Hôm 7/7/2019, mạng xã hội xuất hiện bản Tuyên bố Thủ Thiêm 4 với chữ ký của 3 tổ chức Tổ chức Xã hội và 90 cá nhân trong và ngoài nước, cùng lên tiếng đòi hỏi quyền lợi bị tước đoạt của nhiều người dân Thủ Thiêm.
Dân oan Thủ Thiêm trong một lần nộp đơn khiếu kiện. Courtesy of zing.vn
Nguyên nhân ra đời và nội dung bản tuyên bố
Ngày 26/6/2019, Thanh tra Chính phủ có Thông báo số 1041/TB-TTCP về công tác quản lý nhà nước và thực hiện pháp luật trong quy hoạch, quản lý xây dựng, đất đai tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm, Thành phố Hồ Chí Minh.
Các tổ chức xã hội dân sự nhận định bản thông báo khẳng định sai lầm, vi phạm cố ý của UBND Thành phố Hồ Chí Minh và các ban ngành kể cả trung ương đã không thực hiện dự án đô thị mới Thủ Thiêm theo quy hoạch của chính phủ, cố ý vi phạm pháp luật và các quy định của thủ tướng chính phủ. Gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước trên 26 ngàn tỷ đồng.
Tuy nhiên bản thông báo đã không đề cập gì đến việc 15 ngàn hộ dân bị di dời nằm ngoài ranh theo Quyết định 367 ; không đề cập gì đến 4,3 ha của phường Bình An nằm ngoài ranh quy hoạch ; không đề cập gì đến 160 ha tái định cư biến mất ; không đề cập gì đến việc 115 người dân ký tên khiếu kiện tập thể…
Chính vì vậy các tổ chức xã hội dân sự cùng soạn thảo một bản tuyên bố với bốn nội dung :
1. Chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh phải khẩn trương giải quyết đơn khiếu nại tập thể do 115 người dân Thủ Thiêm đại diện, trả lại đất hoặc đền bù theo giá thị trường hiện nay cho những hộ nằm ngoài ranh qui hoạch ; bồi thường hỗ trợ cho những hộ dân trong quy hoạch ; trả lại 160 ha đất tái định cư cho dân để dân xây dựng lại nhà cửa ổn định cuộc sống.
2. Phải có luật sư độc lập do dân chọn làm đại diện trong ban bồi thường hỗ trợ tái định cư. Chính quyền phải thường xuyên đối thoại với dân giải quyết khiếu nại.
3. Phải chuyển ngay thông báo 1041/TB - TTCP ngày 26 tháng 6 năm 2019 cho cơ quan điều tra xử lý theo luật pháp. Phải trừng trị những ai đã vi phạm pháp luật gây đau khổ, mất đất mất nhà, thiệt hại về tinh thần và vật chất cho người dân Thủ Thiêm dù những kẻ đó ở bất kỳ cấp nào, còn làm việc hay đã về hưu. Phải trừng trị những tên sử dụng quyền lực và cơ chế vơ vét tài sản làm giàu bất chính cho cá nhân và phe nhóm.
4.- Phải sửa lại luật đất đai, xác lập chế độ đa sở hữu về đất đai bao gồm sở hữu cá nhân, sở hữu tập thể, và sở hữu nhà nước. Xóa bỏ vĩnh viễn nguyên tắc "đất đai thuộc sở hữu toàn dân do nhà nước quản lý".
Kiên trì lên tiếng
Ông Nguyễn Khắc Mai, nguyên Vụ trưởng Vụ Nghiên Cứu, Ban Dân vận Trung ương, hiện là giám đốc Trung tâm nghiên cứu Văn hóa Minh Triết cho biết mục đích mà bản tuyên bố nhắm tới, thứ nhất là thúc đẩy thanh tra chính phủ và Ủy ban Kiểm soát Trung ương phải thực hiện kết luận thanh tra cho đến nơi đến chốn ; thứ hai là trong bản kết luận của thanh tra chưa nói được đầy đủ về những oan khuất, mất mát, đau đớn của người dân Thủ Thiêm 20 năm nay và những đền bù xứng đáng ; thứ ba là phải nói cho rõ nguyên nhân sâu xa, gốc rễ để đưa tới những thảm họa xã hội như thế này là do luật đất đai không chính xác và phải công nhận đa sở hữu đất đai, trong đó có sở hữu tư nhân của người dân. Ông nói thêm :
"Nếu một chính phủ, một đảng đang thấy rằng cần phải dựa vào dân và muốn thể hiện là vì dân, do dân….như nó vẫn tuyên bố thì nó phải làm đến nơi đến chốn về vấn đề Thủ Thiêm".
