Tinh giản bộ máy ngành Công an là chủ trương từ Bộ Chính trị, cơ quan quyền lực cao nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam, sau đó được cụ thể hoá bằng Nghị định 01 của Chính phủ.
Trung tướng Bùi Văn Thành trong một kiểm tra công tác Phòng cháy chữa cháy. Gần đây, ông đã bị giáng quân hàm vì liên quan đến vụ Phan Văn Anh Vũ
Đề án chi tiết không được công khai, nhưng những tin tức trên báo chí cho thấy tầm quan trọng của vấn đề.
Từ ngày 7/8 Bộ Công an còn lại hơn 50 cục sau khi xóa bỏ 6 tổng cục, giảm 60 đơn vị cấp cục, 300 đơn vị cấp phòng thuộc bộ, 500 đơn vị cấp phòng thuộc công an tỉnh, 1000 đơn vị cấp đội thuộc công an huyện, 20 Sở Cảnh sát Phòng cháy Chữa cháy được sáp nhập vào công an tỉnh, thành phố.
Mục tiêu của đề án là biên chế Bộ Công an đến 2020 giảm 10%, trong đó có việc đưa dần 25.000 công an viên chính quy về xã làm việc.
Tại sao Bộ Công an được lựa chọn để cải tổ mạnh mẽ ?
Bộ Công an từng được coi là bộ 'siêu quyền lực'.
Theo số liệu từ chuyên gia thống kê Liên Hiệp Quốc, tổ chức bộ máy của bộ này trước tinh giản có nhân sự khoảng 600.000 cán bộ, nhân viên, và chi tiêu cho bộ chiếm tới 12% tổng chi ngân sách Nhà nước.
Đã từng có những phê phán, cảnh báo về tình trạng 'công an trị'.
Hơn thế, trong quá trình chuyển đổi sang kinh tế thị trường việc bảo trợ chính trị nặng nề đã diễn ra trong thời gian dài khi Chính phủ có thẩm quyền đối với các chức vụ công, các thành viên nắm giữ các quyền phân phối trực tiếp các nguồn lực xã hội.
Bộ Công an bị có lúc bị coi là 'thành trì' phe phái trong Đảng Cộng sản trước và trong Đại hội 12.
Nhiều lãnh đạo đảng và chính quyền hiện nay đang nắm giữ cương vị cao trong guồng máy 'trưởng thành' từ cán bộ ngành công an các nhiệm kỳ trước.
Bởi vậy, chống "tự chuyển hoá, tự diễn biến", ngăn ngừa hình thành phe phái trong nội bộ Đảng cần được nhìn nhận là một trong những mục tiêu quan trọng của việc cải tổ Bộ Công an.
Để chỉ đạo trực tiếp, lần đầu tiên Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tham gia Đảng ủy và Ban thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương nhiệm kỳ 2015-2020.
Nhiều nhà quan sát chính trị cho rằng cải tổ mạnh mẽ ngành Công an tạo điều kiện tăng cường tập trung quyền lực Đảng. Nắm được Bộ Công an, Tổng bí thư, Bộ chính trị sẽ thuận lợi hơn trong việc đẩy lùi "tự diễn biến, tự chuyển hoá" dẫn đến hình thành phe nhóm.
Sự chuẩn bị nhân sự cho Đại hội 13, dự kiến được bàn thảo trong các Hội nghị trung ương tới đây, sẽ theo kịch bản chủ động của Đảng.
Quá trình tinh giản đang triển khai, nên chưa thể đánh giá thành công đến mức độ nào.
Tuy nhiên, tác động to lớn của nó là không tránh khỏi.
Trên các phương tiện truyền thông đưa tin những nhiều tướng lĩnh, sĩ quan công an bị kỷ luật giáng chức, một số xin nghỉ chế độ trước tuổi, những băn khoăn rằng số biên chế dôi dư sẽ như thế nào, thậm chí đặt lại vấn đề cơ sở khoa học của đề án tinh giản bộ máy…
Cải tổ ngành Công an có thể thay đổi tư duy cải cách ?
Câu trả lời là bản chất của ngành Công an không thể thay đổi khi nó vẫn được coi là công cụ của chuyên chính vô sản, công cụ của Đảng.
