Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Kết luận mới đây về đất đai ở Đồng Tâm, Hà Nội của Thanh tra Chính phủ khơi lại tranh chấp vốn đã nóng bỏng giữa chính quyền với người dân nơi đây.

dat1

Hôm 22/4/2017, Chủ tịch Hà Nội, ông Nguyễn Đức Chung đã xuống ký giấy cam kết không truy tố người dân Đồng Tâm vì đã giam giữ các cán bộ

"Ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch Thành phố Hà Nội nói tới đây sẽ cho bộ đội về xây dựng trên đất Đồng Tâm. Tôi thì cho rằng bộ đội sẽ không ủng hộ đâu. Còn nếu cố tình đưa Viettel về lấy đất thì dân Đồng Tâm sẵn sàng hi sinh giữ đất".

"Nhà nào ở Đồng Tâm cũng đã trang bị đầy đủ rồi, sẽ không bắt giữ người như năm 2017 nữa đâu mà chắc chắn sẽ đổ máu 'như Gò Đống Đa'. Bởi vì chính quyền Hà Nội đã chèn ép người dân quá đáng", ông Lê Đình Công, xã Đồng Tâm, Mỹ Đức, Hà Nội, nói với BBC hôm 22/5.

Trao đổi của ông Công với BBC được thực hiện sau khi Thanh tra Chính phủ công bố kết luận về đất đai quê ông, khẳng định mảnh đất 59ha ở Đồng Sênh, thuộc Đồng Tâm, là 'đất quốc phòng', và thuộc sân bay Miếu Môn. Tuyên bố được đưa ra 2 năm sau vụ việc dân Đồng Tâm bắt 38 cảnh sát làm con tin gây chấn động trong cuộc chiến '36 ngày đêm giữ đất'.

Trong buổi công bố của Thanh tranh Chính phủ hôm 25/4, dân Đồng Tâm không được mời tham dự.

'Cuộc đấu trí mới'

Cụ Lê Đình Kình, đại diện người dân Đồng Tâm, nói "sau kết luận của Thanh tra Chính phủ, dân Đồng Tâm 'bước vào một cuộc đấu trí mới', 'chống tham nhũng và lợi ích nhóm', trong cuộc họp thường kỳ của bà con Đồng Tâm hôm 20/5.

'Cuộc đấu trí mới' theo lời ông Công và cụ Kình, là làm việc với các luật sư để bảo vệ quyền lợi về mặt pháp lý do dân Đồng Tâm và tiếp tục gửi các văn bản kiến nghị tới Chủ tịch nước và Thủ tướng.

Dù vẫn ngồi xe lăn sau thương tật ở chân từ vụ việc năm 2017, cụ Kình đã đích thân lên Thủ đô Hà Nội để gặp gỡ, trao đổi với một nhóm luật sư có uy tín và từng giúp dân nghèo tranh tụng các vụ việc tương tự.

"Tới đây nhóm luật sư sẽ chính thức gửi đơn tới Thủ tướng chính phủ đề nghị giải quyết vụ việc này, đồng thời đề nghị Bộ Quốc phòng phải có văn bản trả lời rõ cho người dân Đồng Tâm đất quốc phòng là từ đâu, ranh giới, mốc giới như thế nào ? Và yêu cầu thanh tra Hà Nội và thanh tra chính phủ phải về đối thoại với dân Đồng Tâm".

Ông Lê Đình Công nói thêm rằng đoàn Thanh tra Hà Nội từng về đo đạc từng mốc giới và diện tích đất tại Đồng Tâm tháng 5/2017 "nhưng khi ra kết luận thanh tra họ lại không đưa vào biên bản làm việc buổi hôm đó mà chỉ kết luận vu vơ một câu rằng 'toàn bộ đất sân bay Miếu Môn là đất quốc phòng 64,66ha, hoàn toàn không có đất nông nghiệp".

"Đây là một kết luận sai trái", ông Công nói. "Chúng tôi nhiều lần yêu cầu Thanh tra Hà Nội đưa bằng chứng, cơ sở pháp lý 59ha này là đất quốc phòng như kết luận của họ. Nếu thế thì chỉ cần sau 3 tiếng đồng hồ dân Đồng Tâm sẵn sàng giao đất. Nhưng đến nay họ không đưa được bằng chứng và cũng không dám về đối thoại với dân dù chỉ một lần".

"Đồng Tâm tới nay cũng đã gửi tổng cộng 15 lá đơn tới Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội... Nhưng chưa hề có ai hồi âm chúng tôi".

