Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

mardi, 07 mars 2023 23:35

Người Việt đang say mồi

Đôi khi, con người trở nên giống hệt con vật, và thậm chí, con vật có những điểm dễ thương, sang trọng hơn con người. Bởi, từ cổ chí kim, con người đi câu cá, đi bẫy thú… để có cái ăn, con thú vì say mồi của con người mà chết, thế rồi, đến lúc con người đặt bẫy nhau, con người câu nhau bằng những con mồi nghe ra rất đỗi văn minh, kỳ thực, đó là một thứ mồi cấp thấp và đầy sỉ nhục. Người ta câu người nghèo bằng miếng ăn, câu nhà giàu bằng sức khỏe và câu kẻ có quyền lực bằng bả mê tín, người Việt đang say mồi.

f881

F88 có mạng lưới lên tới 830 phòng giao dịch tính đến tháng 1/2023.

Tổng công ty đòi nợ thuê, làm các dịch vụ tín dụng và thương mại đen F88 vừa bị công an thành phố sờ gáy, và Sài Gòn còn bao nhiêu công ty, bao nhiêu tổng công ty loại hình này ? Câu hỏi này nghe tưởng chừng rất đơn giản, tưởng chừng có thể thống kê tất cả các công ty, điều tra, phát lệnh bắt, sung tài sản công quĩ, trả lại mặt bằng dân sinh, trả lại an ninh kinh tế cho người dân, xong ! Thế nhưng nếu đơn giản vậy thì có gì để nói ?

Ở đây chưa đề cập đến vấn đề hành lang và thủ tục pháp lý để bắt và dọn sạch loại hình tín dụng đen, đòi nợ thuê, mua nợ… này. Mà vấn đề là miếng mồi câu đã được sử dụng đắt địa, nhất là trong lúc này, sau ba năm dịch giã, sau cái đói, nỗi khốn cùng của trốn chạy, bị giam lỏng, bị cấm cửa, phong tỏa và chết chóc… kinh tế suy thoái, kiệt quệ, đời sống của người lao động trở nên khốn cùng hơn bao giờ. Đây cũng là lúc mà người ta đâu còn đủ thời gian để suy nghĩ đến những thứ gì cho ra tấm ra mẻ, kiếm ăn, cái ăn thúc giục… Những cái app dành cho người không hiểu biết về kinh tế, hay nói đúng hơn là người nghèo, chỉ biết quanh quẩn cơm áo gạo tiền, đắp đổi qua ngày đoạn tháng như những con mồi câu người nghèo.

Hàng triệu tin nhắn, cú điện thoại và lời dụ dỗ ngon ngọt được tung vào thị trường lao động, trên những chiếc điện thoại thông minh (có xuất xứ Trung Quốc, giá vừa phải để người lao động mua mà xài Zalo, WhatsApp, Viber, Facebook, Facebook Messenger… để thỏa sức gọi miễn phí, thỏa sức lượt web), những lời dụ dỗ kiểu như "Đầu tư thu lãi 20% chỉ sau một giờ", và những con cá cắn mồi ngay tức thì bởi một triệu đồng đầu tiên không phải bỏ ra mà chính "nhà đầu tư" tặng, hôm sau có ngay 200.000 đồng tiền thật gởi vào tài khoản. Đương nhiên, để có 200.000 đồng kia, con mồi trước đó đã "thử" cho thông tin cá nhân, gồm cả số căn cước công dân, địa chỉ nhà và thông tin của những người trong gia đình. Hôm sau, tiền lãi không thấy vì bạn chưa chính thức đầu tư, vậy là chuyển vào 1.000.000 đồng, lại sinh lãi 200.000 đồng. Câu chuyện bắt đầu từ chỗ này, nếu không duy trì đầu tư, tái đầu tư, thì tài khoản có nguy cơ bị đóng. Như vậy là tiếp tục vay mượn mà "đầu tư", cho đến khi tài khoản không nhận được thông báo gì mới và đăng nhập cũng không được bởi vì nó đã bốc hơi, tiền cũng bốc hơi theo nó…

Điều đó cũng đồng nghĩa với việc kẻ lừa đảo đã thả mấy miếng mồi trị giá vài trăm ngàn đồng cho người nghèo, vì thấy dễ ăn, người nghèo đớp phải mồi và cuối cùng trượt dài, sập bẫy. Kiểu bẫy như thế này diễn ra khắp đất nước, hầu hết lao động nghèo, sinh viên mới ra trường (dính các loại bẫy "cộng tác viên") và những người làm công nhân lương ba đồng ba cọc… Tất cả đều dính bẫy và có mẫu số chung là ít hiểu biết về thị trường, ít hiểu biết về tình hình kinh tế, chính trị trong nước, khu vực và quốc tế, nếu không muốn nói rằng có người không có kiến thức về những vấn đề vừa nêu. Và trên hết, mẫu số chung của họ là Nghèo Khổ, Thất Nghiệp, Cần Tiền. Họ bị dính bẫy miếng ăn, một cái bẫy đầy sỉ nhục cho một đất nước tự xem mình đã phát triển và tiến bộ.

