Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Ngày 13/10 hàng năm (từ năm 2011) là ngày Doanh nhân, trong đó Chính phủ thường tổ chức mít tinh để vinh danh các chủ doanh nghiệp tiêu biểu có nhiều cống hiến cho đất nước và đóng góp cho sự phát triển. Năm nay có điều "đặc biệt" là trong buổi gặp của ông Thủ tướng Chính phủ với đại diện giới doanh nghiệp người ta công bố Nghị quyết số 41 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới do ông Tổng bí thư Đảng cộng sản ký ban hành ngày 10/10/2023. Đã từng có một nghị quyết tương tự được ban hành vào năm 2011, Nghị quyết số 09 (09-NQ/TW) về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Đảng cộng sản lãnh đạo đất nước, nền kinh tế thông qua các nghị quyết, một kiểu chính sách đặc thù, chúng thường được rà soát, sửa đổi sau mỗi giai đoạn 10 năm, và như vậy Nghị quyết số 41 "chậm" ban hành 2 năm so với thường lệ. Có nhiều lý do để biện minh nhưng chủ yếu là "sự bất an" của giới doanh nhân trong bối cảnh nền kinh tế ảm đạm và chống tham nhũng tăng cường.

doanhnhan1

Tình cảnh khốn khó của những công nhân trước đe dọa bị mất việc vì doanh nghiệp không có đơn đặt hàng

"Kinh tế ảm đạm"

Trước hết, nền kinh tế đang trong thời kỳ khó khăn, ảnh hưởng tiêu cực đến giới doanh nhân để duy trì sản xuất kinh doanh, dịch vụ. Cú sốc từ đại dịch Covid-19, chiến tranh, xung đột địa chính trị, biến đổi khí hậu làm kinh tế kinh tế thế giới rơi vào suy thoái. Chuỗi cung ứng đứt gãy, trừng phạt kinh tế, đơn hàng giảm sút, khiến cho nhiều doanh nghiệp buộc phải thu hẹp quy mô hoặc ngừng hoạt động, cắt giảm việc làm khiến cho thu nhập, tiền lương người lao động giảm và thất nghiệp gia tăng. Tổng sản phẩm quốc nội GDP thấp, dự kiến chỉ khoảng 5% so với mục tiêu 6-6,5% năm 2023, phản ánh bức tranh chung "không sáng sủa" nhưng nếu xem xét tình cảnh doanh nghiệp thì thực tế kinh tế ảm đạm, đáng lo ngại.

Cuộc khảo sát mới đây cho thấy những khó khăn mà giới doanh nghiệp đang và sẽ phải trải qua. Tính đến giữa năm 2023 có hơn 90 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 23% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn tăng 21% và số doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể tăng 35% và số hoàn tất thủ tục giải thể tăng khoảng 7%... Dự kiến trong những tháng còn lại của năm 2023 sẽ có 82,3% doanh nghiệp dự kiến giảm quy mô, tạm ngừng kinh doanh hoặc ngừng kinh doanh, trong đó, tỷ lệ doanh nghiệp chờ giải thể là 10,9%, tạm ngừng kinh doanh 12,4% ; giảm mạnh quy mô 38,5% và dự kiến giảm nhẹ quy mô là 20,5%. Trong số doanh nghiệp còn đang hoạt động có 71,2% dự kiến giảm quy mô lao động trên 5% và, trong số này có 22,2% dự kiến giảm trên 50% ; có 80,7% doanh nghiệp dự kiến giảm doanh thu trên 5%, trong đó tỷ lệ giảm trên 50% doanh thu là 29,4%...

doanhnhan2

Công nhân Viet Glory ở Nghệ An đình công hôm 7/10/2023

Hơn thế, tình hình "ảm đạm" còn do một số nguyên nhân bên trong nền kinh tế, trong đó sự khủng hoảng mang tính cấu trúc như khủng khoảng lĩnh vực bất động sản, không chỉ tác động mạnh tiêu cực tức thì, dây chuyền sang ngành tài chính, ngân hàng, tiêu dùng giảm sút niềm tin, gây hoang mang trong giới doanh nhân cũng như công chúng. Cũng theo nghiên cứu trên, niềm tin của doanh nghiệp đối với kinh tế vĩ mô, kinh tế ngành trong bối cảnh hiện nay đặc biệt thấp. Có đến 81,4% doanh nghiệp được khảo sát có đánh giá tiêu cực/rất tiêu cực về triển vọng kinh tế Việt Nam nói chung và 83,7% về triển vọng kinh tế ngành trong các tháng còn lại của năm 2023. Ngoài ra, theo báo cáo PCI của VCCI, tỷ lệ doanh nghiệp dự đoán được thay đổi trong quy định pháp luật của trung ương từ năm 2013 đến năm 2021 có chiều hướng giảm, cao nhất vào năm 2014 với 15,75% doanh nghiệp được hỏi, nhưng đến 2021 chỉ báo này chỉ còn 4,55%...

