xấu và chống tham nhũng trong dự án.

tap3

Ông Tập cho biết Trung Quốc sẽ tăng cường nỗ lực bảo đảm việc bảo vệ sở hữu trí tuệ.

Ủng hộ gia tăng

Hồi tháng Ba, Trung Quốc có thành công khi Italy là nước đầu tiên trong G7 ủng hộ dự án.

Hôm 27/4, tổng thống Thụy Sĩ Ueli Maurer đã ký vào tuyên bố chung ở Bắc Kinh.

Một số nhà quan sát nói nhiều quốc gia đang thừa nhận tiềm năng kinh tế khi tham gia.

Cảng Piraeus của Hy Lạp hiện do công ty nhà nước Trung Quốc Cosco quản lý. Năm ngoái, cảng này trở thành cảng đông đúc thứ sáu ở châu Âu, từ chỗ đứng ngoài tốp 15 cảng.

Trung Quốc cũng nói nhà máy thép Smederevo được HBIS Group của Trung Quốc mua lại khi sắp phá sản năm 2016. Nay công ty này là một trong những nhà xuất khẩu lớn nhất của Serbia.

tap4

Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc tham dự hội nghị

Rút ngắn quy mô

Nhưng sáng kiến của Trung Quốc cũng đã gặp nhiều khó khăn và chỉ trích ở các nước khác.

Năm ngoái, khi Mahathir Mohamad quay lại làm thủ tướng Malaysia, ông tạm hoãn dự án làm đường sắt của Trung Quốc. Tuy vậy, đầu tháng này, hai bên đồng ý tiếp tục dự án sau khi Trung Quốc nói sẽ cắt giảm một phần ba chi phí.

Tại Myanmar, chính phủ yêu cầu xem lại giá của cảng nước sâu Kyaukpyu mặc dù vẫn ủng hộ dự án.

Mặc dù là đồng minh của Trung Quốc, Pakistan cũng đã tìm cách giảm bớt nợ nước ngoài vì khó khăn kinh tế.

Bộ trưởng đường sắt Pakistan tháng 10 năm ngoái nói sẽ giảm tiền vay Trung Quốc làm đường sắt, từ 8,2 tỉ đôla xuống còn 6,2 tỉ đôla.

Các ví dụ này cho thấy nhiều nước ngày càng nhận ra rủi ro của bẫy nợ.

Gần đây, công ty Trung Quốc đã trở thành cổ đông đa số của cảng Hambantota sau khi Sri Lanka không trả được nợ. Diễn tiến này tạo ra lo ngại Bắc Kinh có thể dùng cảng này cho mục đích quân sự sau này.

Bảy rủi ro

Đầu tháng Tư, một trung tâm nghiên cứu của Mỹ, CNAS, ra báo cáo nói có bảy rủi ro thường gặp trong các dự án của "Một vành đai, một con đường".

Đó là :

- Suy giảm chủ quyền : Bắc Kinh kiểm soát các dự án hạ tầng thông qua việc cho vay, hoặc hợp đồng kéo dài vài chục năm

- Thiếu minh bạch : Nhiều dự án không rõ ràng về quy trình đấu thầu, và điều khoản tài chính không được công bố cho công chúng

- Gánh nặng tài chính : Tiền vay của Trung Quốc làm tăng rủi ro vỡ nợ hoặc khó khăn trong trả nợ. Một số dự án hoàn thành không tạo ra đủ lợi nhuận

- Kinh tế địa phương không được lợi : Các dự án thường dùng công ty và nhân công Trung Quốc cho xây dựng, đôi khi thỏa thuận chia lợi nhuận không bình đẳng

- Rủi ro địa chính trị : Một số dự án do Trung Quốc thực hiện có thể gây nguy hiểm cho hạ tầng viễn thông sở tại, hoặc đặt quốc gia đó vào giữa cạnh tranh giữa Bắc Kinh và các nước

- Tác động môi trường : Một số dự án diễn ra mà không có đánh giá môi trường đủ, hoặc đã gây hại môi trường

- Tham nhũng : Tại một số nước, các dự án tạo ra hối lộ cho quan chức

Trong diễn văn khai mạc hội nghị, Chủ tịch Tập Cận Bình nhấn mạnh thiện chí, cam kết minh bạch, xây dựng các dự án "chất lượng cao, bền vững, giá phải chăng".

Liệu ngôn từ mới của Trung Quốc sẽ chuyển hóa thành thực tế hay không, còn chờ thời gian để biết.

Published in Châu Á

Thượng đỉnh Con đường tơ lụa mới : Chiến dịch truyền thông của Trung Quốc

Thượng đỉnh thứ hai về dự án Con đường tơ lụa mới của Trung Quốc hôm nay 25/04/2019 khai mạc tại Bắc Kinh trong bối cảnh nhiều nước nâng cao cảnh giác trước các dự án của Trung Quốc.

silk1

Kế hoạch "Con đường tơ lụa mới" của Trung Quốc. Reuters

Trong bài viết "Bắc Kinh bảo vệ dự án gây nhiều tranh cãi về những con đường tơ lụa mới", báo kinh tế Les Echos gọi thượng đỉnh lần này là chiến dịch truyền thông lớn của Bắc Kinh, nhấn mạnh đây là hội nghị thượng đỉnh để xóa mờ những mối nghi ngờ và những lời chỉ trích của quốc tế.

Có ít nhất 37 nguyên thủ nhà nước và lãnh đạo chính phủ tham dự thượng đỉnh, so với con số 29 nhà lãnh đạo tham dự thượng đỉnh đầu tiên hồi năm 2017. Đáng chú ý nhất trên "thảm đỏ" là tổng thống Nga Vladimir Putin và thủ tướng Ý Giuseppe Conte. Ý là nước đầu tiên trong nhóm G7 tham gia siêu dự án của Trung Quốc. Phần lớn các nước Tây Âu khác chỉ cử bộ trưởng tới dự, chẳng hạn ngoại trưởng Jean-Yves Le Drian của Pháp. Trong khi đó, không có đại diện cấp cao nào của Hoa Kỳ - quốc gia chỉ trích ngày càng mạnh dự án của Bắc Kinh - tham dự hội nghị.

Trung Quốc đặc biệt muốn chứng tỏ là ngày càng có nhiều nước gia nhập dự án do chủ tịch Tập Cận Bình khởi xướng cách nay 5 năm. Theo số liệu mới nhất của Bắc Kinh, có tổng cộng 125 nước và 29 tổ chức quốc tế đã ký thỏa thuận hợp tác với Bắc Kinh trong khuôn khổ dự án, và trao đổi thương mại giữa Trung Quốc và các nước tham gia Con đường tơ lụa mới đã vượt qua con số 6.000 tỉ đô la từ năm 2013.