Vấn đề ở đây là tại sao người ta lại bị sập bẫy hàng loạt ? Khi đặt câu hỏi này, thì lại phát sinh một câu trả lời khác ở một câu hỏi khác, tại sao người giàu bị sập bẫy sức khỏe và người có quyền lực bị sập bẫy mê tín ?

Hiện tại, dịch vụ "tư vấn tâm linh" kiểu như chùa Ba Vàng có mặt ở khắp hang cùng ngõ hẻm, không riêng gì vụ "giải vong" của chùa Ba Vàng và cũng không riêng gì các chùa có loại hình dịch vụ này mà các điện, đền, miếu, lăng… đều có. Khách hàng của những nơi này là ai, con nhang đệ tử là ai ? Đương nhiên giới nhà giàu có làm ăn dây mơ rễ má với nhà nước, giới đứng sân sau và giới quan chức chứ giới nhà giàu kinh doanh độc lập thì chẳng mấy ai rảnh hơi mà tới đây. Nhưng tại sao giới quan chức và nhà giàu sân sau lại chuộng những chỗ này ? Bởi hai nguyên nhân : trình độ hiểu biết thấp và sợ hãi.

Trình độ thấp vì ông nào cũng có bằng cử nhân, tiến sĩ, thậm chí có rất nhiều bằng cấp nhưng toàn bằng mua, đầu óc đặc sệt, đâu có suy nghĩ gì được ngoài các thủ đoạn để đá nhau, để triệt tiêu nhau và nắm cho được quyền lực trong tay. Vì trình độ hiểu biết thấp nên mới bất chấp gây ra thủ đoạn, vì gây ra nợ oan, dùng thủ đoạn quá nhiều và quá độc nên sợ Nghiệp, lựa chọn đầy tính mê tín và dốt nát của nhóm người này giải thích và chứng minh cho nhân thân của họ. Và đây cũng là nguyên nhân sập bẫy mê tín. Thử nghĩ, những nhà lãnh đạo sáng suốt và thiên tài, những cán bộ cúc cung tận tụy phục vụ nhân dân, gương mẫu của nhân dân mà xám xịt, u tối cỡ đó, thì nhân dân sáng suốt cỡ nào, chắc không cần bàn thêm !

f882

Một xã hội mà ở đó, người giàu có thì dính mồi sức khỏe, kẻ có quyền lực thì dính mồi mê tín, người nghèo khổ thì dính mồi miếng ăn, mọi tầng lớp đều có mồi và bẫy riêng của nó, thì liệu xã hội đó có bình yên hay không ?

Ở những người giàu, thì cái bẫy sức khỏe được giăng ra chờ sẵn, sống trong xứ sở mà đụng đâu cũng thấy độc, trong suy nghĩ cũng chứa độc thì làm sao con người có thể thoát được bệnh tật và chết chóc ám ảnh. Khi có tiền, người ta bắt đầu lo sợ về sức khỏe, "nhà giàu đứt tay bằng ăn mày đổ ruột" là vậy. Và nắm được tâm lý này, những miếng mồi về sức khỏe, từ kiểu điều trị đặc dị, các loại thuốc tráng dương bổ thận hay các loại đặc trị tốn bạc tỉ mới xuất hiện mà kỳ thực, nhiều khi nó chỉ là thứ độc dược khác đưa vào cơ thể. Đâu dừng ở những kiểu lang vườn quái dị của giới nhà giàu mà ngay cả các bệnh viện, các bác sĩ có ăn học tử tế cũng đổi màu, cũng tự biến họ thành một loại máy chém. Bởi họ biết, trong xã hội họ sống, những người thực sự quan tâm đến sức khỏe cũng là những người thực sự có tiền và sợ chết.