Nhà báo, dịch giả Hoàng Hưng nêu mục đích của việc tham gia soạn thảo cũng như ký bản tuyên bố lần này :
"Khi chúng tôi ký hay làm những việc liên quan đến tuyên bố này thì chúng tôi không bao giờ tin rằng Đảng cộng sản hay Nhà nước sẽ nghe. Nhưng chúng tôi vẫn làm với mục đích đầu tiên là phải gây sức ép thường xuyên với Nhà nước, chỉ ra những gì họ sai. Có thể họ không nghe nhưng mình vẫn phải làm vì mình làm đúng, làm điều chính nghĩa thì trước sau gì cũng phải có tác dụng".
Dân oan Thủ Thiêm (Thanh Niên). Ảnh minh họa
Tại Việt Nam, các nhóm Xã hội Dân sự Độc lập được hình thành bởi các dân oan, trí thức, tù nhân lương tâm hay những nhà bất đồng chính kiến… trong những năm gần đây. Tuy nhà nước không công nhận các nhóm Xã hội Dân sự Độc lập nhưng thực tế tiếng nói của họ ngày càng có tác động trên mạng xã hội.
Nhà báo Sương Quỳnh cho rằng đảng và chính phủ Việt Nam lâu nay không hề trả lời bằng văn bản những kiến nghị được gửi đến hay có phản hồi chính thức đối với những tuyên bố như vừa nêu nhưng bà vẫn tham gia ký tên :
"Nhưng chúng ta vẫn phải ra tuyên bố để cho họ biết rằng vẫn có những người phải lên tiếng để nói lên những sai trái và đòi hỏi quyền công dân của mình cho người dân Thủ Thiêm nói riêng và dân oan cả nước nói chung".
Nhà báo Hoàng Hưng cho biết tuyên bố Thủ Thiêm lần này là tuyên bố thứ tư, và ông tin rằng nó sẽ góp một phần nào đó thúc đẩy Nhà nước giải quyết vụ Thủ Thiêm cho thấu đáo, bù đắp những thiệt thòi của người dân. Và một điều mà với ông rất ý nghĩa, đó là phải lên tiếng để người dân bớt sợ hãi :
"Muốn đất nước có tự do dân chủ thì điều đầu tiên là mỗi người phải vượt qua nỗi sợ của chính mình. Hàng bao nhiêu năm nay quần chúng Việt Nam bị lối tuyên truyền một chiều, nhồi sọ, họ không biết sự thật. Cho nên việc của những người biết chuyện, những người được coi là trí thức, có lương tâm thì phải lên tiếng để thức tỉnh những người tiêu cực hay những người biết chuyện nhưng còn sợ hãi".
Sửa luật đất đai
Một trong những điều bản tuyên bố đề cập đến là phải sửa đổi luật đất đai. Cho đến bây giờ Nhà nước Việt Nam vẫn quyết tâm duy trì đất đai là sở hữu toàn dân như một cách khẳng định quyền sở hữu này thuộc về Nhà nước cho dù người dân mong muốn cải cách.
Nhà báo Sương Quỳnh cho biết cách đây nhiều năm, một loạt nhân sĩ trí thức - trong đó có bà - đã ký tên yêu cầu sửa đổi luật đất đai và Điều 4 Hiến pháp vì đó là nguyên cớ dẫn đến bao oan khiên mà người dân phải chịu lâu nay.