Mặc dù dự án Con đường tơ lụa mới được biết đến nhiều nhất ở phần lớn các nước đang phát triển, nhưng Bắc Kinh lo ngại là một số dự án lớn bị thu hẹp tại nhiều nước đối tác như Malaysia, Pakistan hay Miến Điện. Trong khi đó, Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế và Ngân Hàng Thế Giới kêu gọi Bắc Kinh minh bạch hơn về khoản tiền và kỳ hạn cho các nước đối tác vay nợ và lưu ý các quốc gia về nguy cơ nợ Trung Quốc tăng.

Les Echos kết luận là giới quan sát và các nhà ngoại giao sẽ chú ý lắng nghe bài phát biểu của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình để xem Bắc Kinh có đưa ra các cam kết rõ ràng hơn trong việc hợp tác với cộng đồng quốc tế về các vấn đề có liên quan hay không.

Tổng thống tân cử Ukraine danh hài Zelensky không khiến Moskva cười

Nhìn sang Châu Âu, báo Le Monde chú ý đến mối quan hệ Nga - Ukraine. Ngày 21/04/2019, ông Volodymyr Zelensky đắc cử tổng thống Ukraine với 70% số phiếu bầu trước đối thủ là tổng thống mãn nhiệm Porochenko. Là một diễn viên hài, nhưng "Zelensky không khiến Moskva cười". Đó là nhận định của báo Le Monde.

Nếu như tổng thống tiền nhiệm Porochenko vốn có sợi dây gắn kết với Liên Xô, từng phục vụ quân đội Liên Xô tại Kazakhstan, "được đúc trong cùng một khuôn" với tổng thống Nga Vladimir Putin, vì thế mà có thể chia sẻ những nét chung về văn hóa, quy tắc, lịch sử với chủ nhân điện Kremlin, thì Zelensky mới chỉ 13 tuổi vào thời điểm Liên Xô tan rã. Theo nhà báo Sylvie Kauffman, tổng thống tân cử Ukraine Zelensky sẽ mang lại cho Putin, chủ nhân điện Kremlin từ 19 năm nay, một trải nghiệm mới : Zelensky đại diện cho một thế hệ không có mối liên hệ với Liên Xô.

Zelensky nói tiếng Nga, nhưng đối với chính quyền Moskva, chính điều này lại khiến tổng thống tân cử Ukraine nguy hiểm cho điện Kremlin hơn là so với người tiền nhiệm. Nếu khi còn làm tổng thống, ông Porochenko đề cao tư tưởng dân tộc trong tôn giáo, quân đội và ngôn ngữ, gây chia rẽ đất nước, thì ông Zelensky lại chủ trương thắt chặt tình đoàn kết của người dân miền đông và tây, làm dịu các căng thẳng, xung đột và đặt cược vào cuộc chiến chống tham nhũng. Ai cũng biết rằng một đất nước đoàn kết sẽ hùng mạnh hơn một đất nước bị chia rẽ.

Đối với tổng thống Nga Putin, ông Zelensky là người làm ngắt mạch nối với thời Xô Viết. Zelensky là thế hệ tiếp nối cuộc Cách mạng Maidan 2014 ủng hộ Ukraine gia nhập Liên Hiệp Châu Âu và lật đổ vị tổng thống thân Nga. Điều đáng lo hơn nữa là Zelensky là kết quả của kỳ bầu cử theo lá phiếu đại đa số cử tri và dân chủ.

Ngay từ hôm 21/04, tại Nga, giới trẻ đã dám đặt câu hỏi tại sao điều đã diễn ra ở Kiev lại không thể xảy ra ở Moskva. Chắc chắn là nhiều thanh niên Belarus và Kazakhstan cũng có câu hỏi tương tự. Dường như đã cảm nhận được những thắc mắc nói trên, Zelensky, ngay tối hôm đắc cử tổng thống, đã gửi một thông điệp đến người dân các nước thành viên cũ của Liên Xô : "Tất cả đều có thể". Theo Le Monde, đó mới là cơn ác mộng tồi tệ nhất cho điện Kremlin.

Cuộc phiêu lưu của Zelensky mới chỉ bắt đầu và có thể sẽ có những yếu tố khiến mọi chuyện trở nên tồi tệ, chẳng hạn nhân tố Nga, khó khăn tài chính của Ukraine, sự thiếu kinh nghiệm của tân tổng thống, sự mù mờ trong chương trình tranh cử của Zelensky… Nhưng một số nhà quan sát lạc quan nói về niềm hy vọng thay đổi của Kiev với dàn cố vấn trẻ, có năng lực quanh tân tổng thống, những vị bộ trưởng kinh tế và tài chính Ukraine được quốc tế đánh giá cao … Kiev cũng hy vọng Châu Âu sẽ giúp Ukraine thoát khỏi thời hậu Xô Viết.

Thuốc diệt cỏ có chất glyphosate vẫn được sử dụng rộng rãi trên thế giới

Trong lĩnh vực nông nghiệp, theo báo La Croix, rất nhiều tổ chức phi chính phủ đang đấu tranh để chất diệt cỏ glyphosate bị cấm sử dụng, nhưng hoạt chất này vẫn được đa phần nông dân ưa chuộng. Trong bài viết "Glyphosate, một chất diệt cỏ vẫn còn được sử dụng ồ ạt", tác giả cho biết vào năm 2015, một năm trước khi tập đoàn Đức Bayer mua lại hãng Monsanto của Mỹ, cứ mỗi giây Monsanto kiếm được số tiền tương đương 134 euro, nhờ thuốc diệt cỏ Roundup có chất glyphosate. Trong năm đó, thuốc trừ cỏ Roundup mang lại cho tập đoàn Mỹ tổng cộng 4,3 tỉ euro, tương đương 30% doanh thu của hãng trên toàn thế giới.

La Croix nhắc lại là thuốc diệt cỏ Roundup được tung ra thị trường từ năm 1974, nhưng được sử dụng nhiều bắt đầu từ những năm 1990 khi Monsanto, nhà sản xuất giống cây trồng lớn thứ hai toàn cầu, bắt đầu bán các giống cây biến đổi gien. Theo một nghiên cứu được tạp chí Environnemental Sciences Europe công bố, từ năm 1994 đến năm 2004, lượng thuốc diệt cỏ bán được đã tăng gấp 15 lần. Trong năm 2015, Monsanto bán được 850.000 tấn thuốc diệt cỏ trên toàn thế giới, 37% là cho khách hàng Châu Âu.

