Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

01/09/2021

Chung sống với Covid : những điều bất cập

Khải Q. Nguyễn - Hà Thanh Vân

Con virus làm lộ mặt những người Việt xấu xí

Hà Thanh Vân, Vanvn, 29/08/2021

Con virus SARS-CoV-2 có kích thước khoảng 120nm (nano mét), nghĩa là nhỏ đến mức gần như vô hình. Nhưng chính con virus nhỏ chút xíu ấy đã và đang làm thế giới này tan hoang từng ngày theo cách của nó, đồng thời cũng lột tả chân thực thế giới này theo những góc nhìn đa diện, nhiều chiều. Nhiều tấm gương anh hùng, dũng cảm được bộc lộ để cả thế giới ca tụng, trầm trồ, nhiều tấm lòng nhân ái, từ thiện được tỏ bày để cả thế giới khen ngợi và cũng có nhiều gương mặt từ trước luôn nấp sau những vỏ bọc hào nhoáng thì bây giờ không còn gì che chắn nổi.

city2

Tâm lý bầy đàn, tâm lý đám đông đã bị định kiến về sự nguy hiểm của virus SARS-CoV-2.

Con virus SARS-CoV-2 ấy cũng làm cho nhiều, thậm chí rất nhiều người Việt bộc lộ ra tính cách xấu xí của mình. Sự xấu xí ấy được nhìn ấy ở rất nhiều nơi, qua rất nhiều hiện tượng cụ thể. Trong thời gian vừa qua, từ những lúc dịch bệnh còn rải rác, lẻ tẻ, cho đến khi dịch bệnh lên đến cao điểm ở nhiều địa phương, chúng ta đã thấy nhiều cách hành xử xấu xí của người Việt.

Chuyện của năm ngoái

Ở Việt Nam, chỉ mới năm ngoái thôi, chúng ta đã làm rất tốt trong việc đối phó với đại dịch do virus SARS-CoV-2. Song cũng vì thế mà có một số người Việt Nam tự hào, bốc đồng và từ đó đi chê bai các quốc gia khác, hạ thấp các quốc gia khác là không kiểm soát được đại dịch.

Những ngày qua tôi đã đọc, đã thấy nhiều bạn bè, học trò trên Facebook tôi, từ những người chưa đi nước ngoài bao giờ, cả đời chưa đọc một tờ báo tiếng nước ngoài, cho đến những người sống lâu năm ở các nước phương Tây, lên tiếng chê bai, đại loại : "bọn Tây tại sao chủ quan, yếu kém", "bọn Tây bỏ rơi công dân", "bọn Tây thua xa Việt Nam", "chỉ có Việt Nam là nhất", "Hàn Quốc hãy nhìn Việt Nam mà học tập" v.v… Báo chí Việt Nam dường như nhân lúc này liên tiếp đưa những thông tin mang màu sắc ẩn ý kiểu như các chính phủ phương Tây bỏ rơi công dân, coi virus SARS-CoV-2 sẽ như dịch cúm mùa, để công dân mắc bệnh đến 60, 70% dân số, đến một lúc nào đó sẽ tự sinh ra kháng thể. Các Facebooker, nhất là nhiều KOLs của Việt Nam thì đua nhau chia sẻ thông tin kiểu như ở phương Tây chỉ có ai bệnh nặng mới được nhập viện, còn bệnh nhẹ thì tự cách ly ở nhà, người già bị bỏ rơi…

Đọc những bài viết, những bình luận kiểu như vậy tôi rất thất vọng cho nhận thức và tư duy cũng như sự hiểu biết của con người. Những lời nói tâng bốc Việt Nam và đi chê bai các nước khác, chính là khởi nguồn cho sự định kiến giữa các quốc gia và sâu xa hơn nữa là sự phân biệt chủng tộc. Tôi cũng có cảm giác nhiều công dân Việt Nam luôn mặc cảm, tự ti là mình thấp kém hơn các công dân phương Tây và nhân dịp này đã tìm được lý do để mình thể hiện sự hơn hẳn so với các công dân phương Tây. Cảm giác tự hào quá đáng, tự cho là mình ưu việt hơn nhiều quốc gia khác thậm chí đã dẫn đến việc xuất hiện một trào lưu làm thơ và hình thành dòng thơ ca ngợi các lãnh đạo Việt Nam trong việc đối phó với dịch bệnh.

