Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

26/10/2018

EVFTA và nghiệp đoàn, Apple vào Việt Nam, đình công

Tổng hợp

Hiệp định Tự do Thương mại Việt Nam-Châu Âu và Vai trò của nghiệp đoàn độc lập (RFA, 26/10/2018)

Ủy ban Châu Âu (EU-European Commission), vào ngày 17/10/18 thông qua việc đệ trình Hiệp định Tự do Thương mại (EVFTA-EU-Vietnam Free Trade Agreement) và Hiệp định Bảo hộ Đầu tư với Việt Nam lên Hội đồng Châu Âu, đề xuất ký kết và hoàn tất để đưa vào thực thi. Vấn đề được đặt ra một khi Nghị viện Châu Âu phê chuẩn hiệp định này thì vai trò của nghiệp đoàn độc lập tại Việt Nam như thế nào ?

doi1

Quang cảnh buổi điều trần Hiệp định Tự do Thương mại Việt Nam-Châu Âu (EVFTA) tại Brussels, Bỉ ngày 10/10/18. RFA

Tiến sĩ Nguyễn Quang, người đã tham gia buổi điều trần về Hiệp định Tự do Thương mại Việt Nam-EU (EVFTA) vào hôm 10 tháng 10, tại Brussels, Bỉ lên tiếng với RFA rằng ông lấy làm vui mừng khi Châu Âu có sự đồng thuận về quan điểm mà chính ông kiến nghị là Việt Nam phải tôn trọng tất cả các quyền của người lao động, thông qua 3 nguyên tắc cốt lõi của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), cũng như Việt Nam nếu vi phạm nhân quyền trầm trọng thì EU có thể việc dẫn các thỏa ước đối tác và hợp tác để có những biện pháp chế tài, kể cả ngưng một phần hoặc ngưng toàn bộ Hiệp định EVFTA.

Tại cuộc họp báo ở Brussels, Bỉ, diễn ra vào ngày 17 tháng 10, Ủy ban Châu Âu (EC) phổ biến một thông cáo cho biết hai bên đồng ý đảm bảo việc thực thi đầy đủ các quyền của người lao động theo nguyên tắc của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO). Thỏa thuận cũng bao gồm hợp tác về nhân quyền cho phép Châu Âu có các biện pháp cần thiết, thậm chí dẫn đến ngưng hiệp định khi có các trường hợp vi phạm nhân quyền. Trong buổi họp báo, Cao ủy Thương mại Cecilia Malmstrom nhìn nhận có những vấn đề về nhân quyền nghiêm trọng ở Việt Nam. Tuy nhiên bà nói rằng EVFTA sẽ giúp thúc đẩy nhân quyền ở Việt Nam.

Trong khi đó, ông Trần Ngọc Thành, đại diện của Phong trào Lao động Việt, một tổ chức công đoàn độc lập hoạt động tại Việt Nam cho biết quan điểm cá nhân rằng ông không lấy làm lạc quan cho tình hình lao động tại Việt Nam một khi Hiệp định EVFTA được thông qua. Ông Trần Ngọc Thành lý giải :

"Tiến trình thúc đẩy thông qua Hiệp định EVFTA của EU đối với Việt Nam xảy ra trong giai đoạn có thể nói Đảng cộng sản Việt Nam đàn áp giới đấu tranh trong nước rất khốc liệt, kể cả các nhà hoạt động trong nghiệp đoàn độc lập bằng những bản án tù tàn bạo. Do đó, có thể sau khi Hiệp định EVFTA được thông qua rồi, Đảng cộng sản Việt Nam tìm mọi cách lươn lẹo để thực hiện hiệp định này".

Đài Á Châu Tự Do ghi nhận mặc dù Việt Nam vẫn chưa thông qua ba công ước cơ bản của ILO ; bao gồm Điều 87 về thành lập nghiệp đoàn độc lập, Điều 98 về thương lượng tập thể và Điều 105 về quyền chống cưỡng bức lao động nhưng có những ý kiến từ đại diện của EU cho rằng Việt Nam không nhất thiết phải thông qua ngay 3 công ước cơ bản này mà chỉ yêu cầu Việt Nam cam kết thực hiện ký kết trong tương lai.

Tiến sĩ Nguyễn Quang A đưa ra nhận định "Chắc chắn trong tương lai, Chính quyền Việt Nam cũng sẽ có những việc làm cản trở hay tổ chức những công đoàn mà hiện nay họ đã có rồi để làm khó cho các nghiệp đoàn độc lập". Tuy nhiên Tiến sĩ Nguyễn Quang A nhìn nhận ông vẫn có sự lạc quan, vì :

"Hiệp định EVFTA chí ít có sự ràng buộc pháp lý đối với Việt Nam và có cơ sở chế tài, hay nói cách khác là EVFTA tạo ra khuôn khổ pháp lý để cho các tổ chức công đoàn ở Việt Nam hoạt động tích cực hơn".

