Đó là lời của người bạn thân, một nhà thơ đương đại, một người trẻ nổi tiếng đang sống trên đất Sài Gòn. Mà đúng vậy, Sài Gòn mùa này cúng nhiều lắm, không như cách đây năm năm, mười năm, hai mươi năm và xa hơn thế. Một thành phố vốn dĩ được xem là trung tâm văn hóa, cái rốn văn minh của Việt Nam, thậm chí của khu vực, mệnh danh "hòn ngọc viễn đông" bỗng dưng trở thành cái ổ dị đoan, điều này do đâu mà ra ?
Loại hình "cầu thần tài" rất được chuộng.
Chính xác là ba năm trở lại đây, kể từ khi dịch Covid-19 cướp đi hàng vạn người thành phố, một thành phố tang tóc kéo dài, con người trở nên sợ hãi trước tai ương, và, nỗi sợ hãi đó được bù đắp bằng việc cúng kính, thay vì tin vào một chính sách duy lý mà lâu nay vốn là.
Người ta kéo nhau vào Sài Gòn sinh sống, làm ăn, vì tin vào năng lực kinh tế của thành phố này, hay nói đúng hơn là tin vào chính sách duy lý của những người quản lý thành phố, ở đó, công việc, đồng tiền, sự tự do đi lại để làm việc hay tính năng động của đầu tàu kinh tế cả nước thu hút người ta đến. Thế rồi, cũng chính cái đầu tàu kinh tế này bỗng chốc trở thành cái đại nhà tù, giam hơn sáu triệu mạng người trong bệnh tật, báo động đỏ, thiếu thốn, chết chóc Và, những ai không trụ nổi với sự ngột ngạt ấy, người ta phải chết, chết một cách đau đớn, tức tưởi và oan khốc !
Những người còn lại, nhất là những người tha hương, lập nghiệp trên đất Sài Gòn, họ sẽ nhìn thấy một khoảng trống quá lớn trong lòng họ, họ đâm sợ hãi, họ bất an, và họ lo lắng cho những người thân, những đồng hương đã bỏ mạng trong cuộc đại giam oan khốc mang tên Sài Gòn Giới Nghiêm, Sài Gòn Phong Tỏa Cuộc sống trở nên bấp bênh, vô thường hiện ra trong từng phút, người ta không con bấu víu, trông chờ vào chính sách duy lý, vào thành phố năng động nữa, người ta trông mong, nhờ cậy thần linh.
Và, những gì tưởng như chỉ xuất hiện, chỉ có ở vùng quê hoặc các chùa chiền, đền đài miếu mạo, bây giờ có mặt khắp hang cùng ngỏ hẻm Sài Gòn. Người ta tổ chức cúng cuối năm, cúng đầu năm, trống chiêng, kèn thổi inh ỏi, bắc loa đọc sớ cúng như thể đang diễn tuồng… Mọi thứ nghi thức vốn dĩ rất xa lạ với Sài Gòn bỗng dưng xuất hiện mọi nơi.
Và, điều đó lý giải cho việc tại sao người miền Bắc, người ngay trung tâm Hà Nội hay người miền Trung lại rất chuộng cúng kính, nhương sao giải hạn, tranh giành lộc đầu năm và sẵn sàng giẫm đạp lên nhau để cầu an, lấy lộc.
Người ta tổ chức cúng cuối năm, cúng đầu năm, trống chiêng, kèn thổi inh ỏi, bắc loa đọc sớ cúng như thể đang diễn tuồng…
Một đất nước trải qua rất nhiều chết chóc chiến tranh, hồn ma cũ - mới có mặt khắp đời sống, người ta cố gắng không tin hoặc cố gắng để tin vào chính sách duy lý mà làm ăn, hơn nữa, quá trình "chống mê tín dị đoan", đập bỏ đền đài miếu mạo, lăng tẩm của thời kinh tế tập trung bao cấp phần nào đó hạn chế các hoạt động cúng kính có tính tập thể.
Thế rồi, với cái bụng đói meo, tranh ăn, chịu nhục vì miếng ăn, những đoàn rồng rắn chuột mèo nối nhau chực chờ lát thịt, cân gạo, cân khoai lang khô hay cân bắp khô đã biến con người trở thành cái máy xay thức ăn, bất chấp vì miếng ăn, miếng ăn định giá nhân cách, định giá phẩm hạnh và định giá con người trước xã hội.
