Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

23/02/2020

Việt Nam buộc phải sống chung với virus corona đến từ khắp nơi

Tổng hợp

Virus Covid-19 : Việt Nam nên mở cửa khẩu với Trung Quốc và cho học sinh đi học trở lại ? (BBC, 23/02/2020)

Việt Nam đang đứng trước nhiều bài toán lớn và hóc búa trong lúc đương đầu và xử lý dịch viêm phổi do virus Covid-19 hay virus corona chủng mới gây ra, trong đó có việc nên chấp nhận việc nối lại tự do đi lại với người Trung Quốc qua các cửa khẩu, biên giới Việt - Trung và có nên cho học sinh, sinh viên trở lại trường hoc hay không.

mocua1

Việt Nam đang đối phó hàng ngày, hàng giờ với dịch bệnh do Virus corona chủng mới hay Covid-19 gây ra

Về bài toán thứ nhất liên quan quan hệ Việt - Trung, hôm 20/2, ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị, tại một diễn đàn khu vực về hợp tác ứng phó dịch bệnh tại Vientiane, Lào, đã hối thúc các nước ở Asean, trong đó có Việt Nam, dỡ bỏ các hạn chế nhập cảnh đối với người Trung Quốc qua các cửa khẩu hay biên giới với Trung Quốc, quốc gia là nơi đã bùng phát Covid-19, Tiến sỹ, Bác sĩ Trần Tuấn, chuyên gia phản biện độc lập về chính sách xã hội và y tế, sức khỏe, bình luận với Bàn tròn Thứ Năm cùng ngày :

Đứng về phía đề nghị của Trung Quốc, chúng ta thấy xuất phát trên cơ sở để Trung Quốc cố gắng bình thường hóa nỗi lo về tình hình dịch ở Trung Quốc đối với các nước xung quanh, bởi vì nếu như tiếp tục các biện pháp có tính chất ngăn ngừa sự giao thương, thì sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến nền kinh tế của Trung Quốc và có thể gây nên những hệ lụy rất là nặng nề thêm khác. Cho nên vấn đề Trung Quốc đề nghị, tôi nghĩ rằng cũng có lý do phù hợp.

"Thế còn về phía Việt Nam chấp nhận hay không, tôi nghĩ trong trường hợp này đúng là một bài toán đòi hỏi phải có sự cân nhắc rất là mềm dẻo giữa vấn đề gọi là tính dịch tễ học và khả năng chống dịch của Việt Nam với tình hình thực tế.

"Chúng ta hiện nay còn thiếu thông tin, chưa rõ được số lượng người dân Trung Quốc sang đây là như thế nào. Thứ hai là hệ thống hoạt động hữu hiệu của bộ phận tại các cửa dịch, chúng ta (Việt Nam) làm tốt đến đâu.

"Điểm thứ ba nữa, chúng ta cũng đều biết rằng là dịch bệnh ở Trung Quốc hiện nay chưa kiểm soát xong và tính lây của dịch bệnh này là lây cả trong giai đoạn mà chưa có biểu hiện lâm sàng, tức là trong thời gian ủ bệnh.

"Cho nên việc Việt Nam tổ chức thế nào để giám sát tại các cửa khẩu, đồng thời tiến trình sau đó giám sát được các đối tượng vào ở các vị trí, nếu như cho vào.

"Nếu như không có triệu chứng lâm sàng mà cho vào, thì sau đó tiến trình giám sát mang tính báo cáo với bên y tế về vấn đề tự giám sát các triệu chứng lâm sàng để phát hiện tiếp những trường hợp có nguy có đã nhiễm mà vào Việt Nam, thì tôi cho rằng việc này hoàn toàn trong nội bộ Chính phủ Việt Nam phải cân nhắc.

"Nếu như hệ thống của anh thực sự tốt và kiểm soát được chặt chẽ tất cả các đối tượng vào, thì lúc đó có thể đặt bài toán ra trong vấn đề gọi là xét mối quan hệ với bên Trung Quốc, một nước láng giềng mà tôi cho rằng vẫn còn ảnh hưởng đến rất nhiều vấn đề khác.

mocua2

Tác nghiệp kiểm soát dịch tại một chốt kiểm dịch ở tỉnh Vĩnh Phúc, miền Bắc Việt Nam

"Còn nếu như hệ thống phòng chống dịch của chúng ta (Việt Nam) mà không đảm bảo được các yếu tố đó, thì tôi cho rằng lại trở thành các mối nguy. Tại sao ? Bởi vì lúc đó nỗi lo của người dân lại từ trong chính Việt Nam, tức là nỗi lo của xã hội và lại có thể dẫn đến một tình trạng bất lợi khác.

"Đặc biệt chúng ta biết rằng dịch bệnh không chỉ có Covid-19, mà trong điều kiện của đất nước hiện nay, mà lại ở gần Trung Quốc, còn có rất nhiều nguy cơ dịch bệnh khác mà có thể xảy ra. Thế mà để cho nỗi lo trong xã hội cứ dấy lên như thế ảnh hưởng những vấn đề khác, thì chúng ta lại càng khó kiểm soát", từ nơi đang thăm viếng tại Texas, Hoa Kỳ, ông Trần Tuấn nói với BBC.

'Sức ép rất lớn'

Từ Sài Gòn, Luật sư Đinh Hồng Hạnh, một thành viên nhóm quan sát độc lập về quyền con người và chính sách, xã hội, nói với Bàn tròn của BBC :

"Việc chúng ta hay nghe là 'cấm người Trung Quốc qua' thực ra là không chính xác, chúng ta không cấm mà chúng ta quản lí dịch bệnh. Ngoài ra, việc cấm các chuyến bay là một biện pháp thương mại khác.

"Tôi nghĩ giữa việc Trung Quốc tuyên bố đã giảm phần trăm số lượng rất là nhiều lượng người mắc bệnh mới, đồng thời số lượng người khỏi bệnh cũng đã tăng lên, các quy trình khắc phục mà Việt Nam đưa ra khá là khả quan, thì đây là một đề nghị tạm gọi là một đề nghị có lí của Trung Quốc.

"Còn việc Việt Nam có chấp nhận hay không thì tôi nghĩ là phù hợp với chính sách linh hoạt của Việt Nam. Như đã nói thì Việt Nam vẫn áp dụng việc cách ly những người về từ Trung Quốc từ những vùng có dịch, hoặc là Việt Nam cấm cấp giấy phép lao động cho những lao động đến từ Trung Quốc, thì tôi nghĩ Việt Nam vẫn có một sự dè chừng nhất định đối với đề nghị này.

"Ngoài ra, việc thông thương giữa cửa khẩu của hai nước cũng đang dần tốt lên, ví dụ một tuần trước chúng ta (Việt Nam) vẫn còn giải cứu Thanh Long với giá từ 5-10 ngàn đồng (một kg), thì trong vòng ngày hôm qua (19/2) trở lại đây thì giá Thanh Long đã tăng trở lại ở một vài cửa khẩu mà Trung Quốc đã thông thương.

"Thì tôi nghĩ nó sẽ nhỏ giọt ở đâu đó những biện pháp mở cửa trở lại ở Việt Nam, tuy nhiên Chính phủ vẫn khá là e dè đối với đề nghị này".

Hôm thứ Bảy, 22/02, từ Đại học Quốc gia Hà Nội, Tiến sĩ Nghiêm Thúy Hằng, nhà nghiên cứu Trung Quốc học và quan sát bang giao Việt - Trung nếu bình luận với BBC :

"Trong bối cảnh 80 quốc gia đang đóng cửa với công dân Trung Quốc, Nga và Triều Tiên đều phải đóng cửa biên giới, Trung Quốc đang lâm vào thế bị cô lập , thập diện mai phục, khó khăn nhiều bề, không lạ khi ngoại trưởng Vương Nghị gây sức ép, đề nghị Bộ trưởng Phạm Bình Minh khôi phục hoặc nới rộng tự do đi lại với công dân Trung Quốc, mở đột phá khẩu cho công dân trong nước để giải toả bớt áp lực trong nước và quốc tế.

mocua3

Các nữ chiêu đãi viên hàng không tại một sân bay trong mùa dịch

"Tuy nhiên, nguy cơ xét nghiệm âm tính giả, nguy cơ virus có trong nước tiểu hay các chất thải, ô nhiễm qua đường nước thải hay các con đường mà y tế hiện vẫn chưa khám phá hết.