"Tất cả những oan khiên, oan khuất của dân oan trên đất nước này đều do luật đất đai bây giờ mà ra, cho nên tuyên bố lần này là vẫn nhắc lại.Trong tất cả các bản tuyên bố, kiến nghị xưa nay đều nhắc nhưng họ vẫn lời đi".
Nhà báo Hoàng Hưng cho rằng luật đất đai hiện hành vô lý, người dân lên tiếng từ lâu nhưng nhà nước chưa dám thay đổi vì nó động chạm đến cốt tủy của Chủ nghĩa Xã hội.
Theo ông Nguyễn Khắc Mai thì dù khó cũng phải làm vì đã đến lúc phải thay đổi. Nếu không giải quyết vấn đề luật đất đai thì nó luôn luôn là một cơ sở để cho những xáo trộn xã hội xảy ra :
"Đã đến lúc đảng Cộng sản phải tỉnh táo về vấn đề nầy. Khi mà họ công nhận kinh tế tư nhân thí tất yếu họ phải giải quyết vấn đề này. Và đấy là một đòi hỏi rất hợp tình hợp lý. Đây là vấn đề thử thách : họ có tồn tại hay không là phải giải quyết những vấn đề này".
Theo số liệu Tổng Cục Quản Lý Đất Đai thuộc Bộ Tài Nguyên - Môi trường thì năm 2016 có hơn 2.000 vụ khiếu kiện đất đai ; năm 2017 có trên 3.500 đơn khiếu nại về đất đai. Hiện nay số đơn khiếu kiện về đất đai cũng được cho biết chiếm đến ba phần tư các loại đơn thư.
Diễm Thi
Nguồn : RFA, 09/07/2019
Cử tri Thủ Thiêm nhiều lần yêu cầu chính quyền xử lý đối với ông Tất Thành Cang cùng một vài quan chức khác vì đã sai phạm trong dự án Đô thị mới Thủ Thiêm. Các nạn nhân trong dự án này nói gì trước thông tin ông Tất Thành Cang bị tước mọi chức vụ trong Đảng ?
Ông Tất Thành Cang bị kỷ luật đảng vào ngày 26/12/18. Courtesy : Ảnh chụp màn hình danviet.vn
Ban Chấp hành Trung ương đảng Cộng sản Việt Nam, vào chiều ngày 26 tháng 12, công bố quyết định thi hành kỷ luật đối với ông Tất Thành Cang bằng hình thức tước bỏ các chức vụ bao gồm Ủy viên Trung ương Đảng khoá XII ; Phó bí thư thường trực Thành ủy, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh (Thành phố Hồ Chí Minh) nhiệm kỳ 2015-2020.
Ông Tất Thành Cang bị xử lý về mặt đảng vì đã có những khuyết điểm, sai phạm được cho là rất nghiệm trọng do vượt thẩm quyền trong phê duyệt và ký hợp đồng xây dựng 4 tuyến đường đắt đỏ dài 12 km, tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm với tổng số vốn lên đến hơn 12.200 tỷ đồng.
Ông Tất Thành Cang trong mắt người dân Thủ Thiêm là một nhân vật được gọi tên là "sát thủ" khi ông còn đảm nhiệm chức vụ Bí thư kiêm Chủ tịch quận 2, Thành phố Hồ Chí Minh từ năm 2009 đến năm 2012.
Đài Á Châu Tự Do ghi nhận người dân cư ngụ tại vùng quy hoạch Khu đô thị mới Thủ Thiêm cho biết họ làm đơn khiếu nại với cơ quan chức năng các cấp từ địa phương đến trung ương, về những sai phạm trong quá trình quy hoạch ở Thủ Thiêm kéo dài cả hai thập niên. Tuy nhiên, họ không nhận được phản hồi nào.
Người dân Thủ Thiêm không bỏ cuộc và tiếp tục làm đơn tố cáo Chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh sai phạm, tham nhũng trong Dự án Khu đô thị mới Thủ thiêm ; trong đó có nêu đích danh ông Tất Thành Cang, Lê Hoàng Quân (cựu Chủ tịch Thành phố Hồ Chí Minh) và Đào Anh Kiệt (nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên-Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh) vào khi tiến độ xây dựng dự án ngày càng gia tăng cũng như lệnh cưỡng chế ngày càng dồn dập. Thế nhưng, các đơn tố cáo này vẫn không được giải quyết và con đường quan lộ của ông Tất Thành Cang được ví von "như diều gặp gió".
