Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Cách đây ba hôm, ngày 8/7/2024 quân đội Nga đã tấn công vào nhiều thành phố lớn của Ukraine bằng lên lửa hành trình với qui mô lớn chưa từng có. Tại thủ đô Kyiv, bệnh viện nhi lớn nhất Ukraine ‘Okhmadyt’ đã bị sập một phần vì trúng tên lửa hành trình Kh-101. Tên lửa này mang theo nửa tấn thuốc nổ. Kết quả là đã có hơn 40 người thiệt mạng (trong đó có cả trẻ em) và 200 người bị thương.

Cả thế giới bàng hoàng, thương xót trước sự mất mát rất lớn của người dân Ukraine và nổi giận trước hành động điên loạn của Putin và quân đội Nga khi tấn công và giết hại dân trường và trẻ em. Tên phát xít Putin và giới lãnh đạo quân đội Nga chắc chắn sẽ bị trừng phạt đích đáng. Luật pháp quốc tế sẽ không để yên cho Putin. Tuy nhiên làm thế nào để bắt giữ và trừng phạt Putin lại là chuyện không dễ dàng.

Vụ khủng bố đẫm máu của Putin vào Ukraine nhằm mục đích gì? Có phải để người dân Ukraine hoảng loạn để rồi gây sức ép lên chính quyền Zelensky chấp nhận mất đất đổi lấy hòa bình hay không? Chắc chắn là không. Những người Ukraine sợ chiến tranh và bom đạn đã lánh nạn ở các nước thuộc Liên Hiệp Châu Âu (EU), những người ở lại Ukraine đến giờ này chắc chắn không còn sợ chiến tranh nữa. Putin càng khủng bố thì họ càng đoàn kết và quyết tâm đánh bại quân đội Nga trên chiến trường. Sự kiên định của chính quyền Ukraine và sự ủng hộ của thế giới đối với Ukraine vẫn không hề thay đổi và nếu có thì chỉ ngày càng mạnh mẽ hơn.

Ngay khi Putin ra lệnh tấn công Ukraine hôm 24/2/2022 thì quân đội Nga đã tấn công ồ ạt vào các khu vực dân sự với mục đích tạo ra một cuộc tháo chạy hỗn loạn của người dân Ukraine vào EU để gây bất ổn cho quân đội Ukraine cũng như các nước tiếp nhận người Ukraine lánh nạn. Mục tiêu này của Putin hoàn toàn thất bại vì EU đã có sự chuẩn bị. Gần 10 triệu người Ukraine lánh nạn chiến tranh đã được đón tiếp rất chu đáo và không hề gây ra bất cứ sự hỗn loạn nào tại các nước thuộc EU. Cho đến nay EU vẫn tiếp tục đón nhận người Ukraine lánh nạn chiến tranh thậm chí ngay cả người nước ngoài có thẻ định cư tại Ukraine (như người Việt Nam) vẫn được tiếp nhận bình thường tại Đức.

Vậy các cuộc khủng bố của Putin vào dân thường và hậu phương Ukraine nói lên điều gì ? Theo chúng tôi điều đó đã chứng tỏ sự tuyệt vọng của quân đội Nga trên chiến trường. Càng tuyệt vọng thì Putin càng nổi điên. Ăn không được thì đạp đổ. Không thắng được ở chiến trường thì quay sang giết dân và khủng bố. Đã gần hai năm rưỡi trôi qua mà quân đội Nga vẫn không chiếm được thành phố quan trọng nào của Ukraine. Chỉ duy nhất thành phố Kherson bị Nga chiếm được do sự phản bội của lực lượng an ninh địa phương nhưng rồi Nga cũng phải tháo chạy khỏi thành phố này sang bên kia sông. Trong 6 tháng cuối năm 2023 mặc dù Ukraine đã không thành công trong chiến dịch phản công (vì bị Mỹ dừng viện trợ quân sự) nhưng quân đội Nga vẫn không tiến lên được bao nhiêu. Theo phía Ukraine thì gần 600.000 lính Nga đã chết và bị thương. Trong những trận giao tranh gần đây tại Kharkiv thì mỗi ngày Nga mất hơn 1000 lính. Putin mới đây đã đến Bắc Triều Tiên để đàm phán với lãnh đạo Kim Jong Un để nhận được 20.000 lính. Putin cũng đến Việt Nam sau đó, mục đích chính cũng có thể là tuyển dụng công nhân Việt Nam để lấp vào chỗ những người Nga bị bắt đẩy ra tiền tuyến.

Dù có cố gắng đến đâu đi nữa thì Putin cũng ngày càng tuyệt vọng. Một mình nước Nga với GDP khoảng 1,2-1,4% GDP của thế giới thì không thể nào đương đầu với các nước dân chủ với GDP chiếm hơn 65%. Cuộc chiến càng kéo dài chừng nào thì sự sụp đổ không gượng dậy được của Nga càng lớn chừng đó. Nước Nga sẽ tan rã và chính Putin là người đặt dấu chấm hết cho đế quốc Nga. Sau cuộc chiến này các nước nhỏ trong liên bang Nga sẽ tách ra thành nhiều quốc gia độc lập. Nước Nga chỉ còn là một nước trung bình trên thế giới và không còn là mối đe dọa cho bất cứ ai. Nếu Nga trở thành một nước dân chủ thì có thể Nga phải hủy bỏ hoàn toàn kho vũ khí hạt nhân để đổi lấy quan hệ bình thường với thế giới.