Năm 2015, Tổ chức Y tế Thế giới xếp thuốc diệt cỏ chứa glyphosate là chất có thể gây ung thư, Monsanto nhiều lần bị khởi kiện, đặc biệt tại Mỹ. Tuy nhiên, những điều đó không làm tổn hại đến sự thành công của Roundup. Hồi cuối năm 2017, Ủy Ban Châu Âu, vào thời điểm quyết định triển hạn 5 năm việc cho phép sử dụng chất glyphosate, đã nhấn mạnh "đó là thuốc diệt cỏ được sử dụng nhiều nhất trên toàn thế giới và cả ở Châu Âu".

Pháp là một trong những nước Châu Âu sử dụng nhiều thuốc diệt cỏ glyphosate nhất. Từ năm 2016, cho dù chính quyền cấm sử dụng glyphosate tại các nơi công cộng và tư gia, tổng thống Macron cũng cam kết sẽ loại trừ hoàn toàn chất glyphosate từ nay đến năm 2023, nhưng sản phẩm vẫn được sử dụng rộng rãi trong nông nghiệp. Trong năm 2017, Pháp sử dụng hơn 8.600 tấn glyphosate, con số này chỉ là khoảng 7.300 tấn vào năm 2011.

Điều này đã thúc đẩy các tổ chức phi chính phủ đấu tranh. Bà Caroline Faraldo, thuộc Quỹ bảo vệ thiên nhiên và con người, nhấn mạnh là đã 9 tháng trôi qua kể từ khi chính phủ Pháp công bố kế hoạch ngưng sử dụng chất glyphosate tại Pháp, nhưng không có bước tiến quan trọng nào được ghi nhận. Vì thế, chuyên gia Caroline Faraldo đề nghị phải khẩn trương đưa việc cấm chất glyphosate vào luật.

Tuy nhiên, theo nhà báo Antoine d’Abbundo của La Croix, điều này sẽ khó được thực hiện ở các nước khác. Trên thực tế, nhiều quốc gia đã từng có ý định cấm glyphosate, chẳng hạn Salvador hồi năm 2013, Sri Lanka hồi năm 2015, nhưng chính quyền các nước này đều vấp phải sự phản đối của các nhà công nghiệp và các tổ chức nông nghiệp. Họ cho rằng hiện không có bằng chứng khoa học về tính nguy hiểm của chất glyphosate.

La Croix kết luận là hiện nay, mới chỉ có Việt Nam chính thức loại glyphosate khỏi danh mục các chất diệt cỏ được phép sử dụng, kể từ ngày 10/04/2019. Từ nhiều năm nay, Việt Nam chiến đấu trên mặt trận pháp lý với Monsanto, nhà sản xuất "chất da cam", một chất độc làm rụng lá mà quân đội Mỹ đã rải xuống Việt Nam từ năm 1961 đến năm 1971, khiến 3 triệu người Việt cho đến nay vẫn phải gánh chịu hậu quả.

Trang nhất các báo Pháp

Báo Le Monde quan tâm tới thời sự nước Pháp qua hàng tựa "Macron đối mặt với tính hoài nghi của người Pháp". Tối hôm nay 25/04/2019, tổng thống Pháp sẽ có buổi họp báo đầu tiên tại điện Elysée kể từ khi ông lên nắm quyền lãnh đạo để trình bày chi tiết về các biện pháp mà ông ban hành để cải thiện tình hình nước Pháp. Theo kết quả một thăm dò ý kiến mà báo Le Monde công bố, người dân Pháp ủng hộ những biện pháp mới mà báo chí tiết lộ trong những ngày qua, nhưng không trông chờ là chủ nhân điện Elysée sẽ tạo ra một sự thay đổi cụ thể. Còn báo Le Figaro lại chú ý đến mối họa đang rình rập các nhà thờ Thiên Chúa giáo tại Pháp : "Hơn 5.000 nhà thờ có nguy cơ biến thành đống đổ nát".

Báo Libération dành hồ sơ đặc biệt nói về "Đội quân mật vây bắt những kẻ Hồi Giáo cực đoan". Từ Raqqa, Syria cho đến Gottingen, Đức, một đơn vị gồm những người Syria lưu vong truy lùng những người kẻ từng là thành viên của tổ chức Nhà nước Hồi giáo và hiện đang ẩn náu tại Châu Âu.

Trong khi đó, báo La Croix hướng đến vụ tập đoàn Bayer của Đức sáp nhập công ty Monsanto và chơi chữ qua hàng tựa : "Monsanto, gánh nặng làm điêu đứng Bayer". Những vụ kiện liên quan đến chất glyphosate đang khiến các cổ đông giận dữ và làm hỏng "cuộc hôn nhân" giữa Bayer và Monsanto. Còn báo kinh tế Les Echos đi tìm "Những lý do khiến thị trường chứng khoán thế giới có sự phục hồi ấn tượng".

Thùy Dương

Published in Quốc tế

"Nhưng các khoản đầu tư của Trung Quốc mang lại cho các nước vay những lợi ích gì ? Ít nhất 8 nước có nguy cơ rơi vào khủng hoảng nợ vì các khoản vay liên quan tới dự án một vành đai một con đường".

silk01

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, thứ ba từ trái sang, đi bộ với Tổng thống Nga Vladimir Putin, thứ ba từ phải sang và các nhà lãnh đạo khác khi đến chụp ảnh nhóm trong Diễn đàn Vành đai và Con đường bên ngoài Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 15 tháng 5 năm 2017. Hình ảnh : Damir Sagolj / Pool Photo qua AP

Trung Quốc đang tìm cách mua ảnh hưởng chính trị ở nước ngoài ? 

Trung Quốc tạo ra một trong những dấu ấn phát triển toàn cầu lớn nhất trên thế giới. Chỉ có một nước duy nhất có dòng tài chính quốc tế chính thức lớn hơn mà thôi - đấy là Mỹ.

Nhưng, Washington chi cho Hỗ trợ Phát triển Chính thức (Official Development Assistance) gấp bốn lần Bắc Kinh. Dòng tiền chính thức của Trung Quốc đi vào kênh gọi là Tài chính Chính thức Khác (Other Official Finance) và chủ yếu được chi cho các khoản vay cho các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, năng lượng và truyền thông.

Các dự án này là một phần của Sáng kiến Một Vành đai, Một Con đường (BRI), biện pháp chính của Trung Quốc nhằm thúc đẩy phát triển ở cả trong và ngoài nước. Thông qua các khoản đầu tư dành cho cơ sở hạ tầng, mục tiêu của Bắc Kinh là kết nối tốt hơn Trung Quốc với các khu vực khác trên thế giới và thúc đẩy trương mại dọc đường này. Năm năm sau khi Chủ tịch Tập Cận Bình công bố kế hoạch BRI, Trung Quốc đã chi khoảng 25 tỷ USD cho các dự án cơ sở hạ tầng trong dự án này.

