Đúng theo dự kiến, ngày 14/06/2019, Quốc hội Việt Nam vừa thông qua Nghị quyết phê chuẩn việc gia nhập Công ước số 98 của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) về Áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể.
Công nhân một xưởng may ở Sài Đồng, Hà Nội, 01/07/2015. Quan hệ giữa người lao động với chủ công ty sẽ có nhiều thay đổi với Công ước 98. Reuters/Kham/Files
Yêu cầu của các hiệp định thương mại tự do
Để được gia nhập các hiệp định thương mại tự do "thế hệ mới" như Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Liên Hiệp Châu Âu (EVFTA), mà theo dự kiến sẽ được ký kết năm 2019, Việt Nam phải phê chuẩn tổng cộng 8 Công ước cơ bản của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO). Trước kỳ họp của Quốc hội vừa qua, Việt Nam đã phê chuẩn 5 trong số 8 văn bản này : Công ước 29 (năm 1930) về lao động cưỡng bức ; Công ước 100 (năm 1951) về trả công bình đẳng ; Công ước 111 (năm 1958) về chống phân biệt đối xử ; Công ước 138 (năm 1973) về tuổi lao động tối thiểu, Công ước 182 (năm 1999) về chống bóc lột lao động trẻ em.
Sau Công ước 98, từ đây đến năm 2023, Việt Nam sẽ còn phải phê chuẩn hai công ước khác của Tổ chức Lao động Quốc tế : Công ước số 87 "về quyền tự do hiệp hội và về việc bảo vệ quyền được tổ chức" và Công ước số 105 "về xóa bỏ lao động cưỡng bức hoặc bắt buộc".
Thật ra, không chỉ có Hiệp định Thương mại Tự do với châu Âu, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) mà Việt Nam đã chính thức gia nhập vào năm 2018 cũng yêu cầu Hà Nội phải phê chuẩn ba công ước nói trên.
Trước mắt, Hà Nội buộc phải phê chuẩn Công ước 98 nhằm chứng tỏ thiện chí, để Hội Đồng Châu Âu chấp nhận ký kết Hiệp định Thương mại Tự do EVFTA và đưa hiệp định này ra trước Nghị Viện Châu Âu để phê chuẩn trong năm 2019.
Công ước 98, tên đầy đủ là Công ước về Quyền tổ chức và thương lượng tập thể 1949, bao gồm có 3 nội dung cơ bản : Bảo vệ người lao động và công đoàn trước các hành vi phân biệt đối xử, chống công đoàn của người sử dụng lao động ; Bảo vệ tổ chức của người lao động không bị can thiệp, thao túng bởi người sử dụng lao động ; Những biện pháp thúc đẩy thương lượng tập thể tự nguyện, thiện chí.
Theo nội dung tờ trình của chủ tịch nước về việc gia nhập Công ước 98, xét về mặt kinh tế - xã hội, tiêu chuẩn lao động quốc tế cơ bản về áp dụng quyền tổ chức và thương lượng tập thể quy định trong Công ước số 98 "thể hiện giá trị tiến bộ của nhân loại về lao động". Cũng theo tờ tình này, việc gia nhập và thực hiện Công ước số 98 sẽ góp phần "giúp cho thương lượng tập thể được thực chất, hiệu quả hơn trên thực tế".
Việt Nam đang đi ngược ?
Nhưng trước mắt, việc phê chuẩn Công ước 98 sẽ chưa có những tác động nào theo hướng cải thiện điều kiện của người lao động tại Việt Nam, theo nhận định của luật sư Hoàng Cao Sang, Văn phòng Luật sư Hoàng Việt, Sài Gòn :
"Tôi cho rằng việc Việt Nam phê chuẩn Công ước 98 cũng không có tác dụng gì nhiều đối với quyền của người lao động, cũng như đối với những tổ chức bảo vệ người lao động, bởi vì trên thực tế, Công ước 98 và Công ước 87 là một cặp song sinh, đi liền với nhau. Khi có Công ước 87 thì Công ước 98 mới có hiệu lực.
Công ước 87 là công ước về quyền của người lao động được lập hội, tức là công đoàn độc lập, còn Công ước 98 là công ước quy định các nguyên tắc về các quyền của tổ chức được thương lượng tập thể. Bây giờ Công ước 98 có mà Công ước 87 không có thì cũng không có hiệu quả gì hết và như vậy là giống như mình đang đi ngược. Vì vậy, tôi nghĩ đây chỉ là bước đệm của Nhà nước Việt Nam cho các các công ước tiếp theo : Công ước 105 và Công ước 87.