Những người xây dựng gọi đề án là "tinh giản" thay vì "cải tổ" không chỉ thuần tuý ở khía cạnh tâm lý, mà còn khẳng định duy trì bản chất.
Bộ máy ngành Công an quá cồng kềnh ?
Sự cải tổ ngành Công an không thể làm thay đổi chế độ; tuy nhiên, những kết quả của đề án có thể nhận thấy.
Giả sử đến năm 2020 giảm 10% tương đương với khoảng 60 nghìn người, trong đó giảm nhiều tướng lĩnh, sĩ quan công an, ngân sách bớt gánh nặng và có thể được chi tiêu hợp lý hơn, người dân bớt nghi ngờ và ủng hộ chính sách tinh giản bộ máy và biên chế…
Bài học cải cách bộ máy có thể rút ra từ đây là dù lĩnh vực, bộ, ngành quan trọng hay 'nhạy cảm' đến đâu, nếu Đảng Cộng sản quyết tâm thay đổi vì dân, vì sự phát triển sẽ được nhân dân ủng hộ và sẽ mang lại kết quả tích cực.
Trong bối cảnh hiện nay dù phức tạp và biến đổi nhanh, song những yếu tố tích cực như khuyến khích tự do kinh tế trên cơ sở giải phóng nguồn lực thiên nhiên, xã hội và con người, nỗ lực loại bỏ các rào cản thể chế… khi trở thành chính sách nhất quán sẽ thúc đẩy cải cách bộ máy và nhân sự.
Nhiều nghiên cứu cải cách bộ máy trước đây đã chỉ ra rằng "càng chủ trương giảm thì càng tăng".
Nguyên nhân có nhiều, song cơ bản là do bản chất nội sinh của thể chế.
Đã đến lúc cần nhìn nhận lại một số vấn đề cải cách để có giải pháp đột phá.
Trước hết, các quan điểm như "Đảng lãnh đạo, nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ", "ổn định xã hội để phát triển kinh tế", "kinh tế thị trường định hướng XHCN"… cần được nhìn nhận và vận dụng phù hợp với thực tế chuyển đổi sang kinh tế thị trường, sao cho chúng không thể tạo ra nơi ẩn náu của lối tư duy giáo điều, bảo thủ, trì trệ, không chịu đổi mới, ngăn cản các quyền hiến định về tự do biểu đạt ôn hoà, tổ chức xã hội dân sự, hội họp, biểu tình…
Trong lĩnh vực kinh tế, cần thay đổi cách nhìn nhận về kinh tế thị trường, nó là sản phẩm tự nhiên của sự phát triển nhân loại. Đảng cần thay đổi để thích nghi, chứ không phải ngược lại.
Bởi vậy, các doanh nghiệp nhà nước vốn là sản phẩm của kinh tế tập trung cần phải được tư nhân hoá chứ không thể níu kéo bởi "vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước".
Tự do kinh tế cần được hỗ trợ bởi cải cách bằng cơ chế chính sách và bộ máy để loại bỏ cản trở cải cách hành chính và tạo môi trường kinh doanh thuận lợi hơn cho doanh nghiệp và người dân…
Sức ép ngày càng lớn đối với cải cách bộ máy Đảng Cộng sản Việt Nam và Nhà nước xuất phát từ bộ máy quan liêu cồng kềnh, phình to trong thời gian dài, nạn tham nhũng trầm trọng, suy thoái đạo đức công vụ và cung cấp dịch vụ cho người dân với hiệu quả kém.
Thượng tướng Tô Lâm nói tổ chức bộ máy Bộ Công an sẽ tập trung, thống nhất, chuyên sâu, tinh gọn, theo hướng "Bộ tinh, tỉnh mạnh, huyện toàn diện, xã bám cơ sở"
Bộ máy và nhân sự hiện tại không thích hợp với việc chuyển đổi sang kinh tế thị trường, bởi vậy tư duy cải cách bộ máy cần xuất phát từ nhu cầu của xã hội, doanh nghiệp và người dân.
Các nhà cải cách, từ phía cung, cần thiết kế bộ máy và nhân sự sao cho nhu cầu được đáp ứng tốt nhất, cắt giảm những bộ phận không cần thiết, cản trở phát triển.