Nhưng các khoản đầu tư của Trung Quốc mang lại cho các nước vay những lợi ích gì ? Ít nhất 8 nước có nguy cơ rơi vào khủng hoảng nợ vì các khoản vay liên quan tới dự án BRI - Trung tâm Phát triển Toàn cầu (Center for Global Development - CGD) báo cáo như thế vào tháng 3 năm 2018. Những người phê phán lo ngại rằng Trung Quốc đang sử dụng các khoản cho vay để buộc các nước khác rơi vào tình trạng phụ thuộc và giành được ảnh hưởng chính trị.

"Ngoại giao bẫy nợ" của Trung Quốc

"Một số người tin rằng Trung Quốc dùng BRI để tạo ra "ngoại giao bẫy nợ", buộc các nước đang phát triển phụ thuộc vào nợ và sau đó biến hoàn cảnh phụ thuộc thành ảnh hưởng địa chính trị", Paul Haenle, cựu cố vấn của chính phủ và giám đốc Trung tâm Carnegie-Tsinghua, tóm tắt những lời phê phán bằng những từ ngữ như thế.

"Quan tâm đặc biệt tới hành động của Trung Quốc ở Sri Lanka, Pakistan và Malaysia là đề tài chính trong các cuộc tranh luận về bẫy nợ. Trung Quốc đã giành được quyền điều hành cảng Hambantota ở miền nam Sri Lanka trong vòng 99 năm, sau khi chi phí cho dự án vượt khỏi tầm kiểm soát, buộc Colombo phải từ bỏ quyền kiểm soát cảng để đổi lấy gói cứu trợ của Trung Quốc", Haenle giải thích.

Tìm giải pháp thay thế để thanh toán khi các nước không đủ khả năng trả những khoản vay không phải là một cách làm mới của Trung Quốc. Quay lại năm 2011, báo cáo của Trung tâm Phát triển Toàn cầu (CDG) nói rằng Trung Quốc đã xóa nợ cho Tajikistan, để đổi lấy 1.158 km2 lãnh thổ đang tranh chấp. Nhưng năm ngoái, "Luận cứ bẫy nợ đã được nhiều người tin hơn, đấy là sau khi Thủ tướng Malaysia, Mahathir Mohamed, hủy bỏ công trình trị gía 23 tỷ USD trong các dự án BRI và cảnh báo đừng trở thành con mồi trong ‘phiên bản mới của chủ nghĩa thực dân’ của Trung Quốc", Haenle nói tiếp.

Một số nước phương Tây nhanh chóng ủng hộ quan điểm này. Rex Tillerson, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ lúc đó, báo động về cách tiếp cận của Trung Quốc trong diễn văn tại Đại học George Mason (George Mason University) ở Virginia. Theo Tillerson, chiến lược của Trung Quốc : "Khuyến khích tình trạng phụ thuộc bằng các hợp đồng tù mù, các hoạt động cho vay theo lối ăn cướp và những thỏa thuận với các khoản hối lộ, làm cho các nước này mắc nợ và mất một phần chủ quyền, tước đoạt khả năng phát triển tự chủ và lâu dài của họ". 

Frans-Paul van der Putten đã theo dõi Trung Quốc trong vòng 12 năm, hiện làm việc cho Clingendael, một think tank về quan hệ quốc tế của Hà Lan, cho rằng không có khả năng là tạo ra các khoản nợ giữa các đối tác trong dự án Một Vành đai, Một Con đường là chiến lược có chủ ý và nhất quán của Trung Quốc, với ý định đổi các khoản nợ lấy tài nguyên hoặc ủng hộ về ngoại giao trong những giai đoạn sau. Nhưng Bắc Kinh cũng không tìm cách ngăn chặn, không để chuyện này xảy ra. Theo van der Putten, chính sách đó phù hợp với cách tiếp cận thực dụng mà Trung Quốc thường dùng : "Các nước này có thể trả lại được hay không không quan trọng, vì nếu họ không thể trả, chúng ta sẽ tìm cách khác". Trung Quốc không ngại sử dụng các khoản nợ làm đòn bẩy và nước này xử lý các con nợ theo tình thế và mỗi lần một khác. 

Trung Quốc bao giờ cũng thắng

Với tư tưởng "hợp tác hai bên đều có lợi", Bắc Kinh luôn luôn giành được lợi ích nào đó từ các nguồn tài trợ của mình. Nếu đòn bẩy chính trị chỉ là tác dụng phụ hữu ích, thì Trung Quốc phải kiếm được gì từ hàng tỷ USD mà họ chi cho cơ sở hạ tầng ở nước ngoài ?

Mô hình phát triển của Trung Quốc là dựa trên buôn bán. Cơ sở hạ tầng tốt hơn có nghĩa là gia tăng buôn bán, mà buôn bán thúc đẩy phát triển. BRI có mục đích là kết nối và phát triển các khu vực phía tây của Trung Quốc, nhưng nó còn có mục đích là phát triển các thị trường khác nhằm thu lợi riêng. Phương Tây đã hết khả năng tăng trưởng và sẽ không mua thêm hàng hóa của Trung Quốc nữa. Nhưng Châu Phi, đông người, còn trẻ và đang tăng thêm, là lục địa có tiềm năng tăng trưởng thực sự. Bằng cách thúc đẩy quá trình phát triển ở các nước Châu Phi, Trung Quốc muốn phát triển và mở cửa thị trường mới trên lục địa này.

Hơn nữa, theo van der Putten, các dự án phát triển cơ sở hạ tầng là "khoản đầu tư vào mối quan hệ tốt hơn giữa chính phủ Trung Quốc và chính phủ của nước nhận tiền. Cho vay là đã có lợi về ngoại giao rồi, vì nó thắt chặt quan hệ với đất nước đó. Đó là lợi ích của Trung Quốc, không thể tính được bằng tiền".

silk2

Sơ đồ Con đường tơ lụa mới trên đất liền và trên biển cả của Trung Quốc

Cái có thể tính được bằng tiền là công việc trong các dự án BRI mà Trung Quốc tạo ra cho các công ty xây dựng của mình. Thông thường, các ngân hàng chính sách của Trung Quốc cung cấp tiền cho một dự án cụ thể ở nước nhận với điều kiện là các công ty Trung Quốc sẽ thực hiện dự án. Van der Putten giải thích : "Cho nên phần lớn khoản tiền lại chảy từ các ngân hàng chính sách của Trung Quốc sang các công ty xây dựng của Trung Quốc. Đường sắt đang được xây dựng, đường cao tốc đang được xây dựng. Có thể những con đường này sẽ không bao giờ được sử dụng, nhưng những công ty xây dựng đó đã đạt được mục tiêu của mình".