Ukraine dù bị tàn phá đến đâu đi nữa thì cũng có thể xây dựng lại đất nước to đẹp hơn với sự hỗ trợ của cả thế giới và nhất là tiền bồi thường thiệt hại chiến tranh từ Nga. Mỹ và EU đang phong tỏa hơn 300 tỉ USD của Nga và số tiền này sẽ dùng để bồi thường chiến tranh cho Ukraine. Trong thời gian sắp tới Ukraine sẽ được gia nhập EU, đây chỉ là một thủ tục vì đường nào người Ukraine cũng đã và đang được đi lại, sinh sống và làm việc tự do tại các nước EU. Việc Ukraine gia nhập NATO phải chờ cho đến sau khi chiến tranh kết thúc vì nếu kết nạp Ukraine lúc này thì đồng nghĩa với việc toàn bộ 32 nước thành viên của NATO phải nhảy vào tham chiến trực tiếp chống lại Nga, đây là điều không ai muốn.

Sở dĩ Ukraine vẫn đứng vững trước một kẻ thù mạnh và hung bạo như Putin là nhờ có dân chủ. Dân chủ không gây ra hỗn loạn mà ngược lại dân chủ giúp cho người dân Ukraine đoàn kết và quyết tâm hơn bao giờ hết. Họ hiểu họ đang chiến đấu cho ai và vì cái gì. Nếu Ukraine là một nước độc tài thì có lẽ đã bị tan rã sau khi chiến tranh xảy ra chỉ vài ngày.

huydiet2

Dân chủ không gây ra hỗn loạn mà ngược lại dân chủ giúp cho người dân Ukraine đoàn kết và quyết tâm hơn bao giờ hết. Ảnh: Người dân Ukraine chung tay dọn dẹp và tìm kiếm những người bị vùi lấp trong bệnh viện nhi Okhmadyt tại Kyiv bị Nga đánh bom hôm 8/7/24.

Ảnh hưởng của cuộc chiến này đối với Việt Nam như thế nào?

Có hai khuynh hướng, một bên ủng hộ Ukraine và một bên ủng hộ Putin và nước Nga. Những người ủng hộ Ukraine đương nhiên là những người yêu dân chủ, tôn trọng lẽ phải và sự thật. Những người luôn đứng về kẻ yếu bị áp bức và chịu nhiều bất công.

Những ai ủng hộ Nga và Putin? Có hai trường hợp.

Thứ nhất và Đảng cộng sản Việt Nam và đội quân dư luận viên của đảng. Đảng cộng sản Việt Nam ủng hộ Putin là điều đương nhiên. ‘Ngưu tầm ngưu mã tầm mã’, ‘mèo mả’ thì phải đi với ‘gà đồng’. Người Việt Nam vẫn xem nhẹ tầm quan trọng của tư tưởng mà không biết rằng tư tưởng luôn luôn quyết định cho mọi hành động. Dù là cá nhân hay chính quyền cũng đều thế cả. Đảng cộng sản Việt Nam bắt tay làm ăn với Mỹ và các nước dân chủ chỉ để kiếm tiền chứ tâm hồn họ luôn hướng về những người đồng chí anh em như Trung Quốc, Nga, Cuba, Bắc Triều Tiên…

Hẳn nhiều người còn nhớ bức ảnh tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng bắt tay tiễn lãnh đạo Kim Jong Un đã ngồi trong xe. Hình ảnh nhìn rất cảm động, chân tình vì nó xuất phát từ tâm hồn và trái tim. Trong khi đó các cuộc gặp gỡ của lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam với các nguyên thủ các nước dân chủ thì dù cố tỏ ra chân thành nhưng vẫn thấy gượng gạo vì họ không thấy thoải mái, họ hiểu trong đầu những ông nguyên thủ các nước dân chủ đang nghĩ gì về họ. 

huydiet3

Tư tưởng luôn quyết định cho mọi hành động. Những người cộng sản Việt Nam chỉ thấy an toàn và thoải mái khi đứng bên cạnh các đồng chí của mình.

Trường hợp thứ hai luôn ủng hộ Putin và Nga là những người bị ảnh hưởng nặng nề bởi văn hóa Khổng giáo. Không thể nói họ là thiếu kiến thức vì nhiều người trong số họ là giảng viên đại học, bác sĩ, tiến sĩ…Họ thừa khả năng để đọc các tài liệu trong nước và thế giới để biết đâu là sự thật. Thật ra sâu thẳm trong tâm hồn họ biết Putin sai và Ukraine là đúng nhưng bản năng thôi thúc họ nói khác, nghĩ khác. Văn hóa Khổng giáo luôn đặt quyền lợi nhỏ mọn trước mắt lên trên hết. Họ cho rằng Ukraine dại nên mới chống Nga mà chống Nga thì chỉ có chết…Thật ra Ukraine đâu có chống Nga mà họ chỉ muốn chơi với các nước EU văn minh và nhân bản và đó là quyền của họ. Việc Ukraine tìm mọi cách để được vào NATO không phải để chống Nga mà chỉ để bảo vệ mình. Xưa nay chỉ có các nước lớn mới hay làm càn làm bậy chứ nước bé đâu có khả năng và ham muốn đó.