Công ước 98 hiện chưa có giá trị gì, bởi vì bản thân công ước này cũng mâu thuẫn với Luật Lao động và Luật Công đoàn, và có vẻ như Việt Nam chưa có sự chuẩn bị cho việc áp dụng công ước này".
Những mâu thuẫn với luật hiện hành
Cụ thể có những mâu thuẫn gì giữa Công ước 98 với Luật Công đoàn của Việt Nam hiện nay ? Luật Công đoàn hiện hành quy định người sử dụng lao động, tức là chủ công ty, phải nộp 2% trên tổng quỹ tiền lương cho quỹ công đoàn.
Trong kỳ họp của Quốc hội vừa qua, đại biểu Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, đã đề nghị chính phủ làm rõ là quy định nói trên có bị coi là hành vi can thiệp vào tổ chức công đoàn, theo quy định tại điều 2, Công ước 98, hay không.
Điều 2 của Công ước 98 ghi rõ : "Các tổ chức của người lao động và của người sử dụng lao động phải được hưởng sự bảo vệ thích đáng chống lại mọi hành vi của những phái viên hay thành viên của mỗi bên để can thiệp vào việc tổ chức điều hành và quản lý nội bộ của phía bên kia".
Mặt khác, cũng theo đại biểu Hồ Sỹ Lợi, Luật Công đoàn hiện hành quy định là cả người sử dụng lao động và người lao động đều được coi là đoàn viên công đoàn, điều này cũng có thể bị xem là hành vi chi phối của người sử dụng lao động, và như vậy là vi phạm Công ước 98 hay không ?
Không chỉ có Luật Công đoàn, mà cả bộ Luật Lao động của Việt Nam cũng cần phải được sửa đổi cho tương hợp với Công ước 98 về thương lượng tập thể.
Công ước 87 : Trì hoãn đến giờ chót ?
Trong số hai công ước mà Việt Nam sẽ phải phê chuẩn từ nay đến năm 2023, quan trọng hơn hết là công ước 87, tức là công ước cho phép tự do thành lập công đoàn, một vấn đề hết sức nhạy cảm đối với chính quyền Hà Nội, cho nên rất có thể họ sẽ trì hoãn cho đến phút chót mới phê chuẩn công ước này, theo nhận định của luật sư Hoàng Cao Sang :
"Việt Nam là một quốc gia nhỏ và việc chuẩn bị cho hội nhập quốc tế cần có một thời gian nhất định. Tôi thấy Nhà nước Việt Nam ký kết trước những công ước nào có ít ảnh hưởng nhất và đơn giản nhất. Cụ thể là ở đây công ước 98 chỉ mang tính bước đệm, hoặc như một số người nói, chỉ mang tính đối phó, đối phó với Hội Đồng Châu Âu do họ buộc Việt Nam phải thông qua 3 công ước còn lại thì mới cho ký kết hiệp định thương mại tự do Liên Hiệp Châu Âu - Việt Nam.
Việt Nam đang trì hoãn việc ký công ước khó nhất là Công ước 87, vì tinh thần của công ước này là quyền tự do lập hội, tự do ngôn luận, phải đi liền với thương mại. Theo lộ trình, Việt Nam phải ký Công ước 87 vào năm 2023.
Nhưng tôi thấy Việt Nam dù đã ký kết các văn bản, nhưng thực hiện và sửa đổi hệ thống pháp luật cho phù hợp với những văn bản đó,và thực hiện pháp luật đó thường là chậm trễ so với những lộ trình dự kiến và những gì đã cam kết với quốc tế, như là trong hiệp định thương mại với Liên Hiệp Châu Âu, hay hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương CPTPP. Việt Nam cũng luôn có nhiều cách để chứng tỏ mình có thiện chí. Tuy nhiên, thiện chí đó luôn được kéo dài. Việt Nam luôn có những động thái từng bước, từng bước, để cho người ta thấy mình có thiện chí, chứ không làm một cách hoàn toàn triệt để".
Cho tới nay ở Việt Nam chỉ có một công đoàn duy nhất là Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, được định nghĩa là một tổ chức chính trị - xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước. Nhưng một khi Công ước 87 được phê chuẩn, công đoàn của Nhà nước sẽ không còn nắm độc quyền nữa, mà người lao động sẽ có thể tự mình lập công đoàn hoặc gia nhập bất cứ công đoàn nào họ muốn.
Khi gia nhập CPTPP vào năm 2018, Việt Nam sẽ có tối đa 5 năm chuẩn bị khuôn khổ pháp lý cho phép thành lập các tổ chức đại diện người lao động khác ở cấp cơ sở và 7 năm để cho phép các tổ chức này có thể liên kết với nhau để thành lập tổ chức ở cấp cao hơn. Nếu sau 5 năm Việt Nam chưa cho phép thành lập công đoàn tự do thì Việt Nam có thể sẽ bị các nước thành viên CPTPP trừng phạt thương mại.