Lấp đầy khoảng trống hạ tầng

Tuy nhiên, lợi ích mà Trung Quốc thu được không có nghĩa là nước nhận tài trợ không được lợi lộc gì. Các dự án cơ sở hạ tầng của Trung Quốc thỏa mãn nhu cầu cấp bách - Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) ước tính rằng muốn duy trì tốc độ tăng trưởng hiện tại, từ nay đến năm 2030, riêng Châu Á đã cần khoảng 26 nghìn tỷ USD đầu tư cho cơ sở hạ tầng. Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), việc thiếu cơ sở hạ tầng phù hợp là một trong những rào cản lớn nhất cho quá trình tăng trưởng và phát triển ở Châu Phi và Châu Mỹ Latin. Vì vậy, theo Haenle, việc BRI tập trung vào phát triển cơ sở hạ tầng có thể mang đến tình thế "hai bên đều có lợi". 

"Tự bản thân nó, vốn đầu tư cơ sở hạ tầng hoặc thúc đẩy kết nối toàn cầu ở các nước đang phát triển là không sai", Haenle khẳng định.

Marina Rudyak nói : "Có khoảng cách rất lớn giữa số tiền hiện có và số tiền cần để phát triển. Nhất là trong xây dựng cơ sở hạ tầng". Rudyak đã từng làm việc trong lĩnh vực phát triển suốt nhiều năm ròng và hiện đang hoàn thành luận án tiến sĩ về hợp tác phát triển của Trung Quốc tại Đại học Heidelberg (Heidelberg University) ở Đức. Các tổ chức đa phương và các nhà tài trợ hiện nay không thể tài trợ cho tất cả các dự án phát triển mà người ta cần, do đó, vẫn còn nhiều không gian cho Trung Quốc : "Người ta không hỏi tiền của Mỹ hay Trung Quốc, tiền của EU hay của Trung Quốc. Châu Phi cần tiền của tất cả mọi người".

Van der Putten giải thích rằng các ngân hàng phát triển quốc tế, như Ngân hàng Phát triển Châu Phi (African Development Bank) và Ngân hàng Thế giới (WB), chỉ có lượng tiền giới hạn, không đủ tài trợ cho cho tất cả các cơ sở hạ tầng mà người ta đang cần. Từ sau khủng hoảng kinh tế, các ngân hàng thương mại phương Tây không thể cung cấp các khoản vay nhiều rủi ro nữa. "Trung Quốc có vai trò rất quan trọng ở đây. Họ không chỉ là nguồn tài chính thay thế, nó còn là nguồn tài chính thực sự lớn nữa", van der Putten nói. 

Các ngân hàng phát triển của Trung Quốc, như Ngân hàng Phát triển Trung Quốc (China Development Bank) và Exim Bank Trung Quốc, tài trợ cho các dự án với lãi suất bình thường. "Đây không phải là viện trợ phát triển", van der Putten nhấn mạnh, nhưng nó có một số đặc điểm của viện trợ phát triển. "Đây là những khoản vay đầy rủi ro cho các nước đang phát triển, nhằm cải thiện cơ sở hạ tầng của họ", ông nói thêm.

Mô hình cho vay của Trung Quốc 

Tiền từ Trung Quốc đã lấp đầy khoảng trống giữa nhu cầu và các khoản tài trợ cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng. Thế thì, vì sao lại gây ra các khoản nợ nần và tranh luận ? Lí do là, hầu hết các khoản tài trợ cho các sự án thuộc BRI là dưa trên cơ cấu nhà-nước-dành-cho-nhà-nước. Nó có thể tạo ra những thách thức đối với nợ quốc gia, và những tác động có thể có đối với các mối quan hệ song phương.

Thông thường, các khoản vay được thực hiện theo các tiêu chuẩn được xác định bởi các tổ chức đa phương như Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hoặc các cơ chế đa phương như Câu lạc bộ Paris. Nhưng Trung Quốc không phải là thành viên của Câu lạc bộ Paris, vì vậy họ không cần phải thông báo cho các thành viên của Câu lạc bộ về hoạt động tín dụng của mình và không phải tuân theo bất kỳ tiêu chuẩn nào.

"Không có một hướng dẫn theo lối đa phương hoặc khuôn khổ nào khác để xác định cách tiếp cận của Trung Quốc đối với vấn đề nợ đọng, chúng ta chỉ có bằng chứng mang tính giai thoại về các hành động mang tính tình thế của Trung Quốc như là cơ sở để mô tả cách tiếp cận chính sách của nước này mà thôi", báo cáo của Trung tâm Phát triển Toàn cầu (CDG) kết luận.

Không dùng các tiêu chuẩn phổ quát, "Trung Quốc, nói chung, tuân theo luật pháp ở địa phương khi cho vay các dự án phát triển", Scott Morris giải thích. Morris là một trong những người chấp bút báo cáo của Trung tâm Phát triển Toàn cầu (CDG) về nợ nần của các nước tham gia dự án BRI. "Điều này có thể có nghĩa là tiêu chuẩn cao khi luật pháp địa phương vững mạnh và tiêu chuẩn rất thấp khi luật pháp yếu kém".

Khác với các khoản vay từ các tổ chức như Ngân hàng Thế giới (WB), là các tổ chức này đánh giá luật pháp địa phương và sẽ áp đặt các biện pháp bảo vệ của chính họ nếu luật pháp địa phương quá yếu. Trung Quốc giao cho các chính phủ đối tác chịu trách nhiệm về việc này và "tuân theo tất cả các điều khoản của luật pháp địa phương", Morris nói.

"Trung Quốc cũng không quan tâm tới vấn đề nợ khó đòi, các điều khoản cho vay không được điều chỉnh cho thật đúng với rủi ro nợ của đất nước đi vay", Morris nói thêm. Do đó, các khoản cho vay Bắc Kinh mang tới cho những nước tiếp nhận những lợi ích như thế nào phụ thuộc rất nhiều vào tiêu chuẩn của chính nước đi vay.

Giá mà Bắc Kinh phải trả

Trung Quốc cũng phải trả giá cho vấn đề nợ của các nước tham gia dự án BRI. Từ năm 2000 đến 2014, Bắc Kinh đã chi 13 tỷ USD để giải quyết vấn đề nợ. Với việc tái cơ cấu các khoản nợ, nước này đã giảm thiểu rủi ro bằng cách đưa thêm vào những điều khoản cho vay.

