Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Gãy đổ chuỗi sản xuất thủy sản vì giãn cách quá dài

Hồng Ngự, VNTB, 02/09/2021

Hiện nay đã có tới trên 50% nhà máy chế biến cá tra tại đồng bằng sông Cửu Long và nhà máy chế biến thủy sản ở miền Đông đóng cửa.

kinhte1

Một số doanh nghiệp ở đồng bằng sông Cửu Long ngưng hoạt động và đóng cửa.

Doanh nghiệp thủy sản dự cảm khó khăn

Theo kết quả khảo sát của Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), cho tới nay, tỷ lệ tiêm mũi vắc xin Covid-19 của các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thủy sản trung bình chỉ là 40-50%.

Tỷ lệ 100% doanh nghiệp được lấy ý kiến đều cho rằng, "3 tại chỗ" chỉ là phương án cầm cự, tạm thời để doanh nghiệp duy trì sản xuất và nếu chính phủ, các địa phương không có các biện pháp khôi phục khẩn cấp, thì nguy cơ đổ vỡ toàn chuỗi sản xuất từ nuôi trồng – khai thác – chế biến – kinh doanh – xuất nhập khẩu đang hiện tiền trước mắt.

Bà Tạ Hà, chuyên gia thị trường cá tra của VASEP, cho biết nhiều doanh nghiệp cân nhắc tới phương án sẽ ngưng hoạt động hoàn toàn, nếu sau ngày 15/9 các biện pháp giãn cách xã hội còn tiếp tục kéo dài.

Theo ghi nhận của bà Tạ Hà, các doanh nghiệp chế biến cá tra tại miền Nam Việt Nam, từ cuối tháng 7/2021, khi dịch bệnh lan từ Thành phố Hồ Chí Minh xuống các tỉnh miền Tây, thì các doanh nghiệp ngành này hứng chịu đầu tiên.

Đã có tới 50% doanh nghiệp tại một số địa phương vùng trọng điểm về xuất khẩu thủy sản phải đóng cửa, cá tra nuôi tại ao của công ty vượt ‘size’/kích cở do các nhà máy ngừng hoạt động hoặc giảm tối đa công suất. Một số doanh nghiệp nuôi cá tra thời gian nuôi bị kéo dài, mật độ lớn khiến cá chết hàng chục tấn mỗi ngày. Hiện nay, ước tính, công suất hoạt động của toàn ngành cá tra chỉ từ 10 – 20%.

Tại tỉnh Hậu Giang, đa số nhà máy thủy sản đã đóng cửa nếu không đáp ứng được "3 tại chỗ", thiếu công nhân, việc đi lại gặp nhiều khó khăn, hơn thế nhiều nhà máy chế biến nằm trong "vùng đỏ" nên toàn bộ lao động từ "vùng xanh" không tới làm việc được tại nhà máy.

Một số nhà máy thời gian đầu cố gắng thực hiện "3 tại chỗ" để duy trì công ăn việc làm cho người lao động, trả hợp đồng các đơn hàng đã ký tuy nhiên cũng buộc phải ngưng hoạt động sau 1 tháng do phát sinh chi phí quá lớn như : tiền thuê khách sạn, ký túc xá, nhà ở, lương, tiền ăn, chăm sóc y tế, thuê cán bộ y tế xét nghiệm…

Một số doanh nghiệp khác tại đồng bằng sông Cửu Long ngưng hoạt động, bắt đầu chuyển hàng từ kho trữ để trả dần đơn hàng cho khách. Và cho tới hạ tuần tháng 8/2021, hầu hết các doanh nghiệp chế biến đều đã cạn cả nguyên liệu và thành phẩm trong kho, nên đã dừng hoàn toàn hoạt động.

Vẫn theo bà Tạ Hà, nặng nề hơn khi nhiều doanh nghiệp chế biến cá tra tại xứ cù lao Bến Tre đã ngừng chế biến cá tra từ đầu tháng 8/2021 do việc đi lại, vận chuyển, nuôi trồng gặp khó khăn, công nhân lo ngại bị nhiễm bệnh nên cũng xin nghỉ. Tỷ lệ doanh nghiệp chế biến được chích vắc xin hiện dưới 15%.

Để cầm cự sản xuất, một số doanh nghiệp cố gắng chế biến hải sản nghêu, nhưng rồi giá thấp nên cũng đang cân nhắc quyết định ngưng hoạt động. Thêm nữa, không ít khách hàng nhập khẩu đòi hủy hợp đồng và tìm khách hàng thay thế với lý do chậm tiến độ giao hàng.

Doanh nghiệp thủy sản ‘mắc cạn’ vì Covid-19

Tình hình ở ngành tôm cũng bi đát không kém.

Theo ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch hội đồng quản trị Công ty FIMEX Việt Nam, sau hơn 4 tuần thực hiện Chỉ thị 16 của Chính phủ, hoạt động sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu tôm của các nhà máy chế biến tôm tại đồng bằng sông Cửu Long bị đảo lộn.