Văn khóa Khổng giáo rất độc hại khi xem thường và chà đạp những kẻ yếu thế nhưng lại a dua và hùa theo kẻ mạnh. Với họ phò kẻ mạnh là khôn ngoan. Họ không có khái niệm đứng về phía lẽ phải hay bảo vệ cái đúng. Họ chỉ biết đến quyền lợi của họ. Thái độ bạc nhược của Đảng cộng sản Việt Nam và không ít người Việt trước Trung Quốc cũng là vì thế. Theo họ thì Trung Quốc giờ quá mạnh nên không thể chống lại, nên nhường nhịn để được yên thân. Thế nhưng cũng chính Đảng cộng sản Việt Nam trước đây đã ‘chống Mỹ’ một cách điên cuồng với khẩu hiệu ‘còn cái lai quần cũng đánh’ dù rằng Mỹ cũng rất mạnh. Cũng vì chỉ biết nghĩ đến quyền lợi của mình mà không hề nghĩ đến quyền lợi của dân tộc nên Đảng cộng sản Việt Nam đã gây ra một cuộc nội chiến đẫm máu làm chết 5-6 triệu đồng bào.

Một câu hỏi nhức nhối đặt ra cho mỗi người Việt Nam là vì sao đất nước lại ra nông nổi như ngày hôm nay? Có phải chỉ mỗi Đảng cộng sản là có lỗi? Câu trả lời là không hoàn toàn như vậy. Sở dĩ năm 1945 Đảng cộng sản cướp được chính quyền và đưa đất nước vào đêm đen của chủ nghĩa cộng sản vì trí thức khi đó đã không chịu đảm nhiệm vai trò lãnh đạo và hướng dẫn quần chúng. Bao nhiêu trí thức khi đó đã chìm đắm trong thơ ca và nhạc trữ tình thay vì tìm hiểu xem Đảng cộng sản là cái gì, tình hình thế giới sau thế chiến Hai sẽ ra sao?...

Nước Nga cũng không khác Việt Nam bao nhiêu về chính trị nhưng khác Việt Nam ở chỗ nước Nga rất giàu tài nguyên khoáng sản trên một vùng đất bao la trải dài từ Âu sang Á. Nước Nga cũng có nhiều nhân tài và bác học nhưng bất hạnh cho nước Nga là đã không có một nhà tư tưởng chính trị nào. Chính vì không có các nhà tư tưởng chính trị nên nước Nga đã không có một tầng lớp trí thức chính trị thực sự. Khi Liên Bang Xô Viết sụp đổ năm 1991, nước Nga đã thất bại trong việc trong việc chuyển hóa về dân chủ vì không có bất cứ tổ chức chính trị dân chủ nào có dự án chính trị hay một tư tưởng chính trị. Nước Nga nhanh chóng rơi vào tay một nhà độc tài hoang tưởng là Putin. Sau 24 năm cầm quyền ‘toàn diện và tuyệt đối’ Putin đang dần dần hủy diệt nước Nga.

Việt Nam là một nước nhỏ và nghèo hơn nước Nga rất nhiều lần nên nguy cơ tan rã cũng rất cao. Với việc Tô Lâm trở thành người lãnh đạo có quyền lực nhất tại Việt Nam thì có thể thấy được Việt Nam sẽ đi theo vết xe đổ của nước Nga.

Tuy nhiên Việt Nam may mắn hơn nước Nga là đã có được một tổ chức chính trị dân chủ thực sự đó là Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên với một dự án chính trị đầy đủ và rõ ràng để đánh bại độc tài và xây dựng dân chủ cho Việt Nam.

Lần đầu tiên trong lịch sử, Việt Nam có một tổ chức dân chủ được xây dựng dựa trên nền tảng những giá trị tiến bộ của nhân loại, đó chính là bản Tuyên ngôn Phổ cập về Quyền con người của Liên Hợp Quốc.

Đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử người Việt Nam được một tổ chức chính trị thuyết phục và đề nghị về một lộ trình thiết lập dân chủ thay vì khuất phục và áp đặt.

Sự ngỡ ngàng và nghi ngại là điều đương nhiên. Chúng tôi ý thức được điều đó nên sẽ cố gắng kiên nhẫn và bao dung trong việc giới thiệu dự án chính trị của tổ chức mình đến với đồng bào Việt Nam.

Việt Hoàng

(11/7/2024)

Published in Quan điểm

Quyết định không đến Thượng đỉnh BRICS của Putin cho thấy, vị thế và vai trò của Nga đã giảm sút một cách thảm hại. Cùng đó là vai trò luật pháp quốc tế đang dần được nâng cao. (BRICS là một khối các nền kinh tế mới nổi lớn bao gồm Brasil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi).

Tôi biết có không ít người vẫn ủng hộ ông ta một cách mù quáng đang tự lừa dối chính bản thân mình để đưa ra những bài viết, lời nói nhằm bảo vệ ông ta rằng "vì ông ấy không thèm đến".

Và có thật là ông ấy "không thèm đến" không ?

- Thứ nhất : BRICS là Tổ chức có Nga là quốc gia sáng lập. Tức có nghĩa, về góc độ nào đó thì BRICS là "con đẻ" của Nga chứ có phải của bọn Tây, bọn Mỹ hay bọn "không thân thiện" đâu mà ông ấy "không thèm đến" ?

- Thực tế ông ấy rất thèm đến. Dẫn chứng cụ thể : Khi chính quyền Nam Phi đề xuất để Lavrov, Ngoại trưởng Nga đi thay thì Kremlin và Bộ Ngoại giao Nga lên tiếng phản ứng gay gắt và quyết liệt. Ở đó, họ khẳng định Nga không chấp nhận đề xuất đó và Putin vẫn sẽ tham gia.

