Trong khi các giải pháp chính trị trên được tiến hành, quân đội Israel và quân Hamas có thể sẽ tiến đến ngưng bắn, dù chỉ dự trù trong vòng mấy tháng.
Ngoại trưởng Antony Blinken (trái) gặp Thủ Tướng kiêm Ngoại Trưởng Qatar tại Doha, 6 tháng Hai, trong chuyến công du Trung Đông.
Chiến tranh có thể ngưng khi hai bên đều quá mệt mỏi và bên nào cũng có thể tuyên bố mình chiến thắng. Cuộc chiến ở Dải Gaza đang bước vào tình trạng này. Sau ba tháng tấn công quân Hamas, quân đội Israel cần nghỉ ngơi, dành sức đề phòng mặt Bắc khi đưa dân tị nạn từ vùng biên giới với Lebanon trở về, dù quân Hezbollah vẫn đe dọa thường xuyên. Dân Palestine và quân Hamas chắc chắn muốn được nghỉ sau khi 27.585 người thiệt mạng, con số do bộ Y tế của họ đưa ra. Yahya Sinwar, thủ lãnh quân Hamas ở Gaza, mới tuyên bố muốn ngưng bắn. Ông có thể tuyên bố chiến thắng vì vẫn sống sót sau khi quân đội Israel truy lùng suốt mấy tháng trời.
Đây là một cơ hội cho Mỹ đóng vai trò trung gian hòa giải và củng cố địa vị ở vùng Trung Đông, và hướng các nước trong vùng chú tâm vào việc đối phó với Iran. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đang làm con thoi bay qua bay lại giữa thủ đô các nước để đạt mục đích này. Tại Doha, thủ đô Qatar, ông lạc quan nói rằng "Còn phải cố gắng rất nhiều nhưng một cuộc thương lượng có thể đưa tới thỏa hiệp", có Sheikh Mohammed bin Abdulrahman Al Thani, ngoại trưởng Qatar chứng kiến. Ông Blinken đang cố đặt bước đầu cho diễn trình hòa giải bằng một cuộc "trao đổi tù binh !" Lòng dân Israel đang coi việc cứu các "con tin" là ưu tiên số một, cao hơn cuộc chiến tiêu diệt quân Hamas của Thủ tướng Benjamin Netanyahu.
Trong hai tháng qua, nhiều nước Á Rập đã đề nghị ngưng bắn trong Dải Gaza, nhưng chính phủ Israel từ chối. Thủ tướng Benjamin Netanyahu nói sẽ đánh quân Hamas đến cùng, cho tới khi "toàn thắng". Tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, nhiều thành viên cũng kêu gọi ngưng bắn nhưng, dù Nga và Trung Quốc ủng hộ, Mỹ đã bác bỏ bằng quyền phủ quyết.
Quân Hamas sẽ được lợi nếu ngưng bắn vô điều kiện ; vì họ có thời giờ để củng cố việc chống cự, chuẩn bị cho một cuộc kháng chiến kéo dài từ dưới các đường hầm kiên cố. Quân Israel tin rằng họ đã phá hủy 20 đến 40 phần trăm số đường hầm của Hamas, phần lớn ở phía Bắc Gaza, sát biên thùy Israel, theo báo The Wall Street Journal ngày 28/1/2024. Đó là một hệ thống phòng thủ dưới mặt đất có thể dài 500 cây số, nằm 15 đến 20 mét dưới mặt đất, với các đường dây điện, ống dẫn nước, nhiều đoạn đủ rộng cho một xe hơi đi qua, theo các phóng viên CBS đã quan sát.
Đề nghị ngưng bắn bị cả hai bên bác bỏ. Trước đây, lực lượng Hamas đã nói chỉ ngưng bắn khi nào Israel chấm dứt tấn công ; chính phủ Israel cũng không chấp nhận ngưng bắn nếu chưa tiêu diệt hết quân địch. Mỹ và Israel đều chống đề nghị ngưng bắn, nhưng trong chuyến đi hiện nay Ngoại trưởng Blinken đề nghị ngưng bắn để đổi lại cho các con tin được tự do.
