Hiệp định Tự do Thương mại Việt Nam-Châu Âu và Vai trò của nghiệp đoàn độc lập (RFA, 26/10/2018)
Ủy ban Châu Âu (EU-European Commission), vào ngày 17/10/18 thông qua việc đệ trình Hiệp định Tự do Thương mại (EVFTA-EU-Vietnam Free Trade Agreement) và Hiệp định Bảo hộ Đầu tư với Việt Nam lên Hội đồng Châu Âu, đề xuất ký kết và hoàn tất để đưa vào thực thi. Vấn đề được đặt ra một khi Nghị viện Châu Âu phê chuẩn hiệp định này thì vai trò của nghiệp đoàn độc lập tại Việt Nam như thế nào ?
Quang cảnh buổi điều trần Hiệp định Tự do Thương mại Việt Nam-Châu Âu (EVFTA) tại Brussels, Bỉ ngày 10/10/18. RFA
Tiến sĩ Nguyễn Quang, người đã tham gia buổi điều trần về Hiệp định Tự do Thương mại Việt Nam-EU (EVFTA) vào hôm 10 tháng 10, tại Brussels, Bỉ lên tiếng với RFA rằng ông lấy làm vui mừng khi Châu Âu có sự đồng thuận về quan điểm mà chính ông kiến nghị là Việt Nam phải tôn trọng tất cả các quyền của người lao động, thông qua 3 nguyên tắc cốt lõi của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), cũng như Việt Nam nếu vi phạm nhân quyền trầm trọng thì EU có thể việc dẫn các thỏa ước đối tác và hợp tác để có những biện pháp chế tài, kể cả ngưng một phần hoặc ngưng toàn bộ Hiệp định EVFTA.
Tại cuộc họp báo ở Brussels, Bỉ, diễn ra vào ngày 17 tháng 10, Ủy ban Châu Âu (EC) phổ biến một thông cáo cho biết hai bên đồng ý đảm bảo việc thực thi đầy đủ các quyền của người lao động theo nguyên tắc của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO). Thỏa thuận cũng bao gồm hợp tác về nhân quyền cho phép Châu Âu có các biện pháp cần thiết, thậm chí dẫn đến ngưng hiệp định khi có các trường hợp vi phạm nhân quyền. Trong buổi họp báo, Cao ủy Thương mại Cecilia Malmstrom nhìn nhận có những vấn đề về nhân quyền nghiêm trọng ở Việt Nam. Tuy nhiên bà nói rằng EVFTA sẽ giúp thúc đẩy nhân quyền ở Việt Nam.
Trong khi đó, ông Trần Ngọc Thành, đại diện của Phong trào Lao động Việt, một tổ chức công đoàn độc lập hoạt động tại Việt Nam cho biết quan điểm cá nhân rằng ông không lấy làm lạc quan cho tình hình lao động tại Việt Nam một khi Hiệp định EVFTA được thông qua. Ông Trần Ngọc Thành lý giải :
"Tiến trình thúc đẩy thông qua Hiệp định EVFTA của EU đối với Việt Nam xảy ra trong giai đoạn có thể nói Đảng cộng sản Việt Nam đàn áp giới đấu tranh trong nước rất khốc liệt, kể cả các nhà hoạt động trong nghiệp đoàn độc lập bằng những bản án tù tàn bạo. Do đó, có thể sau khi Hiệp định EVFTA được thông qua rồi, Đảng cộng sản Việt Nam tìm mọi cách lươn lẹo để thực hiện hiệp định này".
Đài Á Châu Tự Do ghi nhận mặc dù Việt Nam vẫn chưa thông qua ba công ước cơ bản của ILO ; bao gồm Điều 87 về thành lập nghiệp đoàn độc lập, Điều 98 về thương lượng tập thể và Điều 105 về quyền chống cưỡng bức lao động nhưng có những ý kiến từ đại diện của EU cho rằng Việt Nam không nhất thiết phải thông qua ngay 3 công ước cơ bản này mà chỉ yêu cầu Việt Nam cam kết thực hiện ký kết trong tương lai.
