Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

26/10/2018

Luật Bảo vệ bí mật nhà nước, Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm nhân sự lãnh đạo

Tổng hợp

Sợ dân biết sự thật, Việt Nam sắp công bố ‘thân thế lãnh đạo là diện mật’ (Người Việt, 26/10/2018)

Chỉ vài ngày sau khi Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nắm luôn chức chủ tịch nước, công luận bắt đầu bàn tán chuyện thân thế lãnh đạo nay sắp sửa được đưa vào danh mục "mật" trong dự thảo Luật Bảo Vệ Bí Mật Nhà Nước.

Có suy đoán cho rằng việc nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đưa thông tin thân thế lãnh đạo đảng, nhà nước vào diện "mật" là để "đồng bộ" với Luật An ninh mạng sắp sửa có hiệu lực từ ngày một tháng Giêng, 2019.

bimat1

Cộng sản Việt Nam rất e ngại những trang cá nhân như của Nhà báo Ngọc Vinh. (Hình : Internet)

Sau khi gấp rút nắm luôn hai "trụ" trong "tứ trụ", với hành động này, ông Nguyễn Phú Trọng muốn kiểm soát mọi bàn tán trên mạng xã hội về ông và những người đồng đảng.

Tuy vậy, trên thực tế, chủ trương này không hẳn được đa số người trong Đảng và Quốc hội cộng sản Việt Nam tán thành. "Đại biểu quốc hội" Trương Trọng Nghĩa được báo điện tử VnExpress dẫn lời : "Sẽ lợi bất cập hại khi những chủ trương, chính sách đối nội, đối ngoại đáng lý cần tuyên truyền, phổ biến công khai và nhiều thông tin không thuộc về nhà nước, thì nay quy định là thông tin mật. Thân thế, sự nghiệp lãnh đạo đảng, nhà nước thì lẽ ra phải tuyên truyền, phổ biến để người ta học tập, hay lĩnh vực tài chính, ngân hàng nhiều lúc cần phải công khai nhanh, rộng… thì dự luật lại quy định là thông tin mật".

Cùng thời điểm, Tiến sĩ Hoàng Dũng, trường Đại học Sư phạm ở Sài Gòn bình luận trên trang cá nhân : "Thân thế lãnh đạo đảng, nhà nước mà coi là thông tin mật thì làm sao (đảng viên/người dân) biết rõ để bầu cho đúng người ? Hay là thông tin trước khi làm lãnh đạo thì công khai, còn khi đã là lãnh đạo thì rút vào bí mật ? Mà nếu thế, thì từ nay những thông tin kiểu như cố Chủ tịch nước Trần Đại Quang bỏ đom đóm vào vỏ trứng để học bài có mật không ? Nếu là mật, thì làm cách nào để nhân dân học tập gương đạo đức sáng ngời của lãnh đạo ? Còn những thông tin xấu (nếu có) trót công khai trước khi lãnh đạo trở thành lãnh đạo thì Bộ Văn hóa, Bộ Thông tin và truyền thông ắt phải thành lập một nhóm chuyên trách rà soát để tẩy xóa bằng hết ! Nhại một câu của Napoléon : ‘Lịch sử là do lãnh đạo viết ra !’".

Trong khi đó, nhà báo Ngọc Vinh của báo Tuổi Trẻ nêu quan điểm trên trang cá nhân : "Thân thế của lãnh đạo, nhất là lãnh đạo cao cấp cần được báo chí cập nhật cho dân chúng vì họ là người của công chúng và công chúng cần phải tỏ tường về lý lịch của họ. Các nước văn minh không cấm việc báo chí phanh phui những khuất tất trong thân thế của các nguyên thủ, dù đó có là vị tổng thống Mỹ quyền lực nhất thế giới. Việc làm luật cấm nêu thân thế của lãnh đạo là một bước thụt lùi của văn minh chính trị mà nhân loại đang hướng tới".

