Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

02/09/2021

Covid-19 : tác hại trực tiếp trên kinh tế Việt Nam

Hồng Ngự - Hoài Nguyễn - Mai Lan

Gãy đổ chuỗi sản xuất thủy sản vì giãn cách quá dài

Hồng Ngự, VNTB, 02/09/2021

Hiện nay đã có tới trên 50% nhà máy chế biến cá tra tại đồng bằng sông Cửu Long và nhà máy chế biến thủy sản ở miền Đông đóng cửa.

kinhte1

Một số doanh nghiệp ở đồng bằng sông Cửu Long ngưng hoạt động và đóng cửa.

Doanh nghiệp thủy sản dự cảm khó khăn

Theo kết quả khảo sát của Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), cho tới nay, tỷ lệ tiêm mũi vắc xin Covid-19 của các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thủy sản trung bình chỉ là 40-50%.

Tỷ lệ 100% doanh nghiệp được lấy ý kiến đều cho rằng, "3 tại chỗ" chỉ là phương án cầm cự, tạm thời để doanh nghiệp duy trì sản xuất và nếu chính phủ, các địa phương không có các biện pháp khôi phục khẩn cấp, thì nguy cơ đổ vỡ toàn chuỗi sản xuất từ nuôi trồng – khai thác – chế biến – kinh doanh – xuất nhập khẩu đang hiện tiền trước mắt.

Bà Tạ Hà, chuyên gia thị trường cá tra của VASEP, cho biết nhiều doanh nghiệp cân nhắc tới phương án sẽ ngưng hoạt động hoàn toàn, nếu sau ngày 15/9 các biện pháp giãn cách xã hội còn tiếp tục kéo dài.

Theo ghi nhận của bà Tạ Hà, các doanh nghiệp chế biến cá tra tại miền Nam Việt Nam, từ cuối tháng 7/2021, khi dịch bệnh lan từ Thành phố Hồ Chí Minh xuống các tỉnh miền Tây, thì các doanh nghiệp ngành này hứng chịu đầu tiên.

Đã có tới 50% doanh nghiệp tại một số địa phương vùng trọng điểm về xuất khẩu thủy sản phải đóng cửa, cá tra nuôi tại ao của công ty vượt ‘size’/kích cở do các nhà máy ngừng hoạt động hoặc giảm tối đa công suất. Một số doanh nghiệp nuôi cá tra thời gian nuôi bị kéo dài, mật độ lớn khiến cá chết hàng chục tấn mỗi ngày. Hiện nay, ước tính, công suất hoạt động của toàn ngành cá tra chỉ từ 10 – 20%.

Tại tỉnh Hậu Giang, đa số nhà máy thủy sản đã đóng cửa nếu không đáp ứng được "3 tại chỗ", thiếu công nhân, việc đi lại gặp nhiều khó khăn, hơn thế nhiều nhà máy chế biến nằm trong "vùng đỏ" nên toàn bộ lao động từ "vùng xanh" không tới làm việc được tại nhà máy.

Một số nhà máy thời gian đầu cố gắng thực hiện "3 tại chỗ" để duy trì công ăn việc làm cho người lao động, trả hợp đồng các đơn hàng đã ký tuy nhiên cũng buộc phải ngưng hoạt động sau 1 tháng do phát sinh chi phí quá lớn như : tiền thuê khách sạn, ký túc xá, nhà ở, lương, tiền ăn, chăm sóc y tế, thuê cán bộ y tế xét nghiệm…

Một số doanh nghiệp khác tại đồng bằng sông Cửu Long ngưng hoạt động, bắt đầu chuyển hàng từ kho trữ để trả dần đơn hàng cho khách. Và cho tới hạ tuần tháng 8/2021, hầu hết các doanh nghiệp chế biến đều đã cạn cả nguyên liệu và thành phẩm trong kho, nên đã dừng hoàn toàn hoạt động.