Theo Morris, Trung Quốc cũng phải chịu rủi ro đáng kể khi những người hưởng lợi phá sản, không trả được các khoản vay. Morris nói : "Mặc dù vay nợ là rất cần thiết cho đầu tư cơ sở hạ tầng, nhưng những khoản nợ lớn gây ra rủi ro lớn và cần được quản lý cẩn thận bởi cả người cho vay lẫn người vay".

Quan trọng nhất là, những lời phê phán quốc tế cũng đang tạo ra "vấn đề rất lớn ở chính Trung Quốc", Rudyak nói. "Dân chúng Trung Quốc phê phán gay gắt các khoản viện trợ và các khoản vay của Trung Quốc". Trung Quốc không đòi lại được tiền còn đất nước này thì bị cộng đồng quốc tế chỉ trích. Ngày càng nhiều người Trung Quốc hỏi, tại sao Bắc Kinh không chi những khoản tiền này cho người nghèo ở trong nước ?

Trung Quốc và cho vay theo lối đa phương 

Trong bối cảnh đa phương, Trung Quốc hoạt động theo tiêu chuẩn của Ngân hàng Thế giới. Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng Châu Á (AIIB) "hoàn toàn" phù hợp với các quy tắc trong hệ thống Bretton Woods, Rudyak nói. "Nếu bạn nhìn vào công việc trên thực tế mà họ đang làm, thì ngoài việc ngân hàng này do người Trung Quốc thành lập hoặc đề xuất và nằm ở Bắc Kinh, bên cạnh tất cả các ngân hàng chính sách khác của Trung Quốc, thì đó là một ngân hàng đa phương, bình thường, như các ngân hàng đa phương khác".

Ngân hàng AIIB cho vay ít hơn hẳn các ngân hàng chính sách khác của Trung Quốc, ví dụ như Ngân hàng Phát triển Trung Quốc hoặc Exim bank Trung Quốc. Một số người phê phán khẳng định rằng Trung Quốc muốn xây dựng một hệ thống riêng bên cạnh trật tự hiện hành hoặc bên cạnh các thiết chế của Bretton Woods như WB và IMF. Với các ngân hàng chính sách của riêng mình, Bắc Kinh có thể phá vỡ trật tự hiện hành, phá vỡ các tiêu chuẩn và quy định song hành với nó.

Van der Putten không nghĩ rằng Trung Quốc muốn thay thế Ngân hàng Thế giới. "Khi nói đến tài trợ phát triển và tài trợ cơ sở hạ tầng, Trung Quốc sử dụng tất cả các phương tiện sẵn có", ông nói. Nhưng Bắc Kinh có thể sử dụng ảnh hưởng ngày càng gia tăng trong việc cho vay để gia tăng ảnh hưởng trong Ngân hàng Thế giới.

"Việc Trung Quốc tìm cách làm cho địa vị trên toàn thế giới và ảnh hưởng tương xứng với sức mạnh tương đối của mình là điều chắc chắn", Haenle nói. Trong các tổ chức như Ngân hàng Thế giới, Bắc Kinh vẫn chưa có tầm ảnh hưởng như họ mong muốn. "Bắc Kinh đang đảm nhận vai trò lãnh đạo lớn hơn trong các tổ chức Bretton Woods và Liên Hiệp Quốc, nhưng họ còn lập ra các tổ chức của mình mà họ tin rằng có thể thích nghi tốt hơn với thực tế hiện nay".

Ngày càng có nhiều nhà lãnh đạo thế giới chia sẻ quan điểm này. Trong khi kêu gọi những nỗ lực hiện đại hóa các thiết chế nhằm phản ánh cán cân quyền lực hiện nay, chứ không thành lập các tổ chức mới, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã gián tiếp nói với Trung Quốc. Bà nói tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới, tháng 1 năm 2019 : "Từ khu vực này của thế giới, bị ảnh hưởng bởi các giá trị phương Tây, chúng ta nên sẵn sàng xem xét các thiết chế đã được thành lập và xem xét tình trạng cân bằng quyền lực được phản ánh một cách thực tế với những thiết chế này. Chúng ta phải chấp nhận thực tế mới và các cuộc cải cách, và cách tiếp cận mới sẽ làm an lòng những người đang chứa hấp trong lòng những ngờ vực về hệ thống quốc tế hiện nay".

Bằng cách lập ra các thiết chế mới, Haenle nói : "Trung Quốc không muốn phá hủy trật tự quốc tế hiện hành, họ thổi vào nó sức sống mới. Một người bạn Trung Quốc của tôi so sánh quan điểm của Bắc Kinh về hệ thống quốc tế với các ngôi đền. Họ muốn xây dựng những ngôi đền mới, họ muốn sửa chữa những ngôi đền cũ, nhưng họ không muốn đánh sập bất kỳ ngôi đền nào". Đối với Trung Quốc, lật đổ hệ thống quốc tế cũng phi lí, vì "Trung Quốc là một trong những người thu được nhiều lợi nhất từ trật tự toàn cầu trong bốn thập kỷ qua".

Mục đích và chính trị 

Các thiết chế Bretton Woods là "tấm gương phản chiếu thời đại sau năm 1945 và thế giới đã thay đổi. Tất nhiên, bây giờ cải cách có vấn đề là nhiều nước muốn có ảnh hưởng lớn hơn lại không phải là các chế độ dân chủ tự do", Rudyak nói.

Morris và các đồng tác giả của ông này cho rằng Bắc Kinh nên đa phương hóa BRI để làm cho nỗ lực ngày càng gia tăng trong việc tài trợ phát triển quốc tế đi đúng hướng và giảm các vấn đề nợ nần. Morris nói : "Trung Quốc đánh giá cao việc nước này tham gia với các tổ chức đa phương và kết quả là họ có quan hệ gây được ảnh hưởng. Tôi cho rằng các tổ chức này là cơ hội có tính thuyết phục nhất và giúp Trung Quốc cải thiện dự án và các tiêu chuẩn cho vay của nước này". 

Bước đi gần đây của Trung Quốc nhằm mở cửa Trung tâm phát triển năng lực (Capacity Development Center) chung với IMF, để đào tạo các chuyên gia về chính sách và kinh tế để các nước có thể quyết định tốt hơn về việc có nên vay vốn hay không, là một động thái đáng khích lệ.