Một cư dân Thủ Thiêm, ông Nguyễn Văn Lung, nói với RFA liên quan thông tin ông Tất Thành Cang bị Ban Chấp hành Trung ương Đảng cách chức :
"Tất Thành Cang được đưa về để thực hiện những sai phạm do thành phố chủ trương, gọi là ‘sát thủ’. Bà con chúng tôi gọi là đưa Tất Thành Cang về để đóng vai trò là ‘bàn tay sắt’, nghĩa là ai không chịu di dời thì bị cưỡng chế. Thời kỳ đó rất là nóng, cưỡng chế hủy hoại nhà cửa của chúng tôi là sau khi Tất Thành Cang về đó và gây ra tranh chấp khốc liệt kể từ lúc bấy giờ. Hôm nay ở ngoài Trung ương kỷ luật Tất Thành Cang thì nói đúng ra chưa có liên quan gì vụ án của bà con chúng tôi cả".
Tại các buổi tiếp xúc giữa cử tri với chính quyền quận 2 và Thành phố Hồ Chí Minh trong thời gian qua, người dân Thủ Thiêm nhắc đi nhắc lại yêu cầu xử lý không chỉ ông Tất Thành Cang mà còn những cá nhân và tổ chức khác đã gây ra các sai phạm khiến cho người dân Thủ Thiêm bị mất mát và tổn hại về vật chất lẫn tinh thần trầm trọng.
Câu chuyện về một nạn nhân của dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm, Thiếu tướng về hưu Hồng Minh Hải được nhà báo Võ Đắc Danh kể lại và chia sẻ trên trang Facebook cá nhân gây chú ý trong dư luận. Theo câu chuyện kể, Thiếu tướng Hồng Minh Hải, trong một lần trực tiếp trao đổi với ông Tất Thành Cang về vấn đề bồi thường giải tỏa không thỏa đáng, đã từng tuyên bố thẳng thừng rằng ông sẽ bắn "nát đầu bọn cướp" nếu như chính quyền cưỡng chế đất đai của ông. Mặc dù vậy, câu chuyện về ông được lan tỏa qua một video clip xuất hiện trên mạng xã hội, ghi lại hình ảnh của ông với lời lẽ rất ôn hòa :
"Nguyện vọng của tôi là muốn nhân dân bình an, trả nhà trả đất lại cho người ta. Nhà nước mà không bắt các ông Hải, ông Đua, ông Tất Thành Cang thì nhân dân quận 2 còn khổ sở nữa. Tôi là Hồng Minh Hải, Thiếu tướng".
Người dân Thủ Thiêm cũng rất ôn hòa giống vị Thiếu tướng về hưu Hồng Minh Hải. Trao đổi với RFA liên quan thông tin mới nhất Trung ương ra quyết định tước bỏ mọi chức vụ đảng của ông Tất Thành Cang, không ít các nạn nhân của dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm bày tỏ họ có niềm hy vọng rằng chính quyền các cấp sẽ giải quyết đến nơi đến chốn vụ việc Thủ Thiêm. Ông Nguyễn Văn Lung khẳng định :
"Bà con chúng tôi cũng thấy có phần hân hoan vì sẽ không còn lực cản trực tiếp ở thành phố Hồ Chí Minh này như Tất Thành Cang nữa. Và từ vụ này thì có thể những vị khác gọi là đồng lõa, hay bao che có thể sẽ không dám nhấn chìm vụ việc của bà con ở Thủ Thiêm chúng tôi".
Trong khi đó, chúng tôi cũng được nghe một số ý kiến trái chiều, như của Hòa thượng Thích Không Tánh, tru trì chùa Liên Trì, bị cưỡng chế trái pháp luật hồi năm 2016 rằng :
"Sự thật thì chế độ này rất khôn ngoan. Họ có động tác này, xử lý chuyện kia, bắt người nọ… chẳng qua gọi là thanh trừng hay thanh toán nhau hoặc bao che cho vấn đề gì đó chứ tôi không tin mấy với chế độ Cộng Sản-xã hội Chủ nghĩa mà họ giải quyết".