Tôi cũng muốn nói đến sự kỳ thị. Ở đây tôi muốn nói đến sự kỳ thị đối với người Trung Quốc, người Hàn Quốc hay những khách du lịch phương Tây đến Việt Nam vì lo sợ họ mang virus SARS-CoV-2. Năm ngoái một cô bạn của tôi là Giám đốc một công ty du lịch dẫn một đoàn khách là người Việt gốc Hoa sống ở Chợ Lớn đi tham quan ở Đồng bằng sông Cửu Long. Khi đến khu du lịch Cồn Phụng, Bến Tre, đoàn khách du lịch đã bị chặn lại, không cho vào ăn uống, tham quan, dù đã mua vé, chỉ vì nghe họ nói tiếng Hoa với nhau, mặc dù cô bạn của tôi đã giải thích rằng họ không phải là người Trung Quốc. Trên mạng cũng có nhiều câu chuyện kỳ thị khách du lịch Trung Quốc tương tự. Sau đó, khi dịch viêm phổi do virus SARS-CoV-2 bùng nổ ở Hàn Quốc, đến lượt người Hàn Quốc ở Việt Nam bị kỳ thị và sau dó là đến khách du lịch phương Tây. Tôi không cần kể ra những trường hợp kỳ thị như vậy nữa vì các bạn chỉ cần lên Facebook hay báo chí hàng ngày sẽ thấy nhan nhản, chẳng hạn như trường hợp khách du lịch phương Tây bị xua đuổi ở Phong Nha (Quảng Bình).

Những hiện tượng kỳ thị này cho thấy điều gì ?

Thứ nhất, đó là dân trí thấp kém và tâm lý lo sợ bầy đàn. Không phải người nước ngoài nào cũng là người đến từ vùng dịch. Và họ đến từ vùng dịch cũng không có nghĩa họ đều là những người mang virus. Có những người nước ngoài đã sinh sống, làm việc ở Việt Nam lâu năm, nay cũng bị vướng vào sự kỳ thị này. Chúng ta cảnh giác phòng chống dịch, nhưng không có nghĩa là xua đuổi khách du lịch không chút tình người. Năm ngoái nhiều người dân Việt Nam kêu ca lo sợ rằng khách phương Tây không mang khẩu trang và sợ lây nhiễm. Thật ra họ không mang khẩu trang vì theo quan niệm của nhiều cá nhân ở nhiều nước phương Tây, khẩu trang chỉ dành cho nhân viên y tế và những người nhiễm bệnh, còn người khỏe mạnh bình thường thì không cần đeo khẩu trang. Hiện nay ở phương Tây thì quan niệm này đã thay đổi sau nhiều khuyến cáo về y tế là cần đeo khẩu trang để ngăn ngừa dịch bệnh.

Đáng sợ hơn cả là tâm lý bầy đàn của người dân Việt Nam. Chúng ta đã chứng kiến Hà Nội hay Sài Gòn có những thời điểm hàng hóa bị vơ vét sạch trong các siêu thị. Năm ngoái chúng ta đã chứng kiến những cuộc đấu tố trên cõi mạng với các bệnh nhân số 17 hay 34 bằng những lời lẽ kinh tởm nhất, từ miệng những người tưởng chừng như là trí thức nhất. Vậy nên tâm lý bầy đàn kỳ thị người nước ngoài không còn là điều lạ.

Thứ hai, đó là sự ẩn ức tâm lý dân tộc nay được thỏa mãn. Không thiếu những công dân Việt Nam sống trong mặc cảm tự ti mình là công dân hạng hai so với người Hàn Quốc, Nhật Bản, người phương Tây…, cho rằng họ văn minh, giàu có hơn mình. Và hầu hết người Việt Nam đều sống với tâm lý bài xích, căm ghét người Trung Quốc. Chỉ có không nhiều người Việt Nam hiểu rằng chính quyền và nhân dân Trung Quốc là hai thực thể khác nhau, không thể đánh đồng. Nay bỗng nhiên con virus SARS – CoV-2 làm cho nhiều người Việt Nam cảm thấy mình có điều gì đó ưu việt hơn hẳn thế giới bên ngoài, thỏa mãn được lòng tự tôn dân tộc, giải phóng được tâm lý ẩn ức của họ, cho rằng đất nước tao vậy nhưng mà kiểm soát được dịch, còn đất nước chúng mày mang tiếng văn minh giàu mạnh mà tan hoang.

Thứ ba, cũng trong năm ngoái, công tác tuyên truyền phòng chống dịch của Việt Nam còn phiến diện và một chiều. Báo chí hàng ngày đưa những tin về các con số và dịch bệnh bùng phát ở nước nọ nước kia, với ẩn ý đề cao chính sách của Việt Nam. Nhưng có mấy báo chí đưa những bài viết có tính chất phân tích về chính sách phòng chống dịch ở các nước, so sánh với nhau và đưa ra những câu trả lời cho câu hỏi : Tại sao nước này lại làm thế này và nước khác lại làm thế kia ? Từ đó dẫn đến trên mạng xã hội tràn ngập những thông tin chê bai các nước và đề cao chính sách chống dịch của Việt Nam. Tất nhiên không thể phủ nhận rằng chính sách chống dịch của Việt Nam là có hiệu quả và phù hợp với Việt Nam, song không thể đem chính sách của Việt Nam mà áp dụng với các nước khác vì thể chế chính trị, mức sống, điều kiện sống, tâm lý, tính cách dân tộc, văn hóa… khác nhau. Vậy đừng nên chê nước khác và tâng bốc Việt Nam lên tận trời, tự coi Việt Nam là tấm gương. Cái gì chúng ta làm được thì thừa nhận, song không vì thế mà tự hào thái quá và coi thường các nước khác, từ đó dẫn đến việc kỳ thị công dân các nước khác.