Sự thao thức, nỗi khát khao miếng ăn ấy hình như ăn dằm trong khí huyết người Việt một cách thụ động, từ dân thường cho đến các quan chức, người bình dân, lâu ngày không gặp nhau, gặp lại thì hẹn nhau đi nhậu, đi ăn uống, việc ấy cứ như một phép lịch sự thay thế "miếng trầu là đầu câu chuyện" một thuở, quan chức càng bạo hơn, có phi vụ hay áp phe gì, có bất kì lễ gì đều tổ chức ăn uống, hát hò, cơ quan cấp nhỏ thì ăn uống, hát họ tại chỗ hoặc nhà hàng hạng vừa, cơ quan cấp cao thì ăn uống ở nhà hàng sang trọng, có thêm gái chân dài hoặc đồng nghiệp nữ, thuộc cấp có tướng mạo tốt đến phục vụ, thậm chí phục vụ từ A tới Z.
Tâm thức vật dục hoàn toàn chi phối xã hội, và, khi con người len lỏi, quay cuồng, mệt mỏi, đau đớn, bất an và buông chân trong thế giới vật dục ấy, nỗi cô đơn bản thể sẽ xuất hiện, cái nỗi cô đơn ấy đến một cách tự nhiên, chẳng cần cưỡng cầu. Nhưng hướng giải quyết thì có cưỡng cầu, theo nhu cầu của lý trí. Thay vì người ta tìm đến với thế giới tinh thần lành mạnh bằng động cơ tâm hồn trong lành thì người ta tìm đến thế giới tinh thần nhuốm màu vật dục của một động cơ hay căn tính vốn dĩ đã nhuốm màu vật dục, đời sống xã hội bị đưa đẩy bởi vật dục và dù ghét hay thương, người ta vẫn chạy bằng đôi chân vật dục.
Tỉ như có hàng triệu người không ưa, thậm chí ghét hình ảnh ông Bộ trưởng Công an Tô Lâm há mồm ăn miếng thịt bò dát vàng nhưng trong sâu thẳm người ta ngầm hiểu rằng phải có nhiều tiền, thật nhiều tiền mới được ăn miếng bò dát vàng một cách thoải mái, đầy khoái cảm như ông Lâm và phải có quyền lực hô mưa gọi gió mới không hề hấn gì sau khi há mồm ăn miếng thịt làm ảnh hưởng tới hình ảnh một đảng viên Cộng sản cao cấp như ông Lâm.
Rõ ràng, trong sâu thẳm, với động cơ vật dục đưa đẩy, người ta, mà rất nhiều người cũng công khai hoặc ngấm ngầm thèm muốn cái Tô Lâm đang nắm giữ. Đó là sự thật cho một dân tộc quá nhiều mặc cảm và người tỉnh thức ngày càng ít đi nhưng người bị chi phối bởi vật dục ngày càng đậm đặc.
Sự chi phối vật dục đậm đặc đến mức con cháu cúng kính, tưởng nhớ ông bà tổ tiên cũng cầu xin ông bà tổ tiên phù hộ cho làm ăn thật giàu có, thật nhiều tiền và hứa nếu có nhiều tiền sẽ xây mộ ông bà, tổ tiên thật to lớn.
Chi phối đến độ bất kỳ lễ cúng gì, ngay cả những hoạt động tâm linh ở các chùa, nhà thờ bây giờ cũng đậm mùi cầu tài, cầu lộc, cầu chức. Ngay cả các hoạt động nhương sao, giải hạn vốn dĩ là hoạt động có tính vị tha nhân của các nhà chiêm tinh thuở xưa, làm miễn phí, thì bây giờ, nó trở thành một loại hình lấy tiền, đổi chác.
Loại hình "cầu thần tài" cũng lên ngôi, chuyện các cô gái trẻ cho thần tài cạ vào nhũ hoa mỗi khi cúng thần tài (mồng 10 âm lịch hằng tháng) cũng là một hình thức hối lộ tình dục cho thần linh. Thử nghĩ, với thần linh người ta còn dám hối lộ tình dục thì nghĩa lý gì người trần mắt thịt mà không dám ? Hình thức hối lộ tình dục đã trở thành một nghi lễ của người Việt.