Trong đó, loại bỏ những nhóm đặc quyền là yếu tố quan trọng để xây dựng năng lực hành chính.
Cần chủ động, công khai, minh bạch nội dung và lộ trình cải cách bộ máy. Khi đó chúng ta hy vọng một chính phủ kiến tạo, liêm chính, phục vụ người dân và doanh nghiệp sẽ hướng tới bộ máy quản lý nhà nước chuyên nghiệp và hiệu quả.
Phạm Quý Thọ
Nguồn : BBC, 25/08/2018
Tác giả là một nhà phân tích chính sách công của Việt Nam đang làm việc tại Học viện Chính sách và Phát triển, Bộ Kế hoạch & Đầu tư.
Tái cơ cấu Bộ Công an sẽ ‘Xáo trộn rất lớn’ (BBC, 09/09/2018)
Hôm 6/8, chính phủ Việt Nam đã ban hành Nghị định 01 NĐ-CP cho thấy quyết tâm thực hiện đề án tinh giản bộ máy do Đảng ủy Công an trình và được Bộ chính trị thông qua vào tháng 4.
Bộ máy cơ cấu Bộ Công an quá cồng kềnh ?
Chính thức từ 7/8, Bộ Công an sẽ tái cơ cấu lại tổ chức, tinh giản bộ máy giảm 6 tổng cục, giảm gần 60 đơn vị cấp cục và gần 300 đơn vị cấp phòng nhưng vẫn giữ nguyên chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn.
Hai cựu quan chức cấp cao trong chính quyền Việt Nam hôm 9/8 cho BBC biết họ đánh giá cao việc thực hiện tái cơ cấu bộ máy, tuy nhiên có những lo ngại về sự xáo trộn và thiếu tính đồng bộ.
Cuộc cách mạng lớn của Bộ ?
Nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc Hội Trần Quốc Thuận gọi quá trình tái cơ cấu bộ công an là "đợt tái cơ cấu bộ máy quy mô lớn nhất từ trước đến nay, không chỉ ở trong ngành công an mà cả hệ thống chính trị".
"Việc thu gọn sắp xếp này, hay phải gọi là 'đại sắp xếp' là cần thiết. Và một trong những nguyên nhân cho việc tái cơ cấu đó là vì có nhiều tướng lĩnh bị kỷ luật, có nhiều vụ án ngành công an xảy ra cũng cho thấy là do bộ máy tổ chức không có hiệu quả".
Còn nguyên Đại tá an ninh Nguyễn Đăng Quang thì nói : "Với tư cách là người từng phục vụ trong ngành công an được 43 năm cho tới 2003, tôi cho rằng đây là cuộc cải tổ triệt để nhất, to lớn nhất".
"Tuy nhiên, tôi không rõ lý do của cuộc cải tổ này là gì nhưng tôi cảm nhận cuộc cải tổ này là nhằm để thực hiện ý muốn quyền lực, chứ không dựa trên cơ sở khoa học về tổ chức, cho nên việc này có thể nó sẽ không như ý muốn, sẽ có phản ứng ngược".
"Nó sẽ làm xáo trộn bộ máy tổ chức của Bộ Công an, ảnh hưởng rất lớn đến tư tưởng, đến cấp lãnh đạo, các cấp tướng".
Xáo trộn mạnh về nhân sự ?
"Nó sẽ xáo trộn ghê gớm lắm", Đại tá Nguyễn Đăng Quang nhấn mạnh.
Ông lý giải rằng nếu giải thể sáu tổng cục, tức có sáu tổng cục trưởng. Mà mội tổng cục có từ 5-8 tổng cục phó, tức trung bình 42 lãnh đạo cấp tổng cục.
"Những người đến tuổi về hưu rồi thì về hưu, nhưng những người còn tuổi đưa xuống cục, thì tôi không đồng tính với ông Lương Tam Quang là 'Tổng cục trưởng làm cục trưởng là bình thường'".
"Tôi không nghĩ nó đơn giản như vậy đâu. Tổng cục trưởng xuống làm cục trưởng sẽ vấp phải mâu thuẫn trong luật công an là cục trưởng cao nhất chỉ được cấp hàm thiếu tướng, nhưng giờ trung tướng là cục trưởng.
