Trần Lê Minh, RFA, 08/10/2021
Không cần nói về những lý do khiến người dân gốc tỉnh lên Thành phố mưu sinh phải chạy chết trở về quê những ngày này nữa. Đã có quá nhiều phân tích từ đợt bỏ chạy đầu tiên cách đây vài tháng rồi. Cho đến nay, những nguyên nhân ấy chỉ càng sâu sắc và gây tác động trên nhiều người hơn, chứ không hề thay đổi.
Reuters
Hàng chục ngàn con người tứ tán bỏ chạy trong chỉ vài chục giờ, mang theo vô số nguy cơ về tai nạn giao thông, về những sự cố bất ngờ gặp trên đường đi như bệnh hoạn, đẻ rớt, đột tử, và hiển hiện nhất là mang theo mầm dịch về những vùng quê đã căng thẳng che mưa trốn gió mấy tháng nay.
Theo nguyên tắc chống dịch, phải cách ly người có nguy cơ. Nhưng chỉ riêng Bến Tre trong hai ngày có đến 30.000 người tràn về như thủy triều, đảm bảo không có khu cách ly nào chuẩn bị sẵn nhân lực và cơ sở vật chất để đón nhận.
Nếu không ngăn chặn kịp thời, một người F0 về quê vui mừng đi gặp gỡ bà con bạn bè bốn phương, chính là cách nhanh nhất đưa người thân của mình lên đường đoàn tụ ông bà. Vì ở tỉnh chưa hề được tiêm nhiều vắc-xin như ở Sài Gòn.
Việt Nam không so sánh được với Mỹ. Tập tục sinh hoạt của người ở quê là tứ đại đồng đường, vườn rộng rào thưa, hàng xóm qua lại như cơm bữa. Cán bộ cơ sở thò tay ra sau gáy bứt sợi lông biến thành trăm ngàn Tôn Hành Giả cũng không đủ người đi canh kè kè hàng giờ để nhắc nhở, xử phạt từng người. Người dân cũng không có tiền để tăng cường mua sắm online, hạn chế giao tiếp, ở yên trong nhà. Thậm chí, nhiều người còn không có cả nỗi sợ bệnh dịch.
Nhưng cũng không có cách nào ngăn nổi biển người sôi trào muốn thoát ra khỏi những phòng trọ tối tăm, ẩm thấp, thiếu không khí và ánh sáng, 10 người nhét vô 15 m2 diện tích ở, mấy tháng trời chứng kiến cái chết nhe nanh chung quanh.
Nếu là người quản lý của các địa phương, quý vị sẽ làm gì ?
Vài hôm nay, từ "cát cứ" xuất hiện công khai trong vài bài phát biểu của cấp lãnh đạo cao nhất Việt Nam. Căn cứ vào truyền thống nói giảm, nói tránh, nói chung chung trong văn hóa phát biểu của lãnh đạo Việt Nam thì khi dùng đến từ này công khai tức là mức độ tức giận đã cực kỳ cao.
Tình hình người dân có quê gốc ở các tỉnh vào miền Nam làm ăn và chạy dịch trở về một cách nháo nhào đã diễn ra từ cách đây mấy tháng. Khi Thành phố Hồ Chí Minh mở cửa nhưng doanh nghiệp vẫn chưa hoàn toàn tái khởi động nhận toàn bộ công nhân trở lại làm việc, các ngành dịch vụ đều mới he hé (ví dụ hàng quán chỉ bán thức ăn mang đi ; các điểm dịch vụ công cộng đông người như rạp hát, gym, spa… vẫn đóng…), công trình xây dựng ngừng trệ… thì vẫn còn có rất nhiều người, đặc biệt là lao động tự do chưa tìm lại được công việc. Hết tiền thì về quê chứ đi đâu bây giờ ?
Điều này chắc chắn lãnh đạo các địa phương, đầu tiên là Thành phố Hồ Chí Minh phải dự liệu. Trong những ngày còn giới nghiêm, hoàn toàn có thời gian để các cấp chính quyền tìm hiểu nguyện vọng ở lại hay trở về của người dân, thông qua các nhóm Zalo của tổ dân phố hay con đường trực tiếp phát phiếu điền tên. Khi nắm nguyện vọng rồi thì việc động viên ở lại để chờ doanh nghiệp mở cửa, hay việc phối hợp với các địa phương đích, với hệ thống giao thông công cộng máy bay, tàu lửa, xe đò… đều có thể tính toán kỹ và lên kế hoạch cụ thể để lần lượt đón về. Nếu tính toán trước, việc đón về này đã được thực hiện tuần tự và an toàn cho cả người dân và các địa phương đích, vì hầu hết người dân bất kể thường trú hay tạm trú tạ i Thành phố Hồ Chí Minh đều đã tiêm vắc-xin. Chờ đủ 14 ngày sau khi tiêm thì căn cứ tình hình khu cách ly ở tỉnh mà đón hay cho về tiếp tục cách ly ở tại nhà đều thong dong.
Thế nhưng, chẳng ai làm cả.
Nói như góc nhìn từ phía các lãnh đạo Việt Nam, giống như "có bàn tay chống phá" kịch liệt hình ảnh một đất nước luôn hô to khẩu hiệu do dân, vì dân. Chỉ có điều, bàn tay này chính là bàn tay của những người đang điều hành chính quyền. Dạ, "bàn tay ta làm nên tất cả", như nhà thơ cách mạng Hoàng Trung Thông đã viết.