Vẫn theo bà Tạ Hà, nặng nề hơn khi nhiều doanh nghiệp chế biến cá tra tại xứ cù lao Bến Tre đã ngừng chế biến cá tra từ đầu tháng 8/2021 do việc đi lại, vận chuyển, nuôi trồng gặp khó khăn, công nhân lo ngại bị nhiễm bệnh nên cũng xin nghỉ. Tỷ lệ doanh nghiệp chế biến được chích vắc xin hiện dưới 15%.

Để cầm cự sản xuất, một số doanh nghiệp cố gắng chế biến hải sản nghêu, nhưng rồi giá thấp nên cũng đang cân nhắc quyết định ngưng hoạt động. Thêm nữa, không ít khách hàng nhập khẩu đòi hủy hợp đồng và tìm khách hàng thay thế với lý do chậm tiến độ giao hàng.

Doanh nghiệp thủy sản ‘mắc cạn’ vì Covid-19

Tình hình ở ngành tôm cũng bi đát không kém.

Theo ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch hội đồng quản trị Công ty FIMEX Việt Nam, sau hơn 4 tuần thực hiện Chỉ thị 16 của Chính phủ, hoạt động sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu tôm của các nhà máy chế biến tôm tại đồng bằng sông Cửu Long bị đảo lộn.

Nhiều doanh nghiệp chế biến buộc phải đóng cửa do không thực hiện được "3 tại chỗ" hoặc nghi ngờ có ca nhiễm Covid-19. Không chỉ vậy, còn có việc triển khai áp dụng quy định phòng chống dịch ở mỗi địa phương cũng khác nhau, khiến cả người nuôi và doanh nghiệp không tránh khỏi lúng túng. Hầu hết các nhà máy chế biến hiện nay đều buộc phải giảm công suất còn 30 – 50% để thực hiện "3 tại chỗ", nên nhu cầu mua nguyên liệu giảm.

Về khâu vận chuyển, mỗi tháng các cơ sở nuôi trồng giống cần vận chuyển khoảng 7 tỷ tôm giống từ Nam Trung Bộ và khoảng 150.000 tấn thức ăn từ khu vực Đồng Nai, Bình Dương vào Tây Nam Bộ. Tuy nhiên, vận chuyển cả đường bộ và đường thủy hiện nay vẫn khó khăn, do cơ sở sản xuất con giống, thức ăn không cùng địa bàn, phải qua các địa phương khác nhau.

Theo phản ánh của các doanh nghiệp chế biến tôm, hiện tại, việc một số mặt hàng vật tư nuôi tôm, trong đó có tôm giống, thức ăn thủy sản vận chuyển về vùng nuôi tôm gặp khó khăn đã làm gián đoạn lịch thả giống thứ hai trong năm và hoạt động thả nuôi vụ hai đang có xu hướng trầm lắng.

VASEP cho rằng, việc thực hiện "3 tại chỗ" của các doanh nghiệp chỉ là biện pháp tình thế tạm thời, còn lâu dài quá 2 – 3 tuần thì các doanh nghiệp vừa và nhỏ không thể chịu nổi. Còn các các doanh nghiệp lớn hơn có thể ráng chịu trong vòng 4 – 5 tuần.

Để thoát ra khỏi tình trạng này, cần một cái nhìn tích cực tương thích với chiến lược phòng chống dịch của Việt Nam là 5K cộng với tiêm vắc xin.

Các chuyên gia dịch tễ và kinh tế học cũng cho rằng Việt Nam cần phải bằng mọi cách có vắc xin mới có thể "sống chung với Covid". Vì thế, VASEP cho rằng với biến thể mới là chủng virus Delta, thì chống đứt gãy chuỗi sản xuất cũng phải nhìn theo hướng này, tức là phải có vắc xin cho doanh nghiệp. Không phải một loại vắc xin như đang chích trong dân chúng, mà phải cần đến hai loại.

Đó là "vắc xin" chính sách cho doanh nghiệp và cả người lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Đó là các gói hỗ trợ, giảm thuế, giảm đóng công đoàn phí, giảm tiền điện, hạ lãi suất cho vay… được thực hiện tử tế, kịp lúc chứ không phải chỉ "trên tivi".