Khi quân Hamas tấn công Israel ngày 7 tháng 10 năm ngoái, họ đã bắt 253 người Israel đem về Gaza làm con tin. Tháng 11 năm ngoái, hai bên hưu chiến 4 ngày, 110 người Israel đã được thả, đổi lại với 240 người Palestine được Israel trả tự do. Tình báo Israel ước đoán 32 con tin đã chết trong khi bị giam giữ trong các đường hầm của quân Hamas, theo báo New York Times. Thân nhân của các con tin đã biểu tình đòi chính phủ Netanyahu phải cứu họ ; vì nếu tiếp tục đánh thì họ có thể bị hành quyết.
Theo bản tin Reuters, trong tuần trước, chính phủ Qatar đã chuyển đề nghị "trao đổi tù binh" cho thủ lãnh Hamas và rất lạc quan khi được họ trả lời. Cuộc trao đổi này do các vị chỉ huy tình báo của Mỹ và Israel đề nghị, trong khi họp cùng với đại diện các nước Qatar và Egypt. Họ đề nghị hai bên ngưng chiến trong 40 ngày, trong thời gian đó Hamas sẽ thả các con tin thường dân Israel. Sau đó, các quân nhân Israel bị bắt sẽ được trả lại, cùng với thi hài những con tin đã chết. Đổi lại Israel sẽ trả tự do cho một số tù binh Palestine đã bị giam giữ từ lâu.
Cuộc ngưng chiến 40 ngày có thể là cơ hội cho chính phủ Israel thay đổi. Thủ tướng Netanyahu, 74 tuổi, theo một chủ trương cứng rắn vì chịu ảnh hưởng của vài vị bộ trưởng thuộc các đảng phái cực đoan trong chính phủ liên hiệp của ông. Ông đã khuyến khích người Israel gốc Do Thái lập các trại định cư bất hợp pháp trên đất đai của người Palestine trong vùng Tây Ngạn. Ông không chấp nhận "giải pháp hai quốc gia", Israel và Palestine sống bên nhau, dù đã được thỏa thuận trong thỏa ước Oslo giữa thủ tướng Israel, Yitzhak Rabin, và ông Yasir Arafat, thủ lãnh Mặt trận Dải phóng Palestine, ký tại Washington năm 1993.
Địa vị của ông Netanyahu hiện không vững vàng. Dân Israel coi ông chịu trách nhiệm lơ là nhiệm vụ đề phòng, để cho quân Hamas mở cuộc tấn công ngày 7 tháng 10 năm ngoái. Một cuộc nghiên cứu dư luận của Đại học Bar-Ilan cho biết chỉ có 24% dân chúng nói có thể tin vào lời nói của ông, 73% hoàn toàn tin tưởng vào quân đội. Ông Netanyahu có thể phải ra tòa về tội lạm quyền và tham nhũng. Hiện ông giữ vững chức thủ tướng vì Israel đang lâm chiến, các đảng đối lập cũng tham gia chính phủ để bày tỏ tinh thần đoàn kết. Nhưng ông Netanyahu sẽ còn ngồi ghế thủ tướng cho đến ngày bầu cử sắp tới, vào tháng 10 năm 2026.
Nahum Barnea, nhà bình luận trên nhật báo Yedioth Ahronoth cho biết 80% dân Israel muốn ông Netanyahu từ chức. Một cuộc nghiên cứu dư luận khác nói chỉ có 15% dân chúng nghĩ ông được tiếp tục làm thủ tướng sau khi cuộc chiến Gaza chấm dứt. Ông có thể mất chức nếu một đảng trong chính phủ liên hiệp rút lui. Đảng Likud của ông chiếm nhiều phiếu nhất trong cuộc bỏ phiếu tháng 11/2022, nhưng chỉ đoạt được 32 ghế. Chính phủ liên hiệp của ông cùng các đảng chính trị khác cũng chỉ có 64 trong số 120 đại biểu trong quốc hội, Knesset.
