Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

"Vội vàng thông qua hiệp định thương mại với Việt Nam sẽ là một sai lầm lớn..."?

evfta1

Văn phòng Tổ chức Lao Động quốc tế (ILO) của Liên Hiệp Châu Âu và Benelux (Belgium, Nederland và Luxemburg) - Ảnh minh họa

Liên Hiệp Châu Âu (EU) và Phái đoàn Châu Âu tại Việt Nam có thể sẽ phải nhận thêm một bài học đắt giá nữa do thái độ cả tin thái quá đối với một chính thể đã có quá nhiều bài học để chẳng xứng đáng nhận được một chút tin cậy nào về ‘cải thiện nhân quyền’.

Chọn ký công ước ‘nhẹ’ nhất và đối sách câu giờ

Cho tới sát ngày 29/5/2019 - thời điểm mà ‘Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng sẽ trình Quốc hội phê chuẩn Công ước 98’ như báo đảng thông tin ngay trước khi ông Trọng sửa soạn ‘tái hiện’ vào giữa tháng Năm, trong số những nội dung nghị trình của Quốc hội ‘gật’ vẫn chỉ đề cập đến Công ước 98, trong lúc 2 công ước quốc tế còn lại về lao động vẫn kiên định mất tích.

Ba công ước còn lại của ILO (Tổ chức Lao động quốc tế) lại chính là đòi hỏi rất dứt khoát của Nghị viện Châu Âu - thể hiện trong bản nghị quyết nhân quyền Việt Nam mà Nghị viện Châu Âu đã tung ra với nhiều nội dung cùng từ ngữ mạnh mẽ chưa từng có vào giữa tháng 11 năm 2018.

Trong đó, Công ước 87 là văn bản quan trọng nhất về lợi ích người lao động và nhân quyền, đề cập đến quyền tự do thành lập công đoàn độc lập của người lao động.

Trước đó tại cuộc điều trần về chủ đề EVFTA - nhân quyền do Ủy ban Thương mại quốc tế Châu Âu tổ chức vào ngày 10 tháng Mười năm 2018 tại Brussels, Bỉ, các nghị sỹ đã đòi hỏi cần phải được Việt Nam ký chính thức trước khi EU bỏ phiếu chấp thuận EVFTA (Hiệp Định Thương Mại Tự Do Châu Âu-Việt Nam).

Chỉ sau khi EVFTA bị Hội đồng Châu Âu hoãn vô thời hạn vào tháng 2 năm 2019 mà nguồn cơn thực chất là vô số vi phạm nhân quyền chưa từng được cải thiện của Hà Nội, mãi đến tháng 4 năm 2019 chính thể Việt Nam mới buộc phải nhượng bộ trước EU về ký và phê chuẩn ít nhất Công ước 98 trong số 3 công ước chưa ký.

Với Nguyễn Phú Trọng, EVFTA có tầm quan trọng rất lớn, nếu không muốn nói là mang tính sống còn đối với nền kinh tế đang bế tắc và nền ngân sách đang lao nhanh vào hội chứng hộc rỗng ở Việt Nam. Nếu không có được EVFTA, đảng của Nguyễn Phú Trọng sẽ rơi vào tình cảnh ‘hết tiền hết bạc hết ông tôi’ sớm hơn.

Công ước số 98 mà phía Việt Nam dự kiến sẽ ký và phê chuẩn tại kỳ họp quốc hội tháng 5 - 6 năm 2019 được xem là công ước ‘nhẹ’ nhất về những điều kiện cải thiện nhân quyền. Công ước 98 có 3 nội dung cơ bản: bảo vệ người lao động và công đoàn trước các hành vi phân biệt đối xử chống công đoàn của người sử dụng lao động; bảo vệ tổ chức của người lao động không bị can thiệp, thao túng bởi người sử dụng lao động; những biện pháp thúc đẩy thương lượng tập thể, tự nguyện, thiện chí.

Nhưng vì sao chính thể Việt Nam chỉ ký và phê chuẩn Công ước 98 mà không nói gì đến hai công ước quốc tế còn lại về lao động? Công ước 87 đã bị phía Việt Nam nhét bỏ đi đâu? Phải chăng chính thể này đang tìm cách qua mặt Liên Hiệp Châu Âu, ký cho có để đạt được mục tiêu có được EVFTA?