"Chống tham nhũng tăng cường"

Yếu tố thứ hai khiến giới doanh nhân "bất an" là số chủ doanh nghiệp bị "truy cứu trách nhiệm hình sự" trong cuộc chống tham nhũng tăng cường do Đảng cộng sản phát động ngày càng nhiều, đặc biệt trong mấy năm gần đây. Theo số liệu công khai từ Tòa án tối cao trong 5 năm 2016-2021 đã có 7.463 vụ án tham nhũng, chức vụ, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp với 14.540 bị cáo bị xét xử, và từ ngày 01/10/2021 đến 30/9/2022 có 2.626 vụ với 5.586 bị cáo (tăng 213 vụ so với năm 2021). Từ đó đến nay, trong vòng 1 năm, theo báo cáo mới nhất do ông Chánh án Tòa án tối cao gửi tới Quốc hội khoá 15, tòa án các cấp đã xét xử 562 vụ với 1207 bị cáo trong các vụ án tham nhũng…

doanhnhan3

Bị cáo trong những đại án tham nhũng kinh tế trong năm 2022 - Ảnh minh họa

Cần lưu ý rằng vấn nạn tham nhũng dưới chế độ tập quyền do Đảng cộng sản toàn trị chứa đựng nghịch lý tăng trưởng cao và tham nhũng tràn lan, phản ánh mối quan hệ "thân hữu" giữa quan chức và các doanh nhân. Nghĩa là, sau mỗi vụ án lớn đều có dấu ấn vi phạm của doanh nghiệp và các quan chức suy thoái như vụ "những chuyến bay giải cứu" vừa xét xử mới đây với hơn 50 bị cáo, trong đó có cựu quan chức Cục Lãnh sự, các bộ ngành và các chủ doanh nghiệp. Đặc biệt đối với các đại án tham nhũng gần đây "in đậm" bàn tay các bị cáo - đại gia từng nổi tiếng một thời. Sau đây là một số đại án đang làm rung động xã hội và giới doanh nhân : AIC (bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn – Công ty cổ phầnTiến bộ Quốc tế), Việt Á (ông Phan Quốc Việt, Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á), các cựu lãnh đạo của các tập đoàn : Tân Hoàng Minh (ông Đỗ Anh Dũng), Tân Hiệp Phát (ông Trần Quý Thanh), Vạn Thịnh Phát (bà Trương Mỹ Lan), FLC (ông Trịnh Văn Quyết), Mường Thanh (ông Lê Thanh Thản)… Cảnh báo ở đây là rõ ràng rằng nghịch lý tăng trưởng nhanh và tham nhũng tràn lan đang là thực tế thách thức sự ổn định chính trị đặc biệt ở thượng tầng đồng thời tạo sức ép lớn đối với tăng trưởng khi giới doanh nhân bất an. Kiểm soát quyền lực và quản lý sở hữu, tài sản công là hai chủ đề cần cải cách "đột phá" nhưng chưa có lời giải thuyết phục.

Hãy thôi "tự lừa dối" về những "điểm mới" của nghị quyết này ! Từ nhiều năm nay, đặc biệt sau Đại hội 11 năm 2011 Đảng cộng sản xác định và "cam kết" chống tham nhũng luôn phải được tăng cường nếu không muốn chế độ toàn trị bị sụp đổ. Tuy nhiên, "quyết tâm" chống tham nhũng khi lấy quyền lực tuyệt đối đối đầu với sự tha hoá quyền lực mang tính hệ thống, khiến cho kết quả không đạt như mong muốn, tình hình thêm phức tạp, nghiêm trọng là quay lại mô hình toàn trị kiểu cũ. Trong Nghị quyết số 09 - NQ/TW (năm 2011) có đoạn "Một bộ phận doanh nhân còn thiếu văn hóa kinh doanh và trách nhiệm xã hội, chưa tự giác tuân thủ pháp luật, lợi dụng những kẽ hở của pháp luật để trục lợi, móc nối với những phần tử thoái hóa, biến chất trong bộ máy quản lý nhà nước, vì lợi ích cục bộ, lợi ích nhóm, làm trầm trọng thêm các tiêu cực xã hội…" Việc bổ sung trong Nghị quyết số 41 - NQ/TW (năm 2023) : "Chú trọng công tác phát triển đảng, xây dựng tổ chức đảng trong các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế… Kết nạp chủ doanh nghiệp tư nhân vào Đảng…" liệu có thực tế và tạo nên khác biệt ?