Thử hình dung (mà đúng hơn là khái quát, nhìn thẳng vào những gì xã hội Việt Nam đang là) một xã hội mà ở đó, người giàu có thì mắc bẫy, dính mồi sức khỏe, kẻ có quyền lực thì dính mồi mê tín, người nghèo khổ thì dính mồi miếng ăn, mọi tầng lớp đều có mồi và bẫy riêng của nó, thì liệu xã hội đó có bình yên hay không ? Và đến bao giờ con người thôi bị sỉ nhục vì bẫy miếng ăn ? Đến bao giờ con người thôi ngu dốt, trì trệ vì bẫy mê tín ? Đến bao giờ con người thôi hoang mang và bất an vì bẫy sức khỏe ? Câu trả lời rằng mọi thứ cũng không quá phức tạp, khi mà hệ thống lãnh đạo thôi bệnh hoạn, được lành mạnh và người dân từ nghèo tới giàu được thực sự hiểu biết, được hành xử văn minh trong một sinh quyển tự do, tự chủ và văn minh.

Câu trả lời nghe có vẻ đơn giản trong thế kỉ 21, thế nhưng với một số dân tộc sống dưới ách độc tài, đây là là giấc mơ quá xa vời, bởi nói cho cùng, người Việt đang say mồi !

Viết từ Sài Gòn

Nguồn : RFA, 07/03/2023

Published in Diễn đàn

Hiện tượng người dân đi lễ cầu an, giải hạn, cúng bái trong những năm gần đây đang "tăng dần đều" vì người dân mất lòng tin vào 'cõi dương' nên tìm chỗ dựa ở 'cõi âm', một chuyên gia về minh triết Phương Đông trong quản trị nói với BBC.

cung1

Nhiều người đi lễ đầu năm để cầu tài cầu lộc

Truyền thông Việt Nam mấy ngày qua đưa tin vào dịp đầu năm Mậu Tuất, người dân và cả cán bộ nhà nước đổ đến các đền chùa miếu mạo để đi lễ, cúng bái.

Tiêu biểu là hiện tượng biển người đổ về dự lễ cầu an, chen chân xin lộc ở chùa Phúc Khánh, Hà Nội và hàng ngàn người rồng rắn xếp hàng về xin ấn từ 5 giờ sáng ở Đền Trần, Nam Định, theo báo chí Việt Nam.

"Đang có một cuộc khủng hoảng trong xã hội về mặt giá trị", Bà Giang Hà, chuyên gia về ứng dụng minh triết Phương Đông trong quản trị, nói với BBC hôm 2/3.

"Theo tôi, khi người ta cảm thấy mất lòng tin trong cuộc sống có thể nói là 'dương', khi người ta không biết bấu víu vào đâu thì người ta đành phải đi tìm kiếm niềm tin ở một thế giới khác - thế giới âm", bà nhận định

Theo bà, có nhiều người đi lễ 'theo phong trào' mà không tìm hiểu nguồn gốc những nghi lễ họ theo đến từ đâu.

Người dân tìm kiếm điều gì khi đi chùa ?

Bà Giang Hà cho biết người Việt Nam không những theo đạo Phật và mà còn theo đạo Khổng, đạo Mẫu (đạo nguyên thủy trước khi đạo Phật và đạo Khổng gia nhập vào Việt Nam).

Việc đi thăm đền chùa đầu năm là một hiện tượng chung về mặt tín ngưỡng, văn hóa và đều xuất phát từ mong muốn tìm một lòng tin nào đó.

Dẫn câu nói 'âm thịnh dương suy', bà Giang Hà nói phong trào đi lễ sẽ vẫn tiếp diễn trong những năm tới nếu không có thay đổi về nhận thức giá trị.

"Khi mà 'dương thịnh' hay khi người ta cuốn theo những cái đam mê trong công việc, gia đình, người ta hạnh phúc, thì người ta không mất thời gian đi cầu xin nhiều.

"Người ta chỉ có những chuyến du xuân - vào chùa là đến một nơi thanh tịnh, đi vào đền để ôn lại lịch sử và cảm nhận sự linh thiêng của mảnh đất nơi mình ở, chứ không phải để xin".

"Không có một thế lực nào, một cõi âm nào mà mầu nhiệm đến mức cứ đi xin là được, cứ đi giải hạn là không còn hạn nữa".

Khi được BBC hỏi về chuyện một số người dân phong thần cá chép hay quỳ lạy rắn nước nằm trên mộ, bà Giang Hà cho rằng, chuyện đi cầu xin một thế giới "thần thánh", cái thế giới có lẽ vượt ra ngoài tầm nhận thức của con người, cũng "gần như là tham nhũng".