Tiếp đó, Tổng thống Nam Phi buộc phải điều đình và thượng lượng với ICC rằng hãy tạm ngừn lệnh bắt giữ đối với Putin. Theo giải thích của Nam Phi là Nga ra tuyên bố nếu bắt giữ Putin, tức tuyên bố chiến tranh. Tuy nhiên, ICC không thay đổi quyết định

Và chỉ trước 1 ngày tuyên bố không tham dự Thượng đỉnh BRICS, chính Kremlin và Bộ Ngoại giao Nga vẫn khẳng định Putin sẽ tham gia. Nhưng sau đúng 14 tiếng, Nga đã thay đổi bằng tuyên bố Lavrov đi thay, còn Putin tham dự "bằng hình thức trực tuyến".

Vậy rõ ràng là thèm đi quá ấy chứ.

- Thứ 2 : Các thành viên sáng lập cũng như các thành viên của tổ chức BRICS đều là "những quốc gia thân thiện" của Nga, nếu không muốn nói là đồng minh, là đối tác. Do đó, sự xuất hiện trực tiếp của Putin vào dịp này để tìm kiếm được sự "cảm thông", "chia sẻ" hoặc "giúp đỡ" trong lúc khó khăn là đặc biệt quan trọng đối với Nga, khi đang bị thế giới cô lập hoàn toàn. Và chẳng giúp nhau lúc này thì còn giúp lúc nào ? Vậy sao lại "không thèm đến" ?

Kỳ thực thì cực chẳng đã, và Putin cũng dường như nhận ra sự yếu thế của mình, của Nga lúc này nên không thể mạo hiểm để rồi phải tự đưa ra một quyết định cay đắng cho mình.

Và như vậy nó cũng phản ánh một thực tế không thể chối cãi là Tổ chức BRICS không thể, hoặc không muốn bảo vệ hay trợ giúp Putin. Nói rộng ra là Nga. Hoặc có thể họ ngầm thừa nhận ICC đang đúng. Tức có nghĩa một tổ chức mà ở đó rất thân, thân đến độ "thân ai nấy lo"

Qua đó cho thấy, vai trò cũng như vị thế của Nga đang thảm bại trên trường quốc tế. Nó đi ngược lại tất cả sự tính toán của Putin.

putin0

Thay vì làm cho nước Nga vĩ đại trở lại thì Putin đang nhấm chìm nước Nga vào vũng lầy không lối thoát.

Vậy Putin đã tính toán những gì ?

- Thay đổi trật tự thế giới sang đa cực. Mà ở đó, Nga là một cực đủ đối trọng với các cực còn lại.

- Đưa vị thế và quyền lực nước Nga trở lại thời Liên Xô - Tức chia đôi thế giới, mà ở đó Nga có 1/2.

- Không để bất cứ quốc gia nào gần Nga dám gia nhập NATO và EU.

- Buộc các quốc gia thuộc Liên Xô cũ phải nằm dưới sự kiềm chế và thao túng của Nga.

- Khiến Mỹ và NATO phải tôn trọng Nga hơn…

Nhưng thực tế thì :

- Chưa thấy đa cực đâu mà chỉ thấy Mỹ, EU và các đồng minh của họ bỗng chốc gắn chặt thành một khối. Còn các đồng minh, đối tác, các tổ chức do Nga sáng lập hoặc tham gia sáng lập hầu hết đứng cách xa để nhìn Nga quay cuồng, nếu không muốn nói là họ quay lưng với Nga.

Trong khi trước thời điểm Nga xâm lược Ukraine thì hầu như mọi vấn đề quốc tế thì Mỹ, G7, NATO và EU đều phải mời Nga, xem ý Nga hoặc thoả hiệp với Nga trước khi ra quyết định. Và ở trường quốc tế, không ai dám xem thường Nga.

- Vị thế và quyền lực của Nga lúc này chúng ta đều thấy rõ là gần như bằng không. Nó minh chứng từ quan hệ đa phương hay song phương. Từ quốc tế đến khu vực thì Nga hầu như không còn tiếng nói. Đến độ, những quốc gia nhỏ bé như Singapore, Litva, Latvia… họ sẵn sàng trừng phạt, cô lập Nga. Hơn nữa là họ sẵn sàng gửi vũ khí một cách công khai cho Ukraine chiến đấu.

- Trước ngày 24/02/2022, Mỹ, NATO và các quốc gia sát Nga hầu như không dám bàn đến chuyện NATO. Nhưng lúc này thì Phần Lan, Thuỵ Điển đã gia nhập NATO. Còn Ukraine cũng sẽ vào NATO và họ bàn thảo một cách công khai chứ không còn là điều "cấm kỵ".

- Ngoại trừ Belarus, các quốc gia còn lại thuộc Liên Xô cũ đã hoặc đang "thoát Nga". Và việc Nga xâm lược Ukraine càng khiến họ quyết liệt "thoát Nga" hơn bao giờ hết.

- Mỹ và NATO bây giờ họ xem mọi tuyên bố, lời đe doạ của Nga không còn trọng lượng. Kể cả những đe doạ của Nga về chiến tranh hạt nhân.

Vậy đấy. Những gì người ta ca ngợi và tung hê ông Putin lên bậc thánh nhân, hay "Đại đế" trong hơn 20 năm qua đã bị những toan tính của chính ông Putin huỷ hoại hoàn toàn, kể từ ngày 24/02/2022. Và có lẽ chưa bao giờ trong lịch sử Liên Xô, ngày nay là Nga mà uy tín và vị thế bị thê thảm như lúc này. Ngay cả khi so sánh với thời điểm Liên Xô sụp đổ.

Và đến bây giờ, nguyên thủ của một siêu cường không thể ra khỏi biên giới quốc gia mình.