Khỏi phải nói là 3 công ước quốc tế lao động còn lại về lao động, đặc biệt là công ước 87, thể hiện mối ‘an nguy’ đến thế nào đối với chế độ cầm quyền ở Việt Nam, vì những công ước này, đặc biệt là công ước về quyền tự do lập hội, liên quan mật thiết đến công đoàn độc lập - một định chế mà từ lâu chính quyền Việt Nam đã luôn gán ghép nó với tổ chức Công đoàn Đoàn Kết ở Ba Lan vào những năm 80 của thế kỷ XX, để từ đó quy kết cho công đoàn độc lập là nhằm thu hút, tập hợp số đông công nhân để lật đổ chính quyền.

Chiến thuật ‘câu giờ’ của chính quyền Việt Nam liên quan đến việc ký 3 công ước quốc tế về lao động là rõ như ban ngày. Hứa hẹn ‘sẽ ký’ từ trước cuộc điều trần ở Bỉ cho tới nay vẫn chỉ là một lời hứa gần như chẳng có giá trị gì, bởi nếu chỉ ký công ước 98 mà không chịu ký công ước 87 thì chủ đề cải thiện quyền lợi và nhân quyền cho người lao động ở Việt Nam trong EVFTA sẽ hầu như vô nghĩa.

Trong khi đó, Việt Nam vừa âm thầm vừa công khai vận động một số nước Châu Âu nhằm tác động đến Nghị viện Châu Âu để sớm thông qua EVFTA, với toan tính rằng nếu việc thông qua này diễn ra sớm trong nửa cuối năm 2019 thì Việt Nam sẽ có luôn EVFTA trong tay mà chẳng phải ký thêm bất kỳ một công ước quốc tế lao động nào.

"Vội vàng thông qua hiệp định thương mại với Việt Nam sẽ là một sai lầm lớn"

Hầu như không hoài nghi rằng chiến thuật ưa thích nhất của chính quyền Việt Nam trong ít ra vài năm tới vẫn là vừa kiềm chế những người bảo vệ quyền lợi công nhân, vừa bưng bít thông tin đến mức tối đa về công đoàn độc lập, vừa kéo dài lâu đến mức có thể việc luật hóa CPTPP về công đoàn độc lập, vừa tung ra chiến dịch "công đoàn độc lập cuội".

Một cách đương nhiên, Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam đang và sẽ được đảng lựa chọn để tổ chức chiến dịch "công đoàn độc lập cuội". Đó cũng là lý do để tổ chức công đoàn nhà nước này tìm cách tồn tại để vẫn được uống bầu sữa ngân sách và duy trì quyền lực "tổ chức chính trị xã hội" của mình trong thời buổi chế độ độc trị phải "dân chủ hóa".

Một trong những kịch bản được đảng tâm đắc là "Quốc Doanh Hóa Công Đoàn Độc Lập": tăng cường ‘đi thăm công nhân’, dùng một phần nhỏ tiền bóc lột từ sức lao động của công nhân để ban tặng lại quà cáp giá trị nhỏ cho họ, tuyên dương và biểu dương một số công nhân nhằm tạo hiệu ứng ‘tấm gương lao động và tin đảng’, tập dượt càng sớm càng tốt cho các công đoàn quốc doanh "chủ động tổ chức đình công" cho công nhân và hy vọng qua đó sẽ thu hút được số đông công nhân, thay vì để cho công nhân rơi vào tầm ảnh hưởng của những tổ chức công đoàn độc lập hoàn toàn không chịu sự lãnh đạo của đảng và nhà nước.

Chẳng phải ngẫu nhiên mà từ trước tết nguyên đán 2019 đến nay, có đến 2/3 thành viên bụ bẫm Bộ Chính trị đảng đã cấp tập đi ‘thăm công nhân’, phát quà và ‘tuyên dương’, trong khi trước đó số này đã chẳng hề đoái hoài đến những khu nhà trọ tồi tàn và bữa ăn phần lớn là rau của người lao động.