Phạm Quý Thọ

Nguồn : RFA, 17/10/2023

Additional Info

  • Author Phạm Quý Thọ
Published in Diễn đàn

Năm 2009, một doanh nhân là ông Trần Huỳnh Duy Thức, Giám đốc một công ty tin học có vốn đầu tư ở Singapore và Mỹ, bị bắt về tội xâm phạm an ninh quốc gia.

doanhnhan1

Cha của ông Trần Huỳnh Duy Thức yêu cầu chính quyền Việt Nam trả tự do cho con trai

Trong khi những "đồng phạm" khác chỉ chịu mức bốn, năm và bảy năm tù, vị doanh nhân này bị phân biệt đối xử với mức án 16 năm.

Nỗi bất công mà ông này gánh chịu chỉ là một trong muôn hình vạn trạng những bất công mà người doanh nhân ở Việt Nam gặp phải.

Năm nay 2019, tròn 20 năm kể từ khi ban hành Luật doanh nghiệp lần đầu năm 1999. Nhiều người nêu ra vấn đề về môi trường kinh doanh của doanh nghiệp.

Tôi cho rằng, một môi trường pháp lý nặng tính chuyên chế sẽ không có lợi cho doanh nghiệp và doanh nhân.

Môi trường chuyên chế ở đây có thể là những ngặt nghèo cấm đoán trong đòi hỏi về quyền tự do chính trị.

Hoặc chuyên chế ở đây là một bộ máy nhà nước quá lớn quyền, có khả năng cưỡng chế khuất phục quá cao, doanh nghiệp sẽ bất lợi khi hoạt động bên cạnh một chủ thể nhà nước như vậy.

Không thể nói là tôi chỉ làm kinh doanh, không liên quan đến chính trị, nên doanh nghiệp vẫn ổn, môi trường kinh doanh hiện vẫn tốt.

Vì một khi quyền chính trị cơ bản còn chưa được đảm bảo, thì quyền tài sản mặc dù nói là được pháp luật bảo vệ, chắc gì đã vững ?

Thử nghĩ mà xem, đứng trước một bộ máy nhà nước khổng lồ, cồng kềnh, có khả năng tiêu ngốn lớn, khối tài sản màu mỡ của doanh nghiệp liệu sẽ ra sao ?

Thử đánh giá lại xem, hiện nay thuế phí doanh nghiệp phải chịu có nặng nề không ? Thuế thu nhập doanh nghiệp 25%, thuế giá trị gia tăng 10% là thấp hay cao ? So với các nước thế nào ?

Tài sản của doanh nghiệp có được bảo hộ bảo vệ tốt khi có tranh chấp kiện cáo không ? Tòa án giải quyết có hiệu quả không ?

Khi doanh nghiệp thực hiện các thủ tục chuyển nhượng tài sản, mua sắm đầu tư lớn, có phải lót tay xin xỏ chạy chọt giấy tờ thủ tục không ?

Pháp luật đã chặt chẽ, minh bạch, rõ ràng chưa ?

Trả lời những câu hỏi đó sẽ thấy được quyền tài sản của doanh nghiệp đã được bảo vệ tốt hay chưa.

Thực tế là chưa được bảo vệ tốt.

Ngưỡng cửa nhà tù

doanhnhan2

Ông Trịnh Vĩnh Bình, một doanh nhân Việt Kiều rời khỏi một phiên tòa xét xử cuối tháng 8/2018 ở nước ngoài, trong đó ông kiện chính phủ Việt Nam

Doanh nhân có thấy số phận pháp lý bấp bênh, ngấp nghé giữa làm ăn đúng luật và phạm tội không ? Có phải nhiều doanh nhân lâu nay luôn mấp mé đứng trước ngưỡng cửa trại giam không ?

