Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

23/05/2019

Công ước 98 ILO và Hiệp định Mậu dịch Tự do EU

Thanh Trúc

Chỉ với Công ước 98 của ILO có giúp Việt Nam đạt Hiệp Định Mậu dịch Tự Do với EU ?

Việt Nam được giới quan sát cho biết đang rất mong muốn đạt được Hiệp định Mậu dịch Tự do với EU- EVFTA. Một trong những điều kiện được nêu ra là phải phê chuẩn 3 công ước khác về quyền người lao động theo đúng tiêu chẩn ILO Tổ Chức Lao Động Quốc Tế. Đó là 3 công ước 87, 98 và 105.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa. AFP

Truyền thông Nhà nước Việt Nam vừa qua loan tin theo chương trình dự kiến, chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng sẽ trình bày Tờ trình về việc gia nhập Công ước số 98 tại kỳ họp Quốc hội thứ 7 đang diễn ra tại Hà Nội.

Tuy vậy sao chỉ mới phê chuẩn một trong ba công ước cần phải có ? Điều này có gây trở ngại gì trong mong muốn của Hà Nội ?

Từ Hà Nội, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho biết :

Việt Nam đang chuẩn bị ký công ước 98, còn 2 công ước kia chưa thấy báo chí nêu lên. Với công ước 98 thì Việt Nam có thể bảo đảm quyền thành lập công đoàn, bảo đảm quyền thương lượng theo pháp luật. Tôi nghĩ việc ký kết này cũng phù hợp với những cam kết quốc tế mà Việt Nam đã long trọng cam kết rồi. Hy vọng việc ký kết và việc thực hiện sẽ đem lại những tiến bộ thức chất về nhân quyền cũng như các quyền khác trong quan hệ giữa người sử dụng lao động và người lao động.

Làm sao nhanh chóng ký được Hiệp Định Tự Do Thương Mại EVFTA là hy vọng của phía Việt Nam trong thời gian sớm nhất trong những tuần tới, là phân tích của chủ tịch Hội Nhà Báo Độc Lập, tiến sĩ Phạm Chí Dũng :

Bản tin Bộ Công Thương nói như vậy có nghĩa là Việt Nam hy vọng như vậy và dựa trên cơ sở là vào khoảng cuối tháng Sáu thì có một khả năng EVFTA sẽ được ký, sau đó là phê chuẩn chính thức sau khi Nghị Viện Châu Âu đã bầu cử với những gương mặt mới.

Ông nói dựa trên tình hình đó là lộ trình của Nghị Viện Châu Âu và cũng có thể là của phía Việt Nam, thế nhưng có ký được và có phê chuẩn được hay không vào cuối tháng Sáu thì phụ thuộc phần lớn vào việc Việt Nam phải cải thiện nhân quyền :

Dự kiến ngày 28 tháng Năm sẽ có cuộc họp của Nghị Viện Châu Âu,có lẽ là cuộc họp cuối cùng về EVFTA trước khi Nghị Viện Châu Âu tổ chức bàu cử, để xét duyệt lại một lần nữa có cho Việt Nam ký EVFTA hay không.

Ngày 29 tháng Năm thì chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trình công ước 98 ra trước quốc hội, là một trong 3 công ước quốc tế còn lại về lao động trong tổng số 8 công ước mà cho tới nay Việt Nam chưa chịu ký.

Vấn đề là tại sao đến lúc này chỉ mình công ước 98 mà không có những công ước khác :

Công ước 98 là công ước về thỏa ước lao động. Họ đưa ra một công ước thuộc loại nhẹ nhàng nhất để phê chuẩn, trong khi đó quan trọng nhất là công ước 87 liên quan tới quyền tự do lập hội lập công đoàn độc lập của người lao động thì họ hoàn toàn không đề cập tới. Nếu không ký và phê chuẩn công ước 87 thì điều đó vô nghĩa vì nó không phù hợp với 2 hiệp định thương mại quốc tế, một là Hiệp Định CPTPP và hai là Hiệp Định EVFTA. Cho nên có thể nói thời điểm nay Việt Nam đang chơi trò đánh lận con đen, coi chừng lần này Liên Minh Châu Âu EU và Nghị Viện Châu Âu EC có thể một lần nữa bị hố, bị trả giá bởi thái độ cả tin vào lời hứa cải thiện nhân quyền của phía Việt Nam mà thực tế trong quá khứ chưa lần nào chịu cải thiện.