Cụ Kình thì nhắc lại rằng mình chính là một trong những nhân chứng sống, đã quản lý đất nông nghiệp và tham gia bàn giao đất cho quốc phòng từ những năm 1980 ở Đồng Tâm. Thế nhưng Thanh tra Chính phủ chưa bao giờ đối thoại với cụ hay bất cứ người dân nào ở Đồng Tâm.

Cụ khẳng định lại mảnh đất 59ha ở Đồng Xênh là đất nông nghiệp, hoàn toàn tách biệt với mảnh 47,36ha đã giao cho quốc phòng từ năm 1980 mà hiện chính quyền đang cố tình 'nhập nhèm', 'lẫn lộn' hai mảnh này với nhau.

"Đề nghị đoàn thanh tra về Đồng Tâm đo đạc, cập nhật các bằng chứng, số liệu có căn cứ chính xác, và gặp các nhân chứng sống...", ông Lê Đình Công nói với BBC.

Trong bài phát biểu kỷ kiệm 2 năm sự việc Đồng Tâm, cụ Bùi Quốc Hiểu, nguyên Chủ tịch hợp tác xã nông nghiệp Đồng Tâm, nguyên phó công an xã Đồng Tâm, nói "Nhân dân xã Đồng Tâm [đã] rất tin tưởng vào đảng, coi đây là chỗ dựa vững chắc, là niềm hy vọng cuối cùng. Nhưng lâu quá, chỗ dựa lại bị lung lay, mối nghi ngờ càng ngày càng lớn, sự tin tưởng của người dân càng ngày càng giảm dần".

Còn cụ Lê Đình Kình, 84 tuổi, nguyên bí thư đảng ủy xã Đồng Tâm, nguyên Chủ tịch UBND xã Đồng Tâm, thì nói "ông Nguyễn Đức Chung luôn luôn lươn lẹo, bóp méo sự thật, vừa đá bóng, vừa thổi còi... Hoàn toàn quan liêu, xa rời quần chúng, coi dân như cỏ rác, coi thường những người khiếu nại, tố cáo".

Cụ cũng nhắc đến 19 điều cấm đảng viên không làm, "như ông Nguyễn Xuân Phúc từng nói "cái nào của nhà nước nhà nước sử dụng, phần nào của dân phải trả dân. Nhà nước thượng tôn pháp luật".

Trong vụ việc năm 2017, cụ Kình từng bị cảnh sát bắt đi sau đó trả về với thương tật ở chân mà sau này cụ cáo buộc do bị một cảnh sát tên Tùng đánh.

Ông Chung Chủ tịch Hà Nội từng hứa sẽ điều tra việc này nhưng đến nay chưa thấy quy trách nhiệm cho ai.

'Manh mối cho Đồng Tâm' ?

dat2

Người dân Đồng Tâm sau một cuộc họp thường kỳ

Trao đổi với BBC hôm 21/5, luật sư Ngô Anh Tuấn - thuộc nhóm luật sư đang trợ giúp pháp lý cho dân Đồng Tâm - nói qua nghiên cứu hồ sơ vụ việc đã tìm ra một số manh mối về địa giới đất đai ở Đồng Tâm.

"Manh mối thì nhiều và sẽ được chứng minh trong quá trình đối thoại với chính quyền. Vấn đề là chính quyền chưa từng đối thoại thực chất với dân Đồng Tâm bao giờ".

"Hiện thời chúng tôi chưa muốn tiết lộ chi tiết, nhưng các luật sư sẽ giúp người dân đấu tranh để trước hết, được đối thoại với chính quyền. Qua đối thoại mới vỡ ra được các vấn đề khác. Thậm chí có thể đạt được một số thỏa thuận nào đó mà hai bên chấp nhận được", luật sư Tuấn nói với BBC từ Hà Nội.

Trong khi đó, ông Lê Đình Công cũng giải thích với BBC rằng dân 'quyết chiến' giữ đất dù việc cày cấy thu nhập không đáng kể, là do chính quyền nhậm nhèm giá trị sử dụng đất.

"Trước hết, chính quyền cần minh bạch rằng đây là đất nông nghiệp - nơi ông cha chúng tôi đã cày cấy bao đời nay. Sau đó, nếu họ muốn thu hồi cho mục đích gì thì mới tính tiếp đến chuyện lấy ý kiến của bà con để thỏa thuận phương án, mức giá đền bù theo nguyện vọng của dân. Chứ không thể 'lập lờ' rằng đây là đất quốc phòng để cướp của dân".