Một số nhà hoạt động nêu suy đoán sở dĩ nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam nhất quyết đưa thông tin thân thế lãnh đạo đảng, nhà nước vào diện "mật" vì lo ngại hành tung, gia sản và việc làm sai trái của họ lần lượt có nguy cơ bị phanh phui, đàm tiếu trên những trang/nhóm như "Lều Của Đầy Tớ" trên mạng xã hội. Đồng thời, việc đưa chi tiết này vào luật cũng là để có cớ trấn áp, phạt tù những ai có ý định "bêu riếu" các lãnh đạo của đảng cộng sản Việt Nam.

Điều oái oăm trong lúc sắp sửa quy định về việc thân thế lãnh đạo đảng, nhà nước "là thông tin mật", các báo ở Việt Nam lại đồng loạt ca ngợi sự giản dị, liêm chính "vượt bậc" của ông Trọng.

Trong số đó, cây bút Lê Kiên của báo Tuổi Trẻ nhận nhiều lời đàm tiếu của các đồng nghiệp trong làng báo về sự tâng bốc trơ trẽn khi viết trên tờ này : "Một ‘đại biểu quốc hội’ ở Hà Nội đã gọi điện cho tôi, nói : Bộ vest mà hôm nay chủ tịch nước mặc lúc tuyên thệ nhậm chức, cũng là bộ vest mà ông đã mặc 12 năm, kể từ khi ông nhậm chức chủ tịch quốc hội. Ngoài những dịp thực hiện nghi lễ cần mặc vest, còn lại ông thường mặc những bộ quần áo giản dị, có những chiếc áo cũ đến sờn vai. Tôi cũng được biết thêm rằng với số tiền tiết kiệm không nhiều, ông Nguyễn Phú Trọng đã sử dụng một phần để mua công trái…" (T.K.)

*****************

Thân thế, sức khỏe lãnh đạo Việt Nam là 'bí mật nhà nước' ? (BBC, 26/10/2018)

Dự Luật Bảo vệ bí mật nhà nước khiến nhiều Đại biểu quốc hội quan ngại vì cho rằng quy định về thông tin mật hiện 'quá rộng', theo truyền thông Việt Nam.

bimat2

Dự thảo Luật Bảo vệ bí mật nhà nước đưa thông tin về thân thế, sức khỏe lãnh đạo vào diện mật

Quốc hội Việt Nam tiến hành thảo luận dự án Luật Bảo vệ bí mật nhà nước vào chiều 25/10.

thảo khiến nhiều đại biểu tỏ ý quan ngại có vấn đề về thân thế và tình trạng sức khỏe của lãnh đạo.

Bên cạnh đó là các thông tin đất đai và một số thông tin thuộc lĩnh vực tài chính, ngân hàng.

Một số nội dung 'bí mật nhà nước' quy định trong Dự thảo trình Quốc hội XIV, kỳ họp 6

1. Trong lĩnh vực chính trị bao gồm :

a) Chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về đối nội, đối ngoại ;

b) Thông tin về hoạt động của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và lãnh đạo Đảng, Nhà nước ;

c) Thông tin về thân thế, sự nghiệp của lãnh đạo Đảng, Nhà nước ;

d) Thông tin có tác động tiêu cực đến tình hình chính trị, xã hội.

...

11. Trong lĩnh vực y tế bao gồm :

a) Thông tin về bảo vệ sức khỏe lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước ;

b) Thông tin về chủng, giống vi sinh vật mới phát hiện liên quan đến sức khỏe, tính mạng con người ; mẫu vật, nguồn gen và quy hoạch vùng trồng dược liệu quý hiếm.

Dự thảo luật quy định 15 lĩnh vực để xác định bí mật nhà nước, là những thông tin "chưa công khai" nhưng nếu bị lộ hay bị mất thì "có thể gây nguy hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc".

Thân thế, sự nghiệp lãnh đạo là 'thông tin mật'

Theo nội dung dự luật thì trong số các bí mật nhà nước có "thông tin về thân thế, sự nghiệp của lãnh đạo Đảng, Nhà nước", được đặt trong nhóm các thông tin thuộc lĩnh vực chính trị ; và "thông tin về bảo vệ sức khỏe lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước", được đặt trong nhóm lĩnh vực y tế.