Nhiều doanh nghiệp chế biến buộc phải đóng cửa do không thực hiện được "3 tại chỗ" hoặc nghi ngờ có ca nhiễm Covid-19. Không chỉ vậy, còn có việc triển khai áp dụng quy định phòng chống dịch ở mỗi địa phương cũng khác nhau, khiến cả người nuôi và doanh nghiệp không tránh khỏi lúng túng. Hầu hết các nhà máy chế biến hiện nay đều buộc phải giảm công suất còn 30 – 50% để thực hiện "3 tại chỗ", nên nhu cầu mua nguyên liệu giảm.

Về khâu vận chuyển, mỗi tháng các cơ sở nuôi trồng giống cần vận chuyển khoảng 7 tỷ tôm giống từ Nam Trung Bộ và khoảng 150.000 tấn thức ăn từ khu vực Đồng Nai, Bình Dương vào Tây Nam Bộ. Tuy nhiên, vận chuyển cả đường bộ và đường thủy hiện nay vẫn khó khăn, do cơ sở sản xuất con giống, thức ăn không cùng địa bàn, phải qua các địa phương khác nhau.

Theo phản ánh của các doanh nghiệp chế biến tôm, hiện tại, việc một số mặt hàng vật tư nuôi tôm, trong đó có tôm giống, thức ăn thủy sản vận chuyển về vùng nuôi tôm gặp khó khăn đã làm gián đoạn lịch thả giống thứ hai trong năm và hoạt động thả nuôi vụ hai đang có xu hướng trầm lắng.

VASEP cho rằng, việc thực hiện "3 tại chỗ" của các doanh nghiệp chỉ là biện pháp tình thế tạm thời, còn lâu dài quá 2 – 3 tuần thì các doanh nghiệp vừa và nhỏ không thể chịu nổi. Còn các các doanh nghiệp lớn hơn có thể ráng chịu trong vòng 4 – 5 tuần.

Để thoát ra khỏi tình trạng này, cần một cái nhìn tích cực tương thích với chiến lược phòng chống dịch của Việt Nam là 5K cộng với tiêm vắc xin.

Các chuyên gia dịch tễ và kinh tế học cũng cho rằng Việt Nam cần phải bằng mọi cách có vắc xin mới có thể "sống chung với Covid". Vì thế, VASEP cho rằng với biến thể mới là chủng virus Delta, thì chống đứt gãy chuỗi sản xuất cũng phải nhìn theo hướng này, tức là phải có vắc xin cho doanh nghiệp. Không phải một loại vắc xin như đang chích trong dân chúng, mà phải cần đến hai loại.

Đó là "vắc xin" chính sách cho doanh nghiệp và cả người lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Đó là các gói hỗ trợ, giảm thuế, giảm đóng công đoàn phí, giảm tiền điện, hạ lãi suất cho vay… được thực hiện tử tế, kịp lúc chứ không phải chỉ "trên tivi".

Hồng Ngự

Nguồn : VNTB, 02/09/2021

********************

Kiệt quệ hết rồi chính phủ ơi !

Hoài Nguyễn, VNTB, 01/09/2021

Thất nghiệp, mất thu nhập, phá sản, nợ ngân hàng… đang đè nặng lên người lao động và doanh nghiệp

kinhte2

Trên đường phố Sài Gòn, các doanh nghiệp nhỏ, các cửa hàng bán lẻ phải đóng cửa hàng buôn bán

Ngày 1/9, Thái Lan bắt đầu "mở cửa" trở lại để sống chung với dịch. Người phát ngôn của Trung tâm Xử lý tình hình dịch Covid-19 (CCSA) Thái Lan cho biết biện pháp này sẽ giúp Thái Lan chuẩn bị dần trở lại bình thường mới để cùng chung sống với Covid-19!

Việt Nam thì sao ? Dưới đây là tổng hợp ghi nhận từ ý kiến của giới làm ăn ở Sài Gòn.

Hai năm nay qua nhiều đợt bùng phát dịch bệnh Covid-19. Qua nhiều đợt giãn cách xã hội, chúng ta đã nhìn thấy, đã chứng kiến trên đường phố Sài Gòn :

1. Các doanh nghiệp nhỏ, các cửa hàng bán lẻ phải đóng cửa hàng buôn bán.

2. Các con đường trên các tuyến phố đóng cửa, cầm cự được vài tháng phải trả mặt bằng, chấp nhận mất tiền đã đầu tư sửa chữa trang bị cho cửa hàng. Điều này đồng nghĩa với sự tuyên bố phá sản, mà đôi khi còn nợ vốn ngân hàng hay người cho vay, đóng hụi.

3. Những nhà mặt tiền, có khi là của cán bộ hưu trí, gia đình dồn lên ở phía trên để bên dưới cho thuê, bây giờ không cho thuê được, họ mất nguồn thu. Cũng có thể là những nhà đầu tư nhỏ, vay vốn ngân hàng mua nhà cho thuê, bây giờ không ai thuê, tiền đâu trả lãi ngân hàng, kéo dài nhiều tháng khác gì phá sản.