Ngoài ra tôi còn muốn nói đến sự kỳ thị giữa người Việt với nhau, cụ thể là sự kỳ thị với những người nhiễm bệnh (những bệnh nhân F0) và những người tiếp xúc theo cách phân chia F1, F2, F3… phải cách ly ở khu tập trung hay tự cách ly ở nhà. Tôi không ngần ngại mà nói thẳng rằng số bạn bè, học trò của tôi là những người thuộc dạng F0, F1, F2, F3… lên đến con số hàng trăm người chứ không ít. Do vậy, tôi được dịp lắng nghe rất nhiều những tâm sự, cũng như chứng kiến tận mắt sự kỳ thị của cộng đồng đối với họ. Có những nơi chính quyền địa phương từ chủ tịch phường đến y tế phường, công an phường đến nhà người dân đang tự cách ly, với thái độ như đến nhà phạm nhân mắc tội. Có những nhà hàng xóm vừa thấy người tự cách ly ra đứng ở cửa, đã lập tức quay số điện thoại gọi công an báo là người tự cách ly đang bỏ trốn. Nhiều người tự cách ly mà đang sống ở chung cư thì cả chung cư nhốn nháo với đủ thứ kiến nghị lên Ban quản lý chung cư, đòi phải đưa đi cách ly tập trung mặc dù công văn của chính quyền địa phương ghi rất rõ là trường hợp này chỉ cần tự cách ly ở nhà. Những câu chuyện bi hài cười ra nước mắt như vậy rất nhiều.

Tại sao lại có sự kỳ thị đó ? Tôi nghĩ đó là tâm lý bầy đàn, tâm lý đám đông đã bị định kiến về sự nguy hiểm của virus SARS-CoV-2. Do vậy, cứ nghe thấy bất cứ ai có dính dáng dù chỉ là một chút đến con virus này, thì đám đông người Việt đều lo sợ và xảy ra hiện tượng kỳ thị. Định kiến đó đến từ những trang thông tin trên mạng mà người Việt đọc hàng ngày, từ những phương tiện truyền thông đại chúng tràn ngập những tin tức tiêu cực về virus SARS-CoV-2 và sự lây lan của nó. Định kiến đó đến từ sự thiếu kỹ năng sống, thiếu tư duy biết phân biệt đúng sai, thiếu hụt một sự giáo dục khai phóng, nhân bản và văn minh.

Tôi cũng muốn nói đến sự căm ghét và phẫn nộ không chính đáng. Ở đây tôi nêu 2 trường hợp cụ thể là bệnh nhân số 17 và 34. Trong năm ngoái, hai người phụ nữ này bị bêu riếu trên mạng xã hội bằng những lời lẽ tàn độc nhất, trong đó, đáng sợ nhất là có rất nhiều người đàn ông, từ trẻ đến già, từ người ít học đến người được mệnh danh là trí thức đều chung những lời chửi mắng. Hình ảnh của họ bị công khai, bị ghép hình châm biếm, sỉ nhục. Đồng ý là họ có lỗi. Nhưng lỗi của họ là gì? Đó là không thông báo kịp thời về tình hình bệnh tật của mình, là khai gian dối về hành trình của mình, làm cho ảnh hưởng đến quá trình khoanh vùng dịch bệnh, tìm ra những người có khả năng bị nhiễm bệnh. Nếu có lên án, thì hãy lên án họ về điều đó. Nhưng rất nhiều công dân Việt Nam không dừng lại ở đó. Họ lên án hai bệnh nhân số 17 và 34 bằng những chuyện hoàn toàn chẳng liên quan gì đến bệnh dịch, mà toàn là những chuyện đời tư cá nhân. Họ đồn đoán bệnh nhân số 17 là bồ nhí của một quan chức đi chung chuyến máy bay, chung khoang thương gia. Họ đồn đoán bệnh nhân 34 là một nữ doanh nhân thích quen biết yêu đương những chàng trai trẻ… và đủ thứ chuyện đời tư khác. Thậm chí họ lôi chuyện tài sản, chuyện giàu có của hai bệnh nhân này ra để chửi rủa, mỉa mai. Suốt những ngày qua, tôi thất vọng khi đọc trên Facebook của nhiều người mà tôi quen biết, những từ ngữ khủng khiếp nói về hai bệnh nhân số 17 và 34, nào là muốn "xé xác con nhỏ mắc dịch ấy", nào là "yêu phụ"… thậm chí với đủ những lời chửi rủa bậy bạ, tục tĩu.