"Anh không làm gì mà anh cứ đòi đi xin, đi xin thì một ngày nào đấy anh phải trả", bà nhận xét.

cung2

Từ lâu nay, con người đi chùa là để tìm nơi thanh tịnh nhưng số lượng đông đảo người đi cầu cúng lại đặt ra vấn đề về mục tiêu của các nghi lễ

Cán bộ nhà nước đi lễ trong giờ làm việc

Mặc dù chính phủ đã có công văn cấm cán bộ nhà nước đi lễ trong giờ hành chính, truyền thông Việt Nam đưa tin chuyện này vẫn xảy ra, với vụ việc nổi bật nhất là bảy cán bộ Kho bạc Nhà nước Thành phố Nam Định bị đình chỉ công tác vì làm chuyện này.

Theo bà Giang Hà, đây là do hiền triết phương Đông được áp dụng vào quản trị một cách thái quá : các cơ quan nhà nước chấp nhận tâm linh trong môi trường làm việc.

"Xét về khía cạnh tôn giáo tâm linh, lòng tin là điều rất riêng tư sâu thẳm của cá nhân, anh tin vào đâu là điều của cá nhân anh, không nên mang ra xã hội".

Nếu cứ lấy thời gian làm việc để đi lễ mong sẽ làm ăn phát đạt, không những công chức mà cả các công ty đều không mang lại hiệu quả".

cung3

Bảy cán bộ Kho bạc nhà nước Thành phố Nam Định bị đình chỉ công tác vì đi lễ Đền Trần trong giờ hành chính

Mua thần bán thánh ?

Hiện tượng thương mại hóa ở các đền chùa Việt Nam được cho là rất phổ biến.

Theo các báo Việt Nam, người dân đi du xuân, cúng lễ ở Yên Tử (Quảng Ninh) phải nộp phí từ 20.000 đồng đến 40.000 đồng.

Còn tại Đền Trần (Nam Định), các hòm công đức đã được dựng sẵn ngay phía trước các điểm phát ấn và những ai muốn được phát ấn 'tự hiểu' họ phải bỏ tiền vào hòm công đức.

Bình luận về hiện tượng này với BBC, bà Giang Hà nhận định các cơ quan truyền thông chính thống, mạng xã hội và các cơ quan chức năng của nhà nước phải chịu trách nhiệm rất lớn vì ở đây có liên quan đến việc "thao túng lòng tin của nhân dân để kiếm tiền".

Theo bà, những cơ quan này phải có vai trò lên tiếng, giáo dục, cảnh tỉnh người dân để chống lại mê tín và chuyện mua thần bán thánh một cách công khai lộ liễu.

cung4

Người dân đi lễ ở Phủ Tây Hồ, Hà Nội. Ảnh chụp ngày 28/1/2017

"Tu tại tâm"

Bà Giang Hà cho rằng những người muốn theo đạo Phật hay theo thế giới tâm linh lẽ ra chỉ cần làm một điều quan trọng nhất, đó là "tu tại tâm".

"Điều duy nhất mà họ cần làm là làm việc thiện. Chưa nói đến kiếp luân hồi hay luật nhân quả, mà đơn giản là khi tất cả mọi người trên thế giới cùng làm việc thiện thì thế giới sẽ tốt đẹp lên rất nhiều, và đương nhiên bạn cũng được hưởng cái thành quả chung đó".

Bà kêu gọi giới truyền thông, những người trí thức và trường học nên giúp người dân và học sinh có hiểu biết về triết học và tôn giáo, không phải là triết học Mác Lê Nin khô cứng, mà về những giá trị trong xã hội.

Thời gian qua, chính các tờ báo Việt Nam lại tập trung giới thiệu các nghi thức như "Nghi lễ cúng Rằm tháng Giêng đầy đủ nhất" (VietnamNet), hay "Cúng Rằm tháng Giêng thế nào cho chuẩn ?" (Tiền Phong).

Theo bà Giang Hà, hiện sống tại Paris nhưng thường về Hà Nội, thì :

"Mỗi người hãy góp một tiếng nói vào việc làm thức tỉnh những ai đang mải mê đi lễ, khấn bái, rằng việc đó không làm nên điều gì tốt đẹp cho xã hội".

"Họ nên làm những điều tốt cho môi trường, cho xã hội và nên tự đi tìm niềm đam mê khác để cân bằng lại và tìm ra giá trị của cuộc sống", bà Giang Hà nói với BBC.