Khôi Nguyên sưu tầm

(21/07/2023)

Additional Info

  • Author Khôi Nguyên
Published in Diễn đàn

Khi chúng ta quá lệ thuộc vào lịch sử để giải thích thì chúng ta sẽ sai, bởi vì lịch sử không lặp lại y như trước. Nhưng nếu chúng ta bỏ qua lịch sử thì chúng ta cũng sai, bởi vì chúng ta không hiểu nguyên do người ta hành động, và nếu không biết lý do người ta hành động thì chúng ta cũng không biết giải thích và giải quyết vấn đề của hiện tại và tương lai.

Liệu sau sự hỗn loạn này người Nga có chất vấn sự tồn tại của Liên bang không, tại sao Ukraine tham gia Liên Hiệp Châu Âu lại là mối đe dọa cho Liên bang Nga, có lẽ chúng ta phải nhìn lại lịch sử lập quốc của Nga và Ukraine.

peace1

Một binh sĩ Nga đứng cạnh tấm áp phích có bản đồ nước Nga trong cuộc tập trận ở Siberia. (Mladen Antonov / AFP via Getty Images)

Tại sao một Liên bang Xô Viết hùng mạnh về quân sự, có cả bom nguyên tử như vậy lại tan vỡ dễ dàng trong hòa bình ? Bởi vì căn bản liên hệ lịch sử giữa các nước tạo ra Liên bang Xô Viết không mạnh, nó chỉ là sự hợp đồng nhất thời. Nói rằng Belarus hay Ukraine là một phần của Nga là hoàn toàn sai. Chỉ có thể nói ba nước Nga, Belarus, Ukraine cùng chung một nguồn cội thời Trung cổ, sau này do có những biến động lịch sử, nhà nước này bị Mông Cổ xâm chiếm, phần phía Tây gồm Belarus và Ukraine bị Ba Lan và Áo-Hung xâm chiếm và chịu ảnh hưởng văn hóa của phía Tây Châu Âu, còn phần phía Đông người Slav tập trung ở vùng Moscow và trở thành hạt nhân của nước Nga sau này. Từ đó trở đi lịch sử của 3 dân tộc đã rẽ sang những hướng khác nhau và hình thành những bản sắc khác nhau.

Cần phải dè chừng nếu chúng ta lý luận mà chỉ dựa vào một phần lịch sử ngắn hạn thì có lẽ không có biên giới giữa các quốc gia, lý luận như vậy thì Việt Nam là một tỉnh của Trung Quốc là điều không cần bàn cãi thêm. Nếu lý luận như vậy thì chúng ta cũng nên tụng kinh để sám hối về cựu Vương quốc Chiêm Thành. Cuộc chiến tại Ukraine lần này có thể coi như là cơ hội để xã hội Việt Nam xử lý một khối ung nhọt về nhận thức mà lâu nay chưa có dịp trồi lên. Và người Việt Nam cũng sẽ được dịp tìm hiểu về bản chất chế độ Putin. Đây sẽ là cuộc lột xác đau đớn với người Việt Nam. 

peace2

Bức tượng Thiên niên kỷ của Nga tại Veliky Novgorod, Novgorod Oblast, Russia

Nhìn lại lịch sử hình thành Nga

Cho tới năm 860, trên vùng lãnh thổ rộng lớn của Liên bang Nga hiện nay là một vùng đất có những sắc dân lẻ tẻ. Khi đó nền văn minh tập trung ở Tây Âu, khí hậu ôn hòa hơn. Năm 860, những toán cướp biển gốc anglo-saxon, Viking, còn gọi là người Rus, ở Bắc Âu đi qua eo biển Baltic xuống Đông Âu và lập một đầu cầu của người Viking tại đó. Tên của nước Nga (Rus) bắt nguồn từ chữ Rurik, là tên của tướng cướp Viking hùng mạnh nhất thời đó.

Trên vùng đất vừa chinh phục này, người Rus sinh sống bằng nghề cướp bóc, chủ yếu là bắt người để bán, trai làm nô lệ, gái làm người hầu. Tên gọi chủng tộc Slav, tức những người nô lệ, cũng từ đó mà ra. Sau này người kế vị Rurik là Oleg đem quân chinh phục các vùng đất miền phía nam, trong đó có Kiev, và thành lập một lãnh địa mới, gọi là Rus Kive năm 882. Cho tới năm 988, vua của Kiev là Vladimir Đại đế lấy Thiên Chúa giáo làm quốc giáo. (Về chữ Rus, người Việt gọi là Nga theo phát âm theo tiếng Trung Hoa, Nga La Tư, từ thời nhà Thanh).

Vào năm 1054 xảy ra một cuộc tranh luận dữ dội trong nội bộ giáo hội công giáo ở Roma về vai trò, vị thế của Jesus. Vấn đề đặt ra là Jesus có phải là Thượng đế không ? Có quan điểm cho rằng Jesus không phải Thượng đế mà chỉ là một con người được Thượng đế chọn để truyền bá đức tin tôn thờ Thượng đế và chuyển thông điệp tình yêu đến với loài người, mà trước đó đã được thể hiện qua 10 điều giáo lệnh (Cựu ước) hay còn gọi là 8 mối Phúc thật trong bài giảng trên núi (Tân ước). Có những hàng giáo phẩm ở Roma không chấp nhận điều đó, coi Jesus chính là Thượng đế đã Giáng sinh. Hai bên cãi nhau dữ dội, cuối cùng đi tới thỏa hiệp : Jesus với Thiên chúa là hai thực thể nhưng tuy hai mà một. Cũng từ đó xuất hiện chữ phương Tây và phương Đông. Giáo hội Công giáo phương Tây thì nói Jesus và Thượng đế tuy hai mà một, còn phương Đông thì cho chỉ là một. Cũng từ đó mới có sự phân biệt phương Đông và phương Tây. Người Rus Kive gia nhập Thiên Chúa giáo sau nên tiếp nhận quan điểm Thượng đế chính là Jesus và cũng thù hận phương Tây với quan điểm khác nhau về Jesus.