Theo ông Công, từ những năm 1980, dân Đồng Tâm đã "cống hiến 50% đất canh tác cho quốc phòng (400ha) làm sân bay, trường bắn, kho gạo, khu kỹ thuật... Còn một chút ít đất nữa để canh tác ở mảnh 59ha thì nay chính quyền lại định cướp nốt".

dat3

Khu đất 47,36ha phía Đông đã được bàn giao cho chính quyền, sau này là quân đội từ 1981. Người dân nói đất phía tây mốc giới là đất nông nghiệp vì chưa có quyết định thu hồi, trong khi chính quyền nói đó là đất quốc phòng

Chính quyền nói gì ?

Hôm 25/4, Thanh tra Chính phủ thông báo kết luận về đất đai ở Đồng Tâm. Theo đó, "toàn bộ diện tích đất sân bay Miếu Môn thuộc địa giới hành chính xã Đồng Tâm là đất quốc phòng", và rằng kết luận của Thanh tra Hà Nội năm 2017 là 'chính xác'.

Phát biểu sau đó, ông Nguyễn Văn Thanh, Phó tổng Thanh tra Chính phủ nói có 'sơ hở trong quản lý đất đai' khiến dân Đồng Tâm cho rằng đó là 'đất để canh tác, trong khi về mặt pháp lý lại là đất quốc phòng từ lâu".

Từ kết luận này, Thanh tra Chính phủ kiến nghị thành phố Hà Nội chỉ đạo UBND huyện Mỹ Đức thực hiện công tác di dời bồi thường và tái định cư cho 14 hộ dân đang sử dụng đất sân bay Miếu Môn.

Theo kết luận của Thanh tra Hà Nội năm 2017, toàn bộ diện tích đất sân bay Miếu Môn là hơn 200 ha, trong đó hợp tác xã nông nghiệp Đồng Tâm đã bàn giao mảnh 47,36ha từ năm 1980. Và hiện cần bàn giao nốt mảnh 59ha.

Vụ Đồng Tâm diễn ra như thế nào ?

11/2016 : Tranh chấp giữa dân Đồng Tâm và chính quyền bắt đầu căng thẳng từ khi UBND huyện Mỹ Đức căng dây khắp khu vực 59h ở tây Đồng Sênh, san gạt một số mặt bằng và cắm biển 'Vùng cấm - Khu vực quân sự'".

2/2017 : Người dân thu dây, nhổ biển báo "Khu vực quân sự" và đưa máy móc vào canh tác, dẫn đến việc giới chức huy động hàng trăm công an, cảnh sát, an ninh dân phòng, xe vòi rồng, xe cứu thương đến nơi.

15/4/2017 : Mâu thuẫn lên đến đỉnh điểm khi chính người dân Đồng Tâm bị bắt giữ và khi được giới chức mời ra khu đất có tranh chấp để 'làm việc', và bị đưa về Hà Nội, trong đó có ông Lê Đình Công và cụ Lê Đình Kình. Dân Đồng Tâm đáp trả bằng cách bắt giữ 38 cán bộ và cảnh sát, giam tại nhà văn hóa thôn trong 7 ngày.

22/4/2017 : Ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch TP Hà Nội phải về Đồng Tâm đối thoại với bà con. Tại đây ông Chung ký vào bản cam kết viết tay về việc sẽ làm rõ nguồn gốc khu đất sân bay Miếu Môn, đồng thời không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với toàn thể nhân dân xã Đồng Tâm. Đổi lại ông Chung được 'trả người'.

13/6/2017 : Công an Hà Nội khởi tố vụ án hình sự liên quan việc dân Đồng Tâm bắt giữ 38 người thi hành công vụ.

Cụ Lê Đình Kình sau đó nói với BBC rằng ông Nguyễn Đức Chung "phản bội ý kiến và danh dự của chính ông ấy".

7/2017 : Thanh tra Hà Nội công bố kết luận : "Toàn bộ diện tích đất sân bay Miếu Môn thuộc địa giới hành chính xã Đồng Tâm là đất quốc phòng".