"Việc các bác sĩ Trung Quốc cũng bị lây nhiễm và tỷ lệ tử vong không nhỏ đặt ra những vấn đề toàn cầu nghiêm trọng hơn rất nhiều so với dịch SARS hay thậm chí cả dịch Ebola, mọi động thái thận trọng trong chính sách đều không thừa, sẽ nhận được sự quan tâm rất lớn từ cả cộng đồng trong nước lẫn quốc tế, các quốc gia liên quan phụ thuộc vào nhau rất nhiều.

"Trung Quốc cũng không thể trách cứ Việt Nam nếu Việt Nam có lựa chọn giống 80 nước còn lại, an toàn của người dân và của nền kinh tế là trên hết sau đó mới tính đến chuyện "đột phá khẩu" hay nghĩa vụ quốc tế.

Mở rộng vấn đề thêm, nhà nghiên cứu này nói : "Đi kèm theo đề nghị này là đề xuất xả nước thuỷ điện để cứu sông Mê Công đang khô hạn nặng ở hạ nguồn, thể hiện hình ảnh " nước lớn có trách nhiệm".

"Tuy nhiên việc xả nước thuỷ điện này theo đánh giá của chuyên gia không hề có tác dụng trong việc cứu đồng bằng sông Cửu Long đang bị khô hạn, trong khi nguy cơ của việc nới lỏng tự do đi lại cho công dân Trung Quốc không bối cảnh hiện nay mang lại mối nguy hại quá lớn.

"Sức ép của Trung Quốc đối với chính phủ Việt Nam sẽ là rất lớn, tuy nhiên theo tôi chỉ nên nới lỏng về giao thương hàng hoá và vẫn cần áp dụng nghiêm ngặt biện pháp cách ly và hạn chế đối với công dân Trung Quốc vì cơ sở hạ tầng về y tế của Việt Nam vẫn còn rất hạn chế so với Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, thời gian vừa rồi khống chế tốt được dịch chủ yếu do chính sách của chính phủ và nỗ lực của toàn dân, hàng triệu gia đình đã phải cho con nghỉ học ở nhà".

Chọn một trong hai ?

mocua4

Người dân xếp hàng chờ đến lượt mua khẩu trang

Về bài toán thứ hai là liệu Việt Nam có nên cho học sinh, sinh viên trở lại trường học hay không, cũng hôm thứ Bảy, Tiến sĩ Nghiêm Thúy Hằng, người cũng có nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo ở Việt Nam, đưa ra bình luận với BBC từ góc nhìn bên trong ngành giáo dục :

"Theo tôi tháng 3/2020, các trường Đại học và trường phổ thông chỉ có thể mở lại khi vẫn áp dụng các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt và cách ly 14 ngày đến 24 ngày với công dân Trung Quốc và công dân Hàn Quốc, Nhật Bản và các quốc gia khác đến từ các tâm dịch.

"Nếu nhà nước có muốn có các động thái nới lỏng để phục hồi sản xuất, kích cầu các ngành hàng không, du lịch hay có các động thái " hữu nghị" với Trung Quốc thì nên cho các cháu học sinh cấp I (Tiểu học), cấp II (Phổ thông Cơ sở) nghỉ nốt tháng Ba theo đề xuất ở Thành phố Hồ Chí Minh để giữ an toàn sức khoẻ tính mạng cho các cháu và đảm bảo sự an tâm cho các gia đình.

"Các cháu học sinh lớp 9, học sinh cấp III (Trung học Phổ thông) và đại học có thể cân nhắc nhập học trong tháng Ba để kịp chương trình".

Tiến sĩ Nghiêm Thúy Hằng đề cập đến việc có nên chỉ lựa chọn giữa một trong hai vấn đề hay bài toán trên để xử lý vào thời điểm hiện nay ở Việt Nam, bà nói :

"Tôi nghĩ các chính sách ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm cho cộng đồng và chính sách mở cửa trường học trở lại liên quan mật thiết đến nhau.

"Kinh nghiệm tại Hàn Quốc, Nhật Bản cho thấy chỉ cần một, hai cháu lây nhiễm là sẽ có nguy cơ rất lớn cho việc dịch bệnh bùng phát trở lại, không nên mạo hiểm trong lúc này, chỉ có thể chọn một trong hai, mở cửa trường học hoặc nới lỏng tự do đi lại cho công dân Trung Quốc.

"Theo tôi, không nên cho tất cả trứng vào cùng một giỏ.

"Nhiều cuộc thăm dò ý kiến dư luận vẫn cho thấy khoảng 65% phụ huynh vẫn do dự chưa muốn cho con đến trường vào đầu tháng Ba.

"Để thể hiện tình hữu nghị của Việt Nam, có thể tiếp tục cung cấp khẩu trang, thuốc men, vật tư y tế , kinh nghiệm và phác đồ chữa bệnh, nhưng sức khoẻ tính mạng của các cháu bé và lòng tin, sự ủng hộ đồng lòng của người dân cần đặt cao hơn lợi ích kinh tế và tình hữu nghị quốc tế", Tiến sĩ Nghiêm Thúy Hằng nói với BBC trên góc nhìn từ quan điểm riêng.

*****************

Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung lo phải tiếp nhận 'người từ vùng dịch Hàn Quốc' (BBC, 22/02/2020)

Chính quyền Thành phố Hà Nội có "phiên họp đột xuất" vào chiều hôm Chủ nhật 23/2 trước diễn biến phức tạp dịch Covid-19 toàn cầu, đặc biệt là tại Hàn Quốc.

mocua5

Ông Chung cũng nói về nhu cầu "nâng mức cảnh báo đi lại"

Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung được truyền thông dẫn lời nói "Hiện chưa có thông tin nào từ Ban Chỉ đạo quốc gia coi Hàn Quốc là vùng dịch, nhưng diễn biến rất phức tạp, vì 15 - 20 ngày qua, người Hàn Quốc vẫn qua lại Việt Nam bình thường và lượng người Hàn Quốc ở Hà Nội là rất lớn.

"Người Việt Nam lao động, học tập ở Hàn Quốc cũng rất nhiều. Nếu Hàn Quốc diễn biến phức tạp như Vũ Hán …phải đưa người về thì Hà Nội phải tiếp nhận hàng chục ngàn người chứ không ít, nên phải chuẩn bị", ông Chung nói thêm.

Ông Chung cũng nói về nhu cầu "nâng mức cảnh báo đi lại" như Hoa Kỳ đang khuyến cáo công dân nước mình.

Hàn Quốc nâng cảnh báo virus corona lên mức cao nhất trong bối cảnh 5 người tử vong và hơn 600 ca xác nhận nhiễm Covid-19. Hầu hết các ca này liên quan tới một bệnh viện và một nhóm giáo phái gần thành phố phía đông nam Daegu.

Tổng thống Hàn Quốc nói đất nước ông đang đối mặt "bước ngoặt nghiêm trọng" và những ngày tới là vô cùng quan trọng.

Bệnh viện Daenam điều trị cho người mất trí và người cao tuổi tại Cheongdo Hàn Quốc thông báo có 110 ca nhiễm bao gồm 9 nhân viên y tế tại đây.

Tin cho hay Israel từ chối khoảng 200 người không phải là người Israel đến từ Hàn Quốc rời khỏi máy bay, và buộc họ phải trở về Seoul ; 12 người Israel trên chuyến bay thì đã bị cách ly.

Trong khi đó chính quyền Ý đã đưa ra "các biện pháp mạnh mẽ" để giải quyết sự lây lan của một đợt dịch virus corona lớn nhất vừa bùng phát ở Châu Âu.

Thủ tướng Giuseppe Conte đã công bố kế hoạch khẩn cấp vào cuối ngày thứ Bảy khi số trường hợp bị lây nhiễm tăng lên 79 người.

Các biện pháp đã được đưa ra sau khi hai công dân Ý được xác nhận đã tử vong vì virus corona.

Hàng chục thị trấn ở khu vực phía bắc là Bologna và Veneto đang được kiểm dịch một cách hiệu quả theo kế hoạch.

Khoảng 50.000 người từ các thị trấn ở hai khu vực phía bắc đã được chính quyền yêu cầu cách ly tại gia.

Ông Conte cho biết việc ra hoặc vào khu vực bùng phát dịch này giờ sẽ bị cấm trừ khi có được sự cho phép đặc biệt.

Tất cả các hoạt động thể thao và trường học đã bị đình chỉ trong các khu vực này, bao gồm một số trận bóng đá Serie A sẽ diễn ra vào Chủ nhật.