Hình ảnh những bà mẹ mang thai hay địu đứa con nhỏ mới mấy tháng sau lưng, quyết một hành trình vạn dặm đi bộ từ Sài Gòn về tận Hà Giang-con đường hơn 2.000 km. Hình ảnh đoàn người nam phụ lão ấu lếch thếch rã rời trong đêm đen gió mưa rời bỏ miền Nam… đều đã bước vào lịch sử, ghi dấu một giai đoạn tang thương của đất nước, đặc biệt chứng nhận tình trạng quan liêu, vô trách nhiệm tận cùng của một bộ máy chính quyền thời điểm này.
Chắc chắn có.
Hiện giờ dương lịch là gần giữa tháng 10/2021. Âm lịch là mùng 3 tháng 9 năm Tân Sửu. Tối đa hai tháng nữa thôi là bắt đầu mùa sản xuất, kinh doanh rộn ràng cho tết. Những thị trường lớn nhất Việt Nam là Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ… với số dân chích vắc-xin cao, đều sẽ mở cửa toàn bộ trong vài tuần nữa thôi. Hàng không cũng sẽ mở lại. Các đơn hàng xuất khẩu sẽ phải tranh cướp thời gian và thị trường để bù lại những tháng đóng băng. Các công ty đều phải chạy bứt tốc để đạt kế hoạch năm đã lên, hoàn thành kế hoạch kinh doanh. Dự án đầu tư tiếp tục. Dân có tiền tiếp tục đi du lịch, thăm thân. Tóm lại, cái lò xo sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng đã nén hết mức từ tháng 5 đến nay sẽ bung lại kịch liệt để bù lại những gì đã m ất.
Tức là dòng nhân lực sẽ lại phải chảy ngược cuồn cuộn trở về Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Long An, Tiền Giang, những nơi mà một tuần nay họ hối hả rời đi. Quy luật này chưa có bất cứ biến số nào làm thay đổi cả.
Chưa có khu công nghiệp, khu chế xuất nào, doanh nghiệp thu hút lao động nào mở ra ở Hà Giang, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên, Sóc Trăng, Bến Tre, Đắc Nông… để nhận số nhân lực này vào làm việc kiếm tiền cả.
Về quê để chôn hũ cốt người thân, để đưa lên chùa nương tựa lòng Phật, để nhờ tình yêu thương ruột rà trấn tĩnh lại cảm xúc đã quá trồi sụt trong bốn năm tháng qua, để có thêm trí tuệ cùng bàn tính cuộc mưu sinh tiếp tục, để gởi đứa con còn nhỏ mà mẹ nó đã qua đời vì nhiễm dịch cho ông bà lo giùm… chứ ở quê luôn thì lấy gì ăn ?
Và đó chính là cơ hội để chính quyền, đặc biệt là Thành phố Hồ Chí Minh sửa sai.
Kể ra cái gì cũng trút lên đầu Thành phố Hồ Chí Minh thì cũng oan và tội. Họ mang tiếng quản lý một địa phương lớn nhất nước, nhưng về bộ máy, cơ cấu và quyền lực cũng không khác mấy một tỉnh lẻ xứ chắc cà đao cả. Vài chục năm nay thành phố này ráo nước miếng năn nỉ cơ chế quản lý đô thị đặc biệt nhưng ngoài vài điểm hình thức ra thì chưa được thêm quyền lực gì.
Nhưng, mặc kệ. Trách nhiệm sẽ phải tiếp tục trút lên vai họ. Thành phố Hồ Chí Minh sẽ phải đón nhận trở lại vài triệu người quay trở lại làm việc. Bình Dương, Long An, Tiền Giang, Đồng Nai… cũng thế.
Những điểm yếu chí mạng trong chống dịch vừa qua đã được chính các lãnh đạo chính quyền và ngành y tế Việt Nam tổng kết :
-Điều kiện sống trong các nhà trọ công nhân và người nghèo lao động tự do quá chật hẹp, yếm khí, thiếu nắng gió, thiếu vệ sinh, là nguyên nhân chính gây lây lan và bùng phát dịch. Ông Trần Việt Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Thành phố PHCMcho hay nhiều phòng trọ chỉ 10 m2 có 10 người chung sống (trước dịch, công nhân chia ca ngày/đêm, chỉ về nhà để ngủ nên số người thường xuyên trong nhà ít hơn 10 người). Thứ trưởng Bộ Lao động, thương binh và xã hội Nguyễn Văn Hồi nói trong đợt đi khảo sát vừa rồi, ông gặp trường hợp có gia đình 5-6 người sống trong căn phòng chỉ 7m2.
-Nhận thức kém, ý thức tuân thủ điều kiện chống dịch kém, trong cao điểm dịch vẫn tụ tập nhậu nhẹt, ăn uống chung, hát karaoke, coi khẩu trang là vật đối phó công an.
WHO từ năm ngoái đã nhắc mỏi miệng "vắc-xin không phải là viên đạn bạc" (vũ khí vô địch. Trong truyền thuyết phương Tây chỉ viên đạn bằng bạc mới giết được người sói). Việt Nam chưa đủ vắc-xin để bao phủ dân số, chính vì vậy hai điểm cốt tử trên càng phải để tâm.
Thay đổi nhận thức không thể một sớm một chiều. Nhưng ban hành các quy định nâng cao về điều kiện nhà trọ và kiểm soát nó chặt chẽ thì chính quyền làm được.
Nhà trọ sờ sờ ra đấy, công an khu vực nào cũng nắm chặt mọi tình hình của họ được cả. Nếu nhồi nhét, thiếu vệ sinh thì phạt. Mắc gì không phạt được ?