2017-2019 : Ông Lê Đình Kình (đại diện cho dân Đồng Tâm) nhiều lần gửi đơn lên Thanh tra Chính phủ đề nghị xem xét tính chính xác của kết luận của Thanh tra Hà Nội, khẳng định 59ha đất Đồng Sênh là đất nông nghiệp của Đồng Tâm từ bao đời nay, không phải đất quốc phòng. Mảnh này tiếp giáp với mảnh 47,36ha đã được giao cho Bộ Quốc phòng từ lâu như một phần của sân bay Miếu Môn.

dat4

Dân Đồng Tâm chất đất, đá, cành cây thành 'chiến sự' trong làng trong vụ tranh chấp đất với chính quyền năm 2017

Theo người Đồng Tâm, các cán bộ địa phương đã lập lờ khi báo cáo về hai khu đất này khiến chính quyền hiểu nhầm khu 59ha cũng trùng với khu .

Dân Đồng Tâm tổ chức các buổi họp truyền hình trực tiếp trên Facebook hàng tháng để thông báo diễn biến mới trong vụ tranh chấp đất đai với chính quyền.

26/3/2018 : Quân đội cho đào hào quanh khu 47,63ha để phân định với khu đất nông nghiệp Đồng Sênh khiến dân Đồng Tâm rất phấn khởi. Ông Lê Đình Công nói với BBC vào thời điểm đó rằng "Quân đội đã có chiều hướng ủng hộ nhân dân Đồng Tâm".

25/4/2019 : Thanh tra Chính phủ khẳng định nội dung kết luận thanh tra đất đai tại xã Đồng Tâm (huyện Mỹ Đức) của Thanh tra Hà Nội là chính xác.

Mỹ Hằng

Nguồn : BBC, 28/05/2019

Published in Diễn đàn

Người dân Đồng Tâm vừa gửi thư khiếu nại lên Trung ương Đảng, Chính phủ và Quốc hội với đề nghị nhanh chóng giải quyết vụ việc tranh chấp đất đai ngay sau dịp Tết Nguyên Đán.

dongtam1

Thôn Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội vào tháng 4 năm 2017. RFA

Đề nghị Trung ương giải quyết

Vào tối ngày 25 tháng Giêng, cụ Lê Đình Kình cho RFA biết người dân Đồng Tâm vừa hoàn tất việc gửi thư ngỏ và đơn khiếu nại đến Trung ương Đảng, Chính phủ và Quốc Hội vào chiều ngày 24 tháng Giêng. Cụ Kình nói :

"Hai cái gửi đi rồi. Gửi lên các ông Nguyễn Phú Trọng, Trần Đại Quang, Nguyễn Xuân Phúc, bà Nguyễn Thị Kim Ngân và Thanh tra Chính phủ. Thử ngỏ gửi đi trình bày ý nguyện của dân là đề nghị sau khi Tết xong thì Trung ương giải quyết vụ việc tranh chấp đất ở Đồng Tâm".

Cụ Kình cho biết dân chúng Đồng Tâm quyết định đề nghị Trung ương nhanh chóng giải quyết vụ tranh chấp đất sau Tết Âm lịch là vì vụ việc đã kéo dài quá lâu và họ khẳng định vụ tranh chấp đất ở đồng Sênh là do "giặc nội xâm" gây nên ; do đó Trung ương cần xử lý dứt điểm để tránh tình trạng tham nhũng và lãng phí cho quốc gia, đồng thời để người dân Đồng Tâm được yên tâm với cuộc sống lao động, sản xuất thường nhật của họ.

Dư luận trong và ngoài nước biết đến vụ việc tranh chấp đất giữa chính quyền huyện Mỹ Đức, với dân chúng ở thôn Hoành, xã Đồng Tâm qua sự kiện chấn động nổ ra hồi trung tuần tháng 4 năm ngoái khi người dân địa phương bắt giữ 38 cán bộ và cảnh sát cơ động làm con tin để yêu cầu được đối thoại với chính quyền thành phố Hà Nội về sự bức xúc của họ trước cách hành xử của phía lực lượng chức năng mà người dân cho là bất chấp luật pháp, phi nhân.

Chủ tịch thành phố Hà Nội, ông Nguyễn Đức Chung đích thân đến thôn Hoành và ký một bản cam kết rằng sẽ thanh tra vụ việc trong 45 ngày cùng với lời hứa không khởi tố người dân Đồng Tâm.

Dân chúng Đồng Tâm một lần nữa tỏ ra vô cùng phẫn nộ với kết quả thanh tra được công bố là khu đất đồng Sênh tranh chấp thuộc đất quốc phòng ; đồng thời Công an Hà Nội ra quyết định khởi tố vụ án "bắt giữ người trái luật và hủy hoại công sản" đối với người dân Đồng Tâm, cũng như gửi giấy triệu tập kêu họ ra đầu thú.