Không biết từ bao giờ, rất nhiều người Việt tự cho mình cái quyền làm quan tòa, cái quyền được áp đặt tội lỗi lên người khác và cái quyền được chửi mắng. Theo luật, bị cáo ra trước tòa còn phải chờ đến phán quyết cuối cùng mới là người có tội, huống hồ đây chỉ là bệnh nhân. Chúng ta có quyền bày tỏ sự bất bình, có quyền lên án trước cái xấu, cái không tốt, cái làm ảnh hưởng đến đời sống của chúng ta. Nhưng phải bày tỏ bằng thái độ văn minh, lịch sự, thẳng thắn, chứ không phải bằng thái độ man rợ kiểu như đấu tố trên mạng. Và những vấn đề thuộc về đời tư cá nhân, hãy để cho những người trong cuộc tự giải quyết với nhau. Bệnh nhân số 34 nếu có bồ bịch thì hãy để chồng con bà ta giải quyết, xử lý. Những kẻ người dưng nước lã đang mắng chửi bà ấy trên mạng thì lấy cái quyền gì mà chửi bới bà ta ngoại tình? Chuyện gia đình bệnh nhân số 17 giàu có cũng là chuyện của gia đình người ta. Gia đình người ta có muốn đóng góp ủng hộ chống dịch bệnh hay không cũng là chuyện riêng của người ta. Thiên hạ là người dưng thì lấy quyền gì mà bắt người ta phải đóng góp?

Đa phần người Việt Nam không hề phân biệt được đâu là ranh giới của chuyện riêng tư cá nhân và đâu là ranh giới của trách nhiệm đối với cộng đồng. Họ thường nhầm lẫn giữa hai thứ. Đặc biệt, họ thường tự cho mình là một người có trách nhiệm đối với cộng đồng và do vậy, họ trở thành một nhà đạo đức học, luôn phát ngôn ra những câu mang tính dạy bảo đạo đức nọ kia, thậm chí nhiều khi quá khích. Tôi cho rằng đấy là một kiểu đạo đức học lỗi thời và giả tạo. Người Việt xấu xí là chính ở tính cách đó, thứ tính cách thích nhảy xổ vào đời từ cá nhân người khác và bươi móc, chỉ trích, dựng chuyện cho thỏa cái tính đạo đức giả của mình.

Tôi cũng muốn nói đến sự nhẹ dạ cả tin và tri thức kém cỏi của người Việt. Năm ngoái, trên các phương tiện truyền thông đại chúng của Việt Nam, nếu để ý thấy thì sẽ có rất nhiều bài viết mang tính chất ngợi ca chính phủ Việt Nam, đồng thời đưa bài về chính sách chống dịch của nhiều chính phủ phương Tây bằng những từ ngữ mà bất cứ ai tinh ý sẽ nhận ra ngay đấy là những lời nói thiếu căn cứ chính xác. Trên mạng xã hội cũng xuất hiện rất nhiều những lời ca ngợi và vô số những bài thơ khen tụng, rồi bài hát phổ từ thơ… Không thiếu những thông tin kiểu như phương Tây chủ trương "miễn dịch cộng đồng", "ưu tiên chữa người trẻ, bỏ mặc người già", "phải trả tiền viện phí", "không cho bệnh nhân nhập viện"… Từ đó những lời ca ngợi Việt Nam vút lên cao, nghe rất "ngạo nghễ".

Thẳng thắn mà nói, tôi cho rằng ờ thời điểm năm ngoái, chính sách phòng ngừa và đối phó với dịch của Việt Nam đã khá thành công. Song không vì thế mà chúng ta tự hào cho rằng Việt Nam là vô địch, rằng chỉ có Việt Nam là thành công và các nước khác là tan hoang hết. Bất cứ chính phủ nào cũng có chính sách đối phó với dịch theo những cách khác nhau, tùy vào mức sống, nền kinh tế, văn hóa, phong tục tập quán, tính cách, tâm lý dân tộc, luật pháp, đời sống chính trị, môi trường… của nước đó. Chính phủ nào cũng lo cho dân và vì nhân dân, chứ không có chuyện chính phủ bỏ rơi công dân của mình. Ngay cả chính sách y tế của từng nước cũng khác nhau, tùy thuộc vào điều kiện y tế của từng nước.

Trong năm ngoái có một bài viết được chia sẻ với tốc độ chóng mặt. Đó là bài viết "Câu chuyện của hành khách trên chuyến bay cuối cùng rời khỏi Châu Âu: Điều quan trọng nhất không phải là bị nhiễm Covid-19 hay không, mà là có về được Việt Nam hay không!" đăng trên "Trí thức trẻ". Đọc xong bài này, tôi thật sự khâm phục trí tưởng tượng của người viết bài. Chẳng hạn như một đoạn: "Một hàng dài những người Châu Âu tìm cách đến Việt Nam tránh nạn. Họ đã đặt vé của Vietnam Airlines nhưng bị từ chối xuất vé vì chỉ những ai có hộ chiếu hoặc thẻ cư trú tại Việt Nam mới có thể lên những chuyến bay này. Tuy nhiên, nếu không có hộ chiếu Việt Nam nhưng là người Việt, nói tiếng Việt thì họ cũng cho lên. Trong 18 người trên chuyến bay thì 17 người là người Việt, người còn lại không phải người Việt nhưng bằng cách nào đó vẫn được lên". Đọc đến đoạn này tôi phải gọi điện thoại đến cho bạn tôi làm ở Vietnam Airlines hỏi lại rằng ngày 16.3.2020 có phải Vietnam Airlines làm như vậy không? Bạn tôi bảo làm gì có chuyện đó. Ngay cái chi tiết "bị từ chối xuất vé" là đã thấy bịa đặt rồi. Tác giả bài viết này chắc chưa bao giờ đi máy bay vì khi đặt mua vé là vé đã xuất rồi, vào sân bay chỉ làm thủ tục check in ở quầy hoặc có thể check in online hay tự check in ở máy. Lại chuyện "không có hộ chiếu nhưng là người Việt, nói tiếng Việt thì cũng được cho lên". Tác giả viết bài này chắc cũng chưa bao giờ xuất cảnh đi nước ngoài nên không biết hộ chiếu dùng để làm gì. Không có hộ chiếu mà qua được cả cửa check in và hải quan xuất cảnh ở sân bay thì quả là thần kỳ!