Nếu giá thuê trọ vì thế mà tăng cao so với trước kia (một phòng 15 m2 có thể ở đến chục người) thì đó là trách nhiệm của các doanh nghiệp, khu chế xuất, khu công nghiệp. Họ phải lo được khu lưu trú đủ điều kiện cho công nhân, hoặc dùng các biện pháp khác để tăng tiền công cho công nhân đủ sức sinh sống an toàn tại các địa phương trọng điểm công nghiệp.
Đó là điều kiện bắt buộc để doanh nghiệp tồn tại với tình hình mới. Nhà nước Việt Nam- nếu muốn - dư sức hỗ trợ chính sách tài chính và đất đai của nhà nước cho doanh nghiệp.
Trần Lê Minh
Nguồn : RFA, 08/10/2021
**********************
Cao Nguyên, RFA, 08/10/2021
Kể từ đầu tháng mười, khi các quy định về giãn cách xã hội được nới lỏng tại thành phố Sài Gòn, cũng là lúc mà dòng người nhập cư đang ở các tỉnh tâm dịch ở miền Nam ùn ùn đổ ra tứ phía để được về quê. Sau bốn tháng bị "giam lỏng", hàng vạn người lao động vẫn quyết rời bỏ các thành phố có nền kinh tế đứng đầu cả nước, mặc kệ lời cam kết tăng hỗ trợ, kêu gọi bà con ở lại của Thủ tướng Chính phủ. Họ cho rằng đã chịu đựng nhiều mất mát, cả về tinh thần và vật chất, họ không còn sức cầm cự thêm được nữa.
Reuters
Khi những đoàn người đầu tiên kéo nhau chạy ra khỏi thành phố, Thủ tướng Phạm Minh Chính kêu gọi người dân nên kiềm chế, không di chuyển tự phát làm tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng. Đồng thời, ông yêu cầu Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phải tuyên truyền, giải thích, vận động bà con ở lại ở tiếp tục sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế.
Ngày 5/10, trả lời mạng báo Tuổi Trẻ, ông Lê Tấn Dũng, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết sẽ tăng mức hỗ trợ để "giữ chân" người lao động ở lại.
Bỏ qua những lời hứa hẹn của các cấp lãnh đạo từ thành phố cho đến Chính phủ, trong hơn một tuần vừa qua, theo mạng báo VTC, chỉ tính riêng Bình Dương đã có đến 123.000 người bỏ về quê.
Những người lao động ngoại tỉnh mà Đài Á Châu Tự do phỏng vấn sau đây cho biết họ quyết phải về quê, mặc kệ những lời hứa hẹn, cam kết của lãnh đạo là vì họ không thể trụ nổi ở các thành phố lớn thêm được nữa.
Chị Đỗ Thị Lệ ở Bình Dương, có hai con nhỏ đang tuổi ăn học và một mẹ già mà cả hai vợ chồng đều mất việc hơn bốn tháng nay. Chị Lệ nói có nhận được tổng cộng 2,4 triệu đồng tiền hỗ trợ. Nhưng bao nhiêu đó thì làm sao đủ cho cả một gia đình năm người chi tiêu trong bốn tháng trời. Vậy nên, chị quyết định vài bữa nữa sắp xếp xong công việc, cả gia đình sẽ về quê :
"Giờ về quê thì đỡ phần nào. Mình không phải mất tiền thuê phòng trọ, còn ăn uống thì ở quê có rau ăn rau, có gì ăn đó, còn ở đây thì tất cả mọi thứ đều phải bỏ tiền ra để mua. Gia đình cũng có đất có vườn, cũng có thể nuôi con này con kia để ăn vượt qua được khó khăn. Chứ ở đây cứ vậy hoài, dịch hoài, em nghĩ là không ai trụ được ở trong này lâu đâu !
Công nhân đến đường cùng thì họ phải về quê thôi. Công nhân đi làm mỗi tháng tính toán chi tiêu hết bao nhiêu, còn dư thì họ sẽ gửi về quê nghèo. Trong ba, bốn tháng vừa vừa rồi họ không còn tiền dự trữ nữa thì họ phải về.
Về mưa gió như vậy rất là nguy hiểm, nhưng mà họ cũng phải cố gắng để vượt qua, chứ ở đây họ chịu không nổi đâu ! Em cũng nằm trong những trường hợp đó nhưng mà tại vì em có con nhỏ. Bây giờ nếu như có đàn ông và có xe thì chắc là em cũng đã đi xe máy về rồi !"
Về lời cam kết tăng hỗ trợ của các lãnh đạo, chị Lệ cho biết có nghe về nhiều gói hỗ trợ, nhưng biết bao giờ người lao động mới nhận được tiền :
"Em nghe về nhiều gói hỗ trợ lắm luôn. Mà nói chung đâu phải ai cũng nhận được đâu ! Em cũng là một trong số người may mắn nhận được chứ vẫn có nhiều người chưa nhận được luôn. Nên là cam kết thì em cũng biết là đã cam kết rồi, nhưng mà biết chừng nào tiền mới về tận tay người dân. Chờ Chính phủ, Nhà nước về thì chắc nhiều người họ không trụ được đâu !"
Chị Thanh Tình, ở huyện Trảng Bom, Đồng Nai bày tỏ niềm vui mừng chia sẻ với RFA rằng chị và các con vừa được một nhóm mạnh thường quân hỗ trợ xe đò cho cả nhà về quê.