Tiến sĩ Nguyễn Quang A đưa ra nhận định "Chắc chắn trong tương lai, Chính quyền Việt Nam cũng sẽ có những việc làm cản trở hay tổ chức những công đoàn mà hiện nay họ đã có rồi để làm khó cho các nghiệp đoàn độc lập". Tuy nhiên Tiến sĩ Nguyễn Quang A nhìn nhận ông vẫn có sự lạc quan, vì :
"Hiệp định EVFTA chí ít có sự ràng buộc pháp lý đối với Việt Nam và có cơ sở chế tài, hay nói cách khác là EVFTA tạo ra khuôn khổ pháp lý để cho các tổ chức công đoàn ở Việt Nam hoạt động tích cực hơn".
Bà Ca Dao, đại diện của Lao động Việt, cũng là một tổ chức công đoàn độc lập tại Việt Nam nhấn mạnh các nghiệp đoàn độc lập cần có sự chuẩn bị để một khi Hiệp định EVFTA được thông qua thì có thể chủ động phát triển và hoạt động tại Việt Nam. Bà Ca Dao cho biết :
"Vừa rồi, một nghiệp đoàn liên kết với Lao động Việt đã viết thư gửi đến Bộ Công thương để xin đăng ký hoạt động hợp pháp, và Bộ Công thương hồi đáp rằng đang có các bước chuẩn bị sau khi CPTPP được thông qua. Do đó, các nghiệp đoàn độc lập có thể gửi đơn đến Bộ Công thương để đăng ký hoạt động hợp pháp sau khi CPTPP và EVFTA được chính thức thông qua. Nếu như Việt Nam không công nhận cũng như không cho phép và các nghiệp đoàn độc lập hoạt động hợp pháp thì đó là bằng chứng Việt Nam không tôn trọng hai hiệp định thương mại này".
Đại diện của hai nghiệp đoàn độc lập Phong trào Lao động Việt và Lao động Việt cùng Tiến sĩ Nguyễn Quang A có cùng quan điểm là các tổ chức xã hội dân sự tại Việt Nam cần có sự hỗ trợ và hợp tác chung đối với quyền thành lập nghiệp đoàn độc lập ở Việt Nam. Cả ba vị đều khẳng định đây là một cuộc đấu tranh còn rất dài và đầy gian khổ.
*******************
Hãng lắp ráp linh kiện cho AirPods, Apple chuyển sản xuất sang Việt Nam (RFA, 26/10/2018)
GoerTek, công ty Trung Quốc lắp ráp linh kiện cho công ty Apple dùng cho các thiết bị AirPods sẽ chuyển dây chuyền sản xuất sang Việt Nam.
Quảng cáo điện thoại của Apple tại Việt Nam, 2012. AFP
Trang mạng về kinh tế themanufacturer.com trích dẫn nguồn từ tạp chí Nhật Bản Nikkei Asian Review cho biết như thế và nói thêm là GoerTek cũng thúc giục những nhà sản xuất linh kiện cho mình chuyển việc sản xuất sang Việt Nam.
Hành động này được cho là để tránh bị thiệt hại do cuộc chiến tranh thương mại Mỹ Trung đang leo thang.
Hai công ty Đài Loan sản xuất linh kiện cho Apple là Pegatron và Cheng Uei cũng đang tìm cách mở rộng sản xuất của họ ra ngoài Trung Quốc.
Một chuyên gia của một công ty tư vấn đầu tư ở Hong Kong được trang tin themanufacturer trích lời cho biết hãng Apple của Mỹ có khả năng trở thành mục tiêu để Trung Quốc trả đũa trong cuộc chiến tranh thương mại đang diễn ra.