Được biết đầu năm 2019, trên một clip video đăng trên Twitter, hai dân biểu Nghị Viện Châu Âu là bà Jude Kirton-Darling và ông Ramon Tremosa tuyên bố rằng việc phê chẩn EVFTA tại Châu Âu vì lý do kỹ thuật, đặc biệt vào khi có những quan ngại về quyền con người tại Việt Nam.

Dưới mắt nhà hoạt động cho quyền công nhân Đoàn Huy Chương, triển vọng EVFTA Hiệp Định Tự Do Thương Mại EU-Việt Nam nằm ở phía Hà Nội :

Ký được hay không phụ thuộc vào Việt Nam, bởi vì quốc tế có luật rất rõ ràng, họ đưa ra điều khoản nào mà Việt Nam chấp nhận thì họ ký, còn nếu Việt Nam cứ chạy vòng vòng thì họ không ký.

Chuyên gia kinh tế Đinh Xuân Quân, từng làm việc trong lãnh vực phát triển của Liên Hiệp Quốc, từng đi về Việt Nam trong tư cách cố vấn về cải cách hành chính, giải thích cái khó của Hà Nội trong quá trình gia nhập một định chế thương mại tầm cỡ như EVFTA đến lúc này :

Người ta đòi hỏi phải có công đoàn độc lập mà Việt Nam đã hứa biết bao lâu rồi, hứa mà chưa làm. Khi phái đoàn của Nghị Viện Châu Âu qua Việt Nam thì họ coi sự tiến bộ về nhân quyền ở Việt Nam tới đâu rồi, đâu phải lần đầu tiên vấn đề công đoàn được đặt ra.

Một trở ngại lớn lao khác, ông Đinh Xuân Quân nói tiếp, chính là Luật An Ninh Mạng của Việt Nam có hiệu lực đầu năm nay :

Những người lo về công đoàn ở Việt Nam đã bị truy lùng và bị bắt.

Theo ông thì không tập đoàn kinh doanh hay thương mại nào muốn làm ăn trong một đất nước luôn kiểm tra giao dịch của họ trên mạng.

Đã vậy, tình hình lúc này tại Nghị Viện Châu Âu EC có thể không thuận lợi cho Việt Nam lắm. Ông dự đoán :

Việt Nam đã hụt một lần rồi, đáng lẽ ký từ tháng Mười 2018 nhưng mà bây giờ qua 2019 thì lúc này đúng ngay lúc người ta đang bầu cử quốc hội bên Âu Châu. Do đó muốn ký phải kéo từ đây tới cuối năm chứ giờ chưa ký được đâu.

Vào ngày 1 tháng Năm vừa qua, Bộ Lao Động, Thương Binh và Xã Hội Việt Nam công bố dự thảo Luật Lao Động sửa đổi, làn đầu tiên bổ sung qui định về việc thành lập tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp ngoài hệ thống Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam.

Câu hỏi ở đây là phải chăng Việt Nam sẽ cho phép thành lập công đoàn độc lập, một trong những đòi hỏi của Tổ Chức Lao Động Quốc Tế ILO nếu muốn bước vào EVFTA Hiệp Định Tự Do Thương Mại EU-Việt Nam mà Hà Nội nhắm tới bao năm qua ?

Từ một nơi ngoài Việt Nam, nhà hoạt động và tranh đấu cho quyền lợi cũng như một công đoàn độc lập cho người lao động Việt Nam, anh Đoàn Huy Chương, nhận định rằng công ước 98 thực sự là một công ước rất mơ hồ :

Và Việt Nam đưa ra một dự thảo cũng mơ hồ. Ngày 20 tháng Mười Một 2018 vừa qua, quốc hội Việt Nam cũng đã nói sẽ thông qua luật cho phép công đoàn độc lập ra đời. Nhưng ngay lập tức ngày 21 thì lại bảo là cho công đoàn độc lập ra đời dưới sự quản lý của Nhà Nước. Như vậy là trói buộc dẫn đến sự mâu thuẩn.

Theo nhà hoạt động Đoàn Huy Chương thì Việt Nam tiếp tục ‘lập lờ đánh lận con đen’ khi nói rằng sẽ thông qua điều 98 công nhận công đoàn độc lập và sẽ đàm phán về nhân quyền nhưng không nói cụ thể. Tức là không phủ nhận cũng không khẳng định. Ông Chương nói đây là cách Việt Nam lập lờ với quốc tế, chẳng hạn bây giờ hiện có 3 cấp công đoàn, tỉnh, huyện và cơ sở, nên Việt Nam sẽ mập mờ gọi cấp cơ sở này là công đoàn độc lập để đánh lừa dư luận.

Thanh Trúc

Nguồn : RFA tiếng Việt

Quay lại trang chủ
Read 539 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)