Cảnh sát, và nếu cần thiết các lực lượng vũ trang, sẽ có thẩm quyền để đảm bảo các quy định được thực thi.

mocua6

Thủ tướng nước Ý Giuseppe Conte (giữa) nói rằng người dân sẽ không được phép ra vào khu vực dịch bệnh

Chính quyền Ý lo ngại virus này đã lan ra bên ngoài các trường hợp bị cô lập ở vùng Bologna và Veneto, khiến nó trở nên khó kiểm soát.

Giulio Gallera, giám đốc y tế của Bologna cho biết : "Sự lây nhiễm của loại virus này rất mạnh và hiểm độc".

Virus coronavirus mới có tên gọi chính thức là Covid-19 bắt nguồn từ tỉnh Hồ Bắc của Trung Quốc từ năm ngoái, nhưng đã lan sang 26 quốc gia, với hơn 1.400 trường hợp và 11 trường hợp tử vong bên ngoài Trung Quốc đã được xác nhận.

Cơ quan y tế Trung Quốc cho biết tỷ lệ tử vong và các trường hợp mới nhiễm virus corona đã giảm vào thứ Bảy. Hiện có khoảng 76.392 trường hợp bị nhiễm bệnh và trong đó có 2.348 trường hợp tử vong tại Trung Quốc.

mocua7

Tỷ lệ bị lây nhiễm và tử vong của virus corona, Covid-19 so với các đợt dịch trước đây như Sars, Mers

Tuy nhiên bên ngoài Trung Quốc, các ca lây bệnh không có liên kết rõ ràng với quốc gia này vẫn tiếp tục gia tăng, gây lo ngại từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Người đứng đầu WHO, Tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus, cho biết mối quan tâm lớn nhất hiện nay là các quốc gia có hệ thống y tế yếu hơn, đặc biệt là ở Châu Phi.

Tàu du lịch Diamond Princess ngoài khơi Nhật Bản cũng có ​​hơn 600 trường hợp.

Ba mươi hai hành khách tàu du lịch Anh và Châu Âu trên tàu này đang đi cách ly ở tây bắc nước Anh sau khi trở về từ Nhật Bản.

Iran thì cho biết đã có người thứ năm chết vì virus corona và ra lệnh đóng cửa các trường học, trường đại học và trung tâm văn hóa ở 14 tỉnh.

Vào tháng 1, WHO đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu về sự bùng phát của Covid-19.

Sốt, mệt mỏi và ho khan là những triệu chứng phổ biến nhất của một người bị lây nhiễm virus corona.

Tỷ lệ người chết vì căn bệnh này dường như thấp, hầu hết chỉ phát triển các triệu chứng nhẹ và sau đó hồi phục hoàn toàn.

***********************

Dịch Covid-19 : Nam Hàn nâng mức báo động, Hà Nội lo đón hàng chục ngàn người từ vùng dịch (RFA, 23/02/2020)

Hà Nội có thể phải đón đến hàng chục ngàn người từ Nam Hàn, nước đang có diễn biến dịch Covid-19 phức tạp trong những ngày qua và vừa phải nâng mức báo động lên mức cao nhất sau ca tử vong thứ 5 hôm 23/2.

songvoi1

Hình minh hoạ. Hình chụp hôm 19/2/2020 ở Daegu, Nam Hàn : các nhân viên y tế đang phun thuốc khử trùng ở một chi nhánh của nhóm đạo Shincheonji nơi có nhiều người bị nhiễm Covid-19  AFP

Tại cuộc họp khẩn cấp vào ngày Chủ nhật, 23/2, Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung được truyền thông trong nước trích lời cho biết:

“Hiện chưa có thông tin nào từ Ban Chỉ đạo quốc gia coi Hàn Quốc là vùng dịch, nhưng diễn biến rất phức tạp, vì 15 - 20 ngày qua, người Hàn Quốc vẫn qua lại Việt Nam bình thường và lượng người Hàn Quốc ở Hà Nội là rất lớn. Người Việt Nam lao động, học tập ở Hàn Quốc cũng rất nhiều. Nếu Hàn Quốc diễn biến phức tạp như Vũ Hán (Trung Quốc - phóng viên), phải đưa người về thì Hà Nội phải tiếp nhận hàng chục ngàn người chứ không ít, nên phải chuẩn bị”.

Pháp Luật Thành phố Hồ Chí Minh trích thông tin từ Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho biết hiện ở thành phố Daegu và Gyeongbuk (hai thành phố tâm dịch ở Nam Hàn) có hơn 4.000 lao động Việt Nam. HIện vẫn chưa có lao động Việt Nam nào ở Nam Hàn bị xác nhận nhiễm Covid-19.

Giới chức sở Y tế Hà Nội cho biết hiện có khoảng 26.000 người Việt tại hai tỉnh có dịch của Nam Hàn.

Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội yêu cầu trước mắt cần nâng mức độ cảnh báo đi lại, bởi Mỹ cũng đã nâng mức cảnh báo đi lại với Nhật, Hàn Quốc.

Ông Hoàng Đức Hạnh, Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội đề nghị cách ly nơi cư trú 14 ngày đối với người đến từ vùng có dịch ở Hàn Quốc, đồng thời khuyến cáo người dân không đi du lịch sang các nước có dịch.

******************

Virus corona : Việt Nam bớt hạn chế trao đổi mậu dịch qua biên giới Trung Quốc (RFI, 21/02/2020)

Hãng tin Reuters hôm 21/02/2020 trích dẫn Bộ Công thương cho biết Việt Nam đã giảm nhẹ các hạn chế về trao đổi mậu dịch qua biên giới Việt – Trung, mặc dù dịch viêm phổi vẫn đang hoành hành tại Trung Quốc.

songvoi2

Nhân viên y tế mặc bảo hộ làm việc tại cửa khẩu biên giới Hữu Nghị Lạng Sơn, Việt Nam, ngày 20/02/2020 Reuters/Kham

Trong bản thông cáo, Bộ Công thương cho biết là chính quyền tỉnh Lạng Sơn hôm qua đã mở lại các hoạt động xuất nhập khẩu, vận chuyển hàng hóa qua cửa khẩu Tân Thanh của tỉnh này. Nhưng theo Bộ Công thương, tình hình dịch bệnh Covid-19 có thể kéo dài, phải thực hiện chặt chẽ các biện pháp phòng chống dịch bệnh, cho nên "tiến độ xuất khẩu nông sản vẫn chậm hơn rất nhiều" so với thời gian trước khi có dịch.

Ngoài ra, theo các nhân chứng của hãng tin Reuters, gần cửa khẩu Hữu Nghị, hàng trăm xe tải của Việt Nam cũng đang chuẩn bị chở hàng sang Trung Quốc, sau khi bị chặn lại từ ngày 05/02. Toàn bộ các nhân viên hải quan đều đeo khẩu trang khi làm việc và các tài xế xe tải cũng đeo khẩu trang trước khi vượt qua biên giới.

Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam và là một trong những thị trường xuất khẩu chính của nông sản Việt Nam. Vào đầu tháng này, để ngăn chận sự lây lan của dịch Covid-19 từ Trung Quốc, Việt Nam đã đóng cửa một phần biên giới, đồng thời đã ngưng cấp visa nhập cảnh cho khách Trung Quốc.

Cũng theo Reuters, một điều tra của Phòng thương mại Hoa Kỳ vào tuần trước cho thấy là các công ty Mỹ hoạt động ở Trung Quốc đang gặp nhiều vấn đề về nguồn cung cấp nguyên vật liệu do ảnh hưởng của dịch bệnh.

Tại Việt Nam hiện nay, trên tổng số 16 người được xác định bị nhiễm virus corona chủng mới, 15 người đã khỏi bệnh và được xuất viện, người cuối cùng là một Việt kiều Mỹ, được xuất viện chiều nay sau 21 ngày điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới ở Sài Gòn. Như vậy tính đến hôm nay, 21/02, chỉ còn một người bị nhiễm Covid-19 nằm viện, đó là bệnh nhân đang được điều trị ở Phòng khám đa khoa khu vực Quang Hà, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc.

Tuy nhiên, theo Thông tấn xã Việt Nam hôm nay, do vẫn lo ngại về nguy cơ dịch Covid-19 lây lan, chính quyền thành phố Đà Nẵng đã quyết định không tổ chức Lễ hội Pháo hoa quốc tế 2020, theo dự kiến sẽ diễn ra vào mùa hè. Trước đó, hôm 18/02/2020, chính quyền tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã quyết định dời ngày tổ chức Festival Huế 2020, theo dự kiến sẽ diễn ra vào đầu tháng 4.