Trung Quốc là nơi sản xuất quan trọng nhất của Apple, trong khi doanh thu của hãng ở Trung Quốc chiếm đến 20% doanh thu hàng năm. Do đó mặc dù Tổng thống Mỹ Donald Trump nhiều lần thúc giục Apple chuyển sản xuất trở về Mỹ, nhưng họ vẫn không thực hiện việc đó.
*******************
Chừng 2000 công nhân Công ty Ivory Việt Nam tiếp tục đình công (RFA, 26/10/2018)
Còn 2 ngàn công nhân Công ty Ivory Việt Nam đóng tại Huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa tiếp tục đình công tập thể hơn tuần nay để đòi quyền lợi.
Hàng nghìn công nhân may mặc của Công ty TNHH Ivory Việt Nam Thanh Hóa trong một lần đình công. Ảnh minh họa. Courtesy of giadinh
Truyền thông trong nước vào ngày 26 tháng 10 loan tin và cho biết vào chiều ngày 25 tháng 10, Bí thư huyện ủy Hậu Lộc, ông Nguyễn Văn Ấp tiến hành cuộc đối thoại trực tiếp với các công nhân.
Tại buổi đối thoại, các công nhân đều cho rằng công ty thường xuyên ép tăng ca nhưng các phụ cấp khác như tiền xăng, xe, ăn trưa, tiền thưởng và một số chi phí khác đang ở mức thấp, không đủ chi phí sinh hoạt hàng ngày khiến đời sống công nhân gặp rất nhiều khó khăn.
Sau khi đối thoại với công nhân, ban lãnh đạo huyện Hậu Lộc đã làm việc với phía công ty Ivory Việt Nam và đồng ý thống nhất tăng các loại chi phí theo yêu cầu của công nhân. Cụ thể tiền cơm từ 14.000 đồng một bữa lên 15.000, tăng tiền thưởng từ 50.000 – 200.000 đồng tùy từng cấp. Ngoài ra, công ty sẽ không sắp xếp nghỉ phép năm tập thể mà sẽ do công nhân tự sắp xếp theo cá nhân mình.
Đến ngày 26/10, sau khi đối thoại với công nhân và công ty đã thống nhất một số chế độ đã có khoảng hơn 1000 công nhân đã quay trở lại làm việc. Số tiếp tục đình công cho rằng phía công ty chưa trả lời cụ thể về vấn đề tiền thâm niên cũng như một số chế độ khác.
Trước đó, vào hôm 18/10 khoảng 3000 công nhân của công ty TNHH Ivory Việt Nam tại huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa đã đình công ngừng việc tập thể vì cho rằng công ty thường xuyên ép tăng ca nhưng không được hưởng thêm các phụ trợ khác. Do đó yêu cầu phía công ty tăng lương và tăng các phụ cấp khác.
Vụ ông Nguyễn Cà Rê, thợ điện, cư ngụ tại Cần Thơ, mang 100 Mỹ kim đến tiệm vàng Thảo Lực, tọa lạc tại Cần Thơ, đổi ra đồng Việt Nam, bị lực lượng thực thi pháp luật ở Cần Thơ phục kích, bắt quả tang, bị lập biên bản, bị tịch thu cả 100 Mỹ kim lẫn bị phạt 90 triệu đồng (1),… đang được công chúng Việt Nam bàn luận rôm rả. Đa số sửng sốt, bất bình nhưng phân tích – chỉ trích tới mức nào thì cũng… trớt hướt.
Tờ 100 USD và những giấy bạc nhỏ hơn : 10 USF và 5 USD... - Hình minh họa.
Ông Trương Quang Hoài Nam, Phó Chủ tịch thành phố Cần Thơ, khẳng định với tờ Pháp Luật Thành phố Hồ Chí Minh, chuyện hệ thống công quyền xử lý hành vi của ông Nguyễn Ca Rê là đúng pháp luật. Ông Nam trưng dẫn Nghị định số 96/2014/NĐ-CP, Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, chứng minh ông Nguyễn Ca Rê vi phạm Điểm a, Khoản 3, Điều 24 : Mua, bán ngoại tệ tại tổ chức không được phép thu đổi ngoại tệ (2) để chứng minh ông đúng. Đúng là ông Nam đúng !