Tóm lại, chính áp lực từ những hiệp định thương mại tự do đang buộc Việt Nam phải thay đổi hệ thống luật pháp.
Thanh Phương
Nguồn : RFI, 24/06/2019
Chỉ với Công ước 98 của ILO có giúp Việt Nam đạt Hiệp Định Mậu dịch Tự Do với EU ?
Việt Nam được giới quan sát cho biết đang rất mong muốn đạt được Hiệp định Mậu dịch Tự do với EU- EVFTA. Một trong những điều kiện được nêu ra là phải phê chuẩn 3 công ước khác về quyền người lao động theo đúng tiêu chẩn ILO Tổ Chức Lao Động Quốc Tế. Đó là 3 công ước 87, 98 và 105.
Ảnh minh họa. AFP
Truyền thông Nhà nước Việt Nam vừa qua loan tin theo chương trình dự kiến, chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng sẽ trình bày Tờ trình về việc gia nhập Công ước số 98 tại kỳ họp Quốc hội thứ 7 đang diễn ra tại Hà Nội.
Tuy vậy sao chỉ mới phê chuẩn một trong ba công ước cần phải có ? Điều này có gây trở ngại gì trong mong muốn của Hà Nội ?
Từ Hà Nội, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho biết :
Việt Nam đang chuẩn bị ký công ước 98, còn 2 công ước kia chưa thấy báo chí nêu lên. Với công ước 98 thì Việt Nam có thể bảo đảm quyền thành lập công đoàn, bảo đảm quyền thương lượng theo pháp luật. Tôi nghĩ việc ký kết này cũng phù hợp với những cam kết quốc tế mà Việt Nam đã long trọng cam kết rồi. Hy vọng việc ký kết và việc thực hiện sẽ đem lại những tiến bộ thức chất về nhân quyền cũng như các quyền khác trong quan hệ giữa người sử dụng lao động và người lao động.
Làm sao nhanh chóng ký được Hiệp Định Tự Do Thương Mại EVFTA là hy vọng của phía Việt Nam trong thời gian sớm nhất trong những tuần tới, là phân tích của chủ tịch Hội Nhà Báo Độc Lập, tiến sĩ Phạm Chí Dũng :
Bản tin Bộ Công Thương nói như vậy có nghĩa là Việt Nam hy vọng như vậy và dựa trên cơ sở là vào khoảng cuối tháng Sáu thì có một khả năng EVFTA sẽ được ký, sau đó là phê chuẩn chính thức sau khi Nghị Viện Châu Âu đã bầu cử với những gương mặt mới.
Ông nói dựa trên tình hình đó là lộ trình của Nghị Viện Châu Âu và cũng có thể là của phía Việt Nam, thế nhưng có ký được và có phê chuẩn được hay không vào cuối tháng Sáu thì phụ thuộc phần lớn vào việc Việt Nam phải cải thiện nhân quyền :
Dự kiến ngày 28 tháng Năm sẽ có cuộc họp của Nghị Viện Châu Âu,có lẽ là cuộc họp cuối cùng về EVFTA trước khi Nghị Viện Châu Âu tổ chức bàu cử, để xét duyệt lại một lần nữa có cho Việt Nam ký EVFTA hay không.
Ngày 29 tháng Năm thì chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trình công ước 98 ra trước quốc hội, là một trong 3 công ước quốc tế còn lại về lao động trong tổng số 8 công ước mà cho tới nay Việt Nam chưa chịu ký.
Vấn đề là tại sao đến lúc này chỉ mình công ước 98 mà không có những công ước khác :
Công ước 98 là công ước về thỏa ước lao động. Họ đưa ra một công ước thuộc loại nhẹ nhàng nhất để phê chuẩn, trong khi đó quan trọng nhất là công ước 87 liên quan tới quyền tự do lập hội lập công đoàn độc lập của người lao động thì họ hoàn toàn không đề cập tới. Nếu không ký và phê chuẩn công ước 87 thì điều đó vô nghĩa vì nó không phù hợp với 2 hiệp định thương mại quốc tế, một là Hiệp Định CPTPP và hai là Hiệp Định EVFTA. Cho nên có thể nói thời điểm nay Việt Nam đang chơi trò đánh lận con đen, coi chừng lần này Liên Minh Châu Âu EU và Nghị Viện Châu Âu EC có thể một lần nữa bị hố, bị trả giá bởi thái độ cả tin vào lời hứa cải thiện nhân quyền của phía Việt Nam mà thực tế trong quá khứ chưa lần nào chịu cải thiện.