Trong khi đó, Việt Nam vẫn duy trì cuộc đua xe Công thức 1 (F1) tại Hà Nội. Tuy vậy, đài truyền hình RTL của Đức hôm qua thông báo sẽ không cử người đến Việt Nam để tường thuật về sự kiện thể thao này.

Thanh Phương

*****************

Bộ Công thương : Samsung sẽ chịu ảnh hưởng do dịch covid-19 (RFA, 21/02/2020)

Bộ Công thương hôm 21/2 cho hãng tin Reuters biết khu vực chế tạo của Việt Nam với ví dụ điển hình là hãng Samsung sẽ gặp nhiều khó khăn vì thiếu nguyên liệu nhập từ Trung Quốc do ảnh hưởng của dịch bệnh covid-19.

songvoi3

Xe container chở vật liệu từ Trung Quốc tại biên giới cửa khẩu Hữu Nghị giáp với Trung Quốc ở tỉnh Lạng Sơn, Việt Nam ngày 20/2/2020 - Reuters

"Các nhà chế tạo xe hơi, thiết bị điện tử và điện thoại đang gặp khó khăn trong việc mua nguyên vật liệu vì gián đoạn do virus (covid-19).

Việt Nam phụ thuộc về nguyên vật liệu và thiết bị từ Trung Quốc, và điều này làm cho Việt Nam dễ bị ảnh hưởng khi dịch bệnh bùng phát", thư điện tử của Bộ Công thương gửi Reuters có đoạn viết.

Theo Bộ Công thương, Samsung, nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất vào Việt Nam cũng phải chịu ảnh hưởng, cụ thể là dây chuyền sản xuất hai loại điện thoại mới của hãng này vì phần lớn phụ kiện nhập từ Trung Quốc.

Tuy nhiên, hôm 20/2 trang tin Nikkei của Nhật bản trích lời giới chức Công ty điện tử Samsung Electronics cho biết hoạt động tại các nhà máy của Samsung tại Việt Nam vẫn diễn ra ở công suất tối đa.

Ông Nguyễn Trí Thông, Giám đốc Truyền thông Công ty Điện tử Samsung Việt Nam, cho biết : "Hoạt động của Samsung tại Việt Nam hiện vẫn hoàn toàn bình thường. Cứ 2 chiếc điện thoại Samsung bán ra trên thế giới thì có 1 chiếc được sản xuất tại Việt Nam. Chúng tôi đang hoạt động hết công suất".

Samsung đã công bố ra mắt điện thoại Galaxy S20 tại Hoa Kỳ vào ngày 12/2. Điện thoại dự kiến sẽ bán ra thị trường ngày 6/3, điều này cho thấy Samsung có đủ năng lực để sản xuất model cao cấp tại các nhà máy Việt Nam cho cả thị trường trong nước và quốc tế.

Theo Reuters, Việt Nam hôm thứ Năm (20/2) đã giảm bớt một số hạn chế liên quan đến y tế đối với thương mại xuyên biên giới để thúc đẩy hoạt động kinh tế, nhưng một số biện pháp nghiêm ngặt vẫn được áp dụng.

Bộ Công thương cho biết Samsung đang xem xét sử dụng vận tải đường biển hoặc đường hàng không để nhập khẩu các linh kiện cần thiết nhưng điều này sẽ làm tăng chi phí và hầu như không đáp ứng được lịch trình sản xuất và nhu cầu.

Nếu dịch bệnh không được kiềm chế trong khoảng 1 tháng tới, chúng tôi sẽ dự trữ hàng. Sản lượng TV và điện thoại trong nước sẽ giảm mạnh", Bộ cho biết, trích dẫn từ một báo cáo của Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam.

*****************

Dịch covid-19 : Bộ Y tế lo ngại người trở về từ Trung Quốc trốn cách ly (RFA, 21/02/2020)

Bộ Y tế Việt Nam hôm 20/2 cho biết một số người Việt Nam trở về từ vùng dịch covid-19 đã trốn cách ly theo quy định là 14 ngày. Bộ Y tế yêu cầu công an ở các tỉnh thành lập danh sách những người trở về trong 14 ngày qua để báo giới chức y tế nhằm kịp thời cách ly những người này.

songvoi4

Hình minh họa. Nhân viên y tế kiểm tra thân nhiệt một tài xế ở cửa khẩu Hữu Nghị trên biên giới với Trung Quốc hôm 20/2/2020 - Reuters

Dịch covid-19 xuất phát từ thành phố Vũ Hán, Trung Quốc vào khoảng tháng 12 năm ngoái hiện đã lan ra 29 quốc gia và vùng lãnh thổ với hơn 76.000 ca nhiễm bệnh và hơn 2.200 ca tử vong, phần đông là tại Trung Quốc.

Việt Nam cho đến lúc này mới ghi nhận 16 ca dương tính với virus mới và đã cho xuất viện 15 ca.

Thành phố Hồ Chí Minh hôm 21/2 đã cho xuất viện bệnh nhân người Mỹ gốc Việt và thông báo thành phố không còn người nhiễm covid-19.

Thung tâm Kiểm soát Bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh cho báo chí biết đã có hai hành khách thuộc du thuyền Westerdam đến sân bay Tân Sơn Nhất vào chiều ngày 20/2. Đây là du thuyền đậu ở Campuchia và đã phát hiện có trường hợp nhiễm covid-19. Giới chức y tế thành phố cho biết hai người này đã được kiểm tra y tế và không có dấu hiệu bệnh. Tất cả các hành khách còn lại trên chuyến bay cũng bình thường và đều được khuyến cáo về bệnh dịch.

Trong khi đó, tại Nam Hàn, số người nhiễm covid-19 đã tăng gấp 3 lần trong vòng 3 ngày qua với tổng số ca nhiễm được hãng tin Yonhap của Nam Hàn ghi nhận là 156 trường hợp. Thành phố Deagu của Nam Hàn là nơi có nhiều ca nhiễm nhất với 41 trường hợp. Chính phủ nước này đã tuyên bố thành phố Daegu và Cheongdo là "khu vực quan tâm đặc biệt" sau một loạt trường hợp dương tính với virus mới những ngày qua.

Nguyên nhân khiến Nam Hàn có số ca nhiễm covid-19 tăng vọt được cho là do ca nhiễm số 31 ở nước này đã tham gia nhiều hoạt động cộng đồng và sử dụng phương tiện giao thông công cộng trong thời gian ủ bệnh.

*******************

Nữ sinh ở Huế tử vong sau 1 tuần ho sốt, chính quyền nói không do covid-19 (RFA, 22/02/2020)

Nữ sinh lớp 12 ở Thừa Thiên - Huế, Việt Nam vừa tử vong sau 1 tuần có các biểu hiện của viêm đường hô hấp như khó thở, ho, sốt tuy nhiên các báo trong nước lại dẫn thông tin từ cơ quan chức năng cho biết người này tử vong do bệnh lý về não, mặc dù chưa có kết quả xét nghiệm bệnh phẩm.

songvoi5

Hình minh hoạ. Bác sĩ mặc đồ bảo vệ ở tại khu cách lý cho bệnh nhân covid 19 ở bệnh viện Chợ Rẫy, thành phố Hồ Chí Minh hôm 31/1/2020 - Reuters

Tối 21-2-2020, các báo trong nước dẫn thông tin từ ông Hoàng Văn Đức, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thừa Thiên - Huế xác nhận, ở địa phương vừa có một ca tử vong có các triệu chứng tương tự covid-19 vào buổi sáng nhưng khám nghiệm pháp y thì do bệnh não chứ không do bệnh dịch đang hoành hoành ở trên thế giới.

"Tuy nhiên để gia đình và mọi người an tâm, chúng tôi vẫn lấy mẫu xét nghiệm để gửi đi kiểm tra covid-19. Tôi cũng mong mọi người đừng xa lánh với người thân của gia đình người đã khuất" - báo Tuổi trẻ online dẫn lời ông Đức nói.

Mẫu bệnh phẩm được gửi đi Viện Pasteur Nha Trang và Bệnh viện Trung ương Huế để xét nghiệm, đồng thời cơ quan y tế cũng tiến hành phun thuốc khử trùng ngôi nhà và kiểm tra sức khỏe người thân của nạn nhân.