4. Nhiều cao ốc cho thuê làm văn phòng, từ khi giãn cách xã hội, nhân viên làm việc ở nhà, hình thành thói quen làm việc online, chủ doanh nghiệp thu xếp trả bớt mặt bằng thuê. Mặt bằng không cho thuê được, thuyền bé, sóng bé, thuyền càng to sóng càng lớn. Nhà đầu tư mặt bằng cho thuê có khác gì phá sản?

5. Ngân hàng cho vay. Nếu tính theo quyết toán trên sổ sách thì vừa qua tuyên bố có lãi đấy, giám đốc ngân hàng lương cao đó. Nhưng nếu những người vay công bố phá sản hàng loạt, nợ không trả được trở thành nợ xấu thì hậu quả đương nhiên xảy ra cho ngân hàng không phải nhỏ.

6. Hàng không, du lịch đã chết ngay từ đầu mùa dịch. Ai có việc phải đi máy bay đều chạy cho nhanh, các cửa hàng kinh doanh trong sân bay cũng phải dẹp bớt, các khách sạn, các khu nghỉ dưỡng thì thôi rồi, khỏi nói, họ đã gần như chết rồi.

7. Các trường học công tư đều phải đóng cửa. Hệ thống trường tư thục khốn khổ vì tiền thuê mặt bằng, tiền đầu tư thiết bị theo chuẩn của giáo dục, học sinh không đến trường, học online. Tất cả mặt bằng, phòng ốc của trường đóng cửa nhưng vẫn phải trang trải các chi phí đầu tư. Họ cũng muốn tuyên bố phá sản lắm rồi.

8. Các ngành sản xuất công nghiệp, các nhà máy hầu như ngưng trệ, công nhân mất việc làm về quê…

9. Còn rất nhiều ngành nghề khác, giải quyết được rất nhiều việc làm cho lao động phổ phông như cắt uốn tóc, giữ xe, bảo vệ… bây giờ hầu như mất việc làm.

10. Nhiều người mua nhà chung cư vay ngân hàng trả góp, bây giờ không có việc làm, lấy đâu ra tiền trả góp ngân hàng, có khả năng phải bán nhà hoặc bị ngân hàng siết nợ. Họ sẽ ra sao ?

Thay lời kết

Ai thấy những vấn đề kể trên ? Ai cũng thấy, ai cũng biết. Chính phủ, nhà nước, quốc hội, chính quyền địa phương cũng biết. Các hiệp hội nghề nghiệp, và các doanh nghiệp đều biết.

Tại sao phải chờ 5.000 chữ ký của doanh nghiệp  mới giải quyết ? 

Qua những đợt chống dịch, qua những đợt giãn cách, nhất là lần thứ 4 tại Thành phố Hồ Chí Minh đã thấy rõ bản chất của dịch bệnh Covid-19. Yêu cầu chính phủ, bộ y tế phải cầu thị, không nên tập trung việc chữa bệnh theo ý chí chủ quan, mà phải dựa vào sức dân, phải xã hội hóa việc chữa trị và phòng ngừa dịch bệnh.

Thế giới đã có thông điệp, phải sống chung với Covid-19 và các biến thể của chúng bằng biện pháp 5k và tiêm ngừa vắc xin.

Thái Lan mở cửa sẽ là bài học để cùng suy gẫm và nhìn thẳng vào thực tế ở Việt Nam.

Hoài Nguyễn

Nguồn : VNTB, 01/09/2021

**********************

Thành hay bại của ‘chống dịch’ là do Bộ Y tế

Mai Lan, VNTB, 31/09/2021

Bình Dương giàu có đang khốn đốn

Bí thư Tỉnh ủy kiêm Trưởng ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Bình Dương Nguyễn Văn Lợi hứa với Thủ tướng Phạm Minh Chính trong cuộc làm việc ngày 27/8 rằng tới 15/9 sẽ "khống chế được dịch".

kinhte3

Bí thư Tỉnh ủy kiêm Trưởng ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Bình Dương Nguyễn Văn Lợi "nổ" : tới 15/9 sẽ "khống chế được dịch nếu được phân bổ 2 triệu liều vắc xin

Ông Nguyễn Văn Lợi còn kèm theo một điều kiện : nếu như được Bộ Y tế tiếp tục phân bổ tối thiểu 2 triệu liều vắc xin Covid.

Ngày 29/8, Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Bình Dương cho biết sau khi báo cáo Thường trực Tỉnh ủy tại cuộc họp giao ban hàng ngày, đã thống nhất tiếp tục kéo dài thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ thị 16 của Thủ tướng đến ngày 15/9.

Thường trực Tỉnh ủy đã có yêu cầu các cấp ủy, chính quyền địa phương và các cơ quan, đơn vị tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ, quản lý giãn cách, phong tỏa nghiêm ngặt gắn với triển khai thực hiện phương án thu dung điều trị 150.000 ca F0, tức chiếm tới 6% dân số.