Câu này trong bài báo thì sặc mùi phân biệt và kích động: "Điều quan trọng nhất bây giờ không phải là có bị nhiễm covid hay không, mà là có về được Việt Nam hay không! Kể cả nếu dương tính thì ngay lập tức được theo dõi chữa trị, còn ở lại Châu Âu thì sẽ bị trả về nhà tự đương đầu với bệnh tật." Người viết bài này chắc chắn cũng chưa từng được đọc và được tận mắt chứng kiến hệ thống y tế của một quốc gia phương Tây.

Hiện nay có hơn 4 triệu Việt kiều sống ở nước ngoài. Ngoài ra còn các du học sinh và những người đi xuất khẩu lao động, những người nhập cư bất hợp pháp. Những ngày qua báo chí đăng hàng nghìn Việt kiều về Việt Nam tránh dịch, nhưng chủ yếu vẫn là những du học sinh, người đi xuất khẩu lao động nay thất nghiệp vì dịch cúm do virus SARS-CoV-2 và người lao động tự do, chủ yếu là kinh doanh buôn bán. Con số này rất nhỏ so với hơn 4 triệu Việt kiều ở nước ngoài. Do vậy không thể vơ đũa cả nắm nói là Việt kiều ào ạt đổ vể quê nhà trách dịch được. Tôi có bạn bè và người thân ở nước ngoài rất nhiều, nhiều nhất là ở Châu Âu và Bắc Mỹ, cả người gốc Việt và người nước ngoài. Chẳng thấy ai nói chuyện về quê nhà Việt Nam tránh dịch cả. Ai cũng bảo là ở lại nước đang định cư thì yên tâm hơn vì có một nền y tế tiên tiến hơn và chính sách phúc lợi xã hội tốt hơn, chính phủ cũng có nhiều chính sách hỗ trợ hơn trong trường hợp thất nghiệp. Cũng chẳng có người bạn phương Tây nào ngỏ ý với tôi là muốn đến Việt Nam tránh dịch.

Sự kỳ thị và niềm tự hào thái quá xét cho cùng là điều không thể tránh khỏi cho dù bây giờ đã là thời đại của toàn cầu hóa, bởi vì sự kỳ thị nằm ở những xó tâm lý tăm tối nhất của con người. Sự kỳ thị thật ra có thể giúp con người tránh khỏi một căn bệnh nhiễm virus nguy hiểm đến tính mạng. Sự kỳ thị có thể giúp con người tránh khỏi nỗi phiền toái bị cách ly. Đó là giả sử trong trường hợp họ tiếp xúc với người có bệnh. Chỉ là sự kỳ thị sẽ làm cho chân dung của con người xấu xí đi và nói rộng ra là chân dung của một dân tộc xấu xí đi. Thiệt hại tinh thần ấy thì khó có gì bù đắp nổi.

Chuyện của năm nay

Năm nay dịch bệnh bùng lên căng thẳng, buộc rất nhiều địa phương phải oằn mình chống dịch. Cũng từ đó bên cạnh những câu chuyện ấm lòng, lại có những chuyện làm cho người ta phải… buồn lòng.

Đó là chuyện vẫn có những người tìm cách trốn khỏi khu cách ly. Họ không hề biết rằng hành vi của mình có thể nguy hiểm cho chính bản thân và gây nguy hại cho cộng đồng. Truyền thông báo chí cứ vài ngày lại đăng tin có người trốn khỏi bệnh viện, hay trốn khỏi khu cách ly. Họ thuộc mọi lứa tuổi, tầng lớp, có cả nam và nữ. Rồi những hành vi như ra đường không có lý do, vượt qua các hàng rào chắn để đi… mua đồ, đi tập thể dục, ra đường không đeo khẩu trang, không giữ đúng khoảng cách an toàn, cãi nhau với các lực lượng chức năng cũng xảy ra nhan nhản ở khắp mọi nơi. Chúng ta có thể thấy những chân dung người Việt xấu xí ấy qua rất nhiều hình ảnh, clip được chia sẻ khắp trên mạng xã hội.