Cũng như nhiều công nhân khác, chị Tình đắt con vào Nam làm việc, nhưng do dịch bệnh, chị mất việc bốn tháng nay. Những ngày bị phong toả, mẹ con chị ăn uống, chi tiêu dần vào tiền tiết kiệm chứ không nhận được tiền hỗ trợ từ gói an sinh nào. Không còn chịu đựng nổi, chị lên mạng cầu cứu, xin được giúp đỡ cho về quê, và đã được một nhóm thiện nguyện giúp đỡ :
"Em thất nghiệp nay là bốn tháng, có ba đứa con nhỏ luôn mà đến nay vẫn không được hỗ trợ hay là được một gói an sinh nào hết.
Nếu mà không có đoàn xe rước em về quê chắc là mấy mẹ con cũng lội bộ về, chứ em thất nghiệp bốn tháng rồi, không có được hỗ trợ gì hết trơn. Cũng hên hôm nay em được xe đón mẹ con em về".
Anh Thương, ở Hóc Môn chở theo con gái mới 18 tháng tuổi cùng với tất cả đồ đạc chạy xe máy về Kiên Giang. Khi trả lời phỏng vấn Đài Á Châu Tự do vào đêm 6/10, anh cho biết đang tìm chỗ trải tấm bạt bên đường cho con gái nhỏ ngủ tạm. Hôm sau mới tiếp tục lên đường.
Anh Thương lên Thành phố Hồ Chí Minh lao động tự do, ai thuê gì làm đó để nuôi con gái vừa mới 18 tháng tuổi. Trong bốn tháng thất nghiệp vừa qua, anh nhận 1,5 triệu đồng, đóng tiền trọ hết một triệu, còn 500 ngàn đồng anh để dành mua sữa cho con, còn mình thì xin gạo ăn qua ngày :
"Em có nhận được một gói một triệu rưỡi, xong em cũng đóng tiền phòng hết một triệu, còn 500 ngàn để dành lại mua sữa cho con, mấy tháng trời bây giờ hết cầm cự đó cự nổi rồi.
Về quê thì có ba mẹ, ông bà chú bác cũng đỡ hơn, còn Sài Gòn thì đâu có ai đâu. Bây giờ trước mắt là về quê cho tạm ổn, khi nào Sài Gòn bớt bớt rồi lên làm lại, chứ bây giờ ở trên đó cũng đâu có tiền đâu mà sống".
Khi thành phố vừa "mở cửa" trở lại, được một người tốt bụng cho 700 ngàn đồng, anh nhanh chóng thu xếp đồ đạc, xin chủ trọ cho nợ lại tiền phòng rồi ôm theo con gái về quê. Hai cha con bắt đầu hành trình từ sáng hôm 6/10, cùng với đoàn hơn mười xe khác đội mưa về nhà.
Khi đến địa phận tỉnh Cần Thơ, giáp ranh Kiên Giang, xe anh Thương chết máy giữa đường, không theo kịp với đoàn. Xe hư mà không tìm được chỗ sửa, anh đành tìm chỗ ngủ lại, sáng hôm sau mới tìm chỗ sửa xe rồi về :
"Con của em bây giờ cũng đang ở đây luôn, đâu có về được đâu, phải về theo đoàn nhưng mà hồi nãy xe em bị hư nên không có bắt kịp với đoàn, giờ phải ở lại chắc phải sáng mai đợi sửa xe".
Những ngày vừa qua, không ít những hình ảnh, video lan truyền trên mạng xã hội cho thấy hàng đoàn xe gắn máy chất đầy đồ đạc, chở theo cả gia đình ba, bốn người, có cả trẻ em, nối đuôi nhau tháo chạy ra khỏi thành phố. Có cả những đoàn người không có xe, phải lội bộ cả trăm cây số để trở về nhà. Lúc mệt, họ ăn ngủ luôn bên lề đường.
Anh Trần Quốc Hiền, ở huyện Đăk Mil, tỉnh Đăk Nông, có nhà nằm ngay trên trục đường từ Nam ra Bắc. Chứng kiến cảnh từng đoàn người với bộ dạng mệt mỏi, tả tơi, đổ về hướng các tỉnh miền Trung và miền Bắc dưới trời mưa trắng trời, anh Hiền quyết định phải làm điều gì đó để giúp đỡ cho bà con được về nhà an toàn hơn.
Ban đầu, anh tự mở một điểm phát thức ăn, nước uống và xăng cho đoàn đi xe máy. Sau đó, lượng người đổ về ngày một đông, anh Hiền lập luôn một trạm dừng chân, có võng và mái che, cung cấp thức ăn nóng, cà phê, áo mưa… Thậm chí sửa xe và chuẩn bị chỗ ngủ để bà con nghỉ ngơi rồi đi tiếp cho an toàn. Được sự ủng hộ của người thân và bạn bè, anh lập nhóm "Tiếp sức về nhà", ước tính mỗi ngày trao mấy ngàn phần quà cho người dân về ngang qua đây.
Có những anh em đồng bào dân tộc thiểu số đi bộ về. Họ vừa đi vừa xin quá giang xe từng đoạn đường. Sau khi nhận được tin báo thì nhóm anh Hiền cũng liên hệ xe đưa họ về. Anh Hiền chia sẻ với RFA :
"Trước tình cảnh họ đi bộ mấy ngày như vậy đồ đạc cũng tả tơi hết rồi. Họ thiếu ăn. Người "đồng bào" (dân tộc thiểu số - PV) họ cũng không dám tới mình xin hay là nhờ trợ giúp, cho nên làm mình thương lắm.
Đặc biệt là những em bé nhỏ đi theo cha mẹ về. Có những xe chở theo hai em bé, có xe chở đến ba em bé luôn. Họ di chuyển ra tới ngoài Bắc, Nghệ An, Thanh Hóa, gần nhất là Gia Lai.
