Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

02/03/2018

Cúng lễ vì mất niềm tin vào 'cõi dương' ?

Minh Thư

Hiện tượng người dân đi lễ cầu an, giải hạn, cúng bái trong những năm gần đây đang "tăng dần đều" vì người dân mất lòng tin vào 'cõi dương' nên tìm chỗ dựa ở 'cõi âm', một chuyên gia về minh triết Phương Đông trong quản trị nói với BBC.

cung1

Nhiều người đi lễ đầu năm để cầu tài cầu lộc

Truyền thông Việt Nam mấy ngày qua đưa tin vào dịp đầu năm Mậu Tuất, người dân và cả cán bộ nhà nước đổ đến các đền chùa miếu mạo để đi lễ, cúng bái.

Tiêu biểu là hiện tượng biển người đổ về dự lễ cầu an, chen chân xin lộc ở chùa Phúc Khánh, Hà Nội và hàng ngàn người rồng rắn xếp hàng về xin ấn từ 5 giờ sáng ở Đền Trần, Nam Định, theo báo chí Việt Nam.

"Đang có một cuộc khủng hoảng trong xã hội về mặt giá trị", Bà Giang Hà, chuyên gia về ứng dụng minh triết Phương Đông trong quản trị, nói với BBC hôm 2/3.

"Theo tôi, khi người ta cảm thấy mất lòng tin trong cuộc sống có thể nói là 'dương', khi người ta không biết bấu víu vào đâu thì người ta đành phải đi tìm kiếm niềm tin ở một thế giới khác - thế giới âm", bà nhận định

Theo bà, có nhiều người đi lễ 'theo phong trào' mà không tìm hiểu nguồn gốc những nghi lễ họ theo đến từ đâu.

Người dân tìm kiếm điều gì khi đi chùa ?

Bà Giang Hà cho biết người Việt Nam không những theo đạo Phật và mà còn theo đạo Khổng, đạo Mẫu (đạo nguyên thủy trước khi đạo Phật và đạo Khổng gia nhập vào Việt Nam).

Việc đi thăm đền chùa đầu năm là một hiện tượng chung về mặt tín ngưỡng, văn hóa và đều xuất phát từ mong muốn tìm một lòng tin nào đó.

Dẫn câu nói 'âm thịnh dương suy', bà Giang Hà nói phong trào đi lễ sẽ vẫn tiếp diễn trong những năm tới nếu không có thay đổi về nhận thức giá trị.

"Khi mà 'dương thịnh' hay khi người ta cuốn theo những cái đam mê trong công việc, gia đình, người ta hạnh phúc, thì người ta không mất thời gian đi cầu xin nhiều.

"Người ta chỉ có những chuyến du xuân - vào chùa là đến một nơi thanh tịnh, đi vào đền để ôn lại lịch sử và cảm nhận sự linh thiêng của mảnh đất nơi mình ở, chứ không phải để xin".

"Không có một thế lực nào, một cõi âm nào mà mầu nhiệm đến mức cứ đi xin là được, cứ đi giải hạn là không còn hạn nữa".

Khi được BBC hỏi về chuyện một số người dân phong thần cá chép hay quỳ lạy rắn nước nằm trên mộ, bà Giang Hà cho rằng, chuyện đi cầu xin một thế giới "thần thánh", cái thế giới có lẽ vượt ra ngoài tầm nhận thức của con người, cũng "gần như là tham nhũng".

"Anh không làm gì mà anh cứ đòi đi xin, đi xin thì một ngày nào đấy anh phải trả", bà nhận xét.

cung2

Từ lâu nay, con người đi chùa là để tìm nơi thanh tịnh nhưng số lượng đông đảo người đi cầu cúng lại đặt ra vấn đề về mục tiêu của các nghi lễ

Cán bộ nhà nước đi lễ trong giờ làm việc

Mặc dù chính phủ đã có công văn cấm cán bộ nhà nước đi lễ trong giờ hành chính, truyền thông Việt Nam đưa tin chuyện này vẫn xảy ra, với vụ việc nổi bật nhất là bảy cán bộ Kho bạc Nhà nước Thành phố Nam Định bị đình chỉ công tác vì làm chuyện này.