Giới chuyên gia y tế đánh giá rằng số ca F0 trong cộng đồng vẫn còn cao nên cần sự nỗ lực rất lớn và chi viện của trung ương và các tỉnh, thành để Bình Dương hướng tới mục tiêu trên.

Một tín hiệu lạc quan cho diễn biến dịch bệnh tại Bình Dương là tỉ lệ xuất viện, khỏi bệnh cao. Tính tới 28/8 đã có trên 54.000 F0 được xuất viện, khỏi bệnh, chiếm trên 50% tổng số ca mắc tại Bình Dương.

Đến nay hầu như chưa có công nhân, người lao động nào ở Bình Dương được tiêm đủ 2 mũi vắc xin. Sở Y tế tỉnh này cho biết toàn tỉnh mới tiêm được khoảng 809.000 liều vắc xin, dân số Bình Dương hơn 2,5 triệu người, trong đó mới có gần 36.000 người được tiêm mũi 2 chủ yếu là lực lượng "tuyến đầu", người được ưu tiên do có bệnh lý nền…

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cam kết sẽ ưu tiên vắc xin cho "điểm nóng" Bình Dương trong các đợt phân bổ tới. Dự kiến trong tháng 9/2021 vắc xin cho Bình Dương sẽ nhiều hơn để phủ rộng toàn dân, trong đó với các phường bị "khóa chặt, đông cứng" thì vừa lấy mẫu xét nghiệm vừa kết hợp tiêm vắc xin ngay cho người dân.

Nhiều chuyên gia cho rằng nếu không ứng phó quyết liệt và nhanh chóng thì Bình Dương sẽ gặp những hệ lụy rất lớn do Covid-19, bởi đây là địa phương có nhiều người nhập cư và diễn biến dịch phức tạp không kém gì Thành phố Hồ Chí Minh, trong khi năng lực y tế lại yếu hơn rất nhiều.

Giãn cách kéo dài và chậm chạp vắc xin : cú nốc ao vào Bình Dương

Một vấn đề quan trọng khác bên cạnh y tế là chăm lo cho người lao động để vượt qua đại dịch và đóng góp vào sản xuất. Rất nhiều công nhân đang "mắc kẹt" trong các khu nhà trọ do chính sách chung là "ai ở đâu ở yên đó" nên họ không thể về quê, nhưng cũng không có việc làm, thu nhập.

Theo thống kê chưa chính thức, có tới 70% doanh nghiệp tại Bình Dương phải tạm ngưng sản xuất, một số ít duy trì nhưng phải giảm quy mô lao động. Sau một thời gian hoạt động, với tình hình giãn cách xã hội kéo dài và số F0 tăng cao, nhiều doanh nghiệp "3 tại chỗ" cũng buộc phải đóng cửa.

Thống kê tại huyện Bàu Bàng, Bắc Tân Uyên và thị xã Bến Cát là những vùng dịch đỡ phức tạp hơn, đang dần chuyển hóa thành "vùng xanh" nhưng trước khi có dịch có trên 190.000 lao động sản xuất "3 tại chỗ" thì tới nay chỉ còn chưa tới một nửa số lao động còn được làm việc.

Hôm làm việc với Thủ tướng vào trưa ngày 27/8, ông Võ Văn Minh – chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương – cho biết hiện tỉnh chuẩn bị kịch bản cho 150.000 ca. Với số ca F0 cực lớn thì Bình Dương thiếu rất nhiều thứ, từ nhân lực, thiết bị, vắc xin và cả kinh phí. UBND tỉnh Bình Dương ước tính cần tới 12.242 tỉ đồng chi phí chống dịch cho kịch bản có 150.000 ca F0. Đây là một số tiền rất lớn, trong đó Bình Dương mới cân đối được gần một nửa nên kiến nghị Chính phủ và Bộ Tài chính xem xét hỗ trợ cho tỉnh 7.652 tỉ đồng.

UBND tỉnh Bình Dương kiến nghị trường hợp cấp bách thì cho phép địa phương được điều chỉnh giảm dự toán chi đầu tư phát triển, và nguồn cải cách tiền lương chưa sử dụng để bổ sung kinh phí kịp thời cho phòng chống dịch.

Một lo lắng khác là thời gian tới, nhiều đoàn chi viện cho Bình Dương kết thúc đợt hỗ trợ trong khi số ca Covid-19 đang tăng nên tỉnh sẽ gặp nhiều khó khăn.

Bình Dương đang cần tối thiểu 100 trạm y tế lưu động, mỗi trạm cần 1 bác sĩ, 2 điều dưỡng để ứng cứu cho người dân, nhưng đang thiếu nhân lực nên đề nghị Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng và các tỉnh, thành chi viện.

