Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

25/08/2018

Cải tổ ngành Công an có thay đổi tư duy cải cách ?

Phạm Quý Thọ

Tinh giản bộ máy ngành Công an là chủ trương từ Bộ Chính trị, cơ quan quyền lực cao nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam, sau đó được cụ thể hoá bằng Nghị định 01 của Chính phủ.

ca1

Trung tướng Bùi Văn Thành trong một kiểm tra công tác Phòng cháy chữa cháy. Gần đây, ông đã bị giáng quân hàm vì liên quan đến vụ Phan Văn Anh Vũ

Đề án chi tiết không được công khai, nhưng những tin tức trên báo chí cho thấy tầm quan trọng của vấn đề.

Từ ngày 7/8 Bộ Công an còn lại hơn 50 cục sau khi xóa bỏ 6 tổng cục, giảm 60 đơn vị cấp cục, 300 đơn vị cấp phòng thuộc bộ, 500 đơn vị cấp phòng thuộc công an tỉnh, 1000 đơn vị cấp đội thuộc công an huyện, 20 Sở Cảnh sát Phòng cháy Chữa cháy được sáp nhập vào công an tỉnh, thành phố.

Mục tiêu của đề án là biên chế Bộ Công an đến 2020 giảm 10%, trong đó có việc đưa dần 25.000 công an viên chính quy về xã làm việc.

Tại sao Bộ Công an được lựa chọn để cải tổ mạnh mẽ ?

Bộ Công an từng được coi là bộ 'siêu quyền lực'.

Theo số liệu từ chuyên gia thống kê Liên Hiệp Quốc, tổ chức bộ máy của bộ này trước tinh giản có nhân sự khoảng 600.000 cán bộ, nhân viên, và chi tiêu cho bộ chiếm tới 12% tổng chi ngân sách Nhà nước.

Đã từng có những phê phán, cảnh báo về tình trạng 'công an trị'.

Hơn thế, trong quá trình chuyển đổi sang kinh tế thị trường việc bảo trợ chính trị nặng nề đã diễn ra trong thời gian dài khi Chính phủ có thẩm quyền đối với các chức vụ công, các thành viên nắm giữ các quyền phân phối trực tiếp các nguồn lực xã hội.

Bộ Công an bị có lúc bị coi là 'thành trì' phe phái trong Đảng Cộng sản trước và trong Đại hội 12.

Nhiều lãnh đạo đảng và chính quyền hiện nay đang nắm giữ cương vị cao trong guồng máy 'trưởng thành' từ cán bộ ngành công an các nhiệm kỳ trước.

Bởi vậy, chống "tự chuyển hoá, tự diễn biến", ngăn ngừa hình thành phe phái trong nội bộ Đảng cần được nhìn nhận là một trong những mục tiêu quan trọng của việc cải tổ Bộ Công an.

Để chỉ đạo trực tiếp, lần đầu tiên Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tham gia Đảng ủy và Ban thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương nhiệm kỳ 2015-2020.

Nhiều nhà quan sát chính trị cho rằng cải tổ mạnh mẽ ngành Công an tạo điều kiện tăng cường tập trung quyền lực Đảng. Nắm được Bộ Công an, Tổng bí thư, Bộ chính trị sẽ thuận lợi hơn trong việc đẩy lùi "tự diễn biến, tự chuyển hoá" dẫn đến hình thành phe nhóm.

Sự chuẩn bị nhân sự cho Đại hội 13, dự kiến được bàn thảo trong các Hội nghị trung ương tới đây, sẽ theo kịch bản chủ động của Đảng.

Quá trình tinh giản đang triển khai, nên chưa thể đánh giá thành công đến mức độ nào.

Tuy nhiên, tác động to lớn của nó là không tránh khỏi.

Trên các phương tiện truyền thông đưa tin những nhiều tướng lĩnh, sĩ quan công an bị kỷ luật giáng chức, một số xin nghỉ chế độ trước tuổi, những băn khoăn rằng số biên chế dôi dư sẽ như thế nào, thậm chí đặt lại vấn đề cơ sở khoa học của đề án tinh giản bộ máy…

Cải tổ ngành Công an có thể thay đổi tư duy cải cách ?

Câu trả lời là bản chất của ngành Công an không thể thay đổi khi nó vẫn được coi là công cụ của chuyên chính vô sản, công cụ của Đảng.

Những người xây dựng gọi đề án là "tinh giản" thay vì "cải tổ" không chỉ thuần tuý ở khía cạnh tâm lý, mà còn khẳng định duy trì bản chất.

ca2

Bộ máy ngành Công an quá cồng kềnh ?