Phát biểu tại buổi bế mạc Hội nghị Trung ương 9, khóa XII, Ông Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh rằng việc kỷ luật Tất Thành Cang là bài học sâu sắc cần nghiêm túc rút kinh nghiệm, không chỉ đối với ông Cang mà là bài học chung đối với tất cả "chúng ta".
Đài RFA tiếp xúc với một số nhà quan sát tình hình Việt Nam và họ nói rằng qua lời tuyên bố vừa nêu của ông Nguyễn Phú Trọng, thì họ có hy vọng Chính quyền Việt Nam sẽ khôn ngoan để giải quyết minh bạch vụ việc Thủ Thiêm ; bằng như ngược lại Hà Nội sẽ đối mặt với nhiều thách thức một khi người dân khắp nơi đồng lòng đấu tranh giữ đất, với lời tuyên bố khẳng khái như của người dân Thủ Thiêm rằng "Chúng tôi kiên trì quyết chiến tới cùng, sẵn sàng hy sinh cả tính mạng cho đến khi nào phải đòi, tìm được công lý thì mới thôi".
Diễn biến mới nhất xoay quanh tranh chấp đất đai kéo dài gần 20 năm qua của người dân khu Thủ Thiêm là buổi tiếp dân hôm 18/10 của ban lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh và Trung ương.
Hàng trăm dân oan Thủ Thiêm đứng bên ngoài mong muốn được vào gặp lãnh đạo Thành phố hôm 18/10
Đây là buổi tiếp dân thứ hai kể từ khi UBND thành phố công bố kết luận thanh tra chính phủ về những sai phạm trong quá trình xây dựng khu đô thị mới Thủ Thiêm hồi tháng 9.
Cuộc đối thoại trong buổi tiếp dân nói trên tạo điểm nhấn trên truyền thông Việt Nam vì lời xin lỗi của Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong.
"Thay mặt lãnh đạo Thành phố trong các thời kỳ, tận đáy lòng mình tôi chân thành xin lỗi người dân Thủ Thiêm vì những sai phạm trong thời gian qua khi thực hiện quy hoạch Thủ Thiêm".
"Tôi rất xin lỗi !", ông Phong nói.
Theo báo Zing, lãnh đạo Thành phố "trân trọng lắng nghe, tiếp thu ý kiến người dân" đồng thời đề ra lộ trình giải quyết khúc mắc xoay quanh tranh chấp đất đai kéo dài gần 20 năm tại Thủ Thiêm.
Vậy buổi tiếp dân thứ hai nói trên có giải quyết phần nào khúc mắc cho những người dân đang đi khiếu nại không ?
BBC Tiếng Việt phỏng vấn một số dân oan có mặt tại buổi tiếp tân này để tìm hiểu.
Lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh có sự dàn dựng ?
Tiếp xúc với BBC qua điện thoại hôm 19/10, ông Lê Văn Lung, được biết là đại diện cho một nhóm dân oan khiếu kiện hơn mười mấy năm qua, cũng là người có mặt tại buổi tiếp dân, cho biết buổi tiếp dân có những diễn biến rất khác với những gì báo chí đưa tin.
Cáo buộc rằng chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh đã 'dàn dựng những người dân được mời đến tham dự, ông Lung cho BBC biết rằng dù hàng trăm người dân oan đã kéo đến Trung tâm Bồi dưỡng Chính trị Quận 2 từ sáng sớm 18/10, chỉ có 30 người dân đại diện cho 30 hộ được tham gia buổi tiếp dân.
Ngoài số người dân ít ỏi được cho vào, điều làm ông Lung "vô cùng bất ngờ" là trong 30 người này, chỉ có 5 người, trong đó có bản thân ông, thực sự là những người dân còn đang khiếu kiện. 25 người còn lại là những người đã nhận tiền bồi thường, lấy nền, lấy nhà đi ở chỗ khác từ lâu.