Mai Lan

Nguồn : VNTB, 31/08/2021

Additional Info

  • Author Hồng Ngự, Hoài Nguyễn, Mai Lan
Published in Diễn đàn
mercredi, 01 septembre 2021 15:53

Covid-19 đang giết kinh tế Việt Nam

"Mỗi tháng có 10 nghìn doanh nghiệp đóng cửa ; hàng triệu công nhân mất việc ; đứt gánh cung ứng thị trường ; nông, ngư sản tồn đọng ; nhiều nước ngưng mua hàng Việt Nam ; đầu tư nước ngoài giảm ; hàng không, vận tải lâm nguy ; kinh doanh khách sạn, bất động sản, du lịch tê liệt ; nợ nần chồng chất, đe dọa bị phá sản ; nhập siêu tăng ; xuất khẩu giảm ; nhân dân bất an ; thanh niên hoang mang trước tương lai đen tối trong khi dịch Covid-19 vẫn sống mạnh, lan nhanh, ngấm sâu…" là những mối nguy kinh tế, xã hội và chính trị của Việt Nam trong 3 tháng còn lại của năm 2021 và năm 2022.

ktvn1

Tình hình này không do phóng đại thực tế mà đang diễn ra ở nhiều nơi, đặc biệt tại các khu kinh tế trọng điểm của Việt Nam ở vùng Sài Gòn, Bình Dương và hai tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang ở miền Bắc.

ktvn2

"Sự bùng phát mạnh của làn sóng Covid-19 lần thứ tư cùng với các đợt giãn cách liên tiếp khiến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề, đặc biệt là các địa phương phía Nam.

Theo Hệ thống thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia, Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong 8/2021 là 85,5 nghìn doanh nghiệp, tăng 24,2% so với cùng kỳ năm 2020.

Trong đó Thành phố Hồ Chí Minh có 24.000 doanh nghiệp (chiếm 28,1% tổng số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường), tăng 6,6%.

Số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 43,2 nghìn doanh nghiệp, chiếm 50,5% tổng số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường ; 30,1 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 24,5% ; 12,2 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 17,8%" (theo báo VietNamNet, ngày 29/08/2021).

Nông-ngư dân đang lâm nguy

Thêm vào đó, khối lượng nông và ngư sản bị tồn đọng vì thương lái ít mua, giảm giá, xuất khẩu bị đình trệ vì nhiều khách hàng nước ngoài ngưng mua do dịch Covid đợt 4 biến chứng Delta nguy hiểm hơn.

Tình hình này đã được công bố tại "Hội nghị trực tuyến kết nối tiêu thụ, xúc tiến xuất khẩu nông sản, thủy sản khu vực Nam Bộ và Tây Nguyên 2021", ngày 6/8/2021.

The Bộ Công thương Việt Nam thì : "Hiện nay lượng hàng nông sản, thuỷ sản và sản phẩm chăn nuôi ở các tỉnh Nam Bộ, Tây Nguyên cần được tiêu thụ khá lớn.

Cụ thể, khu vực này có khoảng 5 triệu tấn lúa, 3,7 triệu tấn rau, hơn 4 triệu tấn trái cây, 120.000 tấn hải sản, 400 triệu quả trứng và hàng chục ngàn tấn gia súc, gia cầm... đang đến thu hoạch. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, từ khâu thu hoạch, vận chuyển, đến chế biến tiêu thụ đều đang gặp rất nhiều khó khăn. Một số thị trường truyền thống và đối tác lâu năm dừng nhập hàng nên đầu ra các sản phẩm bị ách tắc" (theo báo Tiền Phong online, ngày 06/08/2021).

Trong khi đó, báo Công an Nhân dân ngày 30/05/2021 phản ảnh : "Do ảnh hưởng dịch Covid-19, thị trường tiêu thụ hải sản giảm mạnh kéo theo giá cả mặt hàng các loại tôm, cá tụt giảm, gây ảnh hưởng đến hoạt động đánh bắt của ngư dân".

Lý do ngư dân và người nuôi trồng thủy sản gặp khó vì rất nhiều qúan ăn, nhà hàng đóng cửa, xuất khẩu đình trệ, giá bán ra thấp hơn chi phí hành nghề và nuôi ăn tôm cá, theo phản ảnh của các Hiệp hội ngư sản. Thêm vào đó, các Doanh nghiệp xuất khẩu cũng gặp nhiều khó khăn vì khách nước ngoài đình chỉ mua hàng.

Một ngư dân nói : "Giá các mặt hàng tôm, mực, các loại cá đều giảm so với trước nên trừ chi phí, mỗi bạn thuyền chỉ được nhận vài triệu đồng sau chuyến đi biển. Nếu dịch bệnh Covid-19 kéo dài, lo sợ mức tiêu thụ hải sản tiếp tục tụt giảm trong thời gian đến" (Công an nhân dân, 30/05/021).

Trong khí đó, báo Quảng Bình điện tử đưa tin : "Từ đầu năm 2021 đến nay, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản đứng trước nguy cơ "vỡ nợ" do không tiêu thụ được sản phẩm".