"Thực tế là Trung Quốc có rất nhiều kiến thức về phát triển, có thể chia sẻ. Từ đói nghèo đến  địa vị Trung Quốc hiện nay, là điều mà không nước nào ở phương Tây chúng ta làm như thế và trong cùng thời gian như thế", Rudyak khẳng định. Những lời chỉ tríchTrung Quốc thường là do hệ thống chính trị của nước này. Điều này không có nghĩa là hệ thống chính trị không có gì đáng chỉ trích, nhưng "bên trong hệ thống này, có rất nhiều người thực sự đam mê những việc họ làm và thực sự muốn chia sẻ kiến thức của họ với thế giới".

Thay vì chỉ trích trắng phớ "ngoại giao bẫy nợ", chúng ta nên tìm hiểu kĩ hơn những dự án cụ thể nào sai, dự án nào đúng và tại sao. "Nguyên nhân không đơn giản [như nói nó là như thế] vì Đảng muốn thế", Rudyak nói. Khi chúng ta chỉ nói về Đảng, "chúng ta đang lờ đi những người thực sự muốn thay đổi một cái gì đó, [những người] đã thoát khỏi cảnh nghèo đói và bây giờ nói : Tôi muốn giúp đỡ những người khác để họ bớt nghèo".

Sophie van der Meer

Nguyên tác : Demystifying Debt Along China’s New Silk Road, The Diplomat, 06/03/2019

Phạm Nguyên Trường dịch

Nguồn : VNTB, 09/03/2019

Sophie van der Meer là nhà nghiên cứu chính trị và nhà báo Hà Lan.

Published in Diễn đàn

Không thể im lặng mãi trước những lời tố cáo của các tổ chức nhân quyền, của chuyên gia Liên Hiệp Quốc, đe dọa trừng phạt của Quốc Hội Mỹ, Bắc Kinh buộc phải gián tiếp nhìn nhận có nhà tù tập thể giam giữ người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.

tancuong1

Bí thư tỉnh ủy Trần Toàn Quốc (Chen Quanguo) tỉnh Tân Cương tham dự một cuộc thảo luận tại Đại Hội Đảng cộng sản Trung Quốc lần thứ 19, Bắc Kinh, ngày 19/10/2017. Reuters/Tyrone Siu/File Photo

Ngoại trưởng Vương Nghị, trong tuyên bố ngày 13/11/2018 gọi đây là những "trường đào tạo, giúp công dân thoát khỏi ảnh hưởng khủng bố, hội nhập vào xã hội" trong chính sách "phòng ngừa bất ổn và khủng bố" của Trung Quốc.

Toàn bộ Tân Cương và 10 triệu dân Duy Ngô Nhĩ sống dưới ngọn roi của một bộ máy công an trị có một không hai trên thế giới. Từ năm 2016, chính quyền tuyển mộ thêm 100.000 công an vũ trang bố trí khắp các thành phố và nông thôn. Hơn 100 sinh viên từ Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ hồi hương bị bắt, một số thiệt mạng trong nhà giam, theo số liệu của Ủy ban Liên Hiệp Quốc bài trừ kỳ thị chủng tộc.

Ngoài kềm kẹp thân thể, chính quyền Trung Quốc thiết lập một hệ thống giám sát điện tử : camera nhận diện, máy đọc số xe, thiết bị bay tự hành, an ninh mạng internet, điện thoại di động, xem lén điện thư… Trong thời gian này, khoảng một triệu người Duy Ngô Nhĩ đã bị đưa vào các trại giam tập thể này nhân danh "ổn định và hài hòa".

Câu hỏi đặt ra là vì sao Bắc Kinh tăng tốc trấn áp tại Tân Cương ? Vì sao phải cách ly một phần mười dân Hồi giáo ?

Trong chương trình "Décryptage/Giải mã" của RFI, Aynur Omer, nữ sinh viên Duy Ngô Nhĩ, thành viên Hội Duy Ngô Nhĩ tại Pháp cho biết tình cảnh gia đình mình như sau :

"Lần đầu tiên tôi nghe nói đến trại cải tạo là vào tháng 6/2017 khi chú của tôi, một công chức, bị bắt. Lúc đầu cha mẹ tôi trấn an là chú sẽ về thôi, sau đó gia đình nói là chú bị bệnh phải lo điều trị, sau đó nói là chú đi xa không có tin tức… Lúc đó mới biết là ở Tân Cương có nhà tù vĩ đại và chính quyền đang xây rộng thêm. Lúc đầu tôi không tưởng tượng là cả triệu người bị giam".

Sinh viên Aynur Omer cho biết thêm hai người anh em trai của mẹ cũng bị bắt, một người được thả còn một người vẫn bị giam. Bản thân cô cũng bị đe dọa không dám về nước thăm gia đình, và cô đang chờ nhập quốc tịch Pháp để yên thân.

Theo khuyến cáo của ngoại trưởng Trung Quốc thì công luận không nên nghe theo tin đồn mà chỉ nên tin vào thông tin chính thức.

Trái lại, theo Marc Julienne, chuyên gia của Viện Nghiên cứu Chiến lược Paris, sự kiện Bắc Kinh giữ im lặng, không công khai nhìn nhận sự thật , chứng tỏ là "có vấn đề" : chính sách giam cầm tập thể vừa vi phạm Hiến Pháp Trung Quốc, vừa bất hợp pháp đối với luật quốc tế.

"Qua các báo cáo thì chiến dịch bắt giam người Duy Ngô Nhĩ bắt đầu từ cuối năm 2016, và chương trình xây dựng nhà giam lớn khởi công vào đầu năm 2017, phù hợp với thông tin của cô Aynur Omer. Trung Quốc luôn chối là không có những trại tù cải tạo theo nghĩa của các nước Tây phương. Trái lại, Bắc Kinh còn hãnh diện cho là họ phát triển những trung tâm giáo dục, dạy nghề. Trên cơ sở lập luận chính thức này, các học viên là những người tình nguyện xin vào trung tâm đào tạo, trong đó họ được nội trú để học nghề".

Sinh viên, doanh nhân có liên hệ với nước ngoài

Trong tiến trình hoàn toàn trái phép này, nhân danh chống đe dọa khủng bố, cán bộ đảng viên, công an, cảnh sát, quân đội đều có toàn quyền hù dọa, tra tấn để tìm thông tin. Họ đe dọa sẽ trả đũa gia đình, thân nhân nếu người tù không hợp tác.