Chủ tịch HĐND Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Quyết Tâm tại buổi tiếp dân hôm 18/10
"Tôi rất không hiểu vì sao họ lại mời những người dân đã nhận tiền rồi, đã đi từ lâu rồi, không hề khiếu nại nữa về làm gì. Có người đang ngủ thì được mời lên. Trong khi có khoảng 115 hộ dân oan bức xúc bấy lâu nay thì họ không thèm dòm ngó tới". Ông Lung đặt câu hỏi.
Theo ông Lung, 25 người đại diện kia được mời tới buổi tiếp dân thuộc khoảng 300 hộ từng sinh sống trong khu vực 4,3ha nhưng đã bị cưỡng chế và buộc phải nhận tiền, lấy nền, rời đi từ nhiều năm trước.
Bản Kết luận kiểm tra của Thanh tra chính phủ cho rằng khu đất bị thu hồi sai quy hoạch là khu 4,3ha thuộc khu phố 1, Phường Bình An, nhưng theo ông Lung, khu dân cư bị ảnh hưởng do thu hồi sai quy hoạch là 60ha - tức gần gấp 14 lần, và ở trên địa bàn 5 khu phố, thuộc ba phường Bình An, An Khánh, Bình Khánh.
Ông Lung cho biết là số đất thu hồi sai quy hoạch là 60ha được viết rõ trong đơn kiến nghị người dân gửi cho Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Trong 60ha đất này, có khoảng 3.000 hộ từng sinh sống bị ảnh hưởng, và giờ chỉ còn khoảng 115 hộ vẫn đang khiếu nại ranh quy hoạch, nhưng trong đó, chỉ có 9 hộ nằm trong khu 4,3ha.
Bản chụp một tấm bản đồ mà ông Lê Văn Lung nói là bản đồ quy hoạch 1996
Vì vậy, theo ông Lung, việc mời phần lớn những người dân đã di cư khỏi khu 4,3ha và diễn vở kịch "đền bù thêm cho những người đã bị thu hồi ngoài ranh quy hoạch" là để chứng tỏ lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh "rất công minh, rất sáng suốt".
"Dòm vô thì thấy rất là thiện tâm, rất là công minh nhưng đằng sau đó thì thật sự rất tàn nhẫn", ông Lung nói.
"Họ nghĩ những người kia với tâm lý đã nhận tiền rồi thì đưa thêm 5-10 triệu nữa họ cũng mừng. Rồi lấy ý kiến số đông thì khi đó thì 5 người tụi tôi sao đọ lại 25 người bọn họ".
"Rồi họ lên báo, nói rằng chính quyền đã rất công minh. Người đã đi còn gọi trở về bồi thường thêm, rất là lo cho dân. Họ dùng cái đó là lấp đi bốn khu phố còn lại".
"Nhưng không ngờ cho họ, kế hoạch của họ đã phá sản", ông Lung nói.
'Vỡ trận'
Ông Lung kể, tại buổi tiếp dân, nhóm người dân đã đi di cư kia bất ngờ nói rằng họ không muốn nhận thêm tiền, mà thậm chí sẽ trả lại tiền cho chính quyền để được quay về chỗ cũ.
"Xui cho chính quyền là những người trở về họ lại có ý kiến. Họ nói họ sẽ trả lại tiền. Đã xác định họ ngoài ranh thì họ trả tiền bồi thường hồi xưa cho nhà nước, họ về lấy lại đất, nhà nước bồi thường lại nhà cho họ".
"Vì như theo lời ông Nhân nói 'nếu ngoài ranh thật thì không phải di dời'", ông Lung dẫn lại lời của Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân nói hồi tháng Sáu.
Bà Lê Thị Thu Hương, một người dân oan nói hôm 18/10 theo dõi diễn biến vụ việc qua màn hình điện thoại mà anh trai bà, một người dân được dự buổi tiếp dân quay trực tiếp lại.