Theo qui định tại nghị định vừa dẫn, hành vi của ông Rê sẽ bị phạt tiền từ 80 triệu đồng đến 100 triệu đồng, chính quyền thành phố Cần Thơ ấn định mức phạt là 90 triệu đồng, rõ ràng là… có trước, có sau. Ông Nam nói thêm là ông Rê có thể xin giảm tiền phạt và chính quyền thành phố Cần Thơ sẽ xem xét, giải quyết theo qui định của pháp luật. Cũng theo ông Nam, ông Rê còn có quyền kiện chính quyền thành phố Cần Thơ ra tòa và tất nhiên chính quyền sẽ cử người hầu kiện. Dân chủ, văn minh như thế còn muốn gì nữa ?
***
Sự nghiêm minh của hệ thống công quyền không chỉ thể hiện trên ông Rê. Công ty Nhân Đạt – chịu trách nhiệm về hoạt động của tiệm vàng Thảo Lực – cũng bị phạt 180 triệu đồng. Tờ 100 Mỹ kim của ông Rê bị tịch thu, khoản tiền 2.260.000 đồng mà tiệm vàng Thảo Lực giao cho ông Rê để nhận về tờ 100 Mỹ kim cũng bị tịch thu.
Ông Lê Hồng Lực, chủ tiệm vàng Thảo Lực, kể với tờ Tuổi Trẻ rằng, sau khi lực lượng thực thi pháp luật, phục kích, bắt quả tang vụ "mua, bán ngoại tệ tại tổ chức không được phép thu đổi ngoại tệ", họ đã khám xét khắp nhà ông từ dưới đất lên tới sân thượng không chừa xó xỉnh nào và đã thu giữ từ phòng ngủ của vợ chồng ông 20 viên kim cương, 19.910 viên đá nhân tạo, toàn bộ vàng trắng với lý do "không có chứng từ, nhãn mác bằng tiếng nước ngoài" (3).
Căn nhà số 40 đường Nguyễn Đức Cảnh, phường An Hội, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ bao gồm hai phần : Tiệm vàng Thảo Lực và tư gia của ông Lực. Về nguyên tắc, phục kích – bắt quả tang hành vi "mua, bán ngoại tệ tại tổ chức không được phép thu đổi ngoại tệ" giữa Tiệm vàng Thảo Lực với ông Rê, cho phép lực lượng thực thi pháp luật khám xét trong phạm vi đăng ký kinh doanh của Tiệm vàng Thảo Lực. Tuy nhiên mở rộng việc khám xét, xông vào lục soát tư gia của ông Lực lại là chuyện khác. Nếu không có Lệnh Kiểm tra hành chính được ký bởi cá nhân mà luật đã xác định là đủ thẩm quyền, theo luật, sẽ bị xem là phạm tội "xâm phạm chỗ ở của công dân" (Điều 158) với tình tiết tăng nặng (lợi dụng chức vụ, quyền hạn). Ngoài tội "xâm phạm chỗ ở của công dân", chuyện khám phòng ngủ, lấy đi 20 viên kim cương, 19.910 viên đá nhân tạo, toàn bộ vàng trắng với lý do "không có chứng từ, nhãn mác bằng tiếng nước ngoài" trong phòng ngủ là dấu hiệu của một tội khác ("lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản" – Điều 280, cũng có tình tiết tăng nặng, nặng đến mức nào phụ thuộc vào giá trị tài sản bị chiếm đoạt)
Bởi chỗ này dường như chưa… đúng lắm (!) nên trong văn bản gửi cho báo giới, giải thích về vụ phục kích, bắt quả tang hành vi "mua, bán ngoại tệ tại tổ chức không được phép thu đổi ngoại tệ" giữa Tiệm vàng Thảo Lực với ông Rê, Công an thành phố Cần Thơ không đả động gì đến chuyện khám xét tư gia của ông Lực và tịch thu tài sản của gia đình ông. Tất nhiên không có văn bản pháp luật nào qui định công dân phải lưu giữ, xuất trình "chứng từ" về tài sản của mình, cũng chẳng có văn bản pháp luật nào qui định, những chứng từ chứng minh nguồn gốc, quyền sở hữu tài sản không được có "nhãn mác bằng tiếng nước ngoài". Lúc này, có thể Công an thành phố Cần Thơ chưa tìm được cách lý giải thỏa đáng nên đành phải hủy cuộc họp báo vào giờ chót (4), song thế nào họ cũng "củng cố" xong… "chứng cứ".