Được biết đầu năm 2019, trên một clip video đăng trên Twitter, hai dân biểu Nghị Viện Châu Âu là bà Jude Kirton-Darling và ông Ramon Tremosa tuyên bố rằng việc phê chẩn EVFTA tại Châu Âu vì lý do kỹ thuật, đặc biệt vào khi có những quan ngại về quyền con người tại Việt Nam.
Dưới mắt nhà hoạt động cho quyền công nhân Đoàn Huy Chương, triển vọng EVFTA Hiệp Định Tự Do Thương Mại EU-Việt Nam nằm ở phía Hà Nội :
Ký được hay không phụ thuộc vào Việt Nam, bởi vì quốc tế có luật rất rõ ràng, họ đưa ra điều khoản nào mà Việt Nam chấp nhận thì họ ký, còn nếu Việt Nam cứ chạy vòng vòng thì họ không ký.
Chuyên gia kinh tế Đinh Xuân Quân, từng làm việc trong lãnh vực phát triển của Liên Hiệp Quốc, từng đi về Việt Nam trong tư cách cố vấn về cải cách hành chính, giải thích cái khó của Hà Nội trong quá trình gia nhập một định chế thương mại tầm cỡ như EVFTA đến lúc này :
Người ta đòi hỏi phải có công đoàn độc lập mà Việt Nam đã hứa biết bao lâu rồi, hứa mà chưa làm. Khi phái đoàn của Nghị Viện Châu Âu qua Việt Nam thì họ coi sự tiến bộ về nhân quyền ở Việt Nam tới đâu rồi, đâu phải lần đầu tiên vấn đề công đoàn được đặt ra.
Một trở ngại lớn lao khác, ông Đinh Xuân Quân nói tiếp, chính là Luật An Ninh Mạng của Việt Nam có hiệu lực đầu năm nay :
Những người lo về công đoàn ở Việt Nam đã bị truy lùng và bị bắt.
Theo ông thì không tập đoàn kinh doanh hay thương mại nào muốn làm ăn trong một đất nước luôn kiểm tra giao dịch của họ trên mạng.
Đã vậy, tình hình lúc này tại Nghị Viện Châu Âu EC có thể không thuận lợi cho Việt Nam lắm. Ông dự đoán :
Việt Nam đã hụt một lần rồi, đáng lẽ ký từ tháng Mười 2018 nhưng mà bây giờ qua 2019 thì lúc này đúng ngay lúc người ta đang bầu cử quốc hội bên Âu Châu. Do đó muốn ký phải kéo từ đây tới cuối năm chứ giờ chưa ký được đâu.
Vào ngày 1 tháng Năm vừa qua, Bộ Lao Động, Thương Binh và Xã Hội Việt Nam công bố dự thảo Luật Lao Động sửa đổi, làn đầu tiên bổ sung qui định về việc thành lập tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp ngoài hệ thống Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam.
Câu hỏi ở đây là phải chăng Việt Nam sẽ cho phép thành lập công đoàn độc lập, một trong những đòi hỏi của Tổ Chức Lao Động Quốc Tế ILO nếu muốn bước vào EVFTA Hiệp Định Tự Do Thương Mại EU-Việt Nam mà Hà Nội nhắm tới bao năm qua ?
Từ một nơi ngoài Việt Nam, nhà hoạt động và tranh đấu cho quyền lợi cũng như một công đoàn độc lập cho người lao động Việt Nam, anh Đoàn Huy Chương, nhận định rằng công ước 98 thực sự là một công ước rất mơ hồ :
Và Việt Nam đưa ra một dự thảo cũng mơ hồ. Ngày 20 tháng Mười Một 2018 vừa qua, quốc hội Việt Nam cũng đã nói sẽ thông qua luật cho phép công đoàn độc lập ra đời. Nhưng ngay lập tức ngày 21 thì lại bảo là cho công đoàn độc lập ra đời dưới sự quản lý của Nhà Nước. Như vậy là trói buộc dẫn đến sự mâu thuẩn.
Theo nhà hoạt động Đoàn Huy Chương thì Việt Nam tiếp tục ‘lập lờ đánh lận con đen’ khi nói rằng sẽ thông qua điều 98 công nhận công đoàn độc lập và sẽ đàm phán về nhân quyền nhưng không nói cụ thể. Tức là không phủ nhận cũng không khẳng định. Ông Chương nói đây là cách Việt Nam lập lờ với quốc tế, chẳng hạn bây giờ hiện có 3 cấp công đoàn, tỉnh, huyện và cơ sở, nên Việt Nam sẽ mập mờ gọi cấp cơ sở này là công đoàn độc lập để đánh lừa dư luận.
Thanh Trúc
Nguồn : RFA tiếng Việt