Bộ luật tố tụng hình sự hiện nay quy định ba cơ quan có thẩm quyền ra lệnh bắt giam giữ, bao gồm Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Tòa án.

Trong khi ở các nước như Nhật Bản và Hàn Quốc, pháp luật của họ quy định chỉ có Tòa án mới có thẩm quyền ban hành lệnh bắt.

Sự rộng mở trao quyền bắt giam cho ba thay vì một, dẫn đến một đơn vị cấp quận huyện có tới ba cơ quan có quyền ra lệnh bắt giữ.

Trong khi mỗi tỉnh thành có hàng chục đơn vị cấp huyện, và cả nước có 63 tỉnh thành.

Từ đó khiến tạo ra một số lượng rất lớn các cơ quan có thẩm quyền ra lệnh bắt giữ doanh nhân.

Doanh nhân được xem là thành phần có tiền, mà cỗ máy tư pháp thì lại còn tham nhũng.

Điều đó đặt để tình trạng pháp lý của doanh nhân vào tình trạng bị bới móc kiếm chác.

Mặt khác, nhiều vấn đề thể chế pháp lý lại chẳng rõ ràng, người doanh nhân nhiều khi bị đẩy vào vi phạm.

Đất đai tồn tại hai khung giá, một khung giá theo bảng giá nhà nước quy định, một khung giá theo thị trường. Việc xác định khung giá nộp thuế lập lờ khiến cho hàng triệu giao dịch đất đai lâm vào tình cảnh gian dối vi phạm.

Mức thuế phí phải nộp quá cao, gần một phần ba giá trị hợp đồng phải đem nộp thuế, cùng với sự lỏng lẻo thiếu khoa học trong quản lý, khiến hàng vạn doanh nghiệp bị mời gọi trốn thuế.

Bộ máy hành chính quan liêu tham nhũng, muôn hình vạn trạng đòi phải hối lộ, người doanh nhân phải phạm tội chẳng đặng đừng.

Từ đó khiến cho cộng đồng doanh nhân trở thành những người dễ bị tổn thương, kém về sức khỏe pháp lý, luôn trong tình trạng lấp ló ở ngưỡng cửa nhà tù.

Nhìn lại 20 năm

Có thể nhận định, doanh nhân hiện nay rất dễ bị bắt.

Bởi vậy cho nên lâu nay, doanh nhân luôn cần đến người bảo trợ thân hữu, đó là một quan chức chính quyền nào đó.

Đến khi nào thì người bảo trợ cho họ là pháp luật ?

Từ đó phải đặt ra câu hỏi, nhà nước lâu nay đã tạo lập thể chế thân thiện thuận lợi cho doanh nhân chưa ?

Hay là chỉ mở cửa, cởi trói để phát triển và cán bộ quan chức nhân đó kết hợp với doanh nghiệp tận dụng các nguồn lực và ưu thế thể chế, để làm giàu.

Trong khi quan chức thì được bảo hộ bởi bộ máy nhà nước chuyên chế cao, còn rủi ro thể chế thì doanh nhân chịu ?

Cho nên nhìn lại 20 năm qua thi hành luật doanh nghiệp, cho dù có nhiều điều tích cực, nhưng phải nhìn nhận rằng, thuộc tính chuyên chế của bộ máy nhà nước vẫn nặng nề, không được cải thiện, là di sản tạo ra môi trường pháp lý xấu cho doanh nhân hiện nay.

Ngô Ngọc Trai

Nguồn : BBC, 23/11/2019

Additional Info

  • Author Ngô Ngọc Trai
Published in Diễn đàn
vendredi, 03 novembre 2017 12:28

Doanh nhân Việt Nam và Cán bộ cao cấp

Can thiệp của cơ quan công an

Cuối tháng Chín, một số phụ huynh học sinh ở trường tư thục của công ty Vincom tại Hà Nội than phiền việc trường này tăng học phí. Cơ quan công an ở Hà Nội gửi giấy mời một số phụ huynh học sinh lên làm việc, với lời mời vắn tắt là để hỏi về việc có liên quan. Sau khi dư luận trên báo chí chính thống của nhà nước cũng như mạng xã hội lên tiếng chỉ trích cho rằng cơ quan công an đã can thiệp vô lý vào những hoạt động dân sự của người dân, đại diện cơ quan công an trả lời báo chí rằng họ mời phụ huynh vì cho rằng những phụ huynh này xúc phạm đến lãnh đạo của công ty Vincom.

doanhnhan1

Một biển quảng cáo tại Sài Gòn, thành phố có nhiều công ty thương mại tư nhân 12/1997. AFP

Công ty Vincom do ông Phạm Nhật Vượng, một tỉ phú người Việt làm chủ.