Anh hỏi họ là đi mấy ngày rồi. Họ nói là đi hai ngày, xuất phát từ Sài Gòn qua các trạm chốt chặn. Nhìn thấy cảnh các em bé, anh thấy rất xúc động, rất là thương. Những cảnh đó in vào tâm trí anh, nó làm cho cho anh không thể ngủ được".
Cao Nguyên
Nguồn : RFA, 08/10/2021
***********************
‘Có tin vui giữa giờ tuyệt vọng’
Trân Văn, VOA, 08/10/2021
Dẫu nhiều nơi mưa như trút, rồi gió, giông, nhưng nhiều ngàn người Việt, kể cả người già, trẻ con, thậm chí không ít sơ sinh vẫn lầm lũi đi tới vì chưa về đến nhà Đợt di tản khỏi các đô thị, trung tâm công nghiệp đã kéo dài hơn một tuần, chưa biết bao giờ mới chấm dứt. Đã có những người vĩnh viễn nằm lại dọc đường như mẹ con chị Hà Thị Vuông gốc Quảng Xương, Thanh Hóa (1), anh Giàng A Chìa gốc Phù Yên, Sơn La (2), hoặc đói khát, kiệt sức nên nửa đêm ngã xuống mương, may mắn có người phát giác, đưa đưa đi cấp cứu và đang nằm bệnh viện như Nguyễn Đức Mỹ, Nguyễn Đình Phương gốc ở Lộc Hà, Hà Tĩnh (3)...
Dòng người kéo nhau về quê. Những cảnh đời này đã được người dân các địa phương giúp đỡ khi lâm vào hoàn cảnh khó khăn nhất.
May mắn là bên cạnh những thông tin, hình ảnh đau lòng về thảm cảnh hồi hương đó còn có những thông tin, hình ảnh khác nhưtin vui giữa giờ tuyệt vọng - tên nhạc phẩm mà Trầm Tử Thiêng viết hồi tháng 8/1996, thời điểm người Việt tha hương cùng nhau đóng góp, xây dựng làng Việt Nam trên đất Philippines cho những đồng bào kém may mắn hơn : Đã thoát khỏi Việt Nam đến Philippines nhưng không thể đi định cư tại quốc gia thứ ba :Có tin vui giữa giờ tuyệt vọng. Một vòng tay vừa mới mở ra. Cứu anh em những đời mạt vận. Ðường mơ đi càng bước càng xa Có tin vui giữa giờ tuyệt vọng. Bao sinh linh nhận phép giải oan. Siết tay nhau cúi đầu gạt lệ. Tạ ơn trên. Người vẫn thương người (4) !
***
Đó là câu chuyện Thuan Kieu kể về những gì đã diễn ra ở chợ Cống Đôi, xã Đại Hải, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng sau khi nạn dân lũ lượt lên đường tìm về nhà :Bốngiờ sáng ngày 2/10/21 được tin hàng ngàn người đang kẹt ở chốt đầu tỉnh Sóc Trăng, cả chợ xôn xao Ai đó thốt lên : Mua bánh mì cho họ ! Toàn bộ bánh mì tại chợ Cống Đôi bịmua hết. Tất cả được mangvề nhà ông Phó Sơn. Có bánh mì thì có thịt quay, có chả lụa Cả xóm nhà lồng chợ góp của, góp sức, chưa đầy một tiếng hơn ngàn ổ bánh mì được phát cho bà con nhưng vẫn còn nhiều người chưa có.
Thế là một cuộc hội ý nhanh : Cần nấu cơm tiếp tếcho họ Như cái máy đã được lập trình, mỗi người một tay nên chưa đầy một giờ đã có hơn trăm hộp cơm đến tay đồng bào về quê Thông tin lan nhanh, cả chợ mới họp ngày đầu tiênsau Chỉ thị 16, ai có gì cho nấy, hơn 30 con người lại tiếp tục. Lúc đầu ông Phó Sơn cho 1 bao gạo ST25, một bao Tài Nguyên nhưng đến giờ đã có hơn 10 bao gạo, Gia đình anh Hiển cho bốn con heo 100ký làm sẵn. Một người chưa biết tên, lúc2 giờ sáng 3/10/2021 gởi 20 con gà cho 100 phần ăn. Sáng nay nhận thêm hơn 1.000 trứng gà, vịt của anh Hai Tường và anh Công.
Chia lửa với bà con chợ Cống Đôi, gia đình chị Hạt gần nhà thờ Nam Hải nhận nấu cơm. Đến 9giờ sáng 3/10/2021 đã nấu hơn 100ký gạo do ông bà Uân giúp đỡ và chưa từ chối nấu tiếp. Cả xóm chợ, người lớn tuổi nhất là chị Loan- 70 tuổi- vẫn có mặt trong suốt 30 tiếng qua Chưa một lời kêu gọi nhưng vẫn có hơn chục triệu tiền mặt, gần mộttấn gạo và hàng tấn thịt, rau củ, trứng đã trao cho xóm chợ. Sáng nay cả ngàn người đổ về, mấy trăm phần cơm từ ba nơi vẫn không đủ, thế là toàn bộ các quán bún, cháo, hủ tíu, bánh mì lại một lần nữa lên đường tiếp tế, họ mang đi cho, không bán. Sáng hôm qua trời mưa toàn bộ áo mưa ở chợ Cống Đôi đã đượcmangra phát cho bà con.
