Diễn biến mới nhất xoay quanh tranh chấp đất đai kéo dài gần 20 năm qua của người dân khu Thủ Thiêm là buổi tiếp dân hôm 18/10 của ban lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh và Trung ương.
Hàng trăm dân oan Thủ Thiêm đứng bên ngoài mong muốn được vào gặp lãnh đạo Thành phố hôm 18/10
Đây là buổi tiếp dân thứ hai kể từ khi UBND thành phố công bố kết luận thanh tra chính phủ về những sai phạm trong quá trình xây dựng khu đô thị mới Thủ Thiêm hồi tháng 9.
Cuộc đối thoại trong buổi tiếp dân nói trên tạo điểm nhấn trên truyền thông Việt Nam vì lời xin lỗi của Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong.
"Thay mặt lãnh đạo Thành phố trong các thời kỳ, tận đáy lòng mình tôi chân thành xin lỗi người dân Thủ Thiêm vì những sai phạm trong thời gian qua khi thực hiện quy hoạch Thủ Thiêm".
"Tôi rất xin lỗi !", ông Phong nói.
Theo báo Zing, lãnh đạo Thành phố "trân trọng lắng nghe, tiếp thu ý kiến người dân" đồng thời đề ra lộ trình giải quyết khúc mắc xoay quanh tranh chấp đất đai kéo dài gần 20 năm tại Thủ Thiêm.
Vậy buổi tiếp dân thứ hai nói trên có giải quyết phần nào khúc mắc cho những người dân đang đi khiếu nại không ?
BBC Tiếng Việt phỏng vấn một số dân oan có mặt tại buổi tiếp tân này để tìm hiểu.
Lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh có sự dàn dựng ?
Tiếp xúc với BBC qua điện thoại hôm 19/10, ông Lê Văn Lung, được biết là đại diện cho một nhóm dân oan khiếu kiện hơn mười mấy năm qua, cũng là người có mặt tại buổi tiếp dân, cho biết buổi tiếp dân có những diễn biến rất khác với những gì báo chí đưa tin.
Cáo buộc rằng chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh đã 'dàn dựng những người dân được mời đến tham dự, ông Lung cho BBC biết rằng dù hàng trăm người dân oan đã kéo đến Trung tâm Bồi dưỡng Chính trị Quận 2 từ sáng sớm 18/10, chỉ có 30 người dân đại diện cho 30 hộ được tham gia buổi tiếp dân.
Ngoài số người dân ít ỏi được cho vào, điều làm ông Lung "vô cùng bất ngờ" là trong 30 người này, chỉ có 5 người, trong đó có bản thân ông, thực sự là những người dân còn đang khiếu kiện. 25 người còn lại là những người đã nhận tiền bồi thường, lấy nền, lấy nhà đi ở chỗ khác từ lâu.
Chủ tịch HĐND Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Quyết Tâm tại buổi tiếp dân hôm 18/10
"Tôi rất không hiểu vì sao họ lại mời những người dân đã nhận tiền rồi, đã đi từ lâu rồi, không hề khiếu nại nữa về làm gì. Có người đang ngủ thì được mời lên. Trong khi có khoảng 115 hộ dân oan bức xúc bấy lâu nay thì họ không thèm dòm ngó tới". Ông Lung đặt câu hỏi.
Theo ông Lung, 25 người đại diện kia được mời tới buổi tiếp dân thuộc khoảng 300 hộ từng sinh sống trong khu vực 4,3ha nhưng đã bị cưỡng chế và buộc phải nhận tiền, lấy nền, rời đi từ nhiều năm trước.
Bản Kết luận kiểm tra của Thanh tra chính phủ cho rằng khu đất bị thu hồi sai quy hoạch là khu 4,3ha thuộc khu phố 1, Phường Bình An, nhưng theo ông Lung, khu dân cư bị ảnh hưởng do thu hồi sai quy hoạch là 60ha - tức gần gấp 14 lần, và ở trên địa bàn 5 khu phố, thuộc ba phường Bình An, An Khánh, Bình Khánh.
Ông Lung cho biết là số đất thu hồi sai quy hoạch là 60ha được viết rõ trong đơn kiến nghị người dân gửi cho Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Trong 60ha đất này, có khoảng 3.000 hộ từng sinh sống bị ảnh hưởng, và giờ chỉ còn khoảng 115 hộ vẫn đang khiếu nại ranh quy hoạch, nhưng trong đó, chỉ có 9 hộ nằm trong khu 4,3ha.
Bản chụp một tấm bản đồ mà ông Lê Văn Lung nói là bản đồ quy hoạch 1996
Vì vậy, theo ông Lung, việc mời phần lớn những người dân đã di cư khỏi khu 4,3ha và diễn vở kịch "đền bù thêm cho những người đã bị thu hồi ngoài ranh quy hoạch" là để chứng tỏ lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh "rất công minh, rất sáng suốt".