Hãy nhớ lại cuộc điều trần về chủ đề EVFTA - nhân quyền do Ủy ban Thương mại quốc tế Châu Âu tổ chức vào ngày 10 tháng Mười năm 2018 tại Brussels, Bỉ. Khi đó, bà Granwander Hainz đã chỉ thẳng ra rằng những lời hứa về ILO của Việt Nam chỉ là lời hứa suông từ trước giờ vì chưa có gì được thực hiện, cũng như các cam kết về nhân quyền chỉ toàn có tiêu đề mà không có nội dung cụ thể.

Còn John Sifton, Giám đốc Vận động, Ban Á Châu của Human Rights Watch, đã hoàn toàn đúng khi nhận định: "Vội vàng thông qua hiệp định thương mại với Việt Nam sẽ là một sai lầm lớn. Làm như vậy là tưởng thưởng cho Việt Nam trong khi nước này chẳng làm gì cả, thông qua EVFTA là đánh đi một thông điệp tệ hại cho thấy những cam kết mà Liên Hiệp Châu Âu đã đưa ra trước đây là dùng thương mại như một công cụ để quảng bá nhân quyền trên toàn cầu không còn đáng tin."

"Hội đồng Châu Âu và Nghị viện Châu Âu cần gửi đi một thông điệp rõ ràng rằng không thể phê chuẩn hiệp định EVFTA cho tới khi nào nhà nước Việt Nam có thái độ nghiêm túc muốn giải quyết những lo ngại về nhân quyền" - ông Sifton kiên quyết - "Việt Nam nên hiểu rằng nếu Châu Âu trì hoãn hiệp định này thì đó là do lỗi của Hà Nội, chứ không phải của Brussels."

Phạm Chí Dũng

Nguồn : VOA, 29/05/2019

Published in Diễn đàn

Hiệp định Tự do Thương mại Việt Nam-Châu Âu và Vai trò của nghiệp đoàn độc lập (RFA, 26/10/2018)

Ủy ban Châu Âu (EU-European Commission), vào ngày 17/10/18 thông qua việc đệ trình Hiệp định Tự do Thương mại (EVFTA-EU-Vietnam Free Trade Agreement) và Hiệp định Bảo hộ Đầu tư với Việt Nam lên Hội đồng Châu Âu, đề xuất ký kết và hoàn tất để đưa vào thực thi. Vấn đề được đặt ra một khi Nghị viện Châu Âu phê chuẩn hiệp định này thì vai trò của nghiệp đoàn độc lập tại Việt Nam như thế nào ?

doi1

Quang cảnh buổi điều trần Hiệp định Tự do Thương mại Việt Nam-Châu Âu (EVFTA) tại Brussels, Bỉ ngày 10/10/18. RFA

Tiến sĩ Nguyễn Quang, người đã tham gia buổi điều trần về Hiệp định Tự do Thương mại Việt Nam-EU (EVFTA) vào hôm 10 tháng 10, tại Brussels, Bỉ lên tiếng với RFA rằng ông lấy làm vui mừng khi Châu Âu có sự đồng thuận về quan điểm mà chính ông kiến nghị là Việt Nam phải tôn trọng tất cả các quyền của người lao động, thông qua 3 nguyên tắc cốt lõi của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), cũng như Việt Nam nếu vi phạm nhân quyền trầm trọng thì EU có thể việc dẫn các thỏa ước đối tác và hợp tác để có những biện pháp chế tài, kể cả ngưng một phần hoặc ngưng toàn bộ Hiệp định EVFTA.

Tại cuộc họp báo ở Brussels, Bỉ, diễn ra vào ngày 17 tháng 10, Ủy ban Châu Âu (EC) phổ biến một thông cáo cho biết hai bên đồng ý đảm bảo việc thực thi đầy đủ các quyền của người lao động theo nguyên tắc của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO). Thỏa thuận cũng bao gồm hợp tác về nhân quyền cho phép Châu Âu có các biện pháp cần thiết, thậm chí dẫn đến ngưng hiệp định khi có các trường hợp vi phạm nhân quyền. Trong buổi họp báo, Cao ủy Thương mại Cecilia Malmstrom nhìn nhận có những vấn đề về nhân quyền nghiêm trọng ở Việt Nam. Tuy nhiên bà nói rằng EVFTA sẽ giúp thúc đẩy nhân quyền ở Việt Nam.