Quảng Bình điện tử nêu tỷ dụ : "Chị Đặng Thị Liên, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Vũ Lâm, đóng tại địa bàn xã Cảnh Dương (Quảng Trạch) cho biết, công ty chuyên thu mua thủy sản của người dân xuất sang thị trường Trung Quốc, nhưng do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hàng chục tấn cá của công ty không xuất khẩu được dẫn đến thiệt hại hàng tỷ đồng.

Thời điểm hiện tại, việc tiêu thụ hải sản vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn, không chỉ thị trường Trung Quốc bị đình trệ, tiêu thụ trong nước cũng bị hạn chế do nhiều nhà hàng, khách sạn… tạm ngừng kinh doanh do ảnh hưởng của dịch".

"Theo ông Đỗ Hải Hòa, Giám đốc Công ty cổ phần thủy sản Sông Gianh Quảng Bình, công ty chuyên xuất khẩu hải sản đông lạnh bằng đường biển sang các thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Singapore… Ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 dẫn đến giá cả các nguyên liệu phụ, cước phí vận chuyển tăng, quá trình vận chuyển hàng hóa cũng gặp nhiều khó khăn. Do đó, hàng hóa tiêu thụ giảm 70-80%" (Quảng Bình điện tử, 31/07/021).

Hàng không – du lịch ngắc ngoải

Cũng vì bệnh dịch mà các ngành Hàng không dân sự, vận tải du lịch và khai thác khách sạn cũng sống dở, chết dở.

Theo Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam (VABA) thì : "Từ khi bùng phát dịch lần thứ 4 ở Việt Nam tới nay, các hãng hàng không lâm vào tình trạng nguy hiểm. Doanh thu giảm 80-90%, dòng tiền thiếu hụt nghiêm trọng, nợ gốc và lãi tăng cao trong khi các nguồn lực về tài sản, tài chính tích lũy của các hãng bị cạn kiện. Cơ hội tiếp cận với vốn vay rất khó khăn".

"Tính đến 30/6/2021, các khoản công nợ quá hạn đối tác, nhà cung cấp của Vietnam Airlines lên đến 13.340 tỷ đồng. Ước tính hãng bay Vietjet Air thiếu hụt khoảng 10.000 tỷ đồng để hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh" (Thời báo Kinh tế Việt Nam, 24/08/2021).

Trong khi đó, du lịch nội địa giảm đã làm cho kinh doanh du lịch xuống dốc thê thảm. Hàng trăm khách sạn, nhà nghỉ lớn nhỏ tại các trung tâm dụ lịch như Đà Lạt, Nha Trang, Phú Quốc, Vũng Tầu v.v… đóng cửa, rao bán với giá bèo để gỡ vốn.

Tình hình này đã được phản ảnh trên báo Tiền Phong ngày 26/07/2021 : "Từ khi đợt Covid-19 lần thứ 4 bùng phát, các doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh khách sạn đăng tin rao bán khách sạn ngày càng nhiều. Từ các quận trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh đến phố cổ Hà Nội ; các thủ phủ du lịch như Đà Lạt, Hội An, Nha Trang, Vũng Tàu, Phú Quốc, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Quảng Ninh… nơi nào cũng thấy thông tin rao bán khách sạn với giá hạ".

Như vậy, số công nhân, nông dân, ngư dân, nhà sản xuất ngư sản và những người sống nhờ vào các ngành kinh tế cột trụ này như nhà buôn lẻ, công nhân vận tải, chuyên chở, nhà hàng ăn từ Bắc vào Nam là bao nhiêu triệu con người ?

Thiệt hại khôn lường

Vì vậy, hãy lấy trường hợp của tỉnh Bắc Ninh để hiểu rộng ra cả nước. Theo bà Nguyễn Hương Giang - Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh cho biết :

"Bắc Ninh có 10 khu công nghiệp đang hoạt động, có nhiều doanh nghiệp lớn tham gia chuỗi toàn cầu. Mật độ công nhân lao động sống trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh rất đông, cao gấp 5 lần cả nước. Bắc Ninh đứng thứ nhất về quy mô sản xuất công nghiệp trên địa bàn cả nước, nếu xảy ra đứt gãy chuỗi sản xuất thì thiệt hại sẽ vô cùng lớn.

Riêng ông Trương Thanh Hoài, Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho rằng, cùng với Bắc Giang, Bắc Ninh là những địa phương có hoạt động sản xuất công nghiệp và xuất khẩu lớn nhất cả nước. Do đó, cần duy trì sản xuất của hai địa phương này. Đồng tình quan điểm trên, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An cho rằng, nếu Bắc Ninh dừng sản xuất công nghiệp thì sẽ ảnh hưởng lớn đến cả nước" (Công an nhân dân 28/05/2021).

Theo thống kê, tỉnh Bắc Ninh có 10 khu công nghiệp với hơn 400.000 công nhân tại 21 tỉnh, thành phố. Dịch Covid-19 đã lây lan sang công nhân của Công ty Samsung Electronics và Công ty Canon. Không có tin về tình hình lây lan tại Sumitomo Electric và Emtech.

Bắc Giang, có 222 doanh nghiệp với 55.400 lao động –35 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, đa phần từ Nam Hàn và Trung Quốc.