"Lợi bất cập hại" là lo ngại của Đại biểu quốc hội Trương Trọng Nghĩa.

Vị đại biểu từ đoàn Thành phố Hồ Chí Minh nói những thông tin như sự nghiệp, thân thế lãnh đạo lẽ ra cần được tuyên truyền để người dân học tập.

Đại biểu Phạm Như Hiệp từ đoàn Huế cho rằng trong dự thảo cần quy định cụ thể nhóm chức danh lãnh đạo Đảng và nhà nước nào cần bí mật, nhóm nào cần công khai minh bạch để "người dân theo dõi, nêu gương, tránh sự xuyên tạc của các đối tượng xấu", báo Dân Trí tường thuật.

Thừa và 'vênh' với luật hiện hành

Một số quy định trong dự luật này được cho là đã được nêu trong các luật đã có, hoặc mâu thuẫn với luật đã có.

Ví dụ, Luật Khám chữa bệnh đã quy định giữ bí mật thông tin người bệnh, nên quy định thông tin sức khỏe cán bộ lãnh đạo là mật của dự thảo Luật Bảo vệ bí mật nhà nước "là không cần thiết", theo đại biểu Phạm Như Hiệp, được dẫn lời trên VnExpress.

Hoặc, việc đưa "thông tin, thỏa thuận được trao đổi, ký kết giữa nước ta với nước ngoài hoặc với các tổ chức quốc tế" vào dạng 'mật' được cho là 'vênh' với Luật Tiếp cận thông tin có hiệu lực đầu tháng 8/2018, theo ý kiến của bà Trần Thị Quốc Khánh.

Bà Khánh nói doanh nghiệp các nước xây dựng chiến lược kinh doanh dựa trên nội dung của các hiệp định thương mại mà nước họ đang đàm phán, ký kết.

Trong khi dó, "doanh nghiệp Việt Nam đã yếu đuối, lại khó tiếp cận thông tin, khó khăn trong xây dựng kế hoạch kinh doanh hội nhập quốc tế", bà Khánh nói.

Ngoài ra, các đại biểu quốc hội cũng phản ánh việc liệt lĩnh vực tài nguyên môi trường, đất đai vào dạng 'mật' là quá rộng.

Trong bối cảnh 70% khiếu nại tố cáo của người dân hiện liên quan tới lĩnh vực đất đai, môi trường, quy định này khiến khiếu nại của dân không biết đén bao giờ được giải quyết.

Người dân cũng không thể tiếp cận được với các thông tin cần thiết để bảo vệ mình, ví dụ như vụ dân Thủ Thiêm tự tìm bản đồ bị 'thất lạc', theo bà Khánh được dẫn lời trên VnEconomy.

Mạng xã hội nói gì ?

Luật sư Lê Đình Việt : Dự thảo Luật Bảo vệ bí mật nhà nước : Thân thế công bộc của nhân dân là bí mật.

Facebooker Tuấn Phạm : Chả hiểu được, nếu thân thế lãnh đạo mà 'mật' thì người dân sao biết để mà bầu cử. Cứ mật hết đi, đừng cho dân biết gì cả ? Tự biên, tự diễn, tự vỗ tay là được rồi.

*****************

Quanh việc Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm (BBC, 26/10/2018)

Bộ trưởng Giáo dục Phùng Xuân Nhạ có mức tín nhiệm thấp nhất trong khi Chủ tịch quốc hội Kim Ngân có mức tín nhiệm cao nhất sau phiên bỏ phiếu kín hôm 25/10.

bimat3

Phiên họp Quốc hội bỏ phiếu kín hôm 25/10 - Ảnh minh họa

Bình luận về ý nghĩa của việc bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc hội, Luật sư Trần Quốc Thuận nói với BBC :

''Tôi cho là việc đánh giá này nó có tác động nhất định đến việc chuẩn bị nhân sự của quốc hội mới cũng như là đại hội Trung ương 13 tới".