Danh xưng phương Tây xuất hiện để chỉ các nước Tây Âu văn minh và và giàu mạnh với địa lý và khí hậu thuận lợi, khác với phần phía Đông chậm tiến và băng giá. Tuy vậy biên giới giữa Đông và Tây vẫn không rõ rệt. Ba nước Baltic, các nước Ba Lan, Slovakia, Hungary, Romania, Moldavia được coi là vùng trái độn phân cách giữa hai khối Đông Âu và Tây Âu. Hai khối này chia rẽ và xung đột lẫn nhau trong suốt dòng lịch sử. Mới đầu là khí hậu và mức độ văn minh. Rồi xung đột giữa Công giáo La Mã (Roma) phương Tây với trung tâm là Vatican và Cơ Đốc giáo Chính thống (Orthodoxe) phương Đông với trung tâm là Constantinopolis (Istanbul ngày nay). Trong thế kỷ 20 là sự đối đầu giữa dân chủ và cộng sản.

Nga vẫn tự cho mình là bá chủ phía Đông. Cho tới đầu thế kỷ 14 thì dòng dõi của Rurik vẫn làm vua và rời Kiev qua Moscow để tránh áp lực tấn công của phương Tây. Tới đầu thế kỷ 17 dòng họ Rurik, nổi tiếng với chuyện anh em, chú cháu giết lẫn nhau để giành ngôi vua, cho tới khi không còn ai để kế vị. Một dòng họ quý tộc khác ở đó cũng là những người gốc Viking là Romanov lên cầm quyền và kéo dài 300 năm. 

Nhìn suốt chiều dài lịch sử thì Nga chưa bao giờ là đất nước của những người bản xứ. Thời Liên Xô, Lenin và Stalin áp đặt sự thống nhất bằng bạo lực. Người Ukraine nổi dậy để thoát khỏi vòng kiềm tỏa và sự áp đặt ngôn ngữ Nga một cách thô bạo nên xảy ra cuộc nội chiến, dân số Ukraine chết 10% vì bị cướp bóc lương thực năm 1932. Có thể nói Ukraine và Nga không hề có một mối liên hệ nào ngoại trừ hận thù.

Putin nói Ukraine là một thành phần của nước Nga có thể do xuất phát trừ 2 yếu tố : vốn là một sĩ quan tình báo với một kiến thức văn hóa giới hạn nên chỉ có những ưu tư về hào quang của một Đại Nga mà ông muốn phục hồi ; kế là ông ta muốn nhắc lại vai trò lịch sử của đế quốc Nga, tâm lý thống trị những lãnh thổ khác chung quanh Đế quốc Nga của dòng quý tộc ở Saint Petersburg và Moscow. Từ sau khi bức tường Bá Linh sụp đổ và Liên Xô tan rã năm 1991, ảnh hưởng dân chủ dần dần tràn qua phía Đông. Nhờ đó phía Đông càng ngày càng cởi mở, tiến bộ và văn minh hơn. Tiến trình này về bản chất là tốt, nhưng Putin không đủ sáng suốt để tiếp nhận và chuyển hóa về dân chủ. Ông ta muốn phục hồi lại hào quang Đế quốc Nga với Moscow là bá chủ. Tâm lý này khiến ông ta căm tức vì cảm thấy Liên bang Nga đang tan rã. Ông ta coi Belarus và Ukraine đương nhiên thuộc Nga, một điều vừa lạc hậu và rất sai. 

Thế giới cũng đã tỏ ra yếu mềm trong năm 2008 khi Nga đem quân vào Georgia (Gruzia) ủng hộ hai lãnh thổ có đông người nói tiếng Nga sinh sống nổi lên đòi tự trị và tách khỏi đất nước Georgia. Vào thời điểm đó Tổng thống Mỹ (Bush con) chỉ phản ứng một cách yếu ớt vì đang bị sa lầy tại Syria, Lybia và nhất là tại Iraq. Lần này một trong những lý do đưa Putin tới quyết định điên cuồng xâm lăng Ukraine là vì, từ năm 1992 ngay sau sự sụp đổ của Liên Xô, nước Mỹ thay vì nhân cơ hội đó áp đặt các giá trị tự do, dân chủ, nhân quyền lên toàn thế giới lại bầu ra một tổng thống Clinton với khẩu hiệu "The Economy Stupid" (Chỉ làm kinh tế thôi). Với câu này có thể nói là Clinton có tội với nhân loại, bắt tay làm ăn kinh tế với những chế độ độc tài còn sót lại trên thế giới khiến cho hành trình lần thứ 3 của loài người về tự do dân chủ bị khựng lại, và là nguyên nhân xa của sự hỗn loạn của thế giới ngày hôm nay. Đó là sai lầm không thể tha thứ.