Trong tình trạng uy tín của ông thủ tướng xuống quá thấp, chính các đại biểu Likud cũng có thể đặt vấn đề tín nhiệm để thay thế ông với một nhân vật cùng đảng. Họ phải lo lắng cả đảng Likud sẽ mất hết tín nhiệm trong kỳ bầu cử tới. Biến cố này cũng khó xảy ra vì ông Netanyahu rất nhiều thủ đoạn chính trị, ông có thể kiểm soát hầu hết các đại biểu cùng đảng !
Ông Netanyahu cũng có thể bị lật đổ nếu một số lãnh tụ các đảng khác trong chính phủ liên hiệp rút lui. Hai nhân vật quan trọng nhất là Benny Gantz, một cựu bộ trưởng quốc phòng, và Gadi Eisenkot, tham mưu trưởng liên quân. Cả hai đều là những tướng lãnh được kính trọng nhưng quốc hội Israel rất phân tán, họ khó thu hút được đủ phiếu của các đảng khác để lập chính phủ. Cuối cùng, ông Netanyahu không thể bị thay thế trừ khi dân chúng Israel đòi hỏi, với các cuộc biểu tình toàn diện và liên tục. Đây là điều khó biện minh trong lúc còn chiến tranh. Nhưng dù ông Netanyahu vẫn ngồi đó, các nhà ngoại giao vẫn có thể mở đường cho một tương lai ngưng tiếng súng.
Ngoại trưởng Anh Quốc, David Cameron mới đi Beirut gặp thủ tướng Lebanon, ông Najib Mikati. Bộ ngoại giao Anh đã ngỏ ý London có thể công nhận quốc gia Palestine trước khi Israel chấm dứt chiến tranh ở Gaza. Chính phủ Mỹ cũng có thể theo cùng một chính sách đó.
Trong chuyến du thuyết của Ngoại trưởng Blinken, ông cho biết sẽ bàn với các chính phủ trong vùng về tương lai giải Gaza sau khi ngưng bắn ; trong đó sẽ đề cập tới vai trò của Chính quyền Palestine. Mỹ có thể được Á Rập Saudi ủng hộ, lôi kéo theo các nước Á Rập khác. Trước khi cuộc chiến Gaza bắt đầu, Saudi, cũng như Qatar và các vương quốc Á Râp khác, đã bắt đầu một tiến trình hòa giải, công nhận quốc gia Israel. Một điều kiện mà ông hoàng Muhammad bin Salman, người đang thực sự nắm quyền tại nước này yêu cầu, là được ký một thỏa ước an ninh hỗ tương với Mỹ. Ông muốn để đề phòng một cuộc chiến tranh với Iran có thể xảy ra. Ngoại trưởng Blinken có thể đưa viễn ảnh này ra để Saudi, cùng các nước Á Rập khác, chấp nhận hòa giải với Israel, để đổi lại, cuộc chiến Gaza sẽ chấm dứt. Một động cơ sẽ thúc đẩy các quốc gia Á Rập là mối đe dọa của Iran đối với cả vùng này và đó cũng là một điều Israel lo ngại.
Joe Biden có thể theo đuổi mục tiêu của Mỹ là thi hành giải pháp hai quốc gia, dù ông Netanyahu vẫn bác bỏ. Như tuần báoThe Economist gợi ý, ông Biden có thể mở một tòa đại sứ Mỹ ở phía Đông Jerusalem, là nơi được trù tính sẽ là thủ đô của nước Palestine khi thành lập – một cách công nhận trước một quốc gia Palestine sẽ thành hình.
Trong khi các giải pháp chính trị trên được tiến hành, quân đội Israel và quân Hamas có thể sẽ tiến đến ngưng bắn, dù chỉ dự trù trong vòng mấy tháng. Cuộc ngưng bắn có thể sẽ được gia hạn vì quân hai bên đều mệt mỏi và dân Israel không muốn sống mãi trong tình trạng chiến tranh. Trong khi không còn tiếng bom, đạn, các nhà ngoại giao sẽ đóng vai chính, thay cho các hỏa tiễn, xe thiết giáp và đại pháo.
Ngô Nhân Dụng
Nguồn : VOA, 07/02/2024