"Dòm vô thì thấy rất là thiện tâm, rất là công minh nhưng đằng sau đó thì thật sự rất tàn nhẫn", ông Lung nói.
"Họ nghĩ những người kia với tâm lý đã nhận tiền rồi thì đưa thêm 5-10 triệu nữa họ cũng mừng. Rồi lấy ý kiến số đông thì khi đó thì 5 người tụi tôi sao đọ lại 25 người bọn họ".
"Rồi họ lên báo, nói rằng chính quyền đã rất công minh. Người đã đi còn gọi trở về bồi thường thêm, rất là lo cho dân. Họ dùng cái đó là lấp đi bốn khu phố còn lại".
"Nhưng không ngờ cho họ, kế hoạch của họ đã phá sản", ông Lung nói.
'Vỡ trận'
Ông Lung kể, tại buổi tiếp dân, nhóm người dân đã đi di cư kia bất ngờ nói rằng họ không muốn nhận thêm tiền, mà thậm chí sẽ trả lại tiền cho chính quyền để được quay về chỗ cũ.
"Xui cho chính quyền là những người trở về họ lại có ý kiến. Họ nói họ sẽ trả lại tiền. Đã xác định họ ngoài ranh thì họ trả tiền bồi thường hồi xưa cho nhà nước, họ về lấy lại đất, nhà nước bồi thường lại nhà cho họ".
"Vì như theo lời ông Nhân nói 'nếu ngoài ranh thật thì không phải di dời'", ông Lung dẫn lại lời của Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân nói hồi tháng Sáu.
Bà Lê Thị Thu Hương, một người dân oan nói hôm 18/10 theo dõi diễn biến vụ việc qua màn hình điện thoại mà anh trai bà, một người dân được dự buổi tiếp dân quay trực tiếp lại.
"Khi 5-6 hộ trong những hộ đã nhận tiền đi rồi, đòi trả tiền quay về thì [lãnh đạo] họ quá bất ngờ, họ mới phải lên tiếng xin lỗi dân đó chứ. Mà xin lỗi gì mà cúi gầm mặt đọc văn bản vậy thì đâu có chân thành !" bà Hương nói.
"Đây là chiến thắng đầu tiên của người dân. Chính quyền thua rồi !" bà Hương nói.
Dân oan Thủ Thiêm muốn gì ?
Trước tiên là yêu cầu thanh tra lại, ông Lung nói. Bản Kết luận kiểm tra với nhiều người dân là "sai hoàn toàn, và rất mâu thuẫn".
Ông Lung nói người dân muốn thanh tra chính phủ phải tiếp xúc làm việc với bà con để đưa ra chứng cứ, bản đồ liên quan đến khu vực trong và ngoài quy hoạch.
Trong khi Kết luận kiểm tra cho rằng mảnh đất ngoài quy hoạch chỉ là 4,3ha ở khu phố 1, P. Bình An, thì người dân cho rằng khu đất bị thu hồi ngoài quy hoạch thực sự gồm khu dân cư 60ha ở 5 khu phố, trên 3 phường,
Với 9 hộ trong khu 4,3ha đã được chính quyền thừa nhận là ngoài ranh, ông Lung nói những hộ này muốn ổn định, không di dời.
Còn gần một trăm hộ còn lại không được thừa nhận, ông Lung nói ông sẽ tiếp tục đấu tranh đòi quyền lợi cho họ. Quyền lợi như thế nào ? Tùy thuộc vào sự thỏa thuận và đề nghị bồi thường từ phía chính quyền.
Lực lượng công an dân phòng bên ngoài Trung tâm bồi dưỡng Chính trị Quận 2 nơi diễn ra buổi tiếp dân hôm 18/10
'Chủ tịch đã tiếp thu ý kiến người dân'
Tại buổi tiếp dân hôm 18/10, lãnh đạo Thành phố cam kết sẽ thực hiện theo lộ trình vạch ra bởi Kết luận kiểm tra. Tức trước 30/11, lãnh đạo thành phố sẽ phải xây dựng chính sách bồi thường thiệt hại, hỗ trợ, tái định cư với các hộ trong phần 4,3ha.
Và đồng thời tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm, xử lý vi phạm với các tổ chức, cá nhân liên quan.
Đến sáng 20/10, người dân lại tiếp tục chất vấn, nói rằng diện tích thu hồi sai quy hoạch lớn hơn 4,3ha, thì Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân nói rằng Chủ tịch UBND Thành phố đã tiếp thu ý kiến người dân vào hôm 18/10 rồi.
"Vấn đề Thủ Thiêm là một quá trình mà Thành phố phải cùng với dân làm rõ. Nếu còn có vấn đề thì tiếp tục làm rõ ra. Nhưng trước mắt là giải quyết khu 4,3ha đã được Thanh tra Chính phủ kết luận nằm ngoài ranh", báo Tuổi Trẻ thuật lại.