Theo ông Hoàng Văn Đức, qua kiểm tra yếu tố dịch tễ, nữ sinh này và người thân, hàng xóm đều không có ai từng tiếp xúc với người hoặc đi đến vùng có dịch.

Chính quyền Huế cho biết, đến tối 21/2 vẫn chưa có ca bệnh nào hoặc ca nghi nhiễm nào do virus corona chủng mới gây ra.

Mặc dù vậy, du thuyền Diamond Princess đang có 634 người nhiễm nCoV (tên gọi cũ của covid-19) từng cập cảng Chân Mây, Thừa Thiên Huế để du khách tham quan vào hôm 27-1-2020 trước khi đến Nhật ngày 3/2 và phát hiện ca dương tính đầu tiên.

Ngày 7/2, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đi thị sát về công tác phòng chống dịch covid-19 ở tại Huế khi thông tin về tàu Diamond Princess có người nhiễm nCoV được loan đi trên các tờ báo nước ngoài.

******************

Virus corona - Covid-19 : Thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị cho nghỉ học đến hết tháng Ba (RFI, 20/02/2020)

Sáng hôm nay 20/02/2020, chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong ký văn bản kiến nghị Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo và Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và xã hội kéo dài thời gian nghỉ học của học sinh, sinh viên, học viên các cơ sở giáo dục và giáo dục nghề nghiệp đến hết tháng 03/2020.

songvoi6

Làm vệ sinh lớp học để chuẩn bị đón học sinh tại một trường ở Hà Nội, Việt Nam, ngày 15/02/2020 Reuters/Kham

Hiện nay, học sinh thành phố Hồ Chí Minh đang được nghỉ học đến hết ngày 29/02. Theo báo chí trong nước, chủ tịch thành phố cũng kiến nghị chính phủ điều chỉnh thời gian năm học 2019-2020, theo đó học kỳ 2 sẽ được tiếp tục từ tháng 04 đến tháng 07 và kỳ thi tốt nghiệp phổ thông quốc gia sẽ được dời đến cuối tháng 07.

Theo UBND Thành phố Hồ Chí Minh, tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp khó lường, với nhiều nguy cơ tiềm ẩn và chưa có dấu hiệu ổn định trong thời gian ngắn sắp tới, vì vậy, điều quan trọng là bảo đảm an toàn và sức khỏe cho người học, giúp học sinh và gia đình yên tâm.

Vào ngày 14/2, bộ Giáo dục và Đào Tạo Việt Nam đã đề nghị các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, xem xét cho học sinh, sinh viên nghỉ học đến hết tháng 2.

Thùy Dương

******************

Dịch covid 19 : Miền Trung tiếp tục đón khách từ các tàu du lịch nước ngoài (RFA, 20/02/2020)

Đà Nẵng và Huế tiếp tục đón các tàu du lịch nước ngoài với hàng trăm khách vào thăm giữa mùa dịch covid 19, sau khi tỉnh Quảng Ninh trước đó đã từ chối hai tàu du lịch nước ngoài khác vì sợ bệnh dịch lây lan.

songvoi7

Quá trình làm thủ tục cùng thuyền viên và hành khách có nhu cầu lên bờ, tham quan tỉnh Thừa Thiên-Huế - Courtesy of Vietnamnet - RFA edited

Truyền thông trong nước cho biết, vào ngày 19/2, Cảng Chân Mây (Thừa Thiên Huế) đã đón hai du thuyền hạng sang cỡ nhỏ Crystal Symphony và Silver Spirit để tham quan cố đô Huế. Tổng số thủy thủ và du khách trên hai tàu này là khoảng hơn 1.000 người.

Theo ông Nguyễn Văn Phúc, Phó giám đốc Sở Du lịch Thừa Thiên Huế, hấu hết các hành khách trên hai tàu này đến tứ Bắc Mỹ, Châu Âu và Úc, hoàn toàn không có du khách Trung Quốc.

Sau khi hai du thuyền Crystal Symphony và Silver Spirit cùng quốc tịch Bahamas cập cảng Chân Mây, bộ Y tế đã tiến hành kiểm dịch y tế cho toàn bộ hành khách và thủy thủ đoàn có nhu cầu lên bờ và không có trường hợp nào có dấu hiệu nghi nhiễm covid-19.

Theo lịch trình, du thuyền Crystal Symphony sẽ cập cảng Hiệp Phước, Thành phố Hồ Chí Minh trong 3 ngày, và ngày 24/2 sẽ rời đến nước khác.

Hôm 19/2, tàu Silver Spirirt cũng đã đến cảng Tiên Sa, Đà Nẵng, theo ông Nguyễn Xuân Bình, phó giám đốc Sở Du lịch Thành phố Đà Nẵng. Sở Du lịch Thành phố Đà Nẵng cho biết dù ngành du lịch tại đây chịu ảnh hưởng nặng do dịch covid-19, nhưng Đà Nẵng vẫn là điểm đến an toàn, được du khách châu Âu tin tưởng lựa chọn.

Hai du thuyền này có sức chở hơn 1.000 hành khách, nhưng trong đợt này, tàu Silver Spirit chỉ có 208 hành khách và 405 thủy thủ. Trong khi đó, tàu Crystal Symphony có sức chở 848 hành khách và 545 thủy thủ, nhưng đợt này cũng chỉ chở 147 khách và 536 thủy thủ.

********************

Việt Nam phong tỏa phòng Covid-19 : Thiếu chuẩn bị tâm lý, lợi bất cập hại (RFI, 19/02/2020)

Đầu tháng 2/2020, dịch Covid-19 từ Vũ Hán, Trung Quốc, gây lo ngại lớn tại Việt Nam. Xã Sơn Lôi, tỉnh Vĩnh Phúc, với nhiều người nhiễm virus trở về từ Vũ Hán, truyền sang người khác, trở thành một "ổ dịch". Ngày 13/02, chính quyền phong tỏa Sơn Lôi để chống dịch. Nhiều người cảnh báo, nếu làm sai cách, việc phong tỏa toàn bộ một khu vực dân cư lớn sẽ lợi bất cập hại.

songvoi8

Công an đeo khẩu trang kiểm soát lối vào xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc, ngày 13/02/2020 Nhac NGUYEN / AFP

Cho đến nay, thông tin về diễn biến của cuộc phòng chống dịch bệnh tại xã Sơn Lôi, hơn 10.000 dân, gần như hoàn toàn do các kênh truyền thông của Nhà nước loan tải. Nếu như chính quyền thường xuyên đưa ra các thông điệp cho thấy tình hình chống dịch tại Sơn Lôi diễn biến tích cực, một số thông tin tại chỗ cho thấy không hẳn đã như vậy (nhiều người dân Sơn Lôi không dám lên tiếng trên công luận để thông tin về dịch bệnh, do lo ngại bị chính quyền trừng phạt. Tại Việt Nam, dư luận chú ý đến việc hai người dùng Facebook bị chính quyền phạt tiền khi đăng tải thông tin về Covid-19, với cáo buộc xuyên tạc sự thực).

Bên cạnh các thiếu thốn về phương tiện vệ sinh phòng hộ, điểm đáng chú ý là nỗi lo khá phổ biến trong dân chúng, vì thiếu thông tin, đặc biệt về tình trạng các thân nhân, đang sống cách ly xa gia đình, tình trạng một số người "tâm lý yếu" hoảng sợ khi bị cưỡng chế cách ly. Việc thiếu sự chuẩn bị tâm lý và kỹ năng phòng dịch cho người dân, trước một đợt phong tỏa kéo dài, đặt người dân vào thế thụ động, lo lắng, hoang mang, khiến đợt phong tỏa phòng dịch có thể dễ dàng mất đi hiệu quả mong muốn, nhất là trong bối cảnh nỗi ám ảnh do virus đè nặng, không khí kỳ thị dân cư vùng bị dịch khá phổ biến ở nhiều nơi.

Trong việc phòng chống dịch Covid-19, đang trong diễn biến khó lường, chính quyền Việt Nam dường như đã không chú ý đúng mức đến mức độ nguy hiểm của "virus vô hình của nỗi sợ", đang trở thành mối đe dọa không thể coi nhẹ.