Vào năm 2014, Putin dựa vào những thành phần phản loạn do mình tài trợ đã chiếm hai tỉnh Donetsk và Luhansk đòi tự trị, và Nga chiếm bán đảo Crimea của Ukraine trên Biển Đen. Đáng lý ra thế giới phương Tây phải phản ứng quyết liệt, nhưng không : các quốc gia phương Tây chỉ lên án và cấm vận qua loa rồi thôi. Chưa bao giờ, kể từ sau thế chiến ll, một nước đánh chiếm một phần lãnh thổ nước khác rồi sáp nhập vào lãnh thổ của mình mà không phải trả một giá nào. Đó là hành động chà đạp hiến chương Liên Hiệp Quốc, dẫm đạp lên luật pháp quốc tế. Hoa Kỳ và Châu Âu không có những thái độ cần thiết cho hành động trắng trợn như vậy.

peace3

Năm 2014, Putin xua quân chiếm bán đảo Crimea của Ukraine – Ảnh Euro Topics

Hiện nay Putin xua quân tấn công vào Ukraine, một nước độc lập, có chủ quyền và được cả thế giới công nhận, với lý cớ rằng chính quyền Ukraine là Neo–Nazi, trong khi đó tổng thống của Ukraine là một người Do Thái, gia đình từng là nạn nhân của Nazi. Đó là một sự thóa mạ lịch sử và sự thực, nói như thế chẳng khác nào con chó sói bảo phải ăn thịt con cừu vì con cừu đe dọa nó. Trong cuộc họp Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc có 144 nước lên án hành động xâm lược của Nga. Chỉ có 4 nước bênh vực hành động của Nga đều là những nước nghèo đói và lạc hậu, sống nhờ viện trợ của Nga. Sự ủng hộ của 4 nước đó không những không làm sáng sủa hơn khuôn mặt của nước Nga mà còn làm ô uế thêm. 

Về Ukraine

Ukraine trong suốt dòng lịch sử gần như một nước nô lệ của Nga. Hai lần bị diệt chủng. Lịch sử quan hệ giữa Ukraine và Nga chỉ là quan hệ giết chóc và đổ máu. Ukraine luôn luôn bị giới cầm quyền ở Nga coi là mối nguy và do đó họ thống trị rất hà khắc cho nên người dân Ukraine không có được thông tin từ bên ngoài dẫn đến dân trí rất thấp vì thế sau khi Liên bang Xô Viết sụp đổ, họ trở thành độc lập nhưng không biết phải làm gì với nền độc lập này. Họ không có một tầng lớp trí thức đúng nghĩa để nhận lãnh trách nhiệm trước Quốc gia, nhưng họ cũng có những hành động anh hùng không thể ngờ được.

Người tách ảnh hưởng Ukraine ra khỏi Nga là Kravchuk làm tổng thống. Sau đó lại thất bại bởi một người không có một trình độ nào cả nhưng rất mị dân và tàn bạo là Kuchma. Người này học theo lối sinh hoạt chính trị của Nga, ám sát rất nhiều người, trong đó có một người tên Yushchenko bị đầu độc nhưng thoát chết. Sau này Yushchenko đắc cử tổng thống trong một cuộc bầu cử tương đối dân chủ, bộ trưởng bộ công an thời Kuchma đã tự sát vì sợ bị lôi ra tòa. Sau này Yushchenko đưa một phụ nữ đẹp với đức hạnh lỏng lẻo lên làm thủ tướng – Tymoshenko và sau này bà ta chống lại Yushchenko chẳng vì lý do nào cả. Năm 2010 xảy ra một cuộc bầu cử mà trong đó vị tổng thống đắc cử là người của Nga, Yanukovich, một người đầy thành tích đánh lộn và ăn trộm, hai lần ngồi tù vì những tội đó. Yanukovich thi hành chính sách đoạn tuyệt với phương Tây và hoàn toàn phục tùng Putin cho nên năm 2014 mới xảy ra cuộc cách mạng màu truất phế Yanukovich, Yanukovich chạy về nước Nga.

peace4

Quảng trường Maidan sau một cuộc đụng đổ dữ dội giữa người biểu tình đòi lật đổ Tổng thống Victor Yanukovich và lực lượng cảnh sát ngày 19/02/2014

Chính vì cuộc cách mạng màu 2014 mà Putin tức tối xúi giục người Nga tại Donbass nổi lên lập ra hai khu tự trị (Donetsk và Lugansk), rồi gửi lực lượng đặc biệt của mình giả làm dân tới phá hoại, đánh đuổi chính quyền và cướp Crimea... Sau này tới năm 2019 người Ukraine đã bầu Volodymyr Zelensky, một người có học thức, tốt nghiệp trường Luật, bố là giáo sư đại học, mẹ là kỹ sư, lên làm tổng thống. Được coi là người có kiến thức nhất trong các đời tổng thống của Ukraine.

Nói chung, thảm kịch của Ukraine trong suốt chiều dài lịch sử là không có tư tưởng chính trị và nhân sự chính trị, nếu có nhân sự thì thảm kịch ngày hôm nay đã không xảy ra. Sự kiện Zelensky là một điều khá bất ngờ với Putin, vì nghĩ rằng chỉ cần xua quân tới là Zelensky sẽ bỏ chạy và trong vài ngày là chiếm được Ukraine, Putin không nhớ ông nội của Zelensky là một anh hùng và dòng máu đó vẫn chảy nơi huyết quản Zelensky. Con tính ban đầu của Putin đã sai nên đang bị sa lầy tại Ukraine. 

