Người dân Đồng Tâm vừa gửi thư khiếu nại lên Trung ương Đảng, Chính phủ và Quốc hội với đề nghị nhanh chóng giải quyết vụ việc tranh chấp đất đai ngay sau dịp Tết Nguyên Đán.
Thôn Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội vào tháng 4 năm 2017. RFA
Đề nghị Trung ương giải quyết
Vào tối ngày 25 tháng Giêng, cụ Lê Đình Kình cho RFA biết người dân Đồng Tâm vừa hoàn tất việc gửi thư ngỏ và đơn khiếu nại đến Trung ương Đảng, Chính phủ và Quốc Hội vào chiều ngày 24 tháng Giêng. Cụ Kình nói :
"Hai cái gửi đi rồi. Gửi lên các ông Nguyễn Phú Trọng, Trần Đại Quang, Nguyễn Xuân Phúc, bà Nguyễn Thị Kim Ngân và Thanh tra Chính phủ. Thử ngỏ gửi đi trình bày ý nguyện của dân là đề nghị sau khi Tết xong thì Trung ương giải quyết vụ việc tranh chấp đất ở Đồng Tâm".
Cụ Kình cho biết dân chúng Đồng Tâm quyết định đề nghị Trung ương nhanh chóng giải quyết vụ tranh chấp đất sau Tết Âm lịch là vì vụ việc đã kéo dài quá lâu và họ khẳng định vụ tranh chấp đất ở đồng Sênh là do "giặc nội xâm" gây nên ; do đó Trung ương cần xử lý dứt điểm để tránh tình trạng tham nhũng và lãng phí cho quốc gia, đồng thời để người dân Đồng Tâm được yên tâm với cuộc sống lao động, sản xuất thường nhật của họ.
Dư luận trong và ngoài nước biết đến vụ việc tranh chấp đất giữa chính quyền huyện Mỹ Đức, với dân chúng ở thôn Hoành, xã Đồng Tâm qua sự kiện chấn động nổ ra hồi trung tuần tháng 4 năm ngoái khi người dân địa phương bắt giữ 38 cán bộ và cảnh sát cơ động làm con tin để yêu cầu được đối thoại với chính quyền thành phố Hà Nội về sự bức xúc của họ trước cách hành xử của phía lực lượng chức năng mà người dân cho là bất chấp luật pháp, phi nhân.
Chủ tịch thành phố Hà Nội, ông Nguyễn Đức Chung đích thân đến thôn Hoành và ký một bản cam kết rằng sẽ thanh tra vụ việc trong 45 ngày cùng với lời hứa không khởi tố người dân Đồng Tâm.
Dân chúng Đồng Tâm một lần nữa tỏ ra vô cùng phẫn nộ với kết quả thanh tra được công bố là khu đất đồng Sênh tranh chấp thuộc đất quốc phòng ; đồng thời Công an Hà Nội ra quyết định khởi tố vụ án "bắt giữ người trái luật và hủy hoại công sản" đối với người dân Đồng Tâm, cũng như gửi giấy triệu tập kêu họ ra đầu thú.
Trong thư ngỏ và đơn khiếu nại gửi lên Trung ương, người dân Đồng Tâm nêu rõ diện tích đất nông nghiệp của xã Đồng Tâm, theo thống kê có diện tích tổng cộng là 800 héc-ta. Trong hơn 60 năm qua, người dân Đồng Tâm đã cống hiến và bàn giao cho Nhà nước 400, 25 héc-ta, tương đương 50% diện tích để phục vụ xây dựng quốc phòng, bảo vệ an ninh quốc gia và phát triển kinh tế địa phương. Người dân Đồng Tâm nhấn mạnh hiện tại với 10 ngàn nhân khẩu canh tác trên 400 héc-ta đất nông nghiệp còn lại là quá ít ỏi vì bình quân mỗi nhân khẩu chỉ có hơn 1 sào đất nông nghiệp. Và các hộ dân đã canh tác qua nhiều thế hệ trên cánh đồng Sênh mà chưa bao giờ xảy ra tranh chấp với bất kỳ ai. Do đó, người dân Đồng Tâm kiên trì đấu tranh giữ bằng được 59 héc-ta đất nông nghiệp ở đồng Sênh. Đại diện cho người dân xã Đồng Tâm, cụ Lê Đình Kình tuyên bố :
"Dân Đồng Tâm bây giờ nói thẳng đây là giặc nội xâm cướp đất này. Dân Đồng Tâm cương quyết tuyên chiến với giặc nội xâm. Bất kể ai không có quyết định thu hồi đất mà vào đây cướp đất thì dân Đồng Tâm sẽ sẵn sàng chiến đấu và nhiều người sẽ sẵn sàng hy sinh. Anh em chúng tôi đương đầu cả về đầu tư, tài chính, kinh tế, thời gian và thậm chí cả xương máu như tôi. Đây là quyền lợi của toàn dân, hoàn toàn không vì một cá nhân nào cả".
Nhà nước cần làm gì trong vụ Đồng Tâm ?
Đài Á Châu Tự Do ghi nhận Chủ tịch thành phố Hà Nội, ông Nguyễn Đức Chung, trong bài phát biểu tại buổi công bố Dự thảo Kết luận Thanh tra về đất đai ở Đồng Tâm hồi đầu tháng 7 năm ngoái, đã dùng từ "khủng hỏang Đồng Tâm". Nhà quan sát tình hình Việt Nam, Tiến sĩ Phạm Chí Dũng nói với RFA rằng Chính quyền thành phố Hà Nội có đồng quan điểm với dân chúng xã Đồng Tâm khi đánh giá mức độ nghiêm trọng của vụ việc, qua từ ngữ Tướng Chung gọi là "khủng hoảng" và Tiến sĩ Phạm Chí Dũng cho rằng điều đó cho thấy ở tầm cỡ "an ninh quốc gia".
Liên quan đến vụ Đồng Tâm, Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc cũng lên tiếng rằng :
"Chúng ta phải rút ra bài học sâu sắc để Đồng Tâm không phải chỉ là một bài học tiêu cực mà góp phần không lập lại những việc tương tự như thế nữa".
Trước sự phản đối dữ dội của dân chúng Đồng Tâm đối với kết quả thanh tra cũng như quyết định khởi tố người dân Đồng Tâm, dư luận cho rằng Chủ tịch thành phố Hà Nội đã bội ước lời cam kết của ông khi cơ quan hành pháp và tư pháp không đồng nhất với nhau. Luật sư Hà Huy Sơn nêu lên quan điểm về giải pháp cho tình trạng "khủng hoảng Đồng Tâm" :
"Tôi cho rằng trách nhiệm cuối cùng vẫn là cơ quan Đảng. Tại vì trong Hiến pháp, Điều 4 nói rằng Đảng lãnh đạo tất cả".
Qua diễn tiến mới nhất, người dân Đồng Tâm gửi thư ngỏ và đơn khiếu nại lên Trung ương đề nghị nhanh chóng giải quyết vụ việc Đồng Tâm, một số chuyên gia và nhà quan sát ở trong nước mà RFA tiếp xúc đều có cùng ý kiến không những Nhà nước cần nhanh chóng thực hiện theo nguyện vọng của người dân Đồng Tâm mà còn xem xét lại chính sách đất đai, là căn nguyên dẫn đến các cuộc xung đột tràn lan khắp nơi và hậu quả người dân bị buộc dồn vào đường cùng phải đối đầu để giữ lại từng tấc đất vốn dĩ thuộc về họ.
Hòa Ái
Nguồn : RFA, 25/01/2018