''Quốc hội nhiệm kỳ này chỉ bỏ phiếu một lần thôi, nhưng tôi thấy cái cuộc bỏ phiếu này là để cho những người có trách nhiệm họ nhìn vào cái gọi là nhân sự của cái khóa tới. Trong thời gian tới những người đó sẽ được xét như thế nào để có thể đưa vào ứng cử ở cái vị trí cao hơn, hoặc là tái cử được không hoặc là bị cho thôi. Thì cái cuộc đánh giá này nó cốt phòng vào cái chuyện rất là quan trọng".

''Và những người có phiếu tín nhiệm cao ở mức thấp, và tín nhiệm thấp ở mức cao đó, nếu không có sửa đổi quyết liệt thì cái khả năng tái bổ nhiệm sẽ bị ảnh hưởng nhất định".

Phiên bỏ phiếu tín nhiệm đối với 48 chức danh lãnh đạo Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ diễn sáng 25/10, với ba mức : tín nhiệm cao, tín nhiệm và tín nhiệm thấp.

Bộ trưởng Giáo dục Đào tạo Phùng Xuân Nhạ và bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể có mức tín nhiệm thấp nhất.

bimat4

Bộ trưởng Giáo dục Phùng Xuân Nhạ có nhiều phiếu tín nhiệm thấp nhất (ảnh minh họa)

Ông Nhạ được 137 phiếu tín nhiệm thấp (chiếm 28,25% tổng số đại biểu Quốc hội). Ông Thể nhận 107 phiếu tín nhiệm thấp (chiếm 22,06%).

Phát biểu với báo giới Việt Nam, ông Nhạ nói ông "coi kết quả lấy phiếu tín nhiệm lần này là động lực để bản thân và toàn ngành cố gắng hơn nữa, có nhiều giải pháp quyết liệt hơn nữa, để đáp ứng sự kỳ vọng của Đảng và của nhân dân đối với sự nghiệp giáo dục và đào tạo…", theo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh.

Người đứng đầu về số phiếu tín nhiệm cao là Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân 437 phiếu (chiếm 90,1%).

Hai chức danh Chủ tịch nước và Bộ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông không phải lấy phiếu tín nhiệm kỳ này.

Lý do là hai trường hợp này chưa đủ thời gian công tác 9 tháng (mới được bầu, phê chuẩn cách thời điểm lấy phiếu vài ngày).

Tổng số phiếu phát ra và thu về là 475.

Đây là lần thứ ba Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm. Hai lần trước vào năm 2013 và 2014. Sau đó, Quốc hội quyết định chỉ lấy phiếu tín nhiệm một lần trong mỗi khoá vào kỳ họp thường lệ cuối năm thứ ba của nhiệm kỳ, theo VnExpress.

Vì sao ông Nhạ, ông Thể 'đội sổ' phiếu tín nhiệm ?

"Theo kết quả lấy phiếu tín nhiệm vừa được công bố, Bộ trưởng Bộ Giáo dục Phùng Xuân Nhạ đã đứng "đội sổ"...".

"Đây là kết quả đáng thất vọng đối với cá nhân Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, người từng được kỳ vọng sẽ tạo ra những sự thay đổi căn bản trong ngành giáo dục", tờ Vietnam Finance bình luận.

Bộ trưởng Giáo dục Đào tạo Phùng Văn Nhạ thời gian vừa qua dính vào một số scandal gây chú ý trong dư luận.

Vụ trong các vụ việc điển hình là ông bị tố cáo đạo văn.

Theo đó, ông Nguyễn Tiến Dũng, giáo sư có quốc tịch Pháp từ Đại học Toulouse, hồi đầu năm 2018 đã gửi bản báo cáo dài 10 trang cáo buộc "sự giả khoa học" cũng như "thiếu cả về đạo đức và trình độ" của Bộ trưởng Nhạ đến Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước của Việt Nam.

Vào tháng 7/2018, ông Nhạ cũng chính thức thừa nhận trách nhiệm để xảy ra sai sót trong kỳ thi Tốt nghiệp Phổ thông Quốc gia 2018.

Ông Nhạ còn gây dư luận trong một số chính sách và cách xử lý vụ việc khác, như vụ như chuyển 'học phí' sang 'giá dịch vụ', hay vụ nâng điểm thi ở Hà Giang.