Nhìn chung, mọi thứ bị cưỡng bức gỡ bỏ cũng do đảng Cộng sản, những năm 1980 thế kỉ trước là bài học đắt giá, rồi hình thức buôn thần bán thánh cũng là do người Cộng sản, hiện tại, có ai nhiều tiền và đủ thế lực đứng sân sau các chùa chiền, miếu mạo để thu lợi tức hơn người Cộng sản ? Không phải vô duyên vô cớ mà khi nhắc tới Thiền viện Trúc Lâm Cần Thơ thì người ta nhắc tới cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, nhắc tới chùa Linh Ứng và chùa Bà Nà ở Đà Nẵng thì nhắc tới gia đình Nguyễn Bá Thanh, nhắc tới chùa Ba Vàng thì nhắc tới cựu Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và còn hàng trăm ngôi chùa lớn trên đất nước này đều có các ông kễnh đứng sân sau. Đương nhiên, lợi nhuận thu về từ con nhang, Phật tử đều được chia một cách rành mạch và sòng phẵng, có tỉ lệ phần trăm và có quảng cáo, có diễn xuất, có chương trình, kịch bản hẳn hoi...
Trở lại chuyện Sài Gòn trở nên như hiện tại, tức chuyện cúng kính cuối năm, đầu năm, các lễ âm binh diễn ra khắp hang cùng ngõ hẻm, không phải tự dưng mà có, cũng do ông Cộng sản mà ra. Không thể nói khác đi được !
Viết từ Sài Gòn
Nguồn : RFA, 21/02/2024
Hiện tượng người dân đi lễ cầu an, giải hạn, cúng bái trong những năm gần đây đang "tăng dần đều" vì người dân mất lòng tin vào 'cõi dương' nên tìm chỗ dựa ở 'cõi âm', một chuyên gia về minh triết Phương Đông trong quản trị nói với BBC.
Nhiều người đi lễ đầu năm để cầu tài cầu lộc
Truyền thông Việt Nam mấy ngày qua đưa tin vào dịp đầu năm Mậu Tuất, người dân và cả cán bộ nhà nước đổ đến các đền chùa miếu mạo để đi lễ, cúng bái.
Tiêu biểu là hiện tượng biển người đổ về dự lễ cầu an, chen chân xin lộc ở chùa Phúc Khánh, Hà Nội và hàng ngàn người rồng rắn xếp hàng về xin ấn từ 5 giờ sáng ở Đền Trần, Nam Định, theo báo chí Việt Nam.
"Đang có một cuộc khủng hoảng trong xã hội về mặt giá trị", Bà Giang Hà, chuyên gia về ứng dụng minh triết Phương Đông trong quản trị, nói với BBC hôm 2/3.
"Theo tôi, khi người ta cảm thấy mất lòng tin trong cuộc sống có thể nói là 'dương', khi người ta không biết bấu víu vào đâu thì người ta đành phải đi tìm kiếm niềm tin ở một thế giới khác - thế giới âm", bà nhận định
Theo bà, có nhiều người đi lễ 'theo phong trào' mà không tìm hiểu nguồn gốc những nghi lễ họ theo đến từ đâu.
Người dân tìm kiếm điều gì khi đi chùa ?
Bà Giang Hà cho biết người Việt Nam không những theo đạo Phật và mà còn theo đạo Khổng, đạo Mẫu (đạo nguyên thủy trước khi đạo Phật và đạo Khổng gia nhập vào Việt Nam).
Việc đi thăm đền chùa đầu năm là một hiện tượng chung về mặt tín ngưỡng, văn hóa và đều xuất phát từ mong muốn tìm một lòng tin nào đó.
Dẫn câu nói 'âm thịnh dương suy', bà Giang Hà nói phong trào đi lễ sẽ vẫn tiếp diễn trong những năm tới nếu không có thay đổi về nhận thức giá trị.
"Khi mà 'dương thịnh' hay khi người ta cuốn theo những cái đam mê trong công việc, gia đình, người ta hạnh phúc, thì người ta không mất thời gian đi cầu xin nhiều.
"Người ta chỉ có những chuyến du xuân - vào chùa là đến một nơi thanh tịnh, đi vào đền để ôn lại lịch sử và cảm nhận sự linh thiêng của mảnh đất nơi mình ở, chứ không phải để xin".
"Không có một thế lực nào, một cõi âm nào mà mầu nhiệm đến mức cứ đi xin là được, cứ đi giải hạn là không còn hạn nữa".
Khi được BBC hỏi về chuyện một số người dân phong thần cá chép hay quỳ lạy rắn nước nằm trên mộ, bà Giang Hà cho rằng, chuyện đi cầu xin một thế giới "thần thánh", cái thế giới có lẽ vượt ra ngoài tầm nhận thức của con người, cũng "gần như là tham nhũng".
