Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

03/11/2017

Doanh nhân Việt Nam và Cán bộ cao cấp

Kính Hòa

Can thiệp của cơ quan công an

Cuối tháng Chín, một số phụ huynh học sinh ở trường tư thục của công ty Vincom tại Hà Nội than phiền việc trường này tăng học phí. Cơ quan công an ở Hà Nội gửi giấy mời một số phụ huynh học sinh lên làm việc, với lời mời vắn tắt là để hỏi về việc có liên quan. Sau khi dư luận trên báo chí chính thống của nhà nước cũng như mạng xã hội lên tiếng chỉ trích cho rằng cơ quan công an đã can thiệp vô lý vào những hoạt động dân sự của người dân, đại diện cơ quan công an trả lời báo chí rằng họ mời phụ huynh vì cho rằng những phụ huynh này xúc phạm đến lãnh đạo của công ty Vincom.

doanhnhan1

Một biển quảng cáo tại Sài Gòn, thành phố có nhiều công ty thương mại tư nhân 12/1997. AFP

Công ty Vincom do ông Phạm Nhật Vượng, một tỉ phú người Việt làm chủ.

Cuối tháng 10, xảy ra chuyện bà Dương Thị Hằng Nga, nhà báo trưởng văn phòng khu vực miền Trung và Tây nguyên của Báo Giao thông vận tải, khiếu nại về việc bà bị công an không cho xuất cảnh theo lời đề nghị của ông Phan Văn Anh Vũ, còn gọi là Vũ nhôm, vì có viết những bài báo liên quan đến ông này. Cơ quan công an Đà Nẵng nói rằng họ làm đúng pháp luật vì ông Vũ gửi đơn than phiền rằng bà Nga viết bài làm xấu hình ảnh ông. Khi đăng tải tin này, Báo Tuổi trẻ tại Thành phố Hồ Chí Minh liệt kê toàn bộ điều luật về việc cấm xuất cảnh đối với công dân Việt Nam, không có điều nào liên quan đến phát biểu của công an Đà Nẵng.

Ông Huỳnh Ngọc Chênh, từng làm việc ở báo Thanh Niên, hiện sống ở Đà Nẵng bình luận về việc này :

"Nếu cô đó có liên quan đến một vụ án nào đó, hay bị công dân tố cáo là có nợ nần gì đó, thì người ta có thể chận. Mà nếu chỉ vì một bài báo, mà qua yêu cầu của ông Vũ nhôm mà chận thì ông Vũ nhôm là sếp của nhà nước này".

Ông Phan Văn Anh Vũ từng xuất hiện trên báo Tuổi Trẻ trong vụ ông Bí thư thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh bị kỷ luật. Theo báo Tuổi Trẻ một trong những căn nhà mà ông Xuân Anh đang ở là của ông Phan Văn Anh Vũ.

Khi đề cập với nhà báo Pham Chí Dũng, hiện đang sống tại Sài Gòn về hai trường hợp nêu trên, ông nói rằng cần phải thêm vào một trường hợp nữa ở miền Nam :

"Phải bổ sung thêm chuyện trạm BOT Đồng Nai vừa rồi, khi mà công an và cảnh sát cơ động dàn quân ra giống như là khủng bố tinh thần lái xe, ép lái xe không trả tiền lẻ, chuyện đó rất lộ liễu. Hồi trước có một số công an đóng vai trò bảo kê, đi đòi nợ, xã hội đen, nhưng kính đáo hơn, nhưng bây giờ rất lộ liễu".

Các trạm BOT có nghĩa là các trạm thu phí đường bộ do các công ty tư nhân lập ra để thu tiền chi phí các đoạn đường bộ hoặc cầu mà họ đã đầu tư để xây dựng. Nhưng trong thời gian qua, nhiều lái xe từ Bắc đến Nam phản đối chi phí họ cho rằng quá cao của các trạm này, và các trạm này đặt quá gần nhau. Họ đã dùng tiền lẻ, một việc làm hoàn toàn hợp pháp, để trả tiền tạo nên tình trạng kẹt xe để phản đối.

Doanh nhân và pháp luật

Tất cả ba sự việc vừa nêu đều liên quan đến các công ty tư nhân, trong đó cơ quan công an đã hành động bảo vệ quyền lợi cho các công ty này. Tuy nhiên ông Huỳnh Ngọc Chênh nói :

"Nó rất phức tạp, muốn sai được công an thì phải nắm mấy ông lớn hơn, chứ không phải mấy ông ở dưới này mà sai được. Thật ra công an cũng không quan trọng lắm, mà quan hệ là quan hệ với chính quyền, khi chính quyền ra lệnh thì công an cũng phải làm việc, bản thân công an cũng chỉ lắt nhắt thôi".