Ngay giới doanh nhân, sinh viên có một thời gian sống ở nước ngoài cũng phải "khai báo thành khẩn" với đảng Cộng Sản để được cải tạo và khoan hồng, theo thuật ngữ, lời lẽ của chính quyền Trung Quốc từ thời "cách mạng văn hóa, chống hữu khuynh" do Mao phát động. Chính vì thế mà chính quyền Tập Cận Bình tuyên bố sẽ ra luật mới để hợp pháp hóa những "vùng tối" trong chính sách đàn áp này. Chuyên gia Marc Julienne phân tích :

"Đúng là như thế. Các trại cải tạo ở Tân Cương là bất hợp pháp, Trung Quốc vẫn chưa nhìn nhận. Trên thực tế, ngày 9 tháng 10 vừa qua, họ công bố luật mới. Tuy nhiên, luật mới này thật sự chỉ là tu chính của một luật khác áp dụng tại địa phương gọi là điều lệ chống cực đoan hóa tại Tân Cương. Thế nào là chống cực đoan hóa ? Đó là một chương trình cải tạo "cá nhân và tập thể" qua các biện pháp tẩy não học tập chính trị, theo dõi diễn biến tâm lý, sửa sai, học tiếng quan thoại và luật Trung Quốc".

Trung Quốc giả điếc cho đến tháng 8 năm nay thì gặp phải hai sự kiện bắt buộc phải có phản ứng cho dù cố lách.

Trường dạy nghề, dùi cui và ngân sách của Bộ Công an

Trước hết là hình ảnh vệ tinh cho thấy trong vùng sa mạc hoang vu lần lượt mọc lên những kiến trúc hình chữ nhật có tường cao bao bọc. Một nhóm phóng viên quốc tế (AFP, BBC) tìm hiểu qua tài liệu chính thức, hóa đơn đặt hàng, giao hàng phát hiện là toàn là dây kẽm gai, hơi cay, ghế tra tấn, 2.768 dùi cui, 1.367 đôi còng sắt …

Thứ đến, tại cuộc họp ở Genève ngày 10/08/2018, bà phó chủ tịch Ủy ban Liên Hiệp Quốc bài trừ kỳ thị chủng tộc Gay McDougall chất vấn phái đoàn Trung Quốc : Có đúng không ? "Nhân danh chống khủng bố và bảo vệ ổn định xã hội, chính quyền Trung Quốc biến vùng tự trị Tân Cương của người Duy Ngô Nhĩ thành một trại tập trung vĩ đại. Theo thẩm định, ít nhất một triệu người bị giam giữ trong những nhà giam được gọi là để chống Hồi giáo cực đoan, và hai triệu người khác nữa trong những nơi được gọi là trại cải tạo. Ở những nơi đó, họ bị nhồi sọ chính trị".

Phái đoàn Trung Quốc không trả lời trực tiếp mà biện minh là "không kỳ thị chủng tộc, không tra tấn".

Chuyên gia Marc Julienne : "Đó chính là điều nghịch lý trong thái độ của Trung Quốc. Họ vẫn nói đó là các trung tâm dạy nghề trong khi mọi bằng chứng thu thập được từ năm 2017 qua hình ảnh vệ tinh, nhân chứng sống, báo cáo, hóa đơn đặt hàng, gọi thầu đều quy về một mối : đó là một chiến dịch quy mô trấn áp đạo Hồi, bắt giam hàng loạt người dân trong cộng đồng Hồi giáo gồm đa số là Duy Ngô Nhĩ và phần còn lại là Kazakhstan. Ngân sách xây "nhà trường" sao lại thuộc Bộ Công an ?"

Từ Tây Tạng đến Tân Cương trong chính sách công an trị

Từ ba năm nay Tân Cương yên tĩnh, Bắc Kinh khẳng định không một vụ khủng bố nào xảy ra từ năm 2016, nhưng tại sao tăng tốc trấn áp ?

Theo Human Rights Watch, các biện pháp tăng cường trấn áp tại Tân Cương được phát động từ năm 2016 đúng vào năm Trần Toàn Quốc, sau 5 năm "bình định" vùng đất Phật giáo Tây Tạng, được bổ nhiệm về khu tự trị người Hồi.

Tại Tây Tạng, Trần Toàn Quốc sử dụng chiến thuật "thiên la địa võng" : Sa thải hàng loạt cán bộ bị nghi ngờ có suy nghĩ độc lập. Toàn bộ hệ thống kênh truyền hình Tây Tạng chỉ phát chương trình Trung Quốc, các nhà báo còn độc lập bị thay thế bằng người của chế độ. Lãnh thổ Tây Tạng bị chia ô vuông như bàn cờ, có một đồn cảnh sát chịu trách nhiệm, hộ khẩu trong mỗi tổ dân phố có hệ thống theo dõi kép. Trong năm năm, Trần Toàn Quốc lập ra thêm 700 đồn cảnh sát, 84.100 tổ quản lý hộ khẩu, tuyển mộ thêm 12.000 công an để trấn áp mọi đề kháng ở Tây Tạng.

Năm 2016, hung thần được bổ nhiệm làm bí thư Tân Cương. Theo chỉ thị của Trần Toàn Quốc "các trung tâm dạy nghề phải được quản lý như trong quân đội, phải bảo vệ như những nhà tù" (AFP).

Chỉ vì con đường tơ lụa mới

Từ ba năm nay Tân Cương yên tỉnh nhưng vì sao Bắc Kinh cần bàn tay thép của Trần Toàn Quốc và kinh nghiệm trấn áp ở Tây Tạng để làm gì ?

Chuyên gia Marc Julienne : "Các nguồn tin của tôi xác nhận là Trung Quốc kiểm soát rất chặt, nhưng mối lo chính của họ là con đường tơ lụa mới, dự án cơ bản, ưu tiên số một của chính sách kinh tế và đối ngoại của Bắc Kinh. Con đường tơ lụa xuất phát từ Tân Cương, do vậy, một cách thuần lý, một cách "lô-gic" điểm gốc phải ổn định. Vấn đề hiện nay là làm sao có thể biết trước là chính sách đàn áp cho phép "bình định" được Tân Cương, hay trái lại, chỉ làm người dân địa phương kháng cự mạnh mẽ hơn và làm tăng thêm khát vọng đòi độc lập.

Liệu Tân Cương có may mắn hơn Tây Tạng hay không ?

Trong bối cảnh quan hệ Mỹ-Trung căng thẳng trong nhiều mặt, ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói đến biện pháp trừng phạt Bắc Kinh. Ngày 14/11 vừa qua, một nhóm dân biểu và thượng nghị sĩ Hoa Kỳ thuộc cả hai đảng, đệ trình lưỡng viện Quốc Hội một dự thảo nghị quyết kêu gọi hành pháp trừng phạt các quan chức cao cấp của Trung Quốc, để trả đũa hành động vi phạm nhân quyền nghiêm trọng tại Tân Cương.

Tú Anh

Nguồn : RFI, 22/11/2018

Published in Diễn đàn
Trang 1 đến 3