"Khi 5-6 hộ trong những hộ đã nhận tiền đi rồi, đòi trả tiền quay về thì [lãnh đạo] họ quá bất ngờ, họ mới phải lên tiếng xin lỗi dân đó chứ. Mà xin lỗi gì mà cúi gầm mặt đọc văn bản vậy thì đâu có chân thành !" bà Hương nói.
"Đây là chiến thắng đầu tiên của người dân. Chính quyền thua rồi !" bà Hương nói.
Dân oan Thủ Thiêm muốn gì ?
Trước tiên là yêu cầu thanh tra lại, ông Lung nói. Bản Kết luận kiểm tra với nhiều người dân là "sai hoàn toàn, và rất mâu thuẫn".
Ông Lung nói người dân muốn thanh tra chính phủ phải tiếp xúc làm việc với bà con để đưa ra chứng cứ, bản đồ liên quan đến khu vực trong và ngoài quy hoạch.
Trong khi Kết luận kiểm tra cho rằng mảnh đất ngoài quy hoạch chỉ là 4,3ha ở khu phố 1, P. Bình An, thì người dân cho rằng khu đất bị thu hồi ngoài quy hoạch thực sự gồm khu dân cư 60ha ở 5 khu phố, trên 3 phường,
Với 9 hộ trong khu 4,3ha đã được chính quyền thừa nhận là ngoài ranh, ông Lung nói những hộ này muốn ổn định, không di dời.
Còn gần một trăm hộ còn lại không được thừa nhận, ông Lung nói ông sẽ tiếp tục đấu tranh đòi quyền lợi cho họ. Quyền lợi như thế nào ? Tùy thuộc vào sự thỏa thuận và đề nghị bồi thường từ phía chính quyền.
Lực lượng công an dân phòng bên ngoài Trung tâm bồi dưỡng Chính trị Quận 2 nơi diễn ra buổi tiếp dân hôm 18/10
'Chủ tịch đã tiếp thu ý kiến người dân'
Tại buổi tiếp dân hôm 18/10, lãnh đạo Thành phố cam kết sẽ thực hiện theo lộ trình vạch ra bởi Kết luận kiểm tra. Tức trước 30/11, lãnh đạo thành phố sẽ phải xây dựng chính sách bồi thường thiệt hại, hỗ trợ, tái định cư với các hộ trong phần 4,3ha.
Và đồng thời tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm, xử lý vi phạm với các tổ chức, cá nhân liên quan.
Đến sáng 20/10, người dân lại tiếp tục chất vấn, nói rằng diện tích thu hồi sai quy hoạch lớn hơn 4,3ha, thì Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân nói rằng Chủ tịch UBND Thành phố đã tiếp thu ý kiến người dân vào hôm 18/10 rồi.
"Vấn đề Thủ Thiêm là một quá trình mà Thành phố phải cùng với dân làm rõ. Nếu còn có vấn đề thì tiếp tục làm rõ ra. Nhưng trước mắt là giải quyết khu 4,3ha đã được Thanh tra Chính phủ kết luận nằm ngoài ranh", báo Tuổi Trẻ thuật lại.
****************
Được tán thưởng khi ném giày về phía ‘chủ tịch hội đồng nhân dân’ Sài Gòn (Người Việt, 21/10/2018)
Một cô gái đã ném giày cao gót về phía bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, ‘chủ tịch Hội đồng nhân dân’ thành phố Sài Gòn trong buổi "tiếp xúc cử tri" liên quan đến đất đai Thủ Thiêm hôm 20 Tháng Mười.
Chiếc dày được ném về phía bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố ở Sài Gòn. (Hình : Facebook Nguyễn Thùy Dương/VOV)
Cô gái đó tên là Nguyễn Thùy Dương, một người dân Sài Gòn.
Trong đoạn clip được nhiều Facebooker chia sẻ, cô Dương sau khi ném giày lập tức bị đẩy ra ngoài hội trường. Một biên bản bị rò rỉ sau đó ghi tang vật "là một chiếc giày cao gót màu trắng".