Chiều hômqua tôi theo anh em mangcơm đến chốt phát mà bùi ngùi Mấy trăm con người nhếch nhác, mệt mỏi, thấy cơm họ mừng mà mình lại thấy rưng rưng. Đêm qua tôi trằn trọc khi thấy đoàn người vẫn ùn ùn về quê. Sáng nay khi qua xóm chợ chợt thấy hàng quán đua nhau đi cứu trợ, thay vì bán, hàng ngàn ổ bánh mì, cả trăm phần hủ tíu, bún, cơm cứ ào ào lên chốt. Tôi tự hỏi trong hàng ngàn con người đó có ai là thân nhân củahọ không mà tạisao họ có thể thức suốt đêm để phục vụ và vui vẻ như làm tiệc đãi bà con xa về ? Tất cả đều đọng lại hai tiếng ĐỒNG BÀO thật quí giá (5) !
Đó là rất nhiều những video clip mà nội dung na ná như video clip được giới thiệu trên trang facebook của Đức Nguyễn làm người xem vừa muốn ứa nước mắt, vừa muốn mỉm cười : Một người đàn ông lam lũ chạy một chiếc xe hai bánh gắn máy, phía sau kéo một cái thùng gỗ tự chế, đang giúp ba cha con anh Trần Văn Liêm đi bộ về Thốt Nốt, Cần Thơ leo vào bên trong để đưa họ đến Bến Lức, Long An – nơi nghe nói là sẽ có xe đưa họ đi tiếp Sau chiếc thùng gỗ có dòng sơn nguệch ngoạc :Xe 0 đồng ! Nghe người ghi video clip hỏi thăm mới biết chủ xe cũng 0 đồng nhưng muốn góp sức. Ông gốc ở Bình Phước, đến Sài Gòn làm mướn rồi mắc kẹt, chưa về quê vì có cái thùng gỗ có thể tiếp sức cho người cô thế, thiếu phương tiện đi thêm được cây số nào hay cây số đó (6) !
Đó là miền Nam, ở miền Trung, Nguyễn Nguyên mô tả quanh cảnh Hải Vân Quan và tâm trạng khi phải chứng kiến cảnh tượng này :Một đoàn xe bán tải đợi sẵn ở Hải Vân Quan để đợi đoàn người thiên di từ Nam về Bắc, người lớn tuổi, hay xe có trẻ em sẽ được ưu tiên chuyển cả người và xe qua đèo. Một chốt phát đồ ăn và xăng 0 đồng đợi suốt ngày đêm ngay cửa ngõ Hải Lăng để tiếp sức cho đoàn người về. Tất cả, vẫn là dân.
Một chốt phát đồ ăn và xăng 0 đồng đợi suốt ngày đêm ngay cửa ngõ Hải Lăng để tiếp sức cho đoàn người về
Những ngày qua có tới chín vạn người tháo chạy về quê hương từ vùng tam giác kim cương nhưng chẳng ai thấy các cấp lãnh đạo cúi đầu xuống để nhìn xem dân thống khổ thế nào. Nhà nước có đầy đủ phương tiện di tản nhưng đâu có đoái hoài, từng đoàn người đạp xe hàng ngàn cây số, từng đoàn người đi bộ hàng trăm cây số cũng như một cơn gió lướt qua mắt các vị. Mà cũng đúng, nếu họ thật sự nghĩ tới dân dù chỉ một lần thì đâu có những thảm cảnh này xảy ra, đâu có chuyện những cửa hàng 0 đồng mọc lên.
Không giúp nhưng họ đang làm việc gì khi ăn thuế của dân ? À ! Thừa Thiên - Huế dọa ai về sẽ phạt tất tay. Còn trong Bình Dương mấy hôm nay họ bận xử lý ai lên mạng lập đoàn về quê. Từ bao giờ kêu gọi thành đoàn đi cùng nhau mà lại gán cho cái danh "đối tượng" ? Từ bao giơ đoàn người tha hương đã đến hồi hấp hối muốn tìm sự sống bị gắn cho là hành vi kích động ? Ai mới kích động ? Ai đã làm cho gần 90.000 doanh nghiệp lặn không sủi tăm ? Ai, ai mới kích động làm cho FDI tháo chạy ? Những người này ư ? Hay chính sách chống dịch cực đoan thiếu trí tuệ nhưng thừa lưu manh ?
Những hình ảnh chân thật chỉ có dân giúp dân những ngày qua đẹp nhưng buồn, buồn tới nao lòng. Đẹp là vì không có mùi "diễn xuất", không giơ tay "quyết thắng", không ngôn ngữ "truyền thông", không hô hào "vĩ đại" không màu hồng "quang vinh ngạo nghễ". Nó thật tới tận cùng bản chất sự việc nên đã chạm đến trái tim mỗi người. Buồn vì nó phản ánh không gì trần trụi hơn sự bất tài của một thể chế vô dụng, một hệ thống chính trị vô nhân, tham lam, tàn nhẫn với chính đồng bào mình. Quan chức chẳng bao giờ cúi đầu nhìn đến người dân một lần để ra quyết sách nhân đạo. Chính phủ gì mà cứ mỗi nghị quyết ban ra hay thay đổi chính sách là một lần dân tháo chạy, vậy là vì dân hay vì chính bản thân các vị quan chức ?
Dịch dã trên toàn thế giới suốt hai năm nay, tất cả các dân tộc trên địa cầu phải gánh chịu. Nhưng chẳng biết có nơi đâu khổ hơn dân nước Việt ? Chẳng biết nơi đâu dân lại lầm than như thế kia ? Hôm nay họ quyết ra đi, những giọt nước mắt và dư chấn suốt bốm tháng qua đủ để họ có động lực hồi hương, trong tâm thế đầu không ngoảnh lại, lỗi này ai kích động ?