Nguồn gốc "ổ dịch"

Trở lại với ổ dịch tại xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc. Đây là nơi có nữ công nhân Nguyễn Thị D., từ Vũ Hán (Wuhan), trở về Sơn Lôi, ngày 17/01, tức khoảng một tuần trước khi thành phố bị phong tỏa. Ngày 25/01, chị Nguyễn Thị D. đã tới Viện Vệ Sinh Dịch Tễ Trung Ương lấy mẫu. Ngày 30/01, kết quả xét nghiệm cho thấy chị bị nhiễm Covid-19. Nữ công nhân Nguyễn Thị D. là một trong ba người Việt Nam đầu tiên nhiễm virus corona mới, và là người để virus truyền trực tiếp sang 5 người khác. Một bé gái 3 tháng tuổi bị nhiễm virus từ một trong 5 người nói trên.

Chị D. là một trong 8 công nhân được cử sang Vũ Hán tập huấn. Trong số họ tổng cộng 5 người bị nhiễm virus. Tất cả đều trú quán tại tỉnh Vĩnh Phúc. Vĩnh Phúc trở thành địa phương có đông người nhiễm virus corona nhất trên cả nước (chiếm 11 trên 16 ca). Ngày 12/02, chính quyền tỉnh Vĩnh Phúc quyết định phong tỏa xã Sơn Lôi. Cuộc phong tỏa bắt đầu ngay ngày hôm sau, 13/02. Thời gian dự kiến kéo dài 20 ngày.

Diễn biến "chống dịch" theo truyền thông Nhà nước

Theo thông tin từ phía chính quyền, Vĩnh Phúc đã áp dụng các biện pháp khẩn cấp về phòng chống dịch theo quy định của Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm, tiến hành khoanh vùng, cách ly khu vực có dịch tại xã Sơn Lôi, nơi có nhiều ca mắc nhất trên địa bàn huyện Bình Xuyên, cũng như tỉnh Vĩnh Phúc. Xã Sơn Lôi thành lập 12 chốt tại các trục đường chính, còn tại các tuyến đường nhỏ, trong các cánh đồng đều có lực lượng tuần tra an ninh 24/24. Đồng thời, "phun khử trùng, tiêu độc, huy động tối đa lực lượng kiểm soát tình hình sức khỏe của người dân".

Bộ Y Tế đã cử 2 đội công tác đặc biệt trực 24/24 ở Bình Xuyên, hỗ trợ tại chỗ công tác giám sát dịch, cũng như điều trị cho bệnh nhân. Mỗi người dân có bảng theo dõi sức khỏe sát sao. Mỗi ngày cán bộ đến 2 lần, đến theo dõi xem có ốm, sốt ho, gai người... cặp nhiệt độ sáng chiều.

Trong cuộc họp báo chiều 14/2, chủ tịch UBND huyện Bình Xuyên cho biết chính quyền đã dự đoán đợt phong tỏa chắc chắn sẽ có những tác động không nhỏ đến đời sống người dân, đồng thời khẳng định "đảm bảo đủ nước rửa tay, khẩu trang, không có việc lên mạng kêu gọi hỗ trợ". Tỉnh Vĩnh Phúc cũng cho biết tập trung các nguồn lực để hỗ trợ người dân trong vùng cách ly, về nhu yếu phẩm.

Thiếu phương tiện, thiếu thông tin về thân nhân

Xã Sơn Lôi có khoảng 1.400 người theo Công giáo. linh mục Phanxicô Xaviê Nguyễn Đức Đại, phụ trách giáo xứ Hữu Bằng, từ ít ngày gần đây, được chính quyền cho phép đưa một số trang bị vệ sinh, phòng hộ vào cho những người Công giáo trong vùng dịch. Linh mục Nguyễn Đức Đại cho biết một số nét chính về đời sống giáo dân tại Sơn Lôi. Ngoài vấn đề trang bị vệ sinh, phòng dịch, ông đặc biệt lo ngại về tâm trạng của bà con giáo dân. Trả lời RFI hôm 17/02, Linh mục Nguyễn Đức Đại cho biết :

"Những người Công giáo chưa ai xét nghiệm bị dương tính. Ăn thì người ta vẫn có cái ăn, đời sống thì không ngại lắm. (Điểm đáng lo là) họ không thấy sự nguy hiểm của nó, nhiều lúc họ coi rất bình thường. Mình cũng đề nghị chính quyền cấp cho họ khẩu trang, cũng như thiết bị y tế, như nước rửa, sát trùng. Nhưng đến ngày hôm nay, nhưng cũng chỉ mới phát lẻ tẻ, không đáng kể… Một số người đi làm ở các nơi khác bị đuổi việc, bắt tập trung về thôn của mình. Một số người tâm lý hơi yêu yếu, tâm lý có hơi hoảng loạn.

Những người ở trong đó cũng theo dõi thôi, nhưng có biết những người đang cách ly ở đâu đâu, tình trạng như thế nào đâu. Cứ theo dõi xem có ai không, sợ nhỡ người nhà mình. Chỉ có đọc kinh cầu nguyện thôi".

Vị cha xứ cũng cho biết tình hình đang từng bước được cải thiện, trước hết với việc một linh mục, cha Hoàng Trọng Hữu, được phép vào trong vùng dịch, để hỗ trợ người dân tại chỗ. Về nguyên nhân dẫn đến tình trạng bệnh dịch phát triển nặng thêm trong thời kỳ đầu, linh mục Nguyễn Đức Đại nhận xét là những người có nguy cơ bị nhiễm virus đã không được chuẩn bị tâm lý để thực hiện tốt việc tự cách ly, nhằm bảo vệ cộng đồng.

"Nếu ngay từ lúc đầu, nếu mình làm tốt, thì nó không bùng ra như thế, nhưng làm không chặt lắm. Chúng tôi được biết là những người đó (có nguy cơ nhiễm virus) về, nhưng họ vẫn sinh hoạt bình thường. Họ vẫn ăn uống, hát karaoke, rồi đi lại bình thường. Sau khi đã xác định họ dương tính với virus, thì còn mấy người khác trong gia đình, bảo cách ly, chỉ cách ly tại nhà thôi, nhưng họ không chịu. Họ vẫn đi làm, coi sóc con cháu… Mình đã không có biện pháp làm cho tốt hơn, cũng không hỗ trợ họ nên chính vì thế bị ảnh hưởng thêm".

Cần "giám sát độc lập"

Về tình hình phòng chống dịch tại Sơn Lôi, với biện pháp phong tỏa toàn bộ xã, trả lời RFI, Bác sĩ Trần Tuấn, tiến sĩ y tế cộng đồng, cho biết nhận xét chung của ông :

"Tôi có theo dõi ở Sơn Lôi, thấy rằng dường như quyết tâm của chính quyền là cao, nhưng sự phối hợp đồng bộ giữa chính quyền với bên y tế, để bảo đảm triển khai để người thực hiện đúng các nguyên tắc của bên y tế cộng đồng đưa ra, thì tôi cho rằng việc thực thi này, có lẽ là lần đầu tiên họ làm, cho nên chưa có kinh nghiệm. Phần giáo dục cho dân, cung cấp kiến thức cụ thể cho dân, các bước cụ thể cho mỗi cá nhân hiểu và thực thi trách nhiệm cá nhân, thì trong những ngày đầu chưa đảm bảo. Điểm thứ hai nữa là cần phải có bộ phận giám sát đánh giá độc lập, tham gia vào để bảo đảm thực thi, bảo đảm tính thực tế của kế hoạch này. Việc giám sát này chúng tôi nghĩ rằng cần phải có một bộ phận thực sự khoa học, độc lập với bộ phận đang triển khai, của địa phương. Nếu có thể được, thì đấy phải là các tổ chức chuyên đánh giá về y tế cộng đồng, thì đến cuối đợt chúng ta có thể có những số liệu, thông tin để đúc rút kinh nghiệm, để đánh giá hiệu quả thực sự của nó. Để rồi áp dụng ngay cho giai đoạn tiếp theo".

(Theo quy định của chính phủ Việt Nam, Tiểu ban giám sát thuộc Ban chỉ đạo chống dịchcó hai nhiệm vụ, theo dõi diễn biến dịch và tổ chức thực hiện phòng chống dịch. Chức năng "giám sát" ở đây hoàn toàn không liên quan đến hoạt động "giám sát", theo đề nghị của Bác sĩ Trần Tuấn).

Vai trò người dân bị coi thường : Bài học Vũ Hán

Bác sĩ Trần Tuấn đặc biệt lưu ý đến Bài học Vũ Hán, với việc chính quyền Trung Quốc đã không xem người dân như các chủ thể chủ động, tích cực, là "tuyến đầu" trong việc phòng chống dịch. Bài học thất bại của Vũ Hán, nếu không được rút ra đầy đủ có thể lặp lại tại những nơi khác, cụ thể như Việt Nam.