Cuối tháng 10, xảy ra chuyện bà Dương Thị Hằng Nga, nhà báo trưởng văn phòng khu vực miền Trung và Tây nguyên của Báo Giao thông vận tải, khiếu nại về việc bà bị công an không cho xuất cảnh theo lời đề nghị của ông Phan Văn Anh Vũ, còn gọi là Vũ nhôm, vì có viết những bài báo liên quan đến ông này. Cơ quan công an Đà Nẵng nói rằng họ làm đúng pháp luật vì ông Vũ gửi đơn than phiền rằng bà Nga viết bài làm xấu hình ảnh ông. Khi đăng tải tin này, Báo Tuổi trẻ tại Thành phố Hồ Chí Minh liệt kê toàn bộ điều luật về việc cấm xuất cảnh đối với công dân Việt Nam, không có điều nào liên quan đến phát biểu của công an Đà Nẵng.

Ông Huỳnh Ngọc Chênh, từng làm việc ở báo Thanh Niên, hiện sống ở Đà Nẵng bình luận về việc này :

"Nếu cô đó có liên quan đến một vụ án nào đó, hay bị công dân tố cáo là có nợ nần gì đó, thì người ta có thể chận. Mà nếu chỉ vì một bài báo, mà qua yêu cầu của ông Vũ nhôm mà chận thì ông Vũ nhôm là sếp của nhà nước này".

Ông Phan Văn Anh Vũ từng xuất hiện trên báo Tuổi Trẻ trong vụ ông Bí thư thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh bị kỷ luật. Theo báo Tuổi Trẻ một trong những căn nhà mà ông Xuân Anh đang ở là của ông Phan Văn Anh Vũ.

Khi đề cập với nhà báo Pham Chí Dũng, hiện đang sống tại Sài Gòn về hai trường hợp nêu trên, ông nói rằng cần phải thêm vào một trường hợp nữa ở miền Nam :

"Phải bổ sung thêm chuyện trạm BOT Đồng Nai vừa rồi, khi mà công an và cảnh sát cơ động dàn quân ra giống như là khủng bố tinh thần lái xe, ép lái xe không trả tiền lẻ, chuyện đó rất lộ liễu. Hồi trước có một số công an đóng vai trò bảo kê, đi đòi nợ, xã hội đen, nhưng kính đáo hơn, nhưng bây giờ rất lộ liễu".

Các trạm BOT có nghĩa là các trạm thu phí đường bộ do các công ty tư nhân lập ra để thu tiền chi phí các đoạn đường bộ hoặc cầu mà họ đã đầu tư để xây dựng. Nhưng trong thời gian qua, nhiều lái xe từ Bắc đến Nam phản đối chi phí họ cho rằng quá cao của các trạm này, và các trạm này đặt quá gần nhau. Họ đã dùng tiền lẻ, một việc làm hoàn toàn hợp pháp, để trả tiền tạo nên tình trạng kẹt xe để phản đối.

Doanh nhân và pháp luật

Tất cả ba sự việc vừa nêu đều liên quan đến các công ty tư nhân, trong đó cơ quan công an đã hành động bảo vệ quyền lợi cho các công ty này. Tuy nhiên ông Huỳnh Ngọc Chênh nói :

"Nó rất phức tạp, muốn sai được công an thì phải nắm mấy ông lớn hơn, chứ không phải mấy ông ở dưới này mà sai được. Thật ra công an cũng không quan trọng lắm, mà quan hệ là quan hệ với chính quyền, khi chính quyền ra lệnh thì công an cũng phải làm việc, bản thân công an cũng chỉ lắt nhắt thôi".

Bình luận về việc các công ty tư nhân phải có sự quan hệ với chính quyền như thế nào tại Việt Nam, ông Huỳnh Ngọc Chênh nói :

"Kinh doanh ở Việt Nam muốn phất lên thì phải dựa vô chính quyền, từ ông tổ trưởng tổ dân phố cho đến ông công an khu vực. Mà muốn làm ăn lớn thì phải dựa những ông lớn nữa".