Theo bà Giang Hà, đây là do hiền triết phương Đông được áp dụng vào quản trị một cách thái quá : các cơ quan nhà nước chấp nhận tâm linh trong môi trường làm việc.

"Xét về khía cạnh tôn giáo tâm linh, lòng tin là điều rất riêng tư sâu thẳm của cá nhân, anh tin vào đâu là điều của cá nhân anh, không nên mang ra xã hội".

Nếu cứ lấy thời gian làm việc để đi lễ mong sẽ làm ăn phát đạt, không những công chức mà cả các công ty đều không mang lại hiệu quả".

cung3

Bảy cán bộ Kho bạc nhà nước Thành phố Nam Định bị đình chỉ công tác vì đi lễ Đền Trần trong giờ hành chính

Mua thần bán thánh ?

Hiện tượng thương mại hóa ở các đền chùa Việt Nam được cho là rất phổ biến.

Theo các báo Việt Nam, người dân đi du xuân, cúng lễ ở Yên Tử (Quảng Ninh) phải nộp phí từ 20.000 đồng đến 40.000 đồng.

Còn tại Đền Trần (Nam Định), các hòm công đức đã được dựng sẵn ngay phía trước các điểm phát ấn và những ai muốn được phát ấn 'tự hiểu' họ phải bỏ tiền vào hòm công đức.

Bình luận về hiện tượng này với BBC, bà Giang Hà nhận định các cơ quan truyền thông chính thống, mạng xã hội và các cơ quan chức năng của nhà nước phải chịu trách nhiệm rất lớn vì ở đây có liên quan đến việc "thao túng lòng tin của nhân dân để kiếm tiền".

Theo bà, những cơ quan này phải có vai trò lên tiếng, giáo dục, cảnh tỉnh người dân để chống lại mê tín và chuyện mua thần bán thánh một cách công khai lộ liễu.

cung4

Người dân đi lễ ở Phủ Tây Hồ, Hà Nội. Ảnh chụp ngày 28/1/2017

"Tu tại tâm"

Bà Giang Hà cho rằng những người muốn theo đạo Phật hay theo thế giới tâm linh lẽ ra chỉ cần làm một điều quan trọng nhất, đó là "tu tại tâm".

"Điều duy nhất mà họ cần làm là làm việc thiện. Chưa nói đến kiếp luân hồi hay luật nhân quả, mà đơn giản là khi tất cả mọi người trên thế giới cùng làm việc thiện thì thế giới sẽ tốt đẹp lên rất nhiều, và đương nhiên bạn cũng được hưởng cái thành quả chung đó".

Bà kêu gọi giới truyền thông, những người trí thức và trường học nên giúp người dân và học sinh có hiểu biết về triết học và tôn giáo, không phải là triết học Mác Lê Nin khô cứng, mà về những giá trị trong xã hội.

Thời gian qua, chính các tờ báo Việt Nam lại tập trung giới thiệu các nghi thức như "Nghi lễ cúng Rằm tháng Giêng đầy đủ nhất" (VietnamNet), hay "Cúng Rằm tháng Giêng thế nào cho chuẩn ?" (Tiền Phong).

Theo bà Giang Hà, hiện sống tại Paris nhưng thường về Hà Nội, thì :

"Mỗi người hãy góp một tiếng nói vào việc làm thức tỉnh những ai đang mải mê đi lễ, khấn bái, rằng việc đó không làm nên điều gì tốt đẹp cho xã hội".

"Họ nên làm những điều tốt cho môi trường, cho xã hội và nên tự đi tìm niềm đam mê khác để cân bằng lại và tìm ra giá trị của cuộc sống", bà Giang Hà nói với BBC.