Trong khi đó, ông Trần Ngọc Thành, đại diện của Phong trào Lao động Việt, một tổ chức công đoàn độc lập hoạt động tại Việt Nam cho biết quan điểm cá nhân rằng ông không lấy làm lạc quan cho tình hình lao động tại Việt Nam một khi Hiệp định EVFTA được thông qua. Ông Trần Ngọc Thành lý giải :

"Tiến trình thúc đẩy thông qua Hiệp định EVFTA của EU đối với Việt Nam xảy ra trong giai đoạn có thể nói Đảng cộng sản Việt Nam đàn áp giới đấu tranh trong nước rất khốc liệt, kể cả các nhà hoạt động trong nghiệp đoàn độc lập bằng những bản án tù tàn bạo. Do đó, có thể sau khi Hiệp định EVFTA được thông qua rồi, Đảng cộng sản Việt Nam tìm mọi cách lươn lẹo để thực hiện hiệp định này".

Đài Á Châu Tự Do ghi nhận mặc dù Việt Nam vẫn chưa thông qua ba công ước cơ bản của ILO ; bao gồm Điều 87 về thành lập nghiệp đoàn độc lập, Điều 98 về thương lượng tập thể và Điều 105 về quyền chống cưỡng bức lao động nhưng có những ý kiến từ đại diện của EU cho rằng Việt Nam không nhất thiết phải thông qua ngay 3 công ước cơ bản này mà chỉ yêu cầu Việt Nam cam kết thực hiện ký kết trong tương lai.

Tiến sĩ Nguyễn Quang A đưa ra nhận định "Chắc chắn trong tương lai, Chính quyền Việt Nam cũng sẽ có những việc làm cản trở hay tổ chức những công đoàn mà hiện nay họ đã có rồi để làm khó cho các nghiệp đoàn độc lập". Tuy nhiên Tiến sĩ Nguyễn Quang A nhìn nhận ông vẫn có sự lạc quan, vì :

"Hiệp định EVFTA chí ít có sự ràng buộc pháp lý đối với Việt Nam và có cơ sở chế tài, hay nói cách khác là EVFTA tạo ra khuôn khổ pháp lý để cho các tổ chức công đoàn ở Việt Nam hoạt động tích cực hơn".

Bà Ca Dao, đại diện của Lao động Việt, cũng là một tổ chức công đoàn độc lập tại Việt Nam nhấn mạnh các nghiệp đoàn độc lập cần có sự chuẩn bị để một khi Hiệp định EVFTA được thông qua thì có thể chủ động phát triển và hoạt động tại Việt Nam. Bà Ca Dao cho biết :

"Vừa rồi, một nghiệp đoàn liên kết với Lao động Việt đã viết thư gửi đến Bộ Công thương để xin đăng ký hoạt động hợp pháp, và Bộ Công thương hồi đáp rằng đang có các bước chuẩn bị sau khi CPTPP được thông qua. Do đó, các nghiệp đoàn độc lập có thể gửi đơn đến Bộ Công thương để đăng ký hoạt động hợp pháp sau khi CPTPP và EVFTA được chính thức thông qua. Nếu như Việt Nam không công nhận cũng như không cho phép và các nghiệp đoàn độc lập hoạt động hợp pháp thì đó là bằng chứng Việt Nam không tôn trọng hai hiệp định thương mại này".

Đại diện của hai nghiệp đoàn độc lập Phong trào Lao động Việt và Lao động Việt cùng Tiến sĩ Nguyễn Quang A có cùng quan điểm là các tổ chức xã hội dân sự tại Việt Nam cần có sự hỗ trợ và hợp tác chung đối với quyền thành lập nghiệp đoàn độc lập ở Việt Nam. Cả ba vị đều khẳng định đây là một cuộc đấu tranh còn rất dài và đầy gian khổ.