Khúc quanh lịch sử lớn của nhân loại

Biến cố Ukraine lần này sẽ thay đổi hẳn bộ mặt của thế giới mặc dù chúng ta không thể nói diễn biến cuộc chiến sẽ như thế nào. Nhưng dù kết cục như thế nào đi chăng nữa, dù Putin có chiếm được Kiev và phần lớn lãnh thổ (một điều rất khó xảy ra) thì kết quả vẫn là nước Nga của Putin sa lầy, Liên bang Nga tan vỡ. Nhìn vào cấu trúc của Liên bang Nga hiện nay giữa các nước và các vùng lãnh thổ không hề có một tình cảm, một liên đới nào cả, chỉ có hận thù. Quan hệ giữa các nước cộng hòa trong Liên bang với nước Nga -Moscow- thuần túy là một quan hệ cướp bóc. Cho tới nay Liên bang Nga tồn tại được nhờ sức mạnh quân sự của trung ương, nhưng giờ đây sức mạnh quân sự đó đã bị suy kiệt. Sau khi Liên bang Nga tan vỡ thì nước Nga sẽ bị cô lập với phần còn lại trên bàn cờ chính trị thế giới, có thể sẽ trở thành một quốc gia phát triển trung bình với một lực lượng quân sự trung bình. 

Trong ba cường quốc quân sự hiện nay thì một nước sẽ bị xóa bỏ. Còn Trung Quốc thì sao ? Trung Quốc đang ở trong tình trạng cực kỳ bi đát. Trong những ngày trở mình của lịch sử này, người ta dễ quên đi tình trạng nguy ngập của Trung Quốc. Năm 2021, trong 33 đơn vị hành chính của Trung Quốc chỉ có một ngoại lệ duy nhất là Thượng Hải có thặng dư, tất cả phần còn lại đều bội chi một cách bi đát. Ngành xây dựng phá sản, ngành đóng tàu phá sản, ngành đường sắt phá sản... Sự tan vỡ của Đế quốc Trung Hoa sẽ là một may mắn đối với người dân Trung Quốc. Trung Quốc có thể biến mất để nhường chỗ cho những vùng lãnh thổ với những đặc tính chung về văn hóa hình thành. Với sự biến mất của hai đại cường quân sự này, các chế độ độc tài yếu ớt sẽ không có một ảo tưởng nào để lừa mị dư luận trong nước và phần còn lại trên thế giới, và sẽ biến mất.

Hành trình về tự do của loài người trong làn sóng dân chủ mới bị khựng lại một thời gian dưới thời kỳ Donald Trump. Trong ba đại cường quân sự, một nước sắp sửa tan rã trong thời gian ngắn, một nước sẽ tan vỡ, có thể trong bạo loạn. Và cường quốc thứ ba là Mỹ. Nước Mỹ ngày hôm nay đã quá chia rẽ. Trong một cuộc trưng cầu dân ý thì có tới gần 40% người Mỹ muốn nước Mỹ tan vỡ và dại diện của họ là Donald Trump.

peace5

Làn sóng dân chủ lần này không những quét sạch những chế độ độc tài trần trụi và què quặt về tư tưởng còn tồn tại tới bây giờ nhờ tuyên truyền và đàn áp mà còn lập ra một sinh hoạt mới cho thế giới.

Trong suốt 30 năm qua, sinh hoạt chính trị và tư tưởng không theo kịp những chuyển biến xã hội, họ không đầu tư vào hòa giải, và những rạn nứt tồn tại mà mải mê chạy theo neo–Liberalism (chủ nghĩa tân phóng khoáng). Chủ nghĩa này nói rằng không cần quốc gia, không cần liên đới, mỗi người chỉ cần theo đuổi những tham vọng của riêng mình rồi sẽ có một bàn tay vô hình sẽ dàn xếp tất cả. Trước đây, Mỹ có thể có nền tảng lành mạnh bởi những nhà lập quốc cho nên vẫn tồn tại, nhưng bây giờ nền tảng đó đang bị vỡ ra thành nhiều khối bởi những nhân sự chính trị dân túy, như Donald Trump. Dù Mỹ không tan vỡ đi chăng nữa thì sự tồn tại đó cũng không cho phép Mỹ đóng một vai trò lớn nào nữa bởi vì trọng lượng kinh tế của Mỹ càng ngày càng giảm, sút quá phân nửa so với năm 1945 và chưa dừng lại ở đó. Nếu còn tồn tại, nước Mỹ chỉ có thể có một chỗ đứng khiêm tốn trên thế giới.

Làn sóng dân chủ lần này không những quét sạch những chế độ độc tài trần trụi và què quặt về tư tưởng còn tồn tại tới bây giờ nhờ tuyên truyền và đàn áp mà còn lập ra một sinh hoạt mới cho thế giới. Sẽ không còn một nước nào có đủ tư cách để giành ngôi vị bá chủ thế giới. Các quốc gia phải hội kiến, phải hợp tác với nhau với một Liên Hiệp Quốc đóng vai trọng tài thực sự cho những tranh tụng về quyền lợi kinh tế, cải tiến luật pháp quốc tế ngày càng phù hợp với thực tế và đồng thời cũng là cơ quan điều hợp những cố gắng chung để đương đầu với những vấn đề chung của thế giới như hòa bình, môi trường, dịch bệnh...

Khúc quanh lớn của lịch sử nhân loại hiện nay qua cuộc chiến tranh Nga-Ukraine này có cái giá của nó là mở ra một kỷ nguyên mới. Đó là một thế giới mới không theo một nguyên mẫu nào trước đó. Ưu tư của các chế độ độc tài còn lại trên thế giới là hãy lựa chọn làm tác nhân của một thay đổi đàng nào cũng phải tới hay ngoan cố là hiện thân của một quá khứ bắt buộc phải qua đi dưới bánh xe lịch sử.

Lịch sử thế giới đang sang trang và chế độ độc tài cộng sản Việt Nam hiện nay không phải một ngoại lệ.

Trần Khánh Ân

(10/03/2022)

Additional Info

  • Author Trần Khánh Ân
Published in Quan điểm