Minh Thư

Nguồn : BBC, 02/03/2018

*********************

‘Cư dân mạng’ đòi tẩy chay chùa do ‘sư quốc doanh’ trụ trì (Người Việt, 01/03/2018)

Hôm 1 tháng Ba, một số facebooker đang phát đi lời kêu gọi tẩy chay Yên Tử và chùa Phúc Khánh do "sư quốc doanh" Thích Thanh Quyết trụ trì.

cung5

Thượng Tọa Thích Thanh Quyết là đại biểu Quốc Hội tỉnh Quảng Ninh. (Hình : Báo Pháp Luật)

Thượng Tọa Thích Thanh Quyết, là phó chủ tịch "Hội Đồng Trị Sự Trung Ương Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam", đồng thời còn là đại biểu Quốc Hội tỉnh Quảng Ninh.

Truyền thông Việt Nam tường thuật hội xuân Yên Tử tại tỉnh Quảng Ninh vừa khai mạc vào cuối tháng Hai có tiết mục "trồng cây đời đời nhớ ơn Hồ Chí Minh" và sự tham dự của lãnh đạo tỉnh ủy.

Việc danh thắng Yên Tử thu phí tham quan từ 20,000 đến 40,000 đồng ($0.8-1.7)/lượt trẻ em/người lớn từ ngày 1 tháng Giêng, 2018, gây tranh cãi vì người ta không rõ tiền thu sẽ được dùng vào mục đích gì, trong lúc nơi này còn có hòm công đức để Phật tử đóng góp.

Đáng lưu ý, ông Thích Thanh Quyết còn là trụ trì chùa Phúc Khánh ở Hà Nội, nơi có ghi nhận hàng ngàn người dân đổ về mỗi dịp nơi đây làm lễ dâng sao giải hạn và đại lễ cầu an.

Báo điện tử VnExpress hôm 23 tháng Hai tường thuật có đến "700 công an bảo vệ lễ dâng sao giải hạn ở chùa Phúc Khánh, trong đó có 200 cảnh sát cơ động".

Bà Trần Ngọc Mai, một giáo viên ở quận Đống Đa, gần chùa Phúc Khánh, cho nhật báo Người Việt biết : "Bây giờ ai ở Hà Nội mà không biết chùa Phúc Khánh ăn nên làm ra thế nào, cứ gọi là thu bộn mỗi dịp ngày rằm và mùng Một Âm lịch. Theo thông lệ, mỗi lần có người đến làm lễ giải hạn, cầu an, thì chùa này thu 70,000 ($3)/người. Nếu nhà có bốn người thì cứ thế nhân lên, đó là chưa kể các ‘hạng mục’ đặt lễ. Bàn thu phí của nhà chùa cứ gọi là ghi không ngớt tay phiếu đăng ký làm lễ cầu an và cúng sao giải hạn".

Một bài trên báo điện tử VTC hồi năm 2016 viết : "Một người dân ở gần chùa Phúc Khánh cho biết, vốn dĩ ban đầu đây chỉ là một ngôi chùa làng, thuộc làng Sở. Trước đây chùa cũng chỉ là nơi lễ Phật của người dân làng Sở. Chùa chỉ thu hút được nhiều người từ khắp các địa phương tìm đến trong khoảng hơn chục năm trở lại đây, đặc biệt là từ khi Thượng Tọa Thích Thanh Quyết – một bậc cao tăng nổi tiếng của Phật Giáo Việt Nam về đây trụ trì".

Tuy truyền thông "lề phải" xưng tụng ông Thích Thanh Quyết nhưng mạng xã hội ghi nhận nhiều ý kiến chỉ trích những phát ngôn của vị "sư quốc doanh" này.

Blogger Ann Đỗ viết trên trang cá nhân : "Đồng chí Thích Thanh Quyết, kiêm trụ trì khu di tích Yên Tử từng phát biểu : ‘Bản chất của kinh tế thị trường là tốt, thêm định hướng XHCN vào thì nó càng tốt hơn,’ vì vậy phí vào chùa ngày càng tăng là tốt rồi, tốt liền".

Đến nay, nhiều blogger vẫn nhắc lại phát biểu hùng hồn của ông Quyết tại một phiên họp Quốc Hội hồi năm 2014 : "Đảng và nhà nước Việt Nam phải xây dựng quân đội mạnh như quân đội Bắc Hàn". (T.K.)

Quay lại trang chủ
Read 736 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)