Tuy nhiên, "Bắc Ninh chưa dừng toàn bộ hoạt động của cả khu công nghiệp. Trong khi đó, do dịch bệnh lây lan nhanh, tỉnh Bắc Giang đã tạm dừng hoạt động của 4 khu công nghiệp : Vân Trung, Quang Châu, Đình Trám, Song Khê - Nội Hoàng từ ngày 18/5/2021. Theo quyết định mới nhất của UBND tỉnh Bắc Giang, từ ngày 28/5, các khu công nghiệp an toàn sẽ được sản xuất trở lại cùng với việc thực hiện phòng dịch nghiêm ngặt" (Công an nhân dân, 28/05/2021).

Sài Gòn lo âu tăng vọt

Ở miền Nam, đặc biệt tại vùng Sài Gòn (tên mới là Thành phố Hồ Chí Minh), thì : " Đợt dịch bệnh lần thứ tư trở nên khốc liệt hơn khi đã xâm nhập vào các khu công nghiệp ở Thành phố Hồ Chí Minh . Trong bối cảnh đó, đảm bảo sự an toàn tối đa cho nhân lực nhằm không gây gián đoạn sản xuất trở thành nỗ lực đầy quyết tâm của các công ty nhằm vượt qua giai đoạn khó khăn nhất" (Pháp Luật Online, 05/07/2021).

Theo Chủ tịch Hiệp hội Các doanh nghiệp/khu công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Bé cho biết :

"Hiện 18 khu công nghiệp và Khu công nghệ cao tại Thành phố Hồ Chí Minh có khoảng 1.500 doanh nghiệp đang hoạt động với khoảng 300.000 người lao động. Trong đó có khoảng 500 công ty đầu tư nước ngoài với hàng chục ngàn chuyên gia, kỹ sư, kỹ thuật viên đang làm việc.

Trong ba đợt dịch trước, dịch Covid-19 không lây vào các khu công nghiệp nên nền kinh tế nước ta không bị ảnh hưởng mà tiếp tục tăng trưởng, xuất siêu. Thế nhưng làn sóng thứ tư của dịch đã và đang lây lan trong các khu công nghiệp, nguy cơ ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, từ đó ảnh hưởng đến nền kinh tế nước ta trong năm nay sẽ rất lớn".

Pháp Luật Online cho biết : "Thực tế thời gian qua, một số nhà máy ở các khu công nghiệp đã phát hiện một số ca nhiễm và bị phong tỏa, ngừng sản xuất. Thống kê của Liên đoàn Lao động Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy đến ngày 1/7, đã có gần 20.000 công nhân, lao động phải ngừng việc do dịch".

Tỉnh Bình Dương, nơi có 29 khu công nghiệp hoạt động, có 65 quốc gia và vùng lãnh thổ có vốn đầu tư. Trong đó 7 quốc gia và vùng lãnh thổ như Nhật Bản, Đài Loan, Singapore, Hàn Quốc… có tổng vốn đầu tư chiếm hơn 75% tổng vốn đầu tư toàn tỉnh. Nhật Bản là quốc gia đứng đầu với 313 dự án có tổng số vốn đăng ký hơn 5,61 tỷ USD, chiếm 16,3% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Nhưng đến nay (tháng 8/2021) địa phương ghi nhận có 86.050 ca nhiễm, chỉ sau Sài Gòn. Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh báo cáo hiện toàn tỉnh có 4 "vùng đỏ" là các thành phố Thuận An, Dĩ An, Thủ Dầu Một và thị xã Tân Uyên, "vùng vàng" gồm thị xã Bến Cát và huyện Bàu Bang, "vùng xanh" gồm huyện Phú Giáo, Bắc Tân Uyên và Dầu Tiếng (ViệtnamExpress, 27/8/2021).

Vì tình hình khẩn trương ở Bình Dương đã khiến Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị : "Bình Dương cần tính toán dời dân 'vùng đỏ' vào doanh trại quân đội giúp giãn cách chống dịch" (VnExpress, 27/8/2021).

Trong khi đó tại Thành phố Hồ Chí Minh, ông Phạm Đức Hải, Phó ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 của thành phố, cho biết : "Sau 8 ngày có xu hướng giảm, ngày 30/8, số ca tử vong tăng trở lại với 335 ca, nhiều hơn 90 ca so với ngày trước đó. Tính từ đầu năm đến nay, Thành phố Hồ Chí Minh ghi nhận 9.204 ca tử vong do Covid-19 ; trung bình mỗi tháng hơn 1.159 ca tử vong" (MSN-VI-VN, 23/08/2021).

Thêm vào đó, ngày 31/8, Bộ Y tế cho biết số ca nhiễm vẫn tập trung cao nhất tại bốn tỉnh phía Nam là Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An. Thành phố Hồ Chí Minh hiện ghi nhận tổng số 221.254 ca nhiễm trong đợt dịch thứ tư, cao nhất cả nước.