"Rồi tổng cục trưởng về làm cục trưởng, và cấp dưới của họ, tổng cục phó giờ cũng là cục trưởng. Và vậy thì các cục trưởng, cục phó trước đó sẽ đi về đâu ?"
Cuộc cải tổ sẽ rất "xáo trộn" đối với các cấp tướng của Bộ Công an ?
Về việc lưu chuyển bố trí cán bộ chính quy về địa phương, ông Quang nói sẽ nảy sinh ra nhiều vấn đề, như gia đình của nhiều cán bộ đang ổn định tại các thành phố lớn, giờ phải chuyển đi.
"Có phải ai cũng có thể đem gia đình đi theo đâu. Nhà cửa vợ con cách mấy trăm cây số thì không yên ổn, an tâm công tác được".
Ngoài ra, trước đó trong đề án cải tổ Bộ Công an, ngoài việc giải thể 6 tổng cục còn giải thể hai đơn vị cấp tổng cục là Bộ tư lệnh Cảnh sát cơ động và Bộ tư lệnh cảnh vệ.
Nhưng theo Nghị định 01, hai đơn vị này vẫn được giữ nguyên.
Ông phân tích, "Có thể là vì vai trò của Bộ tư lệnh cảnh vệ là để bảo vệ các cáp lãnh đạo Đảng nhà nước còn Bộ tư lệnh CSCĐ thì là để giữ gìn an ninh trật tự, bao gồm ngăn chặn các cuộc biểu tình, tụ tập đông người. Tuy nhiên cái này là phỏng đoán của tôi, cần phải theo dõi thêm".
Ngoài ra, ông Quang còn nhấn mạnh vào việc cần phải đảm bảo rằng "quyền hạn và chức năng" của Bộ Công an phải không thay đổi.
Tin giản biên chế - cuộc cách mạng bộ máy Việt Nam ?
"Trước đây Tổng cục An ninh là tổng cục phụ trách chống gián điệp nước ngoài, mà chủ yếu là gián điệp Trung Quốc. Nếu xóa bỏ Tổng cục An ninh, thì cần phải bố trí lực lượng sao đó để nó không ảnh hưởng, nếu không những người có lợi nhất chính là những tình báo Trung Quốc".
'Không chỉ dừng lại ở Bộ Công an'
Đại tá Nguyễn Đăng Quang còn cho biết : "Việc tinh giản phải làm đồng bộ và kiên quyết của tất cả bộ máy nhà nước chính phủ, chứ không chỉ riêng Bộ Công an, và phải dẹp bỏ sáu tổng cục, như vậy, Đảng cho rằng là các cấp trung gian, có thể là thừa thãi, như vậy so với các bộ các ngành khác, có dẹp bỏ các cơ quan như thế không ?"
"Như Bộ Quốc phòng, ngoài Tổng cục Tham mưu và Tổng cục Chính trị, thì còn có bốn tổng cục khác, liệu có tinh giản, cải tổ như ở Bộ Công an không ?
Theo ý kiến ông Quang, nhân dịp tái cơ cấu Bộ Công an, thì nên sáp nhập Tổng cục VIII vào Cục thi hành án của Bộ tư Pháp, để đúng với chức danh và nhiệm vụ và hạn chế được các tiêu cực.
"Thường các cơ quan điều tra thường đến trại giam họ quản lý để thẩm vấn, nếu mà nhà giam của 'người nhà mình' thì dễ thực hiện mớm cung, ép cung, và tra tấn, còn các nhà giam của các bộ ngành khác thì sẽ quản lý tốt hơn rất nhiều", ông Quang lý giải.
Đồng tình với ông Quang, luật sư Trần Quốc Thuận cũng cho rằng cuộc "cách mạng" này không nên chỉ dừng lại ở Bộ Công an mà "cả hệ thống chính trị cơ quan Đảng cũng phải làm và phải làm triệt để, vì ngân sách không nuôi nổi, nhân dân không nuôi nổi".
Tinh giản đế lấy lại lòng dân ?
"Bộ máy cồng kềnh nhiều khi tập trung lại để nắm giữ củng cố quyền lực, chứ không phải thực sự phục vụ nhân dân".