Một doanh nhân giấu tên ở Bà Rịa Vũng Tàu cũng nói với chúng tôi là nếu chỉ một mình kinh doanh dựa theo cung và cầu của thị trường thì không thể nào cạnh tranh lại với những công ty khác có được sự hậu thuẫn của các quan chức, hay các nhóm quan chức mà ông gọi là các nhóm lợi ích.

Ông Phạm Chí Dũng gọi tên sự câu kết này là mafia :

"Đó là một quan hệ của chủ nghĩa tư bản thân hữu, chủ nghĩa tư bản thân hữu dã man. Đó là quan hệ móc xích giữa những lợi ích và quyền lợi với nhau. Nói thẳng ra đó là quan hệ mafia".

Theo ông các nhóm thân hữu hiện nay có hệ thống trải rộng từ trung ương đến các địa phương khác nhau.

Việc tham gia vào các nhóm lợi ích này, theo nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh, là một con dao hai lưỡi, vì khi người đỡ đầu cho một doanh nhân bị thất thế, nếu doanh nhân đó không kịp tìm được một người đỡ đầu mới thì sẽ có nguy cơ bị trừng phạt.

Theo những nguồn tin và dư luận ở Đà Nẵng, thì ông Phan Văn Anh Vũ xuất thân là một người làm cửa nhôm và kính, sau đó được sự tín cẩn của ông Nguyễn Bá Thanh, cựu bí thư thành ủy, và sau khi ông Thanh mất, ông Vũ tìm được một sự đỡ đầu ở cấp cao hơn. Ông Huỳnh Ngọc Chênh nói tiếp về sự việc ông Vũ đề nghị cơ quan công an không cho nhà báo Dương Thị Hằng Nga xuất cảnh :

"Ông Vũ nhôm bị mọi người đồn đại là người của ông Trần Đại Quang, ông ấy mạnh là có cái thế như vậy. Qua chuyện này cho thấy ông ấy vẫn còn mạnh".

Cũng trong thời gian cuối tháng 10, người ta chứng kiến việc ông Hoàng Khải, chủ công ty Khai Silk, một thương hiệu nổi tiếng bấy lâu nay ở Việt Nam, bị cáo buộc là đã nhập hàng Trung Quốc về và gắn nhãn hiệu Việt Nam để bán. Ngày 31 tháng 10, cơ quan chức năng tại thành phố Hồ Chí Minh đã niêm phong hơn 1000 sản phẩm của công ty Khai Silk để điều tra về cáo buộc gian lận.

Tuy nhiên người ta nói rằng việc công ty này dùng hàng có xuất xứ khác nhau rồi gắn nhãn hiệu Việt Nam lên đã bị phát hiện từ cả chục năm nay. Bình luận về sự việc mới xảy ra, ông Phạm Chí Dũng nói :

"Có những chuyện to lớn hơn nhiều mà không đem ra xử, mà cái chuyện Khaisilk như vậy mà Trần Tuấn Anh Bộ Công thương đưa hồ sơ sang Bộ Công an tức là nó có vấn đề. Tức là có thể là Khaisilk này thuộc một phe phái nào đó không ăn cánh".

Ông Hoàng Khải được xem là một doanh nhân rất thành đạt tại Việt Nam, ngoài thương hiệu Khai Silk ông còn kinh doanh địa ốc, sở hữu nhiều nhà hàng ăn sang trọng trên các con đường rất đắt tiền tại Hà Nội và Sài Gòn.

Kết thúc cuộc trao đổi với chúng tôi, ông Huỳnh Ngọc Chênh cho rằng muốn xóa bỏ tình trạng cơ quan công an làm việc vì quyền lợi của các công ty tư nhân, thì phải tôn trọng cơ chế thị trường thực sự, chứ đừng gọi là thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với sự can thiệp quá lớn của nhà nước. Còn ông Phạm Chí Dũng thì nói rằng tình trạng câu kết hiện nay giữa các quan chức chính trị và các đại gia tư nhân sẽ làm cho công cuộc chống tham nhũng của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trở nên vô cùng khó khăn, mặc dù theo ông Dũng, ông Trọng không có liên quan đến những nhóm lợi ích khác nhau.

Kính Hòa

Nguồn : RFA, 03/11/2017

Published in Diễn đàn