Mùa dịch bệnh này cũng là dịp để những tấm lòng từ thiện đến với những người cần giúp đỡ. Chúng ta đã chứng kiến rất nhiều những hoạt động có ích đến với những người nghèo, những người mắc bệnh. Nhưng luôn có những con sâu làm rầu nồi canh, tìm cách trục lợi từ những tấm lòng nhân ái. Trong các nhóm hỗ trợ lập ra trên Facebook, Zalo… luôn có những lời than phiền về những trường hợp xin xỏ quá nhiều lần, lạm dụng lòng tốt của mọi người, cho dù bản thân không thật sự khó khăn hay là đã có đủ sự cứu trợ cần thiết. Gần đây nhất là chuyện doanh nhân Hoàng Tuấn Anh, cha đẻ của "ATM gạo" và sau này là sáng kiến lập trạm trao đổi bình oxy miễn phí. Vừa rồi chính anh Hoàng Tuấn Anh đã phải kêu cứu trên báo "Dân trí" vì tình trạng nhiều trường hợp không hoàn trả bình sau khi sử dụng. Chương trình hỗ trợ có 1500 bình oxy miễn phí nhưng hiện nay có đến 1000 bình sau khi cho mượn thì không được trả lại. Anh Hoàng Tuấn Anh cho biết: "Nếu người dân không trả lại, thêm bao nhiêu bình cũng không đủ". Lẽ nào sau khi bản thân mình đã an toàn, lại có những người nỡ lòng tước đi cơ hội được sống, được khỏi bệnh của những người khác?

Cũng đánh vào tấm lòng trắc ẩn, thương cảm của con người thời đại dịch, chúng ta thấy có nhiều tin giả phát tán. Gần đây nhất là tin giả của người tự xưng là "bác sĩ Khoa" dựng chuyện rút máy thở của cha mẹ để nhường cho sản phụ. Tin giả này đã lấy được nước mắt của biết bao người nhẹ dạ, cả tin. Đằng sau vụ phát tán tin giả này, rất nhiều dấu hiệu cho thấy đây là sự lừa đảo nhằm trục lợi của một nhóm người có tổ chức bài bản. Rồi xung quanh những câu chuyện hỗ trợ của những đội ngũ sinh viên trường Y Hải Dương, những chuyện lực lượng chức năng từ các vùng miền đến Sài Gòn tham gia vào công tác chống dịch cũng gây ra nhiều tranh cãi, ý kiến đóng góp tích cực rất nhiều, nhưng cũng không ít những ý kiến, những câu chuyện cười, những tấm ảnh chế mang tính chất kích động, phân biệt, gây chia rẽ vùng miền. Giữa lúc dịch bệnh căng thẳng như thế này, nhất là ở những tỉnh phía Nam, liệu những tranh cãi vô bổ, liên miên không dứt, gây mất đoàn kết ấy có giúp gì được cho việc chống dịch không, hay chỉ làm cho lòng dân thêm mệt mỏi, chán nản, hoang mang?

Đặc biệt trong lúc việc chích ngừa vaccine đang là tình trạng cấp bách, từ nhiều nơi trong cả nước, nhất là ở Hà Nội và Sài Gòn đã xảy ra tình trạng lợi dụng mối quan hệ cũng như xuất hiện những đường dây dịch vụ để chạy chích ngừa vaccine. Câu chuyện về cô gái ở Hà Nội nhờ vả "ông ngoại" để chích ngừa thậm chí không chỉ làm ồn ào dư luận báo chí và mạng xã hội, mà còn đi vào trong ca dao dân gian mới :

Đèo cao thì mặc đèo cao

Em nhờ ông ngoại được vào tiêm ngay.

Tại Sài Gòn, công an mới thông báo phá một đường dây chạy tiêm ngừa vaccine để thu lợi bất chính với giá từ 2 đến 4 triệu đồng một người. Và có lẽ trong thời gian tới, chúng ta sẽ còn được đọc, được nghe về những vụ việc cụ thể cho thấy rằng dịch bệnh chính là một dịp để không ít người Việt lộ rõ chân dung xấu xí của mình.

Nhìn lại, con virus SARS-CoV-2 đã bóc trần nhiều mặt xấu xí trong tính cách và tâm lý của nhiều người Việt Nam! Trong yên ấm, hạnh phúc, con người không dễ bộc lộ những tính cách xấu, nhưng trong bất hạnh, đau khổ, chúng ta có dịp nhận ra những mặt chưa được của con người. Tất nhiên cuộc sống không bao giờ là hoàn hảo và cũng chẳng có ai là hoàn hảo trên đời. Nhưng xét cho cùng, hướng đến những điều tốt đẹp luôn là sự mong muốn của con người, thay vì phải đau lòng chứng kiến những điều xấu xí, nhất là trong đại dịch.

Hà Thanh Vân

Nguồn: Vanvn, 29/08/2021

**********************

Thành phố chết

Khải Q. Nguyễn, Khánh An, VNTB, 01/09/2021

Khi tôi thức dậy vào buổi sáng và mở cửa sổ, một suy nghĩ chợt lóe lên trong đầu tôi rằng những gì tôi nhìn thấy bên ngoài hoàn toàn không có thực mà là một cơn ác mộng. Vài giây sau, khi tôi nhìn thấy thành phố của mình — vắng vẻ, bị bỏ hoang, không thể nhận ra — cơn ác mộng là hiện thực. Thành phố không bao giờ ngủ đã trở thành một thị trấn ma.

city1

Thành phố không bao giờ ngủ đã trở thành một thị trấn ma.