Khó khan ngập đầu

Vì dịch Covid gây ra từ năm 2019 vẫn chưa có dấu hiệu suy giảm nên Tổng cục Thống kê Việt Nam dự đoán mức tăng trưởng kinh tế sẽ rất xấu trong tương lai.

VnExpress ngày 31/08/2021 cho biết : "Những trụ cột của nền kinh tế đã bị ảnh hưởng mạnh vì sự phức tạp của Covid-19, khiến bức tranh tổng thể nghiêng hẳn về chiều hướng xấu.

Tháng 7, tác động của đợt bùng phát thứ tư được GSO (General Statistics Office of Vietnam , Tổng cục Thống kê Việt Nam) đánh giá là "ảnh hưởng tiêu cực" đến sản xuất công nghiệp - một trong những trụ cột của tăng trưởng kinh tế. Tháng 8, nhận xét này được thay đổi thành "ảnh hưởng nặng nề.

Sản xuất công nghiệp tháng 8 ước giảm 4,2% so với tháng trước và giảm 7,4% cùng kỳ, mức giảm cao nhất từ đầu năm (trừ tháng Hai do có 8 ngày nghỉ Tết). Trong đó, chế biến, chế tạo - lĩnh vực đóng góp chính vào tăng trưởng - giảm 9,2%, khai khoáng giảm 2,4%.

Con số này làm bức tranh kinh tế quý III trở nên khó đoán định, khi tháng 7, sản xuất công nghiệp cũng chỉ tăng 2,2% so với cùng kỳ, là mức tăng thấp nhất trong 7 tháng đầu năm.

Mức giảm mạnh nhất chủ yếu đến từ các tỉnh phía nam, bao gồm cả Thành phố Hồ Chí Minh, những nơi đang chịu ảnh hưởng bởi diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19. So với cùng kỳ năm trước, chỉ số sản xuất của Bến Tre và Đồng Tháp giảm xấp xỉ 60%, Thành phố Hồ Chí Minh giảm hơn 49%, Vĩnh Long giảm 41,5%, Tây Ninh và Sóc Trăng giảm trên 30%.

Riêng Thành phố Hồ Chí Minh, sản xuất công nghiệp tháng 8 giảm hơn 22%, tính chung 8 tháng giảm 6,6%, và thấp hơn cả giai đoạn 8 tháng năm trước. Nhiều nhà máy đã phải giảm công suất hoặc dừng hoạt động để chống dịch, nguồn nguyên vật liệu phục vụ cho sản xuất bị gián doạn, thị trường tiêu thụ hàng hóa gặp nhiều khó khan".

Trước những hình ảnh u tối này, VnExpress kết luận : "Khu vực công nghiệp giảm mạnh, số lượng doanh nghiệp rời khỏi thị trường tăng cao, tạo ra những điểm đứt gãy trong các chuỗi cung ứng. Đứt gãy không còn là những dự báo hay suy đoán, điều này đã bắt đầu xảy ra.

Như thủy sản, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, có tới trên 50% nhà máy chế biến cá tra tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long và nhà máy chế biến thủy sản ở phía đông Thành phố Hồ Chí Minh đóng cửa. Hiệp hội này lo ngại nguy cơ toàn chuỗi sản xuất thuỷ sản đổ vỡ".

Như vậy là "mục tiêu kép", vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế của Chính phủ đã đi vào ngõ cụt nên ai cũng thắc mắc tự hỏi : Vậy những công tác như giãn cách xã hội, khoanh vùng, "ai ở đâu ở đó" và "chống dịch như chống giặc", "3 tại chỗ (làm việc tại chỗ, ăn tại chỗ, ngủ tại chỗ), 5K (Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tập trung - Khai báo y tế), 5T (Tuân thủ nghiêm 5K - Thực phẩm đủ tại nhà - Thầy, thuốc đến tận gia - Test Covid) đã làm được trò trống gì, hay chỉ làm cho dân điêu đứng hơn và kinh tế lụn bại thêm ?

Ấy là chưa kể khi nhìn thấy Quân đội, xe tăng, trang bị vũ khí đầy người kiểm soát, đóng chốt đó đây ở Sài Gòn càng làm cho dân ngộp thở, tưởng như có binh biến.

Hay là Đảng và Nhà nước cộng sản Việt Nam lo dân miền Nam sẽ nổi loạn như nhân dân Cuba hồi tháng 7/2021 nên đã vội tăng cường lối 300 Cảnh sát cơ động từ Tây Nguyên xuống Sài Gòn kiểm soát an ninh, nhưng nói là chống dịch ?

Hay vì Bộ trưởng quốc phòng Phạm Văn Giang đã lỡ kiêu ngạo nói rằng Quân đội "không thắng dịch không về" và không muốn bị mang tiếng đã thua trận nên Đảng và Chính phủ đã đánh loạn cào cào, càng múa càng làm cho tình hình rối như canh hẹ.

Phạm Trần

(01/09/2021)

Additional Info

  • Author Phạm Trần
Published in Diễn đàn