Các báo ở Việt Nam khi tường thuật sự kiện này hoàn toàn không đề cập đến sự cố, mà chỉ ghi nhận phát ngôn của ông Nguyễn Thiện Nhân, bí thư Thành Ủy ở Sài Gòn : "Chúng tôi thấy rất buồn, rất đau, từng hộ dân, từng gia đình là những con người cụ thể. Chúng tôi cam kết làm hết sức để giải quyết có lợi nhất cho người dân".
Cô Nguyễn Thùy Dương tại hội trường trước khi ném giày và bị đẩy ra ngoài. (Hình : Facebook Hữu Khoa)
Luật sư Phạm Công Út ở Sài Gòn nhận định về vụ việc trên trang cá nhân : "Sứ mệnh lịch sử của một chiếc giày vào ngày Phụ Nữ Việt Nam Tháng Mười. Quả là một món quà đau đớn !"
Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn ở Úc bình luận trên trang cá nhân : "Hành động ném chiếc giày của cô Thùy Dương có thể hiểu như là một sự phản đối trong vô vọng của những người ‘thấp cổ bé họng’ đã, đang, và sẽ mất đất vì những chính sách bất công. Đó cũng là một phát biểu với ý khinh bỉ những kẻ đang trực tiếp hay gián tiếp tiếp tay cho những thế lực cướp đất và đàn áp người nghèo khổ. Đối với người miền Nam hiền lành, việc ném chiếc giày vào một viên chức đại diện cho giới cầm quyền cũng có thể hiểu là người dân Nam bộ đã mất đi sự trong trắng và hiền hòa".
Viết trên trang cá nhân hôm 21 Tháng Mười, cô Nguyễn Thùy Dương cho biết thêm : "Sáng nay tôi bị giáo huấn sớm. Anh công an cố giảng giải cho tôi biết bà Tâm không liên quan gì tới việc mất đất của dân. Anh ấy nói nếu không khéo an ninh sẽ làm việc về động cơ chính trị của tôi và tìm hiểu xem tôi có bị ai lôi kéo xúi giục không. Xin nói rõ luôn, tôi chỉ là bà nội trợ bình thường thôi".
"Sẵn đây cho tôi hỏi động cơ chính trị nào khiến mấy cô chú xịt nước, đập nhà, đổ đất vào đầu dân vậy ? Các cô chú là chủ tịch, là ông là bà. Dân là súc vật à ? Việc nhỏ như vậy mà cố làm quá thì đúng là chữa lợn lành thành lợn què", cô Dương viết.
Trong một post trước đó, cô Dương viết : "Xem ra Thủ Thiêm không thể yên rồi. Lòng dân như sóng thần. Quan chức kiên quyết dụng quyền".
Trong các buổi tiếp xúc với cử tri Thủ Thiêm thời gian qua, người ta thấy ông Nhân và bà Tâm luôn được một lực lượng liên ngành đông đảo hộ tống, thậm chí hình thành một "hàng rào người" nhằm ngăn ngừa người dân đến gần. Thậm chí có cáo buộc hai nhân vật này chỉ "tiếp xúc" và chụp ảnh với những người dân "được sắp đặt trước".
Trước vụ ném giày về phía bà Tâm, truyền thông Việt Nam từng đưa tin về một vụ có tính chất tương tự : Ông Trần Văn Tuân, phó chánh án Tòa Án Nhân Dân Cấp Cao tại Hà Nội bị ném dép vào người khi đang đọc lời xin lỗi ông Hàn Đức Long hồi Tháng Tư, 2017. Ông Long là người bị tuyên án tử hình oan và phải ngồi tù 11 năm.
Thời điểm đó, báo Dân Việt tường thuật : "Tại buổi xin lỗi công khai, người nhà nạn nhân Nguyễn Thị Yến đã gây náo loạn hội trường nơi diễn ra buổi xin lỗi với lý do chưa tìm ra được hung thủ thực sự của vụ án. Một số người kéo sập tấm biển ghi nội dung buổi xin lỗi treo ở hội trường. Khi ông Tuân đọc lời xin lỗi công khai ông Long, nhiều người quá khích ở hội trường đã cầm dép ném liên tiếp vào người ông Tuân". (T.K.)