Sự cải tổ ngành Công an không thể làm thay đổi chế độ; tuy nhiên, những kết quả của đề án có thể nhận thấy.

Giả sử đến năm 2020 giảm 10% tương đương với khoảng 60 nghìn người, trong đó giảm nhiều tướng lĩnh, sĩ quan công an, ngân sách bớt gánh nặng và có thể được chi tiêu hợp lý hơn, người dân bớt nghi ngờ và ủng hộ chính sách tinh giản bộ máy và biên chế…

Bài học cải cách bộ máy có thể rút ra từ đây là dù lĩnh vực, bộ, ngành quan trọng hay 'nhạy cảm' đến đâu, nếu Đảng Cộng sản quyết tâm thay đổi vì dân, vì sự phát triển sẽ được nhân dân ủng hộ và sẽ mang lại kết quả tích cực.

Trong bối cảnh hiện nay dù phức tạp và biến đổi nhanh, song những yếu tố tích cực như khuyến khích tự do kinh tế trên cơ sở giải phóng nguồn lực thiên nhiên, xã hội và con người, nỗ lực loại bỏ các rào cản thể chế… khi trở thành chính sách nhất quán sẽ thúc đẩy cải cách bộ máy và nhân sự.

Nhiều nghiên cứu cải cách bộ máy trước đây đã chỉ ra rằng "càng chủ trương giảm thì càng tăng".

Nguyên nhân có nhiều, song cơ bản là do bản chất nội sinh của thể chế.

Đã đến lúc cần nhìn nhận lại một số vấn đề cải cách để có giải pháp đột phá.

Trước hết, các quan điểm như "Đảng lãnh đạo, nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ", "ổn định xã hội để phát triển kinh tế", "kinh tế thị trường định hướng XHCN"… cần được nhìn nhận và vận dụng phù hợp với thực tế chuyển đổi sang kinh tế thị trường, sao cho chúng không thể tạo ra nơi ẩn náu của lối tư duy giáo điều, bảo thủ, trì trệ, không chịu đổi mới, ngăn cản các quyền hiến định về tự do biểu đạt ôn hoà, tổ chức xã hội dân sự, hội họp, biểu tình…

Trong lĩnh vực kinh tế, cần thay đổi cách nhìn nhận về kinh tế thị trường, nó là sản phẩm tự nhiên của sự phát triển nhân loại. Đảng cần thay đổi để thích nghi, chứ không phải ngược lại.

Bởi vậy, các doanh nghiệp nhà nước vốn là sản phẩm của kinh tế tập trung cần phải được tư nhân hoá chứ không thể níu kéo bởi "vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước".

Tự do kinh tế cần được hỗ trợ bởi cải cách bằng cơ chế chính sách và bộ máy để loại bỏ cản trở cải cách hành chính và tạo môi trường kinh doanh thuận lợi hơn cho doanh nghiệp và người dân…

Sức ép ngày càng lớn đối với cải cách bộ máy Đảng Cộng sản Việt Nam và Nhà nước xuất phát từ bộ máy quan liêu cồng kềnh, phình to trong thời gian dài, nạn tham nhũng trầm trọng, suy thoái đạo đức công vụ và cung cấp dịch vụ cho người dân với hiệu quả kém.

ca3

Thượng tướng Tô Lâm nói tổ chức bộ máy Bộ Công an sẽ tập trung, thống nhất, chuyên sâu, tinh gọn, theo hướng "Bộ tinh, tỉnh mạnh, huyện toàn diện, xã bám cơ sở"

Bộ máy và nhân sự hiện tại không thích hợp với việc chuyển đổi sang kinh tế thị trường, bởi vậy tư duy cải cách bộ máy cần xuất phát từ nhu cầu của xã hội, doanh nghiệp và người dân.

Các nhà cải cách, từ phía cung, cần thiết kế bộ máy và nhân sự sao cho nhu cầu được đáp ứng tốt nhất, cắt giảm những bộ phận không cần thiết, cản trở phát triển.

Trong đó, loại bỏ những nhóm đặc quyền là yếu tố quan trọng để xây dựng năng lực hành chính.

Cần chủ động, công khai, minh bạch nội dung và lộ trình cải cách bộ máy. Khi đó chúng ta hy vọng một chính phủ kiến tạo, liêm chính, phục vụ người dân và doanh nghiệp sẽ hướng tới bộ máy quản lý nhà nước chuyên nghiệp và hiệu quả.

Phạm Quý Thọ

Nguồn : BBC, 25/08/2018

Tác giả là một nhà phân tích chính sách công của Việt Nam đang làm việc tại Học viện Chính sách và Phát triển, Bộ Kế hoạch & Đầu tư.

Quay lại trang chủ
Read 589 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)