*******************

Hãng lắp ráp linh kiện cho AirPods, Apple chuyển sản xuất sang Việt Nam (RFA, 26/10/2018)

GoerTek, công ty Trung Quốc lắp ráp linh kiện cho công ty Apple dùng cho các thiết bị AirPods sẽ chuyển dây chuyền sản xuất sang Việt Nam.

doi2

Quảng cáo điện thoại của Apple tại Việt Nam, 2012. AFP

Trang mạng về kinh tế themanufacturer.com trích dẫn nguồn từ tạp chí Nhật Bản Nikkei Asian Review cho biết như thế và nói thêm là GoerTek cũng thúc giục những nhà sản xuất linh kiện cho mình chuyển việc sản xuất sang Việt Nam.

Hành động này được cho là để tránh bị thiệt hại do cuộc chiến tranh thương mại Mỹ Trung đang leo thang.

Hai công ty Đài Loan sản xuất linh kiện cho Apple là Pegatron và Cheng Uei cũng đang tìm cách mở rộng sản xuất của họ ra ngoài Trung Quốc.

Một chuyên gia của một công ty tư vấn đầu tư ở Hong Kong được trang tin themanufacturer trích lời cho biết hãng Apple của Mỹ có khả năng trở thành mục tiêu để Trung Quốc trả đũa trong cuộc chiến tranh thương mại đang diễn ra.

Trung Quốc là nơi sản xuất quan trọng nhất của Apple, trong khi doanh thu của hãng ở Trung Quốc chiếm đến 20% doanh thu hàng năm. Do đó mặc dù Tổng thống Mỹ Donald Trump nhiều lần thúc giục Apple chuyển sản xuất trở về Mỹ, nhưng họ vẫn không thực hiện việc đó.

*******************

Chừng 2000 công nhân Công ty Ivory Việt Nam tiếp tục đình công (RFA, 26/10/2018)

Còn 2 ngàn công nhân Công ty Ivory Việt Nam đóng tại Huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa tiếp tục đình công tập thể hơn tuần nay để đòi quyền lợi.

doi3

Hàng nghìn công nhân may mặc của Công ty TNHH Ivory Việt Nam Thanh Hóa trong một lần đình công. Ảnh minh họa. Courtesy of giadinh

Truyền thông trong nước vào ngày 26 tháng 10 loan tin và cho biết vào chiều ngày 25 tháng 10, Bí thư huyện ủy Hậu Lộc, ông Nguyễn Văn Ấp tiến hành cuộc đối thoại trực tiếp với các công nhân.

Tại buổi đối thoại, các công nhân đều cho rằng công ty thường xuyên ép tăng ca nhưng các phụ cấp khác như tiền xăng, xe, ăn trưa, tiền thưởng và một số chi phí khác đang ở mức thấp, không đủ chi phí sinh hoạt hàng ngày khiến đời sống công nhân gặp rất nhiều khó khăn.

Sau khi đối thoại với công nhân, ban lãnh đạo huyện Hậu Lộc đã làm việc với phía công ty Ivory Việt Nam và đồng ý thống nhất tăng các loại chi phí theo yêu cầu của công nhân. Cụ thể tiền cơm từ 14.000 đồng một bữa lên 15.000, tăng tiền thưởng từ 50.000 – 200.000 đồng tùy từng cấp. Ngoài ra, công ty sẽ không sắp xếp nghỉ phép năm tập thể mà sẽ do công nhân tự sắp xếp theo cá nhân mình.

Đến ngày 26/10, sau khi đối thoại với công nhân và công ty đã thống nhất một số chế độ đã có khoảng hơn 1000 công nhân đã quay trở lại làm việc. Số tiếp tục đình công cho rằng phía công ty chưa trả lời cụ thể về vấn đề tiền thâm niên cũng như một số chế độ khác.

Trước đó, vào hôm 18/10 khoảng 3000 công nhân của công ty TNHH Ivory Việt Nam tại huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa đã đình công ngừng việc tập thể vì cho rằng công ty thường xuyên ép tăng ca nhưng không được hưởng thêm các phụ trợ khác. Do đó yêu cầu phía công ty tăng lương và tăng các phụ cấp khác.

Published in Việt Nam