Tôi nghe thấy tiếng còi inh ỏi trên đường phố. Tôi đọc báo viết về những người chết, nhiều người chết ở nhà và không có bất kỳ sự chăm sóc hoặc hỗ trợ y tế nào. Hàng nghìn người đang chạy trốn khỏi thành phố từng sôi động nhất Việt Nam. Hàng triệu người mất việc làm và hiện đang phải vật lộn để có những bữa ăn từng bữa.

Trước đại dịch, ở thành phố đông dân nhất Việt Nam, bạn có thể ăn bất cứ thứ gì mình muốn bất cứ lúc nào. Quán ăn, nhà hàng, quán bar và quán nhậu ở khắp mọi nơi. Món ăn và đồ uống từ khắp nơi trên thế giới đều có : Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Pháp, Ý, Tây Ban Nha, Hy Lạp, Trung Đông, Mỹ Latinh. Mì bún các loại, bánh mì, đồ ăn nhẹ, trà sữa, cà phê chỉ ngay đó. Đường phố đông đúc người, và người nước ngoài thường giật mình và sợ hãi kẹt xe dù đó là chuyện hàng ngày đối với chúng tôi. Người ta ăn uống, hát hò, cười đùa và làm việc suốt ngày đêm. Hàng xóm tôi thổi saxophone đến tiếng người nói chuyện len vào khắp căn hộ chung cư của tôi. Hòn ngọc viễn đông không bao giờ ngủ. Nay đó chỉ là một hoài niệm. Tiếng ồn và đám đông mà chúng tôi thỉnh thoảng phàn nàn đã biến mất và sự im lặng ngự trị khi Thành phố Hồ Chí Minh đang chịu cuộc khủng hoảng sức khỏe tồi tệ nhất gần đây.

Đã một năm qua từ khi tôi từ Châu Âu về. Khi đó Châu Âu là điểm nóng của đại dịch. Sau tám tháng sống trong cảnh cách ly và nhốt ở Tây Ban Nha, được trở lại Việt Nam là điều tôi hằng mong mỏi. Mọi thứ vẫn giống như khi tôi rời khỏi đất nước hai năm trước đó. Mọi thứ dường như bình thường. Đôi khi chúng tôi nghe nói về một người nào đó bị nhiễm vi-rút, điều này đã trở thành tin tức quốc gia. Họ đánh số cho mọi bệnh nhân ; bệnh nhân số 2.000, chẳng hạn. Nhưng chúng tôi tiếp tục đi bar và quán nhậu, tụ tập đông người, tiệc tùng, đi làm, như thể Covid-19 không phải là điều đáng sợ. Nhiều người trong chúng tôi nghĩ rằng covid không bao giờ thực sự có thể ảnh hưởng chúng tôi như những nơi khác trên thế giới. Chúng tôi đã sống trong một thiên đường không Covid. Hàng nghìn người Việt Nam sinh sống ở nước ngoài lũ lượt về quê.

Khi Covid-19 cuối cùng xuất hiện, dịch bùng phát nặng. Như tôi viết, số ca nhiễm trên toàn quốc là 336.654. Riêng tại Thành phố Hồ Chí Minh, con số đó là 171.801. Cả nước đã có 7.540 người chết, Thành phố Hồ Chí Minh có 5.939 người tử vong. Một số ý kiến cho rằng con số này có thể còn cao hơn vì nhiều người chết tại nhà sẽ không được tính là tử vong do Covid-19. Hàng trăm người chết mỗi ngày, họ không được nhập viện vì không có đủ giường. Hệ thống y tế đang sụp đổ. Nhân viên y tế kiệt sức. Những người quanh tôi đang tuyệt vọng, bực tức, chán nản, vô vọng và tức giận.

Việt Nam, một cường quốc nông nghiệp xuất khẩu sản phẩm đến mọi nơi trên thế giới, đang phải vất vả nuôi sống người dân của mình. Chính phủ đã cố trấn an người dân bằng cách lặp đi lặp lại rằng nguồn cung cấp thực phẩm được đảm bảo, không ai bị đói. Điều này không hẳn đúng. Trong các siêu thị tôi đã ghé thăm, nhiều kệ hàng trống trơn. Có lần tôi phải đi ba siêu thị để tìm mua trứng. Ở thủ đô miền Nam, mua một quả trứng còn khó.

Cuộc khủng hoảng hiện nay cho thấy sự bất tài và vô nhân đạo của nhiều quan chức chính phủ. Khi số ca nhiễm bắt đầu tăng vào tháng 5, chính quyền địa phương muốn áp dụng Chỉ thị 16, lệnh cấm nghiêm ngặt nhất nhằm hạn chế tất cả các hoạt động không thiết yếu, nhưng chính quyền trung ương ở Hà Nội không cho cấm. Mục đích ? Vì Thành phố Hồ Chí Minh là trụ cột của đất nước. Thành phố và khu vực đô thị lân cận như các tỉnh Bình Dương và Đồng Nai, chiếm gần 40% tổng sản phẩm trong nước. Hà Nội không muốn đánh đổi số tiền đó, ngay cả khi họ sẽ (và đã) khiến hàng triệu sinh mạng gặp nguy cơ. Bây giờ họ đang thất bại cả hai, tính mạng lẫn tiền bạc.