"Anh không làm gì mà anh cứ đòi đi xin, đi xin thì một ngày nào đấy anh phải trả", bà nhận xét.
Từ lâu nay, con người đi chùa là để tìm nơi thanh tịnh nhưng số lượng đông đảo người đi cầu cúng lại đặt ra vấn đề về mục tiêu của các nghi lễ
Cán bộ nhà nước đi lễ trong giờ làm việc
Mặc dù chính phủ đã có công văn cấm cán bộ nhà nước đi lễ trong giờ hành chính, truyền thông Việt Nam đưa tin chuyện này vẫn xảy ra, với vụ việc nổi bật nhất là bảy cán bộ Kho bạc Nhà nước Thành phố Nam Định bị đình chỉ công tác vì làm chuyện này.
Theo bà Giang Hà, đây là do hiền triết phương Đông được áp dụng vào quản trị một cách thái quá : các cơ quan nhà nước chấp nhận tâm linh trong môi trường làm việc.
"Xét về khía cạnh tôn giáo tâm linh, lòng tin là điều rất riêng tư sâu thẳm của cá nhân, anh tin vào đâu là điều của cá nhân anh, không nên mang ra xã hội".
Nếu cứ lấy thời gian làm việc để đi lễ mong sẽ làm ăn phát đạt, không những công chức mà cả các công ty đều không mang lại hiệu quả".
Bảy cán bộ Kho bạc nhà nước Thành phố Nam Định bị đình chỉ công tác vì đi lễ Đền Trần trong giờ hành chính
Mua thần bán thánh ?
Hiện tượng thương mại hóa ở các đền chùa Việt Nam được cho là rất phổ biến.
Theo các báo Việt Nam, người dân đi du xuân, cúng lễ ở Yên Tử (Quảng Ninh) phải nộp phí từ 20.000 đồng đến 40.000 đồng.
Còn tại Đền Trần (Nam Định), các hòm công đức đã được dựng sẵn ngay phía trước các điểm phát ấn và những ai muốn được phát ấn 'tự hiểu' họ phải bỏ tiền vào hòm công đức.
Bình luận về hiện tượng này với BBC, bà Giang Hà nhận định các cơ quan truyền thông chính thống, mạng xã hội và các cơ quan chức năng của nhà nước phải chịu trách nhiệm rất lớn vì ở đây có liên quan đến việc "thao túng lòng tin của nhân dân để kiếm tiền".
Theo bà, những cơ quan này phải có vai trò lên tiếng, giáo dục, cảnh tỉnh người dân để chống lại mê tín và chuyện mua thần bán thánh một cách công khai lộ liễu.
Người dân đi lễ ở Phủ Tây Hồ, Hà Nội. Ảnh chụp ngày 28/1/2017
"Tu tại tâm"
Bà Giang Hà cho rằng những người muốn theo đạo Phật hay theo thế giới tâm linh lẽ ra chỉ cần làm một điều quan trọng nhất, đó là "tu tại tâm".
"Điều duy nhất mà họ cần làm là làm việc thiện. Chưa nói đến kiếp luân hồi hay luật nhân quả, mà đơn giản là khi tất cả mọi người trên thế giới cùng làm việc thiện thì thế giới sẽ tốt đẹp lên rất nhiều, và đương nhiên bạn cũng được hưởng cái thành quả chung đó".
Bà kêu gọi giới truyền thông, những người trí thức và trường học nên giúp người dân và học sinh có hiểu biết về triết học và tôn giáo, không phải là triết học Mác Lê Nin khô cứng, mà về những giá trị trong xã hội.
Thời gian qua, chính các tờ báo Việt Nam lại tập trung giới thiệu các nghi thức như "Nghi lễ cúng Rằm tháng Giêng đầy đủ nhất" (VietnamNet), hay "Cúng Rằm tháng Giêng thế nào cho chuẩn ?" (Tiền Phong).
Theo bà Giang Hà, hiện sống tại Paris nhưng thường về Hà Nội, thì :
"Mỗi người hãy góp một tiếng nói vào việc làm thức tỉnh những ai đang mải mê đi lễ, khấn bái, rằng việc đó không làm nên điều gì tốt đẹp cho xã hội".
"Họ nên làm những điều tốt cho môi trường, cho xã hội và nên tự đi tìm niềm đam mê khác để cân bằng lại và tìm ra giá trị của cuộc sống", bà Giang Hà nói với BBC.