Với một hệ thống chính trị, hệ thống công quyền dễ dàng chấp nhận bộ máy thực thi pháp luật giải thích các scandal theo kiểu "nghi can tự tử trong trụ sở công an bằng… dây thun quần" mà không có bất kỳ thắc mắc nào thì sẽ chẳng có viên chức nào bị điều tra, truy cứu trách nhiệm hình sự do "xâm phạm chỗ ở của công dân" và "lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản" của gia đình ông Lực. Công an thành phố Cần Thơ đã không sai thì dứt khoát ông Lực… không đúng. Vậy thôi !
***
Khi đổi 100 Mỹ kim, không những chẳng được đồng nào mà còn gánh thêm khoản nợ 90 triệu đồng là chuyện có thật vì… đúng pháp luật, dân chúng Việt Nam mới để ý đến Nghị định số 96/2014/NĐ-CP. Hồi nghị định này còn là dự thảo, cho dù không ít chuyên gia, doanh nhân cùng lên tiếng cảnh báo, đâu có mấy người thèm bận tâm, đa số đều cho rằng nó chẳng dính dáng gì tới mình. Ông Rê ắt cũng là một trong số những người như vậy !
Việt Nam đã, đang và sẽ còn có rất nhiều qui định pháp luật giống như những qui định mà "sanh chuyện" rồi thiên hạ mới chú ý, bởi nhận ra chúng hết sức kỳ quái như Nghị định số 96/2014/NĐ-CP. Sắp tới, chuyện ai đó bị phạt tiền, thậm chí vào tù chỉ vì "like" một ý kiến, "share" một thông tin mà họ cảm thấy thích thú hay tin rằng người khác cần biết cũng… sẽ đúng pháp luật luôn vì những văn bản pháp luật liên quan tới an ninh mạng… qui định như vậy ! Thế thôi !
Sự kiện ông Trương Quang Hoài Nam, Phó Chủ tịch thành phố Cần Thơ, khẳng định với báo giới rằng, việc xử lý hành vi của ông Rê là đúng pháp luật, làm một số người có trí nhớ tốt hoặc biết rành ông Nam… giận nên "ôn cố" cho thiên hạ "tri tân". Năm 2014, lúc đang là Cục trưởng Cục Quản lý thị trường, ông Nam bị xác định là nhân vật phải chịu trách nhiệm chính trong scandal tuyển công chức cho Cục Quản lý thị trường năm 2013 (đa số ứng viên trúng tuyển là thân nhân lãnh đạo ngành Công Thương vì được cho biết trước cả đề thi lẫn đáp áp) (5). Vào thời điểm đó, sau khi Bộ Nội vụ và Bộ Công an công bố kết quả kiểm tra, điều tra, chính phủ Việt Nam tuyên bố sẽ "xử lý nghiêm minh".