****************
Được tán thưởng khi ném giày về phía ‘chủ tịch hội đồng nhân dân’ Sài Gòn (Người Việt, 21/10/2018)
Một cô gái đã ném giày cao gót về phía bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, ‘chủ tịch Hội đồng nhân dân’ thành phố Sài Gòn trong buổi "tiếp xúc cử tri" liên quan đến đất đai Thủ Thiêm hôm 20 Tháng Mười.
Chiếc dày được ném về phía bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố ở Sài Gòn. (Hình : Facebook Nguyễn Thùy Dương/VOV)
Cô gái đó tên là Nguyễn Thùy Dương, một người dân Sài Gòn.
Trong đoạn clip được nhiều Facebooker chia sẻ, cô Dương sau khi ném giày lập tức bị đẩy ra ngoài hội trường. Một biên bản bị rò rỉ sau đó ghi tang vật "là một chiếc giày cao gót màu trắng".
Các báo ở Việt Nam khi tường thuật sự kiện này hoàn toàn không đề cập đến sự cố, mà chỉ ghi nhận phát ngôn của ông Nguyễn Thiện Nhân, bí thư Thành Ủy ở Sài Gòn : "Chúng tôi thấy rất buồn, rất đau, từng hộ dân, từng gia đình là những con người cụ thể. Chúng tôi cam kết làm hết sức để giải quyết có lợi nhất cho người dân".
Cô Nguyễn Thùy Dương tại hội trường trước khi ném giày và bị đẩy ra ngoài. (Hình : Facebook Hữu Khoa)
Luật sư Phạm Công Út ở Sài Gòn nhận định về vụ việc trên trang cá nhân : "Sứ mệnh lịch sử của một chiếc giày vào ngày Phụ Nữ Việt Nam Tháng Mười. Quả là một món quà đau đớn !"
Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn ở Úc bình luận trên trang cá nhân : "Hành động ném chiếc giày của cô Thùy Dương có thể hiểu như là một sự phản đối trong vô vọng của những người ‘thấp cổ bé họng’ đã, đang, và sẽ mất đất vì những chính sách bất công. Đó cũng là một phát biểu với ý khinh bỉ những kẻ đang trực tiếp hay gián tiếp tiếp tay cho những thế lực cướp đất và đàn áp người nghèo khổ. Đối với người miền Nam hiền lành, việc ném chiếc giày vào một viên chức đại diện cho giới cầm quyền cũng có thể hiểu là người dân Nam bộ đã mất đi sự trong trắng và hiền hòa".
Viết trên trang cá nhân hôm 21 Tháng Mười, cô Nguyễn Thùy Dương cho biết thêm : "Sáng nay tôi bị giáo huấn sớm. Anh công an cố giảng giải cho tôi biết bà Tâm không liên quan gì tới việc mất đất của dân. Anh ấy nói nếu không khéo an ninh sẽ làm việc về động cơ chính trị của tôi và tìm hiểu xem tôi có bị ai lôi kéo xúi giục không. Xin nói rõ luôn, tôi chỉ là bà nội trợ bình thường thôi".
"Sẵn đây cho tôi hỏi động cơ chính trị nào khiến mấy cô chú xịt nước, đập nhà, đổ đất vào đầu dân vậy ? Các cô chú là chủ tịch, là ông là bà. Dân là súc vật à ? Việc nhỏ như vậy mà cố làm quá thì đúng là chữa lợn lành thành lợn què", cô Dương viết.
Trong một post trước đó, cô Dương viết : "Xem ra Thủ Thiêm không thể yên rồi. Lòng dân như sóng thần. Quan chức kiên quyết dụng quyền".
Trong các buổi tiếp xúc với cử tri Thủ Thiêm thời gian qua, người ta thấy ông Nhân và bà Tâm luôn được một lực lượng liên ngành đông đảo hộ tống, thậm chí hình thành một "hàng rào người" nhằm ngăn ngừa người dân đến gần. Thậm chí có cáo buộc hai nhân vật này chỉ "tiếp xúc" và chụp ảnh với những người dân "được sắp đặt trước".
Trước vụ ném giày về phía bà Tâm, truyền thông Việt Nam từng đưa tin về một vụ có tính chất tương tự : Ông Trần Văn Tuân, phó chánh án Tòa Án Nhân Dân Cấp Cao tại Hà Nội bị ném dép vào người khi đang đọc lời xin lỗi ông Hàn Đức Long hồi Tháng Tư, 2017. Ông Long là người bị tuyên án tử hình oan và phải ngồi tù 11 năm.
Thời điểm đó, báo Dân Việt tường thuật : "Tại buổi xin lỗi công khai, người nhà nạn nhân Nguyễn Thị Yến đã gây náo loạn hội trường nơi diễn ra buổi xin lỗi với lý do chưa tìm ra được hung thủ thực sự của vụ án. Một số người kéo sập tấm biển ghi nội dung buổi xin lỗi treo ở hội trường. Khi ông Tuân đọc lời xin lỗi công khai ông Long, nhiều người quá khích ở hội trường đã cầm dép ném liên tiếp vào người ông Tuân". (T.K.)