Hơn nữa, cách thức chính quyền trung ương và địa phương đang xử lý khủng hoảng cho thấy một khuôn mẫu thiếu nhất quán và ngu ngốc. Ví dụ, nhà chức trách coi băng vệ sinh là không phải hàng thiết yếu và do đó cấm vận chuyển giữa các huyện ; người cao tuổi có được hẹn tiêm chủng không thể đến vì công an không muốn để cho người ta đi ra ngoài. Người dân bị phạt nếu đi siêu thị mà không có ‘thẻ’ đi chợ, vậy mà ở quận tôi sống, cán bộ không phát thẻ cho chúng tôi.

Chính phủ cho biết đã dành hàng nghìn tỷ đồng cho cái mà họ gọi là ‘hỗ trợ khẩn cấp’, nhằm giúp đỡ những người lao động có thu nhập thấp và các doanh nghiệp nhỏ. Tuy nhiên, từ những gì tôi quan sát được, rất ít người có thể tiếp cận hỗ trợ hoặc do số lượng thủ tục giấy tờ liên quan hoặc hệ thống quan liêu nổi tiếng là kém hiệu quả. Người phụ nữ lao công đã từng giúp chúng tôi bốn giờ một tuần nói với chúng tôi qua điện thoại rằng cô đã nộp đơn xin hỗ trợ hai lần vì không thể đi làm, nhưng cô không nhận được bất cứ thứ gì. Cô không phải là trường hợp ngoại lệ ; hàng triệu người đang ở trong cùng tình trạng.

Khi đang viết điều này, tôi đang sống trong chấn thương và trầm cảm một lần nữa. Những cảm giác hụt hẫng và tuyệt vọng đó lại quay trở lại khi tôi nhìn thấy hàng ngàn người, bị mất việc làm và thu nhập, đang rời thành phố Hồ Chí Minh trở về quê, để có nơi ăn ở, và nương tựa trong vòng tay của gia đình và họ hàng.

Đồng thời, tôi cũng nghe về nhiều người trẻ tuổi nhận được các mũi tiêm vắc-xin mà họ không được hưởng. Những người trẻ tuổi đó cũng khá giả. Họ có thể ở nhà thoải mái và có thể làm việc tại nhà. Tôi đã đọc chuyện một phụ nữ trẻ, giàu có và khỏe mạnh lại được mũi tiêm Pfizer chỉ vì cha cô là giáo sư tại Học viện Quân y. Rõ ràng, nhân viên y tế đã tiêm cho cô đã bị trừng kỷ luật vì tuân theo lệnh của cấp trên. Một người bạn làm báo ở Hà Nội cho tôi biết một số trung tâm tiêm chủng đang bán ‘riêng’ một liều vắc xin Moderna với giá 5 triệu đồng (khoảng 220 USD). Tôi có một người bạn, một chủ nhà cho thuê giàu có đã được tiêm ngùa chỉ vì cha cô từng làm việc ở thành ủy.

Trong khi đó, nhiều tình nguyện viên tuyến đầu không được tiêm chủng. Người dân đang chết, người bệnh không được điều trị thích hợp : người gặp khó khăn mà không nhận được sự giúp đỡ mà chính phủ đã hứa ; người tay làm hàm nhai không thể sống sót nếu không đi làm. Những câu chuyện đau lòng hiện diện ở khắp mọi nơi.

Trong thời điểm ảm đạm này, trong khi chính phủ thất bại, tôi tìm thấy hy vọng vào những gì những người bình thường xung quanh tôi đang làm để giúp đỡ lẫn nhau. Người ta chia sẻ thức ăn trong tủ lạnh với những người có nhu cầu, hoặc cung cấp tiền, thuốc men, máy tạo oxy, hỗ trợ sức khỏe tâm thần. Những người khá giả đang làm những điều tuyệt vời để giúp đỡ người khác, chẳng hạn như đưa người ốm đến bệnh viện khi đường dây nóng quá tải. Họ giúp cung cấp nước và thuốc cũng như các mặt hàng thiết yếu như gạo, trứng và rau. Người dân chia sẻ trên mạng những mẹo nhỏ giúp bệnh nhân nhẹ có thể tự chăm sóc tại nhà. Họ quan tâm đến đồng hương và phụ nữ và làm tất cả để giúp đỡ nhau. Đó là thứ mang lại cho tôi và nhiều người khác hy vọng rằng chúng ta sẽ nhìn thấy ánh sáng cuối đường hầm. Người Việt có câu : Quan nhất thời, dân vạn đại.

Khai Q. Nguyen

Nguyên tác : "Dead city", Mekong Review , 28/08/2021

Khánh An dịch

Nguồn: VNTB, 01/09/2021

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Khải Q. Nguyễn, Hà Thanh Vân
Read 540 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)