Trong thư ngỏ và đơn khiếu nại gửi lên Trung ương, người dân Đồng Tâm nêu rõ diện tích đất nông nghiệp của xã Đồng Tâm, theo thống kê có diện tích tổng cộng là 800 héc-ta. Trong hơn 60 năm qua, người dân Đồng Tâm đã cống hiến và bàn giao cho Nhà nước 400, 25 héc-ta, tương đương 50% diện tích để phục vụ xây dựng quốc phòng, bảo vệ an ninh quốc gia và phát triển kinh tế địa phương. Người dân Đồng Tâm nhấn mạnh hiện tại với 10 ngàn nhân khẩu canh tác trên 400 héc-ta đất nông nghiệp còn lại là quá ít ỏi vì bình quân mỗi nhân khẩu chỉ có hơn 1 sào đất nông nghiệp. Và các hộ dân đã canh tác qua nhiều thế hệ trên cánh đồng Sênh mà chưa bao giờ xảy ra tranh chấp với bất kỳ ai. Do đó, người dân Đồng Tâm kiên trì đấu tranh giữ bằng được 59 héc-ta đất nông nghiệp ở đồng Sênh. Đại diện cho người dân xã Đồng Tâm, cụ Lê Đình Kình tuyên bố :

"Dân Đồng Tâm bây giờ nói thẳng đây là giặc nội xâm cướp đất này. Dân Đồng Tâm cương quyết tuyên chiến với giặc nội xâm. Bất kể ai không có quyết định thu hồi đất mà vào đây cướp đất thì dân Đồng Tâm sẽ sẵn sàng chiến đấu và nhiều người sẽ sẵn sàng hy sinh. Anh em chúng tôi đương đầu cả về đầu tư, tài chính, kinh tế, thời gian và thậm chí cả xương máu như tôi. Đây là quyền lợi của toàn dân, hoàn toàn không vì một cá nhân nào cả".

Nhà nước cần làm gì trong vụ Đồng Tâm ?

Đài Á Châu Tự Do ghi nhận Chủ tịch thành phố Hà Nội, ông Nguyễn Đức Chung, trong bài phát biểu tại buổi công bố Dự thảo Kết luận Thanh tra về đất đai ở Đồng Tâm hồi đầu tháng 7 năm ngoái, đã dùng từ "khủng hỏang Đồng Tâm". Nhà quan sát tình hình Việt Nam, Tiến sĩ Phạm Chí Dũng nói với RFA rằng Chính quyền thành phố Hà Nội có đồng quan điểm với dân chúng xã Đồng Tâm khi đánh giá mức độ nghiêm trọng của vụ việc, qua từ ngữ Tướng Chung gọi là "khủng hoảng" và Tiến sĩ Phạm Chí Dũng cho rằng điều đó cho thấy ở tầm cỡ "an ninh quốc gia".

Liên quan đến vụ Đồng Tâm, Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc cũng lên tiếng rằng :

"Chúng ta phải rút ra bài học sâu sắc để Đồng Tâm không phải chỉ là một bài học tiêu cực mà góp phần không lập lại những việc tương tự như thế nữa".

Trước sự phản đối dữ dội của dân chúng Đồng Tâm đối với kết quả thanh tra cũng như quyết định khởi tố người dân Đồng Tâm, dư luận cho rằng Chủ tịch thành phố Hà Nội đã bội ước lời cam kết của ông khi cơ quan hành pháp và tư pháp không đồng nhất với nhau. Luật sư Hà Huy Sơn nêu lên quan điểm về giải pháp cho tình trạng "khủng hoảng Đồng Tâm" :

"Tôi cho rằng trách nhiệm cuối cùng vẫn là cơ quan Đảng. Tại vì trong Hiến pháp, Điều 4 nói rằng Đảng lãnh đạo tất cả".

Qua diễn tiến mới nhất, người dân Đồng Tâm gửi thư ngỏ và đơn khiếu nại lên Trung ương đề nghị nhanh chóng giải quyết vụ việc Đồng Tâm, một số chuyên gia và nhà quan sát ở trong nước mà RFA tiếp xúc đều có cùng ý kiến không những Nhà nước cần nhanh chóng thực hiện theo nguyện vọng của người dân Đồng Tâm mà còn xem xét lại chính sách đất đai, là căn nguyên dẫn đến các cuộc xung đột tràn lan khắp nơi và hậu quả người dân bị buộc dồn vào đường cùng phải đối đầu để giữ lại từng tấc đất vốn dĩ thuộc về họ.

Hòa Ái

Nguồn : RFA, 25/01/2018

Published in Diễn đàn