"Việc tinh giản là để kiểm soát lãnh đạo, thanh lọc bộ máy trong sạch, để lại những người tốt, có khả năng làm việc hiệu quả và lấy lại niềm tin của người dân với tổ chức lãnh đạo".
******************
Bộ Công an xóa sổ 6 tổng cục, giảm gần 60 cục (CaliToday, 07/08/2018)
Chiều ngày 7/8, Bộ Công an đã có buổi họp báo để cung cấp tin tức về việc xóa sổ 6 tổng cục, giảm faafn 60 đơn vị cấp cục, giảm khoảng 300 đơn vị cấp phòng. Còn tại địa phương, sau kkhi sắp xếp sẽ giảm khoảng hơn 500 đơn vị cấp phòng, khoảng gần 1.000 đơn vị cấp đội. Đây là một nổ lực của chính quyền nhằm tinh gọn, giảm chi tiêu trong bối cảnh ngân sách đang cạn kiệt.
Thiếu tướng Lương Tam Quang. Ảnh : NLD
Ông Lương Tam Quang, thiếu tướng Công an, Chánh văn phòng Bộ công an cho biết, từ ngày 6/8, ông Nguyễn Xuân Phúc, thủ tướng chính phủ đã ban hành nghị định 01, nhằm quy định chức năng nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công an. Theo ông Quang, mặc dù Bộ Công an sẽ không còn 6 tổng cục như trước đây nữa nhưng về chức năng, nhiệm vụ không hề thay đổi. Tất cả 6 tổng cục sẽ hạ xuống thành đơn vị cấp cục.
Ngoài ra, Bộ Công an còn sáp nhập thêm 20 đơn vị cảnh sát phòng cháy chữa cháy tại các địa phương vào công an tỉnh. Các cơ quan truyền thông của lực lượng công an, như : báo công an nhân dân, truyền hình công an nhân dân, nhà xuất bản thành Cục truyền thông công an nhân dân.
Việc xóa sổ 6 tổng cục trong Bộ Công an đã râm ran trong dư luận từ lâu nay. Tuy nhiên, để không làm xáo trộn nên Bộ Công an không muốn tin tức này lọt ra ngoài. Đã có một vài tờ báo nhanh nhẩu đăng tin Bộ Công an xóa bỏ 6 tổng cục liền sau đó đã phải viết đính chính.
Cùng với việc xóa bỏ 6 tổng cục, giảm gần 60 đơn vị cấp cục và gần 300 đơn vị cấp phòng cho thấy rất nhiều tướng, tá công an không còn giữ được chiếc ghế của mình. Điều này sẽ dẫn đến việc đấu đá để giữ ghế trong Bộ Công an sẽ gia tăng, khi mà "ghế ít mà đít nhiều".
Trong việc tinh gọn Bộ Công an, điều khiến cho dư luận cảm thấy mừng đó là giảm bớt áp lực lên ngân sách, mà người trực tiếp đóng thuế để nuôi những tên công an cai trị mình không ai khác là người dân.
Trung tướng Phan Văn Vĩnh, cựu Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, người bị xộ khám vì bảo kê cho đường dây đánh bạc hàng ngàn tỷ đồng. Ảnh : Internet
Theo tướng Lương Tam Quang, sau khi sắp xếp, Bộ Công an sẽ có các cục như sau : Cục công tác đảng và công tác chính trị, Cục đối ngoại, Cục truyền thông công an nhân dân, Cục Đào tạo, Cục kế hoạch tài chính, Cục quản lý xuất nhập cảnh, Thanh tra, Cục tổ chức cán bộ, Cục An ninh điều tra, Cục an ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra, Cục cảnh sát điều tra về kinh tế, chức vụ, tham nhũng và buôn lậu, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Cục cảnh sát điều tra về tội phạm ma túy, Cục cảnh sát về quản lý hành chính và trật tự xã hội, Cục Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu hộ cứu nạn, Cục Cảnh sát giao thông, Cục Cảnh sát quản lý tam giam giữ, tạm giam và thi hành án hình sự, Các học viện, các trường của công an nhân dân và bịnh viện…
Với việc xóa bỏ 6 tổng cục thì những tướng công an đang là Tổng cục trưởng sẽ chỉ là cục trưởng mà thôi. Để giải quyết tình trạng "ghế ít, đít nhiều", nhất là ở cấp đơn vị cục, thiếu tướng Lương Tam Quang cho biết những lãnh đạo này sẽ được điều chuyển về làm sếp ở các địa phương. Như vậy, các giám đốc công an tỉnh sẽ bị thiệt thòi, cái ghế phải mua bằng hàng núi tiền nay phải giao cho người khác. Trong khi đó, số phận của họ cũng chẳng biết trôi dạt về đâu. Đang là giám đốc công an một tỉnh, quyền uy là thế nay lại phải làm phó cho một ông ở cấp cục về. Về vấn đề này còn nảy sinh ra chuyện thủ trưởng nhưng lại không quyền lực bằng cấp phó. Vì các giám đốc công an dẫu gì cũng là người địa phương, lại có chân rết từ lâu nay. Nó còn tiềm ẩn nguy cơ đấu đá, trên bảo dưới không tuân lệnh…
Cũng trong chiều 7/8, thiếu tướng Lương Tam Quang còn cho biết sắp tới đây sẽ xây dựng lực lương công an xã chính quy ở một số địa phương trọng yếu, phức tạp về chính trị, xã hội, rồi từ đó sẽ mở rộng ra cả nước.