Hồng Ngự

Nguồn : VNTB, 02/09/2021

********************

Kiệt quệ hết rồi chính phủ ơi !

Hoài Nguyễn, VNTB, 01/09/2021

Thất nghiệp, mất thu nhập, phá sản, nợ ngân hàng… đang đè nặng lên người lao động và doanh nghiệp

kinhte2

Trên đường phố Sài Gòn, các doanh nghiệp nhỏ, các cửa hàng bán lẻ phải đóng cửa hàng buôn bán

Ngày 1/9, Thái Lan bắt đầu "mở cửa" trở lại để sống chung với dịch. Người phát ngôn của Trung tâm Xử lý tình hình dịch Covid-19 (CCSA) Thái Lan cho biết biện pháp này sẽ giúp Thái Lan chuẩn bị dần trở lại bình thường mới để cùng chung sống với Covid-19!

Việt Nam thì sao ? Dưới đây là tổng hợp ghi nhận từ ý kiến của giới làm ăn ở Sài Gòn.

Hai năm nay qua nhiều đợt bùng phát dịch bệnh Covid-19. Qua nhiều đợt giãn cách xã hội, chúng ta đã nhìn thấy, đã chứng kiến trên đường phố Sài Gòn :

1. Các doanh nghiệp nhỏ, các cửa hàng bán lẻ phải đóng cửa hàng buôn bán.

2. Các con đường trên các tuyến phố đóng cửa, cầm cự được vài tháng phải trả mặt bằng, chấp nhận mất tiền đã đầu tư sửa chữa trang bị cho cửa hàng. Điều này đồng nghĩa với sự tuyên bố phá sản, mà đôi khi còn nợ vốn ngân hàng hay người cho vay, đóng hụi.

3. Những nhà mặt tiền, có khi là của cán bộ hưu trí, gia đình dồn lên ở phía trên để bên dưới cho thuê, bây giờ không cho thuê được, họ mất nguồn thu. Cũng có thể là những nhà đầu tư nhỏ, vay vốn ngân hàng mua nhà cho thuê, bây giờ không ai thuê, tiền đâu trả lãi ngân hàng, kéo dài nhiều tháng khác gì phá sản.

4. Nhiều cao ốc cho thuê làm văn phòng, từ khi giãn cách xã hội, nhân viên làm việc ở nhà, hình thành thói quen làm việc online, chủ doanh nghiệp thu xếp trả bớt mặt bằng thuê. Mặt bằng không cho thuê được, thuyền bé, sóng bé, thuyền càng to sóng càng lớn. Nhà đầu tư mặt bằng cho thuê có khác gì phá sản?

5. Ngân hàng cho vay. Nếu tính theo quyết toán trên sổ sách thì vừa qua tuyên bố có lãi đấy, giám đốc ngân hàng lương cao đó. Nhưng nếu những người vay công bố phá sản hàng loạt, nợ không trả được trở thành nợ xấu thì hậu quả đương nhiên xảy ra cho ngân hàng không phải nhỏ.

6. Hàng không, du lịch đã chết ngay từ đầu mùa dịch. Ai có việc phải đi máy bay đều chạy cho nhanh, các cửa hàng kinh doanh trong sân bay cũng phải dẹp bớt, các khách sạn, các khu nghỉ dưỡng thì thôi rồi, khỏi nói, họ đã gần như chết rồi.

7. Các trường học công tư đều phải đóng cửa. Hệ thống trường tư thục khốn khổ vì tiền thuê mặt bằng, tiền đầu tư thiết bị theo chuẩn của giáo dục, học sinh không đến trường, học online. Tất cả mặt bằng, phòng ốc của trường đóng cửa nhưng vẫn phải trang trải các chi phí đầu tư. Họ cũng muốn tuyên bố phá sản lắm rồi.

8. Các ngành sản xuất công nghiệp, các nhà máy hầu như ngưng trệ, công nhân mất việc làm về quê…

9. Còn rất nhiều ngành nghề khác, giải quyết được rất nhiều việc làm cho lao động phổ phông như cắt uốn tóc, giữ xe, bảo vệ… bây giờ hầu như mất việc làm.