Nhìn trên Hải Vân Quan mưa giăng khắp lối, trắng xóa như một bức tranh đầy nét chấm phá, hoạ lên một thảm cảnh buồn vô tận cả không gian và thời gian, như nói lên nỗi lòng của từng người đang đầy bão tố.
Dân bế tắc, hoang mang, đoạn đường dài thênh thang chỉ biết kêu trời - mà trời cũng chỉ biết khóc. Trên đỉnh Hải Vân, mưa giăng kín, nhìn đoàn người thiên di lầm lũi lướt qua, nối từng đoàn rồng rắn như mang hình hài cả Việt Nam trước mắt. Người ta cứ chạy, phía trước chẳng còn ai nhìn thấy tương lai (7).
***
Những tấm bảng "không đồng" : Nước không đồng ! Cơm không đồng ! Xăng không đồng ! đã được dựng trên nhiều nẻo đường khắp Việt Nam. Xuan Bình Nguyen cảm thán :Trong thảm họa nhân đạo, chính quyền không điều động nổi vài đoàn tàu hỏa, vài trăm quân xagiúp dân cùng cực vượt đường dài, băngqua nắng nóng, mưa bão, để về quê ! Trong hoạn nạn chỉ còn có dân tự chăm lo, đùm bọc nhau ?Trên đất nước đã có hơn 70 năm lâm vào đại nạn, chỉ có những tấm biển "KHÔNG ĐỒNG" là đáng giá (8) !
Trân Văn
Nguồn : VOA, 08/10/2021
Chú thích
(1) https://congan.com.vn/giao-thong-24h/hai-me-con-tu-vong-khi-tren-duong-ve-que-tranh-dich_121111.html
(4) https://www.youtube.com/watch?v=6Ca3m3K5ThQ&ab_channel=AsiaEntertainmentOfficial
(5) https://www.facebook.com/100021610994456/posts/948810085849349/
(6) https://facebook.com/story.php?story_fbid=4750907491595393&id=100000285671991
(7) https://www.facebook.com/minhchau.troidong/posts/6276259452447792
(8) https://www.facebook.com/529185933/posts/10160131045790934/
************************
Covid-19 : Nỗi lo ca nhiễm tăng cao khi người lao động tháo chạy về quê
RFA, 07/10/2021
Cuộc tháo chạy ồ ạt một tuần qua đã khiến các quan chức địa phương ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và Tây Nguyên phải vất vả theo dõi và cách ly những người trở về. Nhiều người trong số họ trước đó đã trải qua nhiều tháng bị giam cầm không có việc làm hoặc không có đủ lương thực khi mắc kẹt tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận... nay lại tiếp tục bị giam cầm cách ly nếu xét nghiệm nhiễm vi-rút corona chủng mới.
Đoàn người rời Thành phố Hồ Chí Minh vào sáng sớm ngày 1/10/2021 sau khi Thành phố dỡ bỏ lệnh phong tỏa. AFP PHOTO
Trả lời RFA từ Sài Gòn hôm 7/10, Bác sĩ Đinh Đức Long, nhận định :
"Việc này đúng ra chính quyền có đủ thời gian để chuẩn bị rồi, nếu như vậy đã không xảy ra. Lẽ ra bốn tháng nay chính quyền phải tiêm chủng đầy đủ cho người ta, nhưng không ai tiêm, bây giờ người ta đói quá, không ai nuôi người ta, không công ăn việc làm thì người ta phải về, đó là nhu cầu sống còn của người ta, không có cách nào khác. Cứ cho người ta là F0 đi, nếu không triệu chứng thì chỉ là người lành mang mầm bệnh, thành phải đối xử bình đẳng, cho về ở nhà người ta theo dõi... Chứ bây giờ mà lại lặp lại nhốt người ta cách ly như đã từng làm ở thành phố thì có khi người ta có khi lại mang bệnh nặng thêm và chết do lây nhiễm chéo".
Theo Bác sĩ Đinh Đức Long việc này có thể tránh được, ví dụ mấy tháng qua mỗi tuần cho người dân về quê vài nghìn người thì không đến nỗi quá tải như vừa qua. Ông Long nói tiếp :
"Đã lỡ xảy ra như vậy thì chỉ có cách về đến tỉnh nào thì tỉnh đó cho cách ly tại nhà, chủ trương bây giờ là chung sống với dịch bệnh. Chứ không thể nào loại bỏ F0 ra khỏi cộng đồng được, và đẩy mạnh tiêm chủng, mà muốn vậy phải có vắc-xin... Nếu mấy tháng qua mà tiêm rồi thì có sợ gì, có bị đi nữa thì cũng rất nhẹ. Cái này rõ như ban ngày rồi, nhưng vấn đề là nhà cầm quyền làm đến mức độ nào ? Trách nhiệm họ đến đâu và khả năng họ đến đâu ? Có khi họ muốn nhưng không làm được vì không có nổi vắc-xin. Tôi nghĩ đúng ra chính quyền phải dự báo, phải tiên lượng là nó sẽ như thế, để xảy ra thì trách nhiệm đầu tiên là chính quyền".
Theo truyền thông nhà nước, cho đến ngày 5/10, tổng cộng đã có hàng trăm trường hợp dương tính với Covid-19 đã được tìm thấy trong số hơn 160 ngàn người trở về quê nhà của họ.
Chỉ riêng tại tỉnh An Giang, trong số 37 ngàn người trở về bằng xe máy, chỉ mới một nửa được xét nghiệm, mà đã có 130 ca dương tính. Trả lời báo chí trong nước, ông Nguyễn Thân Bình - một cán bộ địa phương ở tỉnh An Giang cho biết : "Biển người về quê vào thời điểm này là vô cùng khó khăn đối với tỉnh chúng tôi".