"Phải nói đây là một virus có tính lây nhiễm cao, nhưng độc lực vào loại trung bình, trong các virus gây viêm nhiễm đường hô hấp. Nếu như tính lây nhiễm cao, độc lập trung bình thôi, thì các biện pháp, các kinh nghiệm trong phòng chống dịch chúng ta đã có. Từ các virus có vắc xin hoặc chưa, thì về nguyên tắc, chúng ta có đủ kinh nghiệm khoa học và kinh nghiệm để kiểm soát tốt vụ dịch này, không để lây lan mạnh được. Nhưng tại Vũ Hán, vì sao tình trạng lại xảy ra nặng nề như vậy, đặc biệt là số người chết, người mắc lại tăng rất nhanh sau khi biện pháp cô lập, cách ly thành phố đã được thực hiện.

Chúng tôi thấy, khi chính quyền Trung Quốc tổ chức phòng chống dịch này, thì dường như họ lại xem dường như người dân như là một đối tượng chỉ có tuân thủ và thi hành những gì mà bên hệ thống Nhà nước đưa ra, chứ không xem người dân là một chủ thể tích cực, có tính chủ động. Chúng tôi xem là bản thân các chủ thể là phòng tuyến đầu, họ có thể tự bảo vệ mình bằng các kiến thức để khỏi bị lây nhiễm, hoặc khỏi gây lây nhiễm cho người khác, nếu đã nhiễm bệnh. Và điều thứ ba cần chú ý, là trong trường hợp dịch bệnh không có thuốc đặc trị, không có vắc xin, thì chính khả năng tự miễn dịch của mỗi cá nhân, nếu được nâng cao, nếu được bảo vệ thì là một yếu tố tích cực nhất. Họ mới là điểm chính trong cuộc chiến đánh bại con virus, khi virus đã xâm nhập cơ thể. Hỗ trợ của y tế chỉ trong trường hợp cấp thiết, ví dụ như các trường hợp nặng. Còn không tất cả các biện pháp ăn uống, sinh hoạt (tập luyện thể chất), đặc biệt về tâm lý là người dân hoàn toàn có thể làm được. Nếu hiểu được như vậy, thì chúng ta sẽ tránh được đường lối can thiệp mang tính bất ngờ, đột ngột, xáo trộn cuộc sống của người dân, trong khi chưa chuẩn bị được tinh thần, và kiến thức của người dân, đối phó với dịch".

Để "virus của nỗi sợ" lan tràn : WHO ở đâu ?

Để chống dịch virus Covid-19, có thể dựng các hàng rào hữu hình để phong tỏa cả một xã, một thành phố, nhưng biện pháp quyết liệt này rất có thể sẽ lợi bất cấp hại, nếu tình hình phòng chống bệnh dịch không dựa trên các nghiên cứu cụ thể, và nỗi sợ vô hình tác hại nặng nề đến tâm lý người dân, rất có thể còn nguy hại hơn cả chính con virus (nhà hoạt động xã hội Nguyễn Lân Thắng trong một chia sẻ với chúng tôi cho biết hai gánh nặng tâm lý khác là tâm trạng không tin tưởng vào hành xử của chính quyền trong một bộ phận người dân, cùng với nạn tin giả tràn lan).

Trong bài trả lời phỏng vấn RFI, Bác sĩ Trần Tuấn nhấn mạnh đến việc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã không thực hiện đúng vai trò của một định chế y tế quốc tế, có khả năng tiến hành nghiên cứu dịch tễ tại các khu vực có nguy cơ cao (cũng như tại Trung Quốc), WHO có xu hướng "đồng nhất" dịch bệnh Covid-19, trên phần còn lại của thế giới, với tình hình dịch bệnh đã trở thành đại dịch tại Trung Quốc, bùng phát do cách quản lý không minh bạch của chính quyền nước này.

"Truyền thông quốc tế gắn nối một cách quá mức diễn biến dịch bệnh ở Trung Quốc với nguy cơ xảy ra ở các nước. Phát biểu gần đây của lãnh đạo WHO, cho rằng khó mà tiên lượng được dịch, đã đánh đồng việc khó tiên lượng được ở Trung Quốc, với dịch bệnh ở các nước. Thực tế diễn biến dịch, hình thái phân bố, số mắc, số chết… cho đến nay, khác biệt rất rõ giữa diễn biến tại Trung Quốc, tại Vũ Hán, với bên ngoài. Việc đồng nhất diễn biến tại Trung Quốc với thế giới làm tăng thêm nỗi lo. Lẽ ra WHO, về thông tin dịch tễ học, trong vai trò của mình, với các văn phòng khu vực, và tại các nước mà dịch lan đến, hoàn toàn có thể tiến hành hoặc hỗ trợ các nghiên cứu dịch tễ học. Tạo ra các bằng chứng khách quan hơn, để đánh giá cho đúng hơn tính lây lan, độc lực của virus, giúp cho việc cân bằng (về đánh giá), để giảm nỗi lo sợ. Chúng tôi thấy rằng WHO gần như không thấy nói đến các kế hoạch nghiên cứu đã được triển khai đến đâu, các văn phòng khu vực đã tiếp xúc với các bệnh nhân đến đâu, hỗ trợ chính phủ các nước như thế nào. WHO vẫn có xu hướng đồng nhất diễn biến dịch tại Trung Quốc với phần còn lại của thế giới. Điều này khiến diễn biến dịch bệnh tại Trung Quốc trở thành nỗi ám ảnh của thế giới".

Xu hướng đồng nhất này thể hiện rõ ràng qua việc rất nhiều người tin rằng gần 2.000 người chết do virus hiện nay (theo con số chính thức) là rải ra trên toàn thế giới nói chung, chứ không phải là tuyệt đại số trên lãnh thổ Trung Quốc, và chủ yếu tại vùng tâm dịch Vũ Hán – Hồ Bắc. Sự đồng nhất này là một nguyên nhân khiến nỗi ám ảnh, sợ hãi virus (cùng với những thông tin chính thức và không chính thức về thảm họa y tế tại Vũ Hán) rất có thể vượt quá xa mức độ nguy hiểm thực sự, xét về mặt sinh lý học, của chính bản thân virus.

Hệ quả của việc không kiểm soát, hạn chế hay giải tỏa được nỗi sợ hãi bao trùm này là tình trạng kỳ thị trong xã hội, tâm lý lo âu quá mức gia tăng. Trong trường hợp dịch bệnh có thêm các diễn biến bất thường, thêm nhiều khu vực bị phong tỏa, thì không khí hoang mang này ắt hẳn sẽ càng gây khó khăn thêm cho việc phòng chống dịch bệnh.

Trọng Thành

******************

Virus corona - Covid-19 : Cơ hội để Việt Nam giảm phụ thuộc thị trường Trung Quốc ? (RFI, 19/02/2020)

Phải chăng "trong cái rủi có cái may", dịch Covid-19 có lẽ là cơ hội để Việt Nam không bị phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Trao đổi mậu dịch song phương lên đến 107,6 tỉ đô la.

songvoi9

Ảnh minh họa : Công nhân phân loại và đóng gói trái vải để xuất khẩu tại một cơ sở ở phía bắc thành phố Hải Dương, miền Bắc Việt Nam. i Duong province. HOANG DINH NAM / AFP

Theo Tổng Cục Thống Kê, Việt Nam nhập khẩu nhiều nhất từ Trung Quốc, đạt mức 75,3 tỉ đô la trong năm 2019, tăng 14% so với năm 2018. Những mặt hàng chủ yếu nhập từ Trung Quốc là tư liệu sản xuất, trong đó có nguyên, nhiên, vật liệu. Về xuất khẩu, Trung Quốc là thị trường lớn thứ ba của Việt Nam (sau Mỹ và Liên Hiệp Châu Âu), đạt 32,5 tỉ đô la tính đến tháng 10/2019, trong đó có nông sản, thủy hải sản…

Tuy nhiên, dường như thị trường Trung Quốc trở nên "khó tính" hơn đối với nông sản Việt Nam. Điều này được thể hiện qua đề nghị "khơi thông nông sản xuất khẩu từ Việt Nam" của phó thủ tướng Vương Đình Huệ với lãnh đạo tỉnh ủy Vân Nam (Trung Quốc) hôm 23/10/2019.