10. Nhiều người mua nhà chung cư vay ngân hàng trả góp, bây giờ không có việc làm, lấy đâu ra tiền trả góp ngân hàng, có khả năng phải bán nhà hoặc bị ngân hàng siết nợ. Họ sẽ ra sao ?

Thay lời kết

Ai thấy những vấn đề kể trên ? Ai cũng thấy, ai cũng biết. Chính phủ, nhà nước, quốc hội, chính quyền địa phương cũng biết. Các hiệp hội nghề nghiệp, và các doanh nghiệp đều biết.

Tại sao phải chờ 5.000 chữ ký của doanh nghiệp  mới giải quyết ? 

Qua những đợt chống dịch, qua những đợt giãn cách, nhất là lần thứ 4 tại Thành phố Hồ Chí Minh đã thấy rõ bản chất của dịch bệnh Covid-19. Yêu cầu chính phủ, bộ y tế phải cầu thị, không nên tập trung việc chữa bệnh theo ý chí chủ quan, mà phải dựa vào sức dân, phải xã hội hóa việc chữa trị và phòng ngừa dịch bệnh.

Thế giới đã có thông điệp, phải sống chung với Covid-19 và các biến thể của chúng bằng biện pháp 5k và tiêm ngừa vắc xin.

Thái Lan mở cửa sẽ là bài học để cùng suy gẫm và nhìn thẳng vào thực tế ở Việt Nam.

Hoài Nguyễn

Nguồn : VNTB, 01/09/2021

**********************

Thành hay bại của ‘chống dịch’ là do Bộ Y tế

Mai Lan, VNTB, 31/09/2021

Bình Dương giàu có đang khốn đốn

Bí thư Tỉnh ủy kiêm Trưởng ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Bình Dương Nguyễn Văn Lợi hứa với Thủ tướng Phạm Minh Chính trong cuộc làm việc ngày 27/8 rằng tới 15/9 sẽ "khống chế được dịch".

kinhte3

Bí thư Tỉnh ủy kiêm Trưởng ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Bình Dương Nguyễn Văn Lợi "nổ" : tới 15/9 sẽ "khống chế được dịch nếu được phân bổ 2 triệu liều vắc xin

Ông Nguyễn Văn Lợi còn kèm theo một điều kiện : nếu như được Bộ Y tế tiếp tục phân bổ tối thiểu 2 triệu liều vắc xin Covid.

Ngày 29/8, Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Bình Dương cho biết sau khi báo cáo Thường trực Tỉnh ủy tại cuộc họp giao ban hàng ngày, đã thống nhất tiếp tục kéo dài thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ thị 16 của Thủ tướng đến ngày 15/9.

Thường trực Tỉnh ủy đã có yêu cầu các cấp ủy, chính quyền địa phương và các cơ quan, đơn vị tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ, quản lý giãn cách, phong tỏa nghiêm ngặt gắn với triển khai thực hiện phương án thu dung điều trị 150.000 ca F0, tức chiếm tới 6% dân số.

Giới chuyên gia y tế đánh giá rằng số ca F0 trong cộng đồng vẫn còn cao nên cần sự nỗ lực rất lớn và chi viện của trung ương và các tỉnh, thành để Bình Dương hướng tới mục tiêu trên.

Một tín hiệu lạc quan cho diễn biến dịch bệnh tại Bình Dương là tỉ lệ xuất viện, khỏi bệnh cao. Tính tới 28/8 đã có trên 54.000 F0 được xuất viện, khỏi bệnh, chiếm trên 50% tổng số ca mắc tại Bình Dương.