Trong khi đó, bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể từng 'xin lỗi', nhận trách nhiệm, và 'mong thông cảm' trong phiên trả lời chất vấn hồi tháng 6/2018.

Ông Thể từng ký nhiều dự án thu phí BOT gây bức xúc dư luận, trong đó điển hình là BOT Cai Lậy.

Dưới sự lãnh đạo của ông Thể, giao thông Việt Nam có nhiều vụ việc nổi cộm, gần đây nhất là vụ đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi trị giá 34 ngàn tỷ đồngvừa đưa vào sử dụng đã hỏng.

Ông Thể cũng từng có nhiều phát ngôn gây 'sốc' cộng đồng mạng, như việc ông nói "Các trạm BOT là trọng điểm gây rối". Hay việc ông ký quyết định đổi 'thu phí BOT' thành 'thu giá BOT'.

Tín nhiệm thấp có thể từ chức

Người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa tổng số đại biểu quốc hội đánh giá "tín nhiệm thấp" thì có thể xin từ chức.

Người được lấy phiếu tín nhiệm có từ 2/3 tổng số đại biểu quốc hội trở lên đánh giá "tín nhiệm thấp" thì Ủy ban thường vụ quốc hội trình Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm, theo Điều 18 Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, trang chinhphu.vn cho hay.

Bài viết trên website chính thức của nhà nước Việt Nam cũng cho biết trong hai lần lấy phiếu tín nhiệm vào năm 2013, 2014, chưa có đai biểu nào rơi vào trường hợp như trên.

"Đến lúc phải tỏ thái độ bằng việc bỏ phiếu bất tín nhiệm là đến bước đường cùng rồi, không thể chỉnh sửa được nữa, không tín nhiệm là nghỉ", Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng từng phát biểu như vậy về việc lấy phiếu tín nhiệm năm 2014, theo Vietnamnet.

Ông Trương Trọng Nghĩa, đại biểu quốc hội, được trích lời trên chinhphu.vn rằng khi bỏ phiếu tín nhiệm một người, cần đối chiếu toàn bộ lĩnh vực người đó được giao xem có đạt yêu cầu hay chuyển biến gì không.

Ông Nguyễn Ngọc Phương thì được trích lời trên VOV cho hay dù 48 người được đánh giá tín nhiệm đã báo báo cụ thể việc họ làm được, nhưng nhiều người lại chỉ nêu thành tích mà không nêu hạn chế cùng giải pháp khắc phục.

Mạng xã hội nói gì ?

Facebooker Bạch Hoàn trước phiên bỏ phiếu đã thực hiện một cuộc thăm dò trên trang cá nhân. Trong số 11.300 người tham gia, 98% bỏ phiếu không tín nhiệm và 2% bỏ phiếu tín nhiệm ông Nhạ.

Sau kết quả thăm dò, Bạch Hoàn viết : "Bộ trưởng Bộ Giáo dục Phùng Xuân Nhạ : 140 phiếu tín nhiệm cao ; 192 phiếu tín nhiệm ; 137 phiếu tín nhiệm thấp. Ai cho tôi câu trả lời xem 140 đại biểu đã vote tín nhiệm cao cho Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ là những ai được không ? Thật không thể tưởng tượng nổi... Những con số thật sự biết nói".

Facebooker Nguyễn Trường Uy : "Đứng chót bảng kỳ lấy phiếu tín nhiệm lần này tại Quốc hội vừa được công bố là Bộ trưởng Giáo dục và đào tạo Phùng Xuân Nhạ... Áp chót bảng là Bộ trưởng Giao thông và vận tải Nguyễn Văn Thể. Như vậy, trong số những lãnh đạo có nhiều phiếu tín nhiệm thấp, ông Nhạ và ông Thể "đội sổ" với trên 100 phiếu tín nhiệm thấp. Kết quả này phù hợp với thực tế quản lý của "đôi bạn thâm rất thân" Nhạ Thể thời gian qua, cả hai ngành này đều bày ra trước mắt dân quá nhiều vụ việc bê bối".

Quay lại trang chủ
Read 583 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)