Minh Thư

Nguồn : BBC, 02/03/2018

*********************

‘Cư dân mạng’ đòi tẩy chay chùa do ‘sư quốc doanh’ trụ trì (Người Việt, 01/03/2018)

Hôm 1 tháng Ba, một số facebooker đang phát đi lời kêu gọi tẩy chay Yên Tử và chùa Phúc Khánh do "sư quốc doanh" Thích Thanh Quyết trụ trì.

cung5

Thượng Tọa Thích Thanh Quyết là đại biểu Quốc Hội tỉnh Quảng Ninh. (Hình : Báo Pháp Luật)

Thượng Tọa Thích Thanh Quyết, là phó chủ tịch "Hội Đồng Trị Sự Trung Ương Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam", đồng thời còn là đại biểu Quốc Hội tỉnh Quảng Ninh.

Truyền thông Việt Nam tường thuật hội xuân Yên Tử tại tỉnh Quảng Ninh vừa khai mạc vào cuối tháng Hai có tiết mục "trồng cây đời đời nhớ ơn Hồ Chí Minh" và sự tham dự của lãnh đạo tỉnh ủy.

Việc danh thắng Yên Tử thu phí tham quan từ 20,000 đến 40,000 đồng ($0.8-1.7)/lượt trẻ em/người lớn từ ngày 1 tháng Giêng, 2018, gây tranh cãi vì người ta không rõ tiền thu sẽ được dùng vào mục đích gì, trong lúc nơi này còn có hòm công đức để Phật tử đóng góp.

Đáng lưu ý, ông Thích Thanh Quyết còn là trụ trì chùa Phúc Khánh ở Hà Nội, nơi có ghi nhận hàng ngàn người dân đổ về mỗi dịp nơi đây làm lễ dâng sao giải hạn và đại lễ cầu an.

Báo điện tử VnExpress hôm 23 tháng Hai tường thuật có đến "700 công an bảo vệ lễ dâng sao giải hạn ở chùa Phúc Khánh, trong đó có 200 cảnh sát cơ động".

Bà Trần Ngọc Mai, một giáo viên ở quận Đống Đa, gần chùa Phúc Khánh, cho nhật báo Người Việt biết : "Bây giờ ai ở Hà Nội mà không biết chùa Phúc Khánh ăn nên làm ra thế nào, cứ gọi là thu bộn mỗi dịp ngày rằm và mùng Một Âm lịch. Theo thông lệ, mỗi lần có người đến làm lễ giải hạn, cầu an, thì chùa này thu 70,000 ($3)/người. Nếu nhà có bốn người thì cứ thế nhân lên, đó là chưa kể các ‘hạng mục’ đặt lễ. Bàn thu phí của nhà chùa cứ gọi là ghi không ngớt tay phiếu đăng ký làm lễ cầu an và cúng sao giải hạn".

Một bài trên báo điện tử VTC hồi năm 2016 viết : "Một người dân ở gần chùa Phúc Khánh cho biết, vốn dĩ ban đầu đây chỉ là một ngôi chùa làng, thuộc làng Sở. Trước đây chùa cũng chỉ là nơi lễ Phật của người dân làng Sở. Chùa chỉ thu hút được nhiều người từ khắp các địa phương tìm đến trong khoảng hơn chục năm trở lại đây, đặc biệt là từ khi Thượng Tọa Thích Thanh Quyết – một bậc cao tăng nổi tiếng của Phật Giáo Việt Nam về đây trụ trì".

Tuy truyền thông "lề phải" xưng tụng ông Thích Thanh Quyết nhưng mạng xã hội ghi nhận nhiều ý kiến chỉ trích những phát ngôn của vị "sư quốc doanh" này.

Blogger Ann Đỗ viết trên trang cá nhân : "Đồng chí Thích Thanh Quyết, kiêm trụ trì khu di tích Yên Tử từng phát biểu : ‘Bản chất của kinh tế thị trường là tốt, thêm định hướng XHCN vào thì nó càng tốt hơn,’ vì vậy phí vào chùa ngày càng tăng là tốt rồi, tốt liền".

Đến nay, nhiều blogger vẫn nhắc lại phát biểu hùng hồn của ông Quyết tại một phiên họp Quốc Hội hồi năm 2014 : "Đảng và nhà nước Việt Nam phải xây dựng quân đội mạnh như quân đội Bắc Hàn". (T.K.)

Published in Diễn đàn