Tại Đồng Tháp, tính đến ngày 5/10 có 107.000 người về quê và đã phát hiện 99 người nhiễm Covid-19. Còn tại Cà Mau, nhà chức trách cho biết đã có gần 20 ngàn người hồi hương, sau khi xét nghiệm được 50%, ngành y tế phát hiện trên 100 F0.
Không chỉ An Giang, Cà Mau, Đồng Tháp có nhiều F0, Bạc Liêu cũng đã ghi nhận 41 người nhiễm Covid-19 khi sàng lọc hơn 13.000 người trở về từ Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Long An. Số F0 tại Cần Thơ là 10 người, Trà Vinh 12 trường hợp…
Người lao động rời Thành phố Hồ Chí Minh hôm 1/10/2021. Reuters.
Bác sĩ Phạm Ngọc Thắng, một nghiên cứu sinh chuyên ngành về truyền nhiễm và chống nhiễm khuẩn, khi trả lời RFA hôm 7/10, nhận định :
"Sau những cái rút kinh nghiệm điều trị và xử lý dịch thì Việt Nam hiện đã tạm ổn định. Còn các đoàn người về quê thì theo tôi chỉ ảnh hưởng làm đứt gãy chuỗi lao động sản xuất, là điểm bất lợi cho Thành phố Hồ Chí Minh và các cụm công nghiệp miền Nam... Nhưng việc sợ F0 di chuyển thì theo tôi không thể cấm, thật ra cũng có những tỉnh cũng đã tự phát rồi. Theo mình thì sẽ không sao đâu, lo ngại phân chia F0 cũng không đúng, vì 20% F0 do chúng ta phát hiện ra, còn 20% trong cộng đồng... Ví dụ như ba mươi mấy nghìn người về quê mà phát hiện 400 ca F0 thì tỷ lệ ấy quá thấp".
Thứ hai theo Bác sĩ Phạm Ngọc Thắng, miễn dịch cộng đồng đến từ việc tiêm vắc-xin và từ những ca F0 không phát hiện. Hiện tình hình dịch bệnh đã đạt độ bão hòa và không còn lây lan khủng khiếp như đầu dịch. Ông Thắng nói tiếp :
"Ngoài ra, các biến thể mới như delta, gamma hay biến thể lambda... thì phải có quá trình cộng sinh với người Việt Nam. Hiện nay theo quan điểm của tôi thì coronavirus nó đã có tương thích đáng kể với chủng người Việt Nam cho nên điều cần quan tâm nhất là tỷ lệ khỏi bệnh, và tỷ lệ tử vong không vượt quá chỉ số cho phép của các nước. Theo tôi không sợ nữa đâu, nhiều tỉnh đã bình thường hóa, cuộc sống đã quay trở lại bình thường, nhưng tất nhiên không như trước dịch. Chính phủ đã rút ra kinh nghiệm rất nhiều, nhưng mình là người Việt Nam thì cảm thấy quá đau xót khi hai vạn người tử vong, đây là một cú sốc, nhưng nó sẽ thúc đẩy mình đi tới, để chính phủ Việt Nam đáp ứng dịch tốt hơn. Từ trước đến giờ chính phủ đã không đáp ứng nên khi dịch xảy ra mới lúng túng như và tổn thất lớn như vậ y".
Hơn 120 ngày, chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận như Long An, Bình Dương và Đồng Nai ban hành lệnh cấm nghiêm ngặt với mong muốn chặn đứng dịch lây lan. Đây là khu vực có chừng 3,5 triệu lao động nhập cư. Biện pháp cấm ra ngoài dù chỉ để kiếm thức ăn khiến nhiều công nhân nhập cư rơi vào tình thế tuyệt vọng.
Khi lệnh ở nhà kết thúc vào thứ Sáu 1/10, cảnh hỗn loạn diễn ra tại các trạm kiểm soát của Thành phố Hồ Chí Minh. Những người bị chặn lại cho biết họ không có gì để ăn ngoại trừ mì gói. Họ nói rõ bị mất việc cả mấy tháng rồi, không còn tiền để mua thức ăn...
Trong bối cảnh hỗn loạn, chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh đã thay đổi biện pháp và cho phép người dân rời đi, nhưng cho biết những người trở về phải được kiểm tra và cách ly khi trở về nhà. Trong khi tiếp tục kêu gọi mọi người không tự ý về quê, chính quyền hôm thứ Bảy 2/10 đã bố trí 113 xe buýt để đưa 8.000 người di cư về nhà. Công an ở tỉnh Đồng Nai cũng đã áp giải 14.000 người đi xe máy ra khỏi khu vực của họ hôm thứ Ba 5/10.
Tuy nhiên theo Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp - thuộc Viện ISEAS-Yusof Ishak, Singapore, sự hỗ trợ của chính phủ là quá ít và chưa bao giờ là đủ, họ rời đi bởi vì họ bị mất việc làm và không có cơ hội có việc làm mới. Còn bà Ngô Thị Bích Huyền thuộc Tổ chức từ thiện Trẻ em Sài Gòn khi trả lời hãng tin Al Jazeera cho biết : "Họ không có tiền ăn, không có tiền trả tiền thuê phòng và con cái không có sữa để uống. Họ chỉ có thể trông chờ vào mớ rau, gạo hoặc một số thức ăn từ nhà thờ hoặc các tổ chức từ thiện ".
Nguồn : RFA, 07/10/2021