Bình luận về việc các công ty tư nhân phải có sự quan hệ với chính quyền như thế nào tại Việt Nam, ông Huỳnh Ngọc Chênh nói :

"Kinh doanh ở Việt Nam muốn phất lên thì phải dựa vô chính quyền, từ ông tổ trưởng tổ dân phố cho đến ông công an khu vực. Mà muốn làm ăn lớn thì phải dựa những ông lớn nữa".

Một doanh nhân giấu tên ở Bà Rịa Vũng Tàu cũng nói với chúng tôi là nếu chỉ một mình kinh doanh dựa theo cung và cầu của thị trường thì không thể nào cạnh tranh lại với những công ty khác có được sự hậu thuẫn của các quan chức, hay các nhóm quan chức mà ông gọi là các nhóm lợi ích.

Ông Phạm Chí Dũng gọi tên sự câu kết này là mafia :

"Đó là một quan hệ của chủ nghĩa tư bản thân hữu, chủ nghĩa tư bản thân hữu dã man. Đó là quan hệ móc xích giữa những lợi ích và quyền lợi với nhau. Nói thẳng ra đó là quan hệ mafia".

Theo ông các nhóm thân hữu hiện nay có hệ thống trải rộng từ trung ương đến các địa phương khác nhau.

Việc tham gia vào các nhóm lợi ích này, theo nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh, là một con dao hai lưỡi, vì khi người đỡ đầu cho một doanh nhân bị thất thế, nếu doanh nhân đó không kịp tìm được một người đỡ đầu mới thì sẽ có nguy cơ bị trừng phạt.

Theo những nguồn tin và dư luận ở Đà Nẵng, thì ông Phan Văn Anh Vũ xuất thân là một người làm cửa nhôm và kính, sau đó được sự tín cẩn của ông Nguyễn Bá Thanh, cựu bí thư thành ủy, và sau khi ông Thanh mất, ông Vũ tìm được một sự đỡ đầu ở cấp cao hơn. Ông Huỳnh Ngọc Chênh nói tiếp về sự việc ông Vũ đề nghị cơ quan công an không cho nhà báo Dương Thị Hằng Nga xuất cảnh :

"Ông Vũ nhôm bị mọi người đồn đại là người của ông Trần Đại Quang, ông ấy mạnh là có cái thế như vậy. Qua chuyện này cho thấy ông ấy vẫn còn mạnh".

Cũng trong thời gian cuối tháng 10, người ta chứng kiến việc ông Hoàng Khải, chủ công ty Khai Silk, một thương hiệu nổi tiếng bấy lâu nay ở Việt Nam, bị cáo buộc là đã nhập hàng Trung Quốc về và gắn nhãn hiệu Việt Nam để bán. Ngày 31 tháng 10, cơ quan chức năng tại thành phố Hồ Chí Minh đã niêm phong hơn 1000 sản phẩm của công ty Khai Silk để điều tra về cáo buộc gian lận.

Tuy nhiên người ta nói rằng việc công ty này dùng hàng có xuất xứ khác nhau rồi gắn nhãn hiệu Việt Nam lên đã bị phát hiện từ cả chục năm nay. Bình luận về sự việc mới xảy ra, ông Phạm Chí Dũng nói :

"Có những chuyện to lớn hơn nhiều mà không đem ra xử, mà cái chuyện Khaisilk như vậy mà Trần Tuấn Anh Bộ Công thương đưa hồ sơ sang Bộ Công an tức là nó có vấn đề. Tức là có thể là Khaisilk này thuộc một phe phái nào đó không ăn cánh".

Ông Hoàng Khải được xem là một doanh nhân rất thành đạt tại Việt Nam, ngoài thương hiệu Khai Silk ông còn kinh doanh địa ốc, sở hữu nhiều nhà hàng ăn sang trọng trên các con đường rất đắt tiền tại Hà Nội và Sài Gòn.

Kết thúc cuộc trao đổi với chúng tôi, ông Huỳnh Ngọc Chênh cho rằng muốn xóa bỏ tình trạng cơ quan công an làm việc vì quyền lợi của các công ty tư nhân, thì phải tôn trọng cơ chế thị trường thực sự, chứ đừng gọi là thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với sự can thiệp quá lớn của nhà nước. Còn ông Phạm Chí Dũng thì nói rằng tình trạng câu kết hiện nay giữa các quan chức chính trị và các đại gia tư nhân sẽ làm cho công cuộc chống tham nhũng của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trở nên vô cùng khó khăn, mặc dù theo ông Dũng, ông Trọng không có liên quan đến những nhóm lợi ích khác nhau.

Kính Hòa

Nguồn : RFA, 03/11/2017

Quay lại trang chủ
Read 708 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)