Minh Thư
Nguồn : BBC, 02/03/2018
*********************
‘Cư dân mạng’ đòi tẩy chay chùa do ‘sư quốc doanh’ trụ trì (Người Việt, 01/03/2018)
Hôm 1 tháng Ba, một số facebooker đang phát đi lời kêu gọi tẩy chay Yên Tử và chùa Phúc Khánh do "sư quốc doanh" Thích Thanh Quyết trụ trì.
Thượng Tọa Thích Thanh Quyết là đại biểu Quốc Hội tỉnh Quảng Ninh. (Hình : Báo Pháp Luật)
Thượng Tọa Thích Thanh Quyết, là phó chủ tịch "Hội Đồng Trị Sự Trung Ương Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam", đồng thời còn là đại biểu Quốc Hội tỉnh Quảng Ninh.
Truyền thông Việt Nam tường thuật hội xuân Yên Tử tại tỉnh Quảng Ninh vừa khai mạc vào cuối tháng Hai có tiết mục "trồng cây đời đời nhớ ơn Hồ Chí Minh" và sự tham dự của lãnh đạo tỉnh ủy.
Việc danh thắng Yên Tử thu phí tham quan từ 20,000 đến 40,000 đồng ($0.8-1.7)/lượt trẻ em/người lớn từ ngày 1 tháng Giêng, 2018, gây tranh cãi vì người ta không rõ tiền thu sẽ được dùng vào mục đích gì, trong lúc nơi này còn có hòm công đức để Phật tử đóng góp.
Đáng lưu ý, ông Thích Thanh Quyết còn là trụ trì chùa Phúc Khánh ở Hà Nội, nơi có ghi nhận hàng ngàn người dân đổ về mỗi dịp nơi đây làm lễ dâng sao giải hạn và đại lễ cầu an.
Báo điện tử VnExpress hôm 23 tháng Hai tường thuật có đến "700 công an bảo vệ lễ dâng sao giải hạn ở chùa Phúc Khánh, trong đó có 200 cảnh sát cơ động".
Bà Trần Ngọc Mai, một giáo viên ở quận Đống Đa, gần chùa Phúc Khánh, cho nhật báo Người Việt biết : "Bây giờ ai ở Hà Nội mà không biết chùa Phúc Khánh ăn nên làm ra thế nào, cứ gọi là thu bộn mỗi dịp ngày rằm và mùng Một Âm lịch. Theo thông lệ, mỗi lần có người đến làm lễ giải hạn, cầu an, thì chùa này thu 70,000 ($3)/người. Nếu nhà có bốn người thì cứ thế nhân lên, đó là chưa kể các ‘hạng mục’ đặt lễ. Bàn thu phí của nhà chùa cứ gọi là ghi không ngớt tay phiếu đăng ký làm lễ cầu an và cúng sao giải hạn".
Một bài trên báo điện tử VTC hồi năm 2016 viết : "Một người dân ở gần chùa Phúc Khánh cho biết, vốn dĩ ban đầu đây chỉ là một ngôi chùa làng, thuộc làng Sở. Trước đây chùa cũng chỉ là nơi lễ Phật của người dân làng Sở. Chùa chỉ thu hút được nhiều người từ khắp các địa phương tìm đến trong khoảng hơn chục năm trở lại đây, đặc biệt là từ khi Thượng Tọa Thích Thanh Quyết – một bậc cao tăng nổi tiếng của Phật Giáo Việt Nam về đây trụ trì".
Tuy truyền thông "lề phải" xưng tụng ông Thích Thanh Quyết nhưng mạng xã hội ghi nhận nhiều ý kiến chỉ trích những phát ngôn của vị "sư quốc doanh" này.
Blogger Ann Đỗ viết trên trang cá nhân : "Đồng chí Thích Thanh Quyết, kiêm trụ trì khu di tích Yên Tử từng phát biểu : ‘Bản chất của kinh tế thị trường là tốt, thêm định hướng XHCN vào thì nó càng tốt hơn,’ vì vậy phí vào chùa ngày càng tăng là tốt rồi, tốt liền".
Đến nay, nhiều blogger vẫn nhắc lại phát biểu hùng hồn của ông Quyết tại một phiên họp Quốc Hội hồi năm 2014 : "Đảng và nhà nước Việt Nam phải xây dựng quân đội mạnh như quân đội Bắc Hàn". (T.K.)