Đến nay hầu như chưa có công nhân, người lao động nào ở Bình Dương được tiêm đủ 2 mũi vắc xin. Sở Y tế tỉnh này cho biết toàn tỉnh mới tiêm được khoảng 809.000 liều vắc xin, dân số Bình Dương hơn 2,5 triệu người, trong đó mới có gần 36.000 người được tiêm mũi 2 chủ yếu là lực lượng "tuyến đầu", người được ưu tiên do có bệnh lý nền…

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cam kết sẽ ưu tiên vắc xin cho "điểm nóng" Bình Dương trong các đợt phân bổ tới. Dự kiến trong tháng 9/2021 vắc xin cho Bình Dương sẽ nhiều hơn để phủ rộng toàn dân, trong đó với các phường bị "khóa chặt, đông cứng" thì vừa lấy mẫu xét nghiệm vừa kết hợp tiêm vắc xin ngay cho người dân.

Nhiều chuyên gia cho rằng nếu không ứng phó quyết liệt và nhanh chóng thì Bình Dương sẽ gặp những hệ lụy rất lớn do Covid-19, bởi đây là địa phương có nhiều người nhập cư và diễn biến dịch phức tạp không kém gì Thành phố Hồ Chí Minh, trong khi năng lực y tế lại yếu hơn rất nhiều.

Giãn cách kéo dài và chậm chạp vắc xin : cú nốc ao vào Bình Dương

Một vấn đề quan trọng khác bên cạnh y tế là chăm lo cho người lao động để vượt qua đại dịch và đóng góp vào sản xuất. Rất nhiều công nhân đang "mắc kẹt" trong các khu nhà trọ do chính sách chung là "ai ở đâu ở yên đó" nên họ không thể về quê, nhưng cũng không có việc làm, thu nhập.

Theo thống kê chưa chính thức, có tới 70% doanh nghiệp tại Bình Dương phải tạm ngưng sản xuất, một số ít duy trì nhưng phải giảm quy mô lao động. Sau một thời gian hoạt động, với tình hình giãn cách xã hội kéo dài và số F0 tăng cao, nhiều doanh nghiệp "3 tại chỗ" cũng buộc phải đóng cửa.

Thống kê tại huyện Bàu Bàng, Bắc Tân Uyên và thị xã Bến Cát là những vùng dịch đỡ phức tạp hơn, đang dần chuyển hóa thành "vùng xanh" nhưng trước khi có dịch có trên 190.000 lao động sản xuất "3 tại chỗ" thì tới nay chỉ còn chưa tới một nửa số lao động còn được làm việc.

Hôm làm việc với Thủ tướng vào trưa ngày 27/8, ông Võ Văn Minh – chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương – cho biết hiện tỉnh chuẩn bị kịch bản cho 150.000 ca. Với số ca F0 cực lớn thì Bình Dương thiếu rất nhiều thứ, từ nhân lực, thiết bị, vắc xin và cả kinh phí. UBND tỉnh Bình Dương ước tính cần tới 12.242 tỉ đồng chi phí chống dịch cho kịch bản có 150.000 ca F0. Đây là một số tiền rất lớn, trong đó Bình Dương mới cân đối được gần một nửa nên kiến nghị Chính phủ và Bộ Tài chính xem xét hỗ trợ cho tỉnh 7.652 tỉ đồng.

UBND tỉnh Bình Dương kiến nghị trường hợp cấp bách thì cho phép địa phương được điều chỉnh giảm dự toán chi đầu tư phát triển, và nguồn cải cách tiền lương chưa sử dụng để bổ sung kinh phí kịp thời cho phòng chống dịch.

Một lo lắng khác là thời gian tới, nhiều đoàn chi viện cho Bình Dương kết thúc đợt hỗ trợ trong khi số ca Covid-19 đang tăng nên tỉnh sẽ gặp nhiều khó khăn.

Bình Dương đang cần tối thiểu 100 trạm y tế lưu động, mỗi trạm cần 1 bác sĩ, 2 điều dưỡng để ứng cứu cho người dân, nhưng đang thiếu nhân lực nên đề nghị Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng và các tỉnh, thành chi viện.

Mai Lan

Nguồn : VNTB, 31/08/2021

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Hồng Ngự, Hoài Nguyễn, Mai Lan
Read 415 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)