Người Quan Sát
******************
Công an Việt Nam xóa 6 tổng cục theo lệnh Bộ Chính trị (VOA, 07/08/2018)
Chiều 7/8, Bộ Công an tổ chức họp báo để loan báo quyết định xóa 6 tổng cục và hơn 60 cục nghiệp vụ, trong một nỗ lực nhằm thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị về "đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy Bộ Công an".
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biểu dương ngành công an. Photo : Báo Công an nhân dân
Truyền thông Việt Nam trích lời Thiếu tướng Lương Tam Quang, Chánh văn phòng Bộ Công an, nói trong cuộc tái cơ cấu này "chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Công an cơ bản không thay đổi", đồng thời cho biết "việc tổ chức bộ máy sẽ tập trung, thống nhất, chuyên sâu, tinh gọn theo hướng Bộ tinh, tỉnh mạnh, huyện toàn diện, xã bám cơ sở".
Theo trang tin tức Zing.vn, ông Quang cho hay Bộ Công an sẽ không tổ chức cấp tổng cục ; mà sắp xếp, tinh gọn các đơn vị trực thuộc Bộ Công an theo cấp cục dựa trên nguyên tắc sáp nhập các đơn vị tương đồng hoặc không rõ nhiệm vụ, bảo đảm một cơ quan đơn vị có thể thực hiện nhiều việc, nhưng một việc chỉ giao cho một đơn vị phụ trách,.
Ngoài ra, Bộ Công an cũng sáp nhập 20 đơn vị cảnh sát phòng cháy, chữa cháy trực thuộc Trung ương vào công an tỉnh, và đồng thời sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp công lập báo chí, y tế trong công an nhân dân.
Tại cuộc gặp báo giới vào chiều 7/8, thiếu tướng Lương Quang Tam cho hay Cục chống buôn lậu sẽ sáp nhập với Cục cảnh sát phòng chống tội phạm tham nhũng. Photo VnExpress
Ông Quang được VietnamNet trích lời nói : "Đó là cuộc cách mạng lớn của Bộ Công an, thực hiện đúng chủ trương của Đảng".
Tháng 4/2018, Bộ Chính trị ban hành nghị quyết chuẩn thuận đề án của Bộ Công an xây dựng trong 2 năm qua về việc sắp xếp lại và làm tinh gọn các lực lượng của bộ, theo đó "giảm triệt để tầng nấc trung gian", bước đi được chính người trong ngành công an xem là "đột phá" trong nỗ lực "phòng ngừa, làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch và các loại tội phạm".
Nhà nước Việt Nam thường dùng khái niệm "thế lực thù địch" để ám chỉ một diện rộng những người hoặc tổ chức lên tiếng chỉ trích hoặc có hành động chống lại đảng cộng sản và chính quyền Việt Nam ở trong và ngoài nước.
Sáu tổng cục của Bộ Công an từng quản lý các lực lượng an ninh, cảnh sát, tình báo, tuyên truyền, hậu cần và kỹ thuật.