Thực vậy, Trung Quốc không còn là nhà nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam, mà hiện tại là Philippines. Nguyên nhân chính là do chiến tranh thương mại Mỹ-Trung khiến hàng Trung Quốc bị tồn đọng nhiều, phải tiêu thụ trong nước nên nhu cầu nhập khẩu giảm mạnh.

Ngoài ra, do Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ để hỗ trợ xuất khẩu nên chính phủ phải chi nhiều hơn cho nhập khẩu. Hậu quả là gạo của Việt Nam bị ép giá. Cuối cùng, thị trường Trung Quốc cũng có những thay đổi : người tiêu dùng có đời sống cao hơn, tập trung vào chất lượng hơn là số lượng sản phẩm tiêu thụ.

Dịch virus corona (Covid-19) tại Trung Quốc gây tác động trực tiếp đến trao đổi thương mại với Việt Nam. Theo thống kê sơ bộ của Tổng Cục Hải Quan, tổng trị giá xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc trong tháng 01/2020 chỉ đạt 8,29 tỉ đô la, giảm 25,8% so với tháng 12/2019 và giảm 11,8% so với cùng kỳ năm 2019. Ngoài lý do thời gian nghỉ Tết Nguyên đán của hai nước kéo dài và rơi vào tháng Giêng, dịch bệnh Covid-19 cũng khiến hoạt động kinh tế và sản xuất của Trung Quốc gần như bị tê liệt.

Trang bignewsnetwork ngày 17/02 nhận định "giữa hai nước (Việt Nam và Trung Quốc) tồn tại một môi trường và điều kiện sản xuất và việc giảm khả năng hoặc nhu cầu từ một nước sẽ tác động đến nước kia". Một trong những tác động đầu tiên, từng được chính phủ Việt Nam nhắc đến, là thiếu vật liệu để sản xuất khẩu trang ngay đầu mùa dịch Covid-19 khi nhu cầu tăng cao bất thường. Tiếp theo, là trái cây và nông phẩm tiếp tục ùn ứ ở cửa khẩu phụ Tân Thanh và Cốc Nam - tỉnh Lạng Sơn và lối mở Km3+4 trong những ngày gần đây, theo trang Petro Times (ngày 19/02).

Dù thủ tướng chính phủ ban hành quyết định 224/CĐ-TTg ngày 12/2/2020 cho phép tiếp tục hoạt động xuất nhập khẩu, vận chuyển hàng hóa qua hai cửa khẩu phụ này, nhưng thời gian hoàn tất thủ tục thuế, cũng như việc cách ly được cả hai bên áp dụng khiến thời gian giao hàng bị kéo dài và ảnh hưởng đến chất lượng một số sản phẩm tươi như trái cây.

Cũng vì dịch bệnh, thông thương đường sắt và hàng không với Trung Quốc bị giảm khiến Việt Nam không thể nhận được đúng thời hạn nguyên vật liệu, sản phẩm từ Trung Quốc, ảnh hưởng đến thời hạn giao hàng cho bên thứ ba.

Trang The Star (ngày 17/02) của Miến Điện cho rằng dịch Covid-19 là cơ hội để Việt Nam tìm ra những nguồn cung cấp vật liệu mới cũng như đầu ra cho nông phẩm. Một số doanh nghiệp Việt Nam, trong đó có lĩnh vực dệt may, đang nghiên cứu nhập khẩu vật liệu từ Hàn Quốc, Ấn Độ, Bangladesh và Brazil để tránh phụ thuộc vào khối lượng nhập khẩu rất lớn từ Trung Quốc.

Trong chuyến công du Ấn Độ vào tuần trước, thứ trưởng Bộ Công thương Việt Nam Cao Quốc Hùng đã đề nghị New Delhi tăng khối lượng nhập khẩu trái cây Việt Nam (nhãn, vải, mãng cầu, thanh long), cũng như cá nuôi và vải cho ngành dệt may. Từ 5 năm gần gây, trao đổi thương mại giữa hai nước đã tăng thêm gần 48%, đạt 13,7 tỉ đô la trong năm 2019, nhưng Việt Nam vẫn chỉ là đối tác thương mại thứ 4 trong khối ASEAN của Ấn Độ.

Cuối cùng, Liên Hiệp Châu Âu, với hiệp định thương mại EVFTA được Nghị Viện Châu Âu thông qua ngày 12/02, là cơ hội để Việt Nam tăng khối lượng trao đổi mậu dịch, tránh phụ thuộc vào Trung Quốc.

Thu Hằng

******************

Virus corona - Covid-19 : Việt Nam dời Festival Huế vì lo ngại dịch bệnh (RFI, 19/02/2020)

Theo báo chí trong nước, chính quyền tỉnh Thừa Thiên-Huế hôm 18/02/2020 đã quyết định dời ngày tổ chức Festival Huế 2020 do lo ngại về tình hình dịch viêm phổi do virus corona mới, Covid-19, gây ra.

songvoi10

Khinh khí cầu bay trên cố đô Huế (Việt Nam) nhân một Festival Khinh Khí Cầu ngày 28/04/2019. Ảnh minh họa Manan VATSYAYANA / AFP

Theo dự kiến Festival Huế 2020 sẽ diễn ra vào đầu tháng 4, với sự tham gia của hơn 20 đoàn nghệ thuật nước ngoài, trong đó có Pháp, bên cạnh các đoàn nghệ thuật của Việt Nam. Thế nhưng, do thủ tướng Việt Nam cũng yêu cầu "hạn chế việc tổ chức lễ hội tập trung đông người", cho nên Tỉnh ủy Thừa Thiên-Huế quyết định hoặc là sẽ dời lại sự kiện văn hóa này đến cuối tháng 8, hoặc sẽ tổ chức vào năm 2021.

Trong khi đó, theo hãng tin AFP, hôm Ban tổ chức Giải đua xe Công thức 1 (F1) cho biết giải đua tại Việt Nam vẫn sẽ diễn ra như dự kiến, tức là sẽ chính thức khởi tranh vào tháng 4/2020 tại Hà Nội, chứ không bị hoãn giống như Giải Chinese Grand Prix ở Trung Quốc.

Ông Trần Trung Hiếu, phó giám đốc Sở Du lịch Hà Nội, hôm qua cũng khẳng định là Giải đua F1 sẽ vẫn diễn ra đúng kế hoạch cho dù đang có dịch Covid-19. Theo ông Hiếu, tuy là một sự kiện thể thao, nhưng giải đua quốc tế này "có tác dụng rất lớn trong việc quảng bá cho du lịch Hà Nội".

Về bộ môn bóng đá, hôm Liên đoàn Bóng đá Việt Nam thông báo một trận đấu hữu nghị giữa hai đội tuyển Việt Nam và Irak, trên nguyên tắc diễn ra ngày 26/03 ở Bình Dương, tức là một tuần trước giải đua F1, sẽ bị hủy, theo đề nghị của Liên đoàn Bóng đá Irak, do lo ngại về dịch Covid-19.

Mối lo ngại này một phần do việc Việt Nam hiện là quốc gia duy nhất ngoài Trung Quốc phải cách ly cả một xã, đó là xã Sơn Lôi, với hơn 10 ngàn dân ở tỉnh Vĩnh Phúc, để ngăn chận sự lây lan của dịch bệnh.

Đời sống của người dân trong xã này, nhất là của giáo dân Công giáo, hiện nay ra sao, trả lời RFI Việt ngữ, cha Phanxicô Xaviê Nguyễn Đức Đại, người coi sóc hai họ đạo Công giáo thuộc Giáo Xứ Hữu Bằng, Giáo Phận Bắc Ninh, cho biết :

"Người Công giáo thì chưa ai bị xét nghiệm dương tính. Về đời sống thì có vấn đề thiếu trầm trọng các thiết bị y tế như nước rửa, nước sát trùng, khẩu trang… Một số người đi làm ở các nơi khác, rồi bị đuổi việc, rồi sau đó bị bắt tập trung vào thôn của mình để phong tỏa. Một số người tâm lý hơi yếu thì hơi hoảng loạn. Những người trong đó thì chỉ biết theo dõi thôi, chứ không biết những người bị cách ly đang ở đâu, tình trạng thế nào, cứ theo dõi xem có ai (bị lây nhiễm) không, sợ rằng có (người nhiễm trong) nhà mình. Chỉ biết đọc kinh cầu nguyện thôi".

Thanh Phương

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Tổng hợp
Read 545 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)