Bà Ca Dao, đại diện của Lao động Việt, cũng là một tổ chức công đoàn độc lập tại Việt Nam nhấn mạnh các nghiệp đoàn độc lập cần có sự chuẩn bị để một khi Hiệp định EVFTA được thông qua thì có thể chủ động phát triển và hoạt động tại Việt Nam. Bà Ca Dao cho biết :

"Vừa rồi, một nghiệp đoàn liên kết với Lao động Việt đã viết thư gửi đến Bộ Công thương để xin đăng ký hoạt động hợp pháp, và Bộ Công thương hồi đáp rằng đang có các bước chuẩn bị sau khi CPTPP được thông qua. Do đó, các nghiệp đoàn độc lập có thể gửi đơn đến Bộ Công thương để đăng ký hoạt động hợp pháp sau khi CPTPP và EVFTA được chính thức thông qua. Nếu như Việt Nam không công nhận cũng như không cho phép và các nghiệp đoàn độc lập hoạt động hợp pháp thì đó là bằng chứng Việt Nam không tôn trọng hai hiệp định thương mại này".

Đại diện của hai nghiệp đoàn độc lập Phong trào Lao động Việt và Lao động Việt cùng Tiến sĩ Nguyễn Quang A có cùng quan điểm là các tổ chức xã hội dân sự tại Việt Nam cần có sự hỗ trợ và hợp tác chung đối với quyền thành lập nghiệp đoàn độc lập ở Việt Nam. Cả ba vị đều khẳng định đây là một cuộc đấu tranh còn rất dài và đầy gian khổ.

*******************

Hãng lắp ráp linh kiện cho AirPods, Apple chuyển sản xuất sang Việt Nam (RFA, 26/10/2018)

GoerTek, công ty Trung Quốc lắp ráp linh kiện cho công ty Apple dùng cho các thiết bị AirPods sẽ chuyển dây chuyền sản xuất sang Việt Nam.

doi2

Quảng cáo điện thoại của Apple tại Việt Nam, 2012. AFP

Trang mạng về kinh tế themanufacturer.com trích dẫn nguồn từ tạp chí Nhật Bản Nikkei Asian Review cho biết như thế và nói thêm là GoerTek cũng thúc giục những nhà sản xuất linh kiện cho mình chuyển việc sản xuất sang Việt Nam.

Hành động này được cho là để tránh bị thiệt hại do cuộc chiến tranh thương mại Mỹ Trung đang leo thang.

Hai công ty Đài Loan sản xuất linh kiện cho Apple là Pegatron và Cheng Uei cũng đang tìm cách mở rộng sản xuất của họ ra ngoài Trung Quốc.

Một chuyên gia của một công ty tư vấn đầu tư ở Hong Kong được trang tin themanufacturer trích lời cho biết hãng Apple của Mỹ có khả năng trở thành mục tiêu để Trung Quốc trả đũa trong cuộc chiến tranh thương mại đang diễn ra.

Trung Quốc là nơi sản xuất quan trọng nhất của Apple, trong khi doanh thu của hãng ở Trung Quốc chiếm đến 20% doanh thu hàng năm. Do đó mặc dù Tổng thống Mỹ Donald Trump nhiều lần thúc giục Apple chuyển sản xuất trở về Mỹ, nhưng họ vẫn không thực hiện việc đó.

*******************

Chừng 2000 công nhân Công ty Ivory Việt Nam tiếp tục đình công (RFA, 26/10/2018)

Còn 2 ngàn công nhân Công ty Ivory Việt Nam đóng tại Huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa tiếp tục đình công tập thể hơn tuần nay để đòi quyền lợi.

doi3

Hàng nghìn công nhân may mặc của Công ty TNHH Ivory Việt Nam Thanh Hóa trong một lần đình công. Ảnh minh họa. Courtesy of giadinh

Truyền thông trong nước vào ngày 26 tháng 10 loan tin và cho biết vào chiều ngày 25 tháng 10, Bí thư huyện ủy Hậu Lộc, ông Nguyễn Văn Ấp tiến hành cuộc đối thoại trực tiếp với các công nhân.

Tại buổi đối thoại, các công nhân đều cho rằng công ty thường xuyên ép tăng ca nhưng các phụ cấp khác như tiền xăng, xe, ăn trưa, tiền thưởng và một số chi phí khác đang ở mức thấp, không đủ chi phí sinh hoạt hàng ngày khiến đời sống công nhân gặp rất nhiều khó khăn.

Sau khi đối thoại với công nhân, ban lãnh đạo huyện Hậu Lộc đã làm việc với phía công ty Ivory Việt Nam và đồng ý thống nhất tăng các loại chi phí theo yêu cầu của công nhân. Cụ thể tiền cơm từ 14.000 đồng một bữa lên 15.000, tăng tiền thưởng từ 50.000 – 200.000 đồng tùy từng cấp. Ngoài ra, công ty sẽ không sắp xếp nghỉ phép năm tập thể mà sẽ do công nhân tự sắp xếp theo cá nhân mình.

Đến ngày 26/10, sau khi đối thoại với công nhân và công ty đã thống nhất một số chế độ đã có khoảng hơn 1000 công nhân đã quay trở lại làm việc. Số tiếp tục đình công cho rằng phía công ty chưa trả lời cụ thể về vấn đề tiền thâm niên cũng như một số chế độ khác.

Trước đó, vào hôm 18/10 khoảng 3000 công nhân của công ty TNHH Ivory Việt Nam tại huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa đã đình công ngừng việc tập thể vì cho rằng công ty thường xuyên ép tăng ca nhưng không được hưởng thêm các phụ trợ khác. Do đó yêu cầu phía công ty tăng lương và tăng các phụ cấp khác.

Quay lại trang chủ
Read 603 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)