Đây là kết quả xử lý : Ông Nam và 43 cán bộ khác được Ban Tổ chức của Ban Chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam luân chuyển về các địa phương. Cùng được luân chuyển về Cần Thơ với ông Nam là ông… Trịnh Xuân Thanh, một cán bộ khác cũng của Bộ Công Thương. Giống như ông Trịnh Xuân Thanh, ông Nam cũng được Hội đồng nhân dân thành phố Cần Thơ nhất trí "100%" chọn làm Phó Chủ tịch của thành phố này (6). Scandal liên quan đến Trịnh Xuân Thanh bùng lên, ông Trần Quốc Trung, Bí thư Thành ủy Cần Thơ mới phân bua với công chúng, không biết gì về tai tiếng của ông Nam. Cần Thơ không xin ông Nam mà phải tiếp nhận ông Nam theo sắp xếp của Ban Tổ chức Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam "để sau đó bố trí vào những chức vụ cao hơn" (7).
Nhìn một cách tổng quát, ông Nam chỉ khác ông Trịnh Xuân Thanh ở chỗ Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam không xóa tên ông khỏi danh sách qui hoạch và vẫn xem ông là "cán bộ chủ chốt" của quốc gia trong tương lai. Đâu phải tự nhiên mà năm 2016, khi bị báo giới truy vấn về sự thăng tiến bất thường của mình sau khi đã có sai phạm tày đình, ông Nam vẫn khẳng định chắc nịch, sai phạm của ông đã bị xử lý (phê bình, cắt hết danh hiệu thi đua) và ông được luân chuyển vào Cần Thơ là do Ban Tổ chức Ban chấp hành trung ương Đảng phân công.
Ông Rê, ông Lực và nhiều người đồng cảm với họ có thể không ưng ông Nam – nhân vật quyết định giải pháp xử lý hành vi "mua, bán ngoại tệ tại tổ chức không được phép thu đổi ngoại tệ" giữa Tiệm vàng Thảo Lực với ông Rê – nhưng không ưng thì đã sao ? Dẫu ông Nam được Hội đồng nhân dân thành phố Cần Thơ bầu làm Phó Chủ tịch thành phố này qua một "phiên họp bất thường" nhưng rõ ràng ông Nam trở thành Phó Chủ tịch thành phố Cần Thơ đúng… pháp luật. Giờ, ông sử dụng công quyền cũng… đúng pháp luật. Thắc mắc dẫu ngay tình, hữu lý thì theo… pháp luật vẫn… vớ vẩn !
Họp… bất thường không phải là vấn đề. Cho dù Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Trị cũng họp… bất thường nhưng quyết định xây dựng "Nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch" (Thủ Thiêm, Thành phố Hồ Chí Minh), "Công viên Fidel Castro" (Đông Hà, Quảng Trị) đâu có sai pháp luật ? Hội đồng nhân dân đại diện cho "nguyện vọng, ý chí" của dân chúng địa phương, dẫu họp… bất thường thì đó vẫn là cách… đúng pháp luật nhằm biểu thị "nguyện vọng, ý chí" của nhân dân.
Tương tự, tuy Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam "nhất trí" giới thiệu ông Nguyễn Phú Trọng làm Chủ tịch Nhà nước và ai cũng biết thế là xong nhưng các Đại biểu Quốc hội vẫn phải bỏ phiếu bầu vì cần phải đồng nhất "ý chí" của Đảng với "nguyện vọng" của nhân dân theo qui định của Hiến pháp. Phải như thế mới "chính danh". Còn "chính danh" có thật sự đồng nghĩa với tâm ý của nhân dân hay không lại là chuyện khác. Đâu phải tự nhiên mà Đảng cộng sản Việt Nam dụng nhiều công đến vậy trong chuyện lọc lựa ứng cử viên Đại biểu Hội đồng nhân dân và ứng cử viên Đại biểu Quốc hội. Bầu cử chẳng bao giờ là chuyện có thể đùa và mặc kệ diễn biến của nó ra sao cũng được.
Trân Văn
Nguồn : VOA, 24/10/2018
Chú thích :
(2) http://plo.vn/an-ninh-trat-tu/lanh-dao-can-tho-noi-ve-vu-doi-100-usd-bi-phat-90-trieu-799181.html